sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ba tách trà - Chương 05 phần 2

Từ căn nhà mới của mình ở River Falls, Wisconsin, Jerene Mortenson đã lo âu theo dõi cuộc phiêu lưu của con trai. Sau khi hoàn tất chương trình tiến sĩ, bà được thuê làm hiệu trưởng trường tiểu học Westside. Jerene thuyết phục con trai đến thăm mình, trình chiếu hình ảnh và nói chuyện với sáu trăm học sinh ở trường của bà. “Tôi đang trong thời kì thực sự khó khăn với việc giải thích cho người lớn lí do tôi muốn giúp đỡ những học sinh ở Pakistan.” Mortenson nói. “Nhưng những đứa trẻ lại hiểu ngay. Khi nhìn thấy những bức hình, chúng không thể tin rằng có một nơi mà trẻ em ngồi ngoài trời trong thời tiết lạnh và cố gắng duy trì lớp học mà không có thầy giáo. Chúng quyết định phải làm gì đó cho chuyện này.”

Một sáng sau khi trở lại Berkeley, Mortenson nhận được một bức thư của mẹ anh. Bà giải thích rằng học sinh của bà đã tự phát động phong trào “Những đồng xu cho Pakistan”. Gom đầy hai thùng một trăm năm mươi lít, chúng đã có được 62.345 xu. Khi gửi ngân hàng tấm ngân phiếu 623,45 đôla mà mẹ gửi kèm, Mortenson cảm thấy như vận may cuối cùng đã đổi chiều. “Những đứa trẻ đã thực hiện bước đầu tiên hướng về việc xây dựng ngôi trường.” Mortenson nói. “Và chúng thực hiện điều đó với một thứ gần như không có giá trị gì trong xã hội của chúng ta - những đồng xu. Nhưng ở nước ngoài, những đồng xu có thể dời núi.”

Những bước đi khác đến quá chậm, sáu tháng đã trôi qua từ khi Mortenson gửi đi 580 bức thư đầu tiên và cuối cùng anh chỉ nhận được một thư trả lời. Tom Brokaw, như Mortenson, là một cựu sinh viên đại học Nam Dakota. Khi còn là những cầu thủ bóng bầu dục, họ đều được huấn luyện bởi Lars Overskei, điều này đã được anh viết rõ trong bức thư ngắn của mình. Brokaw gửi tấm ngân phiếu một trăm đôla và một bức thư ngắn chúc anh may mắn. Và dần dần từng lá thư một từ những quỹ tài trợ như những nhát búa đập vào niềm hi vọng của anh, báo với anh rằng mười sáu lá thư xin tài trợ của anh đều đã bị từ chối.

Mortenson đưa bức thư ngắn của Broklaw cho Tom Vaughan xem và thú nhận những nỗ lực gây quỹ của anh đang tiến triển tồi tệ như thế nào. Vaughan là người ủng hộ cho Quỹ Himalaya Mỹ và quyết định thử xem tổ chức này có thể giúp gì không. Ông đã viết một bài ngắn về chuyến leo núi K2 của Mortenson và những nỗ lực của anh để xây dựng một ngôi trường cho Korphe, được in trên bản tin của AHF. Và ông nhắc nhở các thành viên AHF, nhiều người là những nhà leo núi xuất sắc của Mỹ, về di sản của Sir Edmund Hillary ở Nepal.

Sau khi chinh phục đỉnh Everest với Tenzing Norgay vào năm 1954, Hillary thường xuyên quay lại thung lũng Khumbu. Và ông đã tự đặt cho mình một nhiệm vụ mà ông mô tả là còn khó hơn leo lên đỉnh ngọn núi cao nhất thế giới - xây dựng trường học cho các cộng đồng nghèo người Sherpa, những người khuân vác đã làm cho chuyến leo núi của ông có thể xảy ra.

Trong quyển sách về những nỗ lực nhân đạo của mình năm 1964, Schoolhouse in the Clouds, Hillary đã nói với cái nhìn tiên tri về những nhu cầu của các dự án hỗ trợ ở những nơi nghèo nhất và xa xôi nhất trên thế giới. Những nơi như Khumbu và Korphe. “Chậm chạp và đau đớn, chúng tôi đang nhìn thấy sự chấp nhận của thế giới trước sự thật rằng các quốc gia giàu có hơn và tiến bộ hơn về kĩ thuật phải có trách nhiệm giúp đỡ các quốc gia chưa phát triển.” ông viết. “Không chỉ bởi ý nghĩa từ thiện mà còn bởi chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể hi vọng nhìn thấy hòa bình vĩnh viễn và an ninh cho chính chúng ta.”

Nhưng theo một ý nghĩa, con đường của Hillary dễ dàng hơn hẳn cuộc tìm kiếm viển vông của Mortenson. Chinh phục được đỉnh núi cao nhất hành tinh, Hillary đã trở thành một trong những người nổi tiếng nhất trên thế giới. Khi ông tiếp xúc những nhóm người giúp lập quỹ cho nỗ lực xây dựng trường học, họ đều tranh nhau hỗ trợ cho “Đội xây dựng trường học Himalaya” của ông. Sách Bách khoa Thế giới đăng kí làm nhà tài trợ chính, cung cấp cho Hillary 52.000 đôla vào năm 1963. Và Sears Roebuck, gần đây đã bắt đầu bán những chiếc lều và túi ngủ mang thương hiệu Sir Edmund Hillary, đã trang bị cho đoàn và gửi một đội quay phim để ghi lại công việc của Hillary. Nhiều nguồn tài trợ khác được tích lũy khi những đại diện của Hillary bán bản quyền phim và báo chí châu Âu, và thu được khoản tạm ứng cho một quyển sách về chuyến thám hiểm trước khi Hillary lên đường đi Nepal.

Mortenson không chỉ thất bại trong việc lên đỉnh K2, anh đã trở về nhà trong túng quẫn. Và vì lo ngại sẽ làm hỏng mọi chuyện nếu dựa quá nhiều vào Marina, anh vẫn tiếp tục trải qua hầu hết những đêm trên chiếc La Bamba. Anh bắt đầu bị cảnh sát chú ý. Và họ dựng anh dậy giữa đêm bằng đèn pin, khiến anh phải chạy vòng vòng kiếm chỗ ngủ quanh Berkeley Flats, nửa thức nửa tỉnh trên tay lái tìm những điểm đậu xe để cảnh sát không tìm thấy trước khi trời sáng.

Gần đây, Mortenson cảm thấy có một sự rạn nứt đang phát triển với Marina về chuyện tiền bạc. Việc ngủ trên chiếc La Bamba trong những chuyến leo núi cuối tuần rõ ràng đã mất đi sức hấp dẫn đối với cô. Anh đã xử lí một cách kém cỏi khi, vào một buổi tối lạnh mùa xuân, trên đường họ đến Yosemite, cô gợi ý xài sang và nghỉ tại khách sạn Ahwahnee nổi tiếng, một viên ngọc kiến trúc kiểu đồng quê miền tây thời nội chiến. Chỉ một ngày cuối tuần tại Ahwahnee sẽ tốn một khoản xấp xỉ bằng tất cả số tiền mà anh đã gom góp được đến lúc đó cho ngôi trường. Sau khi Mortenson từ chối thẳng thừng, ngày nghỉ cuối tuần của họ trong chiếc xe hơi ẩm ướt đã sục sôi với sự căng thẳng ngấm ngầm.

Vào một ngày lạnh, đầy sương mù đặc trưng vào mùa hè ở San Francisco, Mortenson đến cho một ca làm việc và Tom Vaughan đưa cho anh một trang giấy xé ra từ quyển sổ ghi toa thuốc của mình. “Người này đọc về anh trên bản tin và gọi cho tôi.” Vaughannói. “Ông ta là một nhà leo núi và một kiểu khoa học gia gì đó. Ông ta cũng khỏe mạnh, thẳng thắn như một công nhân. Ông ta hỏi tôi liệu anh có phải là một anh chàng chơi ma túy sẽ tiêu phí hết tiền của ông không. Nhưng tôi nghĩ ông ta giàu có. Anh nên gọi cho ông ta.” Mortenson nhìn tờ giấy. Trên đó ghi “Tiến sĩ Jean Hoerni” kế bên là một số điện thoại ở Seattle. Anh cảm ơn Vaughan và nhét mẩu giấy vào túi trên đường đến phòng cấp cứu.

Ngày hôm sau, ở thư viện công cộng Berkeley, Mortenson tìm tên tiến sĩ Jean Hoerni. Anh ngạc nghiên vì tìm thấy hàng trăm mục từ, chủ yếu là trong những tờ báo về công nghệ bán dẫn.

Hoerni là một nhà vật lí gốc Thụy Sĩ có học vị ở Cambridge. Cùng một nhóm nhà khoa học California, tự gọi mình là “Tám kẻ Phản bội” sau khi rời bỏ phòng thí nghiệm của nhà khoa học được giải Nobel nhiều tai tiếng William Shockley, ông đã phát minh ra một loại mạch tích hợp mở đường cho con chip silicon. Một ngày kia, trong khi đang tắm vòi sen, Hoerni giải được bài toán làm thế nào để chứa thông tin vào một mạch. Quan sát nước chảy thành từng dòng nhỏ trên hai bàn tay mình, ông nêu giả thuyết rằng silicon có thể được ghép lớp theo cách tương tự vào một mạch dẫn, làm tăng rất nhiều diện tích bề mặt và công suất của mạch. Ông gọi đó là “quy trình mặt phẳng” và đã đăng kí phát minh đó.

Hoerni, người mà vinh quang cũng bằng với tính tình kì quái, cứ sau vài năm lại nhảy từ chỗ làm này sang chỗ làm khác, luôn luôn đối đầu với những đối tác kinh doanh. Nhưng trên con đường sự nghiệp đáng nể của mình, ông đã thành lập hơn nửa chục công ty mà sau cùng, khi ông ra đi đều lớn mạnh thành những công ty khổng lồ như Fairchild Semiconductors, Teledyne và Intel. Lúc Hoerni gọi cho Vaughan để thăm dò về Mortenson, ông đã bảy mươi tuổi và tài sản cá nhân của ông đã phát triển đến hàng trăm triệu đôla.

Hoerni cũng là một nhà leo núi. Khi còn trẻ, ông đã nỗ lực leo lên Everest và những đỉnh núi khắp năm châu. Với cơ thể dẻo dai như đầu óc của mình, ông đã từng sống sót qua một đêm lạnh trên núi cao, bằng cách nhồi giấy báo chiếc túi ngủ của mình. Sau đó ông viết một bức thư cho ban biên tập của tờ Wall Street Journal, ca ngợi “đây là tờ báo ấm nhất từng được phát hành.”

Hoerni đặc biệt yêu thích Karakoram, nơi ông đã trải qua một chuyến đi vất vả, và nói với bạn bè rằng ông bị sốc bởi sự khác biệt giữa khung cảnh núi non tuyệt đẹp và cuộc sống thô thiển của những phu khuân vác người Balti.

Mortenson đổi mười đôla thành những đồng hai mươi lăm xu và gọi cho Hoerni ở nhà ông tại Seattle từ máy điện thoại trả tiền của thư viện. “Xin chào,” anh nói, sau vài phút tốn kém trôi qua và sau cùng Hoerni đến bên điện thoại. “Tôi là Greg Mortenson, Tom Vaughan đã cho tôi số điện thoại của ông và tôi gọi vì…”

“Tôi biết anh muốn nói gì.” một giọng nói sắc bén với giọng Pháp ngắt lời.

“Hãy cho tôi biết, nếu tôi đưa tiền cho anh xây trường, anh sẽ không tiêu hoang ở một bãi biển nào đó tại Mexico, hút ma túy và làm tình với bạn gái chứ?”

“Tôi...” Mortenson nói.

“Anh nói sao?”

“Không thưa ông, dĩ nhiên là không. Tôi chỉ muốn giáo dục bọn trẻ.” Anh phát âm chữ “giáo dục” với giọng điệu chất phác miền trung tây mà anh luôn sử dụng cho từ ưa chuộng của mình. “Giáo... dục”. Ở Karakoram, chúng thật sự cần sự giúp đỡ của chúng ta. Ở đó chúng khá gian khổ.”

“Tôi biết.” Hoerni nói. “Tôi đã ở đó năm 74, trên đường đến Baltoro.”

“Ông đến đó cho một chuyến leo núi hay với...”

“Vậy nói chính xác, ngôi trường của anh tốn hết bao nhiêu?” Hoerni vặn lại.

Mortenson cho thêm những đồng hai mươi lăm xu vào điện thoại.

“Tôi đã gặp kiến trúc sư và các nhà thầu ở Skardu, và tính giá mọi nguyên vật liệu.” Mortenson nói. “Tôi muốn trường có năm phòng, bốn làm lớp học và một phòng chung để...”

“Cho một con số.” Hoerni ngắt ngang.

“Mười hai nghìn đôla.” Mortenson nói một cách sợ hãi. “Nhưng bất cứ khoản đóng góp nào của ông cho ngôi trường cũng…”

“Chỉ có vậy thôi sao?” Hoerni hỏi lại, có vẻ hoài nghi. “Anh không nói chuyện phiếm chứ, anh thật sự có thể xây một ngôi trường chỉ với mười hai nghìn đôla?”

“Vâng, thưa ông,” Mortenson nói. Anh có thể thấy nhịp đập của tim mình.

“Điều này tôi chắc chắn.”

“Vậy địa chỉ của anh?” Hoerni hỏi.

“Ôi, thật là một câu hỏi đáng quan tâm.”

Mortenson bước đi ngây ngất qua đám đông sinh viên trên đại lộ Shattuck để tiến về xe của mình. Anh hình dung đêm nay mình có một lí do rất chính đáng để không ngủ trong La Bamba.

Một tuần sau, Mortenson mở hộp thư của mình. Bên trong là chiếc phong bì chứa một biên nhận cho tấm ngân phiếu mười hai nghìn đôla do Hoerni gửi, theo tên của Mortenson, cho AHF và một lá thư ngắn viết nguệch ngoạc trên mảnh giấy kẻ ô: “Đừng làm loạn nhé. Chúc tốt lành, J.H.”

�Những ấn bản đầu tiên ra đi trước. Mortenson đã bỏ ra nhiều năm dạo cửa hàng sách Black Oak ở Berkeley, đặc biệt là trong căn phòng phía sau, nơi anh tìm thấy hàng trăm quyển sách lịch sử về leo núi. Từ xe mình, anh mang vào sáu giỏ sách. Cùng với vài quyển sách quý hiếm của cha anh ở Tanzania, người mua trả chưa đến sáu trăm đôla.

Trong khi đợi rút tiền từ ngân phiếu của Hoerni, Mortenson đã chuyển bất cứ thứ gì khác mà mình sở hữu thành tiền mặt, đủ để mua vé máy bay và chi tiêu trong khoảng thời gian dài phải có mặt ở Pakistan. Anh báo cho Marina biết anh sắp tiếp tục công việc đã bị gián đoạn từ khi gặp cô - cho đến khi hoàn thành lời anh đã hứa với những đứa trẻ ở Korphe. Anh hứa với cô khi anh quay trở về mọi việc sẽ khác. Anh sẽ làm việc toàn thời gian, tìm một nơi thực sự để sống và sống một cuộc sống ít bừa bãi hơn.

Anh bán lại dụng cụ leo núi của mình cho cửa hàng Wilderness Exchange trên đại lộ San Pablol, một nơi mà hằng năm anh đã tiêu đi phần lớn thu nhập mà mình có được kể từ khi trở thành một nhà leo núi tận tụy. Từ nhà kho của anh chỉ mất bốn phút để lái xe đến cửa hàng, nhưng anh nhớ rằng đoạn đường đó dài tương tự một chuyến hành trình xuyên quốc gia. “Tôi cảm thấy như mình đang lái xe đi xa khỏi cuộc sống mà mình đã từng sống kể từ khi đến California.” anh nói. Anh ra đi với gần một nghìn năm trăm đôla nữa trong túi.

Buổi sáng trước khi lên máy bay, Mortenson chở Marina đi làm, rồi thực hiện việc chia tay khó khăn nhất của mình. Tại một bãi xe cũ ở Oakland, anh lái chiếc La Bamba vào bãi và bán nó lấy năm trăm đôla. Chiếc xe ngốn xăng đã chở anh một cách trung thành từ miền trung tây đến với cách sống mới như một nhà leo núi ở California. Nó là nhà của anh trong một năm khi anh đấu tranh để tìm ra con đường của mình qua việc gây quỹ một cách vô vọng. Giờ đây, tiền thu được từ chiếc xe sẽ giúp đưa anh đến bên kia trái đất. Anh vỗ vào cái mui xe to lớn màu rượu chát, cho tiền vào túi và đeo chiếc túi vải của mình đi về phía chiếc taxi đang đợi để đưa anh sang một chương mới của đời mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx