sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 33

Văn phòng của Đội.

Theo tất cả những gì họ đã biết, đường đời của Pascal Trarieux chưa từng bao giờ giao cắt với đường đời của Stefan Maciak, đường đời của Stefan Maciak lại càng không giao cắt với đường đời của Gattegno. Camille đọc to những tờ phiếu ghi chép của mình:

— Gattegno, sinh ở Saint-Fiacre, học trung học kỹ thuật ở Pithiviers, ở đó ông ta bắt đầu học việc. Sáu năm sau đó, ông ta mở xưởng riêng ở Étampes rồi mua lại (lúc hai mươi tám tuổi) xưởng của thầy dạy nghề cũ, cũng Ở Étampes.

Viên thẩm phán đã ghé qua để làm cái việc mà anh ta gọi là “debriefing”. Anh ta phát âm từ ấy với ngữ điệu Anh nhấn rất mạnh, nửa có vẻ kiểu cách nửa có vẻ lố bịch. Hôm nay, anh ta thít vào cổ mình cái cà vạt xanh da trời, đỉnh cao của sự lố lăng trong trang phục của anh ta. Hai bàn tay đặt nằm trước mặt như hai con sao biển, anh ta tỏ ra rất lì. Anh ta muốn gây ấn tượng.

— Từ khi sinh ra đến lúc chết đi, người này không đi khỏi nhà quá ba mươi cây số, - Camille nói tiếp. - Lấy vợ, có ba con, và đột nhiên, ở tuổi, bốn mươi bảy, lại nổi hứng khi đã xế chiều. Chuyện ấy đã làm ông ta phát rồ và sau đó, làm ông ta mất mạng. Không có liên quan gì với Trarieux.

Viên thẩm phán không nói gì, Le Guen không nói gì, cả hai đều thủ thế, với Camille Verhoeven, ta không bao giờ biết chính xác chuyện sẽ xoay ra thế nào.

— Stefan Maciak, sinh năm 1949. Gia đình gốc Ba Lan, gia cảnh khiêm tốn, làm lụng cần mẫn, một tấm gương cho nước Pháp đa sắc tộc.

Mọi người đều đã biết tất tật những thứ đó, phải tóm tắt tình hình cuộc điều tra cho một người duy nhất là việc khá nặng nề, ta có thể cảm thấy thế trong giọng nói mất kiên nhẫn của Camille. Trong những trường hợp như vậy, Le Guen thường nhắm mắt, làm như ông muốn truyền sự bình tĩnh sang cho Camille thông qua truyền giao suy nghĩ. Louis cũng làm thế để trấn tĩnh sếp mình. Camille không phải một người dễ kích động nhưng thỉnh thoảng ông hay nổi cơn mất kiên nhẫn.

— Maciak của chúng ta được đồng hóa sâu sắc đến nỗi trở thành một kẻ nghiện rượu. Ông ta uống như một người Ba Lan, thế nên ông ta là một người Pháp tốt. Theo kiểu người muốn giữ gìn quốc tịch Pháp. Đột nhiên, ông ta vào làm ở quán rượu. Ông ta rửa bát, rồi bồi bàn, rồi phó phụ trách một cụm bàn, ta đang có trước mắt một ví dụ tuyệt vời về chuyện leo cao trong xã hội thông qua con đường đi xuống bụng của đồ ăn. Tại một đất nước cần cù như đất nước chúng ta, nỗ lực luôn luôn được đền đáp. Maciak được điều hành quán cà phê đầu tiên khi ba mươi hai tuổi, ở Épinay-sur-Orge. Ông ta làm tám năm rồi cuối cùng, đạt đến đỉnh cao của thăng tiến xã hội, ông ta mua cái quán ở ven Reims, chỉ phải vay một ít tiền, ở đó ông ta bị chết trong hoàn cảnh mà chúng ta đã biết. Ông ta chưa bao giờ lấy vợ. Điều này có lẽ giải thích cho cú sét đã quật ngã ông ta khi một hôm một nữ du khách ghé qua bỗng để ý đến ông ta. Dịp ấy, ông ta để lại đó 4.143,87 euro (dân kinh doanh thích những con số cụ thể), cùng cả cuộc đời mình. Sự nghiệp của ông ta rất cần mẫn, nhưng niềm đam mê của ông ta thì cháy bỏng ngắn ngủi.

Im lặng. Ta không biết được là do bực dọc (viên thẩm phán), rụng rời (Le Guen), kiên nhẫn (Louis) hay vui sướng (Armand), nhưng tất cả đều ngậm miệng.

— Theo ông, các nạn nhân không có điểm chung, nữ sát thủ của chúng ta giết người theo kiểu tình cờ, - rốt cuộc viên thẩm phán cất tiếng. - Ông nghĩ cô ta không dự mưu.

— Cô ta có dự mưu hay không thì sao mà tôi biết được. Tôi chỉ nêu nhận xét là các nạn nhân không quen biết nhau và sẽ không cần tìm kiếm theo hướng đó.

— Thế tại sao nữ sát thủ của chúng ta lại thay đổi căn cước, nếu không phải là “để” giết người?

— Đó không phải là “để” mà “bởi vì” cô ta đã giết người.

Chỉ cần thẩm phán đưa ra một giả thiết là tức thì Camille tìm cách đáp lại ngay. Ông giải thích:

— Cô ta không thay tên đổi họ một cách đúng nghĩa, cô ta chỉ tự nhận những cái tên khác nhau, hai điều ấy khác hẳn. Người ta hỏi cô ta tên là gì, cô ta đáp “Nathalie”, cô ta đáp “Léa” và thế là chẳng ai còn hỏi xem chứng minh thư của cô ta nữa. Cô ta tự đặt tên khác cho mình bởi vì cô ta đã giết nhiều đàn ông, theo chúng ta biết thì là ba người, còn thực tế thì ta chẳng biết là bao nhiêu. Cô ta làm rối tung mọi đầu mối lên hết mức có thể.

— Cô ta làm chuyện đó giỏi đấy, tôi thấy thế, - viên thẩm phán nói.

— Tôi công nhận… - Camille nói. Ông lơ đãng nói vì ánh mắt của ông đang dõi đi chỗ khác. Mọi con mắt đổ dồn ra cửa sổ. Thời tiết đã đổi. Cuối tháng Chín. Mới chín giờ sáng nhưng ánh sáng đã đột nhiên biến mất. Làn mưa nặng hạt quất vào các cửa kính của Bộ Tư pháp vừa tăng đôi mức độ, điên cuồng táp vào các ô cửa; nó đã bắt đầu âm ỉ từ hơn hai tiếng nay và rất khó biết điều gì sẽ ngăn được nó lại. Camille lo lắng nhìn thảm họa này. Những đám mây còn chưa có cái vẻ dữ tợn như trong bức Đại hồng thủy của Géricault nhưng đã không chỉ còn là một mối đe dọa trong không khí. Trong những cuộc đời nhỏ bé của chúng ta, Camille nghĩ, cần phải ngờ rằng tận thế chẳng có gì to tát mà hoàn toàn có thể bắt đầu một cách hết sức ngu ngốc như thế này.

— Động cơ thì sao? - viên thẩm phán hỏi. - Tiền, ít có khả năng…

— Chúng tôi nhất trí. Cô ta chỉ lấy đi những món tiền không đáng kể, nếu làm những chuyện ấy vì tiền thì cô ta đã phải tính toán nhiều hơn, đã phải chọn những con mồi giàu hơn. Số tiền của Trarieux bố là sáu trăm hai mươi ba euro, của Maciak là số tiền mặt trong ngày. Với Gattegno, cô ta vét hết các thẻ tín dụng.

— Hay là chỉ muốn kiếm tí chút thế thôi?

— Có thể. Tôi nghiêng về giả thiết để tạo dấu vết giả hơn. Cô ta muốn đánh lạc hướng điều tra một chút, vờ tạo ra những vụ cướp bần tiện.

— Thế thì sao nào? Điên à?

— Có lẽ. Dẫu sao thì cũng có liên quan đến tình dục.

Từ này quan trọng. Kể từ lúc này, có nói gì thì ta cũng có thể ngay lập tức thấy liên quan. Viên thẩm phán có suy nghĩ riêng về vấn đề này. Camille hẳn sẽ chẳng đặt cược nhiều tiền vào kinh nghiệm tình dục của anh ta nhưng anh ta đã học nhiều trường lớp nên không sợ đặt giả thiết về vấn đề ấy.

— Cô ta… (nếu là cô ta)…

Ngay từ đầu, viên thẩm phán đã thích chơi cái trò này. Vả lại hẳn anh ta đã biến nó thành thứ chủ đạo trong mọi vụ, việc nhắc nhở về nguyên tắc suy đoán vô tội, việc nhất thiết phải dựa trên các vật chứng, anh ta sướng điên đến muốn nằm ngửa ra giãy đành đạch nếu được trở thành kẻ dạy dỗ. Mỗi khi đưa ra một ẩn ý như thế, cái ẩn ý nhắc nhở rằng còn chưa có gì được chứng minh, lúc nào anh ta cũng dành một giây im lặng để mọi người nắm bắt được tầm vóc hàm ý của anh ta. Le Guen tán thành. Lúc sau, ông sẽ nói: - Thế đấy! May mà giờ anh ta đã lớn. Anh có hình dung được cái hồi tay ấy học lớp mười hai không, chắc là phải bực kinh lên được ấy nhỉ?

— Cô ta đổ axít vào cổ họng các nạn nhân, - rốt cuộc viên thẩm phán cũng nói tiếp. - Nếu là liên quan đến tình dục như ông nói, thì theo tôi cô ta phải dùng nó theo một cách khác chứ?

Đó là một lời ám chỉ, một đòn gián tiếp. Ta đặt ra các giả thiết, điều đó giúp ta lùi ra xa khỏi thực tại. Thế nên, phải làm tới thôi.

— Ông có thể nói rõ hơn không? - Camille hỏi.

— Ừ, thì…

Do dự lâu hơn cần thiết một giây, Camille bèn tấn công luôn:

— Vâng…?

— Ừ, thì, axít, lẽ ra cô ta nên đổ vào…

— Chim phải không? - Camille ngắt lời.

— Ờ…

— Hay có lẽ lên hai quả cà?

— Thật ra thì có vẻ như vậy.

Le Guen ngước mắt nhìn trần nhà. Khi nghe tiếng viên thẩm phán cất lên trở lại, ông thầm nhủ “hiệp hai rồi”, chưa gì ông đã thấy rất mệt.

— Ông vẫn nghĩ, thưa chỉ huy Verhoeven, rằng cô gái này từng bị hiếp, có phải thế không?

— Đúng, bị hiếp. Tôi nghĩ cô ta giết người bởi vì cô ta từng bị hiếp. Cô ta trả thù đám đàn ông.

— Thế nếu cô ta đổ axít sunfuric vào cổ họng các nạn nhân…

— Tôi nghiêng về những kỷ niệm tồi tệ liên quan đến vụ bú mút. Có thể vậy mà, ông cũng biết đấy…

— Đúng thế, - thẩm phán đáp. - Thậm chí còn thường gặp hơn ta tưởng nữa cơ. Nhưng thật may là không phải phụ nữ nào bị sốc vì cái chuyện ấy đều trở thành kẻ giết người hàng loạt. Hay ít nhất là theo cách thức đó…

Thật đáng ngạc nhiên là viên thẩm phán lại mỉm cười, Camille thấy hơi rối trí. Đó là kiểu cười không đúng lúc, khá khó diễn giải.

— Dẫu sao, dù nguyên nhân có là gì đi nữa, - ông nói tiếp, - thì đó cũng là điều cô ta làm. Đúng, tôi biết, nếu đó là cô ta…

Nói đoạn, Camille chĩa ngón tay trỏ lên trời, rất nhanh:

— vụ này nhàm lắm rồi.

Viên thẩm phán tiếp tục mỉm cười, nhất trí và đứng dậy.

— Dẫu sao, có là thế hay không đi nữa thì cô gái ấy cũng bị mắc cái gì đó ở ngang cổ họng.

Tất cả mọi người đều kinh ngạc. Nhất là Camille.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx