sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 15 phần 2

Khi những luận điệu điên cuồng này được đưa ra, tôi đang ở London. Tôi viết cho Bộ trưởng Quốc phòng Lim Kim San rằng: “Tôi hơi bị hoang mang bởi những luận điệu điên cuồng của Tunku và Siew Sin nói rằng chúng ta can thiệp vào các cuộc bầu cử của họ. Tôi còn tự hỏi không biết khi nào thì tất cả những vấn đề này sẽ bùng nổ thành những xung đột về chủng tộc và chiến tranh du kích. Tốt hơn là chúng ta nên xây dựng lực lượng càng nhanh càng tót. Chắc chắn là những rắc rối này sẽ tràn sang Singapore. Đến lúc này thì hàng nghìn người đã sẵn sàng công khai biểu lộ thái độ chống lại họ ở Kuala Lumpur, và diễu hành qua các đường phố trong một đám tang thì tương lai quả là ảm đạm.” Ở đây tôi muốn nói đám tang của một thanh niên người Hoa bị cảnh sát bắn chết trước đó vài ngày trong khi anh ta đang ở trong một nhóm sơn những khẩu hiệu bầu cử chống chính phủ.

Vào ngày bầu cử ở Malaysia, ngày 10/5, UMNO mất 8 trong số 59 ghế mà họ nắm giữ. Đảng DAP thắng 14 ghế ở các khu vực bầu cử thành thị kể cả ở Kuala Lumpur, đánh bại các đối tác của UMNO là đảng MCA với 13 ghế trong số 14 ghế giành được. ĐảngDAP và đảng Gerakan (một đảng phi cộng đồng khác) tổ chức tuần hành ở Kuala Lumpur để ăn mừng chiến thắng, họ đã thắng phân nửa số ghế trong nghị viện bang Selangor. Phản ứng của Malay Ultras UMNO là một cuộc tuần hành lớn hơn do Harun Idris, Thống đốc bang Selangor tổ chức. Tiếp sau đó là một cuộc bạo loạn chủng tộc nổ ra vào ngày 13/5. Mức độ thương vong ở Kuala Lumpur tương tự như trong các cuộc bạo loạn chủng tộc năm 1964 ở Singapore, khi mà Singapore còn dưới quyền kiểm soát của Kuala Lumpur. Vào thời điểm đó, cả Kuala Lumpur lẫn Singapore là những thành phố có số cư dân người Hoa vượt trội và người Malay chỉ là thiểu số. Tuy nhiên, số người Hoa bị thiểu số người Malay giết hại lớn hơn số người Malay bị giết vì trả thù. Con số thương vong được chính thức đưa ra ở Kuala Lumpur là: 143 người Hoa, 25 người Malay, 13 người Ấn Độ và 15 người thuộc các chủng tộc khác bị thiệt mạng; 439 người bị thương. Lẽ ra tình thế đã không đến nông nỗi này nếu như cảnh sát và lực lượng quân đội không thiên vị. Một phóng viên nước ngoài chứng kiến các cuộc bạo loạn đã ước tính số người bị giết lên đến 800.

Ngày kế đó, quốc vương Malaysia tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đình chỉ nghị viện. Chính phủ thành lập Hội đồng Tác chiến Quốc gia (National Operations Gouncil – NOC) do Razak làm chủ tịch, cai trị bằng sắc lệnh nhằm khôi phục lại trật tự kỷ cương. Về mặt chính thức, Tunku không còn nắm quyền nữa. Hội đồng NOC đã đánh dấu sự kết thúc của thời đại Tunku, và những cuộc bạo loạn này đã thay đổi bản chất của xã hội Malaysia. Kể từ đó, Malaysia công khai trở thành xã hội do người Malay thống trị.

Các cuộc bạo loạn ở Kuala Lumpur đã gây ra một sự hoảng sợ lan tràn trong hàng ngũ người Hoa và người Malay ở Singapore, bởi vì cả hai nhóm sắc tộc này đều cảm thấy rằng các rắc rối chủng tộc chắc chắn sẽ lan truyền sang Singapore. Những người Malaysia gốc Hoa bỏ chạy sang Singapore kể lại những câu chuyện về những hành động tàn bạo đã giáng xuống người thân của họ ở đó. Khi tin tức lan truyền về những hành động tội ác tày trời của người Malaysia gốc Malay và về những thiên lệch của các lực lượng vũ trang Malaysia trong việc đối phó với tình hình thì có một làn sóng giận dữ và hoảng sợ bùng phát. Khi tôi đọc được tin tức về các cuộc bạo loạn này, tôi đang ở Mỹ và đang nói chuyện với các sinh viên đại học Yale. Chỉ mấy ngày sau khi xảy ra bạo loạn ở Kuala Lumpur, đã xảy ra các cuộc tấn công của người Hoa vào người Malay ở Singapore. Hành động trả đũa vô lý vào những người Malay vô tội này đã bị cảnh sát và các lực lượng quân đội quyết ra tay ngăn chặn và một số kẻ tấn công bị bắt quả tang đã bị truy tố. Sau đó họ bị buộc tội và kết án.

Bốn tháng sau các cuộc bạo động này, tôi ghé thăm Tunku tại nhà riêng của cao ủy của ông ta ở Singapore. Ông ta trông rất sầu não, cho thấy những ảnh hưởng của một kinh nghiệm đau buồn. Trong bức thư được lưu hành rộng rãi của tiến sĩ Mahathir Mohamad (sau này là thủ tướng, khi đó là thành viên của hội đồng điều hành trung ương của UMNO), ông ta bị đả kích công khai về việc đã bán rẻ đất nước cho người Hoa. Tôi có cảm giác ông ta muốn Singapore trở nên thân thiện và muốn tác động những người Hoa ở Malaysia không nên thù nghịch giới lãnh đạo UMNO. Tôi viết bức thư ngắn sau đây cho các đồng sự: “Những gì làm tôi lo lắng không phải là liệu việc ủng hộ Tunku của chúng ta có làm chúng ta mất đi khối quần chúng phi Malay hay không, mà là liệu sự hỗ trợ của chúng ta có thật sự không làm Tunku mất đi khối quần chúng Malay của ông ta hay không và vì vậy mà khiến ông ta nghỉ hưu sớm hay không.”

Sau đó một tuần, Kim San gặp Razak ở Kuala Lumpur và báo cáo rằng lần này “không còn dấu vết của thái độ kẻ cả như trước đây nữa. Họ sẵn sàng tiếp nhận các lời khuyên nếu những lời khuyên đó được đưa ra một cách tế nhị và không tỏ ra kẻ cả… điều đó đáng để chúng ta mất thời gian vực họ dậy thêm ít lâu nữa theo cách mà chúng ta có thể làm.” Chúng tôi lo sợ rằng Tunku và tất cả những người theo chủ nghĩa ôn hòa của ông ta sẽ bị thay thế bởi các Ultras thật sự. Uy tín quốc tế của Malaysia giảm đáng kể và Razak ở vào thế phòng thủ. Mỉa mai thay, các mối quan hệ giữa Singapore và Malaysia lại được cải thiện. Ông ta cần chúng tôi giúp giữ cho những người Hoa ở Malaysia yên tâm và bất bạo động. Vậy là ảnh hưởng của chúng tôi trong những ngày thuộc Malaysia vẫn còn thắng thế.

Sau khi chia tách, việc xuất bản một tờ báo chung phát hành bởi cùng một ban biên tập bán cả ở Singapore lẫn Malaysia vẫn tiếp tục. Thế nhưng sau các cuộc bạo loạn chủng tộc ở Kuala Lumpur hồi tháng 5/1969, tờ Utusan Melayu lại trở nên thân người Malay nhiều hơn và công khai đối nghịch với chính phủ Singapore, bôi nhọ những nỗ lực của chúng tôi giúp người Singapore gốc Malay. Để ngăn chặn tờ báo này truyền bá các quan điểm phân biệt chủng tộc ở Singapore, chúng tôi thay đổi các quy định về hoạt động báo chí: tất cả các báo phải được xuất bản và có các ban biên tập của họ ở Singapore trước khi họ có đủ tiêu chuẩn được cấp giấy phép in ấn và lưu hành ở đây. Tờ Utusan Melayu đóng cửa văn phòng của nó ở Singapore và ngừng lưu hành. Chẳng bao lâu sau đó, lại có quy định các báo xuất bản ở một lãnh thổ không thể được nhập khẩu và bán ở các lãnh thổ khác. Quy định này vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Cả hai chính phủ nhận ra rằng có những khác biệt cơ bản về chính sách chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa đến nỗi những gì được coi là chính thống ở Singapore thì lại bị coi là sự xúi giục nổi loạn ở Malaysia và ngược lại.

Đến ngày Quốc khánh Malaysia, ngày 31/8/1970, Tunku đã suy yếu đến mức phải công bố ý định từ chức thủ tướng. Tôi cảm thấy buồn cho ông ta. Đó không phải là cách rút lui sau 15 năm nắm quyền, lúc đầu với cương vị Bộ trưởng Tài chính và sau đó là Thủ tướng, suốt những năm tháng đó ông ta đã làm được nhiều việc để đưa các chủng tộc khác nhau của Malaysia hòa hợp lại và đứng đầu trong việc mang lại những tiến bộ kinh tế và xã hội. Ông ta xứng đáng để ra đi với nhiều vinh quang hơn. Các cuộc bạo loạn chủng tộc năm 1969 đã triệt phá giấc mơ của ông ta về một nước Malaysia hạnh phúc mà ông ta đã gắng hết sức để đạt được. Bản thân tôi cũng mến mộ ông ta. Ông là một con người lịch thiệp – một kiểu người lịch thiệp của thế giới xa xưa với những chuẩn mực danh dự của bản thân. Ông ta không bao giờ bỏ rơi thân hữu. Mặc dù đối với ông ta, tôi không phải là bạn thân, song tôi vẫn hay gặp ông mỗi khi ông ta đến Singapore xem đua ngựa hay khi tôi sang thăm Penang là nơi ông nghỉ hưu. Lần cuối cùng tôi gặp ông ở Penang, một năm trước khi ông qua đời vào năm 1990. Trông ông có vẻ yếu ớt, khi tôi cáo từ, ông tiễn tôi ra đến cổng vòm trước nhà và cố đứng thẳng để các phóng viên báo chí chụp hình chúng tôi khi ông tiễn tôi về.

Razak, người nhậm chức Thủ tướng vào tháng 9/1970 là một nhà lãnh đạo hoàn toàn khác với Tunku. Ông ta không có tính nhiệt thành cũng như phong thái oai vệ và cao lớn của Tunku. Nếu so sánh, ông ta có vẻ ít quyết đoán hơn Tunku. Razak là người cùng thời với tôi ở trường cao đẳng Raffles từ năm 1940 đến năm 1942. Ông ta là con trai một vị tù trưởng của Pahang. Trong xã hội đẳng cấp của họ, ông ta được các sinh viên người Malay nể trọng. Với thân hình tầm thước, khuôn mặt tròn, trắng trẻo và mái tóc mượt, ông ta trông có vẻ của một người trầm tính và cần cù. Ông ta thông minh và chăm chỉ, và còn là người chơi khúc côn cầu giỏi, song không thoải mái với mọi người trừ phi ông ta biết rõ về họ. Trong thời gian thuộc Malaysia, khi chúng tôi thi nhau giành cùng số phiếu bầu, ông ta nhìn tôi với ánh mắt nghi ngờ và khó chịu. Có lẽ ông ta xem tôi là mối nguy hiểm cho sự thống trị và ưu thế chính trị của người Malay. Ông ta thích giao thiệp với Keng Swee, người mà ông cảm thấy thoải mái khi giao thiệp. Razak không xem Keng Swee là đối thủ cạnh tranh giành phiếu bầu. Khi Singapore tách khỏi Malaysia, Razak tỏ ra dễ chịu hơn với tôi, vì tôi không còn là đối thủ cạnh tranh giành phiếu bầu nữa.

Ông ta và giới lãnh đạo UMNO người Malay khác bác bỏ quan điểm tiếp cận với những thương nhân người Hoa của Tunku, coi quan điểm đó là lỗi thời. Đã có trong tay toàn bộ quyền lực cả về chính trị lẫn quân sự nên giờ đây họ hoàn toàn công khai về các chính sách kinh tế của mình là ưu ái những người bumiputra (những đứa con của miền đất này, tức là người Malay bản xứ) trong mọi thành phần kinh tế. Họ thực thi chính sách kinh tế mới nhằm “xóa bỏ đói nghèo” để có “sự công bằng hơn về quyền sở hữu tài sản.” Cho tới năm 1990, theo các quy định và quản lý, người Malay sẽ sở hữu 30 % tổng số vốn tư nhân, các cư dân người Hoa và người Ấn Độ được sở hữu 40 %, còn các chủ sở hữu nước ngoài (hầu hết là người Anh) thì phải giảm xuống còn 30 %. Razak còn công bố một ý thức hệ dân tộc gọi là Rukunegara, kêu gọi dân chúng thuộc mọi chủng tộc hãy cùng nhau tiến lên một xã hội công bằng và tiến bộ thông qua niềm tin vào thượng đế, lòng trung thành đối với quốc vương và quốc gia, đề cao hiến pháp và luật lệ, khuếch trương kỷ cương đạo đức, có lòng bao dung và tôn trọng lẫn nhau. Thời điểm đó là vào tháng 8/1970, qua hơn một năm sau các cuộc bạo loạn chủng tộc, trước khi họ bãi bỏ toàn bộ những quy định còn lại của lệnh giới nghiêm và cho phép tiếp tục các hoạt động chính trị. Thế nhưng sự dấy loạn đã bị đặt cho một ý nghĩa rộng đến nỗi nó bao gồm bất kỳ sự thách thức nào đối với Rukunegara và sự thống trị của người Malay.

Razak dốc toàn tâm toàn ý vào việc làm cho đất nước trở lại bình thường sau những chấn thương do bạo loạn gây ra và chấn hưng chính sách kinh tế mới của ông ta, nhờ đó chúng tôi có được một ít năm tương đối bớt rắc rối. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng tôi lại vấp phải khó khăn về cả những vấn đề quan trọng và không quan trọng. Singapore có một cuộc vận động chống tóc dài vào năm 1971, bởi vì chúng tôi không muốn giới trẻ bắt chước kiểu hippie[16]. Tại các quầy hàng của nhà nước và tất cả cửa khẩu như phi trường, cảng và Causeway, đàn ông để tóc dài được tiếp sau cùng. Ba thanh niên gồm hai người Malay và một người Hoa bị tóm tại bãi đậu xe ở đường Orchard và bị tra hỏi như thể họ bị tình nghi là thành viên của hội kín. Họ bị giam giữ 16 tiếng đồng hồ, thợ hớt tóc của cảnh sát cắt tóc họ rồi thả họ ra. Hóa ra họ là người Malaysia. Tờ Utusan Melayu thổi phồng chuyện này lên và đã gây ra một làn sóng nhỏ. Chính phủ xin lỗi về sự cố này. Trong khi đó, các tranh chấp nghiêm trọng về hải cảng, việc phân chia tài sản của ủy ban liên hiệp tiền tệ và hãng hàng không liên doanh của chúng tôi sắp bùng nổ.

[16] Hippie: Trào lưu bài bác ước lệ trong cách hành xử và ăn mặc. Vào khoảng thời gian này (1970 – 1971) ở miền Nam Việt Nam cũng có hiện tượng giới trẻ bắt chước kiểu hippie như để tóc dài, mặc quần ống loe (bó trên rộng dưới) – ND.

Chẳng bao lâu sau khi chia tách, có tin Tan Siew Sin đã đe dọa sẽ phát triển cảng Swettenham (sau này gọi là cảng Kelang) và Penang của Malaysia, chẳng cần đếm xỉa đến Singapore và thậm chí còn mô tả 40 % mậu dịch của Malaysia thông qua Singapore như là “tàn tích của quá khứ thực dân”. Kế đến, Malaysia thực thi một loạt các biện pháp nhằm giảm lượng hàng hóa xuất và nhập khẩu thông qua Singapore. Tháng 8/1972, Phòng Thương mại Johor của người Malay kêu gọi chính phủ liên bang hủy bỏ các dịch vụ đường sắt đến Singapore chừng nào cảng Johor ở Pasir Gudang, gần Johor Bahru đã sẵn sàng hoạt động. Tháng 10/1972, Malaysia thông báo rằng từ năm 1973 trở đi, mọi hàng hóa vận chuyển bằng đường biển từ vùng này đến một vùng khác của Malaysia phải được chuyển từ các cảng riêng của họ để được hưởng quyền miễn thuế nhập khẩu khi nhập cảng. Nếu những hàng hóa này đi qua cảng của Singapore, thì phải chịu thuế nhập khẩu. Họ còn cấm xuất khẩu gỗ sang Singapore, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các xưởng gỗ dán và các nhà máy cưa của chúng tôi. Sau một thời kỳ gián đoạn, chúng tôi đã tìm được nguồn gỗ từ Indonesia.

Như Hon Sui Sen, lúc đó là Bộ trưởng Tài chính của chúng tôi và là một trong những đồng sự kiên nhẫn và biết điều nhất của tôi, đã viết cho tôi rằng: “Thái độ của Malaysia về hợp tác kinh tế là biểu hiện của sự đố kỵ và coi thường. Họ tin rằng Singapore không thể tồn tại nếu không có Malaysia và sự phồn vinh của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Tuy nhiên, họ day dứt và khó chịu khi thấy tuy nhỏ bé và dễ bị nguy hại nhưng chúng ta đã phát triển với tốc độ mà họ không ngờ”.

Vào cuối những năm 60, chúng tôi phát hiện ra rằng người Malaysia đã thành lập một ủy ban “S” nhằm phối hợp các chính sách của Malaysia về các vấn đề liên quan đến Singapore. Chủ tịch ủy ban này là người đứng đầu ngành dân chính của Malaysia và các thành viên của ủy ban là các tổng thư ký của các bộ quốc phòng, ngoại giao và nội vụ. Chúng tôi còn biết được rằng thỉnh thoảng họ lôi cuốn những cựu tù thân cộng sản vốn trước đây là đảng viên Đảng Hành động Nhân dân như Sandra Woodhull và James Puthcheary nhằm giúp họ hiểu được những suy nghĩ đằng sau các chính sách của chúng tôi. Mới nghe tên gọi của ủy ban này, chúng tôi đã hiểu ngay ngụ ý xấu của nó. Thế nhưng để đọc được những động cơ của họ cũng chẳng mấy rắc rối; họ muốn bóp nghẹt sự tăng trưởng kinh tế của chúng tôi ở bất kỳ nơi nào mà nền kinh tế của họ có ưu thế vượt trội chúng tôi đến được. Mãi về sau, khi Malaysia dưới quyền lãnh đạo của thủ tướng Hussein Onn thì các mối quan hệ của chúng tôi mới thoải mái hơn, nên tôi đề nghị thành lập một ủy ban liên chính phủ nhằm giải quyết các vấn đề song phương. Tại cuộc họp ở Sri Temasek vào ngày 13/5/1980, Tengku Rithaudeeir, Bộ trưởng Ngoại giao của ông ta nói với tôi rằng họ đã có ủy ban “S” để nghiên cứu các vấn đề liên quan đến Singapore. Đến tháng 10/1986, ủy ban “S” đã mở rộng định hướng của nó bao gồm các mối quan hệ song phương với Indonesia, Thái Lan và Brunei, và được đổi tên thành ủy ban đối ngoại (Foreign Relations Committee – FRC). Sau đó người Malaysia phát biểu công khai với các quan chức của chúng tôi về FRC và vai trò của nó trong việc quản lý các mối quan hệ song phương. Phương pháp tiếp cận kiểu trinh thám của ủy ban “S” bị hủy bỏ.

Vị lãnh đạo Malaysia duy nhất không có thành kiến với Singapore là Phó Thủ tướng Tun Dr. Ismail. Khi ông ta sang thăm Singapore vào tháng 4/1971 với lý do xem xét các chương trình quy hoạch nhà ở của chúng tôi, chúng tôi đã có được một cuộc hội đàm tốt đẹp. Ông ta muốn có nhiều sự hợp tác hơn. Ông ta phát biểu trước báo chí rằng những khác biệt về quan điểm không làm cản trở việc tăng cường hợp tác giữa chúng tôi. Do ông ta hối thúc, vào năm 1971 cơ quan thương mại nhà nước của chúng tôi Intraco đã ký một hiệp định hợp tác với Pernas, một đối tác phía Malaysia của họ, trong mậu dịch với nước thứ ba, nhưng không ăn thua. Tiếng nói lẻ loi của Ismail không thể thắng thế đối với các nhà lãnh đạo khác của UMNO.

Để đánh dấu sự cải thiện các mối quan hệ song phương, vào tháng 3/1972, tôi thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Malaysia, đi cùng tôi có Sui Sen. Chúng tôi thảo luận và giải quyết triệt để vấn đề chuyển nhượng quỹ thặng dư và các tài sản còn lại của ủy ban tiền tệ. Chúng tôi thương lượng một cách sòng phẳng. Tuy nhiên đối với Razak thì cái khó là ông ta hay thay đổi ý kiến và hay nêu lại một vấn đề đã được nhất trí.

Razak đáp lại bằng chuyến thăm vào năm 1973. Ông ta muốn chấm dứt khả năng hoán đổi của hai đồng tiền của chúng tôi. Tôi đồng ý. Vào tháng 5/1973, Sở Giao dịch Chứng khoán Malaysia – Singapore cũng được tách ra thành Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore và Sở Giao dịch Chứng khoán Kuala Lumpur. Mỗi bên giữ bản kê có số cổ phiếu vượt trội của mình. Razak vui mừng với hiện trạng của các mối quan hệ giữa hai bên. Về mặt công khai, các mối quan hệ không gần gũi đến mức làm ông ta cảm thấy ngượng ngùng với quần chúng người Malay của mình, và cũng không gay gắt đến nỗi làm mất sự ủng hộ của người Hoa đối với ông ta. Razak nói rằng ông ta đã lường trước được những rắc rối đối với cả Singapore lẫn Malaysia trong tình hình mất ổn định ở Thái Lan và Đông Dương, và vì vậy chúng tôi không nên gây thêm khó khăn cho chính mình bằng cách tạo ra những rắc rối giữa chúng tôi với nhau. Tôi tán thành. Ông ta băn khoăn và lo ngại về sự ủng hộ của người Hoa ở Malaysia đối với ông ta và việc thiếu sự ủng hộ dành cho MCA trong cuộc bầu cử sắp tới, ông ta hỏi xem tôi có thể giúp đỡ được không. Tôi không trả lời. Hiện tượng hàng hóa tăng giá mang lại cho ông ta tin tưởng hơn và làm dịu cảm giác ghen ghét của ông ta khi thấy chúng tôi làm tốt hơn họ.

Razak mời tôi đáp lại chuyến thăm này. Các mối quan hệ yên bình và duy trì như vậy được 3 năm kế đó, cùng với một sự hợp tác lặng lẽ và ít có những bất đồng nghiêm trọng. Sau đó tôi được biết Razak bị bệnh bạch cầu. Ông ta thường xuyên bay sang London để điều trị. Trong những bức ảnh trên báo và trên truyền hình, ông ta trông gầy hơn so với tháng trước. Khi ông ta qua đời vào tháng 1/1976, tôi đã đến viếng ông tại nhà riêng ở Kuala Lumpur.

Hussein Onn kế nhiệm Razak làm thủ tướng. Năm 1968, ông ta đang làm luật sư thì thủ tướng Razak đưa ông ta tích cực tham gia hoạt chính trị. Họ là anh em cột chèo, cùng cưới hai chị em.

Hussein trông chẳng giống người Malay. Bà ông ta là người Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ta có giọng nói khỏe, nước da trắng trẻo khác thường đối với người Malay. Ông đeo kính, tóc quăn và thân hình cao và vạm vỡ hơn Razak. Ông ta rất cẩn thận trong công việc. Tại những cuộc gặp chính thức, ông ta thường có bài phát biểu được chuẩn bị trước, ngắn gọn với những đoạn quan trọng được gạch dưới cẩn thận bằng bút màu, và đọc bài phát biểu một cách rành rọt. Ông ta không chỉ tin tưởng vào trí nhớ của mình. Ông ta cởi mở và thẳng thắn khi giao dịch với tôi, không giống như Razak, ông ta đi thẳng vào vấn đề. Tôi thích ông ta, ông ta cùng tuổi với tôi và Razak. Bố ông ta, Dato Onn bin Jaafar, là một menteri besar của Johor và là lãnh tụ của đảng UMNO vốn được thành lập ngay sau khi người Anh quay trở lại vào năm 1945 và tuyên bố thành lập Liên bang Malay.

Hussein bắt đầu tạo ra một sự khởi đầu mới. Vài tuần sau đám tang Razak, ông ta đến thăm Singapore và phát biểu rằng ông ta muốn thiết lập các mối quan hệ cá nhân tốt đẹp và có thể thảo luận để tìm cách khắc phục các vấn đề song phương. Chúng tôi có một cuộc gặp tay đôi. Tôi cho ông ta biết những mối lo ngại của tôi về những người cộng sản Malay và những người ủng hộ họ thâm nhập giới truyền thông đại chúng Malaysia và giới lãnh đạo sinh viên và nghiệp đoàn cấp tiến người Malay. Chúng tôi nói chuyện thoải mái và thẳng thắn về sự thâm nhập của cộng sản Malay vào giới truyền thông của ông ta, kể cả những hoạt động của Samad Ismail, đảng viên đảng MCP từ thời anh ta còn ở Singapore trong những năm 50 và về tổ chức của anh ta. Khi Razak làm thủ tướng, Samad tìm cách gia nhập UMNO, trở thành một nhân vật đầy quyền lực của các báo New Straits Times và Berita Harian, và đã xây dựng được một nhóm phóng viên gồm toàn những người ủng hộ anh ta. Hussein đồng ý đây là một mối nguy hiểm, song lại nói rằng không thể bắt giam những người cộng sản và những sinh viên mà không làm náo loạn vùng đất Malay. Sau này, vào tháng 6/1976, ISD đã bắt giữ Hussein Jahidin, một trong những môn đồ của Samad ở Singapore và là biên tập viên của tờ Berita Harian. Ông ta ngụ ý Samad và một số nhà báo người Malay khác ở Kuala Lumpur là những người thân cộng sản. Sở đặc vụ Malaysia bắt giữ Samad và nhóm của ông ta ở Kuala Lumpur. Hussein Onn đã có can đảm hành động chống tại giới trí thức người Malay thân cộng sản, mặc dù điều này có thể làm ông ta mất đi một số sự ủng hộ nào đó.

Hussein có những kỷ niệm đẹp về Singapore. Ông ta học ở trường dạy bằng tiếng Anh Telok Kurau trong niên khóa năm 1933–1934, là niên khóa mà tôi cũng là sinh viên ở đó. Lúc đầu, ông ta hơi có vẻ dửng dưng nhưng rất vui khi thấy tôi tỏ ra nể trọng ông ta. Tôi bị ấn tượng bởi tính chính trực và các ý định tốt của ông ta. Tôi nhận lời mời của ông ta và đã đến thăm Malaysia vào tháng 12/1976, khi đó ông ta thông báo tóm tắt về các vấn đề an ninh nội bộ của ông ta và các vấn đề về biên giới với Thái Lan. Chúng tôi còn thảo luận về hợp tác kinh tế.

Các mối quan hệ của chúng tôi đã khởi sự trên một nền tảng tốt đẹp nhưng tiếc thay, ông ta bị tác động bởi những tư tưởng chống Singapore của giới lãnh đạo UMNO ở Johor, đặc biệt là menteri besar Othman Saat, nhà lãnh đạo UMNO tối quan trọng tại bang quê hương của Hussein. Othman truyền mối ác cảm của ông ta đối với Singapore cho Hussein, và Hussein đã kể lại cho tôi nghe những lời phàn nàn của Othman như sau: Chúng tôi đã gây ra tình trạng thiếu công nhân trong các nhà máy của họ bằng cách thu hút công nhân đến làm việc ở Singapore với đồng lương cao hơn; các chủ cửa hàng ở Johor Bahru thua lỗ do sự cạnh tranh từ vùng Woodlands New Town của chúng tôi. (Vào những năm 90, khi một đồng đôla Singapore ăn giá hơn 2 ringgit, họ lại phàn nàn rằng người Singapore đã lũ lượt kéo đến các cửa hiệu của họ gây ra tình trạng tăng giá đối với người địa phương).


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx