sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7: Khuynh Hướng Hiện Thực Thô Lậu

Nếu âm thanh là yếu tố thứ nhất, thì chuyển động là yếu tố thứ nhì, xác định bản chất của vạn vật: dưới mắt Bình Nguyên Lộc mọi vật di động không ngừng:

"Cây tăm ngặm nơi môi chàng điên cuồng chuyển động. Nó hươi đủ chiều, xoay đủ hướng, có khi nó nằm yên để người ta đoán thấy chàng đương cắn răng dữ tợn" (Nhốt gió, trang 4).

"Ruồi mặc sức mà bay vù vù, mà đậu trện các món ăn, trong sự im lặng nặng nề ấy. Hơi nước mặc sức mà đọng chung quanh mấy ly nước đá, không ngón tay nào rớ tới ly để xoá những mụt nước trắng mờ đang đơm lổm chổm trên vách pha lê. Cùng với tim của người quanh bàn, thời gian như ngừng hẳn lại" (Nhốt gió, trang 4).

"Mấy mươi lò gốm, nóc dài, đen khói, như cố trèo lên dốc. Khói đen, dày và đậm trào lên khỏi đầu lò; khói dày thành khối cứ trào lên như nước mội; trào lên, trào lên cao, gặp gió nhẹ, nó chảy thành những mạch khói, cuồn cuộn đi xa. Trong khi đó thì những lưỡi lửa cứ thò ra khỏi mấy lỗ thông hơi ở hông lò". (Lò chén chòm sao, Nhốt gió, trang 27).

"Có khi đang đêm trời mưa ầm ỹ, anh nghe chõng tre anh đang nằm lắc lay, dao động, toàn thể đám đất rung chuyển như cơn địa chấn sắp đến. Ðó là rác mục đang biến thành đất, gặp mưa nó dẽ xuống, lớp đất trên cũng sụp theo" (Cái Bách- xê, Nhốt gió, trang 36-37).

"Lửa cháy lấn qua hai bên, lấn vô trong sâu. Người ta, từ trong đó chạy ra như kiến. Con nít khóc, đờn bà la, tre, nứa nổ rắc rắc. Mái nhà cứ nối tiếp nhau mà chảy như sáp. Nhiều căn nhà hình như là có chứa dầu xăng trong chai. Khi lửa bò qua đó thì nghe tiếng nổ, rồi ngọn lửa bùng lên một vài giây.

Gió nghe lửa rủ, kéo tới. Lửa gặp gió mừng rỡ, càng hung hăng thêm" (Cái Bách-xê, Nhốt gió, trang 42)

Nghệ thuật kết hợp âm thanh trong tiếng nói với sự chuyển động của vật thể, chiếu vào những sự kiện nhỏ nhoi như con chấy, con rận, cái răng, cái tóc, cái tăm... đã được Bình Nguyên Lộc khai sinh. Chưa thấy trong văn Hồ Biểu Chánh, cũng chưa có trong lối viết Tự Lực Văn Ðoàn.

Thế giới quan tế vi và thô lậu trong Nhốt gió, xuất hiện năm 1950, tạo xúc cảm mà không có vị lãng mạn, đã trở thành một lối hiện thực mới: hiện thực thô lậu và ảnh hưỏng sâu xa đến những người viết đi sau, như Sơn Nam, Võ Phiến, Nhật Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Lê Xuyên, Thụy Vũ, Hồ Trường An... Một tình cảm khác thường xâm chiếm tâm hồn người đọc, nhất là những người gốc Bắc, bởi Bình Nguyên Lộc không chỉ dùng thứ ngôn ngữ "địa phương" đầy tiếng "lạ hoắc", mà lại còn cả tiếng Triều Châu: "Huệt nía, huệt cưn cưn". Chỉ riêng một nhận xét thực thà thô vụng của anh Pô: "Cả trăm năm nay người mình và người An Nam sống chung lộn với nhau một đời sống cực khổ, lai bậy hết, thét rồi không còn biết ai là Trung Hoa, ai là An Nam nữa" (trang 29), đã mang chất gì như "tình nhân loại", nhưng anh Pô đâu có biết đến chữ nhân loại sang trọng như thế, anh chỉ nói lên ý nghĩ quê mùa của mình trong một thế giới ít chữ; một thế giới lai, chung lộn yêu thương, nghèo khổ, trời nước, bọt bèo, của vùng Sa Thảo nào xa lắc miệt Triều Châu pha với làn khói bốc lên ở lò chén Chòm Sao, miền Hậu Giang đất Việt.

Ðối diện với một thứ truyền thống dân tộc cổ hủ dựa trên tinh lọc, không thích lai giống, chống việc lấy người ngoại quốc, Bình Nguyên Lộc đã xây dựng một thế giới lai: thế giới chung lộn, lai tạp, giữa người Việt và người Hoa, giữa người Việt và người Chàm, giữa người và ma, người và cỏ cây, một thế giới gắn liền con người với đất nước đã "bốc lên" trong Nhốt gió, từ Nhốt gió.

Thế giới đó có ông Cựu Xã An nghe được tiếng đất hấp hối. Nó hấp hối chầm chậm. Ban đầu là cái xa quay nước suối, đang kiệt sức: "Cái xa nó quay làm biếng như cái chong chóng của trẻ con lúc vừa tắt gió. Có khi nó đứng sựng lại, mặc dầu nước suối vẫn chảy xiết. Những lúc ấy thì nước bị vật liệu xiêu vẹo của cái xa cản lại, kêu khàn khàn. Ông Cựu Xã An nghe như cái xa thở hổn hển gần muốn đứt hơi. Nó ngừng như vậy lâu lắm, ông Cựu Xã An tưởng chừng như đó là phút cuối cùng của nó, và không bao giờ nữa, nó còn múc nước lên máng xối để tưới đám đất ông.(...)

Nhưng mà... nó lại quay. Trông bộ tịch nó ráng lắm, như là một người kiệt sức té qụy, cố lồm cồm dậy. (...)

Những ống tre múc nước mà cái xa nặng nhọc đưa lên cao, vì sút dây, trật ra một bên lại trút nước trở xuống suối chớ không rót vô máng xối. Ông Cựu Xã An cứ nhìn những nước trút bậy mà tiếc, trong khi đám đất ông nó khát hả họng.

Ðất hả họng thật. Nó nứt ra như để hứng sương cho đỡ khát. Cỏ ở đó khô cỡ quăng xuống một tàn thuốc là nó cháy chạy theo không kịp.

Ông An đứng nghe con suối trong khảy đờn, bụng cứ lấy làm lạ rằng sao những người hồi xưa khai đất lập làng lại tìm chỗ khô hạn như vầy. Mà lạ sao đất không nuôi nổi người mà đã bao đời rồi người vẫn ở đây. (...)Mặt đất đã cạn nguồn sống, mà lòng đất cứ bịn rịn hoài. Nó đã nuôi sống người, người sao nỡ bỏ đi để nó chết khát" (Ðất hấp hối, Nhốt gió, trang 46-47).

Trong thế giới quê mùa hạn hán, đói khát, nứt nẻ ấy, con người chưa biết cắt sợi nhau dính liền với bụng mẹ là đất, cuống rún họ chưa lìa khỏi bụng đất, họ có cha là nước, anh là gió, em là mưa, bà con với hươu nai, dị thảo. Con người đó nghe được nỗi đau của vạn vật, con người đó bị gió hành, con người đó có khả năng phân biệt giữa tiếng gió và tiếng lá: "Ở vườn, ở rừng, trời gió, người ta chỉ nghe tiếng cây, tiếng lá, rồi ngỡ là nhờ cây lá, gió mới kêu. Ở đây mới rõ thật là gió có tiếng riêng của nó, không nhờ gì hết. Nắng càng xuống, gió càng lên và tiếng gió vù vù càng nổi dậy.

Nhà chòi kêu răng rắc như sập đến nơi, Huấn nghe như mình ngồi trên thuyền, giữa biển cả, trong một cơn dông tố. Má anh rát dưới những cái tát mạnh của gió: khoé mắt anh nóng rực như bị banh bét ra." (Hai buổi giậm cù, Nhốt gió, trang 91-92).

Phải vào thế giới ấy, ta mới hiểu: yêu đất, yêu nước và thương nhà, là như thế nào. Bình Nguyên Lộc không chỉ quan sát vạn vật bằng con mắt mới, không chỉ dùng những nhận xét tế vi; ông còn nhập vào thiên nhiên, vào đất vào nước, chú ý đến chuyển động của các sinh thể, ông còn chuyển thể, làm cho những tĩnh vật di chuyển, làm động lá, động rừng, động đất, động nhà; làm cho những yếu tố phi vật chất như gió, nắng cũng chuyển thành cụ thể sờ mó được. Bachelard kinh nghiệm rằng: khi ta bắt gặp trong văn chương một sự chuyển thể từ tĩnh sang động, từ lỏng sang đặc như thế, ấy là dấu ấn một nghệ sĩ lớn. Người ta nghe thấy trong Nhốt gió, biết bao di động, biết bao chuyển thể, trong tiếng "nhà chòi kêu răng rắc", trong những chuyển động liên hồi của nắng, gió: "nắng càng xuống, gió càng lên", trong "cái tát mạnh của gió", hoặc có thể phân biệt "gió có tiếng riêng của nó", ngay cả những thực thể bị bắt buộc phải ở vị trí cố định như mắt cũng có thể bạo động: "mắt ông trừng trừng nhìn như muốn vọt ra khỏi mặt" (Tôi là người, Nhốt gió, trang 132).

Sau cùng, sự gặp gỡ tình cờ giữa hai phạm trù đối nghịch, tạo ra những bức tranh sống động biểu hiện cuộc tranh đấu ác liệt để sinh tồn: "Ðàn nai lớn đi lần theo, dè dặt, nghe ngóng từng mỗi bước, nghi ngại đến tiếng trở mình của lá chết, đến đám cò xám hiền lành. Nai đầu đàn bọc hậu, oai vệ như ông tướng soái điều binh. Nó không xuống nước, chỉ đứng canh giữa quãng từ mé rừng tới bờ ao. Một tiếng động. Nó vừa kịp quay đầu lại thì một con cọp đã rơi xuống trên lưng nó rồi. Rồi, thì rôm rốp, những móng nai bay trên cỏ." (Tôi là người, Nhốt gió, trang 130).

Tất cả những chủ đề lớn trong văn chương đều đã xuất hiện trong Nhốt gió: con người và thiên nhiên, con người và đất nước, con người và cõi âm, di dân và sống còn, với một giọng văn quê mùa, khiêm tốn. Ông kể chuyện dềnh dang như những người ít học, nhưng không phải người nhiều chữ nào cũng có khả năng đọc và hiểu ông; ngược lại người bình dân chắc chắn thấm lối kể chuyện của ông, bởi Bình Nguyên Lộc là lương tâm của họ, ông nói tất cả những gì họ nghĩ mà không viết ra được.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx