sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7: Đồng Đội

Lúc chúng tôi mới bị bắt, tôi đã cảnh báo Beth và Mike rằng có thể sẽ có những khoảng thời gian dài ở không, và việc ở không ấy sẽ dẫn đến buồn chán, và đôi khi chúng tôi sẽ gây bực bội cho nhau. Lời cảnh báo đó có lẽ đã có tác dụng. Thật ra thì cũng đã có những bực mình nho nhỏ, nhưng những chuyện ấy chưa bao giờ đe dọa niềm tin và sự tôn trọng giữa chúng tôi với nhau.

Nhóm chúng tôi đã được hình thành chỉ từ một kế hoạch hết sức ngẫu nhiên cho một chuyến đi mà lúc đó chúng tôi ngỡ rằng chỉ kéo dài tối đa hai ngày. Chúng tôi không hề chủ động chọn nhau làm bạn đồng hành cho nhiều tuần, nhiều tháng, hay có thể nhiều năm, lại càng không chọn nhau làm đồng đội gắn bó sinh tử với nhau. Tôi chỉ biết sơ sơ về cả hai người. Tôi đã gặp gỡ Beth ở Cambridge, Massachusetts vài năm trước, khi tôi đến đó đọc một bài phát biểu về Việt Nam, còn cô ấy thì đang chuẩn bị đến Sài Gòn nhận nhiệm vụ đầu tiên do tờ The Christian Science Monitor (Người hướng dẫn khoa học Đạo Cơ đốc) phân công. Tôi đã gặp Mike vào mùa đông trước, lúc đó anh là một trong những người thành lập Dispatch News Service, một hãng tin nhỏ đã phát hành các bài của Seymour Hersh về vụ thảm sát Mỹ Lai, luôn luôn đi trước các hãng tin khác trong việc đưa tin về vụ này. Mike đề nghị tôi đừng nói rõ về sự có mặt của anh ở Washington trong một bài báo mà tôi đang viết về sự khó khăn trong việc đăng tải vụ Mỹ Lai cho đến khi Hersh đem vụ ấy đến cho hãng Dispatch News Service. Anh giải thích rằng anh được bố trí ở Sài Gòn, viết các tin bài từ nơi đó cho hãng, và đang trốn quân dịch. Anh đã lẻn vào Mỹ để làm một chuyến đi ngắn và muốn lẻn trở ra mà không đánh động các viên chức tuyển dụng quân sự.

Tôi đã đến Đông Nam Á gần như là hàng năm kể từ năm 1960 để theo dõi sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ ở đó, và sớm nhận ra rằng sự can thiệp đó là một điều rất gần với chủ nghĩa đế quốc. Thực tế tại chỗ luôn luôn khác xa so với các bài diễn văn và thuyết trình chính thức khiến cho nhiều bài viết của tôi đã được dành để phơi bày cái bề mặt chưa được kể ra của cuộc chiến tranh và để làm bộc lộ rõ sự tự huyễn hoặc của các nhà lâm chính sách, họ đã tự đánh lừa chính mình trong lúc họ cố gắng đánh lừa để người dân Mỹ tin rằng lợi ích sống còn của nước Mỹ đang bị đe dọa, rằng cuộc chiến tranh chỉ đơn thuần là một cuộc xâm lăng từ phía bắc, rằng các chế độ ở Sài Gòn đang không ngừng mạnh mẽ hơn, rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng chỉ tồn tại dựa vào khủng bố mà thôi, và rồi luôn luôn có ánh sáng ở cuối đường hầm.

Lúc này có những yếu tố mới. Nixon đã bắt đầu cuộc rút quân lính Mỹ dần dần. Sự bất ổn chính trị ở miền Nam Việt Nam đang sôi sục với những phe nhóm mới như nhóm thương phế binh gào thét đòi hỏi cải cách, và nếu cần, lật đổ chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Campuchia đã từ bỏ sự trung lập truyền thống của mình sau việc Sihanouk bị hất cẳng, và có vẻ như sắp xảy ra một cuộc can thiệp lớn của Mỹ ở nước này mặc dù có những lời cam đoan chính thức là sẽ không xảy ra. Một cách tình cờ, cuộc xâm nhập ngắn của Mỹ đã bắt đầu vào ngày tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn sau vài ngày ở Bangkok. Tổng thống Nixon vừa công bố sự kiện đó, và một người Mỹ không quen biết đã cho tôi biết tin đó trong lúc tôi xếp hàng làm thủ tục khám sức khỏe và nhập cảnh.

Đó là một thời điểm hoàn hảo để nhìn lại cuộc chiến và tôi dự định sẽ dành ra một tuần ở mỗi nơi, miền Nam Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia. Ông thư ký tòa soạn của tôi đã cho tôi hay rằng đây có thể là chuyến công tác nước ngoài duy nhất của tôi trong năm 1970, đây là khoảng thời gian duy nhất tôi có thể dành ra được vì còn phải lo công việc điều hành văn phòng Washington của tờ Post-Dispatch. Ông ấy còn cảnh báo tôi đừng đi bất cứ đâu ở Campuchia ngoài Phnom Penh và nhắc nhở tôi rằng đã có chín nhà báo bị bắt ở vùng nông thôn Campuchia.

Tại Sài Gòn, một trong những người tôi muốn gặp là Mike, một người mà tôi biết là am hiểu chính trường miền Nam Việt Nam, và là một phóng viên năng nổ, có tư duy độc lập và có thể hiểu biết nhiều về tình hình thực tế ở Campuchia. Tôi tình cờ gặp anh ấy tại một cuộc họp báo ở chùa Ấn Quang vào một buổi sáng sau khi tôi đã dành năm, sáu ngày bay đến những căn cứ hỏa lực mới của Mỹ vừa bị đánh bật ra khỏi vùng rừng rậm ở Campuchia và viết những bản tin thường lệ về việc phát hiện các kho gạo và vũ khí của đối phương. Beth cũng có mặt tại ngôi chùa đó, và Mike đã có lòng tốt phiên dịch tại chỗ cho chúng tôi những lời của các nhà sư lên án sự đàn áp của chế độ Thiệu-Kỳ.

Tối hôm đó Mike và tôi dùng cơm ở Aterbea, một quán ăn Pháp chưa bị chiến tranh phá hủy. Cả hai chúng tôi cùng cảm thấy rằng bài viết về cuộc xâm nhập của Mỹ với các kết quả chẳng nhiều nhặn gì thì khá nghèo nàn, và cần có một bài đặc sắc hơn nói về những gì đang xảy đến cho người dân Campuchia và vùng nông thôn Campuchia. Anh ấy đề nghị chúng tôi lái xe theo Quốc lộ 1, theo sau đội hình quân miền Nam Việt Nam, xem thử chúng tôi có thể đi bao xa về hướng Phnom Penh. May ra, nếu đội quân đó khai thông được toàn bộ con đường, chúng tôi sẽ có thể đi thẳng đến đích, ở lại qua đêm, rồi trở về vào chiều hôm sau. Anh cũng đề nghị rủ thêm Daniel Southerland của tờ The Monitor cùng đi. Chúng tôi mượn một chiếc International Scout và sắp xếp là Mike sẽ đón tôi vào sáu giờ sáng hôm sau. Rốt cuộc thì Dan không thể đi được nhưng Beth muốn đi thế chỗ của Dan. Beth đang được tờ The Monitor cho nghỉ phép năm để làm việc tại Việt Nam do tổ chức Alicia Patterson Foundation tài trợ.

Đó là tất cả những gì tôi biết về hai đồng nghiệp của tôi khi chúng tôi cùng lên đường vào cái buổi sáng tháng Năm ấy. Trong những tuần lễ tiếp sau đó, chúng tôi đã đi đến chỗ hiểu biết nhau như anh em một nhà.

Thời điểm tồi tệ nhất của Beth trong suốt bốn mươi ngày ấy, như Beth vẫn nói, là vào cái đêm mà Mike và tôi nằm xuống để ngủ trong căn lều nhỏ ở khu căn cứ thay vì thức đợi xem linh tính của cô ấy có đúng không. Beth linh cảm rằng đêm đó các du kích sẽ tổ chức một bữa ăn khuya, như thỉnh thoảng họ vẫn làm, với nước trà, cơm nguội, và thịt trâu kho. Và hôm đó khi họ đến chỗ những người Mỹ, ngó tới ngó lui chỉ thấy có một mình Beth còn thức, họ chẳng buồn mời mọc chia sẻ gì nữa.

Tôi nhận ra rằng đôi khi mình trở nên khó chịu, mà chỉ vì những sự việc nhỏ. Một lần vì sự lộn xộn của Beth trong việc dịch các tài liệu của chúng tôi ra tiếng Pháp. Một lần khác là khi tôi không thuyết phục được cả hai người về vấn đề cần thiết phải làm việc để khơi dậy tinh thần đồng đội trong những thành viên của một tờ báo hay sự cần thiết phải có sự chỉnh sửa của một biên tập viên trước khi đăng bài báo của phóng viên. Tôi cảm thấy phiền muộn cho tới khi tôi nhận ra rằng sự bất đồng giữa chúng tôi đã phản ánh sự khác biệt giữa hai thế hệ phóng viên, một bên vẫn đeo đuổi cái mục tiêu huyền hoặc về chân lý và tính khách quan tuyệt đối, còn một bên hướng đến sự tự thể hiện không bị ngăn trở.

Mike có thói quen khom đầu về phía trước mỗi khi chúng tôi nói chuyện với anh Tư hay anh Hai, khiến tôi cứ phải ngóc nhìn qua vai của Mike. Điều này đã có sẵn câu giải thích: Mike đã bị mất cặp kính ngay ngày đầu tiên, và anh ấy lại cận thị nặng đến nỗi phải xích lại gần để nhìn mặt và môi của người đối thoại để hiểu được sự tinh tế của tiếng Việt.

Chắc là tôi đã gây bực dọc cho hai đồng đội với những điều áp đặt nhỏ nhặt của tôi, như không ai được xài quá nhiều kem đánh răng mỗi lần và cố sức thuyết phục Beth rằng: “chuyện gì đáng thì nên làm cho tốt". Cô ấy phản đối mạnh mẽ, như đang đụng đến một vấn đề nguyên tắc, khẳng định rằng làm một việc gì quá ngăn nắp là làm lãng phí thời gian quý báu lẽ ra nên dành cho một nỗ lực thật sự nào khác.

Nhưng đó chỉ là những sự cố lẻ tẻ. Và nếu như Mike có cảm thấy buồn phiền chúng tôi thì anh cũng chưa bao giờ để lộ ra. Mặc dù nhỏ tuổi nhất, anh lại tỏ ra chín chắn nhất. Anh mang một vẻ trang nghiêm và phong cách chững chạc có được một phần nhờ hai hay ba năm sống ở Viễn Đông và đã giúp chúng tôi nhiều trong việc hòa hợp với các du kích. Có lần anh kể rằng các bạn bè từ hồi nhỏ của anh ở bang Washington đã nói với anh trong một dịp anh về quê là anh đã thay đổi và trở nên chững chạc hơn rất nhiều. Trong những buổi chiều dài, chỉ có chúng tôi với nhau. Mike đã kể chuyện về thời trai trẻ của anh ở miền Nam Washington, về những năm tháng ở Darthmouth, và về một mùa hè anh làm thợ rừng ở vùng rừng Tây Bắc. Các câu chuyện ở trại gỗ của anh cung cấp một mẩu thông tin hữu ích cho cuộc trải nghiệm hiện thời của chúng tôi; anh nói rằng một thợ đốn gỗ luôn luôn cắt bo gấu quần để không bị vướng víu và vấp ngã. Anh thường kể về vợ anh, Christine và cha mẹ vợ, một gia đình buôn bán ở Chợ Lớn, khu người Hoa của Sài Gòn. Mike và Christine chỉ mới lấy nhau được vài tháng.

Beth thường tỏ ra dửng dưng khi nói về mình. mặc dù có lần cô ấy cho biết rằng lẽ ra cô đã trở thành một người vợ, một bà nội trợ ở Scarsdale, nếu như cô đã chấp nhận một lời cầu hôn, thay vì thành một tù nhân ở Campuchia. Khi tôi hỏi cô có ân hận về quyết định ấy không, cô nói không, rồi không nói thêm về chuyện ấy nữa. Beth đã trải qua năm, sáu tháng ở Tiệp Khắc, vào thời gian diễn ra cuộc xâm nhập của khối Liên Xô, và năm, sáu tuần ở Nga, ở đó cô đã lén rời khỏi một đoàn có hướng dẫn và bị cảnh sát Liên Xô cảnh báo về việc viếng thăm phòng nghệ thuật của một nghệ sĩ, một nơi mà du khách Mỹ không được đến.

Tôi thì thích thú vì có thêm thính giả mới để tôi kể các chuyện xưa cũ hồi tôi làm bồi tầu và đầu bếp trên tàu buôn, về gia đình tôi và căn nhà nghỉ hè của chúng tôi trên một hòn đảo ở ven bờ biển Maine.

Chúng tôi đều đã viết chuyện về cuộc chiến tranh, và chúng tôi đã nói chuyện với nhau rất nhiều các khía cạnh của cuộc chiến ấy. Tôi có thể cung cấp cho họ những chi tiết vê vụ sụp đổ chính trị của Lyndon Johnson trong vấn đề chiến tranh và tôi phân tích rằng Nixon không thật sự tìm cách chấm dút sự liên can của Mỹ mà chỉ cố gắng làm cho cuộc chiến tranh trở nên dễ chấp nhận hơn đối với người dân Mỹ, đồng thời vẫn quyết tâm làm tất cả những gì cần thiết để ngăn chặn một chiến thắng của cộng sản ở miền Nam Việt Nam. Tại Sài Gòn, Beth đã trở thành một chuyên gia phương Tây hàng đầu về vụ Trần Ngọc Châu, Tổng Thư ký Hạ Nghị viện, người bị Tổng thống Thiệu tước bỏ quyền bất khả xâm phạm dành cho dân biểu và bỏ tù vì tội làm gián điệp với những lời buộc tội đáng hoài nghi. Những bài báo đa dạng về cuộc chiến của Mike bao gồm phóng sự chiến trường về trận đánh ở Huế, tường thuật chính trị về các nhóm đối lập, và cả những chuyện kỳ cục đại loại như các thục nghiệm của quân đội Mỹ để quyết định về cách kết hợp giữa giày và vớ để tránh tối đa chứng lở chân, một bệnh ngoài da gây đau đớn. Mike phát hiện rằng nhiều binh sĩ đã tự nguyện ngâm nước ngập tới đầu gối trong nhiều ngày trên ruộng lúa bởi vì điều đó sẽ đem đến chứng lở chân khiến cho họ khỏi phải đi tác chiến trong một thời gian.

Tất cả các mẩu chuyện về bản thân chúng tôi đều cho thấy chúng tôi đặc biệt coi trọng các phẩm chất tháo vát và tự lập. Với nhiều tự hào về mình và cha mình, Beth kể rằng cô đã thuyết phục cha cho cô được rong ruổi một mình khắp nước Mỹ trên một chiếc xe gắn máy cũ khi còn là một thiếu nữ. Cô cũng đã lấy làm hãnh diện trong việc mang những đôi dép rẻ tiền nhất, nhưng đến khi mua một ống sáo thì cô lại xin cha cho mua một ống sáo tốt nhất và đắt tiền nhất. Mike hồi tưởng lúc còn làrn việc trong trại gỗ để kiếm đủ tiền để trở về Darthmouth, anh đã chỉ ăn chủ yếu là bột đậu nành, một loại thực phẩm rẻ nhất.

Chúng tôi thường nói rằng chúng tôi đã may mắn có những người bạn đồng hành tốt như vậy, rằng chúng tôi không thể hình dung ra được người nào khác phù hợp hơn để làm bạn trong chuyến phiêu lưu này. Đôi khi chúng tôi giải khuây bằng cách thử nghĩ ra những người mà chúng tôi rất không mong muốn đi cùng. Trong số đó, đối với tôi, có Joseph Alsop, với lý do là anh này dễ nổi nóng đến nỗi rất có thể chúng tôi đã bị xử tử ngay ngày đâu tiên. Lại có lần tôi cho rằng sẽ là điều thú vị nếu có James Mcdonnell cùng đi, để xem thử ông ta, với tư cách là chủ tịch của Mcdonnell Douglas Corporation, sẽ phản ứng ra sao khi ông ta trở thành đầu tiếp nhận bom và hỏa tiễn từ các máy bay do ông ta sán xuất ở St. Louis. Tôi cũng đã cố thử tưởng tượng xem Walter Lippmann (4) sẽ tự hành xử ra sao trong tình cảnh như chúng tôi.

Nếu như Beth, Mike và tôi đã trở thành đồng đội thì cũng có một điều gì đó rất gần với tình bạn và tình đồng đội đã nảy nở giữa ba chúng tôi với năm người du kích áp tải chúng tôi. Ăn uống chung với nhau là một lực xúc tác. Chẳng phải vì các du kích này nói rất nhiều trong giờ ăn - họ nói chủ yếu nhằm thúc giục chúng tôi ăn thêm chén cơm thứ hai và thứ ba - mà vì điều này đưa chúng tôi thoát khỏi sự cô lập đặt chúng tôi lên một cái gì đó giống như một cái nền bình đẳng với họ, và làm cho tất cả quen với việc thường xuyên giáp mặt nhau.

Hai tuần sống trong khu căn cứ bắt đầu như một thời kỳ nghỉ ngoi và yên bình sau những căng thẳng và lo âu của cuộc lẩn tránh liên tục trước đó. Quy tắc tiếp tục ngụy trang vào ban ngày được áp dụng cho tất cả chúng tôi, nhằm làm cho các máy bay trinh sát mà đôi khi nghe thấy ù ù trên đầu chỉ có thể ghi nhận những nông dân Campuchia đang làm việc trên đồng hay giặt giũ quần áo hay xay lúa trong một nhà xưởng thô sơ, cùng với dăm mái nhà tranh rải rác. Không phải tất cả máy bay đều làm nhiệm vụ trinh sát. Một số vận chuyển bưu phẩm, một số là máy bay chiến đấu chạy bằng cánh quạt tham gia các cuộc hành quân ở nơi nào khác. Đôi khi một oanh tạc cơ phản lực gầm thét băng qua để làm một nhiệm vụ ở đâu đó. Ngay cả những chiếc trực thăng thỉnh thoảng xuất hiện thì cũng có vẻ như chẳng làm gì liên quan đến khu vực chỗ chúng tôi. Các du kích chăm chú theo dõi các âm thanh đó. Khi một máy bay đến gần, họ lặng lẽ nhìn qua khe cửa để cố gắng đoán xem các động thái của nó có ý nghĩa gì cho những hành động sắp tới. Có nhiều nhóm du kích khác trong vùng lân cận. Chúng tôi thường trông thấy những hàng quân dài đi dọc theo con đường mòn ngang qua lán của chúng tôi, luôn luôn là với hành trang và súng ống, đôi khi họ vừa rút khỏi một trận đánh, với nhiều người phải khập khiễng chống gậy hay nạng.

Chúng tôi không có cách nào biết được mình đang ở đâu. Theo phỏng đoán, chúng tôi đã di chuyển khoảng một trăm dặm từ khi bị bắt, nhưng chúng tôi không biết chắc phương hướng và ngờ rằng có vài cuộc di chuyển là theo vòng trôn. Có điều chắc chắn là chúng tôi chưa hề băng qua sông Cửu Long. Rất có khả năng là chúng tôi vẫn còn ở trong giới hạn hai mươi hai dặm mà Tổng thống Nixon đã đặt ra cho cuộc xâm nhập của Mỹ. Liệu chúng tôi đã được đưa tới tổng hành dinh huyền hoặc của Trung uưng Cục miền Nam mà Nixon từng hy vọng tìm ra và hủy diệt hay chăng? Nếu Trung ương Cục miền Nam, tổ chức liên lạc của Hà Nội với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tên đúng của Việt Cộng), quả thật là có một tổng hành dinh ở trong vùng biên giới của Campuchia, thì có lẽ chúng tôi đã ở ngay giữa chỗ đó. Thế nhưng chúng tôi không hề nhìn thấy một kiểu căn cứ cố định và quy mô như Nixon đã mô tả. Bệnh xá, các nhà tạm trú của quân lính, mấy căn nhà mà chúng tôi ở đều là những túp lều mượn tạm. Mọi thứ đều có vẻ tạm bợ giống như mấy cái hào chặn con đường đưa chúng tôi vào khu này.

Những cuộc di chuyển của chúng tôi trước khi chúng tôi ổn định chỗ ở trong khu căn cứ cũng đầy vẻ tạm bợ. Ngay trước buổi bình minh của ngày thứ hai, chúng tôi bị đánh thức và dẫn đi khoảng một dặm theo các con đường mòn nhỏ. Người dẫn đường là một cậu bé nhỏ nhắn khoảng mười tuổi. Chúng tôi đến một căn nhà tranh, và được đưa vào một gian nhà kho bụi bặm, dọc theo bờ tường là những bao gạo, vách lá và mái tranh đều đã bạc màu theo thời gian và giăng đầy mạng nhện. Vật duy nhất sạch sẽ là một tấm chiếu mới trải ra trên sàn nhà cho chúng tôi. Chúng tôi nằm xuống nhưng chưa kịp ổn định thì đã bị dựng dậy để đi bộ tiếp một đoạn ngắn đến hai căn nhà cách nhau vài thước. Anh Tư ra lệnh cho chúng tôi leo lên một khúc cây có mấu dùng làm thang để vào căn nhà nhỏ hơn, trong đó ba chúng tôi được phân qua một bên và các du kích ở một bên.

Căn phòng chính rộng khoảng 15 mét vuông, với khung nhà làm bằng những khúc cây nhỏ, vách lá dừa và mái tranh. Ván sàn là những mảnh gỗ tếch cưa tay không đều. Chúng tôi vào nhà bằng cửa sau, qua một gian nhỏ có sàn nhà lót bằng cành cây, chỉ đủ chỗ để kê vài cái lu nước cùng ba cục đá để làm bếp nấu ăn. Khói tỏa ra qua một kẽ hở dưới mái hiên. Bên kia căn phòng chính là cửa trước, với một cánh cửa thô ráp làm bằng những miếng ván cưa tay có thể trượt qua lại để đóng hay mở cửa.

Như thường lệ, có một không gian riêng cho chúng tôi như mong muốn. Các du kích đã giăng một sợi dây ngang căn phòng và treo lên đó một tấm mền mỏng để ngăn cho chúng tôi một phòng riêng; song tấm mền đã được kéo qua một bên và cứ ở vị trí ấy trong hầu hết thời gian. Điều để làm sau khi đến lúc hừng sáng là nằm xuống và ngủ thêm một chút, các du kích cũng trải chiếu và nằm xuống ở phía của họ. Chúng tôi được cấp một manh chiếu mới với một tấm vải nhựa màu đỏ lót ở trên tấm chiếu. Tôi tháo miếng vải nhựa ra và đặt nó ở phía dưới chân chúng tôi để ngăn những luồng gió thổi qua các kẽ ván sàn. Đó là một căn nhà nghèo nàn, và không có đủ gối để dùng; tôi phải gối đầu lên túi xách của mình. Khi nhìn lên mái nhà, tôi có thể thấy rằng túp lều này, mặc dù không cũ kỹ bằng chỗ ở trước đây, cũng đã phô bày những dấu vết của thời gian. Màng nhện bám trên mái tranh, và những con nhện đen đang mải miết chế tạo những màng nhện mới. Những con thằn lằn nhỏ màu nâu vàng bám chặt bất động trên kèo nhà, đầu chúi xuống dưới, rồi đột nhiên chạy vài bước thật nhanh. Lâu lâu một con trong bọn lại xịt ra cục phân nhỏ xíu. Một con chuột đồng phóng ra từ một lỗ nhỏ trên mái nhà rồi chạy dọc theo một thanh kèo về phía nhà bếp.

Bên kia căn phòng, ở chỗ các du kích, có hai người mới. Người thứ nhất là một thanh niên Campuchia đẹp trai có vẻ mặt u sầu, cậu ta vươn vai cho đến khi xương kêu răng rắc. Rồi cậu ta cau có đưa tay ra dấu cho chúng tôi đặt tấm vải nhựa đỏ trở lại đúng chỗ của nó, tức là ở phía đầu của chiếc chiếu. Đây là nhà của cậu, và cậu không thích một kẻ xâm nhập phương Tây nào sắp xếp lại đồ đạc trong nhà. Tôi chọt nhận ra rằng chúng tôi đã đi lại và ngồi trên cái chỗ có lẽ là giường của cậu ta và rằng tấm vải nhựa đỏ được đặt lên trên là để che phủ cho chỗ đó. Nhưng cho dù sự bực bội của cậu ta có thể là có lý do, tôi cũng trở nên cảnh giác. Nếu cậu ta bịa chuyện nói xấu chúng tôi với các du kích thì sao? Nếu cậu ta lén nhét các băng đạn vào túi chúng tôi trong lúc tôi đi tắm thì sao? Mike chăm chú quan sát cậu ta rồi rút ra kết luận từ thái độ và cặp mắt đỏ ngầu của cậu ta rằng vấn đề là vì cậu ta đã uống quá nhiều rượu chứ không phải vì chúng tôi giẫm đạp lên chỗ ngủ của cậu ta. Tuy vậy trong một hai đêm đầu tôi vẫn phòng xa bằng cách đem theo quần mỗi khi đi ra ngoài.

Người lạ thứ hai chính là cậu bé nhỏ nhắn đã dẫn đường cho chúng tôi băng ngang những cánh đồng. Cậu ta bưng trà, làm chuyện vặt, và lúc rảnh thì chơi vật lộn với người khác hoặc thực tập chĩa các cây súng trường nặng nề lên trần nhà. Người y tá cho biết cậu bé được giữ ở đó cho an toàn và để theo học một trường của du kích trong lúc cha mẹ cậu ấy đi chiến đấu.

Những cơn mưa gió mùa đang đến gần. Khi một cơn mưa rào lớn trút xuống vào một buổi chiều tối và ếch nhái bắt đầu kêu inh ỏi anh Ba và Ban Tun, người du kích Campuchia, cởi hết đồ ra chỉ còn quần xà lỏn, khoác tấm poncho nhựa, đi ra ngoài với hai cây tre dài và nhọn để xỉa ếch dưới ánh trăng. Họ quay về với một tá ếch bự, và chăng mấy chốc chúng tôi đã được ăn một đống đùi ếch nướng, ném xương qua khe sàn xuống cho lũ gà ở bên dưới. Cơn mưa đem lại lũ ếch nhái là một điều may vì các du kích đã sắp cạn hết gạo và đã cáo lỗi với chúng tôi rằng chúng tôi sẽ có thể phải ăn hạn chế cho tới khi họ kiếm được nhiều thực phẩm hơn. Anh Hai vui vẻ khi thấy chúng tôi thưởng thức được món cao lương mỹ vị ấy và nói: “Trong vùng giải phóng, nếu bạn không có thứ này thì bạn tìm thứ khác, như vậy sẽ không chết đói."

Có hai bao gạo lớn đặt cạnh chiếc chiếu của chúng tôi. nhưng là của gia đình người Campuchia, và các du kích đã không đụng đến. Ngày hôm sau, các du kích kiếm được một bao thực phẩm nhỏ, mà theo họ thì gạo là do dân Campuchia cho, còn thịt, rau, bột ngọt và các thứ khác thì họ phải mua. Họ dành ra một giờ để cẩn thận nhét mọi thứ đó vào những cái ruột tượng mà họ quàng qua vai khi hành quân.

Một buổi chiều nọ các du kích bắt đầu nói chuyện với nhau đầy phấn khích, và Mike nghe lỏm được đủ để suy đoán rằng chúng tôi sẽ được ăn bữa tối với món thịt chó. Rồi Wang báo cho chúng tôi biết tin này và nói rằng đã sáu tháng rồi anh ấy mới lại được ăn một bữa tiệc thịt chó. Anh cho biết họ đã mua được con chó đó, một con vật lông ngắn, màu trắng, nom giống như một chú chó sục cáo. Anh Hai đem ra một cái chai và một ống kim chích gắn với một ống cao su, có vẻ như chuẩn bị làm cho con vật chảy máu đến chết. Chúng tôi có thể nghe được tiếng chó sủa, ở đâu đó khuất dưới sàn nhà, và rồi đột nhiên không còn âm thanh nào nữa. Mặc dù về phía chúng tôi có đôi phần ngại ngùng, bữa ăn này khá ngon. Có món thịt chó om ăn với cơm, có những lát thịt chó rán ăn không, một tô cháo hầm, và sau đó là mỗi người vài miếng sườn chó nướng. Loại thịt này màu sẫm, có vị đậm đà gần giống như thịt hươu.

Các du kích tỏ ra ngạc nhiên khi biết người Mỹ không ăn thịt chó. Khi Mike giải thích rằng ở Mỹ chó thường được coi như một thành viên trong gia đình, thì họ cho đó là chuyện nực cười. Chúng tôi quyết định không thử thách sự cả tin của họ nên đã không kể cho họ việc chó Mỹ có thực phẩm đặc biệt, đôi khi còn mặc quần áo và được đưa đến các bệnh viện đặc biệt khi ốm đau.

Chính nhờ bầu không khí thoải mái trong nhóm đặc nhiệm nhỏ bé của chúng tôi mà chúng tôi đã có thể cười giỡn với nhau. Một đêm nọ, có lẽ một phần là vì chúng tôi, Ban Tun bắt đầu ngân nga mấy bài kinh cầu mà anh đã học được hồi thơ ấu. Anh Hai, trông giống một ông già Nô-en phương Đông hơn bao giờ hết với đôi má bầu bĩnh và cặp mắt long lanh, bắt đầu nhảy múa xung quanh anh chàng Campuchia đang ngân nga, lúc ấy ngồi xếp bằng với một tấm mền phủ trên vai. Ngay cả anh Tư mắt buồn cũng vui lây, tìm cách đặt ba cái gối lên đầu ông Phật hát kinh.

Khi họ đã chán trò chơi ấy rồi, anh Tư đề nghị chúng tôi hát một bài. Chúng tôi bắt đầu hát bài "We shall overcome" (Chúng ta sẽ chiến thắng), nghĩ rằng họ sẽ thích bài đó, nhưng anh Tư xen ngang và tỏ vẻ muốn yêu cầu một bản nhạc đặc biệt nào đó. Mike lắng nghe kỹ lưỡng rồi nói: “Có lẽ anh ta muốn yêu cầu tụi mình hát một bản về loài vật". Mike đề nghị một điệp khúc của bài “Old Macdonald Had a Farm" (Già Macdonald đã có nông trại), và chúng tôi đã làm họ thích thú bằng cách hát tất cả những lời nhạc mà chúng tôi có thể nghĩ ra.

Có một trò đùa khác mà nạn nhân là Wang. Cậu con trai hai mươi sáu tuổi của một thương gia giàu có ở Phnom Penh này là chàng công tử bột của nhóm đặc nhiệm. Mọi người đều tắm hai ba lần mỗi ngày, nhưng chàng tắm tới bốn năm lần. Trong nhà, chàng bận một cái áo thể thao trắng tinh và một quần sọc ka ki. Mỗi ngày năm sáu lần chàng chải mái tóc đen quăn và tỉa tót chòm râu thưa bằng một đồ bấm móng tay rẻ tiền được cột vào cái hộp quẹt zippo của chàng. Một buổi sáng, hai người trong bọn trở về sau một chuyến đi bằng xe gắn máy kể rằng có mấy phụ nữ lớn tuổi ở vùng gần đó đã hỏi han rất nhiều về Wang. Họ muốn biết chàng bao nhiêu tuổi, từ đâu đến, và trên hết là đã có vợ chưa và liệu có thể kết đôi với một trong những cô gái chưa chồng của họ chăng. Khi chàng tỏ ra bối rối thì họ lại càng trêu chọc thêm và thế là chúng tôi có dịp được thấy một anh du kích mắc cỡ đỏ mặt ra sao.

Khi đã quen biết, Wang kể cho chúng tôi rằng anh tham gia cách mạng từ hai năm trước, “lúc Lon Nol bắt đầu lên cầm quyền và tình hình trở nên khó khăn cho các học sinh người Hoa muốn qua Trung Quốc du học." Anh nói được bốn thổ ngữ Trung Quốc, tiếng Việt, tiếng Campuchia, và một chút tiếng Pháp và tiếng Anh. Anh được cha mẹ trợ cấp khoảng một ñoâ-la mỗi tháng và sử dụng chủ yếu để mua thuốc lá cho người khác, mua thêm thịt và mấy món đặc biệt, thí dụ như lâu lâu một gói bánh ngọt. Có lần, khi chúng tôi đã hết giấy viết và cây bút bi cuối cùng cũng đã cạn mực, anh trở về từ thị trấn với một cuốn tập học trò dày cộm có in hình Sihanouk trên bìa trước và hai cây bút Bic mới toanh cho chúng tôi. Chúng tôi cũng được biết rằng chính anh là người đã mua xà-rông và vật dụng vệ sinh cho chúng tôi vào ngày thứ hai ở đây.

Đã nhiều lần chúng tôi đề nghị được trả tiền ăn của mình trong lúc còn bị giữ ở đây, hay theo cách nói của chúng tôi, cho đến khi họ xác minh xong về hồ sơ nhân thân của chúng tôi, nhưng họ nói điều đó không cần thiết trừ khi chúng tôi muốn có các thực phẩm đặc biệt. Chừng nào chúng tôi vẫn ăn những gì họ ăn, thì họ được cấp thêm một khoản phụ cấp lương thực là một đồng một người một ngày, đủ để trang trải chi phí cho chúng tôi.

Chúng tôi không giữ tiền của chúng tôi, dĩ nhiên - ngoại trừ 200 đô-la Mỹ bằng loại giấy bạc 20 đô-la mà tôi nhét trong dây đai đựng tiền, và đã quyết định không nhắc gì đến khi họ ra lệnh cho chúng tôi lấy hết mọi thứ trong túi ra trong ngày đầu tiên. Tiền bạc chúng tôi mang theo trong túi có lẽ đã được họ giữ cùng với các máy ảnh và các vật dụng khác mà họ lấy vào ngày đầu tiên. Anh Hai cho biết hy vọng chúng tôi sẽ nhận lại được những thứ đó và yêu cầu mỗi người viết một bản kê chi tiết những gì đã bị lấy đi, gồm cả số lượng tiền, mô tả các máy ảnh, và một danh sách tất cả hồ sơ giấy tờ của chúng tôi. Danh sách của tôi gồm một sổ tay phóng viên, một cuốn sách về Campuchia, và một bản tường trình in rônêô vê các phi vụ làm rụng lá cây của máy bay Mỹ trên vùng biên giới của Campuchia, đây là điều mà tôi từng hy vọng sẽ kiểm chứng trong quá trình làm việc. Danh sách của Beth có cả cuốn Science and Health (Khoa học và Sức khỏe) của Mary Baker Eddy.

Mái tóc hung của Mike đã mọc rất dài, và một buổi chiều nọ anh Hai hỏi anh ấy có muốn cắt tóc không. Anh Tư đem ra một cái tông-ñô, một cái lược và một cái kéo và bắt đầu làm việc với một cung cách chuyên nghiệp, xén trước rồi tỉa thưa mái tóc dầy. Anh Hai chăm chú quan sát rồi phê bình “Cạo đám tóc mai đi," anh ra lệnh. Mike không bày tỏ quan điểm gì, nhưng anh Tư có vẻ muốn để nguyên đám tóc mai như cũ, tức là dài tới ngang dái tai, mặc dù không có ai trong số du kích để tóc mai cả. Sau một hồi thảo luận về thẩm mỹ, họ đi đến thỏa hiệp và anh Tư dùng một con dao cạo hai lưỡi trần trụi để cạo bỏ nửa dưới của tóc mai ở cả hai bên.

Những cuộc chuyện trò về khuya với anh Hai tiếp diễn. Anh nghe chương trình phát thanh tiếng Việt của đài BBC rồi tóm lược cho chúng tôi. Một hôm có tin về việc hai mươi mốt chính phủ đã công nhận chính phủ lưu vong của Sihanouk. Anh Tư nói rằng sáu trong số ba mươi tiểu đoàn của Lon Nol đã bỏ ngũ chạy sang phía du kích và những tiểu đoàn khác ở lại trong doanh trại thì không chiến đấu. "Và đây không phải là tuyên truyền" anh Tư nói "Đây là theo đài BBC"

Một phần những điều anh Tư nói là nhằm trấn an chúng tôi. Anh nói: "Có nhiều máy bay trên đầu, nhưng hầu hết chúng đang làm các nhiệm vụ đặc biệt. Chúng không trông thấy gì nhiều, và khi chúng có thấy điều gì thì cũng mất nhiều thời gian để vòng lại." Anh chỉ thị: "Chuyện chạy vào vùng quê là chuyện bình thường đối với chúng tôi. Bất cứ lúc nào chúng tôi phải chạy, hãy chạy theo."

Anh nói tiếp: "Các anh đã nghe các máy bay B-52 tấn công chiều hôm đó chứ?” Không có ai ở chỗ đó cả. Nhân dân chúng tôi đã biết sắp có cuộc tấn công, và tất cả lánh đi. Một cuộc không tập của B-52 có bốn mục đích: dọn đường cho một cuộc tiến quân, đánh vào một vùng giải phóng mà không thể đến bằng đường bộ, lùa người dân ra khỏi một khu vực, hoặc đẩy người dân về các đô thị để có thể kiểm soát họ ở đó. Chính dân thường, mới là người bị tổn thất do các cuộc tấn công của B-52, chứ không phải các chiến sĩ cách mạng."

Đài phát thanh cộng sản thỉnh thoảng cũng nói về một đề tài thường được nêu ra trong các cuộc chuyện trò của các du kích với chúng tôi, đó là không lực của Mỹ và Nam Việt Nam không phải là một lợi thế có tính quyết định. Các du kích luôn nói về nhược điểm của máy bay và việc các chiến sĩ dưới đất có thể dễ dàng thoát khỏi các cuộc không tập, ngay cả đối với các cuộc tấn công thường được coi là đáng sợ của máy bay B-52. Một tối nọ chúng tôi nghe thấy trên đài tiếng Việt một bài dân ca rộn ràng được tốp ca nam nữ hát. Thỉnh thoảng chúng tôi có thể nghe được cụm từ B nam hai và Mi ke hiểu được một số từ khác nữa đủ để dịch điệp khúc vui tươi ấy là: "Ai mà sợ B-52 to lớn xấu xa?"

Anh Hai đề nghị chúng tôi đặt các câu hỏi, và tôi hỏi liệu điều gì sẽ xảy đến với những người Công giáo ở miền Nam Việt Nam khi cách mạng thành công, tức là nếu phía cộng sản chiến thắng. Tôi nói với anh ấy về viễn cảnh một cuộc tắm máu mà Nixon đã gợi ra, và đã gây băn khoăn cho nhiều người Mỹ vốn dĩ vẫn nghiêng về giải pháp rút quân Mỹ hoàn toàn. Anh Hai trả lời chúng tôi rằng chẳng có lý do gì để giết chóc bất kỳ một ai kể cả người Công giáo ngoại trừ một ít tội phạm chiến tranh. Anh nói: "Những người theo đạo thì có cùng mục tiêu với những người cách mạng. Khác với bọn đế quốc, tất cả chúng tôi đều muốn giúp đỡ nhân dân và đem đến cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng nhà tu hành hy vọng hoàn thành mục đích ấy bằng triết lý và cầu nguyện, còn người cách mạng thì dựa vào tổ chức và đấu tranh."

Chúng tôi hỏi có nhiều nhà sư tham gia cách mạng ở Campuchia không. Anh Hai đáp: “Một số nhà sư đã xếp áo cà sa để thay bằng bộ đồng phục đen của cách mạng, nhưng chúng tôi chưa muốn tất cả đều làm như vậy, vì cuộc cách mạng còn trường kỳ trong lúc xã hội vẫn cần phải có một sự thăng bằng."

Chúng tôi hỏi liệu một người sau khi tham gia cách mạng có thể vẫn giữ đức tin tôn giáo của họ được không. Anh ấy đáp: “Hoàn toàn không có mâu thuẫn giữa tôn giáo và cách mạng. Bạn vẫn có thể giữ tôn giáo nếu bạn muốn. Cả hai đều có cùng một mục đích là đem lại lợi ích cho nhân dân. Chỉ khi nào tôn giáo để cho ngoại bang và bọn phản động sử dụng để chống lại cách mạng, thì khi đó cách mạng mới chống đối lại. Chẳng hạn, nhiêu lãnh đạo Công giáo ở Sài Gòn đã để cho họ bị sử dụng như vậy. Nhưng điều chắc chắn là một khi tín đồ các tôn giáo đã hiểu về cách mạng thì đương nhiên họ sẽ ủng hộ cách mạng."

Cuộc sống trong căn lều nhỏ đã đi vào nề nếp ổn định đến nỗi chúng tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng đây chính là điểm đến của chúng tôi, và phải chăng chúng tôi sẽ được giữ ở đây vô hạn. Nhưng anh Hai nhắc nhở chúng tôi rằng trong thế giới của du kích thì mọi cái đều là tạm thời. Anh nói: “Chúng ta sẽ không di chuyển đêm nay trừ phi hoàn cảnh thay đổi." Rồi anh ngụ ý rằng chẳng bao lâu nữa sẽ có thể có một sự thay đổi lớn: “Mùa mưa sắp bắt đầu. Khi đó sẽ chỉ còn một số ít người nước ngoài hay viên chức chính quyền ở lại với bộ đội, bởi vì bộ đội sẽ dời khu nhà ra sống trong rừng và cuộc tấn công của chúng tôi sẽ bắt đầu." Tôi hiểu là “người nước ngoài" bao gồm chúng tôi và “viên chức chính quyền" bao gồm anh Hai, bởi vì anh có vẻ là một cán bộ chính trị có tầm cỡ.

Không có một lời báo trước nào, một buổi sáng sớm anh Tư chạm vào ngón chân tôi và nói: “Chuẩn bị đi”. Chúng tôi đã tập quen gói ghém sẵn số quần áo và vật dụng vệ sinh dự trữ ít ỏi của mình, nên không có vấn đề gì trong việc lách ra khỏi cửa và đi xuống cầu thang trong ánh sáng mờ mờ khi trời chưa rạng sáng. Anh Tư bảo chúng tôi lấy xà-rông che lên đầu để tránh việc lan truyền về sự có mặt của ba người phương Tây trong vùng này. Anh và Ban Tun dẫn chúng tôi đi ngang qua cái giếng nơi chúng tôi tắm hàng đêm và qua cánh đồng nơi chúng tôi từng chiếm dụng để dựng một nhà vệ sinh tạm bợ. Sau khi băng qua cánh đồng trống rộng lớn, chúng tôi rẽ vào một khu rừng nhỏ, đi theo một con đường rừng lồi lõm, rồi lại đột ngột rẽ vào một đường mòn nhỏ hẹp chạy ngoằn ngoèo giữa đám cây cối, bụi rậm, cây leo chằng chịt. Đi được khoảng không quá nửa dặm thì đến một khoảng đất đã được dọn dẹp bằng cách chặt hạ các cây non, nhưng bên trên vẫn được các cành cây to và các cây leo che phủ hoàn toàn, làm thành một cái tán rậm rạp che khuất bầu trời. Ban Tun trải chiếc chiếu anh mang theo, và anh Tư bảo chúng tôi ngồi xuống đó nghỉ ngơi. Anh Ba đến từ một hướng khác, và ba người du kích đặt ba-lô, súng ống xuống, treo các tấm võng ni-lông của họ giữa các thân cây, rồi ngả lưng cho một khoảng thời gian chờ đợi kéo dài. Chúng tôi đoán hoặc là họ đề phòng một cuộc tấn công hoặc là họ muốn không cho chúng tôi trông thấy điều gì đó có thể diễn ra trong căn nhà ngày hôm đó.

Anh Hai và Wang đem đến bữa ăn sáng từ căn nhà, gồm cơm nóng và trà, rồi đem bình và đĩa đi, để mọi người còn lại với nhau như trước.

Người Campuchia có vẻ cô đơn vì ngoài Wang và anh Ba ra chẳng có ai trò chuyện, tiến đến ngồi với chúng tôi. Trước hết anh dùng con dao găm của anh để giúp chúng tôi cắt bỏ những gốc cây nhỏ bên dưới chiếc chiếu. Rồi anh rút cây bút bi ra, chỉ cho chúng tôi cách chơi cờ ca-rô kiểu Campuchia. Cũng với những dấu thập và dấu khoanh tròn như ở Mỹ, chỉ khác ở chỗ là phải đạt được một dãy năm dấu thay vì ba. Mỗi đấu thủ cố đạt năm dấu liền theo hàng ngang, dọc hay chéo, đồng thời cố ngăn cản không cho đối phương làm được điều đó trước mình. Chúng tôi chơi trên những ô vuông của tấm chiếu, và mỗi ván cờ đều kéo dài một cách thất thường cho đến khi có một bên thắng.

Khi đã chán trò chơi ấy rồi, tôi bèn nghĩ tới một dự án đã có sẵn trong đầu từ nhiều năm cho một dịp như thế này: tôi sẽ làm một bộ cờ vua. Dùng con dao bấm của mình, mà các du kích đã trao lại cùng với các dụng cụ vệ sinh, trước hết tôi khắc một cặp quân tháp từ một cành cây nhỏ để làm thử một quân cờ dễ làm nhất. Kế đó tôi khắc một quân mã là quân khó làm nhất. Mike kiếm một khúc cây lớn hơn và khắc một quân hậu, còn tôi làm một quân vua có cả một cây thập tự trên đỉnh. Chúng tôi lột vỏ cây ra để thành những quân cờ trắng, còn những quân cờ đen thì không lột vỏ. Beth đảm nhiệm chế tạo những quân tốt và khắc tất cả mười sáu quân từ những cành cây nhỏ. Cô ấy làm rất tốt sau khi tôi đã từ chối quân đầu tiên do chưa đạt. Vì nhắm không thể hoàn tất công việc này trong ngày nên chúng tôi đã cắt sẵn những cành cây với kích cỡ khác nhau để dành cho những quân cờ còn lại.

Đúng lúc ấy trời bắt đầu mưa. Anh Ba, anh Tư và Ban Tun lo xếp võng của họ, còn chúng tôi lo cất các nguyên liệu lâm quân cờ rồi cuộn chiếu lại. Anh Tư dẫn chúng tôi đi sâu hơn vào rừng, đến một căn lều nhỏ chỉ có sàn nhà và mái nhà. Sàn nhà bằng cành cây đặt trên những cái cột cao hơn mặt đất khoảng gần một thước. Có năm bao thóc to tướng choán hết quá nửa không gian, nhưng chúng tôi cố chen chúc trong khoảng trống còn lại để tránh mưa. Khi cơn mưa đã tạnh. Anh Hai và Wang đem bữa ăn tối đến, lần này có thịt gà và rau cùng với cơm và nước trà. Ăn cơm xong, chúng tôi đợi đến khi trời gần tối mới lên đường trở về căn nhà. Trời lại mưa, vì thế Mike và tôi cởi áo và quần dài ra, cất trong bọc để chúng khỏi bị ướt.

Trên đường đi bộ về nhà, chúng tôi đã có dịp để biết về tầm cỡ của anh Hai trong phong trào du kích. Có một du kích ngươi Việt nhìn thấy đội hình hàng dọc gồm tám người chúng tôi, đã chặn người đi đâu là Ban Tun lại. Anh Hai bước lên trước và nói vài câu với người du kích nọ. Anh ta cho chúng tôi đi tiếp. Anh Hai bảo chúng tôi: "Nếu không có tôi cùng đi thì mọi người đã bị bắt hết rồi."

Khi đã về đến nhà, Mike nghe lỏm được đủ để hiểu vì sao chúng tôi bị đưa vào rừng. Sau khi hỏi mấy người kia về việc chúng tôi đã trải qua ngày hôm ấy ra sao, anh Hai nói với họ rằng rất tiếc họ đã chịu nhiều phiền phức khi phải dẫn chúng tôi vào rừng, chẳng qua chỉ vì anh thấy chúng tôi đã không đi tiểu quá định mức hai lần mỗi ngày khi ở trong căn nhà này. Hóa ra chuyến đi vào rừng chỉ là để làm cho cuộc sống dễ chịu hơn đối với chúng tôi, nhưng thật ra với lượng nước chúng tôi uống vào quá thấp như thế thì hai lần một ngày là đã đủ rồi.

Anh Hai lấy con dao găm ra và giúp chúng tôi hoàn tất bộ cờ vua. Anh có vê hào hứng với công việc này, và hóa ra là anh cũng nôn nóng muốn chơi. Khi chúng tôi hoàn tất, người chủ nhà Campuchia đã biểu lộ một sự thân thiện bất ngờ bằng cách đem ra một tấm bảng vuông và một viên phấn, rồi kẻ sáu mươi bốn ô vuông làm bàn cờ.

Anh Tư và Mike chơi ván đầu tiên, có anh Hai và tôi ngồi chầu rìa. Họ học chơi nhanh, vì họ đã biết chơi một phiên bản Trung Quốc của trò chơi này gọi là cờ tướng với vài cách đi khác và có thêm vài quân cờ khác, như quân tượng và quân pháo. Họ ganh đua quyết liệt và phấn khích với mỗi nước đi. Tôi bắt đầu lo ngại ván cờ có thể trở thành biểu tượng đối đầu đông-tây và sẽ đi quá đà. Nhưng họ đã tỏ ra là những người biết thua và biết thưởng thức chính cuộc chơi. Khi xong ván cờ, Mike hỏi họ có muốn chơi ván nữa không. "Không", Hai đáp “dang, dang, ngu, ngu" ("đánh, đánh; ngủ, ngủ”), rồi trải chiếu ra nằm ngủ.

Sau một lần thua nữa, anh Hai bèn phán một câu điển hình Việt Nam rất khó diễn giải cặn kẽ: "Chúng tôi chưa thể thua bởi vì chúng tôi chưa từng thắng các anh. Chúng tôi giống như Nixon ở Đông Nam Á vậy. Ông ta không thể thua vì ông ta chưa từng thắng chúng tôi."

Họ chơi cờ theo cách như họ chiến đấu. Các nước đi rất nhanh, thường là chỉ mất không quá mười hay mười lăm giây xem xét các tình huống. Họ rất lịch sự nên đã không giục chúng tôi chơi nhanh lên, nhưng khi anh Hai và anh Tư chơi với nhau thì có lần anh Hai nói "Mày định chơi tiếp hay là đi ngủ đây?” Họ có thể mất một quân tháp hay một quân hậu mà không hề tỏ ra mất tinh thần, và lại lao tới cố giành chiến thắng với các quân còn lại. Họ có thể lượng định tình hình nhanh đến nỗi khi Mike hay Beth hay tôi lỡ sơ sẩy đi quân hậu vào nước chiếu tướng thì anh Hai hay anh Tư sẽ ăn quân đó nhanh như chớp trước khi chúng tôi kịp nhìn ra vấn đề, lại càng không kịp để xin đi lại nước cờ đó. Tôi cột các quân cờ trong khăn tay, và sau mỗi bữa ăn anh Tư và anh Hai thường đề nghị tôi đem ra chơi nữa. Khi chúng tôi nghe thấy tiếng máy bay, họ cũng khó có thể tự kéo mình ra khỏi ván cờ, mà đợi cho đến khi tiếng máy bay hầu như đã ở ngay trên đầu thì mới chịu chạy ra khe cửa để quan sát.

Beth, đã học chơi cờ vua với cha cô ấy, có một thế cờ đặc biệt khiến cô có thể thường xuyên đánh bại các đối thủ Việt Nam. Cô khai cuộc nhanh, dùng quân hậu để tấn công, buộc họ phải đổi mạng những quân cờ quan trọng ngay từ đầu ván cờ. Chính sự hấp tấp của họ đã khiến họ không tận dụng được lợi thế từ nhược điểm của lối khai cuộc đó. Chúng tôi băn khoăn không biết họ sẽ phản ứng ra sao khi cứ liên tục bị một phụ nữ đánh bại nhưng họ đã tỏ ra hoàn toàn không có quan điểm đàn ông là ưu việt.

Cùng với thú chơi cờ vua, chúng tôi còn được hưởng sự thay đổi trong thực đơn, cũng vẫn là do Ban Tun cung cấp. Anh ấy đã làm quen với một phụ nữ làm việc ở cánh đồng bắp gần chỗ đầu tiên chúng tôi trú ẩn trong rừng. Anh trở lại đó gặp cô ta rồi quay về với một gói giấy màu nâu. Anh lấm lét mở nó ra rồi thận trọng chìa cho những người khác thấy những miếng thịt trâu khô màu đen nằm trong đó. Anh cột cái gói trở lại như cũ, rồi họ căng một tấm mền ngang qua khung cửa hậu, nhìn ra để biết chắc là không có ai đang đi đến. Rồi anh Hai bắt đầu hầm một số thịt và nướng số còn lại để chuẩn bị cho bữa ăn chiều. Lúc ngồi ăn, anh mới giải thích vì sao phải giữ bí mật như thế. Ngươi Campuchia chủ căn nhà này không chấp nhận việc ăn thịt trâu và sẽ tức giận nếu biết chúng tôi ăn thứ thịt này trong nhà ông ta. Nhiều người Campuchia suy nghĩ như vậy, dựa trên lập luận rằng trâu là loài vật rất quan trọng để cung cấp sức kéo. Khi người chủ nhà bước vào, lúc giữa chừng bữa ăn, họ đã đậy cái tô thịt lại và không nói năng gì về cái thứ đựng trong đó.

Một món chiêu đãi khác là thịt nhím, do các nông dân bắt được và bán cho các du kích. Một món khác nữa là một trái dứa tươi mà anh Hai đã cắt vỏ một cách đúng bài bản rồi cắt cho mỗi người một khoanh dày mọng nước vào một buổi chiều nóng bức. Chúng tôi ăn dứa theo cách của họ, tức là chấm nhiều muối để làm giảm bớt độ ngọt.

Các trò chơi, món ăn và các cuộc chuyện trò thú vị đã khiến cho thời gian qua đi vui vẻ, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy một nỗi lo dai dẳng là mình có thể sẽ bị giam giữ vô hạn. Vì vậy thật là dễ chịu khi bắt đầu nhận được những lời bóng gió rằng có lẽ chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ được tự do. Đầu tiên là câu nói bất ngờ của anh Hai về việc "người nước ngoài" sẽ không thể ở chung với bộ đội tại mặt trận Campuchia khi mùa mưa đến. Một lần khác, anh Hai trò chuyện động viên chúng tôi về điều chúng tôi có thể viết sau một thời gian sống với họ. Anh nói: "Các anh có thể viết các bài báo hay là cả một cuốn sách có tầm quan trọng lịch sử lớn lao. Các anh có thể viết về cuộc chiến tranh thắng lợi của một nước nhỏ chống lại nước Mỹ. Cả thế giới sẽ đọc, nhất là những nước nhỏ khác đang muốn chống Mỹ nhưng không biết cách làm sao."

Có lần anh đột nhiên hỏi chúng tôi thích ở với họ bao lâu nữa nếu chúng tôi được tham khảo ý kiến. Anh nói: "Các anh cần hiểu là tới nay chưa quyết định được liệu các anh có đúng là các phóng viên báo chí hay không, nhưng tôi chỉ muốn hỏi nguyện vọng của các anh trong trường hợp vụ việc được xác định theo hướng có lợi cho các anh." Mike đã trả lời bằng tiếng Việt trước khi dịch câu hỏi cũng như câu trả lời của anh ấy cho Beth và tôi. Anh nói rằng anh thích ở thêm một tháng nữa.

Beth và tôi đông tình với câu trả lời đó. Làm theo cung cách trang trọng lâu đời ở phương Đông, tôi đọc một bài diễn văn nho nhỏ, nhờ Mike phiên dịch từng câu một: "Chúng tôi hoàn toàn vui vẻ khi ở đây với các anh, ngoại trừ một điều. Dó là mối lo lắng về phía các gia đình chúng tôi vì họ không biết chúng tôi sống hay chết. Phải chi chúng tôi nhận được một lời từ gia đình rằng họ biết chúng tôi còn sống và khỏe mạnh thì chúng tôi sẽ hết sức yên tâm. Dây là một cơ hội tuyệt vời cho một nhà báo để có thể quan sát được phía bên kia của cuộc chiến tranh. Ngay sau khi các anh đã hoàn tất cuộc điều tra và xác minh được rằng chúng tôi là "người tốt”, chúng tôi hy vọng sẽ được tự do di chuyển và được phép nói chuyện nhiều hơn với dân chúng và quan sát các vùng xảy ra chiến sự. Thêm một tháng nữa sẽ là một lượng thời gian thích hợp, vì khi đó sẽ là vừa qua khỏi cuối tháng 6, là thời điểm mà Tổng thống Nixon đã hứa rằng toàn bộ lính Mỹ sẽ được rút lui."

Anh Hai chăm chú lắng nghe, dừng một lát, rồi nói: "Đó là câu trả lơi hay." Và cuộc nói chuyện kết thúc ở đó.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx