sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 27

Những khi nào có quá nhiều việc gấp rút và thật khó xếp ưu tiên việc nào nên làm trước việc nào như sáng hôm nay, Camille lại cho rằng “việc khẩn cấp nhất là không làm gì cả”. Đó là một biến thể phương pháp của ông, phương pháp tiếp cận các vụ việc với độ lùi tối đa. Thời còn giảng dạy ở trường Cảnh sát, ông đã trình bày phương pháp bay lượn lờ này dưới cái tên “kỹ thuật trên không”. Do một người cao một mét bốn lăm đặt ra thì danh xưng này rất dễ gây cười, nhưng chưa từng có ai cả gan làm thế.

Sáu giờ sáng, Camille đã tỉnh dậy rồi tắm rửa, ăn sáng, chiếc khăn tắm vứt gần cửa còn ông đứng đó, bế Doudouche trên tay. Ông gãi lưng nó, cả hai nhìn ra cửa sổ.

Ánh mắt ông bắt gặp cái phong bì có dòng tiêu đề của bên tổ chức đấu giá mà rốt cuộc đêm qua ông đã quyết định mở ra.

Vụ bán đấu giá ấy là điều khoản quy định thừa kế cuối cùng của bố ông. Cái chết của bố ông không khiến ông quá đau đớn, không, Camille đã choáng váng, đảo lộn, rồi đau lòng, buồn rầu, nhưng cái chết của bố ông không hề là một thảm họa. Mà cái chết ấy có sức tàn phá ngấm ngầm. Với bố ông, mọi thứ đều dễ đoán khủng khiếp, cái chết của bố ông cũng không thực sự là một ngoại lệ. Cho tới tận hôm qua Camille vẫn chưa mở nổi cái phong bì ấy là bởi bên trong nó chứa đựng dấu chấm hết cho một phần đời ông. Ông đã sắp năm mươi tuổi. Quanh ông, mọi người đều đã chết, mẹ ông rồi vợ ông, giờ đến lượt bố ông; ông không có con. Chưa bao giờ ông hình dung được mình sẽ là người cuối cùng sót lại trong cuộc đời chính mình. Đó là điều khiến ông xáo động, cái chết của bố ông kết lại một câu chuyện tuy vậy vẫn chưa kết thúc. Camille vẫn còn đây, đã nhừ tử rồi nhưng vẫn còn đây. Chỉ có điều cuộc đời ông chỉ còn thuộc về mình ông, ông là người duy nhất nắm giữ nó và hưởng lợi từ nó. Khi ta trở thành nhân vật chính của đời mình thì chuyện chẳng còn mấy thú vị nữa. Điều làm Camille đau đớn không chỉ là cái mặc cảm ngu ngốc của kẻ sống sót, mà còn là vì cảm nhận được mình đang phải chịu khuất phục trước một nông nỗi tầm thường như vậy.

Căn hộ của bố ông đã bán xong. Chỉ còn lại độ mười lăm bức tranh của Maud mà ông Verhoeven lưu giữ.

Chưa nói đến xưởng vẽ. Camille không thể nào đi đến đấy, đó là giao lộ của mọi nỗi đau đớn, mẹ ông, Irène… Không, ông không thể làm nổi, sẽ chẳng bao giờ ông đủ sức dù chỉ là để leo bốn bậc cầu thang, đẩy cửa, bước vào, không, chẳng bao giờ.

Để giải quyết những bức tranh, ông đã phải huy động toàn bộ lòng can đảm. Ông đã liên hệ với một người bạn của mẹ, họ là bạn đồng môn ở trường Mỹ thuật; ông ấy đã nhận trách nhiệm kiểm kê các tác phẩm. Cuộc bán đấu giá sẽ được tiến hành vào ngày 7 tháng Mười, mọi việc đã được lên kế hoạch xong xuôi. Mở phong bì ra, Camille nhìn thấy danh sách các bức tranh được đem bán, địa điểm, giờ giấc, chương trình bữa tiệc tối hoàn toàn tập trung vào tác phẩm của Maud, với những lời phát biểu, lời kể thích hợp với dịp ấy.

Thoạt tiên, ông đã nghĩ ra cả một thiên tiểu thuyết, bịa ra đủ thứ giả thiết để biện minh cho việc không giữ dù chỉ một bức trong số đó. Giả thiết hay hớm nhất là: đẩy toàn bộ tác phẩm của mẹ ông đi cũng đồng nghĩa với việc vinh danh bà. “Bản thân tôi, nếu muốn ngắm một bức tranh của bà, tôi cũng phải tới bảo tàng,” ông từng giải thích với một vẻ thỏa mãn pha lẫn nghiêm trang. Tất nhiên điều ấy hết sức vớ vẩn. Sự thật là ông yêu mẹ mình vượt mọi chừng mực và, kể từ khi chỉ còn lại một mình, trong ông cứ không ngừng quấy đảo cái hợp chất của tình yêu hòa trộn giữa niềm ngưỡng mộ và lòng hận thù, giữa cay đắng và đau xót. Tình yêu đậm màu sắc thù hận ấy có độ tuổi ngang với ông nhưng, giờ đây để có thể sống bình yên, ông cần tách rời khỏi tất tật chuyện đó. Hội họa từng là lẽ sống tối thượng của mẹ ông, bà đã hy sinh cả cuộc đời mình cho nó, và cùng với cuộc đời mình, bà cũng hy sinh luôn cả cuộc đời Camille. Không phải toàn bộ, không, nhưng cái phần mà bà hy sinh đã trở thành số phận của con trai bà. Cứ như thể bà đã nghĩ đến chuyện sinh một đứa con nhưng không hề hình dung đó sẽ là một con người. Camille sẽ chẳng thoát khỏi bất kỳ một gánh nặng nào, ông chỉ muốn trút đi chút sức nặng.

Mười tám bức tranh, chủ yếu thuộc giai đoạn mười năm cuối đời Maud Verhoeven, sẽ được đem bán. Tất cả đều thuộc trường phái trừu tượng thuần túy. Trước một số bức, Camille có cùng cảm giác khi ngắm tranh của Rothko, có thể nói rằng màu sắc rung lên bần bật, thở phập phồng, phải cảm nhận thấy thế thì mới biết được hội họa sống động có nghĩa là gì. Hai bức đã được ưu tiên mua trước, chúng sẽ được bày tại các bảo tàng, hai bức cuối cùng, chúng như thể hét lên vì đau đớn, được vẽ khi bệnh ung thư trong Maud đã bước vào giai đoạn cuối và là đỉnh cao nghệ thuật của bà. Bức tranh có lẽ Camille sẽ giữ là một bức chân dung tự họa bà vẽ vào quãng ba mươi tuổi. Nó vẽ một khuôn mặt đầy nét trẻ thơ, chất chứa những bận tâm, gần như nghiêm trang. Chủ thể nhìn vượt ra xa ta, có gì đó thiếu vắng trong cách bố trí ấy; đó là một sự hòa trộn hết sức tinh vi giữa nữ tính trưởng thành và vẻ thơ ngây trẻ con, như ta thường thấy trên khuôn mặt những người phụ nữ trước kia tươi trẻ và khao khát sự êm đềm, giờ đây bị tàn phá vì rượu. Irène từng rất thích bức tranh này. Một hôm cô đã chụp lại nó cho Camille, bức ảnh, khổ 10x13, vẫn luôn nằm trên bàn làm việc của ông, cùng cái lọ thủy tinh để cắm bút mà Irène, vẫn là cô, đã tặng cho ông, thứ duy nhất thực sự riêng tư mà Camille còn lưu giữ trong môi trường công việc của mình. Armand vẫn thường ngắm bức ảnh này với ánh mắt ái mộ, đó là bức tranh duy nhất của Maud Verhoeven mà anh hiểu được bởi vì nó đủ yếu tố biểu hình. Camille tự hứa ngày nào đó sẽ tặng cho anh ta bức ảnh chụp lại đó, nhưng vẫn chưa làm việc ấy. Ngay cả bức tranh ấy ông cũng cho đem bán. Khi tác phẩm của mẹ ông rốt cuộc đã bị phân tán hết, có lẽ ông sẽ được bình yên, có lẽ rốt cuộc ông cũng sẽ có thể đem bán mắt xích cuối cùng của sợi dây chẳng còn buộc vào đâu nữa, xưởng vẽ Montfort.

Cơn buồn ngủ ập đến cùng những hình ảnh khác, khẩn cấp hơn và thời sự hơn, những hình ảnh về cô gái trẻ bị nhốt và đã tự giải thoát, vẫn là những hình ảnh về cái chết, nhưng là cái chết sắp đến. Bởi vì, ông cũng chẳng biết tại sao lại nghĩ thế nữa, nhưng trước cảnh tượng cái lồng vỡ bung, đám chuột chết, những dấu vết của cuộc chạy trốn ấy, ông chắc như đinh đóng cột rằng tất tật đều che giấu một điều gì đó khác hẳn, rằng đằng sau đó còn có cái chết.

Bên dưới, phố đã bắt đầu náo nhiệt. Với một người ngủ ít như ông thì điều đó chẳng quan trọng gì nhưng Irène thì hẳn sẽ không thể sống ở đây. Ngược lại, với Doudouche thì đây là cả một cảnh tượng hấp dẫn, nó có thể ngắm những con thuyền qua lại chỗ cửa đập nước suốt nhiều tiếng đồng hồ qua cửa kính. Những khi thời tiết đẹp, nó được phép lên nằm trên bệ cửa sổ.

Camille sẽ chỉ rời khỏi nhà chừng nào tâm trí ông đã được thông suốt. Còn lúc này, bao câu hỏi cứ dồn dập đặt ra.

Nhà kho ở Pantin. Trarieux đã tìm ra nó bằng cách nào? Điều đó có quan trọng hay không? Đã rệu rã từ nhiều năm nay nhưng cái nhà kho khổng lồ ấy chưa từng bao giờ có người lởn vởn, dân vô gia cư không chiếm lấy nó. Cảnh xập xệ hẳn đã làm nản chí mọi ý định nhưng, điều chủ yếu nằm ở chỗ lối vào khả dĩ duy nhất, qua một tấm tôn khá hẹp nằm sát mặt đất, buộc người ta phải đi một chặng đường dài, nên sẽ khó mà mang theo đồ đạc cần thiết để có thể sống trong đó. Có lẽ cũng vì thế mà Trarieux đã làm một cái lồng nhỏ đến vậy, với các thanh gỗ có chiều dài tối đa mà hắn có thể mang vào. Ta cũng hình dung được cô gái đã được vác đến đó như thế nào. Hắn phải có động cơ vô cùng mạnh. Hắn đã sẵn sàng khiến cô gái ấy kiệt sức trong vòng bao lâu cũng được, để buộc cô ta thú nhận đã nhét con trai hắn vào chỗ nào.

Nathalie Granger. Họ biết đó không phải tên cô ta nhưng vẫn tiếp tục gọi như thế, vì không nghĩ ra cái tên nào hay hơn. Camille thích gọi là “cô gái” hơn nhưng không phải lúc nào cũng làm được. Phải chọn gì đây, giữa một cái tên giả và hoàn toàn không có tên?

Viên thẩm phán đã chấp nhận khởi tố vụ án. Tuy nhiên, cho đến khi nào có bằng chứng trái ngược, cái kẻ chắc chắn đã dùng xẻng đập chết thằng con trai Trarieux rồi sau đó gần như làm đầu gã rụng ra bằng axít sunfuric chỉ được tìm kiếm với tư cách nhân chứng. Cô gái sống cùng cô ta ở Champigny đã chính thức nhận ra cô ta trên tranh chân dung phác thảo, nhưng vẫn còn cần có các vật chứng.

Trong nhà kho ở Pantin, họ đã lấy được mẫu máu, tóc và đủ mọi thứ chất hữu cơ, chúng giúp nhanh chóng xác nhận đó chính là cô gái mà họ tìm được dấu vết trong thùng xe của Trarieux. Ít nhất, điều này cũng sẽ được công nhận. Và như thế thì chẳng bõ bèn gì, Camille tự nhủ.

Giải pháp duy nhất để giữ hướng điều tra mới này là mở lại hồ sơ hai vụ giết người bằng axít sunfuric đậm đặc tìm thấy trong kho lưu trữ mới đây, xem thử có thể đều là do bàn tay của một hung thủ hay không. Mặc cho sếp cẩm hoài nghi, Camille vẫn tin tưởng tuyệt đối, đó là cùng một kẻ sát nhân, một nữ sát nhân. Các hồ sơ sẽ được mang lên vào sáng nay, khi nào tới sở ông sẽ thấy chúng.

Camille suy nghĩ một lúc về cặp đôi ấy. Nathalie Granger và Pascal Trarieux. Bi kịch tình yêu chăng? Nếu là vậy, hẳn ông sẽ hình dung ra câu chuyện ngược hẳn lại, Pascal Trarieux điên lên vì ghen tuông hoặc không chịu được khi bị đá, giết chết Nathalie, lên cơn, đột ngột phát điên, nhưng chiều kia thì… Tai nạn ư? Khó mà tin nổi khi nhìn vào cách thức mọi chuyện đã xảy ra. Ý nghĩ của Camille thực sự không tập trung nổi vào các giả thiết này, còn có một điều gì đó khác hẳn nhảy nhót trong óc ông, trong khi Doudouche bắt đầu gại gại vào tay áo vest của ông. Đó là cách thức cô gái rời khỏi nhà kho. Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra?

Các phân tích sẽ cho biết cô ta làm cách nào mà thoát được khỏi cái lồng treo đó nhưng sau đấy, khi ra đến ngoài rồi, cô ta đã làm gì?

Camille thử hình dung ra cảnh ấy. Và bộ phim của ông thiếu mất một cảnh.

Họ đã biết, cô gái mặc lại quần áo của mình. Họ đã lấy được dấu giày của cô ta cho đến đường hầm dẫn tới lối ra. Chắc chắn đó chính là đôi giày cô ta đi khi bị Trarieux bắt cóc, khó mà tưởng tượng nổi chuyện gã cai ngục lại mang đến một đôi mới. Thế nhưng hắn đã đánh cô gái ấy, cô ta đã tự vệ, hắn đã đẩy cô ta vào thùng xe, trói lại. Những thứ quần áo ấy sẽ như thế nào? Nhăn nhúm, rách rưới, bẩn thỉu. Dù thế nào thì cũng không thể tinh tươm… Camille dự đoán. Ngoài phố, một cô gái ăn vận như thế thì phải bị để ý chứ?

Camille thấy khó hình dung được là Trarieux lại có thể đặc biệt chăm chút đồ đạc của cô gái nhưng thôi được rồi, ông tự nhủ. Ta hãy tạm bỏ qua chuyện quần áo để xem xét bản thân cô gái.

Đã biết tình trạng bẩn thỉu của cô ta. Suốt một tuần, trần trùi trụi, trong một cái lồng treo cách mặt đất hai mét. Trên các bức ảnh, cô ta có dáng vẻ còn hơn bị ngược đãi, gần như đã chết, họ đã tìm thấy chỗ đồ ăn cho thú nuôi, cho các loại chuột, Trarieux đã dùng cái thứ đó cho cô ta ăn. Cô ta ỉa đái ngay xuống dưới trong suốt một tuần.

— Cô ta kiệt sức, - Camille nói to lên. - Và bẩn thỉu kinh người.

Doudouche ngẩng đầu lên, như thể, còn trước cả ông, nó đã nhận ra rằng chủ của nó lại nói chuyện một mình.

Dấu nước trên sàn nhà, trên đống giẻ, dấu vân tay của cô ta trên nhiều chai nước, trước khi ra khỏi nhà kho, cô ta đã làm vệ sinh cơ thể một cách đại khái.

— Dù có vậy… Khi mà người ta đã ỉa đái đùm đề suốt một tuần, thì vệ sinh sao nổi với ba lít nước lạnh và hai cái giẻ bẩn?

Giờ lại quay lại câu hỏi trọng tâm, cô ta đã làm thế nào để về được nhà mà không bị ai để ý?

• • •

— Ai bảo anh là chẳng có ai nhìn thấy cô ta? - Armand hỏi.

Tám giờ kém mười lăm. Ở chỗ Đội Trọng án. Kể cả khi chẳng thiết để ý thì cũng thật buồn cười khi nhìn cảnh Armand và Louis ở cạnh nhau. Louis, trong bộ com lê màu xám ánh thép hiệu Kiton, cà vạt Steffano Ricci, giày Weston, còn Armand thì từ đầu đến chân là hàng thanh lý dọn kho của Cứu tế Xã hội. Khốn thật, Camille tự nhủ khi quan sát kỹ anh ta, có thể nói rằng để tiết kiệm thêm được vài đồng, anh ta còn mua đồ nhỏ đi một cỡ!

Ông uống thêm một ngụm cà phê. Đúng thế, ai bảo chẳng có ai nhìn thấy cô ta?

— Ta sẽ tập trung suy nghĩ điểm này, - Camille nói.

Cô gái đã rất kín đáo, cô ta ra khỏi nhà kho rồi biến mất vào không khí. Bốc hơi. Khó mà chấp nhận cho nổi.

— Hay cô ta vẫy xe xin đi nhờ? - Louis đề xuất.

Bản thân anh cũng không tin vào điều đó. Một cô gái hai lăm, ba mươi tuổi vẫy xe xin đi nhờ vào lúc một, hai giờ sáng ư? Thế nếu như không có xe nào đỗ lại ngay cho cô ta đi nhờ, thì cô ta cứ thế đứng trên vỉa hè giơ ngón tay lên ư? Tệ hơn nữa, hay là cô ta bước đi dọc theo vỉa hè, tay ra hiệu cho những chiếc xe, giống một con điếm?

— Xe buýt…

Có thể lắm. Thế nhưng vào ban đêm, ở tuyến đường này hẳn không có nhiều xe, cô ta phải thực sự may mắn. Nếu không thì cô ta phải đứng chôn chân ở một bến xe buýt suốt nửa tiếng đồng hồ, bốn mươi lăm phút, kiệt sức, có lẽ còn ngất xỉu nữa. Khó có khả năng này. Mà cô ta có đủ sức dù chỉ để đứng thẳng không?

Louis nhận sẽ kiểm tra giờ xe, hỏi han các tài xế.

— Taxi…?

Louis thêm hướng điều tra này vào những việc cần xem xét, nhưng cả khả năng này nữa… Cô ta có tiền không? Và cả một bộ dạng đủ tử tế để làm một tài xế taxi tin tưởng không? Có lẽ ai đó đã nhìn thấy cô ta đi bộ trên vỉa hè ngoài phố.

Họ chỉ có thể đánh cược rằng cô ta đi về hướng Paris. Sẽ phải tìm kiếm ở khu vực xung quanh. Dù cho là xe buýt hay taxi thì cũng sẽ phải làm cho rõ trong vòng vài tiếng nữa.

Đến trưa, Louis và Armand lên đường. Camille nhìn họ đi khỏi, một cặp mới hay hớm làm sao.

Ông vòng ra sau bàn làm việc, liếc nhìn hai tập hồ sơ đã đợi sẵn, Bemard Gattegno và Stefan Maciak.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx