sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8: Sàigòn, Thổ Ngơi Thơm Phức Hồn Ma Cũ

Làm sao mường tượng được Hàng Châu nếu không có Tô Ðông Pha. Một thành phố dù đẹp đến đâu, nhưng nếu văn chương chẳng đoái hoài, rồi cũng sẽ "cát bụi trở về với cát bụi". Nếu Platon không nhắc đến Atlantide, liệu ảo thành này có "sống còn" đến ngày nay.

Huế, Hà Nội, có cái may và cũng là cái rủi được nhiều người nhắc đến. Hầu như chẳng có nghệ sĩ gốc Bắc, gốc Trung nào mà không có vài câu văn, lời thơ, bản nhạc... ngậm ngùi, nhớ thương, ca tụng thành phố của họ. Sự lạm phát tình cảm, lạm phát tự hào, có thể đưa đến lạm phát quyền uy, lạm phát chính nghiã. Sài Gòn không có cái may ấy và cũng chẳng có cái rủi ấy, bởi Sài Gòn không thơ mộng như Huế và không có bề dầy lịch sử như Hà Nội.

Bình Nguyện Lộc biết rõ điều đó: "Thủ đô miền Nam là một thành phố mới. Cây, đá, nhà, phố, phong tục, đều chưa mang được cái vẻ cổ kính, chưa biết kể lể những kỷ niệm cảm động để quyến luyến con nguời." (Sông ông Lãnh, Những bước lang thang... nxb Thịnh Ký, 1966, trang 12).

Chưa nhiều kỷ niệm, nhưng Sài Gòn có một không gian, một nền đất và một hiện tại, đủ để nhà văn dẫn chúng ta vào "Những bước lang thang...", tìm lại bản lai diện mục của thành phố sinh ra từ một dòng sông, chưa kịp có dĩ vãng:

"Con sông con thân mật, đứng bờ bên nây hú một tiếng là bên kia nghe liền...

Con sông gợi tình, thỉnh thoảng mầu nước trong xanh biến ra vàng sậm vì từ lòng cạn vẩn lên phù sa gợi nhớ Thuỷ Chân Lạp hoang vu, nê địa, gợi nhớ cuộc đổ xô vào Nam, gợi hình ảnh đẹp đẽ của đoàn người chiến đấu với thiên nhiên để khai thác đất mới...

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai vào Bến Nghé, Ðồng Nai thì vào.

Con sông làm vận thừa cho một giang cảng sầm uất, (cái bụng của Sài gòn), tập trung tất cả ghe thương hồ của một hậu phương trù phú [...]

Một người bạn ghe nào đó, không tiền để đi hưởng các cuộc vui của thành phố tưng bừng, ngồi trong khoang thuyền gảy nhẹ chiếc độc huyền, và cất giọng nói thơ.

Với tiếng nhạc quê mùa, hương gió của Ðồng nai, mùi bùn của Ba Thắc, tất cả linh hồn của đất nước như đã theo thuyền buôn mà về đây.

Con sông đặc biệt Á đông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối.

Nên chi, đi xa mười năm vẫn nhớ Sàigòn. Không nhớ những phố lớn nhà cao vô vị vì giống phố nhà nơi khác, mà nhớ con sông nho nhỏ, khổ đau vì chở nặng những ghe chài khẩm lừ hàng hoá, thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê vào thành phố." (Sông Ông Lãnh, Những bước lang thang..., trang 14).

Giọng văn thầm thỉ giữa người và sông, đôi khi sông biến thành người, một thứ đối thoại tay ba giữa người viết, đối tượng được viết và linh hồn đôi bên: người ôm lấy sông, vỗ về, an ủi như an ủi một người vợ, một người mẹ, bao năm âm thầm lam lũ làm những việc nhỏ nhoi và cực nhọc nhất để nuôi sống gia đình, nhưng có ai biết đến công lao dưỡng dục can trì, thủ phận ấy. Sông mẹ nằm đây nghe cả chỗ thắt ngoặt của tâm hồn mình. Những chiều tối một tay chơi nào đó, cất giọng "nói thơ", trong tiếng nhạc quê mùa phát ra từ chiếc đờn một giây, một gáo. Tất cả chất quê, chất vụng về thô lậu của Sài Gòn tan loãng trong mùi bùn Ba Thắc, ngậy lên linh hồn của đất nước, một đất nước 80% dân chúng làm nghề nông. Một đất nước 80% tìm thấy căn cước của mình trong lòng nước, trong dòng nước.

Con Sông Ông Lãnh hay con Kinh Tầu Hủ là vòng đai nhẹ, là xa lộ nước ôm siết bụng dưới của Sài Gòn, bằng hệ "thương hồ" chở "khẩm lừ " trái cây và các hàng hoá khác chăm nuôi thành phố, không quên các món ăn khuya: "Ở đây không có xe hơi, không có ra đi ô, không có trẻ nô đùa, nên những tiếng bí mật của đêm trường mang rõ linh hồn của nó, âm thanh có sự sống đã đành mà cho đến tiếng động, lắm khi cũng thành nhạc.

Một chiếc xuồng tam bản, chuồi êm rơ trên mặt nước, một mái chèo khua nhẹ trên dòng kinh, một đèn dầu leo lét soi mờ bóng một cô chèo xuồng, rồi từ tất cả các thứ ấy, vẳng lên: "Ai... chè đậu... cháo cá... hông?" (Quà đêm trên sông Ông Lãnh, trang 15).

Ðấy mới là một Bình Nguyên Lộc chưa thoát khỏi ảnh hưởng Thạch Lam, nhưng còn một Bình Nguyên Lộc khác, từ Thạch Lam rẽ qua ngã khác: không dựa trên nền lịch sử đã có mà dựa trên nền lịch sử chưa thành hình, trên quá khứ chưa thành quá khứ của thành phố: Bình Nguyên Lộc dùng hiện tại, cái đang có trước mặt để xây dựng quá khứ, bởi vì ông biết "Ðất, có ở lâu, tình đất mới sâu", nên ông đào xuống, đào sâu vào lòng đất, lòng người để tìm cái dĩ vãng chưa có của Sài Gòn:

"Tình đất Sài Gòn tản mát trong người trong vật. Nhứt là trong vài câu ca dao hiếm hoi. Vì hiếm hoi nên tình không thoả. Vì không thoả nó mới cố lắng sâu như để tìm chính mình, trong chỗ không có gì hết." (sđd, trang 24).

"Tình đất Sài Gòn tản mát trong người trong vật" là gì? Nếu không là sự sống chung giữa người sống và người chết; sự sống chung ấy đã "xẩy ra" trước Sài Gòn rất lâu, ở những nơi xa xăm, những thế giới khác: thế giới vương mộ Ai Cập, thế giới xác ướp Pérou cách chúng ta ba bốn ngàn năm.

Người Ai Cập xây âm cung cho người chết, để duy trì cái vô cùng sau khi chết. Ở Thèbes (tức Louksor bây giờ) sông Nil chia đôi kinh thành: hữu ngạn là dương cung, triều đình với những lâu đài tráng lệ Louksor, Karnak. Tả ngạn là âm cung: đền đài của người chết chìm sâu trong lòng cát. Người Ai Cập gọi những nhà mộ trong âm cung mới là sinh cơ (maison de vie), nhà sống. Công việc ướp xác (được thực hiện trong sinh cơ) chuẩn bị để người chết ra đi, sống đời thứ nhì trong cõi vô cùng, không bao giờ còn phải chết.

Du khách đến Louksor bây giờ, đêm đêm có thể dạo chơi trên bờ phải sông Nil, hoặc ngồi trong du thuyền hay khách sạn cửa nhìn sang tả ngạn, sẽ thấy một cầu vồng ánh sáng bao bọc âm cung như một thị trấn sầm uất. Từ dẫy sinh cơ cửa ngỏ, vọng ra những âm thanh đồng thiếp, pha trộn tiếng gió hú, tiếng cát hò, tiếng khí giới va chạm trong nhà sống của Ramsès II, tiếng nhã nhạc trong sinh cung của hoàng hậu Néfertari, vợ yêu của Ramsès II. Lắng tai nữa, ta còn có thể nghe được cả tiếng gieo mạ, tiếng hái dâu, tiếng dệt cửi, tiếng "chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa " của đám nông dân, trong chung cơ dành cho thợ thuyền, nông trại. Họ vẫn sống đấy dù đã xa ta hơn bốn nghìn năm.

Trên xứ Pérou, Nam Mỹ, rải rác trong những khu di tích các nền văn hoá như Chavin, Paracas, Moshica, Nazca (tiền thân của văn minh Inca sau này), sự bảo tồn linh hồn và thể xác người xưa còn thắm thiết hơn: người chết được giữ lại trong tư thế ngồi xổm của bào thai đang chuẩn bị chào đời. Xác ướp mặc áo đẹp, đeo mặt nạ trang điểm như lúc còn sống, không chôn mà ở riêng một gian khác trong nhà. Hàng năm, trong dịp giỗ kỵ, lễ lạt, người chết được con cháu ôm ra, ngồi cùng bàn, đoàn tụ ăn cỗ với con cháu.

Hai thế giới Ai Cập và Nam Mỹ xưa, có gì tương hợp với câu thơ của Bình Nguyên Lộc: Thổ ngơi thơm phức hồn ma cũ.

Sài Gòn, mới hơn hai trăm năm, chưa kịp có quá khứ lịch sử, cho nên nhà văn phải tìm cho thành phố một quá khứ khác, thấm sâu trong lòng đất, lòng người với những "hồn ma cũ". Chỗ cách biệt sâu xa giữa Sài Gòn của Bình Nguyên Lộc và Huế, Hà Nội của các nhà văn khác, là ở đó. Ông dựng lại Sài Gòn của ông, không bằng kỷ niệm, bằng trí nhớ, bằng óc tưởng tượng như mọi người mà ông dựng lại thành phố bằng da thịt người chết, hệt như thủ pháp của người Ai Cập xưa:

Một hôm "Ði trên vỉa hè, phố Bùi Chu đến góc Bùi Chu - Bùi Thị Xuân bạn bỗng nghe một cảm giác là lạ dưới chơn. Vỉa hè đất thịt bằng phẳng bỗng gập ghềnh và làm cho tiếng giày của bạn vang lên. Nhìn xuống, bạn mới nhận ra dấu vết của một mả vôi trám cả bề rộng khá lớn của vỉa hè" và bạn khám phá ra "thành phố của ta xây cất trên một bãi tha ma minh mông". (Hui nhị tỳ II). "Ở đâu cũng mả hết, nhứt là Ô Ma. Người ta nói Ô Ma tức là "Phía vũng lầy" (Aux mares) của tiếng Pháp. Sao ta chôn xác người ở xóm vũng lầy? (...).Mồ mả ở Sài gòn thân mật quá chừng. Người ta sinh hoạt giữa mồ mả như quen biết với ma dữ lắm". (Hui nhị tỳ II).

"Bạn ở Sađéc trôi nổi lên đây làm ăn mà rủi có mạng hệ nào bạn, bạn đừng lo bỏ thân nơi xứ người. Trong nghĩa địa, bạn sẽ gặp đủ mặt người đồng hương giữa một ô riêng dành cho tỉnh Sađéc.

Những đêm mưa dầm, ma ở đây chắc không lạnh bao nhiêu, vì quanh họ đông đúc những khuôn mặt thân yêu, tha hồ mà trò truyện cho ấm lòng.

Tỉnh này muốn qua tỉnh kia thăm bạn, chỉ phải bước qua một hàng rào. Gần hai muơi tỉnh sát cánh nhau để dựng lên một miền Nam trong cõi âm.

Người sống hay đòi thống nhất nhưng họ lại bắt người chết phân ly: Bắc Việt nghĩa trang, Trung Việt nghĩa trang, và Nam Việt nghĩa trang này là ba thế giới riêng biệt không có đường xe lửa nối liền.

Riêng dân chết ở Nam Việt họ tự trị mỗi tỉnh một ô riêng ngăn ranh giới bằng dây kẽm gai, ý chừng đề ngừa xâm lăng" (Hui nhị tỳ I).

Tất cả sinh hoạt kỳ thị của người sống, chôn cùng, nhập mộ, diễn lại trong đất chết. Tính kỳ thị Nam Bắc, kỳ thị làng xã, rất sâu trong lòng người Việt, di xuống tuyền đài, ô nhiễm cõi âm. Chưa hết, ở nghiã địa đất thánh nhà thờ Cầu kho, bạn còn gặp một cảnh chung sống âm dương kỳ lạ:

"Những ngôi mộ bia bị giấu mất dưới những nếp nhà lá nhỏ như chiếc khăn mu xoa, rồi trong đó, đám người kẻ dương gian người âm cảnh, ngủ chung với nhau.

Nếu có ma thì ma ở đây rất sợ người ta, những người lỳ lợm; mả mới mả cũ gì họ cũng cất nhà chồng tưới lên.

Nhiều nhà mồ biến thành trại mộc và có vài ngôi mộ có rào sắt, bị người ta dùng làm chuồng heo". (Hui nhị tỳ I).

Rút cục, cảnh sống chung âm dương trong Hui Nhị Tỳ chỉ là nền đệm cho một bối cảnh sống khốc liệt hơn: cuộc cạnh tranh sinh tồn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx