sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 33

Ông bà Thanh Tuyến đã đi ngủ sớm.

Từ ngày Quỳnh Như ra đi, gia đình ông bà như vừa trải qua một đám tang. Đưa con và rể lên phi trường Tân Sơn Nhất xong, trở về, cả ông lẫn bà bắt đầu ít nói hơn trước. Quỳnh Như đã đem qua xứ người một phần thân thể của ông bà, một phần linh hồn của ông bà. Những lo toan rối rắm suốt thời gian lo đám cưới và các chuẩn bị sau đó làm cho họ bận rộn, đầu óc lúc nào cũng có điều gì phải lo làm cho xong, nên không còn thì giờ biết mình. Máy bay cất cánh, ông bà vừa thở phào chấm dứt được một công việc trọng đại, thì ngay sau đó, thấm thía nhận ra cái trống rỗng mênh mông của những ngày còn lại. Sự mất mát ngày càng lớn, ngày càng đậm, đảo lộn hết nếp sinh hoạt trong gia đình.

Biết sáng hôm sau Ngữ ra Qui nhơn nhận việc, ông bà chỉ gửi lời thăm bà Văn, nhờ Ngữ mang ra biếu bà Văn một hộp trà sâm và một gói quà khác cho Nam và cháu Thúy. Phần chi tiết còn lại, ông bà để cho Quỳnh Trang nói với Ngữ.

Đèn trong phòng đã tắt. Ở phòng ngoài nơi bày hàng, Quỳnh Trang tắt cái đèn nê-ông 1m2 vì sợ ánh sáng chói làm cho thầy me không ngủ được. Chỉ có cái đèn bàn 25 watts ở chỗ quầy thu tiền.

Quỳnh Trang và Ngữ sửa soạn hành lý cho Ngữ đi sớm vào sáu giờ rưỡi sáng hôm sau. Quỳnh Trang giải thích cho Ngữ:

- Hộp trà sâm này me em gửi biếu má. Em nghe con Như nói ngoài đó trong PX Sư đoàn Mãnh hổ Đại hàn họ bán nhiều trà sâm nên giá ngoài đó rẻ lắm. Nhưng thứ này là loại khác, anh ạ. Loại nhập cảng và chế tạo ở Đài loan. Me em mua ở tiệm thuốc Bắc dưới Chợ lớn, họ bảo sâm này lâu đời tìm được trên núi cao nên bổ hơn loại sâm Đại hàn vẫn trồng hàng mẫu này mẫu nọ.

Ngữ cười, nói đùa:

- Không biết nên tin mấy anh Ba Chợ lớn, hay nên tin mấy ông Kim!

Quỳnh Trang phật lòng, cau mày. Ngữ hiểu vì sao Quỳnh Trang khó chịu, vội nói:

- Anh nói đùa thôi. Sâm thiên nhiên trồng trên núi cao phải quí hơn sâm trồng cả vườn, bón phân hóa học.

Quỳnh Trang mừng rỡ:

- Phải đấy. Sâm bị phân hóa học, bớt công hiệu đi. Còn gói này là bộ áo đầm em lựa mua cho cháu Thúy. Em chỉ phỏng chừng để mua, chắc là vừa. Vả lại, cả cái jupe và cái áo em đều mua số lớn hơn cỡ ba tuổi, trừ hao cho cháu mặc được lâu. Cái cặp da này của em gửi tặng Nam, cho Nam xách đi dạy. Em nghe Nam chịu xin đi dạy ở trường Nữ, cũng mừng. Trong cặp, em có để lá thư của me, và một ít tiền. Anh cứ vờ như không biết bên trong cặp có gì, để con Nam nó tự tìm thấy. Đàn bà với nhau, em hiểu tâm lý lắm. Nó biết anh biết, là tự ái lại nổi dậy đùng đùng, đòi gửi trả lại tiền cho me.

Ngữ hỏi:

- Chỉ có bấy nhiêu thôi à?

- Dạ, chỉ có thế. Em còn muốn mua đủ thứ, nhưng sợ anh mang xách lôi thôi.

- Còn phần của anh đâu?

Quỳnh Trang ngơ ngác hỏi:.

- Phần gì?

- Không có quà cho anh sao?

Bấy giờ Quỳnh Trang mới hiểu, đỏ mặt âu yếm nhìn Ngữ:

- Cái anh này!

Rồi đổi sang giọng buồn buồn chân thành, nàng nói:

- Có gì vui ở đây, con Như đã mang đi một nửa, bây giờ anh mang đi mất phần còn lại, chưa đủ sao!

Ngữ cảm động nắm lấy hai tay Quỳnh Trang. Để yên tay mình trong tay Ngữ, nàng hạ giọng cho cha mẹ khỏi nghe thấy:

- Me bảo em nói lại với anh, về ngoài đó anh thưa ngay với má chuyện hai đứa mình. Thưa luôn chuyện hôm trước me có nói với anh, là dù gì chăng nữa em cũng không thể rời thầy me em được. Em lấy anh, nhưng em vẫn ở đây. Em cũng thích anh đi đâu em theo đấy, nhưng, làm sao em bỏ thầy me được. Các cụ gọi là gửi rể. Anh tìm cách nói khéo, để má khỏi mất lòng.

- Em yên tâm. Không có gì mất lòng đâu!

Quỳnh Trang mỉm cười có vẻ bẽn lẽn trước khi nói:

- Anh ra ngoài đó, em yên tâm hơn…

Ngữ ngạc nhiên hỏi:

- Sao vậy?

Quỳnh Trang đắn đo một lúc, mới nói:

- Em sợ ở đây hoài, anh gặp lại con Diễm!

Ngữ cười, cố lấy giọng thật tự nhiên, quả quyết:

- Em lẩm cẩm lắm. Người ta có chồng con rồi. Với lại, em có thấy Diễm hoàn toàn khác trước không? Anh không quên được cái cảnh Diễm lấy năm mươi đồng tiền lẻ của anh.

Quỳnh Trang vui sướng trong lòng, nhưng vẫn giả vờ bênh vực Diễm:

- Mua bán thì phải thế. Chứ bộ anh muốn Diễm tặng không cuốn băng cassette cho anh hay sao. Nó mới vào nghề, mà đã sành sõi lắm. Anh nhớ không. Diễm nó bảo hai trăm rưởi là giá vốn. Cuộn băng đó ở chỗ khác chỉ một trăm rưởi mà thôi.

Quỳnh Trang cố ý hạ bớt năm mươi đồng. Thực ra giá hai trăm đồng cho một cuộn băng mới là giá sỉ nhà tổng phát hành bán cho các đại lý.

° ° °

Mọi chuẩn bị cho Ngữ ra đơn vị đã xong xuôi. Quỳnh Trang đến chỗ cánh cửa sắt, nhưng thay vì khẽ đẩy vào cho hai cánh cửa đóng lại, nàng lại đẩy ra. Cửa hé một lối hẹp đủ cho một người nghiêng vai lách ra ngoài. Nàng khẽ gọi Ngữ:

- Anh.

Ngữ hiểu, đến chỗ Quỳnh Trang đang chờ. Nàng lách ra ngoài trước, chờ Ngữ cũng ra ngoài đường rồi, khe khẽ đóng ập cửa lại. Tiếng cái khóa ngàm kêu tách một tiếng nhỏ. Quỳnh Trang giơ chìa khóa cầm trong tay phải cho Ngữ yên tâm, cười nhỏ thích thú trước vẻ lo sợ của Ngữ, rồi nói:

- Em thích được đi dạo với anh. Ở nhà nói chuyện sợ thầy me nghe thấy, mất cả tự nhiên.

Cửa trước hàng phố đã bắt đầu đóng, nhưng xe cộ vẫn còn chạy đông đúc trên đường. Nàng nắm lấy tay Ngữ, đi sát vào Ngữ và nói với vẻ mãn nguyện trên nét mặt:

- Chẳng hiểu sao, từ lâu lắm, từ hồi thầy bị thương nằm một chỗ và anh thường lui tới, em đã nghĩ anh là của em. Trước sau gì cũng là của em. Trong lúc đó chẳng bao giờ anh quan tâm tới em.

Quỳnh Trang nói đúng quá, nên Ngữ không thể tìm ra được một lời đãi bôi nào để cải chính. Ngữ chỉ biết im lặng, và thầm xin lỗi bằng cách bóp mạnh lên bàn tay Quỳnh Trang. Giọng Quỳnh Trang đang hớn hở, chợt run run tủi thân vì chính lời mình:

- Có lúc em nghĩ những người chung quanh em coi em như một kẻ không hề biết buồn, biết tủi, biết mơ ước, biết thương yêu. Em mặc áo gì, em có trang điểm không, không ai chú ý. Đến nỗi một hôm me thấy trên giường em có thỏi son, me ngạc nhiên lắm. Me hỏi có phải của con Như bỏ quên lại không!

Họ đã đến đầu đường Trần Quốc Toản. Mùi hôi của chợ cá xông lên nồng nặc. Ngữ kéo Quỳnh Trang lùi lại:

- Hai đứa mình điên rồi. Tại sao đi về hướng này.

Quỳnh Trang mỉm cười, trỏ ra phía trước:

- Mình rẽ qua đường Nguyễn Tri Phương cho dài đường một chút. Em đi với anh cả đêm nay cũng được.

Ngữ đã tìm được một câu nói nịnh:

- Hãy đi với anh cả đời, không phải chỉ một đêm nay.

Quỳnh Trang sung sướng, nép người sát vào Ngữ, đáp nhỏ:

- Dạ, cả đời. Em tin như vậy. Em thấy anh đã qua được hồi khó khăn, rủi ro. Từ đây, anh gặp nhiều may mắn. Anh ra ngoài đó làm việc tại Tiểu khu, ở nhà với má và các em, chẳng khác nào đi làm công chức thời bình. Đám cưới xong, hàng tháng hoặc anh vào, hoặc em ra đó thăm anh. Còn mấy tháng nữa anh hết tang ba.

- Ba tháng nữa.

- Chóng quá, mới đó đã gần ba năm.

- Phải. Chóng thật! Anh ba mươi tuổi đầu, nửa đời người mà chưa làm được gì nên thân cả. “‘Thành tích” vẻ vang duy nhất là được em.

Quỳnh Trang xúc động mạnh, dừng lại bấu lấy vai Ngữ, ngước mắt nhìn đăm đăm vào khuôn mặt chàng. Ánh đèn đường ở quãng phố toàn nhà sang trọng kín cổng chiếu trọn lên khuôn mặt Quỳnh Trang. Đôi mắt cô gái rực sáng, đôi môi mấp máy.

Ngữ định cúi xuống hôn lên môi Quỳnh Trang, nhưng một chiếc xe từ đằng sau chạy chậm chạp rồi bóp còi báo hiệu sắp quẹo vào cái cổng biệt thự trước mặt. Quỳnh Trang hơi thất vọng, kéo tay Ngữ nói nhỏ:

- Thôi, mình quay trở lại. Em biết đằng kia có đường hẻm đi tắt về cạnh nhà mình.

° ° °

Ngữ nằm trằn trọc, thao thức hy vọng một lúc nào đó, có tiếng chân trần rón rén đi về phía giường mình, mặt giường nệm khẽ chao nghiêng sang một bên, rồi một tấm thân ấm áp run rẩy nằm xuống sát bên mình. Ngữ sẽ nhẹ nhàng nghiêng người lại, ôm chầm lấy tấm thân đã cởi sẵn quần áo, sau đó quay cuồng điên đảo giữa khoái cảm nhục dục không còn biết gì nữa. Ngữ chờ, chờ hoài, cho đến mệt mỏi thất vọng, và ngủ lúc nào không hay. Quỳnh Trang đánh thức Ngữ dậy lúc năm giờ. Nàng không khỏa thân mà quần áo chính tề, bên ngoài chiếc sơ mi màu tím than có khoác thêm cái áo len màu đen. Quỳnh Trang trách nhỏ:

- Anh ngủ gì mà mê man vậy! Đồng hồ reo bên tai vẫn ngáy đều. Em ra ngoài chờ, anh rửa mặt nhanh, thay quần áo cho em chở lên phi trường.

Ngữ đỏ mặt vì ước mơ thầm kín đêm qua, liếc nhìn Quỳnh Trang lần nữa. Trông Quỳnh Trang không khác gì một người chị hiền, Ngữ vội nói:

- Em chờ anh mười phút thôi. Có nên đánh thức thầy me dậy để chào từ biệt không?

- Thôi khỏi. Thầy me dặn khỏi cần.

Ngữ giành lái Honda chở Quỳnh Trang ra phi trường. Thì giờ gấp gáp, sợ trễ chuyến máy bay quân sự, họ không có dịp nói chuyện với nhau nhiều. Ngữ chỉ hôn vội lên má Quỳnh Trang lúc trao tay lái chiếc Honda cho người yêu, còn Quỳnh Trang chỉ kịp nói: “Thôi anh đi, nhớ viết thư cho em ngay”, trước khi Ngữ xách cái túi vải chạy vào phi cảng.

Chiếc C 130 chở những thùng gỗ đựng quân cụ choán hết bề ngang thân phi cơ, hai hàng ghế gắn bên hông phải xếp sát vào lườn cho đủ chỗ nên những người lính quá giang phải ngồi bệt xuống sàn, ở phần đuôi. Tấm cửa lớn ở bụng máy bay từ từ khép lại. Chiếc máy bay quân sự bò ra khỏi chỗ đậu, lên phi đạo, rồi rồ máy cất cánh.

Ngữ có cảm tưởng mình bước vào một thế giới khác hẳn. Từ hơn hai năm nay, chàng được sống trong một thế giới đầy nữ tính. Những người đàn bà vây quanh đời chàng, họ đến rồi đi, họ là những người mẹ hiền hay những người bạn gái, họ là những người yêu ra khỏi tầm tay chàng hay những người yêu từ xa cách trở nên gần gũi, họ là cô gái điếm hay là gái nhà lành, tất cả đều góp tay giúp chàng sống được một đoạn đời êm đềm đượm mùi phấn son. Ngữ cũng lấy làm lạ là những bạn trai chàng quen biết vào giai đoạn này không hề để lại những ấn tượng đậm đà. Họ đến rồi đi như những cái bóng. Nhiều lúc chàng sống chung nhà với họ, đi nhậu với họ, tranh cãi đủ thứ chuyện đầu cua tai nheo với họ, chà láng, tập trận giả với họ, nhưng họ chỉ hiện diện lúc đó. Họ như những trạm xe buýt trên hành trình hai năm của đời Ngữ. Mùi phấn son ấy, về sau Ngữ tìm thấy bàng bạc trong các truyện ngắn chàng viết vào thời kỳ này, khác hẳn không khí những truyện chàng viết trước đó, và không khí những truyện chàng viết sau đó, như một đóa hoa dại ngẫu nhiên nở giữa một vùng cỏ áy, tự thấy thẹn thùng và lạc loài.

Chiếc C-130 hạ cánh xuống phi trường Thành sơn ở Phan rang, bỏ những thùng quân cụ xuống, rồi lại bốc những thùng khác lên, cất cánh. Số quân cụ lần này ít hơn, nên mười lăm người lính quá giang từ Sài gòn, cộng thêm ba người khác từ Phan rang lên, đã có thể kéo những chiếc ghế ở hai bên hông phi cơ ra để ngồi thoải mái hơn.

Ngữ ngồi cạnh một hạ sĩ ra đơn vị đóng ở Bồng sơn, và một thượng sĩ về phép thăm gia đình ở Phù mỹ. Anh hạ sĩ lần đầu ra nhiệm sở là một địa danh xa lạ ở miền Trung, nên cứ chồm qua người Ngữ hỏi ông thượng sĩ người Bình định về nhiệm sở mới. Được trớn, ông thượng sĩ già tô điểm cho quê hương của mình:

- Từ chỗ tôi ra Bồng sơn không xa. Hai mà coi như một. Xứ tôi giàu lắm, rừng dừa bát ngát, đi một ngày ròng không thấy mặt trời.

Anh hạ sĩ trố mắt thán phục:

- Dữ ác hôn! Cả ngày không thấy mặt trời!

- Chớ sao! Con gái ở trong mát, tắm bằng nước dừa, da dẻ trắng như trứng gà bóc.

- Đã quá héng. Da trắng như trứng gà bóc.

- Ừ! Hồi xưa vua ngoài Huế muốn chọn thêm cung tần mỹ nữ là phải sai quan thái giám vô Bồng sơn lựa.

- Mặc sức lựa! Điệu này tôi ra đó chắc lập nghiệp luôn khỏi về quê quá!

- Chớ còn gì nữa! Mà tao dặn chú mày, đi tán gái nhớ đội mũ sắt.

- Sao kỳ vậy?

- Lớ xớ dừa khô nó rụng xuống bể đầu. Tháng nào cũng có người chết vì rủi ro điệu đó.

- Dễ sợ! Mà mình có mũ sắt, còn họ thì sao?

- Họ nào?

- Mấy cô da trắng đó!

- Lạ lắm, ít khi dừa rụng trên đầu mấy ả. Như là dừa có mắt, cứ nhằm đầu mấy thằng con trai mà rụng.

Ngữ thấy ông thượng sĩ ba hoa quá đà, chen vào nói:

- Thôi ông ơi! Dừa rụng đâu không thấy, chỉ thấy mấy ổng cho mỹ nhân ra dụ mấy ông lính Cộng hòa hảo ngọt cho vào bẫy phục kích. Vùng Hoài nhơn nghe nói Việt cộng như rươi!

Ông thượng sĩ hỏi:

- Như rươi là như cái giống gì?

- Là đông như kiến. Phải không?

Ông thượng sĩ đáp nghiêm chỉnh:

- Tại sư đoàn sao vàng cứ lẩn quẩn hoạt động ở đó. Núi cả dãy, xuống sâu một chút có rừng dừa che chở, tụi nó cứ xuống hoài, Mỹ tới khai quang mới đỡ bớt.

Anh hạ sĩ hỏi:

- Thuốc khai quang làm chết được dừa à?

- Sao không! Không chết liền. Tự nhiên dừa héo đọt, rồi lá rụng dần, cuối cùng chỉ còn những hàng trụ như dãy cột nhà cháy. Trên máy bay nhìn xuống rõ ràng ràng hết mọi sự trên mặt đất.

Anh hạ sĩ biết nãy giờ mình bị lừa, la lớn:

- Ông xạo hoài! Vậy mà hồi nãy bảo dừa cả rừng.

- Tao nói hồi trước kìa. Bây giờ chiến tranh nói làm chi. Nhưng con gái Bồng sơn bây giờ vẫn đẹp, da có nắng ửng như trái hồng quân. Mày không tin ra đó thì biết!

Anh hạ sĩ không tin, nhưng vẫn cười mơ màng!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx