sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Ba tách trà - Chương 06 phần 1

CHƯƠNG 6

Hoàng hôn trên mái nhà Rawalpindi

Cầu nguyện thì tốt hơn là ngủ.

- trích từ hazzan, hay còn gọi là tôn kính

Anh thức dậy, cuộn lại số tiền, người ướt đẫm mồ hôi. Mười hai nghìn tám trăm đôla tờ tiền một trăm đếm nhiều lần được xếp gọn trong chiếc túi nilon màu xanh lá cây đã sờn. Mười hai nghìn cho ngôi trường. Tám trăm để anh sống trong vài tháng tới. Căn phòng quá thanh đạm nên không có chỗ cất giấu chiếc túi, ngoại trừ giấu bên dưới quần áo anh. Anh vỗ nhẹ vào số tiền như vẫn thường làm kể từ khi rời khỏi San Francisco và đong đưa hai chân khỏi chiếc giường charpoy, chạm vào sàn ximăng ẩm ướt.

Mortenson vén một góc màn và nhìn thấy một góc trời hình nêm, bị chia đôi bởi ngọn tháp lợp ngói xanh gần Giáo đường Bộ Giao thông Chính phủ. Bầu trời màu đỏ tía nghĩa là đang bình minh hoặc hoàng hôn. Anh cố lau sạch cơn buồn ngủ khỏi mặt mình, xem xét, chắc chắn là hoàng hôn. Anh đã đến Islamabad vào lúc bình minh và hẳn là đã ngủ cả ngày.

Anh đã đổi nhiều chuyến bay trên nửa vòng trái đất trong một hành trình năm mươi sáu giờ được quy định bởi vé máy bay giảm giá của mình, từ San Francisco đến Atlanta, đến Frankfurt, Abu Dhabil, Dubai và, sau cùng, cuối đường hầm của các múi giờ và những sảnh khởi hành ngột ngạt là sân bay Islamabad oi ả và điên cuồng. Và tại đây, anh đã ở thành phố sinh đôi của Islamabad đông người như lá cây, trong phòng trọ rẻ tiền Rawalpindi, mà người quản lí của khách sạn Khyaban đã đoan chắc với anh là “phòng rẻ tiền nhất.”

Giờ đây mỗi rupi đều quan trọng. Mỗi đôla phung phí đi sẽ là những viên gạch hay những quyển sách của ngôi trường bị lấy mất. Với giá tám mươi rupi một đêm, vào khoảng hai đôla, Mortenson sống trong suy nghĩ muộn màng này, một phòng ngủ sáu mét vuông ốp kính trên mái khách sạn có vẻ giống một phòng kho chứa dụng cụ làm vườn hơn là một phòng dành cho khách trọ. Anh xỏ quần, lấy chiếc áo shalwar ra khỏi tủ và mở cửa phòng. Không khí đầu giờ chiều không hề mát hơn, nhưng ít nhất nó cũng chuyển động.

Ngồi xổm trong bộ shalwar kamiz màu xanh dương nhạt ố bẩn, ông chủ khách sạn Abdul Shah quan sát Mortenson qua một con mắt còn sáng rõ của mmh. “Salaam Alaaikum, Sahib, Greg Sahib . ” người bảo vệ nói, như thể đã chờ Mortenson thức dậy suốt cả buổi chiều, sau đó đứng lên đi pha trà.

Trong chiếc ghế xếp gỉ sét kê trên mái nhà, kế bên chồng gạch ximăng gợi lên tham vọng trong tương lai của khách sạn, Mortenson nhận chiếc bình sứ sứt mẻ chứa trà sữa đặc dính và cố làm cho đầu óc tỉnh táo để đề ra một kế hoạch.

Khi còn ở Khyaban một năm trước, anh là thành viên của một đoàn thám hiểm đã được lên kế hoạch tỉ mỉ. Mỗi giây phút của từng ngày đều đầy những nhiệm vụ, từ đóng gói và phân loại những túi bột mì và thực phẩm khô đông lạnh, xin giấy phép và đặt vé máy bay, cho đến việc thuê mướn người khuân vác và những con la.

“Ông Greg, Sahib.” Abdul nói, cứ như đoán được dòng suy nghĩ của anh. “Tôi có thể hỏi vì sao ông quay trở lại hay không?”

“Tôi phải xây dựng một ngôi trường, Inshallah.” Mortenson đáp.

“Ở đây, tại Pindi sao, thưa ông Greg?”

Khi đã tỉnh táo nhờ ấm trà, Mortenson kể cho Abdul câu chuyện về thất bại của mình ở K2, chuyến đi lang thang trên sông băng và cách mà người dân Korphe đã chăm sóc một người xa lạ đi lạc vào làng họ.

Ngồi xổm trên gót chân, Abdul rít qua hàm răng và gãi cái bụng phệ của mình. “Ông là người giàu có?” ông ta hỏi, mắt nhìn đôi giày đã sờn và chiếc áo shalwar màu bùn của Mortenson một cách nghi ngại.

“Không.” Mortenson nói. Anh không nghĩ ra cách nào để kể lại nỗ lực dò dẫm trong năm qua của mình. Sau cùng Mortenson nói, “Nhiều người ở Mỹ gửi chút tiền cho trường học, ngay cả trẻ em.” Anh rút ra chiếc túi màu xanh lá cây từ bên dưới áo và đưa cho Abdul xem tiền. “Số tiền này vừa đủ cho một ngôi trường nếu như tôi chi tiêu thật cẩn thận.”

Abdul đứng dậy với vẻ hiểu biết. “Nhờ ánh sáng nhân từ của Allah toàn năng, ngày mai chúng ta sẽ mặc cả nhiều. Chúng ta phải mặc cả thật tốt.” ông ta nói, đưa hai tay cầm bộ bình trà và cáo lui.

Từ chiếc ghế xếp của mình, Mortenson nghe tiếng lách tách của các đường dây điện xoắn lại với nhau ở ngọn tháp giáo đường GTS, trước khi tiếng rền rĩ cầu kinh hazzan, được khuyếch đại, khẩn cầu sự sùng đạo của người cầu nguyện buổi tối. Mortenson nhìn đàn chim én bay lên cùng lúc, vẫn ở trong bóng cây me nơi chúng đậu trong vườn khách sạn, trước khi bay đi xa theo vòng tròn qua mái nhà.

Bên ngoài Rawalpindi, tiếng kêu gọi của các muezzin(11) từ nửa tá giáo đường Hồi giáo làm cho buổi chiều tối phảng phất hương vị những lời cổ vũ. Mortenson đã ở trên mái nhà này một năm trước, và đã nghe kết cấu của buổi hoàng hôn ở Ralwalpindi như một phần trong đoạn nhạc nền của chuyến thám hiểm. Nhưng giờ đây một mình trên mái, các muezzin dường như đang nói trực tiếp với anh. Những giọng nói xa xưa của họ, mang màu sắc của một sự ủng hộ tích cực qua nhiều thế kỉ của đức tin và trách nhiệm, nghe như lời kêu gọi hành động. Anh gạt sang bên những nghi ngờ đã lảng vảng trong anh về khả năng xây dựng trường học từ năm ngoái, cũng giống như Abdul nhanh chóng dọn sạch khay trà. Ngày mai là thời điểm để bắt đầu một khởi đầu mới.

11. Người kêu gọi. Từ trên tòa tháp hoặc nơi cao nhất của đền thờ Hồi giáo, vào năm giờ hành lễ hằng ngày, các muezzin ngâm nga lớn lời kêu gọi các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện.

Tiếng gõ cửa của Abdul cũng là thời điểm hiệu triệu vào buổi sáng của các muezzin. Vào bốn giờ ba mươi sáng, khi tiếng lách tách điện tử của micro được bật lên và tiếng đằng hắng được khuếch đại trước khi Rawalpindi đang say ngủ được gọi dậy cầu kinh, Mortenson mở cửa căn phòng nhỏ của mình để thấy Abdul đang nắm chặt mép khay trà với một ý định lớn.

“Taxi đang chờ, nhưng trước hết hãy uống trà.”

“Taxi?” Mortenson vừa hỏi vừa dụi mắt.

“Để đi mua ximăng.” Abdul nói, như giải thích bài học cơ bản về số học cho một học sinh đặc biệt chậm hiểu. “Anh làm sao có thể xây dựng một ngôi trường mà không có ximăng?”

“Dĩ nhiên là không.” Mortenson cười đáp và nhấm một ngụm trà, mong rằng chất cafein sẽ có tác dụng.

Lúc mặt trời mọc, bọn họ đi về phía tây, trên con đường đã từng thuộc tuyến đường Grand Trunk, kéo dài hai mươi sáu nghìn kilômét từ Kabul đến Calcutta, nhưng ngày nay đã xuống cấp thành đường quốc lộ Số Một, vì các đường biên giới với Afghanistan và Ấn Độ thường xuyên bị đóng. Chiếc Suzuki nhỏ màu vàng của họ dường như không hề có giàn nhún. Và khi họ lắc lư trên những ổ gà ở vận tốc một trăm kilômét một giờ, Mortenson bị lèn chặt vào chiếc ghế sau nhỏ bé, cố để giữ cho cằm mình không đập vào hai đầu gối đang chụm sát vào nhau.

Khi họ đến Taxila lúc sáu giờ, trời đã nóng bức. Vào năm 326 trước công nguyên, Alexander Đại đế đã cho đội quân của mình trú đóng ở đây, trong đợt tiến quân cuối cùng, xa nhất về phía đông đến bờ cõi của đế quốc mình. Từ vị trí của Taxila, nơi hợp lưu của những lộ trình mua bán giữa đông và tây vốn sẽ trở thành trục đường lớn, tại điểm mà nó giao cắt với con đường tơ lụa từ Trung Quốc, tỏa ra những cung đường dốc ngoặc xuống từ Himalaya, đã từng là trục đường chiến lược thời cổ đại. Ngày nay Taxila có chứa kiến trúc trôi nổi của thế giới cổ đại. Nó từng là địa điểm của tu viện Phật giáo lớn thứ ba trên thế giới và là căn cứ để truyền bá những lời dạy của Đức Phật lên những vùng núi non miền Bắc. Nhưng ngày nay, những giáo đường Hồi giáo lịch sử của Taxila được sửa chữa và sơn phết lại, trong khi những nơi linh thiêng của Phật giáo vỡ rời ra thành những phiến đá mà từ đó chúng đã được xây dựng nên. Vùng mở rộng ngổn ngang bụi bặm, nặng nề với những dãy núi thấp màu nâu của dãy Himalaya, nay là một thị trấn với đầy nhà xưởng. Ở đây, quân đội Pakistan sản xuất ra bản sao của những chiếc xe tăng già nua thời Xô Viết. Và bốn cột khói như lông chim đánh dấu bốn nhà máy ximăng lớn, cung cấp nền móng cho nhiều cơ sở hạ tầng của Pakistan.

Mortenson định vào nhà máy đầu tiên và bắt đầu mặc cả, nhưng một lần nữa Abdul lại rầy la anh như một chàng học sinh ngây thơ. “Nhưng ông Greg ơi, trước hết chúng ta phải uống trà và bàn về xi măng.”

Loạng choạng giữ thăng bằng trên chiếc ghế nhỏ như đồ chơi, Mortenson thổi ngụm trà xanh thứ năm và cố giải mã cuộc đối thoại giữa Abdul với ba người khách lớn tuổi của tiệm trà, bộ râu trắng của họ nhuốm màu vàng của nicotine. Họ dường như đang nói chuyện rất say mê và Mortenson chắc chắn những chi tiết về xi măng đang được tuôn ra.

“Tốt lắm.” Mortenson hỏi sau khi để lại vài tờ rupi bẩn thỉu trên bàn. “Chúng ta sẽ mua xi măng của nhà máy nào? Fetco? Fauji? Askari?”

“Anh biết là họ không thể nói.” Abdul giải thích. “Họ giới thiệu một tiệm trà khác, nơi người bà con của chủ tiệm đã từng kinh doanh ximăng.”

Hai tiệm trà nữa và vô số tách trà xanh sau đó, trời đã trưa trước khi họ có được một câu trả lời. Ximăng Fauji nổi tiếng là có giá phải chăng và không có thêm quá nhiều phụ gia dễ vỡ vụn ra trong thời tiết ở Himalaya. Việc mua một trăm bao ximăng mà Mortenson ước tính cho việc xây trường học có phần đáng thất vọng. Sẵn sàng cho việc mặc cả gắt gao, Mortenson ngạc nhiên khi Abdul bước vào văn phòng nhà máy ximăng Fauji, khoan thai đặt một đơn hàng và yêu cầu Mortenson đặt cọc một trăm đôla.

“Vậy còn việc mặc cả?” Mortenson hỏi khi gấp tờ biên lai hứa hẹn sẽ giao một trăm bao ximăng đến khách sạn Khyaban trong vòng một tuần.

Kiên nhẫn đùa vui với đồ đệ của mình một lần nữa, Abdul đốt điếu thuốc hiệu Tander khét ngẹt trong chiếc taxi nóng rẫy và nhả khói ra xa cùng những thắc mắc của Mortenson. “Trả giá? Với ximăng thì không được. Kinh doanh ximăng là...” ông ta tìm một từ để giải thích rõ cho anh chàng người Mỹ chậm hiểu “…Mafia. Ngày mai, ở chợ Rajah, sẽ trả giá nhiều hơn.”

Mortenson lèn chặt hai đầu gối dưới cằm mình và chiếc taxi quay trở về Pindi.

Ở khách sạn Khyaban, khi kéo chiếc áo shalwar màu bụi qua đầu trong phòng tắm nam, Mortenson cảm thấy vải bị xé rách. Anh nâng mặt sau chiếc áo lên để xem và thấy vải đã bị rách thẳng từ giữa vai xuống đến ngực. Anh cố giũ bỏ hết bụi đường với cái vòi hoa sen chảy nhỏ giọt, rồi mặc lại bộ y phục Pakistan duy nhất của mình. Chiếc áo shalwar may sẵn đã đồng hành với anh suốt quãng đường đến K2 và quay về, nhưng nay anh cần một chiếc áo mới.

Abdul chắn ngang Mortenson trên đường anh về phòng, xuýt xoa chỗ rách và gợi ý rằng họ nên đến gặp thợ may.

Họ rời ốc đảo xanh tươi của Khyaban và bước vào thị trấn Pindi đích thực.

Qua đường phố, một chục chiếc taxi ngựa kéo đứng chờ sẵn, những con ngựa sùi bọt mép và giậm chân trong bụi bặm nóng bức trong khi một ông già với bộ râu nhuộm tranh cãi sôi nổi về giá cả.

Mortenson tìm kiếm và lần đầu tiên nhận ra một bảng quảng cáo sơn những màu rực rỡ ở một ngã tư đông người giữa đường Kashmir và đường Adamjee. Tấm bảng ghi: “Hãy đến với bác sĩ Azah” bằng tiếng Anh. Kế bên là hình vẽ thô thiển nhưng mạnh mẽ một bộ xương với những chiếc sọ thu nhỏ lấp lánh trong đôi mắt vô hồn của nó. Bảng quảng cáo của bác sĩ Azah hứa hẹn “Không có các hiệu ứng phụ!”

Ông thợ may không cần quảng cáo. Ông ở khuất trong một dãy các cửa hàng bằng bêtông cách xa đường Haider, vốn đổ nát cả chục năm hoặc đang khổ sở chờ đợi việc xây dựng được hoàn tất. Manzoor Khan ngồi xổm trong một mặt tiền cửa hàng rộng một mét tám, trước cái quạt, vài xấp áo quần và một hình nộm nhưng ông vẫn toát ra vẻ đường hoàng oai vệ. Cái gọng kính màu đen nghiêm nghị và bộ râu trắng cắt tỉa cẩn thận tạo cho ông một vẻ học giả khi ông kéo thước dây đo quanh ngực Mortenson, nhìn kết quả đo một cách ngạc nhiên, đo lại rồi ghi các con số vào một tập giấy.

“Ông Manzoor muốn xin lỗi.” Abdul giải thích. “Nhưng chiếc áo shalwar của ông cần đến sáu mét vải, trong khi những người đồng bào của tôi chỉ cần có bốn. Do đó ông phải trả thêm năm mươi rupi. Tôi nghĩ ông ta nói đúng.” Abdul mời chào.

Mortenson đồng ý và đặt may hai bộ shalwar kamiz. Abdul leo lên trên bục của ông thợ may và nhiệt tình kéo ra hai xấp vải màu xanh trứng két và màu hồ trăn xanh lục. Mortenson hình dung ra bụi bặm ở Baltistan, nhất định đặt hai bộ áo màu nâu đất như nhau. “Để không thấy bụi.” anh nói với Abdul đang thất vọng.

“Ông Greg.” Abdul nài nỉ. “Tốt hơn ông nên làm một quý ông ăn mặc bảnh bao, như thế nhiều người sẽ kính trọng ông.”

Mortenson hình dung làng Korphe nơi dân chúng sống qua những tháng mùa đông dài bất tận trong tầng hầm của những căn nhà bằng đá và bùn đất, gom gia súc lại quanh những đám lửa phân bò Tây Tạng, trong bộ y phục duy nhất của họ.

“Màu nâu được rồi.” Mortenson nói.

Khi Manzoor nhận tiền cọc của Mortenson, tiếng kêu rền rĩ của muezzin xuyên thấu vào dãy cửa hàng nhỏ. Ông thợ may nhanh chóng cất tiền sang một bên và trải tấm thảm cầu nguyện màu hồng ra. Ông cẩn thận trải tấm thảm thẳng tắp.

“Ông chỉ cho tôi cách cầu nguyện nhé?” Mortenson hấp tấp hỏi.

“Anh có phải là người đạo Hồi?”

“Tôi tôn trọng đạo Hồi.” Mortenson nói, trong khi Abdul nhìn anh tỏ vẻ tán thành.

“Lại đây.” Manzoor nói, vẻ hài lòng, gật đầu ra hiệu cho Mortenson bước lên chiếc bục bừa bộn, kế bên một hình nộm không đầu, bị đâm thủng bằng những kim ghim. “Mỗi người Hồi giáo phải tắm rửa trước khi cầu nguyện.” ông nói. “Tôi đã thực hiện wudu(12) vì thế tôi sẽ cho anh thấy nghi thức đó vào lần tới.” Ông vuốt phẳng xấp vải màu nâu mà Mortenson đã chọn kế bên tấm thảm nhỏ và hướng dẫn anh chàng người Mỹ quỳ bên cạnh mình. “Trước hết, chúng ta phải quay mặt về hướng Mecca, nơi vị thánh tiên tri của chúng tôi yên nghỉ trong thanh bình. Rồi chúng ta phải quỳ trước Thánh Allah nhân ái, tôn kính gọi tên ngài.” Manzoor nói.

12. Nghi thức tắm rửa trước khi cầu nguyện của người Hồi giáo

Mortenson cố gắng để quỳ trong không gian nhỏ của ông thợ may, và tình cờ đá vào hình nộm, nó lắc lư trên người anh như một vị thần đang phản đối.

“Không!” Manzoor nói, gỡ cổ tay Mortenson bằng đôi bàn tay mạnh mẽ của mình và gấp hai tay anh với nhau. “Chúng ta không xuất hiện trước thánh Allah như một người đang đợi xe buýt. Chúng ta thần phục một cách tôn kính ý chí của Allah.”

Mortenson cứng nhắc giữ hai tay khoanh chéo lại và lắng nghe khi Manzoor bắt đầu tụng nho nhỏ phần cốt lõi của tất cả những lời cầu nguyện đạo Hồi kinh Shahad a hay ý nghĩa của lời chứng.

“Ông ta đang nói rằng Allah rất thân ái và vĩ đại,” Abdul nói, cố tỏ ra hữu ích.

“Tôi hiểu.”

“Yên lặng! ” Mazoor Khan nói một cách kiên quyết. Ông gập cứng người từ thắt lưng về phía trước và úp trán vào tấm thảm cầu nguyện của mình.

Mortenson cố bắt chước ông, nhưng chỉ gập người được một nửa, dừng lại khi anh cảm nhận thấy những vạt của chiếc áo rách hở ra một cách kém lịch sự và luồng hơi của chiếc quạt trên tấm lưng trần của anh. Anh nhìn về phía ông thầy của mình. “Được không?” anh hỏi.

Ông thợ may chăm chú nhìn Mortenson. Đôi mắt ông nhìn đồ đệ của mình một cách sâu sắc qua đôi gọng kính dày màu đen. “Hãy cố làm lại khi anh nhận bộ áo shalwar kamiz.” ông nói, cuộn chặt tấm thảm lại. “Chắc hẳn anh sẽ tiến bộ.”

Cái hộp kính trên mái Khyaban hút toàn bộ năng lượng mặt trời suốt trong ngày và tỏa nhiệt oi ả vào ban đêm. Vào ban ngày, tiếng cừu kêu chói với tiếng dao chặt thịt vọng lại từ tiệm bán thịt bên dưới. Khi Mortenson cố ngủ, tiếng nước kêu ồng ộc thần bí trong những đường ống bên dưới giường anh, và trên cao, nơi trần nhà, một bóng đèn huỳnh quang cứ sáng mãi một cách tàn nhẫn. Mortenson đã lục soát mọi bề mặt bên trong và bên ngoài phòng để tìm công tắc đèn mà không tìm thấy. Vùi đầu trong các tấm khăn trải giường ẩm ướt và được chiếu sáng một vài giờ trước khi trời sáng, trong đầu anh lóe lên một ý tưởng. Anh đứng trên chiếc giường của mình, lắc lư và giữ thăng bằng, rồi cẩn thận với tay đến chốt đèn và thành công trong việc tháo lỏng bóng đèn. Chìm sâu trong bóng tối, anh ngủ vùi cho đến khi có tiếng gõ cửa mạnh mẽ đầu tiên của Abdul.

Lúc mặt trời mọc, chợ Rajarh là một cảnh tượng hỗn loạn có tổ chức mà Mortenson thấy li kì. Mặc dù chỉ hoạt động với một con mắt trái, Abdul nắm tay Mortenson và dẫn anh nhẹ nhàng len lỏi giữa mê lộ những người khuân vác đang di chuyển với những kiện dây điện đong đưa trên đầu và những chiếc xe lừa vội vã giao nước đá được phủ bằng vải bố trước khi cái nóng dữ dội làm nó tan chảy.

Bao quanh quảng trường lớn là những cửa hàng bán mọi dụng cụ mà anh có thể tưởng tượng là liên quan đến việc xây dựng và phá hủy các công trình xây dựng. Tám cửa hàng trong cùng một dãy trưng bày những chiếc búa tạ gần như giống hệt nhau. Một chục cửa hàng khác chỉ bán đinh với đủ mọi kích cỡ lóe sáng trong những cái máng có kích thước như những chiếc hòm. Thật là li kì sau khi đã mất quá nhiều thời gian cho công việc trừu tượng là quyên góp tiền kêu gọi hỗ trợ, để thấy những phần của ngôi trường được sắp xếp chỉnh tề quanh mình. Cái đinh này có thể là cái đinh cuối cùng được đóng để hoàn thành ngôi trường ở Korphe.

Nhưng trước khi bị rơi vào ngây ngất, anh tự nhắc mình phải mặc cả gắt gao. Bên dưới cánh tay anh, quấn trong tờ báo, là bó tiền rupi to bằng hộp đựng giày mà anh đã nhận ở người đổi tiền khi đổi mười tờ một trăm đôla. Họ bắt đầu ở tiệm bán gỗ, thật khó để phân biệt các cửa hàng với nhau khi tất cả đều bán cùng một mặt hàng, nhưng Abdul rất chắc chắn về chọn lựa của mình. “Ông này là một người Hồi giáo tốt.” ông giải thích.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx