sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9: Cuộc Cạnh Tranh Sinh Tồn

Trong truyện Ba con cáo (Ký thác) sự tranh đấu dành miếng ăn đã đạt tới cực điểm đắng cay, xót chua, tàn ác. Ba người-cáo sống chung trong nghiã địa đất thánh Cầu Kho: Sáu Sửu, một tay anh chị gặp bước đường cùng, một mụ điếm hết thời, giấu tên và một con chồn, cả ba chia nhau hai "căn hộ" dựng trên mả.

Cảnh người sống squatter đất người chết, phong tỏa nghiã địa, lấy "nhà chết" làm "nhà sống" trở thành một hoạt cảnh hài hước. Nghệ thuật của Bình Nguyên Lộc ở đây là sự chuyển thể từ bi sang hài từ hài sang bi, hay chính hài đã là bi, bi đã là hài:

"..nghĩa địa phải chịu nạn nhơn mãn [...]

Họ cất vây tứ phía ngôi đất thánh và vòng vây cứ càng ngày càng siết chặt lại, người chết không còn lối nào để thoát ra được nữa". (Ba con cáo, Ký thác, trang 38). "Không bao giờ kẻ sống và người chết lại sát cánh nhau đến thế. Ông đã chết rồi, ông choán đất làm chi cho nhiều, trong khi tôi không có lấy một vuông nhỏ để mà cắm cây cột gỗ, vậy ông thứ lỗi nhé!" (trang 38)

"Một khi xâm nhập vào địa hạt của người chết rồi mới nhận ra rằng cuộc đời bên ngoài dầu đau khổ bao nhiêu cũng còn ấm chán". (trang 37).

Người sống xâm nhập vào đây, là đã như chết, là đã hoá cáo.

Con cáo thứ nhất là một con chồn chính hiệu, cư dân lâu đời nhất ở đây, đục lỗ làm nhà dưới ngôi mộ cổ, biệt lập trên một "cù lao", có địa thế hiểm trở, bùn lầy nước đọng, dân chung cư không ai dám bén mảng tới. Ngày chui xuống mộ, chiếm tầng "sous-sol". Ðêm đến mò ra ăn cắp gà của bọn "láng giềng".

Con cáo thứ nhì là Sáu Sửu, một tay anh chị trốn bố ráp, cắm chòi trên mộ, chiếm tầng trệt, nằm trên "sous-sol" của con chồn. Sáu Sửu hành ghề đạo trích.

Con cáo thứ ba, một ma mới, mụ điếm bệnh hoạn, chạy kiểm tục, đánh hơi thấy vùng "an toàn", bèn đến định cư, cắm lều trên ngôi mộ bên cạnh, bắt bồ với Sáu Sửu.

Sự sống chung hòa bình của ba nhân vật kéo dài trong mùa nắng: cả ba đều no đủ vì có kế sinh nhai. Nhưng tới mùa mưa, người Sài Gòn không ra đường; Sáu Sửu không làm ăn gì được. Mụ điếm già vắng khách, trùm mền nhịn đói. Hai cáo-người bèn xực cáo-chồn trước, thua đủ với nhau sau. Cuộc tranh đấu đến chết của ba nhân vật khốn cùng, trong hai căn lều cắm lậu trên đất chết, như khuôn mặt tàn son phấn của Sài Gòn hoa lệ, như mặt trái của lầm than, mặt chìm của xã hội, nhưng nó cũng là dung nhan tàn tạ của mọi vùng ngụ cư trái phép, của những người sống ngoài lề, của dân lậu, sống chui, suốt đời không căn cước.

Cái "kinh khủng" trong văn Bình Nguyên Lộc là ở chỗ đó: ông viết về những tình thế quái gở người sống "squatter" chỗ ở của người chết, lỳ lợm chiếm nhà chiếm đất, nhẹ như không, như kể một chuyện đùa. Kể hay, kể vụng, kể ngắn, kể dài, không văn, không vẻ, không bố cục, mới đọc qua nghe hời hợt. Nhưng cái sâu sắc của ông lại nằm trong chính cái "hời hợt" ấy.

Bình Nguyên Lộc không tìm quá khứ lịch sử anh hùng, mà tìm những thực tại không mấy anh hùng của dân tộc. Ông mô tả thành phố Sài Gòn qua cái nhìn trực thăng, lướt trên những không gian khác nhau: không gian sống có, không gian chết có, nghiã địa chôn có, nghiã địa treo có, chằng chịt dây điện, đầy những xác diều:

"Những xác ấy bị treo lủng lẳng như vậy, có xác rơi xuống đất sau vài hôm, một tuần, một tháng, mà cũng có xác trơ gan cùng tuế nguyệt cho đến mùa mưa mới chịu để cho phong võ làm rã thịt mục xương.

Diều sống có cá tánh riêng biệt khi bay lượn, mà chết, xác diều cũng có cá tánh nữa. Không phải xác nào cũng giống xác nào về lối chết và lối an nghỉ ngàn thu trên dây điện.[...]

Diều ơi, diều có phải là gốc người Tây Tạng hoặc người của vài bộ lạc Phi Châu mà khi chết xác không thổ táng, hoả táng mà lại không táng?" (Có những xác diều, trang 28-29).

Sàigòn là vùng mộ huyệt. Chôn người. Chôn diều. Sài Gòn là mộ những bầy chim dại dột, vì miếng ăn mà phải "cảm tử đáp xuống các đống rác" nên bị sa lưới. Mắc bẫy buổi sáng, đến tối đã nằm phơi thây trên các chảo mỡ sôi sục trong các tửu lầu. Khoảnh khắc sau đã yên nghỉ trong dạ dầy một thực khách.

Ðang no nê say sưa, bỗng nhiên Sàigòn như hấp hối "chết đi" trong tiếng "kêu cơm" của những người hành khất: "Ớ... ơ bớ cơm, bớ gạo, làm đoan, làm phước bố thí cho kẻ bần hàn..." hay một âm thanh lạc loài khác: "Ai... bột khoai bún tàu... đậu xanh nước dừa đường cát hôn..." (Âm thanh bí mật, trang 45).

Sài Gòn, bức chân dung chưa từng thấy về một thành phố, vươn lên từ bãi tha ma, vĩnh viễn sẽ chỉ là mộ địa: Mỗi người trong thành phố mang trong bụng những nấm mồ. Sinh ra để đi một vòng: từ đất để về lại đất. Xác người, hồn vật, tất cả gắn bó với đất, chết đi và sống lại trong lòng đất, tạo nên một "thổ ngơi thơm phức hồn ma cũ". Mỗi chúng sinh đều là mộ chôn những sinh linh khác. Mỗi không gian đều là "thác gian" của bao nhiêu "cánh diều" muốn vươn lên tìm dưỡng khí, nhưng lại chết yểu trong vùng khí quyển ô nhiễm của mình.

Mà không chỉ có Sài Gòn, không chỉ có người Sài Gòn, không chỉ có thổ ngơi Sài Gòn, mới "thơm phức hồn ma cũ", mà mỗi thổ ngơi, mỗi đất sống, Paris, Luân Ðôn, New-York... đều "thơm phức hồn ma" như thế cả, bởi mỗi chúng ta ai mà chả mang trong dạ một bãi tha ma, chôn dấu bao nhiêu vịt, gà, chim chóc...

Sài Gòn chỉ là địa điểm để nhà văn bộc lộ cuộc sinh tồn khốc liệt của con người.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx