sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bàn về Tự Do - Phần 2

Người ta hy vọng cái thời mà sự bảo vệ “quyền tự do báo chí” cần được xem như là một trong các biện pháp an toàn chống lại sự nhũng lạm và chuyên chế của chính quyền đã trôi qua. Chúng ta có thể cho rằng hiện nay không cần thiết phải đưa ra bất cứ lập luận nào nhằm chống lại việc cho phép một cơ quan lập pháp hoặc hành pháp, khi chúng không có cùng quyền lợi với người dân, áp đặt ý kiến lên dân chúng và quyết định học thuyết hoặc lý lẽ nào mà họ được phép nghe theo. Bên cạnh đó, khía cạnh này của vấn đề đã được các tác gia tiền bối củng cố một cách thường xuyên và hiệu quả, cho nên cũng không cần phải đặt ra ở đây, (…) và nhìn chung, tại các quốc gia cai trị bằng hiến pháp, người ta sẽ không hiểu rằng chính quyền, dẫu hoàn toàn có trách nhiệm với dân chúng hay không, cũng sẽ thường xuyên cố gắng kiểm soát sự bày tỏ ý kiến, ngoại trừ khi thực hiện điều đó, nó tự biến thành một tổ chức không được công luận dung thứ. Vì thế, nếu giả sử rằng chính quyền hoàn toàn hòa hợp với dân chúng, thì cũng đừng bao giờ nghĩ đến việc có thể áp dụng được bất cứ quyền lực xuất phát từ sự ép buộc nào, trừ phi nó không đi ngược lại với những gì được cho là tiếng nói của người dân. Tuy nhiên, tôi phủ nhận quyền của người dân khi họ hành xử sự ép buộc như thế, kể cả việc họ tự mình hoặc thông qua chính quyền thực hiện điều đó. Tự thân quyền lực đó luôn luôn có tính chất bất hợp pháp. Chính quyền tốt nhất, cũng như kém nhất, không hề có đủ tư cách thụ hưởng cái quyền lực đó. Nó rất nguy hại, và càng nguy hại hơn khi được áp dụng theo ý muốn của công luận so với khi được áp dụng ngược lại với ý muốn ấy. Nếu mọi người, trừ một người, đều có cùng một ý kiến, và một người trừ ra ấy lại có ý kiến ngược lại, thì việc mọi người bắt người duy nhất ấy ngậm miệng và người ấy – khi có quyền lực trong tay -- bắt mọi người ngậm miệng đều vô lý như nhau. Nếu ý kiến được ví như là một tài sản cá nhân và hoàn toàn không có giá trị gì ngoại trừ đối với sở hữu chủ; nếu việc bị cản trở thực thi quyền sở hữu đối với tài sản ấy đơn giản chỉ là một sự tổn hại riêng tư, việc bị cản trở ấy sẽ gây ra một sự ảnh hưởng nào đó, dẫu cho sự tổn hại có nhằm vào một số ít hay vào nhiều người. Nhưng sự xấu xa đặc biệt của việc tước đoạt quyền bày tỏ ý kiến nằm ở chỗ nó là hành vi đánh cướp loài người, cả thế hệ hiện tại lẫn thế hệ tương lai; đồng thời, người bất đồng ý kiến bị đánh cướp nhiều hơn so với người đồng tình với nó. Nếu ý kiến ấy đúng, thì họ bị lấy mất cơ hội gạt bỏ cái sai lầm để có được cái đúng đắn; nếu sai, thì họ đánh mất một lợi ích hết sức to lớn, đó là một sự cảm nhận tường minh và sinh động hơn, phát sinh từ những va chạm với cái sai, về chân lý.

Cần phải xem xét riêng biệt hai giả thuyết này, mà mỗi trong hai đều có những lập luận riêng phù hợp với nó. Chúng ta không bao giờ có thể đoan chắc rằng ý kiến mà chúng ta đang cố gắng đàn áp là một ý kiến sai; và dù cho chúng ta chắc chắn như thế, thì đàn áp vẫn cứ là một hành vi xấu xa.

Lý do đầu tiên là vì cái ý kiến bị đàn áp bằng uy quyền vẫn có thể đúng. Những ai muốn đàn áp nó, lẽ cố nhiên, sẽ phủ nhận tính đúng đắn của nó; nhưng họ đâu phải là kẻ không thể sai lầm. Họ không có thẩm quyền để định đoạt vấn đề này thay cho mọi người, và tước đoạt phương tiện xét đoán của người khác. Khước từ lắng nghe một ý kiến, vì quả quyết rằng nó sai, đồng nghĩa với việc cho rằng sự quả quyết ấy là một sự quả quyết có tính cách tuyệt đối đúng. Mọi hành vi làm câm bặt sự tranh luận đều dựa vào lối giả định về sự không thể sai lầm này. Có thể dựa vào lập luận bình thường này -- dẫu bình thường nhưng không phải là kém hiệu quả -- để lên án hành vi vừa nói.

Thật không may, đối với lương thức của con người, sự thật về tính có thể sai lầm, điều lúc nào cũng được phép đặt ra về phương diện lý thuyết, lại không có tầm quan trọng trong sự xét đoán thực tiễn của họ; trong khi ai cũng biết rõ mình có thể sai lầm, nhưng ít người nào lại thấy cần phải lưu ý đến điều này nơi chính họ, hoặc thừa nhận một giả thuyết rằng bất cứ ý kiến nào, cho dù họ cảm thấy chắc chắn đến đâu đi nữa, đều có thể là một trong nhiều ví dụ về sự sai lầm mà chính họ thường thừa nhận là kẻ phải chịu trách nhiệm. Những bậc quân vương độc đoán, hoặc những người đã quen với việc được tôn kính một cách vô giới hạn, thường có sự tin tưởng hoàn toàn vào ý kiến của họ về mọi đề tài. Những người ở trong hoàn cảnh sung sướng hơn kẻ khác, những người mà thảng hoặc mới được nghe lời phản bác ý kiến của mình và quen với việc được cho là đúng trong khi thực ra là sai, thường đặt sự tin cậy vô độ vào ý kiến của họ khi nó được chia sẻ với mọi người xung quanh, hoặc với những người hay chìu chuộng; khi một người thiếu sự tin tưởng vào sự xét đoán của chính mình, anh ta thường, với niềm tin tuyệt đối, dựa dẫm vào tính không thể sai lầm của “ngoại giới” nói chung. Và cái ngoại giới ấy, đối với mỗi cá nhân, có nghĩa là phần mà anh ta có mối tương giao: đảng phái, giáo phái, nhà thờ và giai cấp xã hội của anh ta; vì vậy, nếu đem so sánh với cá nhân vừa nói ấy, thì người ta có thể xem một người là hào phóng và bao dung, khi mà đối với anh ta, ngoại giới chính là bất cứ điều gì có tính bao quát như đất nước hoặc thời đại mà anh ta đang sống. Niềm tin đặt vào uy thế tập thể này của anh ta không hề bị lung lay bởi việc nhận thức rằng các thời đại, quốc gia, giáo phái, nhà thờ, giai cấp và đảng phái khác đã nghĩ, hoặc thậm chí hiện đang nghĩ, đến điều ngược lại. Anh ta chuyển giao cho ngoại giới của mình cái trách nhiệm đứng về phía cái đúng để chống lại các ngoại giới mang tính bất đồng với anh ta của người khác; và anh ta không bao giờ băn khoăn rằng chính sự tình cờ đã định đoạt cái ngoại giới nào trong số muôn vàn ngoại giới trở thành nơi chốn để cho anh ta nương tựa, và rằng những duyên do biến anh ta thành một tín đồ Anh giáo ở Luân-đôn cũng có thể làm cho anh ta trở thành một tín đồ Phật giáo hoặc Khổng giáo ở Bắc-kinh. Tuy nhiên, rõ ràng là các thời đại cũng mang nhiều đặc tính có thể sai lầm không kém gì cá nhân; mỗi thời đại đều ủng hộ nhiều quan niệm mà các thời đại sau đó chẳng những cho rằng sai lầm mà còn phi lý; và hẳn nhiên sẽ có nhiều quan niệm phổ biến hiện nay bị các thời đại tương lai phản bác, tương tự như nhiều quan niệm từng được xem là phổ biến đang bị hiện tại phản bác.

Người ta có thể bác bỏ lập luận này bằng hình thức như sau. Không có giả định về tính không thể sai lầm nào trong việc ngăn cấm truyền bá cái xấu lại quan yếu hơn sự giả định trong những hành vi mà cơ quan công quyền thực hiện đối với sự phán xét và trách nhiệm của nó. Sự phát xét được trao cho con người để họ có thể sử dụng nó. Vì sự phán xét có thể bị sử dụng một cách sai lầm, cho nên con người cần phải được bảo rằng không nên sử dụng nó chăng?Ngăn cấm điều được nghĩ là nguy hại không phải là cả quyết rằng mình không sai lầm, nhưng là thi hành bổn phận mà mình có trách nhiệm đảm đương, dẫu có thể phải sai lầm vì hành động dựa trên niềm tin lương tâm. Nếu không bao giờ hành động theo ý kiến của mình vì e rằng ý kiến đó có thể sai, thì tất cả quyền lợi của chúng ta sẽ không được chăm nom và mọi bổn phận của chúng ta không được thi hành. Một sự phản đối áp dụng cho mọi hành vi có thể không là một phản đối có giá trị đối với một hành vi riêng biệt. Bổn phận của chính quyền và cá nhân là phải thiết lập các ý kiến trung thực nhất theo khả năng của họ; thiết lập một cách nghiêm cẩn và không bao giờ áp đặt chúng cho người khác, trừ phi hoàn toàn chắc chắn về sự đúng đắn. Nhưng ngay khi họ đã đoan chắc (những kẻ thích biện giải có thể nói như thế), thì vẫn chỉ là sự đớn hèn, chứ không phải là lòng tận tụy, nếu như tránh né hành động theo ý kiến của mình, và mặc cho các học thuyết mà họ thành thực nghĩ rằng có nguy hại đến lợi ích của con người, cả hiện nay hoặc mãi về sau, được truyền bá rộng rãi mà không hề có sự ngăn chặn nào, bởi vì kẻ khác, trong thời đại ít được khai sáng hơn, đã đàn áp các ý kiến mà nay được tin là đúng. Có thể nói rằng chúng ta hãy cẩn trọng để đừng mắc phải lỗi lầm tương tự: nhưng các chính quyền và quốc gia đã mắc nhiều lỗi lầm trong những chuyện khác, những chuyện không thể chối bỏ là các đề tài thích hợp cho việc hành xử quyền lực: họ đã đánh thuế cao, gây ra những cuộc chiến bất công; vậy chẳng lẽ chúng ta bãi bỏ thuế khoá và không cần đến chiến tranh? Con người, kể cả chính quyền, đều phải hành động một cách hữu hiệu nhất, tùy theo khả năng của mình. Không có điều gì là điều chắc chắn tuyệt đối, nhưng có những sự chắc chắn đủ để đáp ứng cho các mục đích của đời sống con người. Chúng ta có thể, và phải, giả định rằng ý kiến của mình là đúng nhằm để hướng dẫn hành vi: và sẽ không còn giả định nữa, khi chúng ta ngăn chặn được kẻ xấu làm băng hoại xã hội bằng cách truyền bá những ý kiến mà chúng ta xem là ngụy trá và độc hại.

Tôi xin trả lời rằng sự giả định vẫn sẽ tiếp diễn với một mức độ lớn hơn.Có sự khác biệt to lớn giữa việc giả định một ý kiến là đúng bởi vì nó vẫn chưa bị phủ nhận, mặc dầu người ta có mọi cơ hội để phủ nhận nó, với việc giả định nó là đúng nhằm mục đích không cho phép người khác phủ nhận. Sự tự do hoàn toàn trong việc phủ nhận và bài bác ý kiến chính là điều kiện để biện minh cho mình khi giả định tính đúng đắn của nó nhằm đưa ra một hành động; và không có điều kiện nào khác để cho con người, với những năng lực cố hữu của mình, có thể lấy đó làm sự bảo đảm hữu lý cho tính đúng đắn.

Khi xem xét quá trình đưa ra ý kiến hoặc cách thức hành xử thông thường của đời sống con người, thì chúng ta dùng điều gì để lý giải rằng cái này và cái kia đều không tệ hơn đặc tính vốn có của chúng? Chắc chắn điều đó không phải là sức mạnh cố hữu trong sự hiểu biết của con người; bởi vì trước một vấn đề không phải là sự thật hiển nhiên, thường có đến chín mươi chín người không có khả năng xét đoán về nó và chỉ một người có được năng lực ấy; hơn nữa, khả năng của người thứ một trăm cũng chỉ có tính cách tương đối; bởi vì đa số những nhân vật ưu tú của mọi thế hệ quá khứ đều đã ủng hộ nhiều ý kiến mà nay ai cũng biết là không đúng, đồng thời đã thực hiện hoặc tán đồng nhiều việc mà hiện giờ không còn ai chấp thuận nữa. Thế thì một cách tổng quát, lý do gì mà trong nhân loại lại có sự lấn át của các ý kiến và hành xử hữu lý? Nếu quả thực có sự lấn át này -- điều phải có, bằng không thì các vấn đề của nhân loại đã và đang nằm trong tình trạng gần như là tuyệt vọng – thì nguyên do của nó xuất phát từ một phẩm tính của tinh thần con người, cội nguồn của tất cả những gì đáng kính nơi con người trong vai trò là một sinh linh có tri thức hay một sinh linh luân lý, phẩm tính đó là: lỗi lầm của anh ta có thể sửa chữa được. Bằng kinh nghiệm và sự thảo luận, anh ta có thể tu chỉnh những điều lầm lẫn – nhưng không phải chỉ bằng kinh nghiệm. Cần phải có thảo luận mới thấy được ý nghĩa của kinh nghiệm là như thế nào. Các ý kiến và lề thói sai lầm dần dần sẽ nhượng bộ các sự kiện và lập luận; nhưng phải đưa ra sự kiện và lập luận trước, rồi sau đó chúng mới có thể gây tác động đến tâm trí con người. Rất ít sự kiện nói lên được nội dung của câu chuyện mà chúng góp phần hình thành, nếu như không nhờ vào những lời bình phẩm làm bật ra ý nghĩa của chúng. Toàn bộ sức mạnh và giá trị của sự xét đoán tùy thuộc vào một đặc tính, đó là: sự xét đoán có thể được cho là đúng trong khi lại là sai, và người ta có thể đặt niềm tin vào nó khi nào nắm giữ trong tay phương tiện giúp nhận biết được nó là đúng. Lý do tại sao khiến cho sự xét đoán của một người trở nên thực sự đáng tin? Nguyên nhân là vì anh ta đã đón nhận sự phê phán dành cho ý kiến và hành vi của mình. Bởi vì anh ta có thói quen lắng nghe mọi lời lẽ trái ngược với ý mình, thu nhặt thật nhiều lợi ích từ việc lắng nghe đó, giải thích cho chính mình, và đôi khi cho cả người khác, sự ngụy trá của những điều sai lầm. Bởi vì anh ta nghĩ rằng cách duy nhất mà một người có thể làm để đến gần với sự hiểu biết toàn bộ một vấn đề là phải lắng nghe điều mà người có ý kiến khác phát biểu về nó và phải nghiên cứu tất cả các cách thức nhìn nhận từ những người có đặc điểm trí tuệ khác nhau. Không một bậc minh triết nào có được sự thông tuệ nếu không thực hiện điều này; tương tự như vậy, bản chất của tri thức nhân loại cũng sẽ không trở nên minh sáng bằng bất cứ phương cách nào khác. Thói quen thường xuyên tu chỉnh và hoàn thiện ý kiến của chính mình bằng cách đối chiếu nó với ý kiến của người khác - điều này không hề tạo ra sự hoài nghi và do dự khi thực hiện nó – là nền tảng vững chắc duy nhất để có được sự tin cậy đúng đắn vào nó: bởi vì khi nhận biết tất cả những điều trái ngược với ý kiến của mình, đồng thời giữ vững quan niệm của mình trước những kẻ phản bác - cần phải biết rằng anh ta đã truy tầm mọi điều phản đối và hứng chịu nhiều gian khó, thay vì lẩn tránh chúng và che đậy không cho bất cứ ánh sáng nào có thể soi rọi vào vấn đề - anh ta hoàn toàn có quyền nghĩ rằng sự xét đoán của mình tốt đẹp hơn sự xét đoán của bất cứ người nào khác, hoặc của đám đông, những kẻ chưa bao giờ trải qua một tiến trình tương tự.

Không phải là quá mức khi đòi hỏi những gì mà các bậc thông tuệ nhất của nhân loại, những người có đủ thẩm quyền nhất để tin vào xét đoán của chính mình, thấy cần thiết phải tin cậy vào, nên được một tập hợp hỗn tạp gồm một vài người mẫn tuệ và nhiều kẻ kém cỏi – cái tập họp mà người ta gọi là công chúng - thẩm định.

Tôi xin được nhận xét rằng cái cảm giác tin chắc vào một học thuyết (dù cho đó là học thuyết gì đi chăng nữa) không phải là điều mà tôi gọi là giả thuyết về tính không thể sai lầm.Đó chính là sự định đoạt vấn đề cho người khác mà không cho phép họ nghe ý kiến đối lập. Tôi kịch liệt bài bác và lên án thái độ ngạo ngược này, ngay cả khi nó được đưa ra để ủng hộ những niềm tin thiêng liêng nhất của tôi. Dẫu sự thuyết phục của một người nào đó có tính cả quyết đến đâu đi chăng nữa, dẫu sự thuyết phục ấy không chỉ nói về sự ngụy trá, mà còn về các hệ lụy tai hại – không chỉ về các hệ lụy tai hại, mà còn về sự vô luân và sự nghịch đạo (dù cho có sử dụng những lối biểu đạt mà tôi hoàn toàn lên án) – của một ý kiến, nhưng nếu như khi theo đuổi sự xét đoán có tính tư riêng đó, dù có được hậu thuẫn từ phía công luận của quốc gia loặc từ phía những người cùng thời với mình, anh ta lại cản ngăn không cho người khác nghe lời lẽ biện hộ, ôhì anh ta đã tỏ vẻ mình là kẻ không thể sai lầm. Sự việc ý kiến bị phản bác được xem là vô luân và nghịch đạo không có nghĩa là cái thái độ ra vẻ không đối hoặc ít có tính chất nguy hiểm; trái lại, trong những tình huống như vậy, nó càng là điều vô cùng tai hại. Đây chính là các trường hợp mà những người của một thế hệ gây ra những sai lầm tồi tệ khiến hậu thế phải ngạc nhiên và kinh hoàng. Trong số đó, chúng ta có thể tìm thấy nhiều trường hợp đáng nhớ từng xảy ra trong lịch sử, khi người ta dùng cánh tay luật pháp để tận diệt những người ưu tú nhất và những học thuyết cao cả nhất, mặc dầu vẫn có một vài trong số các học thuyết đó sống sót để được viện dẫn nhằm bảo vệ (đây quả là như một chuyện khôi hài) cho hành vi tận diệt tương tự nhắm vào chính những người bất đồng quan điểm hoặc vào sự biện giải đúng đắn của họ.

Con người hầu như không được thường xuyên nhắc nhở rằng từng có một người đàn ông tên là Socrates, mà giữa ông và nhà cầm quyền cùng với công luận thời bấy giờ đã xảy ra một cuộc va chạm đáng nhớ. Sinh ra trong một thời đại và một đất nước đầy ắp những biểu tượng cao cả cá nhân, người đàn ông này được những người thấu hiểu về ông và thời đại của ông khắc họa lại cho chúng ta như là một con người công chính nhất; trong khi chúng ta biết đến ông như là bậc tiên hiền và hình ảnh mẫu mực của tất cả mọi vị tôn sư rao giảng đức hạnh sau này, cội nguồn làm nảy sinh những cảm hứng cao cả của Plato và thuyết vị lợi sáng suốt – hai suối nguồn luân lý kể từ khi xuất hiện triết lý – của Aristote, “vị thầy của kẻ thức giả [4] .” Socrates, vị thầy của tất cả các tư tưởng gia kiệt xuất tự cổ chí kim này - người mà thanh danh của ông vẫn được lưu truyền hơn hai ngàn năm qua, và hầu như đã lấn át tất cả những tên tuổi đã làm rạng danh cho quê hương ông – sau một phiên tòa, đã bị xử tử bởi chính đồng bào của mình về tội nghịch đạo và vô luân. Nghịch đạo, vì phủ nhận các vị thần thánh được nhà nước thừa nhận; kẻ kết án ông đã quả quyết rằng ông không tin vào thần thánh. Vô luân, vì bị xem như là “kẻ làm hư hỏng thanh niên” bằng các học thuyết và sự huấn giảng của mình. Có mọi cơ sở để tin rằng tòa án đã phán quyết những cáo buộc này đã thật sự thấy ông có tội, đồng thời đã kết án một con người mà có lẽ là một trong những người được sinh ra khi ấy không thể bị xử tử như là một kẻ phạm tội.

Bây giờ xin chuyển sang một ví dụ khác về sự bất công của luật pháp, mà khi nhắc đến, sau khi đã biết về việc kết án Socrates, cũng không hề làm giảm đi giá trị của vấn đề: sự kiện xảy ra ở đồi Sọ hơn một ngàn tám trăm năm về trước. Nhân vật này, người đã gieo vào ký ức của những ai từng chứng kiến cuộc đời và lắng nghe những lời đàm luận của ông một ấn tượng khó phai về phẩm hạnh cao cả, điều mà suốt mười tám thế kỷ sau đó đã khiến ông được mọi người tôn kính như là một đấng Toàn năng, đã bị giết chết một cách nhục nhã như là một kẻ báng bổ thần linh. Con người không chỉ hiểu lầm kẻ gia ân cho họ, mà còn đánh giá sai lầm về người bằng hình ảnh trái ngược với những phẩm tính mà người vốn là, đồng thời còn coi người như là một kẻ nghịch đạo dị thường, điều mà ngày nay người ta dùng để gọi họ chính vì sự đối đãi ấy của họ dành cho người. Những cảm nhận mà nhân loại giờ đây có được qua những hành xử bi thương này, đặc biệt là trong trường hợp thứ hai, đã cho thấy sự bất công tột độ trong sự xét đoán của họ đối với hai kẻ khốn khổ này. Trong mọi phương diện, cả hai không phải là kẻ xấu – chẳng những không xấu hơn nhiều người, trái lại nữa là khác; đối với dân tộc và thời đại, họ là những kẻ ái quốc tràn đầy đức hạnh và niềm tin tôn giáo: là hạng người mà trong bất cứ thời nào, kể cả thời đại của chúng ta, có mọi cơ may để sống trọn một cuộc đời không bị chê trách và được tôn kính. Gã thượng tế, kẻ đã xé nát quần áo của người khi các ngôn từ được thốt lên, những ngôn từ, mà theo mọi lý tưởng của quê hương người, đã cấu thành tội lỗi xấu xa nhất, có lẽ đã hoàn toàn chân thành trong nỗi hận thù và phẫn nộ của hắn ta, giống như đa số những kẻ khả kính và sùng đạo ngày nay trong sự biểu lộ các xúc cảm luân lý và tôn giáo của họ; và đa phần những người mà ngày nay rùng mình kinh sợ trước hành xử của gã thượng tế, ví như đã sống vào thời đó và sinh ra là người Do-thái, thì có lẽ cũng xử sự y như gã. Tín đồ Thiên chúa giáo chính thống, những người thường không tránh được suy nghĩ rằng những kẻ ném đá đến chết các thánh tuẫn đạo đầu tiên hẳn đã là loại người xấu xa hơn chính họ bây giờ, nên nhớ một trong những kẻ ném đá ấy là thánh Phao-lồ.

Chúng ta sẽ trình bày thêm một ví dụ nữa, ví dụ gây ấn tượng nhất, nếu như sự ấn tượng về lỗi lầm được lượng định bằng sự thông tuệ và phẩm hạnh của kẻ chẳng may sa vào điều lầm lỗi. Nếu có bất cứ ai khi nắm giữ quyền lực, đồng thời lại có mọi lý do để nghĩ rằng mình là kẻ giỏi nhất và sáng suốt nhất so với tất cả những người cùng thời, thì đó chính là hoàng đế Marcus Aurelius. Là một bậc quân vương độc đoán của toàn bộ thế giới văn minh, suốt cuộc đời mình, ông đã không chỉ gìn giữ được một nền công lý sáng tỏ, mà còn dung dưỡng một tấm lòng từ ái, điều mà người ta ít trông đợi có được đối với một người thừa hưởng nền giáo dục khắc kỷ như ông. Một ít nhược điểm được gán cho ông đều xuất phát từ sự đam mê, trong khi các tác phẩm của ông, sản phẩm luân lý cao cả nhất của trí tuệ cổ đại, hầu như được người ta nhận thấy không có gì khác biệt với những lời rao giảng tiêu biểu nhất của chúa Jesus. Con người này, một tín đồ Ki-tô giáo lương hảo trong mọi ý nghĩa - ngoại trừ ý nghĩa giáo điều - của từ này, lương hảo hơn hơn hầu hết các vị quốc vương nào khác, xét về bề ngoài, theo Ki-tô giáo từng trị vì thuở ấy, đã ngược đãi Ki-tô giáo. Tuy ngự trị tại một nơi được xem là đỉnh cao của mọi thành tựu tri thức nhân loại trước đó, với một trí năng được khai phóng và một tính cách khiến cho chính ông, thông qua các tác phẩm của mình, trở thành hiện thân của mẫu người lý tưởng Ki-tô giáo, nhưng với trách nhiệm mà ông đã thấu hiểu một cách sâu sắc, ông lại thất bại trong việc nhìn nhận Ki-tô giáo là một tôn giáo mang lại điều thiện, chứ không phải điều ác, cho thế giới. Ông biết rằng xã hội hiện thời đang nằm trong tình trạng tệ hại. Nhưng ông nhận thấy, hoặc nghĩ rằng mình đã nhận thấy, rằng nó có thể được giữ vững và không đi đến tình trạng xấu hơn bằng niềm tin và sự tôn kính dành cho các vị thần thánh đã được thừa nhận. Với tư cách là nhà cai trị, ông coi điều đó là bổn phận của mình với mục đích ngăn chận xã hội bị vỡ vụn thành trăm mảnh, và ông đã không nhận ra cái cách thức, nếu như các mối ràng buộc hiện thời của xã hội ấy bị tháo bỏ, các mối ràng buộc mới có thể được hình thành nhằm đan thắt các giềng mối xã hội lại với nhau. Tôn giáo mới công nhiên nhắm đến mục tiêu này; vì lẽ đó, nếu trách nhiệm của ông không phải là chấp nhận tôn giáo ấy, thì dường như việc tiêu diệt nó là điều dễ hiểu. Bởi vì khi đó triết lý Ki-tô giáo đối với ông có vẻ không phải là chân lý, đồng thời lại không có nguồn gốc thánh thần; bởi vì hình ảnh xa lạ về một Thượng đế bị đóng đinh, đối với ông, không đáng tin; và bởi vì một hệ thống, mà nội dung của nó hoàn toàn dựa trên một nền tảng mà ông không thể nào tin được, không thể được ông nhìn thấy như là một tác động cải cách như nó đã từng minh chứng trên thực tế sau bao nhiêu lần bị triệt hạ; cho nên, kẻ tử tế và hòa nhã nhất của mọi triết nhân và nhà cai trị này, dưới ý nghĩa thiêng liêng của bổn phận, đã ra lệnh đàn áp Ki-tô giáo. Đối với tôi, đây là một trong những sự kiện bi thảm của lịch sử. Còn cay đắng hơn nữa nếu mường tượng rằng Ki-tô giáo có lẽ đã phát triển khác đi rất nhiều nếu như niềm tin Ki-tô giáo được chấp nhận như là một tôn giáo của một đế chế được Marcus Aurelius, thay vì Constantine, trị vì. Nhưng mặt khác, sẽ không công bằng đối với ông, đồng thời cũng sai sự thật khi phủ nhận rằng Marcus Aurelius đã không hề quan tâm đến bất cứ lý lẽ chống lại người Thiên chúa giáo nào; trước đó ông đã đắn đo cẩn trọng để đưa ra các quyết định trừng phạt, như ông đã làm, sự truyền bá Thiên chúa giáo. Không một tín đồ Ki-tô giáo nào tin tưởng một cách kiên định bằng Marcus Aurelius rằng sự vô thần là sai lầm và nó sẽ đưa đến tình trạng phân rã xã hội; ông chính là người lẽ ra được nghĩ là kẻ có khả năng nhất trong việc hiểu rõ giá trị của vấn đề này so với tất cả những ai từng sống vào thời đó. Nếu như có kẻ nào tán đồng sự trừng phạt dành cho hành vi truyền bá quan điểm tự cho rằng mình là người thông minh và lương hảo hơn Marcus Aurelius - có hiểu biết uyên thâm hơn sự minh tuệ của thời đại ông, có tri thức vượt trội hơn hẳn so với thời đại ông, nhiều nhiệt huyết hơn ông trong hành trình truy tầm chân lý, hoặc chuyên tâm hơn ông trong sự tận hiến cho chân lý - bằng không thì hãy bảo anh ta không được tự cho mình và đám đông là những kẻ không thể sai lầm, điều mà Antoninus [5] (tức Marcus Antoninus) vĩ đại đã mắc phải với một kết quả vô cùng bất hạnh.

Chú thích:

[1]Jalaluddin Muhammad Akbar (1542 – 1605): hoàng đế của đế quốc Ấn Độ.

[2]Charlemagne (742? – 814): vua của bộ tộc Frank (768 – 814) và là hoàng đế của người La-mã (800 – 814).

[3]Tạm dịch thuật ngữ prima facie case (một vụ kiện hoặc một cáo buộc phạm pháp mà với các bằng chứng sơ khởi đã cho thấy sự cáo buộc ấy hoàn toàn có cơ sở.)

[4]Nguyên văn tiếng Ý là “i maestri di color che sanno,” mà Mill trích dẫn từ Inferno của Dante (ND).

[5]Marcus Aelius Aurelius Antoninus: tên đầy đủ của Marcus Aurelius.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx