sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Câu Chuyện Hạnh Ngộ

Đã lâu lắm, tôi có đọc một cái truyện ở đâu đó. Truyện rằng một gia đình nọ có 2 người con trai: thằng lớn theo Việt Minh, đứa nhỏ theo Quốc Gia, cả hai đều cầm súng. Một lần người anh đánh trận về khoe rân chiến thắng. Bữa đó bà mẹ giặt áo quần cho con, bất ngờ tìm thấy một tấm hình. Bà hỏi hình này ở đâu? Người con nói lấy trên xác giặc. Bà mẹ ngất xỉu. Dè đâu anh giết em mà không biết. Tấm hình đó chính là hình của đứa em.

Tôi đọc qua rồi quên đi. Cho rằng đó là sự bịa tạc của các ông văn sĩ chứ đời đâu có bi kịch lạ lùng vậy.

Nào ngờ đó chính là bi kịch của tôi.

Một hôm tôi đang sơn cái nhà tôi (đời tên Lê Dương đỏ kháng Pháp, "chống Mỹ mút mùa" mà nay lưu vong trên xứ Mỹ - mới có cái nhà) - bỗng có tiếng gọi chào:

- Ê! Good moming Mít-tơ Thép?

Tôi quay mặt nhìn ra đường. Một người đàn ông mắt kính gọng đen to, tương phản với mái tóc bạc như bông của ông ta. Chiếc xe của ông máy êm quá nên đỗ lại sát lề mà tôi không hay. Tôi nhận ra... chỉ là một người lạ, nghĩa là tôi chưa từng thấy cái gương mặt này trong số bạn bè quanh trong vùng vẫn thường tới lui nhà tôi lâu nay.

Dù không quen cũng chào hỏi đáp lễ. Rồi ngưng công việc, chùi tay vào áo và bước qua bãi cỏ đến trước mặt ông khách. Vẫn với cặp’ mất ngơ ngác như hỏi: "ông là ai?"

Thì ông khách giơ tay cho tôi. Tôi bắt lấy và nói:

- Tôi không phải tên Thép.

- Thế thì Bonjour monsieur Lửa. Hà hà!

- Thưa ông, ông lầm nhà rồi. Tôi cũng không phải tên Lửa Củi gì hết!

- Thế thì chào ông Quyết Thắng!

Tôi giật mình. Cái tên "Quyết Thắng" đã vùi sâu trong đống tro tàn dĩ vãng tưởng chừng đã ngàn năm nay bị móc lên bất ngờ. Tôi nhìn ông khách với cặp mất có lẽ ngạc nhiên hơn lúc nãy. Ông khách cười cởi mở, hồn nhiên:

- Xin lỗi ông! Tôi đến hơi đường đột. Có chút chuyện muốn thưa qua, chớ để trong bụng nó cứ áy náy hoài. Ngoài ra cũng muốn thăm ông một chút.

- Dạ xin cám ơn!

- Câu chuyện hơi dài. Nếu ông cho phép thì tôi xin thưa.

- Xin mời ông vào nhà uống tách trà ấm bụng cái đã.

Câu chuyện của người khách lạ, tôi xin ghi như sau:

Khoảng năm 65-66 tôi có cho phép một đại úy dưới quyền của tôi đi vào Củ Chi thăm một người anh ruột ở ngoài Bắc mới về. Viên đại úy rất trẻ nhưng rất giỏi trong binh nghiệp. Có thể nói là một tay chịu chơi trong đơn vị của tôi. Khi đụng trận có cậu ta là tôi vững lòng lắm. Ra trận luôn đi đầu, hết đạn thì lắp lưỡi lê và quay báng súng đập. Lính mến phục tặng cậu ta hỗn danh: "con chim cực đen".

Anh ta lên trực tiếp xin gặp tôi và trình bày hoàn cảnh gia đình. Cuối cùng xin phép vô Củ Chi. Tôi không suy nghĩ lâu lắc. Tôi OK ngay. Nhưng sau đó tôi phải báo cho cục An Ninh Quân Đội. Họ có gọi viên đại úy của tôi lên gặp và cuối cùng cậu ta được như ý- hơn cả như ý nữa. Nghĩa là cậu ta, ngoài bản thân, còn được đưa cả gia đình vào thăm người anh. Cậu ta tỏ ra áy náy khi lên chào tôi trước lúc đi, với giọng xúc động:

- Anh Cả có tin em không?

- Cậu cứ đi. Tôi cho phép và tôi chịu trách nhiệm về cậu.

Anh ta rưng rưng, muốn nói câu gì nhưng không nói được Tôi giục:

- Thôi đi đi. Phép có 3 ngày. Một ngày đi một ngày ở và một ngày về. Nhanh lên kẻo không kịp. Không khéo cậu về tới thì đơn vị đã ở ngoài Huế hay ở dưới Cà Mau, phải bay theo mệt lắm!

Rồi cậu ta đi. Đúng 3 ngày, cậu ta trở về, lên văn phòng trình diện tôi:

- Báo cáo Anh cả, em có mặt, xin chờ lệnh.

- Cậu có gặp người anh chứ?

- Dạ có gặp ạ!

- Anh em lâu ngày mới gặp nhau, mừng dữ hả?

- Dạ, mừng lắm! Nhưng anh em xa nhau từ nhỏ, bây giờ không nhớ mặt. Ngồi bên nhau, hút hết một bao thuốc mà không nói gì. Tối ngủ chung hầm nằm bên nhau mà cũng không nói gì. Rồi chia tay.

Cậu ta kể lại có bấy nhiêu. Tôi cũng không hỏi gì thêm mà cũng không nhớ rằng trong đơn vị mình có một viên đại úy có hoàn cảnh éo le như vậy nữa. Thời buổi chiến tranh con nhà lính, đến trong giấc ngủ cũng nghĩ tới chuyện "đấm", đầu óc ở đâu mà lo những chuyện bao la.

Mãi cho đến Mậu Thân, Hà Nội lén chở súng bằng đường biển vô Năm Căn. Đơn vị tôi được lịnh lùng vùng U Minh. Đang hành quân thì có tin mặt trận bùng nổ khắp nơi. Tôi lại được lệnh về ngay Sài Gòn bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhứt. Viên đại úy trẻ tuổi tin cậy của tôi đã hi sinh trong trận này.

Người khách ngưng lại, chừng như xúc động, hớp miếng trà rồi tiếp:

- Một ngàn chín trăm sáu mươi tám. Một ngàn chín trăm chín mươi tám. Thoáng chốc mà đã 30 năm. Thuở đó tôi mới bốn mươi ngoài. Cậu ta mới ba mươi. Thời gian đi mau quá.

Người khách lặng im. Mắt chớp chớp, đỏ hoe. Rồi lại tiếp:

- Tôi đã đọc sách Củ Chi của ông.

- Xin cảm ơn.

- Một phần là để thưởng thức văn chương.

- Dạ, nó có văn chương gì đâu. Đó chẳng qua là những cục đất Củ Chi còn đẫm máu lệ nóng hổi mà tôi hốt bỏ lên giấy đấy thôi ạ.

Người khách tiếp:

- Tôi đọc để tìm thấy lại tôi trên đất Củ Chi và nếm lại cái búp măng tre luộc của Sa Nhỏ, nghe lại ngọn gió Đồng Lớn, Cây Trác... Và hôm nay tôi rất hân hạnh gặp lại Mít tơ Thép trong nhà.

- Thế ra ông đây là...

- Vâng, tôi là...

Tôi vạch áo cho ông xem vết sẹo to ở bụng. Còn ông kéo tay áo cho tôi xem vết sẹo ở vai. Như nói với nhau: Củ Chi đây!

Rồi hai người ôm nhau. Như cùng chung một kỷ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx