sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 35

Họ giẫm chân tại chỗ. Viên thẩm phán, thời tiết, cuộc điều ha, chẳng cái gì ra hồn. Ngay Le Guen cũng cáu kỉnh. Và cô gái ấy, họ vẫn chưa biết gì thêm. Camille đã xong xuôi các báo cáo, ông lần khần đôi chút. Chẳng bao giờ ông thực sự muốn về nhà. Nếu không có Doudouche đợi ông…

Họ làm việc mười tiếng mỗi ngày, họ đã thu được hàng chục tờ khai, đọc lại hàng chục báo cáo và biên bản, cắt lấy các thông tin, làm rõ một số thứ, kiểm tra các chi tiết, giờ giấc, thẩm vấn nhiều người, vẫn chẳng có gì. Đến mức phải tự đặt dấu hỏi.

Louis thò đầu vào trước rồi mới bước vào. Nhìn thấy đống giấy tờ bừa bãi trên bàn làm việc, anh ra dấu hỏi chỉ huy: - tôi xem được không? - Camille gật đầu. Louis xoay các tờ giấy lại, đó là những bức chân dung cô gái. Bức phác họa do bên Lý lịch tư pháp lập ra khá giống, đủ để các nhân chứng có thể nhận ra cô ta nhưng đó là một chân dung không sự sống, trong khi ở đây, bằng trí nhớ, Camille đã tái tạo cô ta, đã chuyển hóa cô ta. Cô gái này không có tên nhưng trên những bức tranh này, cô ta có một tâm hồn. Camille đã vẽ cô ta mười, hai mươi, có thể ba mươi lần, như thể ông quen thân với cô ta. Cô ta ngồi bên bàn, hẳn là ở quán ăn, hai tay đan vào nhau chống dưới cằm, như thể đang lắng nghe ai đó kể chuyện, mắt cô ta sáng màu và tươi cười. Ở đây thì cô ta đang khóc, cô ta vừa ngẩng đầu lên, trông khá xúc động, có thể nói rằng cô ta không thốt nổi nên lời và cặp môi thì run rẩy. Đó, ngoài phố, cô ta bước đi và xoay hông khi ngoái đầu lại, vừa tình cờ nhìn một cửa kính, khuôn mặt kinh ngạc của cô ta phản chiếu trên đó. Dưới ngòi bút chì của Camille, cô gái này sống động đến không thể tin nổi.

Louis những muốn nói anh thấy những bức tranh này đẹp vô cùng nhưng lại không nói bởi vì anh còn nhớ Camille cũng thường vẽ Irène như vậy, vẽ suốt. Trên bàn làm việc của ông luôn luôn có những bức phác họa mới. Ông vừa nguệch ngoạc vẽ vừa nói chuyện điện thoại, như thể đó là một sản phẩm vô ý của trí óc ông.

Vậy nên Louis chẳng nói gì. Họ trao đổi vài câu. Không, Louis sẽ còn nán lại thêm chút nữa, không lâu, anh có những việc cần làm cho xong. Camille hiểu, đứng dậy, choàng áo măng tô, cầm lấy mũ và đi ra ngoài.

Trên đường đi, ông gặp Armand. Hiếm khi nào anh ta ở lại văn phòng vào giờ này, Camille ngạc nhiên. Armand kẹp hai điếu thuốc lá ở hai vành tai, đầu một chiếc bút bi bốn màu thò ra khỏi túi áo vest sờn rách. Đó là dấu hiệu cho thấy ở tầng nào đó vừa có một người mới. Một trường hợp mà tài thính mũi của Armand chưa bao giờ thất bại. Một người mới không thể đi được hai bước đầu tiên trong tòa nhà mà không gặp trúng tay cớm già dễ mến nhất quả đất này, sẵn sàng dẫn lối cho anh ta trong mê cung những hành lang, những mối thân thiện, những tin đồn, cái tay ruột để ngoài da và cực kỳ thấu hiểu cánh trẻ. Camille rất thích điều đó. Giống chương trình music hall khi khán giả dại dột trèo lên sân khấu để rồi bị xoáy mất đồng hồ và ví tiền mà chẳng hề hay biết. Trong lúc trò chuyện, tay mới đến sẽ bị móc mất thuốc lá, bút, sổ, bản đồ Paris, vé tàu điện ngầm, séc quán ăn, thẻ đỗ xe, tiền lẻ, tờ báo trong ngày, tờ tạp chí với nhiều trò ô chữ. Armand vơ vét mọi thứ, vào ngày đầu tiên. Bởi vì ngay sau đó đã là quá muộn.

Camille và Armand cùng nhau rời Đội. Buổi sáng, Camille bắt tay Louis nhưng không bao giờ làm thế vào buổi tối. Với Armand thì họ bắt tay nhau vào buổi tối nhưng không nói với nhau câu nào.

Trong thâm tâm, ai cũng biết nhưng chẳng ai dám nói. Camille là một người lệ thuộc vào các thói quen, ông áp đặt chúng lên những người xung quanh, và ông luôn luôn có những thói quen mới.

Thật ra, còn hơn là những thói quen, đó là các nghi thức. Những cách thức để tự nhận biết bản thân. Với ông, cuộc đời là một buổi lễ miên viễn, trừ mỗi việc chẳng ai biết là để ăn mừng gì. Và là một thứ ngôn ngữ. Ở Camille, kể cả đeo kính thôi cũng không chỉ là muốn nói: tôi đeo kính, mà tùy trường hợp có thể là tôi cần suy nghĩ, làm ơn đi chỗ khác hộ cái, tôi cảm thấy già nua, hoặc cầu cho mười năm sắp tới trôi qua thật mau. Với Camille, đeo kính có chút tương tự với hành động hất tóc ở Louis, một hệ thống ký hiệu. Có lẽ Camille như vậy là vì ông quá nhỏ bé. Cần neo đậu chặt vào thế giới.

Armand bắt tay Camille rồi chạy ra bến tàu điện ngầm. Camille đứng lại đó. Hơi hoang mang. Doudouche dẫu có đáng yêu và đã làm hết sức thì tối tối trở về nhà, khi mà chỉ có vậy… Camille đã đọc được ở đâu đó, chính cái lúc ta không còn tin vào điều gì thì dấu hiệu sẽ tới, nó có thể cứu rỗi ta.

Nó diễn ra ngay ở đây, đúng lúc này.

Cơn mưa rào đã ngừng một lúc lại bắt đầu ào ạt đổ xuống. Camille giữ chặt mũ trên đầu bởi vì gió thổi xoáy, và tiến về phía bến taxi vô cùng vắng vẻ. Trước ông có hai người, cầm ô đen, vẻ bực dọc. Họ nhìn ra xa, người ngả về trước, bộ dạng của những hành khách đang sốt ruột đợi đoàn tàu đến muộn. Camille nhìn đồng hồ đeo tay. Hay đi tàu điện ngầm nhỉ. Quay người, đi vài bước, rồi lại quay trở lại. Ông dừng lại quan sát cái hoạt cảnh nho nhỏ diễn ra quanh bến taxi. Một chiếc xe đi qua trên phần đường dành riêng, rất chậm rãi, thậm chí còn chậm đến mức trông như thể muốn tiếp cận, một lời mời kín đáo, lơ đãng, cửa kính hạ xuống… Và đột nhiên, Camille chắc chắn mình đã tìm ra. Đừng hỏi ông là tại sao. Có thể chỉ đơn giản là vì ông đã khai thác đến kiệt cùng mọi phương án khác. Xe buýt thì không thể rồi, vì giờ giấc, còn tàu điện ngầm thì quá mạo hiểm, camera đặt khắp nơi và, quá một giờ nào đó, khi đã hơi vắng vẻ, luôn luôn có ai đó săm soi ta từ đầu xuống chân. Taxi cũng không được. Nếu muốn bị quan sát từ thật gần thì chẳng còn có gì thuận tiện hơn được nữa.

Vậy nên, chuyện đã xảy ra như thế. Ông không mất thời gian suy nghĩ thêm nữa, ông ấn chặt mũ xuống đầu, chạy vượt qua người khách đang tiến lên, lẩm bẩm xin lỗi và thò đầu qua cửa sổ xe.

— Ke Valmy? - ông hỏi.

— Mười lăm euro nhé? - người tài xế nói giá.

Đông Âu, nhưng là nước nào thì, với Camille, các loại âm sắc… Ông mở cửa sau. Xe phóng đi. Tài xế nâng kính lên. Anh ta mặc một chiếc ghilê len, kiểu áo đan tay ở nhà, với một chiếc phéc mơ tuya Éclatr. Phải ít nhất mười năm rồi Camille chưa nhìn thấy cái áo nào giống thế này. Kể từ khi ông vứt cái áo của mình đi. Vài phút trôi qua. Camille nhắm mắt lại, cảm thấy nhẹ nhõm.

— Mà thôi, - ông cất tiếng, - chở tôi quay lại ke Orfevres đi.

Tài xế ngước nhìn kính chiếu hậu.

Choán hết tấm gương: tấm thẻ cảnh sát của chỉ huy Camille Verhoeven.

• • •

Louis chuẩn bị đi, anh đang mặc chiếc măng tô Alexander McQueen thì Camille bước vào cùng con mồi của mình. Ngạc nhiên chưa, Louis.

— Cậu có một giây không? - Camille hỏi nhưng ông không đợi câu trả lời, ông đưa ngay tay tài xế vào một phòng thẩm vấn và ngồi vắt vẻo lên một cái ghế đặt đối diện anh ta.

Sẽ không lâu đâu. Vả lại Camille đã giải thích điều đó với tay tài xế:

— Là những người hữu hảo, chúng ta luôn luôn hiểu được nhau, có phải không?

Khái niệm “những người hữu hảo”, với một tay người Litva năm mươi tuổi có hơi quá phức tạp. Thế nên Camille liền ẩn mình vào trong những giá trị chắc chắn hơn, những lời giải thích sơ đẳng hơn và bởi vậy hiệu quả hơn:

— Chúng tôi (tôi muốn nói là cảnh sát), chúng tôi làm được nhiều việc lắm. Tôi có thể huy động người chặn hết ga Bắc và ga Đông, ga Montparnasse, ga Saint-Lazare, thậm chí cả ga Invalides, chỗ ấy để đi sân bay Roissy đấy. Chúng tôi có thể vây bắt hai phần ba xe taxi dù ở Paris trong vòng chưa đầy một tiếng và ngăn cản những chiếc khác hoạt động trong vòng hai tháng. Tóm được ai, chúng tôi sẽ dẫn về đây, lọc ra những người không có giấy tờ, mang giấy tờ giả, giấy tờ quá hạn, chúng tôi sẽ tặng cho họ những khoản tiền phạt tương ứng với giá chiếc xe của họ, còn xe thì chúng tôi tịch thu. À có đấy, chúng tôi không thể làm khác, đó là luật, anh cũng hiểu đấy. Rồi sau đó, chúng tôi sẽ cho một nửa trong số các anh lên máy bay để đi Belgrad, Tallinn, Vilnius (chúng tôi sẽ lo vé, khỏi phải nghĩ đi!), còn những người ở lại thì chúng tôi tống vào tù hai năm. Anh nghĩ sao về chuyện ấy, hả anh bạn?

Tay tài xế người Litva nói tiếng Pháp không thạo lắm, nhưng ông ta hiểu được điều cốt yếu. Còn hơn cả lo lắng, ông ta nhìn quyển hộ chiếu của mình đang để trên bàn, đang được Camille dùng cạnh bàn tay miết lên thật mạnh, như thể ông muốn lau sạch nó.

— Tôi cũng sẽ giữ cái này nữa, nếu anh muốn. Làm kỷ niệm cho cuộc gặp của chúng ta. Và tôi sẽ trả cho anh cái này. - Ông chìa cho ông ta chiếc điện thoại di động.

Khuôn mặt chỉ huy Verhoeven đột nhiên biến đổi, đùa cợt đã xong rồi. Ông dằn mạnh chiếc điện thoại xuống mặt bàn sắt.

— Còn bây giờ, anh đi mà khuấy loạn xạ cộng đồng của anh lên đi. Tôi muốn một cô gái, từ hai lăm đến ba mươi tuổi, ngon lành nhưng kiệt sức. Bẩn thỉu. Một người trong số các anh đã chở cô ta vào thứ Ba ngày 11, lên xe ở đoạn giữa nhà thờ và cửa ô Pantin. Tôi muốn biết người đó đã chở cô ta đi đâu. Tôi cho anh hai mươi tư tiếng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx