sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 55

Theo các tính toán của Camille, những bước đối chiếu mà ông đã thực hiện, khi Thomas “vào phòng cô ta”, Alex được khoảng gần mười một tuổi. Còn anh ta thì mười bảy. Để đến được kết quả này, ông đã phải đặt không ít giả thiết và suy luận rất nhiều. Anh cùng mẹ khác cha. Rất bao bọc. Cái phần bạo lực trong câu chuyện này, Camille tự nhủ. Thế mà mình cứ hay bị trách là tàn nhẫn…

Ông quay trở lại với Alex. Họ có vài bức ảnh chụp vào thời ấy nhưng không được ghi ngày tháng, họ phải dựa vào các yếu tố khung cảnh (xe cộ, quần áo) để xác định. Và căn cứ cả vào ngoại hình của Alex nữa. Cô ta lớn lên từ bức ảnh này sang bức ảnh khác.

Camille nghĩ đi nghĩ lại về câu chuyện gia đình. Bà mẹ, Carole Prévost, hộ lý, lấy Francois Vasseur, công nhân in, vào năm 1969. Lúc đó bà ta hai mươi tuổi. Sinh Thomas cùng năm. Người thợ in chết vào năm 1974. Thằng bé lên năm tuổi và chắc hẳn chẳng nhớ được gì về ông bố. Sinh Alex vào năm 1976.

Về người bố không ai hay biết. “Ông ta đã không xứng đáng,” bà Vasseur cả quyết, không nhận ra tầm quan trọng của điều mình vừa nói.

Không có óc hài hước lắm. Cùng lúc đó, trở thành bà mẹ của một cô con gái đã giết sáu người, điều đó cũng không khiến bà ta thích đùa cợt hơn. Camille không muốn chìa cho bà ta xem vài bức ảnh tìm được trong đống đồ đạc của Alex, ông đã rút chúng khỏi bàn. Ngược lại, ông hỏi bà ta xem còn có những bức ảnh khác nữa không. Ông đã nhận được cả một đống. Ông đã cùng Louis phân loại chúng, ghi lại các địa điểm, ngày tháng, tên những người mà bà Vasseur chỉ cho họ. Còn Thomas thì không đưa bức ảnh nào, bảo rằng anh ta không có.

Trên những bức ảnh chụp Alex hồi nhỏ, họ thấy một bé gái quá mức gầy gò, khuôn mặt hốc hác. Xương gò má nhô hẳn lên trên mặt và cặp mắt u tối, cái miệng mỏng dính mím chặt. Cô tạo kiểu chụp ảnh mà chẳng hề thích thú. Trên bờ biển, họ nhìn thấy những quả bóng, dù che, mặt trời chiếu thẳng. “Đó là Lavandou,” bà Vasseur nói. Hai đứa trẻ. Alex, mười tuổi, Thomas, mười bảy. Anh ta cao vượt cô một cái đầu, cô chỉ đứng chớm vai anh ta. Cô mặc đồ tắm hai mảnh, lẽ ra cũng chẳng cần đến mảnh phía trên, cầu kỳ quá làm gì. Chắc chỉ cần hai ngón tay là đủ bao vòng cổ tay cô. Hai chân gầy guộc đến nỗi chỉ còn nhìn thấy đầu gối. Hai bàn chân thì không để song song mà hơi chúc mũi vào trong. Ốm yếu, quặt quẹo, vậy thôi thì cũng chưa có gì nhưng các đường nét của cô thì xiên xẹo. Chỉ bờ vai thôi cũng đủ rồi, phải nhìn vào đó. Biết được câu chuyện thì sẽ thấy rất choáng váng.

Chính vào quãng thời gian này Thomas bắt đầu vào phòng cô. Trước đó một chút hoặc sau đó một chút, chẳng thay đổi được gì. Bởi vì các bức ảnh chụp thời kỳ tiếp theo cũng không đáng khích lệ hơn. Đây là Alex, chắc tầm mười ba tuổi. Ảnh chụp đông người, bức ảnh gia đình. Alex bên phải, bà mẹ ở giữa, Thomas bên trái. Hàng hiên một ngôi nhà ngoại ô. Một buổi sinh nhật. “Ở nhà ông anh đã mất của tôi,” bà Vasseur cho biết, vừa nói câu ấy bà ta vừa nhanh tay làm dấu thánh. Một hành động đơn giản nhiều khi mở ra những triển vọng khó ngờ. Trong gia đình Prévost, họ có lòng tin, hoặc từng có lòng tin, dẫu sao thì họ cũng hay làm dấu thánh. Theo Camille, điều này không tiên liệu điều gì tốt đẹp cho cô bé. Alex đã lớn lên một chút, không nhiều lắm nhưng cô cao hẳn lên, vẫn gầy gò như vậy, lòng khòng, có thể cảm nhận cô bé vụng về, không thoải mái từ bên trong. Đoán chắc cô sẽ gợi lên trong lòng ta một ham muốn bảo vệ cho cô. Trên bức ảnh này, cô hơi thụt lại sau so với mấy người kia. Ở mặt sau, mãi sau này Alex mới viết, bằng nét chữ người lớn: “Mẫu hậu”. Trông bà Vasseur không có mấy dáng dấp hoàng gia, mà giống bà nội trợ được xúng xính quần áo đẹp hơn, bà ta đang quay đầu mỉm cười với con trai.

— Robert Praderie.

Armand đã thế chỗ. Anh dùng một cái bút bi mới viết lên một quyển sổ mới các câu trả lời. Hôm nay ở Đội có tiệc.

— Không biết. Là một nạn nhân của Alex có phải không?

— Đúng rồi, - Armand đáp. - Ông ta là tài xế xe tải. Xác ông ta được tìm thấy tại một trạm nghỉ ở xa lộ Đông, trong xe của ông ta. Alex đã xiên một cái tuốc nơ vít vào mắt ông ta, thêm một cái nữa vào cổ, rồi đổ nửa lít axít sunfuric vào họng.

Thomas suy nghĩ.

— Chắc nó có gì căm ghét ông ấy…

Armand không mỉm cười. Đó là cái tài của anh, trông cứ như anh không hiểu những điều người ta nói, hoặc giả anh chẳng buồn quan tâm, nhưng thật ra là anh đang tập trung.

— Phải, chắc thế rồi, - anh nói. - Có vẻ như Alex khá nóng tính.

— Bọn con gái thì…

Ấn ý ở đây là, các ông biết bọn họ thế nào rồi đấy. Vasseur thuộc loại người sẵn sàng nói ra điều gì đó tục tĩu rồi đưa mắt tìm kiếm sự đồng lõa của những người khác. Ta hay thấy cái kiểu đó ở những tay điển trai đã già, những kẻ bất lực, bọn biến thái, tóm lại là hay thấy ở đám đàn ông.

— Vậy là, Robert Praderie, - Armand nhắc lại, - cái tên ấy không gợi cho anh điều gì đặc biệt à?

— Không hề. Tôi phải biết à?

Armand không trả lời, lục tìm trong tập hồ sơ.

— Thế còn Gattegno, Bernard?

— Anh định xem xét từng người đấy à?

— Chỉ có sáu thôi, sẽ rất nhanh.

— Tôi thì có liên quan gì tới những chuyện ấy?

— À, liên quan tới anh là ở chỗ Bernard Gattegno ấy mà, anh có quen biết ông ta.

— Sao lạ thế!

— Có đấy, anh nhớ lại đi! Gattegno, thợ sửa xe ở Étampes. Anh từng mua một chiếc mô tô ở chỗ ông ta vào… (anh kiểm tra trong tập hồ sơ)… năm 1988.

Vasseur suy nghĩ rồi nhượng bộ:

— Có thể lắm. Lâu rồi. Năm 1988, tôi mới mười chín tuổi, anh nói cứ như thể tôi còn nhớ được ấy…

— Thế nhưng mà…

Armand lật giở từng tờ giấy rời kẹp trong tập hồ sơ.

— Đây rồi. Chúng ta có lời chứng từ một người bạn của ông Gattegno, người này nhớ anh rất rõ. Anh từng rất ham mô tô vào thời đó, anh đã đi chơi, đã chạy xe nhiều…

— Khi nào?

— Thì hồi 88, 89…

— Thế anh có nhớ được tất cả những người anh từng quen biết vào năm 1988 không?

— Không, nhưng tôi không bị đặt câu hỏi đó, mà là anh.

Thomas lộ vẻ mệt mỏi.

— Thôi được rồi, cứ cho là vậy đi. Phi xe mô tô. Cách đây hai mươi năm. Rồi sao?

— Rồi thì, hơi giống một dây chuyền ấy. Anh không quen biết ông Praderie nhưng anh có quen biết ông Gattegno, ông ta thì lại quen biết ông Praderie…

— Hãy chỉ cho tôi hai người bất kỳ tuyệt đối không có chút liên hệ nào với nhau đi.

Armand cảm nhận thấy một điều tinh tế mà anh không nắm bắt được. Anh ngoái đầu sang Louis.

— Đúng, - Louis đáp, - chúng tôi có biết lý thuyết này, nó rất hấp dẫn. Nhung tôi e nó đang đẩy ta hơi xa khỏi chủ đề đang bàn.

• • •

Bà Toubiana đã sáu mươi sáu tuổi. Sức vóc còn khá lắm. Bà nhấn mạnh là phải gọi bà là “cô”. Bà đã tiếp Camille vào hôm kia. Bà vừa ra khỏi bể bơi công cộng, họ đã nói chuyện trong một quán cà phê, ngay đối diện, trên mái tóc ướt sũng của bà ta thấy rõ không ít sợi trắng. Kiểu phụ nữ khoái chí khi già đi vì việc đó càng tôn lên vẻ khỏe mạnh của họ. Với thời gian, thật khó mà không lẫn lộn một chút đám học trò với nhau. Bà cười phá lên. Những lúc gặp các phụ huynh nói với bà về con cái họ, bà phải giả vờ là mình có quan tâm. Không chỉ là bà không nhớ mà tệ hơn, bà đâu có để ý. Lẽ ra tôi phải thấy xấu hổ mới phải. Nhưng Alex thì bà nhớ rõ hơn những đứa khác, phải, bà có nhận ra cô trên các bức ảnh, cái vẻ gầy gò đến thế. Một đứa trẻ rất đáng chú ý, lúc nào cũng luẩn quẩn gần bàn giáo viên của tôi, giờ ra chơi nó hay đến gặp tôi, phải, hai chúng tôi rất thông cảm với nhau. Thế nhưng mà Alex ít nói lắm. Dẫu thế, nó cũng có bạn, đám bạn gái, nó cũng thích chơi đùa nhưng điều đáng nói là cái cách nó trở nên nghiêm túc “đùng một cái, như thế đó, nghiêm túc như ông giáo hoàng”, chỉ lát sau thôi nó lại hay nói như trước, “cứ như là đột nhiên bị lãng trí ấy, giống như thể nó bị rơi vào một cái hố, lạ lắm”. Khi nào rơi vào tình cảnh khó khăn thì nó còn hơi nói lắp nữa. Bà Toubiana bảo Alex “nhai chữ”.

— Tôi đã không nhận ra điều đó ngay đâu. Hiếm gặp lắm. Thường thì với những chuyện như thế tôi rất nhạy bén đấy.

— Cũng có thể trong năm học thì mới bắt đầu như vậy.

Bà Toubiana cũng nghĩ thế, bà lắc lắc đầu. Camille bảo rằng thế này bà dễ bị cảm mất thôi, tóc cứ để ướt. Bà đáp rằng có thế nào thì mùa thu năm nào bà cũng bị ốm, “đó là một thứ vắc xin, nó giúp tôi được mạnh khỏe suốt thời gian còn lại trong năm”.

— Liệu có thể có chuyện gì xảy ra trong năm ấy?

Bà không biết, bà lắc đầu, mắt đăm đăm nhìn vào một câu đố, bà không có lời nào, không có ý kiến nào, bà không biết, không nghĩ đến điều gì, cô bé ấy, mới vừa đó thôi còn gần gũi với bà là thế, giờ đã xa xôi rồi.

— Cô có bảo với mẹ cô bé về chuyện cô bé nói lắp không? Khuyên đến khám bác sĩ?

— Tôi đã nghĩ chuyện sẽ qua thôi.

Camille chăm chú quan sát người đàn bà già nua này. Cá tính đấy. Không thuộc loại chẳng hề có ý kiến nào về một vấn đề tương tự. Ông cảm thấy có điều gì đó không đúng, nhưng chẳng biết là gì. Thế còn thằng anh thì sao, Thomas ấy. Nó hay đến đón em, phải, rất đều đặn. Đó cũng là điều bà Vasseur từng nói: “Anh trai Alex rất quan tâm đến nó.” Một cậu bé cao lớn, “một cậu bé đẹp trai”, điều đó thì bà còn nhớ rõ, Camille không cười. Hồi đó Thomas học ở trường trung học kỹ thuật.

— Cô bé có sung sướng khi được anh đến đón như thế không?

— Không, chắc chắn rồi, anh cũng biết đấy, một cô bé gái thì lúc nào cũng muốn mình thật lớn, muốn tự đi học, tự về nhà một mình, hoặc cùng đám bạn gái. Còn anh cô bé thì lớn rồi, anh cũng thấy đấy…

Camille ngửa bài:

— Alex đã bị anh trai hiếp dâm, vào giai đoạn cô bé đang học ở lớp của cô.

Ông nói thật rõ. Đó không phải một hành động bộc phát. Bà Toubiana ngó lơ, về phía quầy, ra hàng hiên, ra phố, như đang đợi ai đó.

— Alex có thử nói chuyện với cô không?

Bà Toubiana hất bay câu hỏi bằng một cú vẩy tay khó chịu.

— Một chút, có, nhưng sao ta cứ phải lắng nghe mọi thứ bọn trẻ nói! Và rồi, đó là chuyện nhà người ta, đâu có liên quan gì đến tôi.

• • •

— Tức là Trarieux, Gattegno, Praderie…

Armand có vẻ hài lòng.

— Tốt rồi…

Anh lật đống giấy.

— À, Stefan Maciak nữa. Anh cũng không quen biết ông ta…

Thomas không nói gì. Rõ ràng anh ta đang đợi xem chuyện sẽ xoay theo chiều hướng nào.

— Một chủ quán cà phê ở Reims… - Armand nói.

— Tôi chưa bao giờ đặt chân đến Reims.

— Trước đó, ông ta có một quán cà phê ở Épinay-sur-Orge. Theo tài liệu của Distrifair, hãng của anh, anh phụ trách ông ta từ 1987 đến 1990, ông ta đã thuê bên các anh hai máy pinball.

— Có thể.

— Chắc chắn đấy, thưa anh Vasseur, tuyệt đối chắc chắn đấy.

Thomas Vasseur đổi chiến thuật. Anh ta nhìn đồng hồ đeo tay, vẻ như đang tính toán thật nhanh, rồi anh ta ngồi ngả ra ghế phô tơi, hai bàn tay đan vào nhau đặt trên thắt lưng, sẵn sàng dành thêm nhiều tiếng đồng hồ nếu cần.

— Nếu các ông nói cho tôi biết các ông muốn đi đến đâu, có thể tôi sẽ giúp ích được gì đó.

• • •

1989. Trên bức ảnh là một ngôi nhà ở Normandie, giữa Étretat và Saint-Valery, toàn bộ xây bằng gạch và đá với mái đá bảng, thảm cỏ xanh phía trước, một cái xích đu, đám cây ăn quả, toàn bộ gia đình, gia đình Leroy. Có vẻ như ông bố nói: “Leroy, viết liền không có khoảng cách nhé”[21], cứ như là được phép ngờ vực ấy. Ông có những sở thích khoa trương. Làm giàu trong ngành thiết bị sửa chữa, ông đã mua cơ ngơi này từ một gia đình tan nát vì tranh chấp thừa kế, kể từ đó ông nghĩ mình giống như chủ lâu đài. Ông tổ chức các bữa tiệc nướng, bắn cho nhân viên của mình những lời mời rất giống lệnh triệu tập. Ông nhòm ngó chức thị trưởng, mơ có chút chính trị ghi trên danh thiếp của mình.

Con gái ông, Reinette. Đúng, cái tên nghe ngu thật, người đàn ông này thực sự đủ khả năng làm mọi chuyện.[22] Vả lại Reinette nói về bố mình với vẻ nghiêm khắc. Chính cô kể câu chuyện này cho Camille, mà ông không cần phải hỏi.

Cô xuất hiện trên bức ảnh với Alex, hai cô bé tươi cười ôm lấy nhau. Bức ảnh đã được ông bố chụp trong một kỳ nghỉ cuối tuần tràn ngập ánh nắng. Trời nóng. Phía sau họ, một vòi phun nước xoay tưới tắm cho khu vườn bằng những tia nước lớn, tạo thành những cánh quạt khi ánh sáng chiếu vào. Khuôn hình thật ngu xuẩn. Không có khiếu chụp ảnh cho lắm, ông Leroy ấy. Ông ấy thì, ngoài buôn bán ra…

Ta đang ở gần đại lộ Montaigne. Ở văn phòng của hãng RL Productions. Hiện nay, cô tự nhận mình tên là “Reine” thay vì “Reinette”, mà không nhận ra rằng cái tên ấy còn khiến cô trở nên gần gũi với bố hơn nữa.[23] Cô sản xuất những xê ri phim truyền hình. Khi bố mất, với khoản tiền bán ngôi nhà Ở Normandie, cô đã lập công ty sản xuất riêng. Cô tiếp Camille trong một phòng khách lớn được dùng làm phòng họp luôn, ở đó đi đi lại lại nhiều người trẻ tuổi đang bận bịu những công việc mà ta có thể đoán ngay được là họ rất coi trọng.

Chỉ nhìn thấy độ sâu của mấy cái phô tơi thôi là Camille đã không muốn ngồi. Ông bèn đứng. Ông chỉ chìa bức ảnh ra. Đằng sau, Alex đề dòng chữ: “Reinette thân yêu của tớ, nữ hoàng của lòng tớ”. Nét chữ trẻ con, đậm và mảnh đan xen, bằng mực tím. Ông đã kiểm tra, ông đã mở cái bút máy khô mực, vẫn còn các tút mực rỗng trước đựng mực tím, một cái bút rẻ tiền, cũng màu tím luôn, chắc hẳn từng rất mốt, hoặc giả là để phục vụ cho ý đồ trở nên lập dị, giống nhiều thứ khác tìm thấy trong đồ đạc của Alex.

Họ cùng học lớp tám. Reinette học muộn một năm nhưng nhờ thủ thuật nào đó với giấy khai sinh mà họ lại học cùng lớp mặc dù Reinette hơn hẳn hai tuổi, đã gần mười lăm. Trên bức ảnh, trông cô cứ như một cô gái Ukraine với những búi tóc mảnh, thắt thật chặt, quấn quanh đầu. Ngày hôm nay, cô thở dài khi nhìn lại mình:

— Sao mà hồi đó trông tôi nhà quê thế nhỉ…

Một đôi bạn thân, Reinette và Alex. Như người ta vẫn hay như vậy ở tuổi mười ba.

— Chúng tôi không rời nhau. Cả ngày chúng tôi ở bên cạnh nhau, tối đến thì gọi điện nói chuyện với nhau hàng tiếng. Bố mẹ phải giật điện thoại khỏi tay chúng tôi.

Camille đặt các câu hỏi. Reinette thuộc kiểu người trả lời rất rành rọt. Không dễ để mình bị uy hiếp.

— Vâng, Thomas thì sao?

Camille đã thực sự chán nản với câu chuyện này. Nó càng tiến lên thì càng… Ông mệt mỏi.

— Anh ta đã bắt đầu hiếp em gái vào năm 1986, - ông nói.

Cô châm một điếu thuốc.

— Hồi đó cô quen biết cô ấy, cô ấy có kể cho cô về chuyện này không?

— Có.

Đó là một câu trả lời cả quyết. Kiểu như muốn nói, tôi biết ông định đi tới đâu rồi, ta sẽ không phải mất hàng tiếng đồng hồ cho nó đâu.

— Có… rồi thế nào? - Camille hỏi.

— Có và chẳng gì hết. Ông muốn gì nào, muốn tôi thay cô ấy nộp đơn kiện à? Khi mới mười lăm sao?

Camille im lặng. Hẳn ông sẽ có rất nhiều điều để nói nếu không cảm thấy kiệt sức như thế này, nhưng ông cần thông tin.

— Cô ấy nói gì với cô?

— Rằng anh ta làm cô ấy đau. Lần nào anh ta cũng làm cô ấy đau.

— Các cô thân nhau… như thế nào?

Cô mỉm cười.

— Ông muốn biết chúng tôi có ngủ với nhau không chứ gì? Ở tuổi mười ba?

— Alex mười ba tuổi. Còn cô thì mười lăm.

— Đúng thế. Vậy thì, có. Tôi đã dạy cho cô ấy, như người ta vẫn hay nói.

— Mối quan hệ giữa hai người kéo dài bao lâu?

— Tôi cũng không biết nữa, không lâu đâu. Ông cũng biết đấy, Alex không thực sự… hào hứng, ông hiểu không?

— Không, tôi không hiểu.

— Cô ấy đã làm thế… để giải trí.

— Giải trí?

— Tôi muốn nói… chuyện đó không thực sự thu hút cô ấy, một mối quan hệ ấy.

— Nhưng cô đã biết cách thuyết phục cô ấy.

Với Reine Leroy, câu nói này không khiến cô thích thú lắm.

— Alex làm những gì cô ấy muốn! Cô ấy được tự do cơ mà!

— Khi mười ba tuổi ư? Với một thằng anh trai như thế ư?

• • •

— Rất hoan nghênh, - Louis nói tiếp. - Thực tình tôi nghĩ anh có thể giúp chúng tôi đấy, thưa anh Vasseur.

Tuy nhiên anh tỏ ra khá lo lắng.

— Nhưng trước hết, một chi tiết nhé. Anh không nhớ ông Maciak, chủ quán cà phê ở Épinay-sur-Orge. Thế nhưng, theo tài liệu của Distrifair, trong vòng bốn năm, anh đã đến chỗ ông ta ít nhất bảy lần.

— Thì tôi hay đến thăm khách hàng mà…

• • •

Reine Leroy dụi điếu thuốc.

—Tôi cũng không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra đâu. Một hôm, Alex biến mất, suốt nhiều ngày. Và khi cô ấy quay về, thì chuyện kết thúc. Thậm chí cô ấy còn chẳng nói chuyện với tôi nữa. Sau đó, nhà tôi chuyển đi, chúng tôi rời khỏi đó, tôi không bao giờ gặp lại cô ấy nữa.

— Đó là khi nào?

— Tôi không thể nói chính xác được, toàn bộ câu chuyện đã xa xôi lắm rồi. Quãng cuối một năm nào đó. 1989, khoảng đó… Tôi không biết nữa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx