sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 1 - Chương 14 phần 3

MỘT CHÁNH ÁN – MỘT TỔNG THỐNG

Chọn đúng người vào các vị trí then chốt trong hội đồng hiến pháp như chánh án và tổng thống của một nước cộng hòa, là rất quan trọng. Sự lựa chọn sai lầm cũng có nghĩa là bắt đầu thời kỳ phát sinh bất tận những vấn đề và xáo động lòng dân. Quyết định ai là người có năng lực nhất dễ dàng hơn tiên đoán ai là người đạt tiêu chuẩn công việc. Tôi đã quen biết thân thiết với ngài chánh án và ngài tổng thống nhiều năm trước khi họ được bổ nhiệm. Một người thành công hoàn toàn; còn người kia thì gặp rủi ro đáng tiếc, lẽ ra có thể tránh được.

CHÁNH ÁN

Chánh án là người tạo nên uy lực của bộ máy tư pháp. Khi chúng tôi sắp sửa gia nhập Liên bang Malaysia vào tháng 8/1963, viên chánh án cuối cùng người Anh, Alan Rose, được rút về và cho phép tôi chọn ra một chánh án người Singapore đầu tiên. Để bổ nhiệm vào chức vụ này, tôi tìm người có tư tưởng triết học xã hội không đối kháng với tôi. Những tiền đề quan trọng không diễn đạt bằng lời của người chánh án và những hiểu biết của ông về mục tiêu của một chính phủ tốt đẹp có tầm quan trọng quyết định.

Tôi có một cuộc trao đổi đáng nhớ với ông Alan. Khi nhóm người cộng sản nổi loạn bị đưa ra tòa xét xử vào đầu những năm 1960, tôi sợ rằng trường hợp của họ sẽ được xét xử bởi một quan tòa người Anh xa xứ, có thể không nhạy bén với những tình cảm chính trị vào thời điểm đó. Tôi yêu cầu gặp viên chánh án và giải thích với ông rằng nếu điều đó xảy ra, chính phủ sẽ bị tổn thương với những lời buộc tội cho rằng chúng tôi là bù nhìn của chính phủ Anh. Ông ta nhìn tôi với vẻ giễu cợt và nói ”Thưa Thủ tướng, khi tôi còn là chánh án ở Ceylon, tôi đã hành động như một viên chức quản lý chính quyền ở vị trí của ngài toàn quyền. Ông ta vắng mặt trong suốt thời gian xảy ra sự hỗn loạn. Ông không cần phải sợ ông sẽ cảm thấy khó xử”. Ông ta hiểu được sự cần thiết của yếu tố nhạy bén chính trị.

Với sự thận trọng, tôi chọn Wee Chong Jin làm Chánh án mới. Khi đó, ông ta đang làm thẩm phán của tòa dân sự tối cao do một Thống đốc người Anh bổ nhiệm. Ông ta xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản, được đào tạo ở trường Cambridge như tôi, là một tín đồ Thiên chúa giáo và chống cộng. Ông ta am hiểu sâu sắc về luật pháp. Ngài Alan giới thiệu ông ta là người có sự kiên quyết trong việc giữ gìn kỷ luật ở các phiên tòa và xử lý theo những quy tắc mà ông ta đã lập ra.

Ông ta đảm nhiệm chức vụ chánh án đến năm 1990, lúc đó ông ta bảy mươi hai tuổi. Tôi đã kéo dài nhiệm kỳ của ông ta vượt qua tuổi về hưu sáu mươi lăm vì tôi không thể tìm được người kế vị thích hợp. Wee biết luật và làm chủ tọa trong các phiên tòa của ông, cả sơ thẩm và phúc thẩm. Được đào tạo theo khuôn mẫu các chánh án trong thời đại của Anh, Wee tập trung chủ yếu vào những vụ xét xử và hoạt động của tòa án tối cao mà không quan tâm nhiều đến những phiên tòa thấp hơn hay hoạt động của hệ thống tòa án nói chung. Vì các vụ tranh chấp gia tăng, hệ thống luật quá cũ kỹ, cả những phiên tòa cao cấp và phiên tòa cấp thấp hơn, trở nên quá tải. Bánh xe công lý trở nên chậm chạp, công việc chồng chất và những vụ thưa kiện mất từ 4 đến 6 năm mới đưa ra xét xử. Tình trạng tương tự xảy ra ở các tòa án bậc thấp vì họ chịu trách nhiệm xử lý đa số các vụ án.

Năm 1988, tôi quyết định sẽ rút lui khỏi chức Thủ tướng vào năm 1990. Biết rằng người kế vị tôi, Goh Chok Tong, không có mối liên hệ nào với những người trong ngành luật và sẽ gặp khó khăn khi quyết định chọn một chánh án thích hợp, tôi phải tìm một người thích hợp để bổ nhiệm trước khi tôi từ nhiệm. Tôi gặp riêng tất cả các thẩm phán, bảo từng người lập cho tôi một danh sách, theo thứ tự công lao, của ba người mà họ thấy thích hợp cho chức vụ này ngoại trừ bản thân. Sau đó, với mỗi thẩm phán, tôi thảo luận chi tiết danh sách các thành viên trong đoàn luật sư; tôi còn chú ý đến những luật sư xuất sắc trong đoàn luật sư người Malaysia. Bốn thẩm phán, A. P. Rajah, P. Coomaraswamy, L. P. Thean và S. K. Chan đã đặt Yong Pung How vào vị trí đầu tiên trong danh sách của họ và đánh giá ông ta là người tốt nhất.

Pung How lúc đó là chủ tịch của Tập đoàn Ngân hàng Hoa Kiều (OCBC), ngân hàng lớn nhất tại Singapore. Sau những cuộc xung đột sắc tộc ở Kuala Lumpur năm 1969, ông ta đã rời bỏ công ty luật phồn thịnh mà ông ta là một thành viên cao cấp và cùng với gia đình di chuyển sang Singapore rồi trở thành chủ tịch của một ngân hàng thương mại mới.

Chúng tôi từng là sinh viên cùng học trường luật của đại học Cambridge trong ba năm và tôi biết rõ năng lực của ông ta trong công việc. Tôi mượn những bài ghi của ông ta trong khóa học tháng 9/1946 mà tôi đã bỏ lỡ. Đây là những bài ghi đầy đủ và có hệ thống, giúp tôi có được sự tóm tắt những vấn đề quan trọng của bài giảng. Sáu tháng sau, tháng 6/1947, tôi đỗ loại ưu trong kỳ thi luật năm thứ nhất; Pung How cũng thế. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau sau khi trở về nước. Cuối thập niên 60, ông ta được hai chính phủ đồng sở hữu hãng hàng không Malaysia – Singapore bổ nhiệm làm chủ tịch hãng. Tôi nối lại mối thâm giao ngày trước vào năm 1981 khi ông ta được OCBC ủng hộ trở thành giám đốc điều hành của Công ty Đầu tư của Chính phủ (Government Investment Corporation) mà chúng tôi đã thành lập để quản lý và đầu tư nguồn dự trữ của Singapore. Ông ta chu đáo, thận trọng và tuyệt đối thẳng thắn khi trình bày sự chọn lựa của mình đối với một dự án đầu tư, mặc dù có bày tỏ trong đó thiện ý của mình. Đây là phẩm chất quan trọng của một quan tòa.

Tôi đề nghị ông ta làm thẩm phán của tòa án tối cao vào năm 1976, khi đó ông ta đang là phó chủ tịch của OCBC nhưng ông ta đã từ chối. Đầu năm 1989, trong bữa ăn trưa, tôi yêu cầu ông ta cân nhắc việc trở thành chánh án. Tôi nói ông ta đã đạt đến vị trí hàng đầu trong ngân hàng lớn nhất của chúng tôi và những nỗ lực của ông ta ở đó chỉ có thể đem lại lợi ích cho vài nghìn người lao động và các cổ đông. Là một chánh án, ông ta sẽ có thể đổi mới việc thực thi công lý và mang lại vô vàn lợi ích cho toàn xã hội và cho nền kinh tế của đất nước. Nếu ông ta đồng ý, trước tiên ông ta phải làm thẩm phán tòa án tối cao trong một năm để hòa mình trở lại hệ thống pháp luật trước khi nhận bổ nhiệm làm chánh án. Ông ta yêu cầu cho ông ta một thời gian để suy nghĩ. Bởi vì điều đó có nghĩa là bắt đầu sự thay đổi lối sống. Và ông ta sẽ còn thua thiệt về phương diện tài chính. Ở ngân hàng, ông được trả 2 triệu đôla Singapore một năm; còn làm thẩm phán, ông chỉ kiếm được gần 300.000 đôla Singapore, bằng 1/7 tiền lương của một giám đốc ngân hàng. Sau một tháng, ông ta chấp nhận đề nghị của tôi vì ý thức trách nhiệm; Singapore đã cho ông một quê hương thứ hai.

Ông ta nhận chức vụ thẩm phán tòa án tối cao vào ngày 1/7/1989, và vào tháng 9/1990, khi chánh án Wee về hưu, tôi bổ nhiệm Yong Pung How làm chánh án. Ông ta đã từng chịu đựng qua những năm tháng Nhật chiếm đóng và kinh nghiệm qua những cuộc xung đột sắc tộc ở Malaysia. Ông ta có những quyết định mạnh mẽ trong việc thi hành pháp luật để bảo đảm trật tự xã hội. Quan điểm của ông ta về một xã hội đa chủng tộc và làm thế nào để giáo dục, cai trị một xã hội như thế, phương cách áp dụng luật pháp và kỷ cương trong xã hội đó, tất cả đều không khác so với quan điểm của tôi.

Ông ta hiểu rằng để đương đầu với khối lượng công việc mới, phải bãi bỏ những thủ tục lỗi thời và chấp nhận những thủ tục mới để giải quyết tất cả các vụ tố tụng khẩn cấp, từ tòa án cấp thấp nhất cho đến tòa án tối cao. Tôi đề nghị ông ta đích thân tham dự những phiên tòa cấp thấp hơn, thậm chí ngồi cùng với quan tòa và thẩm phán khu vực để mắt thấy tai nghe cách làm việc của họ, đánh giá năng lực, làm cho hệ thống trở nên nghiêm ngặt và bổ sung những tài năng mới. Kỷ luật làm việc cần phải được lặp lại. Các luật sư từng phàn nàn với tôi rằng một vài quan tòa và thẩm phán khu vực để xe của họ bên ngoài ranh giới thành phố để tránh phải trả khoản phí nhỏ trong giờ cao điểm. Sau khi hết thời gian hạn định, họ sẽ ngừng ngang phiên tòa và lái xe vào trung tâm thành phố. Thật là một hệ thống chểnh mảng.

Yong Pung How tỏ ra là một chánh án xuất sắc. Ông ta giao quyền lãnh đạo cho các thẩm phán và tạo một phong thái mới cho các luật sư. Trong vòng vài năm, ông ta cải cách và hiện đại hóa hệ thống tòa án cùng với những thủ tục của nó, giảm đi sự ùn đống và sự trì hoãn các vụ kiện tụng đang chờ được xét xử. Ông ta sửa đổi các điều luật mà những luật sư có thể lợi dụng chúng để trì hoãn vụ tố tụng của họ. Để đương đầu với các vụ tranh chấp gia tăng, ông đề nghị bổ nhiệm thêm các thẩm phán vào tòa án tối cao và nhiều ủy viên hội đồng thẩm phán (luật sư cấp cao thực hiện nhiệm vụ như một thẩm phán) khi công việc yêu cầu. Những phương pháp chọn lọc của ông có hệ thống và hiệu quả. Sau cuộc hội nghị các luật sư nhiều khu vực, những người được xem là thành viên dẫn đầu của đoàn luật sư, ông ta chọn lọc một danh sách 20 người, tìm hiểu từng người qua sự đánh giá của các thẩm phán và các ủy viên hội đồng thẩm phán đương nhiệm về tính liêm khiết, năng lực pháp luật và “khí chất quan tòa” của họ. Sau đó ông ta trình việc đề cử lên thủ tướng.

Đối với việc bổ nhiệm vào tòa phúc thẩm, ông ta yêu cầu từng thẩm phán và các ủy viên hội đồng thẩm phán nêu tên hai trong số những người mà họ nghĩ là thích hợp nhất ngoại trừ bản thân. Cuối cùng ông ta đề cử hai người đã được các đồng nghiệp của họ nhất trí chọn. Cách thức của ông ta đã nâng cao vị trí và uy tín của tất cả các thẩm phán cũng như các ủy viên hội đồng thẩm phán.

Ông ta đưa công nghệ thông tin vào hệ thống tòa án để tăng tốc độ công việc; hiện tại các luật sư có thể lưu hồ sơ các tài liệu và tìm kiếm chúng qua máy vi tính. Năm 1999, danh tiếng về hệ thống tòa án của chúng tôi đã dẫn đến những cuộc viếng thăm của các thẩm phán và các chánh án từ những quốc gia phát triển và đang phát triển để học tập cách cải tổ của ông ta. Ngân hàng Thế giới đã tiến cử hệ thống tòa án Singapore, cả cấp cao và cấp thấp, cho các nước khác học tập.

Thế giới, khi đánh giá các cơ quan chức năng, đã cho hệ thống tòa Singapore điểm rất cao. Trong thập niên 90, Niên giám cạnh tranh thế giới, được xuất bản bởi Viện đào tạo quản lý viên của Thụy Sĩ, xếp Singapore đứng đầu châu Á cho “niềm tin vào quản trị công lý trong xã hội”. Trong giai đoạn 1997 – 1998, tổ chức này xếp Singapore trong mười nước đứng đầu thế giới, trước Mỹ, Vương quốc Anh, Nhật và hầu hết các nước trong khối OECD. Từ năm 1995, khi bắt đầu thực việc đánh giá hệ thống pháp luật ở châu Á, Cơ quan tư vấn rủi ro kinh tế – chính trị của Hong Kong đánh giá hệ thống tòa án Singapore là hệ thống tốt nhất châu Á.

TỔNG THỐNG

Tôi đã kém may mắn trong sự lựa chọn tổng thống của mình. Tôi từng làm việc với Devan Nair từ năm 1954, khi đó tại nghị viện năm 1981, tôi đề cử ông ta làm tổng thống. Chiều ngày 15/3/1985, tôi lấy làm buồn lòng khi được báo rằng Devan đã hành động với những cử chỉ kỳ quặc trong chuyến thăm Kuching ở Sarawark, một bang thuộc Đông Malaysia. Một bác sĩ ở bang Sarawak đã gọi điện cho bác sĩ riêng của Nair, ông J. A. Tambyah, vào ngày 14/3 để yêu cầu ông ta đưa tổng thống trở về vì đã có những hành vi không hay. Nair đã sàm sỡ với những nữ phục vụ các bữa ăn tối, các y tá chăm sóc cho ông ta, và cả vợ của một bộ trưởng phụ tá, người tháp tùng ông ta trong một chiếc xe. Ông ta xúc phạm phẩm hạnh của họ, gạ gẫm ăn nằm với họ, có những cử chỉ vuốt ve, quấy rối họ. Sau khi thông báo cho giám đốc dịch vụ y tế của chúng tôi, bác sĩ Tambyah bay đến Kuching ngay lập tức, ở đó ông ta thấy Nair suy sụp, không còn kiềm chế được bản thân, và tháp tùng ông ta trở về Singapore vào ngày 15/3.

Tối hôm đó, khoảng 9 giờ, tôi gặp bà Nair ở Istana Lodge. Để giúp tôi thông báo những tin tức không vui này, tôi đã đưa Choo đến. Cô ấy biết bà Nair rất rõ. Bức thư ngắn của tôi chuyển đến nội các vào ngày hôm sau có đoạn:

Bà Nair đã bình tĩnh trở lại và có thể kìm nén cảm xúc phẫn nộ, tức giận đối với những tin tức rằng Devan đã cư xử không đứng đắn ờ Kuching. Bà ta nói với vợ tôi và tôi rằng Devan đã thay đổi, thỉnh thoảng ông ta uống rất nhiều rượu, và một vài tháng gần đây, mỗi tối ông ta đều uống hết một chai whisky. Bà ta cho những người giúp việc ra về sớm để họ không biết rằng ông ta đã quá say không nhận thức được gì nữa, khi đó ông ta thường hay đánh đập bà. Bà ta biết điều này sẽ xảy ra ở Sarawak và đã từ chối đi cùng.

Những tuần trước cuộc viếng thăm Sarawak của ông ta, Devan Nair đã lái xe một mình rời khỏi Istana. Ông ta hóa trang bằng một bộ tóc giả và ra ngoài mà không mang theo nhân viên bảo vệ hay tài xế để gặp một phụ nữ người Đức. Một buổi sáng, sau khi Nair đã đi suốt buổi tối, bà Nair đến Changi Cottage để kiểm tra. Bà ta tìm thấy những chai rượu, những cái ly dính dấu son môi, và những mẩu thuốc lá. Devan Nair còn đưa người phụ nữ Đức này đến Istana Lodge dùng bữa tối. Khi bà Nair khuyên can, ông ta đã đánh bà. Ông không kiềm chế nổi bản thân và không giữ được bình tĩnh khi uống rượu.

Bảy chuyên gia giỏi nhất của chúng tôi khám và điều trị cho Nair. Người lớn tuổi nhất trong số họ, một chuyên gia về tâm thần học bác sĩ Nagulendran, trong một bản báo cáo vào ngày 23/3 viết: “Ông ta (Nair) đã mắc bệnh nghiện rượu, được thể hiện qua những đặc điểm như sau: uống thường kỳ lượng rượu lớn, liên tục; có tâm lý phụ thuộc vào rượu; giảm trí nhớ; thỉnh thoảng có ảo giác; bị bất lực; thay đổi tâm tính; phá vỡ sự hòa thuận trong hôn nhân”.

Theo hiến pháp, tổng thống không thể phạm vào bất kỳ tội trạng nào. Nếu tổng thống gây chết người trong khi đang lái xe có tác động của rượu thì điều đó sẽ gây phẫn nộ trong công chúng. Nội các đã thảo luận vấn đề này trong nhiều cuộc họp và quyết định rằng Nair phải từ chức trước khi xuất viện, hoặc nghị viện sẽ phải cách chức ông ta. Các bộ trưởng thâm niên, đặc biệt là Raja, Eddie Barker và tôi rất đau lòng khi phải sa thải một đồng sự lâu năm như vậy. Chúng tôi cảm thông với gia đình ông ta nhưng chúng tôi không có sự chọn lựa nào khác; giữ ông ta lại trong chức vụ sẽ gây nhiều tai họa hơn.

Ngày 27/3, khi Nair đã thực sự hồi phục để hiểu được hậu quả của những gì mà ông ta đã làm, Raja và tôi gặp ông ta tại Bệnh viện đa khoa Singapore. Sau một lúc do dự, ông ta đồng ý từ chức.

Ngày hôm sau, 28/3, Nair viết cho tôi: ”Cách đây gần một năm, tôi biết mình mắc bệnh nghiện rượu nặng. Chỉ khi đó sự dối trá mới bắt đầu. Đôi khi tôi có nghĩ đến việc thú nhận với ông, nhưng rồi tôi đã trì hoãn bởi sự yếu đuối của mình. Lần cuối cùng tôi sắp sửa thú nhận với ông khi chúng ta gặp nhau ở văn phòng của tôi cách hai tuần trước khi tôi đến Kuching. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để trở nên trong sạch. Điều này cho thấy tôi đã sụp đổ hoàn toàn”.

Hai tuần sau, trong một lá thư khác đề ngày 11/4, Nair viết:

“Tôi vẫn còn nhớ một vài điều, những hành vi không hay của tôi ở Singapore trong suốt hai tuần trước khi tôi đến Kuching. Tuy nhiên, điều làm tôi sợ chính là tôi không thể nhớ lại tôi đã cư xử như thế nào ở Kuching như các bản báo cáo đã viết. Đương nhiên những báo cáo đó hẳn là sự thật, vì các nhân chứng đã chứng thực những hành vi của tôi và những điều tai tiếng mà tôi đã làm. Điều làm tôi rối trí hơn, ít nhất là ở hai trường hợp mà tôi còn có những ký ức rất rõ ràng, nhưng các bản báo cáo đã mâu thuẫn với sự thật và sau đó còn có người làm chứng. Tôi không nói dối. Một số người trong bọn họ có thể là những kẻ nói dối, tôi tin điều đó, dĩ nhiên không phải tất cả bọn họ đều là những kẻ nói dối. Ngày trước, người ta nói về người bị ma ám. Tôi đã bị ma ám chăng? Hay chính là bác sĩ Jekyll và ngài Hyde?

Có lẽ có một vài sự thương tổn trong não. Một số chức năng não của tôi hẳn đã bị suy yếu; song phải xem xét nó ở mức độ nào. Và những thương tổn kia đã được khôi phục lại ở mức độ nào? Đó là điều phải cân nhắc”.

Tôi có hai vai trò: vai trò đầu tiên là một thủ tướng, phải bảo vệ danh dự cho một tổng thống và danh dự cho Singapore; vai trò thứ hai là cá nhân người bạn, buộc tôi phải cứu vớt ông ta. Sau vài ngày ở bệnh viện, chúng tôi đưa ông ta đến Changi Cottage điều trị chứng nghiện rượu. Ông khăng khăng đòi tìm một ashram (nơi ẩn dật) ở Ấn Độ để thiền định và điều trị cho bản thân theo cách của người Hindu. Tôi cho rằng cách đó không thể chữa cho ông ta tốt hơn nên đã giục ông đi điều trị. Sau những lời thuyết phục chân tình của Raja, Eddie, S.R. Nathan và một người bạn thân từ thời NTUC (ông này về sau trở thành tổng thống của chúng tôi), ông ta đồng ý đến Caron Foundation ở Mỹ. Một tháng sau, việc chữa trị đã thành công.

Nair nhất định đòi chúng tôi trả lương hưu cho ông. Không có điều khoản nào trong hiến pháp quy định tiền lương hưu cho tổng thống. Nội các quyết định cấp cho Devan một khoản lương hưu vì cảm thông nhưng với điều kiện là ông ta phải cho các bác sĩ của chính phủ thỉnh thoảng theo dõi bệnh trạng của ông ta. Eddie Baker dàn xếp việc này với Nair và đệ trình giải pháp lên nghị viện. Sau đó Nair đã bác bỏ nó, phủ nhận việc ông ta chấp nhận điều kiện đó. Song chính phủ đã không chấp nhận gạt bỏ điều kiện và Nair lấy đó làm bực dọc.

Một năm rưỡi sau, trong một bức thư công bố trên Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER) ngày 29/1/1987, Nair phủ nhận ông từng mắc bệnh nghiện rượu. Thứ trưởng Bộ Y tế gởi cho Nair và FEER một lá thư đề ngày 14/2/1987, có chữ ký của bảy bác sĩ từng trị bệnh cho Nair vào tháng 3 và tháng 4/1985, khẳng định sự chẩn đoán của họ đối với chứng nghiện rượu của Nair. Không có bác sĩ nào phủ nhận chứng cứ này.

Tháng 5 năm 1988, Nair xen vào trường hợp của Francis Seow, nguyên cố vấn pháp luật của chính phủ. Người này thú nhận rằng ông ta đã nhận được một sự bảo đảm tị nạn từ một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Nair công kích tôi, nói rằng tôi cũng đã từng làm như thế khi tôi vận động sự ủng hộ của quốc tế trong cuộc chiến chống phần tử quá khích người Malay ở Malaysia, có nghĩa là tôi sẽ bỏ chạy khỏi Malaysia nếu xảy ra rắc rối. Khi Nair từ chối rút lại những luận điệu sai sự thật của ông ta, tôi đã kiện ông ta và đưa ra hồ sơ có sẵn trong nghị viện gồm những tư liệu có liên quan đến chứng bệnh nghiện rượu của ông ta.

Sau khi các tư liệu này được công bố, Nair rời khỏi Singapore và không trở lại. Mười một năm sau (1999), tại Canada, trong một cuộc phỏng vấn, Nair nói người ta đã chẩn đoán sai bệnh trạng của ông, rằng tôi đã lệnh cho các bác sĩ cho ông ta uống những loại thuốc gây ảo giác và dựng chuyện ông nghiện rượu. Đúng như bác sĩ Nagulendran đã từng cảnh báo chúng tôi, có sự “thay đổi nhân cách”.

Sai lầm của tôi trong việc đề cử Nair là không kiểm tra trước khi quyết định, vì đinh ninh rằng mọi việc với ông ta đều tốt. Sau vụ bê bối của ông ta, tôi có trao đổi với Ho See Beng, một trong những người bạn hoạt động công đoàn thân nhất của Nair. See Bang, một nghị sĩ, khẳng định rằng Nair từng nghiện rượu nặng trước khi ông ta được nghị viện bầu làm tổng thống. Tôi đã hỏi Beng tại sao không cảnh báo cho tôi biết nguy cơ này thì ông ta đáp rằng chưa bao giờ Nair biểu hiện triệu chứng của sự sụp đổ. Nếu như lòng trung thành của See Beng không đặt sai chỗ thì hẳn See Beng đã báo cho tôi biết nguy cơ này. Và chúng tôi hẳn đã không phải chịu nhiều đau khổ và lâm vào tình thế khó xử.

Cho dù Nair đã nói và làm những gì, ông ta cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng một đất nước Singapore hiện đại. Ông đã từng đứng lên chống lại khi cộng sản tấn công đảng PAP vào những năm 1960, và ông ta đã khởi đầu hiện đại hóa phong trào công nhân để hình thành công đoàn NTUC, một tổ chức góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Singapore.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx