sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

An Tư - Chương 03 - Phần 3

Chương III

Phần 3

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

(Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan)

Dưới quyền chỉ huy của vị đại tướng thân yêu, quân sĩ tận tâm nổ lực. Người khuân vác, người luyện tập, tiếng đóng thuyền xen lẫn với tiếng rèn binh khí, tiếng ca vui hòa với tiếng ngựa hí vang lừng. Quân mới đến mỗi ngày một đông sung vào đội ngũ, đa phần rất khỏe mạnh có người tóc điểm hoa râm cũng hăng hái đầu quân. Vạn Kiếp tấp nập trong một bầu không khí tưng bừng phấn khích.

Binh khí chất đống lên trong các kho, lương thảo quyên được của dân gian tải về như mắc cửi, văn quan tới tấp biên chép vào những cuốn sổ dày. Tướng sĩ, dân quân không một người nào rỗi rãi, người nào cũng trổ một nổ lực phi thường, ít người còn có thì giờ thả lỏng hồn theo dòng tình cảm bâng quơ. Vì thế, hầu hết tuy khó nhọc mà ngập một niềm vui không bờ bến. Thậm chí có người hăng hái đã nói với anh em đồng ngũ:

- Ở nhà cũng không vui bằng. Ở đây không bao giờ thấy chán, chẳng thiết gì nữa.

Họ hàng, cha mẹ, anh em, họ đều quên hết. Họ chú ý đến một công việc say sưa trong nguy hiểm, có một sức bén lây như ngọn lửa, tràn lên từ trẻ cho đến già, từ kẻ nhút nhát đến người can đảm.

Dần dần, những tướng sĩ lạc lõng các nơi cũng về hầu đủ. Nhiều người được trông thấy đại vương, ứa nước mắt vui mừng. Họ đi tìm những anh em đồng ngũ, đồng đội, đồng quân, hàn huyên thân mật, kể lể cho nhau nghe những nỗi trốn tránh đường trường. Họ sung sướng được về đây, nhất là khỏi mang tiếng là những kẻ đào ngũ hèn hạ. Trong những câu chuyện tâm tình, họ nhắc nhỡ đến những người quá cố chết không tên tuổi trong những trận giao tranh trên đất Bắc. Họ bùi ngùi nhắc lại những hành động quả cảm, những cái chết lẻ loi toàn đội, những cảnh cứu giúp nhau, những trận cướp thây bạn đem về chôn cất sơ sài trong nấm mộ vùi tạm bợ. Họ cười vì tự đắc, họ khóc sướt mướt những tướng, hay những anh em không bao giờ trở về nữa. Những câu chuyện làm thu hút những lính mới. Dần dần họ lạnh lùng kể cho những người còn bỡ ngỡ về trận mạc, chia sẻ những mánh khóe riêng: Chống nên thế nào, đánh nên thế nào, những sở trường sở đoản của giặc, lối hành binh của giặc, lúc nào là lúc dễ đánh bại chúng nhất. Họ làm giàu cho chúng bạn bằng những kinh nghiệm của họ lượm lặt được. Những lính mới chưa ra trận dỏng tai nghe chuyện các đàn anh, bỡ ngỡ như những cô dâu ngày sắp cưới.

Tuy vậy, không phải trong đại gia đình ấy, nơi tụ tập tất cả đẳng cấp trong nước, từ con nhà trưởng giả đài các sáng sủa cho đến những bình dân quê mùa cục kệch, ai cũng hoàn toàn cả đâu. Những phần tử xấu không phải ít, những kẻ lười biếng chểnh mảng lơ đáng, ham mê cờ bạc, bất tuân kỉ luật cũng lẩn lộn trong những người ý thức về bổn phận và có một tinh thần phấn đấu rất cao. Đại vương cũng lấy làm lo lắng trước tình thế ấy. Tai hại nhất là phần tử xấu phần đông lại là người cũ. Những người mới hồn nhiên, trong trắng, hoàn toàn chịu ép trong kỉ luật, còn những cựu chiến binh hoặc giả làm chán nản, hoặc giả vì khinh nhờn, đã có những hành vi nguy hiểm. Họ đã treo những gương xấu cho kẻ đến sau, nào là mở những cuộc chơi chọi gà, bày ra trò cờ bạc trong quân, hoặc thốt những lời tuy không phải là phản bội, nhưng rất có hại cho tinh thần quann sĩ: Có người mong nhớ gia đình sao nhãng việc luyện tập, không tin vào chiến thắng cuối cùng lại có pha những lời nhạo báng. Nhiều người dám cãi lại tướng mình, mấy ngày cuối năm và đầu xuân, họ lại càng không kiêng nể một tí nào. Tình hình ấy đã thành trầm trọng, như bệnh toi gà lây sang nhiều lứa khác.

Ngay đêm mồng hai tết, nhiều người phá kỷ luật trốn về quê mình hay lẻn vào những làng quanh đấy, trai gái, rượu chè, cờ bạc, làm những việc không xứng đáng với tên gọi quân Hưng Đạo Vương. Quốc công ra lệnh tróc nã. Cũng có người ngang ngạnh trốn biệt, nhưng phần lớn là bị bắt đem về. Cảm động nhất là có một ông già thân hành đem đứa con đào ngũ đến nộp. Đại vương sai quân chính ti chiếu quân pháp luận tội, rồi giải tất cả mấy trăm người ra pháp trường chém đầu đem bêu khắp trại.

Tối hôm ấy, Quốc công cùng Yết Kiêu, Dã Tượng đi tuần khắp các đội ngũ, những lời bênh vực Quốc công, thóa mạ bọn hèn nhát cũng nhiều, những lời oán thán cũng có. Đêm đến trở về, lần đầu tiên trong lòng sắt đá của vị quân vương đầy tự tin và hoàn cảnh tự chủ ấy nổi lên một mối buồn tràn ngập linh hồn không sao dẹp được. Phần thì lo việc quân, thế nước, phần thì băn khoăn vì câu hỏi hoài nghi của vua Thiệu Bảo buổi cuối năm, phần thì cũng e ngại thế giặc, nhất là nỗi nhân tình xao xuyến, lòng vị chủ súy rất hoang mang. Đại vương vẫn có những phút bồn chồn nhưng nhờ lòng kiên định đại vương thường trấn tĩnh và không để lộ bao giờ. Thái độ mấy trăm lính đào ngũ hôm nay đã làm đại vương rúng động, đến nỗi tình trạng âm ỷ kia bị phát tiết. Lòng tự ái và kiêu ngạo bị kích thích. Đại vương nửa thương nửa giận những người vừa bị hành hình. Phải chăng chỉ riêng có mấy trăm người? Những phần tử như thế còn nhiều và phải trừ đến tận nọc. Đại vương muốn toàn quân nhất thể, trên dưới một lòng, ai cũng như ai, gác hết những tư lợi, những ích kỷ, chú hết tinh thần và nghị lực vào việc cứu quốc.

Vương đau thương. Tâm hồn cứng cỏi nhiều khi cũng có những mềm yếu của kẻ dung thường. Băn khoăn lo nghĩ một mình trằn trọc không ngủ được, không bao giờ nghĩ đến cơn phong ba trong tâm trí lại dằn vặt đến nhường ấy. Đại vương trở dậy, lại bàn với lấy quyển “Binh thư yếu lược” do đại vương soạn ra vừa mới cho khắc một bản in xong, để phát cho các tướng sĩ. Lần giở lại quyển sách đại vương dần dần trấn tĩnh lại. Giữa lúc ấy thì đại vương nghĩ đến viết một bài hịch, bèn mài mực cầm bút viết những lời khuyên răn quân sĩ, những lời ấy thật chân thành như lòng vương kì vọng. Khi quăng bút xuống án thư thì trời đã quá canh ba. Nét chữ thảo tung hoành nhanh và sắc nét.

Đại vương cho truyền Trương Hán Siêu vào và nói:

- Đêm qua, ta viết bài hịch này, sợ trong lúc bất định lời văn non nớt, phiền tiên sinh hiệu chính cho.

Siêu cung kính tiếp lấy bản thảo, đọc xong, sụp lạy trước mặt đại vương và thưa:

- Hạ quan cũng thấy lòng sôi nổi. Lời văn đanh thép, khí văn như sóng cuốn, đến kẻ ngoan phu ngoa phụ đọc qua cũng phải phấn phát.

Các văn quan chép lại bài hịch ra thành mấy nghìn bản, chính họ cũng thấy lòng rạo rực muốn tập luyện đao cung để ra trận.

Gà gáy hôm sau, khi quân các trại trở dậy, họ xúm lại chung quanh các tướng, nghe đọc và giảng nghĩa đến đâu lòng họ sôi nổi, bồng bột đến đấy, ròng ròng huyết lệ, thấm thía đến những thớ sâu kín của từng người. Kẻ phạm vào những nết xấu kể trong bài hịch đều hổ thẹn, nhiều người khóc nức nở, nhiều kẻ hối hận đã có lúc chểnh mảng việc quân, người ta giận thân đã làm phiền muộn đến chủ súy, gây thói xấu trong quân sĩ, người ta giết chó săn gà chọi, xé nát hay đập vỡ quân bài lá bạc, tự nguyền rủa mình sao lại hèn nhát khốn nạn, không xứng đáng là một tên quân dưới trướng Quốc công. Nhiều người trói mình đến chịu tội với đại vương, có người phấn khích tự vẫn để khỏi sống nhục. Bài hịch đã làm thức tỉnh lòng ái quốc âm ỉ của mọi người, kích thích lòng thù ghét quân giặc, khiến họ hiểu chắc được bổn phận. Mặt họ lạnh lùng, chí họ chăm chăm luyện tập, họ thề một chết để tỏ lòng quyến luyến Quốc công. Ngay khi ấy họ muốn có sức khỏe như Bàng Mông, Hậu Nghệ để giết hết quân thù. Một vài người quá hăng hái thích vào cánh tay hai chữ “Sát Thát” để luôn nhắc nhỡ đến lời thề chung. Chỉ trong chốc lát tất cả mọi người đều hưởng ứng, và mười vạn quân đều thích hai chữ “Sát Thát” vào cánh tay. Sự cố kết hoàn toàn, sức tranh đấu của quan quân đột nhiên tăng bề mãnh liệt. Ngày luyện tập cô quyền, đêm quây quần chung quanh chủ tướng, nghe giảng binh thư, ai nấy đều để hết tinh thần vào việc cứu quốc, mười vạn quân như một người, vâng mệnh lệnh, lý tưởng chung. Họ sẵn sàng chờ quân Mông Cổ. Vạn Kiếp vang dội những câu lâm ly hùng tráng của bài hịch:

“Từ nay ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ…

Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, thấy nhục nước mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu quân giặc mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sử mà không biết căm…

Bởi cớ sao? Bởi giặc Nguyên cùng ta là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết dạy quân sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua giặc…”

Tướng sĩ đọc từng chữ, từng câu, không ai không thuộc lòng như một bản kinh nhật tụng. Cây cối trong vùng Vạn Kiếp cũng như thì thầm họa lại bài hịch của Quốc công. Dần dần từ Vạn Kiếp phát ra, bài hịch tràn lan khắp nơi như gió, như sóng, không ai cầm lòng được. Dân gian cũng nhiều người thích hai chữ “Sát Thát” thì cũng thích vào cánh tay. Những kẻ trốn việc, thoái chí, lãnh đạm, yên thân, chỉ đọc có vài câu trong bài hịch đều tất thảy mà cảm động, phấn khích đổ xô đến Vạn Kiếp; người nhiều và vui như đi trẩy hội. Và bài hịch cứ truyền tay, truyền miệng đi suốt nước Đại Việt, lọt vào những hang cùng ngõ hẻm, kêu gọi lòng ái quốc của mọi người như bó đuốc truyền đi ngọn lửa thiêng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx