sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 15 phần 1

PHẦN II:

CÁC QUAN HỆ KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ

15

THĂNG TRẦM VỚI MALAYSIA

Vào ngày 20/3/1966, tám tháng sau khi chia tách, Tunku Abdul Rahman, Thủ tướng chính phủ Malaysia thăm Singapore. Tôi đến thăm ông ta tại Tòa nhà Liên bang gần Vườn bách thảo. Suốt 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi chuyện trò, dùng bữa cơm tối Trung Hoa, xem ti vi và tiếp tục trò chuyện. Hai người duy nhất cùng có mặt vào đêm đó là vợ ông ta và cao ủy Malaysia, Jamal Abdul Latiff. Đây là cách mà Tunku thường điều hành công việc. Ông ta nói về nhiều vấn đề bên cạnh những vấn đề mà ông ta bận tâm nhất.

Tunku đề nghị các bộ trưởng Singapore hãy cùng các bộ trưởng của ông ta tham gia chơi gôn ở Cao nguyên Cameron vào tháng 4, đó là thời điểm ông ta nghỉ phép sau lễ đăng quang của vua (Agong). Qua đó chúng tôi sẽ hiểu nhau rõ hơn và mọi khó khăn có thể được giải quyết. Ông ta muốn trở về mối quan hệ dễ chịu, thoải mái xưa kia nhằm giảm bớt tình trạng căng thẳng giữa những người không phải là người Malay và người Malay. Tôi nói với ông ta rằng vào tháng 4 thì không tiện, vì tôi phải đi London và Stockholm, nếu vào tháng 6 thì có lẽ được. Qua bữa ăn tối, ông ta ngầm đe dọa bằng cách tình cờ nhắc nhở tôi rằng vấn đề sống còn của Singapore phụ thuộc vào Malaysia, rằng Singapore phải hợp tác chặt chẽ với Malaysia. Ông ta hỏi lý do tại sao chúng tôi ngăn cản những người Malaysia thất nghiệp tìm kiếm việc làm ở Singapore. Tôi giải thích rằng chúng tôi không thể cho tự do di trú sang Singapore để kiếm việc làm. Ông ta không thể hiểu việc này làm hạn chế sự phát triển kinh tế của chúng tôi như thế nào; chính điều đó đang xảy ra ở Kuala Lumpur. Ông ta đã yêu cầu Cục Phát triển Công nghiệp Liên bang thiết lập các ngành công nghiệp tiên phong ở Kuala Lumpur, Ipoh, Penang và Johor Bahru. Những điều này nhất định sẽ diễn ra ở Singapore, bởi vì Singapore là một thành phố lớn. Tôi kiên nhẫn giải thích rằng những người Malaysia thất nghiệp không phải là trách nhiệm của Singapore, rằng chúng tôi có những người thất nghiệp của chính mình, và chúng tôi phải tìm việc làm cho họ.

Ông ta phàn nàn việc Chin Chye và Raja đọc diễn văn chỉ trích Malaysia. Tôi giải thích rằng đây là hai trong số các bộ trưởng của tôi xuất thân từ Malaya nên vẫn phản ứng như những người Malaya, vì về mặt tình cảm họ chưa thể tách mình rời khỏi vùng đất nơi họ sinh ra và lớn lên. Họ cần có thời gian để trở thành người Singapore sống trong một đất nước riêng biệt và độc lập. Ông ta tỏ vẻ khó chịu và mất bình tĩnh, gay gắt nói: “Họ phải làm điều đó nhanh chóng bởi vì tôi không chịu được. Những người này có quan điểm và động cơ riêng. Còn trường hợp của Raja, thậm chí còn trung thành với Ấn Độ.” Tunku nói không đúng. Raja hoàn toàn trung thành với Malaysia mặc dù ông ta sinh trưởng ở Jaffna, Ceylon.

Trước khi cáo từ tại cửa chính, tôi nói rằng chúng tôi phải đạt được một quan hệ làm việc mới và hợp tác vì lợi ích đôi bên, và nhẹ nhàng nói bóng gió rằng chúng tôi không thể trở lại những ngày vui vẻ xưa kia, khi chúng tôi còn là những người van xin tìm kiếm sự liên kết.

Tôi có những cảm giác lẫn lộn về cuộc gặp mặt lần đầu với Tunku sau khi chia tách. Ông ta vẫn nghĩ là tôi phải có nghĩa vụ với ông ta. Song tôi yên tâm là ông ta tỏ ra vẫn tiếp tục nắm quyền. Tôi biết ông ta muốn có một xã hội bình yên và không muốn kéo dài tình trạng căng thẳng hay khủng hoảng.

Giới lãnh đạo Malaysia tiếp tục đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi vẫn còn đi tìm cách hợp nhất như trong những năm đầu của thập niên 60. Để thuận tiện cho họ, chúng tôi rút ra khỏi nghị viện và các đường lối chính trị của họ. Lúc này, mặc dù Singapore độc lập và có chủ quyền, nhưng Tunku vẫn tin rằng một tiểu đoàn của ông ta ở Singapore và việc ông ta có khả năng cắt nguồn cung cấp nước cho chúng tôi hoặc đóng cửa con đường độc đạo qua eo biển làm ngưng mọi giao thương, đi lại, sẽ buộc chúng tôi phải tuân theo. Nếu ông ta có thể làm điều này theo phong cách quý tộc cổ xưa của ông ta thì sẽ tốt hơn nhiều.

Năm 1966, tôi đi công tác xa trong vòng 2 tháng bắt đầu từ tháng 4. Suốt thời gian này, Tunku, Razak và Ghazali công kích tôi và Toh Chin Chye, lúc đó đang là Phó Thủ tướng của chúng tôi, bởi vì chúng tôi có vẻ sẵn sàng khôi phục mối quan hệ với Indonesia trước khi Malaysia thực hiện điều đó. Tunku đe dọa trả đũa. Chin Chye với cương vị Quyền Thủ tướng đã hoan nghênh quyết định công nhận Singapore của Indonesia. Vô cùng tức giận, chính phủ Malaysia đưa ra tuyên bố sau đây:

Việc Singapore hoan nghênh quyết định của Indonesia công nhận Singapore rõ ràng có nghĩa là Singapore sẽ có những mối quan hệ hay giao dịch nào đó với Indonesia và như vậy sẽ dẫn tới việc đưa các kiều dân Indonesia vào Singapore. Rõ ràng là khi điều này xảy ra, nó sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của chúng ta bởi vì Indonesia không ngừng tuyên bố và tiếp tục làm như vậy nhằm bày tỏ ý định của họ là tăng cường sự đối đầu với Malaysia. Vì vậy, Malaysia phải tiếp tục thực hiện bất kỳ biện pháp nào mà Malaysia xem là cần thiết để bảo vệ lợi ích và an ninh của đất nước Malaysia.

Ngay sau đó, vào ngày 18/4, tiến sĩ Ismail, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia thực hiện ngay việc kiểm soát nhập cảnh đối với những người mang giấy chứng minh Singapore đi qua Causeway.[14]

[14] Đường độc đạo đắp qua eo biển giữa Singapore và Malaysia.

Lúc tôi gặp Tunku sau khi tôi thăm Anh quốc và Đông Âu về, ông ta phản đối kịch liệt các chuyến đi đến các nước cộng sản của tôi, và cho rằng các nước này sẽ mở các đại sứ quán ở Singapore và tạo mối đe dọa cho Malaysia. Ông ta hỏi làm sao tôi có thể nói rằng tôi muốn trở thành bạn tốt với Trung Quốc và Indonesia. Tôi nói rằng mặc dù cách làm của tôi khác với của ông ta, song tôi không có ý định để cho những người cộng sản xơi tái mình. Tôi kể lại câu chuyện chúng tôi từ chối cho phép thủy thủ đoàn của một con tàu Trung Quốc cập bến Singapore được lên bờ bởi vì viên thuyền trưởng không chịu ký vào bản cam kết là họ sẽ không phân phát tài liệu tuyên truyền cách mạng văn hóa. Đài phát thanh Bắc Kinh đã công kích Bộ Nhập cư của chúng tôi. Tôi giải thích rằng các nước Đông Âu, ngoại trừ Rumani, đang thực hiện theo đường lối Xô Viết chống lại đường lối của Trung Quốc. Tính trung lập hoặc sự ủng hộ của họ sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi bị cô lập, điều có thể xảy ra lúc đó, bởi vì Singapore đang chứa các căn cứ quân sự Anh – một nước bị các nước không liên kết thù ghét.

Trong khi đó, các lãnh đạo UMNO tiếp tục sử dụng tờ Utusan Melayu là tờ báo viết bằng chữ Jawi (hệ thống chữ viết Ả Rập) lưu hành ở cả hai nước, nhằm khuấy lên tâm lý của người Malay chống chính phủ “Trung Quốc”[15] ở Singapore. Tờ Utusan Melayu đưa tin Ahmad Haji Taff, một nhà lãnh đạo UMNO ở Singapore và cũng là một trong hai cựu thượng nghị sĩ trong thượng viện liên bang đã đòi hội đồng hiến pháp của chúng tôi ghi vào hiến pháp của Singapore những quyền đặc biệt dành cho người Malay. Các quyền đặc biệt này có trong hiến pháp Malaysia nhưng chưa bao giờ được áp dụng cho Singapore.

[15] “Chinese”: Có thể ám chỉ chính phủ Singapore là tay sai của Trung Quốc hoặc ám chỉ chính phủ Singapore là chính phủ “Người Hoa” - với dụng ý về chủng tộc. Người dịch chưa có điều kiện để hiểu chắc chỗ này (ND).

Cơ quan thông tấn của chúng tôi dịch những lời phát biểu mang tính phân biệt chủng tộc và kích động của tờ Utusan sang tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Tamil, đồng thời truyền đi những lời này qua đài phát thanh và truyền hình cũng như trên báo chí. Việc này đụng chạm đến những người lãnh đạo UMNO cũng như dân thường không phải là người Malay ở cả Singapore lẫn Malaysia. Ismail và Ghazali cũng phàn nàn về vấn đề này. Ismail nói điều này đang phá hoại Malaysia, và có thể sẽ không có hợp tác kinh tế chừng nào chưa tháo gỡ được vấn đề chính trị. Chúng tôi không nên can thiệp vào những vấn đề nội bộ của họ vì chúng tôi là một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Còn Ghazali đi tiếp một bước nữa khi ông ta tuyên bố rằng Malaysia có mối quan hệ đặc biệt với Singapore. Ông ta thất vọng vì họ không được thông báo về các hiệp định thương mại của chúng tôi với Nga và các nước cộng sản khác (Malaysia không có các hiệp định như vậy với các nước cộng sản), ông ta nghĩ rằng các vấn đề này nằm bên trong khuôn khổ hiệp định của chúng tôi với Malaysia về hợp tác kinh tế và quốc phòng, quy định ra rằng không bên nào được tiến hành các biện pháp hoặc ký kết bất kỳ thỏa thuận hay hiệp ước nào gây nguy hại cho nền quốc phòng của bên kia. Tôi chỉ ra rằng ông ta không thể chờ đợi những điều trên nếu như ông ta không làm gì để đáp lại.

Ghazali còn muốn chúng tôi đợi cho đến khi họ khôi phục lại quan hệ với Indonesia rồi mới được tiếp tục trao đổi mậu dịch với họ theo phương thức hàng đổi hàng. Ông ta khăng khăng đòi chúng tôi chỉ cho phép tàu trên 200 tấn vào cảng chính của chúng tôi và đuổi hết tất cả các tàu nhỏ hơn, nhất là thuyền buồm vì lý do an ninh. Cơ quan đặc vụ, bây giờ đổi tên thành Cục An ninh Nội bộ (Internal Security Department – ISD) báo cáo lại rằng chính người Malaysia công khai trao đổi hàng ở bờ tây Malaya, cho phép những thuyền buồm từ Sumatra vào các cảng Johor và Malacca. Để thảo luận vấn đề này, Keng Swee yêu cầu họp Hội đồng Phòng thủ Liên hợp, một cơ quan được thiết lập sau khi chúng tôi đã độc lập. Họ (Malaysia – ND) đã ấn định ngày họp, thế nhưng Keng Swee thật sự ngạc nhiên khi cuộc họp bị hủy bỏ vì người Malaysia tuyên bố rằng chúng tôi đã chấp nhận đề nghị của họ. Chúng tôi cứ việc tiến hành, chúng tôi chọn Pulau Senang, một hòn đảo ở cực nam Singapore làm trung tâm trao đổi hàng hóa với những người Indonesia đến đây bằng thuyền buồm từ vùng Sulawesi (Celebes) xa xôi. Razak phản đối quyết liệt. Việc họ ra quyết định đơn phương và những đòi hỏi hống hách của họ khiến cho chúng tôi rút ra khỏi Hội đồng Phòng thủ Liên hợp (Combined Defence Council).

Một đội thuyền nhỏ dài vô tận, một số có gắn máy và một số chạy buồm, chở đến đây đủ thứ hàng, nào là cao su thô, cơm dừa khô, than củi và các sản phẩm khác. Rồi chở về nước họ các mặt hàng công nghiệp như máy thu thanh bán dẫn, áo sơ–mi, quần, giầy dép, áo vét–tông và mũ. Một số thuyền thậm chí mua những thùng nguyên bánh mì mang về. Vào tháng 8/1966, sau khi cuộc đối đầu chính thức chấm dứt vào tháng 6, chúng tôi hủy bỏ hết thảy các hạn chế về trao đổi hàng hóa. Một lần nữa, thuyền nhỏ của người Indonesia lại cập bến Telok Ayer Basin, một trong những bến cảng xưa nhất của Singapore.

Sau sự chia tách là những sức ép khủng khiếp. Trong quan hệ giữa chúng tôi và Malaysia, chưa bao giờ có những giây phút u ám như thế. Mặc dù chúng tôi đã có những nỗ lực tốt nhất, nhưng chúng tôi vẫn không đạt được một hiệp định về việc giữ lại đồng tiền chung của chúng tôi, và cả hai chính phủ đều công bố vào tháng 8/1966 rằng từ tháng 6/1967, chúng tôi sẽ phát hành đồng tiền riêng. Brunei cũng vậy, đây là đất nước sử dụng đồng tiền chung với chúng tôi, một di sản của sự cai trị của người Anh. Phòng thương mại quốc tế Singapore đại diện cho các công ty của Anh, Hội đồng Hiệp hội các ngân hàng ở Malaysia và Phòng thương mại Hoa kiều Singapore đều lo lắng về tình trạng không ổn định do chia tách gây nên và họ kêu gọi hai chính phủ thương lượng lại để duy trì đồng tiền chung.

Tan Siew Sin, Bộ trưởng Tài chính Malaysia, nói rằng việc chia tách này không có nghĩa là tận thế. Ông ta lập luận rằng những nhượng bộ do ông ta đưa ra nhằm dàn xếp với Singapore đã kéo theo sự vi phạm chủ quyền đáng kể đối với ngân hàng Negara Malaysia và sau cùng là với chính phủ Malaysia. Ông ta nói Singapore lo sợ Malaysia có thể không tôn trọng cam kết của họ về việc chuyển toàn bộ tài sản và dư nợ của Singapore như đã ghi trong sổ sách kế toán của ngân hàng trung ương, song đây chỉ là một lý do kỹ thuật chứ không phải là lý do cơ bản cho sự rạn nứt. Ông ta ngụ ý rằng chúng tôi không tin tưởng vào tính chính trực của họ. Thật vậy, quỹ dự trữ của Singapore không thể được bảo vệ chỉ bằng niềm tin.

Chúng tôi quyết định chống lại việc thành lập ngân hàng trung ương và tiếp tục duy trì ủy ban tiền tệ dựa 100 % vào nguồn dự trữ ngoại hối cho mỗi đôla mà chúng tôi phát hành. Lim Kim San với cương vị Bộ trưởng Tài chính bày tỏ sự tin tưởng vào sức mạnh và sự ổn định của đồng tiền Singapore, điều này đòi hỏi phải có quy tắc xã hội và kinh tế chặt chẽ nhất. Ở nghị viện, Kim San giải thích rằng “ngân hàng trung ương là một lối ra dễ dàng cho một Bộ trưởng Tài chính thích chơi trò tung hứng (với con số) khi anh ta bị thâm hụt ngân sách. Tôi không nghĩ chúng ta nên đặt ra một sự cám dỗ như thế trước mặt Bộ trưởng Tài chính ở Singapore”. Tan Siew Sin phản ứng lại: “Nếu hệ thống ngân hàng trung ương là một hệ thống kém cỏi, thì rõ ràng đó là sai lầm mà tất cả các nước công nghiệp hóa của thế giới phương Tây và tất cả các nước đang phát triển đều phạm phải… Tất cả các quốc gia độc lập trên thế giới đều có ngân hàng trung ương hoặc đang trong tiến trình thiết lập ngân hàng trung ương.” Về sau, tại nghị viện, Tan nói rằng chia tách tiền tệ là tốt nhất, bởi vì không giống như những ngày trước đây, bây giờ ngân hàng trung ương của một quốc gia là vũ khí mạnh của một Bộ trưởng Tài chính trong các chính sách tiền tệ và tài chính của ông ta.

Cả hai Bộ trưởng Tài chính đều công bố rằng họ sẽ giữ đồng tiền của họ ở mức hai silinh và bốn xu cho mỗi đôla, hoặc là 0,290299 gam vàng. Họ thỏa thuận về “tính có thể hoán đổi” của hai đồng tiền trên, nghĩa là chấp nhận đồng tiền của nhau làm phương tiện thanh toán và chuyển tiền về nước thông qua việc đổi lấy một lượng tiền tương đương bằng đồng tiền chuyển đổi được. Hai đồng tiền của chúng tôi tiếp tục được hoán đổi nhau từ năm 1967 cho đến khi bị chấm dứt vào tháng 5/1973 theo yêu cầu của Malaysia. Vào tháng 1/1975, đồng đôla Malaysia, tức là đồng ringgit rớt giá nhẹ xuống còn 0,9998 đôla Singapore. Đến năm 1980, nó bị sụt giá mạnh gần 5 xu so với đồng đôla Singapore, và đến năm 1997 giá trị của nó không bằng 50 xu Singapore. Các Bộ trưởng Tài chính và các giám đốc ngân hàng trung ương Malaysia đã thực hiện những chính sách tiền tệ và tài chính lỏng lẻo hơn Singapore. Không chi tiêu vượt quá thu nhập quốc gia là nguyên tắc chủ đạo mà không một Bộ trưởng Tài chính Singapore nào được xa rời trừ phi có suy thoái.

Sau khi Singapore tách khỏi Malaysia vào năm 1965, chính phủ liên bang do UMNO kiểm soát thúc ép sớm lấy tiếng Malay làm quốc ngữ và ngôn ngữ chính thức duy nhất, đồng thời thay đổi các chính sách giáo dục để thực hiện chủ trương này. Sự bất bình của những người không phải người Malay đối với những thay đổi này ngày càng tăng, và những lời hô hào cộng đồng vang dội của giới lãnh đạo UMNO không giúp xoa dịu được những bất bình như vậy. Vào năm 1968, sách trắng của chính phủ Malaysia công bố rằng hoạt động lật đổ của cộng sản được tiến hành ở các trường trung học độc lập dạy bằng tiếng Hoa. Điều này khiến người ta càng sợ các trường này sẽ bị đóng cửa.

Trong suốt cuộc vận động bầu cử của Malaysia vào tháng 4 đến tháng 5/1969, các nhà lãnh đạo khối liên minh thực hiện những luận điệu vô căn cứ và điên cuồng rằng giới lãnh đạo Singapore đã can thiệp vào công việc chính trị của họ. Tan Siew Sin, đồng thời là chủ tịch của Hội người Malaysia gốc Hoa (Malaysian Chinese Association – MCA) nói ông ta có “chứng cứ rõ ràng” rằng Đảng Hành động Dân chủ (Democratic Action Party – DAP), trước đây là đảng Hành động Nhân dân (PAP) ở Malaysia, đang được đảng PAP, nếu không nói là chính phủ Singapore, tài trợ. Ngoại trưởng Raja của chúng tôi trình bày mối quan ngại của Singapore với cao ủy Malaysia, ông ta đồng ý rằng những lời nhận xét trên là phản tác dụng. Thế nhưng sau đó hai ngày, ông ta cho biết rằng Tunku ủng hộ lời buộc tội của Tan và nói rằng, dựa vào chứng cứ sẵn có, những lời nhận xét đó là đúng. Sau đó tại một cuộc vận động tranh cử, chính Tunku đã hăng say phát biểu rằng các nhà lãnh đạo PAP của Singapore đang hy vọng thuyết phục chính phủ Malaysia, và “hiểu rằng họ không có cơ may giành được phiếu bầu của người Hoa, nên họ không có lựa chọn nào khác ngoại trừ chia rẽ người Malay. Thế là họ dùng Đảng đoàn kết Hồi giáo Malaysia (Pan Malaysian Islamic Party – PMIP) làm tay sai cho họ”, ông ta nói rằng người cung cấp ngân sách cho PMIP hiện bị cấm trở về Malaysia, song lại không chịu cho biết danh tính của người đó.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx