sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 32

Tư dinh tỉnh trưởng nằm ngay trong khuôn viên tòa hành chánh, là một tòa biệt thự có lầu quay mặt ra hướng biển. Khi xây cất, họa đồ thiết kế có cho mở một cổng chính ra đường Nguyễn Huệ, cách mặt tiền tư dinh bằng một hoa viên rộng có trồng hoa và những hàng bông giấy phủ lên trên những giàn cao bằng xi măng, che chở cho các ghế đá bên dưới. Có lẽ do nhu cầu an ninh, cổng chính ấy đã bị bít lại từ lâu, dây kẽm gai chằng chịt nhiều lớp quanh hai cánh cổng sắt tróc sơn đã có nhiều lớp dây leo dại bám lên, ngẫu nhiên làm thành tấm bình phong che các cặp mắt tò mò muốn nhìn vào dinh.

Ngay cửa ra vào là một phòng khách rộng đủ tiếp cả trăm khách, bài trí sang trọng bằng các loại bàn ghế đặt ở những nhà sản xuất đồ gỗ Sài gòn. Thợ “vườn” ở Qui nhơn, lâu nay quen cung cấp đồ dùng cho giới công chức hạng trung và tiểu thương, quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu kiểu bàn ghế tiện dụng rẻ tiền, không thể làm được những bộ bàn khách, ghế sofa tân thời như vậy. Trên tường, có treo các bức tranh vẽ theo các chiến tích trong lịch sử Việt nam, như trận Bạch đằng, trận Đống đa, cuộc khởi nghĩa cửa hai bà Trưng, nét vẽ tỉ mỉ cổ điển của một họa sĩ khá nổi tiếng ở Sài gòn.

Đến giờ hẹn, Trung tá Thanh tới tư dinh tỉnh trưởng. Ông tưởng cuộc họp mặt thân mật giữa “anh em” sẽ diễn ra tại phòng khách rộng rinh và lạnh lẽo này. Ông lầm. Đại tá Tinh trưởng dẫn ông lên cầu thang uốn khúc đẹp mắt, qua một đoạn hành lang có cửa gương nhìn ra vườn hoa, rồi tới một phòng khách khác hẹp hơn, nhưng rõ ràng ấm cúng hơn, thân mật hơn, “người” hơn. Ở quầy rượu, có đủ các loại từ loại nặng như Gin, Seven Crowns cho đến loại rượu ngọt dành cho các cô các bà như Dubonnet, Bisquit. Sau quầy rượu là một khung kính lộng bức ảnh phóng lớn của thành phố Nữu Ước chụp ban đêm. Bức họa một thiếu nữ mặc áo dài vẽ bằng sơn dầu được treo trên bức tường khác.

Lúc Trung tá Thanh bước vào phòng, “anh em” đã đến gần đủ.

Hầu hết mọi người, kể cả đại tá tỉnh trưởng, đều mặc thường phục. Ông Thanh tự nhiên cảm thấy bộ đồ lính trên người ông trở nên vướng víu, không hợp thời.

Có lẽ nhận thấy Trung tá Thanh bối rối, nên Đại tá Tỉnh trưởng nói:

- Anh em thay đồ dân sự cho nó thoải mái. Lại đây tôi giới thiệu. Đây là ông Phó tỉnh, đây Phó thị. Ba anh nhãi này thì tuần tự là các ông Trưởng ty Thuế vụ, Kiến thiết, và Tài chánh. Ê Lộc, lại đây ra mắt xếp mới của toa. Đây là Trung tá Thanh tân Tiểu khu phó. Đây là ông tướng hồi sáng bỏ nhiệm sở đi o mèo. Đừng chối! Chi Cảnh sát đã cho moa hồ sơ đầy đủ của cô nữ hộ sinh đó.

Người đàn ông bị gán cho tội danh đáng yêu ấy bắt tay ông Thanh, tự giới thiệu:

- Tôi là Thiếu tá Tuấn, Quận trưởng Hoài nhơn.

Trung tá Thanh hết nhìn Tuấn lại nhìn Đại tá Tỉnh trưởng. Viên đại tá kéo lại cổ áo sơ mi sọc đỏ bỏ ngoài quần, mỉm cười thích thú theo dõi vẻ kinh ngạc ngớ ngẩn của ông Thanh. Hai người còn lại, một là Đại úy Trưởng phòng 5, một là Thiếu tá Trưởng phòng 2 Tiểu khu. Đại tá thân mật vỗ vai ông Thanh, đưa tay chỉ một vòng phòng khách ấm cúng nói:

- Ở đây làm việc căng quá, tụi moa phải có một chỗ trú ẩn như ở đây để lâu lâu gặp nhau, lon lá chức tước vứt hết bên ngoài, thoải mái với nhau vài giờ sau đó lại xông vào công việc. Nhờ thế mới khỏi phát điên ở cái xứ bụi bặm rối rắm này. Ở ngoài Huế, toa có tổ chức được những chỗ trú ẩn như vầy không? Toa ngồi xuống đi!

Trung tá Thanh ngồi xuống ghế sofa, bên cạnh ông Phó tỉnh, đối diện với viên tỉnh trưởng và thiếu tá quận trưởng. Ông đáp:

- Không được thoải mái như ở đây đâu! Ông tướng ngoài đó khắc khổ quá, lúc nào cũng công việc!

Đại tá nói:

- Như vậy là trái luật thiên nhiên. Có động phải có tĩnh, có dương phải có âm. Điều quan trọng là phân biệt cho rõ, đâu là chơi, đâu là làm! Tụi Mỹ nó hay ở chỗ đó: Bình thường sao cũng được,nhưng vào việc, business là business. Moa thành công nhờ học được bài học quí giá ấy.

Vợ con ông tỉnh trưởng về Sài gòn đã một tuần nay, nên ông có vẻ hớn hở tự do của một chàng độc thân. Bồi hiệu ăn Tàu chở đồ nhậu tới. Bữa tiệc thịnh soạn bày trên các bàn kính hình chữ nhật dài có phủ khăn trắng. Chim mía quay tẩm ngũ vị hương, món ăn độc đáo của địa phương. Lẫu lươn. Dê hầm thuốc Bắc. Bánh tráng xúc ăn với nhộng xào nghệ, cũng là một sản phẩm địa phương khác. Mọi người ăn uống thoải mái, không khách sáo, không mời mọc nhường nhịn đãi bôi. Ông Thanh quên cả sự dè dặt ban đầu, quên cả bộ quần áo nhà binh trên người, bị lôi cuốn vào không khí nhộn nhịp vô tư chung. Ông nốc hai cốc Hennessy, đầu óc hơi chao đảo nhưng vẫn tỉnh trí.

Ăn xong, cả đám quay sang sòng bài xì phé, trừ ông Phó tỉnh và Trung tá Thanh.

Khác với ông Phó thị nước da trắng trẻo, tóc dài đen mượt như một tài tử điện ảnh chuyên đóng vai con nhà lành, ông Phó tỉnh để tóc ngắn, người nhỏ nhưng rắn chắc, rất “nhà binh” dù ông chưa hề ăn cơm lính bữa nào. Trung tá Thanh biết mình sẽ làm việc với ông phó này nhiều hơn là với tỉnh trưởng, nên thầm cảm ơn viên đại tá đã xếp đặt cho hai người nói chuyện lâu với nhau. Ông Phó nói:

- Trung tá sẽ thấy, làm việc ở đây chẳng khác nào chơi trò đi dây, cho nên nhiều sĩ quan chuyên nghiệp ưa đánh mau đánh mạnh về Tiểu khu một thời gian là chán, lại xin trở về Quân đoàn. Trung tá Chuyên không phải là người đầu tiên. Tôi về đây làm Phó tỉnh được ba năm đã thấy bốn ông Tiểu khu phó đến rồi đi. Hy vọng lần này Trung tá ở lại lâu, ít ra là cho tới lúc tôi đi.

- Anh định đổi đi tỉnh khác à?

- Chưa! Nhưng làm xiếc hoài phải có lúc mệt, hoặc có lúc trật chân không lấy được thăng bằng. Làm dâu trăm họ mà!

- Họ nào gay go khó tính nhất?

Ông Phó suy nghĩ một lúc rồi đáp:

- Chẳng có họ nào dễ tính cả. Họ nào cũng dư sức, thổi nhẹ một cái mình cũng đủ mất thăng bằng ngã chúi xuống đất không bể đầu thì giập mật. Không được ông tướng Vùng thương thì khó ăn khó ở. Sư đoàn mà không quí thì đấy, các anh cứ dẫn mấy ông địa và lính kiểng các anh ra “oánh” nhau với Sư đoàn Sao Vàng. Rồi ông khách Đại hàn hay nổi cộc, giỏi thái cực đạo và karaté. Thêm ông tướng Sư đoàn Một Không vận… Một đám cháy mà phải nhờ vả chừng ấy xe chữa lửa, không nhờ không được, lần sau gọi các ông ấy làm ngơ. Mà nhờ thì nhờ làm sao để các ông ấy chịu hợp nhau mà chữa nhanh cho lửa tắt.

Trung tá Thanh tự tín bảo:

- Tôi ở Sư đoàn Một có kinh nghiệm qua chuyện đó. Công nhận điều hợp rất khó, nhưng không đến nỗi rối bời không gỡ được.

Ông Phó cãi lại:

- Trung tá chỉ mới có kinh nghiệm thuần túy về quân sự. Ngoài đó, Sư đoàn là chính, còn phần kia chỉ là làm sao phối hợp được các nguồn yểm trợ. Ở đây còn có phần dân sự nữa. Tôi chưa biết Đại tá sẽ phân công như thế nào. Phần liên lạc giao tế với bên quân sự, tôi nghĩ ổng rành rẽ quá rồi. Ổng cầu viện tới Trung ương là vì cần một người đỡ cho ổng cái gánh bên dân sự.

- Thế là thế nào? Tôi tưởng phần dân sự là trách nhiệm của anh chứ!

- Trên giấy tờ là thế. Thực tế khác. Dân Quốc gia Hành chánh chúng tôi “quyền rơm, vạ đá”, chúng tôi học nhau kinh nghiệm làm phó nên ai cũng có ngón để thủ thân. Chúng tôi rán làm một thầy ký lục, cùng lắm là ký ghé một chữ tắt để chứng nhận là tờ giấy đệ trình lên tỉnh trưởng đã đúng thủ tục hành chánh, không sai lỗi chính tả, đã ghi số công văn lưu chiếu đầy đủ, thế thôi. Gọi đó là kỹ thuật làm phó quận phó tỉnh, hoặc nghệ thuật làm phó cũng được.

Máy điện thoại ở góc phòng reo vang. Ông tỉnh trưởng lật đật từ sòng bài chạy tới nhấc điện thoại nghe một lúc, rồi đáp:

- Thưa chị vâng, vâng. Nhà em có điện thoại cho em hôm qua. Vâng, em tính chờ đến cuộc họp hàng tháng, nhưng chị đã nói thế thì em sẽ gắng. Dạ không chậm lắm đâu. Nhà em có thưa chuyện với chị rồi mà! Vâng, được chị hiểu cho là quí lắm. Ngoài này vẫn thế… Họ đồn thổi lên đấy, không có đâu chị ơi! Nếu có chị đã biết! Vâng, cảm ơn chị!

Ông Phó tỉnh nói nhỏ vừa đủ cho Trung tá Thanh nghe:

- Bà mẹ chồng khắc nghiệt nhất đấy!

- Ai thế?

Ông Phó khựng lại, biết mình nói hớ. Ông đáp dối:

- Bà chị vợ ông đại tá.

Trung tá Thanh hỏi:

- Tôi nghe nói gia đình vợ ông tỉnh trưởng ở Huế mà!

Đã lỡ, ông Phó nói luôn cho thuận lý:

- Họ dời vào Sài gòn từ năm ngoái. Lâu lâu bà ấy cứ nhấc điện thoại léo nhéo nhờ ông Tỉnh mua khi thì cái máy ghi âm Akai 500A, khi thì hộp đồ sứ Nhật. Đến khổ!

Bên sòng xì phé, ông Tỉnh trưởng nói với Thiếu tá Quận trưởng Hoài nhơn:

- Tuấn, mày đã nghe tao trả lời chị Hai ra sao rồi! Mày tính sao thì tính!

Tiếng viên thiếu tá đáp:

- Được được, Đại tá đừng lo. Em dám vào đây chơi là Đại tá hiểu.

Ông đại tá nói lớn về phía ông Phó tỉnh và Trung tá Thanh:

- Ê, hai toa tả oán gì với nhau thế? Công việc còn dài, mai hãy tính. À, tối nay ông Phó kéo Trung tá Thanh về bên đó nói chuyện đi! Moa “bán cái” khách cho toa đó!

Điện thoại lại reo. Lần này ông Thanh biết chắc là ông tướng Vùng gọi, căn cứ vào cấp bậc ông Tỉnh trưởng gọi người đang nói ở đầu dây bên kia. Ông tướng Vùng cho biết sẽ xuống kinh lý vào thứ Tư, máy bay đến 11 giờ. Ông cần những phương tiện di chuyển, chỗ ăn chỗ ở cho chín người, làm việc tại Qui nhơn hai hôm. Ông tỉnh nhận lệnh, rồi “bán cái” ngay cho ông Phó thị: “Toa nhớ ghi ngay vào sổ công tác. Như lần trước, toa nên nhờ tay hiệu trưởng Trường Sư phạm cho nữ giáo sinh ra làm hàng rào danh dự. Nói bên Tài chính xuất tiền mua hoa. Ông ấy thích lai-dơn màu nhung đỏ.

° ° °

Tắm rửa xong, mặc bộ pyjama nhàu nhò vì lôi thẳng từ đáy xách tay ra, Trung tá Thanh trở lại phòng khách nhà ông Phó tỉnh. Ông Phó vẫn còn ngồi chỗ cũ. Trên bàn bày sẵn một khay trà. Ông Phó hỏi:

- Trung tá buồn ngủ chưa? Nếu chưa, nói chuyện chơi một lúc đã.

Trung tá Thanh nói:

- Mình gọi nhau bằng anh cho tiện! Tôi chưa buồn ngủ. Chỉ sợ anh ngày mai phải dậy sớm đi làm. Tôi lông bông còn được vài hôm nữa.

Nói thế, nhưng ông Thanh biết ông Phó dường như đã được lệnh Tỉnh trưởng phải trình bày rõ tình hình cho tân Tiểu khu phó biết. Ông vào đề ngay:

- Mới tới đây một ngày, tôi thấy công chuyện đã lu bu rồi. Không biết có kham nổi không, hay lại bắt chước ông Trung tá Chuyên nào đó.

Câu nói của Trung tá Thanh làm cho ông Phó thỏa mãn tự ái. Nhưng ông giả vờ khiêm nhường:

- Không đến nỗi khó lắm đâu. Tôi thư sinh còn chịu được, thì đối với anh, quen trận mạc, nhằm nhò gì. Vả lại tôi đã ở đây lâu, anh cần cái gì, khả năng tôi có thể giúp được, tôi xin sẵn sàng.

- Ngoài mấy bà mẹ chồng anh kể hồi nãy, còn ai nữa?

- Còn nhiều lắm. Nhà thờ. Nhà chùa. Đảng phái. Hội đồng tỉnh. Dân biểu… và cả dân thường ở đây nữa. Dân ở đây không hiền như vẻ bề ngoài của họ đâu. Họ dữ ngầm. Họ không kiện thì thôi, chứ kiện thì gửi đơn đi khắp, nào Tổng thống, Phó tổng thống, Thượng viện, Hạ viện, Giám sát viện, dân biểu, Hội đồng tỉnh, bản sao còn gửi đi khắp các báo lớn nhỏ trong Sài gòn. À quên, còn thêm lâu lâu có mấy nhô đặc phái viên báo Sài gòn ra làm phóng sự điều tra tại chỗ nữa. Tuần trước, tôi vừa tiễn một nhô ra Air Việt Nam thì một nhô khác vác máy ảnh tới. Tôi liền đá ban lông qua cho xừ Phó thị. Tuy vậy, đó mới là những chuyện vặt. Tôi ngờ rằng ông Tỉnh sẽ giao cho anh vụ Bình định và Phát triển Nông thôn.

- Tôi có nghe phong thanh vụ đó ở Sài gòn. Tôi chưa hiểu vì sao một kế hoạch bình định qui mô như vậy tự nhiên cứ chìm dần, chìm dần, như con voi bị sa lầy.

Ông Phó lắc đầu:

- Thú thật tôi cũng không hiểu rõ. Thay đổi là từ Trung ương, làm cho cán bộ xây dựng nông thôn các tỉnh ở cái thế kẹt – bơ vơ như là con bị đem đi bỏ chợ. Tình trạng hiện nay giữa ông Tỉnh với Tỉnh đoàn trưởng Xây dựng Nông thôn căng thẳng quá rồi, anh không gỡ được thì chắc hai bên tới cái thế sống mái với nhau. Tay đó cũng là bạn tôi. Nhưng tôi bó tay! Mong anh thành công. Tôi sẽ xếp đặt để anh gặp tay đó.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx