sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6: Âm Thanh Của Đời Sống

Bình Nguyên Lộc cho biết Nhốt gió là truyện thật giữa ông và người con trai cả, chúng ta lại càng thấy cách nhà văn rút từ kinh nghiệm nhìn, ngắm, suy nghĩ, sống thật của mình như thế nào để làm ra tác phẩm nghệ thuật: Ông không chịu dừng lại ở nhận xét bề ngoài của hiện tượng, mà ông còn tìm cách bóc vỏ, để vào sâu hơn, tìm đến bản chất, đến cơ năng bên trong của hiện tượng, của những thực thể như lá, gió, rừng, nắng, đất, nước... Những thực thể ấy hiện diện quanh ta, nhưng không mấy ai chú ý. Bình Nguyên Lộc khác. Ðọc văn ông, cảm tưởng đầu tiên là ông viết rất phớt (nếu chỉ chú ý đến khía cạnh "kể" hoặc giải thích nhiều người cho ngay là dở) phải đọc lại lần nữa mới thấy hay, và đọc đến lần thứ ba mới thấy tất cả cái nền tư tưởng sâu lắng của Bình. Vì vậy mà Sơn Nam cứ "phải đọc" Nhốt gió, đọc mà không hiểu tại sao: "thỉnh thoảng đọc lại năm ba hàng, tình cờ, lại thấy vui và mới. Nó giống như ca dao, những câu ca dao bằng văn xuôi". (dẫn theo bài của Võ Phiến, trong tuyển tập BNL). Cái mà Sơn Nam thấy vui và mới, là gì? Mà tại sao lại mới giống như ca dao? Cái đó chính là giá trị vĩnh cửu của một văn bản, vừa hiện đại (mới) vừa cổ điển (ca dao).

Lý do đưa đến cảm giác ấy có thể là như thế này: Bình Nguyên Lộc đối xử với những thực thể tầm thường một cách bất thường: chúng ta nhìn những vật xung quanh một cách nhàm chán, bởi lúc nào chúng cũng có đấy, tưởng chúng không hề thay đổi, chúng im lặng vô cảm. Bình Nguyên Lộc nhìn, nghe mọi vật dưới những góc độ khác: ông để ý đến đời sống riêng của chúng, và chính cái đời sống riêng này, quan trọng hơn đời sống thứ nhất (đời sống vô cảm mà ta cấp cho nó). Cho nên ông để ý đến hành động cỏn con của một thằng bé năm tuổi muốn "nhốt gió", đến tiếng "trở mình của lá chết", tiếng "đất hả họng khát nước", tiếng "đồng hồ bụng" của anh Chím Rắc báo hiệu đã đến trưa, tiếng phổ ky hát: "Vách bên trái cà phê không đậm, nhớ lược bằng vợt mới nghe không?", "Người nầy ba muổng đường, người kia một muỗng rưỡi thôi" v.v... Tất cả những tiếng tầm thường của đời sống, được ông nghe, và ghi lại lần đầu. Sau ông, người ta thấy cái cách ghi lại âm thanh ấy, cách mô tả chi tiết ấy, tinh thần bắt mạch đất nước và con người ấy tái hiện trong Sơn Nam (Hương rừng Cà mau, 1962), trong Võ Phiến (Ðất nước quê hương, 1973) v.v...

Bình Nguyên Lộc là nhà văn đầu tiên đã trình bày một diện mạo rất lạ về vùng đất mới, bằng cái nhìn "ngây thơ" vào đời, cái nhìn "biết người biết ta" của thằng nhỏ năm tuổi, cái nhìn khôi nguyên của một nhà thơ vừa khám phá ra vũ trụ: đất nước và con người.

Ðiểm thứ nhì, ông dùng âm thanh tiếng Việt để tạo âm, tạo động mà không cần đến phụ tùng nào khác. Tiếng Nam của Bình Nguyên Lộc giàu âm thanh hơn tiếng Bắc nhiều: rụp rụp, rôm rả, rôm rốp, tươi rói, mỏng lét,... Sự láy âm, láy ý đã biến ngôn ngữ từ chức vụ thuần tuý diễn tả, sang chức vụ tạo thanh, tạo hình. Và Bình đã xử dụng khả năng thứ nhì này một cách tài tình khiến những quang cảnh, hiện tượng mà ông mô tả trở thành những cảnh nổi.

Nguyễn Tuân là người cực kỳ nhạy cảm, ông "nghe" thấy tiếng lửa reo trong lò sưởi, tiếng các loại gỗ cháy khác nhau... Nhưng Nguyễn Tuân nghe tiếng sự vật theo "lối Bắc", dùng chữ đầy chất thơ, mượt mà uyển chuyển theo lối Bắc, văn Nguyễn Tuân thể hiện mỹ tính nhẵn nhụi thuần túy Bắc, cũng như thơ Nguyễn Du đặc giọng Bắc, thỉnh thoảng mới có vài âm Nghệ, mà phải Hoàng Xuân Hãn mới nhận ra. Bình Nguyên Lộc thường "nghe" ở chỗ người ta "ngửi", (ông nghe mùi), đó là một đặc chất Nam kỳ (xuề xoà mà nên thơ) và ông ghi lại tiếng sự vật bằng tiếng Nam, chân chất và thô nhám, làm nổi bật tính gồ ghề sần sủi trong ngôn ngữ và âm thanh tiếng Nam. Có thể nói các nhà văn Bắc làm phim phẳng, nhà văn Nam (khi xử dụng thuần thục tiếng Nam như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc), có thể làm phim nổi. Phi Vân trong Ðồng quê (1943, Nxb Bốn Phương in lần thứ ba, không đề năm), cũng đã có mạch văn đầy âm thanh như vậy (Hồ Trường An cũng đã nhắc đến trường hợp Phi Vân). Tuy nhiên, văn Phi Vân là văn phóng sự, mang chất hài hước mua vui, Phi Vân chưa đạt đến mức độ dùng âm thanh để diễn tả toàn bộ đời sống như Bình Nguyên Lộc.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ví dụ với một cuộc đua ghe trên sông Ðồng Nai, Bình Nguyên Lộc cũng có thể vận dụng ngữ âm như yếu tố chính để thực hiện cuốn phim có âm thanh nổi:

"Một hồi trống. Tức thì mấy mươi chiếc ghe chuyển mình, lượn tới để sắp hàng.

Một tiếng súng. Trả lời tiếng súng ấy, mấy mươi chiếc phèng la đánh lên một lượt, rồi mấy trăm tiếng người hô lên một lượt để ra hiệu khởi hành:

Phèng!

- Hè!

Phèng!

- Hè! [...]

"Bây giờ sông nổi sóng. Mũi ghe rẽ nước vo vo. Giầm chém xuống mặt sông làm bắn nước lên trắng như bọt thác.

Phèng!

- Hè![...]

Hai chiếc ghe giữa đi kề sát nhau. Dân bơi bên nây dùng giầm mà chém vào tay dân bơi bên kia. Cuộc chém trả gây thành một trận thủy chiến tai hại cho cả đôi bên. [...]

Ghe An Thịt lấn hơn nghe Ba Doi nửa mình. Ghe sau hổn hển rượt theo, coi muốn hụt hơi mà chỉ nhích lên đưọc một nửa gang thôi. Ðã kém, nó lại không đi đường ngay lối thẳng, mà chĩa xéo mũi vào bờ bên nây." (Ðồng đội, trong Ký thác, các trang 113, 114, 136).

Chính ngữ âm trong tiếng Việt đã làm cho cuộc đua thuyền trên sông Ðồng Nai có vị rùng rợn của một cuộc thủy chiến, với thứ ngôn ngữ anh chị, chầm bập như những nhát búa:

"Tám Tơ khà một cái dài như rắn hổ, đặt tô trà Huế xuống bàn một cái cộp, rồi hỏi:

- Mầy liệu làm sao?" (sđd, trang 131).

Không khí, giọng kể và tiếng nói ăn rập với nhau, trong nhịp điệu âm thanh và ngữ nghĩa lạ lùng, từ tên người:Tám Tơ, Tư Nết; tên đất: Vằm Tắt, Cồn Gáo, Ba Doi, An Thịt, Rừng Sát... đến các âm thanh khác như: ăn rập, tái lét, rượt bối, xà bát, có u, có nần... đều đồng loạt ướp ngầm đao búa với ý đồ khiêu chiến, chém trả: Hành động, ý đồ và ngôn ngữ có gì ăn khớp với nhau, trong cuộc chiến khốc liệt giữa hai làng băng đảng: Ba Doi-An Thịt. Cả đến lối chào của kẻ chiến thắng cũng mang hình ảnh quái gở: "Ba mươi chiếc giầm sơn đỏ của ghe An Thịt bỗng đưa cao lên một lượt để chào quan khách trong bờ. Khán giả có ấn tượng như thấy một con rít chạy tới đó rồi ngã lăn đùng ra, đưa mấy trăm chân lên trời" (trang 137).

Bình Nguyên Lộc dùng chữ như những quân cờ tác chiến: trong trận địa, chữ cũng xung phong, ông vận dụng tất cả "khí giới chữ nghiã" trong tay, để "làm sống" lại tinh thần "quyết thắng" làng xã: mọi đòn đều tốt, mọi thủ đoạn đều khả thi. Tác phẩm gói ghém, cô đọng như một thứ échantillon của tinh thần thua đủ mất còn Nam-Bắc, trong truyền thống lịch sử không mấy vinh quang của dân tộc.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx