sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2: Những Ngày Buồn Phiền Và Hy Vọng

Tại Bộ tổng tham mưu – guồng máy chạy đều – Những trợ lý tác chiến không phạm lỗi mà gặp tai vạ. – Mặt trận hướng Tây-nam. – Những cuộc tập kích đầu tiên bằng không quân vào Mát-xcơ-va. – Cục tác chiến rời vào đường ngầm. – Một trong những tháng cực kỳ khó khăn trong chiến tranh. – Cống hiến của Vi-a-dơ-ma và Tu-la vào công cuộc phòng vệ thủ đô. – Cuộc duyệt binh tháng Mười truyền thống. – Tổng kết nửa năm đầu chiến tranh. – Tôi gặp nguyên soái B. M. Sa-pô-sni-cốp.

Từ những phút đấu của chiến tranh, Bộ tổng tham mưu làm việc rất khẩn trương, dù có lo âu. Tất cả chúng tôi đều tin rằng, việc Hít-le mưu toan dựa vào yếu tố bất ngờ chỉ có thể đem lại cho hắn những thắng lợi quân sự tạm thời mà thôi. Từ các đồng chí phụ trách đến các đồng chí dưới quyền đều hành động một cách tin tưởng như thường lệ. Các đồng chí trong ban Tây-bắc, ban miền Tây và ban Tây-nam đang truyền đạt mệnh lệnh cho các đơn vị, liên lạc qua máy điện báo Bô-đô với cơ quan tham mưu các quân khu, lúc này đã trở thành các phương diện quân. Các ban khác vẫn cố chăm lo mọi công việc hàng ngày mà chiến tranh đang đẩy lùi xuống hàng thứ hai. Số người ở đây cũng bớt đi: một số sĩ quan đã được điều đến giúp sức cho các bộ phận có công tác khẩn trương.

Các sự kiện tiên triển nhanh như chốp. Máy bay địch hung hãn tiến công bộ đội ta. Và, ở những nơi tiếp giáp giữa các phương diện quân, chúng đang tập trung sức cố gắng của các tập đoàn xe tăng mạnh. Phương diện quân Tây-bắc báo cáo về tình hình cực kỳ gay go của tập đoàn quân 11 bên cánh trái do tướng V. I. Mô-rô-dôp chỉ huy và của tập đoàn quân 8 do P. P. Xô-ben-nhi-côp chỉ huy. Đứng trước nguy cơ bị bao vây, tập đoàn quân 8 đã buộc phải rút về Ri-ga.

Cả tập đoàn quân 4 của A. A. Cô-rốp-côp đang phòng ngự bên sườn trái của phương diện quân Tây cũng không nhẹ gánh hơn. Tập đoàn quân này, phải chịu gánh đòn chủ yếu của tập đoàn xe tăng địch, đã bị đánh tan nhưng vẫn tiếp tục kháng cự, tuy không có chính diện liên tục. Ở mặt trận Tây- Nam đang diễn ra trận đánh ác liệt tại vùng Pê-rê-mư-slơ, nhưng Pê-rê-mư-slơ vẫn đứng vững. Các sư đoàn Đức tập trung ở Phần Lan và Ru-ma-ni hãy còn ở tuyến xuất phát.

Liên lạc với các phương diện quân, nhất là với phương diện quân Tây, gặp nhiều khó khăn, đường dây không ổn định. Vì đường dây bị phá hoại luôn, nên không phải lúc nào chúng tôi cũng nắm được tình hình với mọi chi tiết cần thiết. Cơ quan tham mưu các phương diện quân cũng than phiền về tình trạng thông tin liên lạc với các đơn vị của họ không được thông suốt. Vì vậy, ngay nếu như chúng tôi có bắt liên lạc được với họ thì cũng vẫn không được biết khá đầy đủ về tình hình các đơn vị.

Công tác bận rộn đã lôi cuốn tất cả mọi người, chẳng trừ ai, nên chúng tôi không nhận thấy ngày đầu tiên chiến tranh đã trôi qua như thế nào nữa. Trên các tấm bản đồ xuất hiện nhiều mũi tên xanh chỉ hướng hoạt động của các tập đoàn quân xung kích của địch.

Ngày 23 tháng Sáu, mọi người được biết Hội đồng bộ trưởng dân ủy và Ban chấp hành trung ương Đảng đã thông qua quyết nghị thành lập Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Liên Xô – cơ quan cao nhất lãnh đạo tất cả các hoạt động của quân đội và hải quân. Tham gia Đại bản doanh có các đồng chí: bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng X C. Ti-mô-sen-cô (chủ tịch), tổng tham mưu trưởng Gh. C. Giu-cốp, I. V. Xta-lin, V. M. Mô-lô-tốp, C. E. Vô-rô-si-lốp, X. M. Bu-đi-on-nưi và bộ trưởng Bộ dân ủy Hải quân N. Gh. Cu-dơ-nét-xốp. Trực thuộc Đại bản doanh có hệ thống các cố vấn thường trực gồm các đồng chí B. M. Sa-pô-sni-cốp, K. A. Mê-rét-xcốp, N. Ph. Va-tu-tin, N. N. Vô-rô-nôp, A. I. Mi-côi-an, N. A. Vô-dơ-nê-xen-xki, A. A. Giơ-đa-nốp và nhiều đồng chí khác. Bộ tổng tham mưu trở thành cơ quan công tác của Đại bản doanh, mặc dù không có chỉ thị chính thức nào về việc này cả.

Các cán bộ trong Cục tác chiến cũng được bố trí theo cách mới. Giờ đây, hầu như tất cả chúng tôi đều thực tế làm việc theo các hướng mặt trận: hướng Tây, hướng Tây – Nam, hướng Tây – Bắc. Để tiện quan hệ với nhau, chúng tôi rời sang làm việc trong phòng họp. Bàn làm việc kê dọc theo tường. Điện báo ở cạnh bên. Văn phòng của đồng chí bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng cũng ở gần ngay đây. Các nhân viên đánh máy cũng làm việc với chúng tôi trong một phòng. Chật chội, ồn ào, nhưng mọi người đều tập trung tư tưởng vào công việc của mình.

Các đồng chí tư lệnh pháo binh N. N. Vô-rô-nôp, phó tư lệnh bộ đội quân khu Mát-xcơ-va phụ trách về phòng không M. X. Grô-ma-đin, chủ nhiệm Tổng cục pháo binh N. Đ. I-a-cô-vlép, chủ nhiệm Cục thông tin liên lạc N. I. Ga-pít, chủ nhiệm Cục giao thông vận tải quân sự N. I. Tơ-ru-bét-xcôi thường có mặt trong Bộ tổng tham mưu. Chúng tôi, những trợ lý tác chiến, phải duy trì quan hệ với cơ quan của các đồng chí ấy, nhất là với cơ quan giao thông vận tải quân sự, vì việc chuyển quân từ các quân khu nội địa ra tiền tuyến cần được kiểm tra chặt chẽ.

Các thê đội liên tục tiến ra phía Tây và Tây – Nam. Chúng tôi khi người này lúc người khác, được phái đến những trạm điều chỉnh. Sự phức tạp và hay thay đổi của tình hình thường buộc phải đình chỉ việc điều chỉnh và điều các thê đội sang một trạm nào khác. Đã có trường hợp bộ tư lệnh và cơ quan tham mưu sư đoàn được chuyển đến một nơi, còn các trung đoàn lại chuyển đến chỗ khác, thậm chí đến nhiều chỗ khác cách nhau khá xa. Nhiều mệnh lệnh và chỉ thị gửi cho các đơn vị đôi khi trở nên lỗi thời vì không kịp tói tay người nhận.

Cán bộ tác chiến có trách nhiệm phải theo dõi toàn bộ những sự việc ấy và kịp thời tiến hành những biện pháp cần thiết. Chúng tôi ghi tình huống lên bản đồ, truyền đạt những chỉ thị bổ sung đến các đơn vị, nhận tin mới, viết thông báo và báo cáo. Các sĩ quan, do đại tá V. V. Cu-ra-xôp đứng đầu tổng hợp mọi tài liệu đó và chuẩn bị báo cáo lên Đại bản doanh.

Thường hay có những chuyến đi công tác xuống các tập đoàn quân đang tác chiến, chủ yếu là để xác định tiền duyên phòng ngự thực sự của bộ đội chúng ta, xác định những vùng dân cư nào đã bị quân địch chiếm đóng. Trong những trường hợp ấy, các cán bộ tác chiến đi công tác thường dùng máy bay XB tới khu vực đã định.

Những chuyến bay đó thường bay về mặt trận phía Tây nhiều hơn cả. Tình hình ở đấy ngày càng phức tạp, mà thông tin liên lạc lại không ổn định. Ngày 28 tháng Sáu, Min-xcơ thất thủ. Mười một sư đoàn của chúng ta đang ở quá phía Tây thành phố này buộc phải tiếp tục chiến đấu ở phía sau quân địch. Vấn đề này Bộ tổng tham mưu không được biết ngay. Về sau cũng mới biết cuộc chiến đấu anh dũng kéo dài gần tháng trời của đội trú phòng pháo đài Brét bị địch bao vây.

Những ngày đầu chiến tranh đã cho chúng tôi thấy cơ cấu tổ chức của nhiều khâu thuộc Bộ tổng tham mưu còn chưa thật hoàn chỉnh. Không phải tất cả những gì khá tốt trong thời bình đều phù hợp với lúc này. Những khâu đó đã được chấn chỉnh lại trong quá trình công tác.

Tôi đã nói rằng lúc mới bắt đầu tác chiến, chúng tôi đã đứng trước sự cần thiết phải rút bớt cán bộ ở các ban khác để tăng cường cho ban Tây – Bắc, ban miền Tây và ban Tây – Nam như thế nào. Về sau, chúng tôi đã thấy rõ rằng hệ thống các ban nói chung phải được bãi bỏ. Hệ thống này hình như chỉ đáp ứng được nhiệm vụ của nó khi còn chưa triển khai một số phương diện quân trên từng hướng chiến lược. Từ giờ mới thấy rõ rằng cơ cấu tổ chức cũ dứt khoát không còn phù hợp với thực tế nữa. Điều đó đòi hỏi phải thành lập các tổ trợ lý riêng, do một số tổ trưởng giàu kinh nghiệm phụ trách, để mỗi tổ theo dõi một phương diện quân. Làm việc như vậy tốt hơn, và trong tháng Tám năm 1941, các ban đã giải thể.

Lại còn những chuyện phức tạp khác. Một hôm, chúng tôi được biết là ở phương diện quân Tây, tư lệnh Đ. G. Páp-lốp, tham mưu trưởng V. E. Cli-map-xkích và trưởng ban tác chiến – thiếu tướng I. I. Xê-mi-ô-nốp – đã bị cách chức vì không chỉ huy được bộ đội. Sau đó, ở cơ quan chúng tôi cũng bắt đầu sắp xếp lại cán bộ. Gh. C. Ma-lan-đin được bổ nhiệm thay V. E. Cli-mốp-xkích làm tham mưu trưởng phương diện quân Tây. Tổng tham mưu trong Gh. C. Giu-cốp được bổ nhiệm làm tư lệnh phương diện quân dự bị. Nguyên soái B. M. Sa-pô-sni-cốp lại trở về Bộ tổng tham mưu. V. M. Dơ-lô-bin được đề bạt làm cục trưởng Cục tác chiến. Ít lâu sau, Ph. E. Bô-cốp, một cán bộ chính trị giàu kinh nghiệm, thay X. C. Cô-dép-nhi-cốp. làm chính ủy Bộ tổng tham mưu.

Rõ ràng là tất cả những sự thay đổi và điều động các cán bộ chỉ huy quân sự này làm cho đầu óc chúng tôi căng thẳng và đôi khi gây nên ý thức phản ứng trong nội bộ. Thêm vào đó do ảnh hưởng của những thất bại tạm thời của chúng ta ngoài mặt trận, một số đồng chí lại mang nặng tính đa nghi quá đáng. Trong một chừng mực nào đó, hiện tượng không lành mạnh ấy đã lan tới cả Bộ tổng tham mưu.

Có lần, một trong số những cán bộ chỉ huy mới được điều về bộ, trong khi xem xét công tác nghiên cứu bản đồ của đại tá A. A. Grư-dơ-lốp, đã gán cho đồng chí này tội thổi phồng sức mạnh của địch. May thay, tổ chức đảng của chúng tôi đã có thái độ khá chín chắn và đã bác cái lối đoán chừng vô lý đó. Trong vấn đề này, đồng chí bí thư chi bộ mới được bầu – đại tá M. N. Bê-rê-din – đã đóng một vai trò quan trọng. Là người thông minh, dũng cảm và là một trợ lý giàu kinh nghiệm nhất, đồng chí biết đoàn kết các đảng viên cộng sản để giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu.

Không phải lúc nào chúng tôi cũng nắm được những tin tức chi tiết về tình hình bộ đội ta. Đó không phải là lỗi lầm mà là tai vạ của chúng tôi. Vả lại, tin tức về quân địch cũng không phải là dễ nắm. Không dùng mẹo thì không được! Tôi nhớ có lần chúng tôi không làm sao nằm được tình hình hai bên trong một khu vực ngoài mặt trận phía Tây. Đường dây liên lạc bị đứt. Lúc ấy, một đồng chí cán bộ trợ lý nào đó đã quyết định gọi điện thoại tới một hội đồng Xô viết xã ở khu vực ấy. Đồng chí chủ tịch hội đồng nói chuyện với chúng tôi.

Chúng tôi hỏi: trong làng đồng chí có bộ đội ta đóng không? Đồng chí đó trả lời không có. Thế bọn Đức? Té ra, bọn Đức cũng không có, nhưng chúng đang đóng ở những làng lân cận, – đồng chí chủ tịch kể tên những làng ấy. Nhờ vậy, trên bản đồ tác chiến mới có được tình hình thật chính xác của hai bên trong khu vực này như sau này đã xác nhận.

Sau đây, mỗi khi gặp khó khăn, chúng tôi đều áp dụng phương pháp chuẩn xác tình hình như vậy. Trong những trường hợp cần thiết, chúng tôi đã hỏi các đảng ủy huyện, ủy ban hành chính huyện, hội đồng Xô-viết xã, và thường được họ cho biết những tin tức cần thiết.

Nhớ lại những tháng đầu chiến tranh, tôi không thể không nói đến việc chúng tôi đã nhiều lần cố gắng tìm cách xin ra đơn vị chiến đấu. Dựa trên cơ sở những tình cảm cao đẹp nhất, nguyện vọng này tự nó là rất cao quý. Nhưng cũng phải có ai làm việc ở Bộ tổng tham mưu chứ. Trong vấn đề này, tổ chức đảng đã phải dùng toàn bộ sức mạnh uy tín của mình để tác động đến mọi người: thuyết phục, giải thích, chứng minh.

Nhưng dẫu sao, người nào kiên tâm hơn thì đôi khi cũng được toại nguyện. Như trường hợp của A. A. Grê-xcô chẳng hạn. Đồng chí làm việc cùng với chúng tôi vỏn vẹn được khoảng hai tuần lễ. Đồng chí đã trực tiếp trình bày yêu cầu của mình với Tổng tham mưu trưởng và được bổ nhiệm làm tư lệnh sư đoàn kỵ binh 34. Chính đồng chí đã thành lập sư đoàn ấy và sau đó đưa sư đoàn ra tiền tuyến.

Còn tôi được điều sang tăng cường cho bộ phận theo dõi hướng Tây-nam. Trên hướng này, quân ta đang kiên cường chiến đấu. Đồng chí Gh. C. Giu-cốp, đại diện của Đại bản doanh, cũng đã có mặt ở đó. Ở khu vực Lút-xcơ, Brô-dư, Rô-vơ-nô, bộ chỉ huy của ta đang tìm cách phản kích tiêu diệt địch và lập mặt trận ổn định. Ngoài bộ binh ra, tham gia cuộc phản kích còn có một số quân đoàn cơ giới, tùy theo mức độ tiếp cận của họ: quân đoàn cơ giới 8 do tướng Đ. I. Ri-a-bư-sép chỉ huy, quân đoàn 9 do C. C. Rô-cô-xốp-xki chỉ huy, quân đoàn 15 do I. I. Các-pe-do chỉ huy, quân đoàn 19 do N. V. Phê-cơ-len-cô chỉ huy, quân đoàn 22 do X. M. Côn-đru-xép chỉ huy.

Bộ đội ta không chặn đứng và đánh tan được quân địch, nhưng trong trận này, tập đoàn quân xung kích của chúng tiến về hướng Ki-ép đã bị suy yếu và bị kìm chân lại.

Tập đoàn quân 5, do thiếu tướng M. I. Pô-ta-pốp chỉ huy, đã giữ vững Pô-lê-xi-ê và vùng lân cận, và như người ta nói, đã trở thành cái gai trước mắt các tướng lĩnh Hít-le. Tập đoàn quân này đã chống địch rất mãnh liệt và gây cho chúng nhiều tổn thất lớn. Quân đội phát-xít Đức ở đây không thể nhanh chóng đột phá mặt trận. Các sư đoàn của Pô-ta-pốp đã đánh bại chúng khỏi tuyến Lút-xcơ – Rô-vơ-nô – Gi-tô-mia và buộc chúng phải từ bỏ cuộc đột kích nhanh chóng vào Ki-ép.

Chúng ta còn giữ được những lời thú nhận đáng chú ý của quân địch. Ngày 19 tháng Bảy, trong chỉ thị số 33, Hít-le đã ghi nhận rằng cuộc tiến quân bên cánh phía Bắc của Cụm tập đoàn quân “nam” đã bị chặn đứng lại vì có sự tăng cường củng cố của Ki-ép và có hoạt động của tập đoàn quân xô-viết 5. Ngày 30 tháng Bảy, Béc-lin lại kiên quyết hạ lệnh: “phải buộc tập đoàn quân đỏ 5 đang chiến đấu trên địa hình đầm lầy ở Tây – Bắc Ki-ép tiếp chiến ở quá phía Tây sông Đni-ép-rơ và phải tiêu diệt nó trong quá trình chiến đấu. Phải kịp thời ngăn chặn nguy cơ để nó đột phá qua Pri-pi-át sang phía Bắc”. Và rồi lại một lần nữa nhấn mạnh: “khi chiếm lại những con đường tiến về Ô-vru-tsơ và Mô-dưa, phải tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn quân Nga 5”.

Bất chấp tất cả những âm mưu ấy của quân địch, bộ đội của M. I. Pô-ta-pôp đã tiếp tục anh dũng chiến đầu. Hít-le nổi điên lên. Ngày 21 tháng Tám, hắn lại ký một văn kiện nữa, bắt Tổng tư lệnh lục quân phải bảo đảm điều động những lực lượng như Cụm tập đoàn quân “trung tâm” đi vào chiến đấu để có thể tiêu diệt được tập đoàn quân Nga 5.

Tập đoàn quân 5 giữ vững trận địa đến hạ tuần tháng Chín năm 1941, rồi về đảm nhận những cuộc chiến đầu ác liệt ở Phía Đông Ki-ép và những tổn thất họ đã phải chịu trong các trận đó thật không phải là vô ích. Mặt trận này đã đặt một trong những viên đá vững chắc đầu tiên vào việc xây nền đắp móng cho những thắng lợi tiếp sau.

Từ ngày 5 tháng Tám, Ô-đét-xa anh hùng hầu như đã giam chân quân địch trong suốt hai tháng rưỡi trời. Đại bản doanh đặc biệt coi trọng vùng này và hạ lệnh: “phải phòng thủ khu vực Ô-đét-xa… cho tới người lính cuối cùng”. Các chiến sĩ bảo vệ thành phố – bộ đội và nhân dân – đã quyết tử. Các trận oanh tạc bằng không quân và những đợt tấn công dữ dội trên bộ đều không thể bẻ gãy được sức kháng cự của tập đoàn quân vùng ven biển, của các thủy thủ Hạm đội Biển Đen và của nhân dân thành phố. Ô-đét-xa đã trở thành thành phố anh hùng và vào những ngày này, cả nước và quân đội đều biết đến tên tuổi của I. E. Pê-tơ-rốp, N. I. Crư-lốp, Gh. C. Giu-cốp cũng như của những người chỉ huy và những người anh hùng khác bảo vệ Ô-đét-xa.

Ngày 30 tháng Mười 1941 bắt đầu công cuộc phòng thủ Xê-va-xtô-pôn. Dồn quân địch ra sát biển, các chiến sĩ xô-viết đã chiến đấu vô cùng gan dạ và dũng cảm hy sinh. Kìm hãm quân địch ở Crưm lúc đó có nghĩa là không để cho chúng vượt qua bán đảo Ta-man vào Cáp-ca-dơ tới vùng dầu mỏ và các vùng tài nguyên vô cùng phong phú khác của nước ta. Khi đó, Đại bản doanh chỉ thị: “Dù thế nào đi nữa cũng không được bỏ Xê-va-xtô-pôn”. Theo truyền thống, chỉ huy khu vực phòng thủ Xê-va-xtô-pôn là tư lệnh Hạm đội Biển Đen, phó đô đốc Ph. X. Ốc-chi-áp-rơ-xki. Chỉ huy quân bộ binh ở Xê-va-xtô-pôn là tướng I. E. Pê-tơ-rốp, tư lệnh tập đoàn quân vùng ven biển được điều từ Ô-đét-xa tới cùng với đơn vị của đồng chí.

Ngày 22 tháng Bảy, máy bay địch bắn phá Mát-xcơ-va lần đầu tiên. Chúng tôi ra phố và thấy hàng trăm ngọn đèn pha đang xẻ rạch khắp bầu trời, ánh lửa pháo cao xạ bừng lên trong khoảng không sâu thẳm.

Trong tầng dưới của tòa nhà Bộ tổng tham mưu đã thiết bị hầm phòng không. Mọi người không có phận sự khi máy bay bắn phá bắt buộc phải xuống đày.

Các gia đình quân nhân bắt đầu sơ tán khỏi Mát-xcơ-va. Sau trận đánh phá đầu tiên này của không quân Đức, tôi gửi mẹ, vợ và hai con mình đi Nô-vô-xi-biếc. Đến nơi nào và đến nhà ai ở đày, tôi cũng không rõ.

Ga Ca-dan tối om. Hàng ngàn người đã tụ tập ở đó. Vát vả lắm tôi mới đưa được gia đình vào trong toa. Tôi phải chuyến con gái mình qua cửa so, vì không tài nào len vào bằng của chính được.

Tôi đã giao cho vợ mình một bức thư gửi trung tướng V M. Dơ-lô-bin, lúc đó làm phó tư lệnh quân khu Xi-bi-ri. Nhưng sau này được biết là vợ tôi đã không gặp được đồng chí Dơ-lô-bin. Xin cảm ơn ban phụ vận của đảng bộ thành phố đã giúp đỡ chúng tôi bằng mọi khả năng của mình, chủ yếu là đã thu xếp cho gia đình tôi có nơi ăn chốn ở hẳn hoi.

Còn ngoài mặt trận, tình hình ngày một nặng nề thêm. Ngày 30 tháng Sáu, ta thành lập Hội đồng quốc phòng Nhà nước, đứng đầu là I. V. Xta-lin. Mọi quyền hạn đều tập trung trong tay Hội đồng quốc phòng Nhà nước. Ngày 10 tháng Bảy, ủy ban quyết nghị thành lập ba Bộ tổng tư lệnh các khu vực mặt trận: khu vực Tây-bắc do C. E. Vô-rô-si-lốp, khu vực phía Tây do X. C. Ti-mô-sen-cô và khu vực Tây-nam do X. M. Bu-đi-on-nưi làm Tổng tư lệnh. Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh chuyển thành Đại bản doanh Bộ tư lệnh tối cao, và ít lâu sau, ngày 8 tháng Tám thành Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao. I. V. Xta-lin được làm Tổng tư lệnh tối cao.

Trong những ngày này, mọi quan tâm và suy nghĩ của chúng ta đều tập trung hướng vào Xmô-len-xcơ. Nhiều lực lượng dự bị đáng kể của quân đội Liên Xô đã được điều động tới khu vực ấy nhằm giam chân quân địch tại đấy, không để cho chúng tiến vào Mát-xcơ-va, bằng cách giáng cho chúng những đòn phản công thấm thía. Và, mặc dù Xmô-len-xcơ đã thất thủ ngày 16 tháng Bảy, các trận chiến đấu vẫn sôi nổi tiếp diễn ở phía Đông thành phố trên một chính diện rộng, đến cuối tuần đầu tháng Chín. Lần đầu tiên, ở đây chúng ta đã sử dụng thành công hỏa tiễn “ca-chiu-sa” rất nổi tiếng sau này.

Ở gần Ên-ni-a, ta đã giáng cho quân địch một đòn thua đau và đã đuổi được chúng ra khỏi vùng này.

Địch tăng cường oanh tạc Mát-xcơ-va. Hầu như đêm nào cũng có báo động. Có khi bom rơi gần Bộ tổng tham mưu. Các hầm phòng không thiết bị trong các tầng dưới bây giờ được sử dụng làm nơi làm việc, và như vậy thật là không thích hợp

Ít lâu sau, có quyết nghị: cứ đêm đến là Bộ tổng tham mưu phải chuyển xuống làm việc tại ga xe điện ngầm “Bê-lô-ru-xi-a”, ở đây đã thiết bị cả sở chỉ huy lẫn trung tâm thông tin.

Từ đó, chiều tối nào chúng tôi cũng thu xếp tài liệu vào va-li rồi đi tới ga “Bê-lô-ru-xi-a”. Sở chỉ huy trung ương làm việc suốt đêm trên một nửa sân ga; còn nửa bên kia ngăn cách với nửa bên này bằng một lớp ván mỏng, cứ sẩm tối là đã chật ních nhân dân Mát-xcơ-va, chủ yếu là đàn bà và trẻ em. Cũng như chúng tôi, họ đã đến đây không cần chờ còi báo động và ngủ cả đêm ở ngay tại đây. Làm việc trong những điều kiện như vậy đương nhiên là rất không tiện; chủ yếu vì ngày nào cũng cứ phải thu dọn và đi lại, lãng phí mất nhiều thời gian vàng ngọc, ảnh hưởng đến nhịp điều làm việc.

Ít lâu sau, chúng tôi không làm như vậy nữa và di chuyển tới một ngôi nhà ở phố Ki-rốp. Ga xe điện ngầm “Ki-rốp” được giao cho chúng tôi hoàn toàn sử dụng. Tàu không dừng lại ở ga đó nữa. Sân ga, nơi chúng tôi làm việc, được ngăn cách với đường sắt bằng một bức tường ván cao. Trung tâm thông tin đặt ở một đầu, trụ sở của Xta-lin ở đầu bên kia, còn ở giữa là những dãy bàn nhỏ để chúng tôi làm việc. Vị trí của Tổng tham mưu trưởng ở bên cạnh trụ sở của Tổng tư lệnh tối cao.

Mùa thu đang đến gần. Sức ép của quân địch rất mạnh. Cả ở Mát-xcơ-va, cả ở Lê-nin-grát và cả ở U-crai-na nữa. Trên khắp các mặt trận.

Lúc này, ta đang có tài liệu khẳng định rằng bộ chỉ huy phát-xít Đức không thể thực hiện việc đánh chiếm Mát-xcơ-va nếu như chúng không chiếm được Lê-nin-grát trước và lập được mặt trận chung với Phần Lan tại phía Bắc và nếu như chúng không đánh tan được cánh quân của chúng ta ở khu vực Ki-ép tại phía Nam.

Ngoài các ý nghĩa thuần túy quân sự, việc đánh chiếm U-crai-na còn có ý nghĩa kinh tế to lớn đối với nước Đức phát-xít. Ngay từ 4 tháng Tám 1941, Hít-le đã họp ở Bô-ri-xốp với các tư lệnh tập đoàn quân thuộc Cụm tập đoàn quân “trung tâm” và đã thông qua phương án về những hành động tiến công tiếp sau. Ngày 23 tháng Tám, chính Hít-le đã họp bàn về vấn đề này. Như vậy là kết quả cuộc chiến đấu ở khu vực mặt trận miền Tây, khu vực chủ yếu lúc này phụ thuộc nhiều hơn bao giờ hết vào tính kiên cường của quân dân Lê-nin-grát và Ki-ép.

Tháng Chín 1941 là một trong những tháng chiến tranh khó khăn nhất đối với chúng ta. Số dân Mát-xcơ-va giảm đi một cách rõ rệt. Nam giới vào bộ đội và các đội dân phòng. Phụ nữ và trẻ em hoặc đã tản cư, hoặc đang đứng máy thay thế cho nam giới. Rất nhiều người tham gia xây dựng công sự ở những cửa ngõ vào thủ đô. Và ngay trong thành phố, trên các đường phố đã xuất hiện những cọc chống tăng, chướng ngại chống tăng và chống bộ binh. Một bộ phận chính phủ rời đi Quy-bư-sép. Các thành viên trong Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh ở lại Mát-xcơ-va.

Việc chuyển nhận tin về tình hình chiến sự lại trở nên xấu đi. Chúng tôi lại phải dùng máy bay XB và Po-2 đi tìm các đơn vị và vị trí các cơ quan tham mưu. Trung tá Gh. V. I-va-nốp, bạn cùng quê bên sông Đôn, bạn cùng học trong hai học viện với tôi, đã bị thương trong một chuyến bay như thế.

Sau khi bay trinh sát trên không được vài giờ, sắp kết thúc chuyến bay thì có 6 chiếc “Mét-xơ-smít” tấn công bổ nhào vào máy bay của đồng chí ấy. Hai chiếc trong số đó bị bắn rơi. Nhưng máy bay của ta cũng bị bắn thủng lỗ chỗ. Năm viên đạn địch xuyên vào người đồng chí I-va-nốp. Đại úy A. X. Ru-đê-vích, chỉ huy máy bay tuy vậy vẫn đưa máy bay được về đến sân bay và hạ cánh xuống đất. Mặc dù bị thương nặng, Ghê-oóc-ghi Va-xi-li-ê-vích vẫn rán sức báo cáo cho ban lãnh đạo Bộ tổng tham mưu biết những tin tức vô cùng quý giá về tình hình mặt trận miền Tây.

Quân đội phát-xít Đức đã đột phá tới Lê-nin-grát. Nhưng bộ đội của phương diện quân Lê-nin-grát, của Hạm đội Ban-tích Cờ đỏ và nhân dân thành phố đã thề không để chiếc nôi của cách mạng rơi vào tay quân thù và đã giữ trọn lời thề ấy. Thành phố vẫn đứng vững, mặc dầu bị bao vây chặt bốn bề.

Bộ đội ta đã giữ vững khu vực quan trọng phía Nam vùng ven vịnh Phần Lan từ Pê-téc-gốp cho đến sông Vô-rôn-ca. Tại đây tập đoàn quân 8 thuộc phương diện quân Lê-nin-grát đã đánh lui quân địch. Họ không chỉ phòng thủ trên cái gọi là mỏm Ô-ra-ni-en-ba-um, mà còn giáng cho quân địch những đòn đau điếng khiến cho chúng phải bật khỏi hướng tấn công chủ yếu của chúng vào Lê-nin-grát.

Kế hoạch của bọn địch định thành lập một mặt trận chung Đức Phần Lan ở đây đã bị phả sản. Tập đoàn quân xe tăng 4 của Đức, lực lượng cơ bản của mũi giáo đâm vào Lê-nin-grát, đã bị đánh bại và suy yếu nặng. Việc này có ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển chiến đầu tiếp sau, vì quân địch có âm mưu đánh chiếm Lê-nin-grát xong, sẽ tung tập đoàn quân xe tăng này về hướng Mát-xcơ-va.

Tình hình ở phía Nam cũng có những nét đặc sắc. Muốn bảo đảm cho cánh phải và cánh Nam của Cụm tập đoàn quân “trung tâm”, cụm quân được chỉ định đánh chiếm Mát-xcơ-va sau này, Hít-le buộc phải tạm thời chuyển tập đoàn quân xe tăng 2 của Gu-đê-ri-an từ hướng Mát-xcơ-va sang hướng Ki-ép. Trong tháng Chín, tập đoàn quân này đã cùng với tập đoàn quân xe tăng của Clai-xtơ, các tập đoàn quân 2, 6, 17 và rất nhiều đơn vị không quân đã tìm cách đánh chiếm thủ đô U-crai-na. Song cả ở đây nữa, chúng đã vấp phải một sức kháng cự ngoan cường. Trên tuyến phòng ngự mà nhân dân Ki-ép đã chuẩn bị sẵn dọc theo sông Iếc-pen, các đơn vị Liên Xô sau khi rút về đã cùng với tập đoàn quân 37 mới thành lập và các đội dân phòng chiến đấu quyết tử trong 70 ngày liền.

Quân địch buộc phải tránh những cuộc đột kích chính diện, bày mưu tính kế và tìm những khoảng trống trong đội hình bố trí của bộ đội ta. Mãi đến 15 tháng Chín, xe tăng của Gu-đê-ri-an và Clai-xtơ mới từ phía Bắc và phía Nam đi vòng qua được Ki-ép và cuối cùng gặp nhau ở khu vực Lô- khơ-vi-txa. Chừng một phần ba lực lượng của các tập đoàn quân 5, 37, 26 và một bộ phận của các tập đoàn quân 21, 38 bị bao vây trong một không gian rộng ở phía Đông Ki-ép.

Bộ tư lệnh phương diện quân Tây-nam cũng hoàn toàn chịu chung hoàn cảnh hiểm nghèo với những người đang bị bao vây. Các đồng chí đã chiến đấu đến cùng. Thượng tướng tư lệnh M. P. Kiếc-pô-nô-xơ, trung tướng tham mưu trưởng V. I. Tu-pi-cốp, các ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân: bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản (bôn-sê-vích) U-crai-na M. A. Buốc-mi-xten-cô và chính ủy sư đoàn E. P. Rư-cốp -đều hy sinh. Tư lệnh tập đoàn quân M. I. Pô-ta-pốp đã bị thương nặng và một số tư lệnh các binh đoàn bị bắt làm tù binh. Trưởng ban tác chiến phương diện quân, thiếu tướng I. Kh. Ba-gra-mi-an, dẫn được một số cán bộ tham mưu thoát khỏi vòng vây.

Các trận chiến đấu ở khu vực Ki-ép, cũng như cuộc phòng ngự kiên cường của quân dân Lê-nin-grát và Ô-đét-xa, đã có vai trò tích cực của nó: tập đoàn quân xe tăng 2 của Đức, tập đoàn quân được chỉ định làm nhiệm vụ tổng tiến công vào Mát-xcơ-va, đã bị tổn thất lớn. Ngoài ra, cuộc chiến đấu của Ki-ép đã kìm hãm tốc độ triển khai vũ bão của quân địch ở ngay trên chính hướng Tây-nam, và đã cho phép chúng ta tranh thủ được thời gian chuẩn bị phòng ngự trên những tuyến mới. Để ghi nhớ xứng đáng công lao của các chiến sĩ bảo vệ Ki-ép, thủ đô U-crai-na đã được phong tặng danh hiệu thành phố anh hùng.

Cũng trong thời kỳ này, chúng ta đã một lần nữa cải tổ lại các cơ quan chỉ huy quân đội. Kinh nghiệm thành lập ở những Bộ tổng tư lệnh theo các khu vực mặt trận không được xác nhận. Các cơ quan này đã tỏ ra là khâu trung gian không cần thiết giữa Đại bản doanh và các phương diện quân. Các Bộ tổng tư lệnh này không có quyền quyết định trong những vấn đề quan trọng. Những chủ trương của họ chỉ có thể được thực hiện khi có sự phê chuẩn của Đại bản doanh. Vì không có cơ quan tham mưu hoàn chỉnh, không có phương tiện thông tin liên lạc, không có lực lượng dự bị, các Bộ tổng tư lệnh không thể thiết thực tác động tới quá trình tác chiến, nên trong vòng tháng Tám và tháng Chín đã bãi bỏ các cơ quan đó.

Ít lâu sau, một số Bộ tổng tư lệnh như vậy đã được tạm thời khôi phục lại (như Bộ tổng tư lệnh miền Tây, từ 1 tháng Hai đến hết ngày 5 tháng Năm 1942, và Bộ tổng tư lệnh miền Tây-nam, từ 24 tháng chạp 1941 đến hết ngày 23 tháng Sáu 1942), thậm chí còn được thành lập mới (Bộ Tổng tư lệnh miền Bắc Cáp-ca-dơ, từ 26 tháng Tư đến hết ngày 20 tháng Năm 1942), nhưng về sau thực tế chiến đấu đã hoàn toàn bác bỏ những cơ quan này.

Đến cuối tháng Chín 1941, tình huống chiến dịch – chiến lược hoàn toàn không có lợi cho chúng ta. Quân đội phát-xít Đức đã tiến sát tới Lê-nin-grát. Trên mặt trận hướng Tây, chúng đã chiếm được Vi-tép-xcơ và Xmô-len-xcơ. Ở phía Nam, chúng đã tới tuyến Mê-li-tô-pôn, Da-pô-rô-giê, Cra- xnô-grát. Chúng tôi liên tục nhận được những tin tức về tình hình điều động và tập trung lực lượng của quân địch ở những khu vực Đu-khốp-si-na, I-ác-txê-vô, Xmô-len-xcơ, Rô-xláp, Sô-xtơ-ca, Glu-khốp.

Không nghi ngờ gì nữa, chúng đang chuẩn bị tiến công thẳng vào Mát-xcơ-va. Bộ tổng tham mưu được biết rằng Hít-le giao nhiệm vụ thực hiện cuộc tiến công này cho Cụm tập đoàn quân “trung tâm” dưới quyền chỉ huy của thống chế Bốc, có hơn một triệu quân, 1.700 xe tăng và pháo cường kích và được một lực lượng không quân mạnh chi viện. Những số liệu ấy, sau này đã được xác nhận.

Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao đã quyết định những đối sách thích hợp. Chủ lực của phương diện quân dự bị mới được thành lập hồi tháng Bảy, đã được bố trí ở phía sau phương diện quân Tây, do đó đã tăng cường được chiều sâu phòng ngự. Một số sư đoàn tự vệ nhân dân Mát-xcơ-va, gần những người tình nguyện, đã được điều đi hoạt động ở những của ngõ xa thủ đô.

Ở sâu trong đất nước, ta đang tiến hành một cách tuyệt mật việc xây dựng và huấn luyện những tập đoàn quân dự bị, mà chỉ các ủy viên trong Đại bản doanh và một vài người có liên quan trong Bộ tổng tham mưu mới được biết. Ta đã chuẩn bị điều từ vùng Da-bai-can và Viễn Đông sang phía Tây một số sư đoàn được huấn luyện kỹ. Ta đang đẩy mạnh việc xây dựng các khu vực phòng ngự kiên cố ở Via-dơ-ma và Mô-giai-xcơ. Ta đã xây dựng cái gọi là khu vực phòng thủ Mát-xcơ-va, gồm nhiều tuyến bao quanh thủ đô tại những cửa ngõ gần nhất và ở các vùng ngoại ô, và cuối cùng ở ngay giữa thành phố đến tận vòng cung Bu-lơ-va.

Đại bản doanh cử đại diện xuống các đơn vị để nghiên cứu tại chỗ mọi chi tiết của tình hình, hỏi ý kiến các bộ tư lệnh các tập đoàn và binh đoàn tác chiến xem làm thế nào để giải quyết tốt hơn những vấn đề cơ bản của công cuộc phòng ngự Mát-xcơ-va. Tháng Mười, A. M. Va-xi-lép-xki đã từ Bộ tổng tham mưu ra mặt trận miền Tây cùng với phái đoàn của Đại bản doanh.

Các tổ chức đảng ở Mát-xcơ-va, Tu-la và nhiều thành phố khác tiếp giáp với thủ đô trên những hướng dự kiến địch sẽ đột kích, đã phát động nhân dân giúp đỡ bộ đội. Ngày càng nhiều người tình nguyện gia nhập đội dân phòng và các đội xung kích, các đội chống cháy và những tổ chức quân sự hóa khác. Công nghiệp được tổ chức lại nhằm sản xuất đạn dược và những sản phẩm quân sự khác.

Hồi đó, toàn thể công dân xô-viết, từ trẻ đến già, đã thể hiện ở khắp nơi chủ nghĩa anh hùng tập thể thực sự. Nhưng chẳng hiểu tại sao, tôi đã đặc biệt ghi nhớ hành động anh hùng của chiến sĩ Hồng quân Tê-tê-rin A-léc-xây Va-xi-li-ê-vích. Người thanh niên đáng mến này quê ở làng Kha-ri-nô, tỉnh Ri-a-dan, mới vào bộ đội mùa xuân năm ấy và phục vụ trong tiểu đoàn bảo vệ Bộ dân ủy quốc phòng.

Từ ngày địch tăng cường những cuộc ném bom ban đêm vào Mát-xcơ-va, tiểu đoàn này nhận thêm nhiệm vụ chống cháy do những bom cháy của địch gây ra. Đêm 20 rạng ngày 21 tháng Chín, một quả bom cháy đã xuyên qua mái nhà Bộ tổng tham mưu rồi rơi xuống trần nhà. Tê-tê-rin lấy mũ sắt ra dập lửa nhưng những tia chất đốt cứ tiếp tục bay ra khắp tứ phía, đe dọa đốt cháy tẩt cả. Tê-tê-rin liền nằm đè lên trái bom và cuối cùng dập tắt được nó. Đồng chí đã hy sinh vì bị bỏng nặng, nhưng đã cứu được mục tiêu do đồng chí bảo vệ.

Cuối tháng Chín, trong Cục tác chiến chúng tôi có buổi sinh hoạt đảng thường kỳ. Mặc dầu công tác cực kỳ bận, hầu hết đảng viên, kể cả Tổng tham mưu trưởng B. M. Sa-pô-sni-cốp, đều có mặt. Hội nghị thảo luận một vần đề duy nhất: “tình hình hiện nay và nhiệm vụ của người cộng sản”. Báo cáo viên là đồng chí A. M. Va-xi-lép-xki.

Va-xi-lép-xki không tô hồng tình hình. Đồng chí tuyên bố thẳng là tình hình cực kỳ nghiêm trọng, đòi hỏi mỗi người phải cống hiến tất cả sức lực của mình và có thể cả sinh mệnh nữa. Sau này còn có thể khó khăn hơn. Nhưng chớ có nản lòng. Lê-nin-grát sẽ kiên cường đứng vững, quân địch không thể tiến qua nơi đây, điều đó cho phép chúng ta nghĩ rằng, sẽ không xuất hiện một mặt trận mới nào nữa ở phía Bắc Mát-xcơ-va và những lực lượng dự bị mà chúng ta chuẩn bị vẫn còn được giữ nguyên vẹn.

Từng lời, từng chữ của bản báo cáo đều thấm đượm lòng tin sâu sắc vào thắng lợi cuối cùng của chúng ta, vào sự sáng suốt của Đảng và Chính phủ Liên Xô. Cuộc hội nghị này là một trong những hồi ức sâu sắc nhất của tôi về thời kỳ ấy, nó cung cấp cho tôi và tất cả các đồng chí trong cơ quan tôi một liều thuốc mạnh về tinh thần lạc quan và lòng dũng cảm.

Ngày 30 tháng Chín, quân thù bắt đầu tổng tiến công vào Mát-xcơ-va. Chiến dịch đẫm máu to lớn đã được triển khai. Ngay đầu tháng Mười, các tập đoàn xung kích của quân đội phát-xít Đức đã thọc sâu được vào tuyến phòng ngự của chúng ta trên một số hướng. Ngày 3 tháng Mười, xe tăng địch đột phá Ô-ri-ôn. Chúng chiếm được Bri-an-xcơ ngày 6 tháng Mười, Ca-lu-ga ngày 12 tháng Mười.

Đại bộ phận binh lực của các tập đoàn quân 19, 20, 24, 32 và một sò đơn vị thuộc các phương diện quân Tây, phương diện quân dự bị và phương diện quân Bri-an-xcơ bị bao vây gần Vi-a-dơ-ma và trong khu vực Tơ-rúp-trép-xcơ. Tuy nhiên, các đơn vị này đã chiến đấu quyết liệt trong vòng vây và thu hút được về phía minh 28 sư đoàn địch trong gần hai tuần lễ.

Cuộc chiến đấu quên mình của bộ đội xô-viết ở khu vực Vi-a-dơ-ma dưới quyền chỉ huy của tướng M. Ph. Lu-kin, nguyên là tư lệnh thành phố Mát-xcơ-va, còn có ý nghĩa quan trọng về mặt khác nữa: nó giúp chúng ta tranh thủ được thời gian cần thiết để bố trí bộ đội trên hai tuyến phòng ngự ở Mô-giai-xcơ và hoàn thành công cuộc chuẩn bị cuối cùng trên những của ngõ khác vào thủ đô.

Cống hiến của Tu-la cũng thật vô giá. Những đơn vị phái đi trước của tập đoàn quân xe tăng Gu-đê-ri-an đã đột phá được tới đây hồi cuối tháng Mười. Nhưng mọi âm mưu của chúng nhằm chiếm thành phố đã bị phá tan. Nhân dân đã cùng với Hồng quân đứng lên bảo vệ thành phố. Trung đoàn công nhân Tu-la đã được thành lập, đứng đầu là trung đoàn trưởng A. P. Goóc-scốp và chính ủy G. A. A-ghê-ép. Bọn Hít-le uy hiếp thành phố bằng hỏa lực pháo binh và súng cối. Đã có những ngày tình hình trở nên tuyệt vọng. Song, tính kiên cường và lòng dũng cảm của những người bảo vệ Tu-la đã tỏ ra vững chắc hơn sắt thép của quân Đức.

Khi triển khai chiến dịch bảo vệ Mát-xcơ-va, các cán bộ Bộ tổng tham mưu đã thường xuyên ra mặt trận để nắm sát thêm tình hình và kiểm tra việc thực hiện các chỉ thị của Đại bản doanh. Các đồng chí M. N. Sa-rô-khin, V. V. Cu-ra-xốp, Ph. I. Sép-tsen-cô thường đi như vậy. Còn đồng chí A. M. Va- xi-lép-xki thì hấu như lúc nào cũng có mặt ở Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao.

Vào nửa đầu tháng Mười, tình hình đặc biệt đáng lo ngại. Người ta đã nói tới số phận của Mát-xcơ-va. I. V. Xta-lin triệu hồi Giu-cốp từ mặt trận Lê-nin-grát về, nơi đây quân địch cũng đã áp sát thành phố. Ghê-oóc-ghi Côn-xtan-ti-nô-vích được giao nhiệm vụ chỉ huy các đơn vị phương diện quân Tây; cơ quan tham mưu của phương diện quân này đóng ở A-la-bi-nô và sau đó chuyền về Péc-khu-scô-vô.

Đầu tháng Mười một, quân thù đã bị chặn đứng lại trên khắp các hướng. Đợt tổng tiến công đầu tiên của quân Đức vào Mát-xcơ-va đã bị đánh lui.

Để bảo đảm chỉ huy bộ đội thật vững chắc trong bất cứ tình huống nào, Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao quyết định chia Bộ tổng tham mưu thành hai bộ phận: một bộ phận nhỏ ở lại Mát-xcơ-va dưới sự lãnh đạo của A. M. Va-xi-lép-xki, còn bộ phận kia, gồm biên chế cơ bản của Bộ tổng tham mưu, thì cần được bố trí ở ngoại vi thủ đô. Tiến hành việc di chuyển có hai đoàn tàu, một do đồng chí Ph. I. Sép-sen-cô chỉ huy và một do tôi.

Sáng 17 tháng Mười, chúng tôi bắt đầu chở các két sắt lên toa xe. Đoàn tàu định khởi hành vào lúc 19 giờ. Chỉ có giấy phép mới đến được chỗ đoàn tàu chúng tôi. Song, nhân dân đã tụ tập quá đông ở sân ga. Bất ngờ có một công dân bước đền, nhờ tôi giúp đỡ và tự giới thiệu: – Nhà văn Đức chống phát-xít Vi-li Brê-đen.

Tôi không thể bố trí ông ta vào đoàn tàu của Bộ tổng tham mưu, nhưng đã cố gắng thu xếp cho ông ta lên được đoàn tàu quân y cũng khởi hành từ ga này về hậu phương của đất nước.

Trong đoàn tàu có đồng chí B. M. Sa-pô-sni-cốp cùng đi M. N. Sa-rô-khin giải quyết cho vợ chồng nhà văn Pháp nổi tiếng Rô-manh Rô-lăng ở một ngăn riêng. Đồng chí Tổng tham mưu trưởng biết chuyện đó liền mời họ tới chỗ mình và trò chuyện hồi lâu với họ. Đến Goóc-ki thì hai vợ chồng Rô- mang xuống tàu.

Ngày 18 tháng Mười, chúng tôi đền địa điểm đã định. Nhưng đến sáng 19, tôi phải vội vã quay trở lại ngay. Theo dự định, tôi phải ở lại Mát-xcơ-va với bộ phận đồng chí A. M. Va-xi-lép-xki

Tôi trở về không phải bằng xe lửa mà bằng ô-tô. Tôi về đến gần Mát-xcơ-va trong đêm, đúng lúc máy bay địch đang bắn phá ác liệt. Thủ đô sừng sững trước mặt tôi, nghiêm nghị và hùng vĩ trong ánh hào quang của hóa pháo các màu. Hàng chục đèn chiếu giống như những con dao găm sắc xanh đang chọc thủng màn đêm. Đạn pháo cao xạ bùng nổ, tỏi ánh sáng đỏ rực rồi vụt tắt. Trên các vị trí chiến đấu của pháo binh, những ánh chớp đỏ tía lay động cả chân trời.

Đường về thẳng Mát-cơ-va bị chặn, thế là chúng tôi đành phải đi qua Lê-phoóc-tô-vô là nơi rất đỗi quen thuộc với tôi. Khi xưa, tôi bắt đầu cuộc đời quân ngũ chính ở nơi này rồi trải qua những năm tháng học ở học viện và giờ đây bất giác tất cả những sự kiện nay lại hiện lên trong ký ức tôi…

Mùa xuân năm 1925 tôi rời làng Cô-dắc U-ri-u-pin-xcai-a (nay là thành phố U-ri-u-pin-xcơ thuộc tỉnh Vôn-gô-grát) lên Mát-xcơ-val. Ông tôi và cha tôi, vốn sinh trưởng ở làng Cô-dắc ấy, cũng giống như tất cả những người dân Cô-dắc vùng sông Đôn, đều mang họ có vần “ôp” đằng sau – Stê-men-cốp. Nhưng đến năm 1916, sau khi cha tôi mất, mẹ tôi bèn đi theo họ U-crai-na – Xtê-men-cô. Tại U-ri-u-pin-xcơ, tôi đã theo học ba mùa đông ở trường xứ đạo và ngay sau cách mạng, tôi đã tốt nghiệp trường cấp hai. Cuộc sống lúc bấy giờ thật khó khăn. Sau khi bàn bạc, gia đình quyết định để tôi và một người em cùng mẹ khác cha “đi làm mướn”. như hồi đó người ta vẫn gọi. Ở Nô-vô-tséc-cát-xcơ và Rô-xtốp đều chẳng có ai để bấu víu cả, còn ở Mát-xcơ-va thì có em gái của bố dượng. Chính điều này đã khiến tôi chọn thành phố ấy làm nơi kiếm sống.

Dĩ nhiên, một cậu thanh niên 18 tuổi như tôi – tiện thể xin nói thêm là lần đầu tiên được xỏ chân vào một đôi giày thực sự – rất muốn học, muốn “làm nên”, muốn trở thành một nhà nông học. Nhưng đâm vào chỗ nào cũng đều thấy rằng học lúc này thì chưa nên: người ta không hứa sẽ cấp học bổng, ký túc xá thì tồi tàn, lại không do cơ quan nào cử đi học cả.

Cho tới cuối mùa thu năm 1925 tôi đành phải làm các công việc như xẻ củi, khuân gạch trên công trường xây dựng Sở điện báo trung ương ở phố Tơ-véc-xcai-a (nay là phố Goóc-ki), bốc vác… Tóm lại là làm những công việc xin được ở sở lao động gần Cổng đỏ. Còn tình hình chốn ở của tôi thì cũng đại loại như vậy: lúc đầu thì ở trên tầng hầm sát mái của một kho ướp lạnh, nơi làm việc của ông chủ, sau đó thì lại ở trong căn phòng tu sĩ của một gác chuông nhà thờ, hồi ấy là nhà cầm đồ của thành phố…

Tôi còn đang không biết số phận mình sau này sẽ ra sao thì bỗng xảy đến một chuyện. Qua một bức thư nhà, tôi được biết là cái anh chàng ở cùng phố Ôn-khốp với chúng tôi có về phép, hồi tôi còn ở nhà thì anh ta được gọi nhập ngũ, bây giờ thì đang học ở Trường kỵ binh Tơ-véc-xcai-a. Chính anh ấy có nói rằng người ta bảo sẵn sàng tuyển nhận những người như tôi và anh ấy bảo tôi đến.

Triển vọng trở thành lính kỵ binh rất hợp ý tôi. Tôi bèn đến phòng quân vụ để hỏi xem sao. Ở đó người ta nói rằng nếu tôi muốn vào học trường quân sự thì được thôi: hiện đang có đợt tuyển sinh vào Trường bộ binh Mát-xcơ-va mang tên M. I-u. A-sen-bre-ne-rơ. Tôi không biết A-sen-bre-ne-rơ là ai, song vào bộ binh thì tôi không muốn: ở làng họ sẽ cười cho…

Tôi đấu tranh tư tưởng mấy ngày liền, tuy vậy vẫn quyết định thăm dò xem thế nào. Tôi tìm được trường bộ binh đó ở Lê-phoóc-tô-vô, phố Cra-xnô-ca-dác-men-nai-a. Nhưng gần đây cũng có hai trường nữa – Trường pháo binh Mát-xcơ-va mang tên L. B. Cra-xin và Trường công binh. Công binh lúc bấy giờ thì tôi chẳng thích lắm. Còn ở trường pháo binh thì tôi được biết rõ rằng ở đây đào tạo các cán bộ chỉ huy trung đội cho kỵ (!) pháo binh và phải học 4 năm.

Không lấy gì làm tiếc cho lắm, tôi liền từ bỏ ước mơ trước đây là học để trở thành nhà nông học và nộp đơn xin vào trường pháo binh.

Hy vọng được vào học quả là mỏng manh. Vì dĩ nhiên là trong một năm rưỡi phiêu bạt, tôi chẳng sờ gì đền sách vở và quên nhiều, mà tất cả chỉ còn có một tháng là đến kỳ thi. Nhưng, như người ta thường nói, chỉ cần có ý nguyện là được. Tháng Mười 1926, tôi và anh bạn cùng làng, Pi-ốt Va-xi-li-ép. trở thành học viên Trường pháo binh Mát-xcơ-va. Hai chúng tôi được phân vào khẩu đội kỵ binh núi số 3, điều đó khiến chúng tôi rất hài lòng…

Năm 1933, tôi lại có dịp đến Lê-phoóc-tô-vô, lúc này là học viên Học viện mô-tô cơ giới của Hồng quân công nông, một học viện mới được thành lập.

Bấy giờ ở học viện có 3 khoa: kỹ sư chỉ huy, vận hành và công nghiệp. Tôi học ở khoa kỹ sư chỉ huy, về sau đổi tên thành khoa chỉ huy, chuyên đào tạo các cán bộ chỉ huy xe tăng: Các môn quân sự được dạy rất sâu và phải nói rằng rất hấp dẫn nữa. Chiến thuật, nghệ thuật tác chiến, lịch sư quân sự, địa lý quân sự, nghiên cứu và điều khiển xe tăng là những môn học tôi ham thích. Chúng tôi rất coi trọng môn toán cao cấp, cơ học, vật lý học, nhiệt động lực học và các môn xã hội.

Ngoài ra, chúng tôi còn học một ngoại ngữ, môn quân chính và các môn học khác nữa. Và chúng tôi cũng rất hăng say chơi thể thao. Tôi dứt khoát thay ngựa bằng xe mô-tô, nhất là học viện lại tham gia duyệt binh trong những ngày lễ bằng xe mô-tô nữa. Thậm chí sang năm học thứ hai, tôi còn tham dự cuộc đua mô-tô Mát-xcơ-va – Khác-cốp – Mát-xcơ-va. Trong thời gian thực tập thường kỳ, tôi được cấp bằng chứng nhận phi công – quan trắc.

Tôi vẫn sống ở đây, ở Lê-phoóc-tô-vô. Năm đầu tôi ở ký túc xá. Năm thứ hai, tôi được cấp một căn phòng 9 mét vuông và đưa gia đình từ Ki-ép về ở. Mẹ tôi ngủ trên giường, tôi và vợ ngủ trên sàn, còn cháu bé gái của chúng tôi thì ngủ trong máng giặt đặt cạnh chỗ chúng tôi. Vì vậy, khi một năm sau, chúng tôi được dọn đến ở trong một căn phòng rộng hơn của khu nhà do bản thân mình tham gia xây dựng trên miếng đất của học viện, thì cũng thấy vô cùng đàng hoàng lắm rồi.

Cùng ở và học với chúng tôi trong những năm ấy có những học viên sau này trở thành những tướng lĩnh nổi tiếng như I. Đ. Tséc-ni-a-khốp-xki, A. A. Ê-pi-sép, P. P. Pô-lu-bôi-a-rốp, G. N. Ô-ren, nhà chế tạo xe tăng Gi. I-a. Cô-tin, G. X. Xi-đô-rô-vích và nhiều đồng chí khác…

Mải chìm đắm trong hồi tưởng, tôi không nhận thấy là ô tô đã đi qua Lê-phoóc-tô-vô từ lâu rồi và sắp đến Ki-rốp..

Cuộc sống trong nhóm tác chiến (tức bộ phận thứ nhất của Bộ tổng tham mưu, theo cách gọi của các đồng chí khác) có đặc điểm là hết sức căng thẳng. Chúng tôi hoàn toàn mất khái niệm về ngày và đêm. Chúng tôi có mặt cá ngày lẫn đêm tại vị trí công tác. Nhưng vì không ngủ cũng không được nên người ta đã đưa một đoàn tàu lại ga xe điện ngầm cho chúng tôi dùng làm chỗ ngủ. Thoạt đầu chúng tôi ngủ ngồi. Về sau, các đồng chí mang đến cho chúng tôi các toa xe có chỗ nằm, lúc đó chúng tôi mới thực sự ngả lưng được.

Xta-lin xuống phòng làm việc của mình ở dưới hầm chỉ khi nào báo động phòng không. Phần lớn thời gian đồng chí ở căn nhà dành riêng cho đồng chí trong sân một ngôi nhà lớn được dùng làm trụ sở của Bộ tổng tham mưu trên đường phố Ki-rôp. Đồng chí làm việc và nghe các báo cáo tại đây.

Địch ngày càng tăng cường oanh tạc Mát-xcơ-va. Máy bay địch lao từng chiếc một vào thủ đô, không phải chỉ vào lúc đêm tối mà cả ban ngày nữa. Đêm 28 rạng ngày 29 tháng Mười, một trái bom phá đã rơi trúng sân ngôi nhà chúng tôi. Mấy chục xe bị phá hủy, ba đồng chí lái xe bị chết và 15 cán bộ chỉ huy bị thương. Một số bị thương nặng. Trung tá I. I. In-tren-cô, trực ban Bộ tổng tham mưu, bị hơi bom hất tung ra ngoài. Lúc rơi xuống, đồng chí bị thương ở mặt. Còn các đồng chí khác bị thương chủ yếu vì mảnh kính vỡ và các khung cửa bật ra văng vào. Trong số bị thương có A-lếch-xan-đrơ Mi-khai-lô-vích Va-xi-lép-xki, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục làm việc.

Lúc bom nổ, tôi đang đi ngoài hành lang. Khi tôi biết chuyện gì xảy ra thì mối nguy hiểm đã qua rồi. Ngôi nhà bị rung chuyển mạnh như trong một cuộc động đất (tôi đã nếm mùi động đất năm 1927 ở Crưm). Tôi nghe thấy tiếng kính rơi loảng xoảng ở trước mặt và sau lưng, cánh cửa đập mạnh. Những cửa ra vào đã khóa cũng bật tung ra. Sau đó, cảnh im lặng ngự trị trong khoảnh khắc – một cảnh im lặng sâu thẳm đối với tôi. Sau đó, tai tôi bắt đầu phân biệt được tiếng lục bục của pháo cao xạ với tiếng lạo xạo của mảnh kính vỡ dưới chân những người bị thương đang bước ra khỏi buồng.

Sau sự kiện này, chúng tôi chuyển hẳn xuống ga xe điện ngầm. Trong năm ngày, không có thức ăn nóng vì nhà ăn và nhà bếp của chúng tôi bị hư hỏng nặng. Trong lúc chờ sửa chữa lại hai nơi này, chúng tôi phải dùng bánh mì nguội.

Chúng tôi đã sống và làm việc như vậy trong những ngày có lẽ là nguy ngập nhất của chiến tranh, những ngày đầy buồn phiền và chứa chan hy vọng vĩ đại. Có điều cay đắng là xe tăng và bộ binh phát-xít Đức đã tiến tới những nơi thiêng liêng mà trước chiến tranh, người Mát-xcơ-va vẫn đến dạo chơi ngày chủ nhật. Nhưng chúng tôi vẫn giữ vững lòng tin, vẫn thấy rằng: đối với phát-xít Đức thì đó chỉ là “những thắng lợi theo kiểu Pi-rơ” (Năm 280 trước Công nguyên, Pi-rơ, vua nước E-pia, đã thắng quân La-mã ở Hê-ra-clê-a và đến năm 279 trước công nguyên lại thắng ở A-u-xcu-lum nhưng phải trả giá bằng những tổn thất rất lớn. Từ đó mà có lời nói “những thắng lợi theo kiểu Pi-rơ”. Tác giá dùng thành ngữ này ý muốn nói: thắng lợi của phát-xít Đức chỉ là tạm thời, thực ra trong đó đã mang những yếu tố thất bại cơ bản. – ND.). Quân thù đang thở hơi cuối cùng sặc sụa trong dòng máu của bản thân chúng. Và tất cả chúng tôi đều hy vọng rằng, rốt cuộc bọn chúng sẽ bị đánh tan tác ở chính nơi đây.

Tình hình lúc này thật vô cùng phức tạp và chứa đầy mâu thuẫn, nhưng tổng hợp các số liệu về tình hình lại thì thấy nó đơn giản hơn nhiều, ít ra là trên hướng chủ yếu. Thông thường cứ sáng sớm, mấy sĩ quan trợ lý lên xe đi tới Péc-khút-scô-vô, nơi đóng quân của cơ quan tham mưu phương diện quân Tây, đến tất cả các cơ quan tham mưu của các tập đoàn quân đóng cách xa Mát-xcơ-va khoảng chừng 20-30 ki-lô-mét. Và, trên bản đồ công tác của cục trưởng Cục tác chiến, toàn bộ tình huống đã được chuẩn xác đến những chi tiết nhỏ nhất.

Ngày 6 tháng Mười một, cũng như thường lệ, Mát-xcơ-va vẫn tổ chức cuộc mít-tinh trọng thể của nhân dân lao động. Chỉ có điều là không làm ở Nhà hát lớn, mà tổ chức trên sân ga xe điện ngầm “Mai-a-cốp-xcai-a”. Sáng 7 tháng Mười một, vẫn cử hành cuộc duyệt binh truyền thống trên Quảng trường Đỏ. Cuộc duyệt binh này được chuẩn bị hết sức bí mật. Ngay những người tham gia duyệt binh cũng không được biết trước là họ tập dượt để làm gì. Có nhiều ý kiến phỏng đoán khác nhau, nhưng phần lớn đều cho rằng làm như vậy tức là “các phân đội đang được gắn lại với nhau” trước khi ra tiền tuyến.

Chỉ huy cuộc duyệt binh này là tướng P. A. Ác-tê-mi-ép, lúc ấy đang giữ chức tư lệnh bộ đội quân khu Mát-xcơ-va và chỉ huy vùng phòng ngự Mát-xcơ-va. Chỉ huy dàn nhạc là chủ nhiệm quân nhu V. A. A-gáp-kin, trưởng đội quân nhạc của sư đoàn mang tên Đdéc-gin-xki, tác giả bài hành khúc nổi tiếng “Từ biệt cô gái Xla-vơ) từ năm 1912 đã làm rung động lòng người. Sáng hôm đó, bài hành khúc ấy cũng vang lên trên Quảng trường Đỏ.

Tại lễ duyệt binh có một không hai trong lịch sử này, đồng chí Tổng tư lệnh tối cao đã căn dặn bộ đội như sau:

“Toàn thế giới đang coi các đồng chí là lực lượng có khả năng tiêu diệt bọn giặc Đức xâm lược. Nhân dân các nước bị nô dịch ở châu Âu sống dưới ách thống trị của quân Đức xâm lược, đang coi các đồng chí là những người giải phóng cho họ. Các đồng chí được giao phó một sứ mệnh vĩ đại, sứ mệnh giải phóng. Các đồng chí hãy tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh ấy!”

Diễn văn của Xta-lin được kết thúc bằng câu chúc:

“Trong cuộc chiến tranh này, mong các đồng chí hãy noi theo tấm gương dũng cảm của cha ông vĩ đại của chúng ta, như A-lếch-xan-đrơ Nép-xki, Đơ-mi-tơ-ri Đôn-xcôi, Cu-dơ-ma Mi-nhin, Đơ-mi-tơ-ri Pô-gia-rơ-xki, A-lếch-xan-đrơ Xu-vô-rốp, Mi-khai-in Cu-tu-dốp! Mong các đồng chí hãy xiết chặt đội ngũ dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Lê-nin vĩ đại!”

Xta-lin phát biểu nhân danh Đảng, nhân danh Chính phủ Liên Xô và những lời kêu gọi ấy như hồi kèn tiến quân vang vọng khắp nước.

Đúng một tuần lễ sau, bọn Hít-le lại mở đợt tiến công mới vào Mát-xcơ-va. Lần này, đòn đột kích chủ yếu của chúng hướng vào dải phòng ngự của tập đoàn quân 30 thuộc phương diện quân Ca-li-nin và tập đoàn quân 16 thuộc phương diện quân Tây. Các trận chiến đấu kéo dài cho tới tháng Chạp.

Song, quân địch vẫn chưa giành được kết quả nào gọi là đáng kể. Cánh phải của chúng chỉ tiến được tới Ca-si-ra, còn cánh trái tiến đến con sông đào Mát-xcơ-va – Vôn-ga trong khu Y-a-khơ-rô-ma. Bọn chúng thậm chí đã vượt được sông tại một điểm nhưng liền bị đánh bật trở lại ngay. Còn trên tuyến Cô-na-cô-vô, Đơ-mi-tơ-rốp, Đe-đôp-xcơ Cu-bin-ca, Xéc-pu-khôp, Tu-la, Xe-re-bri-a-nư-e Pru-dơ, quân đội phát-xít Đức đã hoàn toàn bị kiệt quệ và bị chặn đường. Thế là đợt tiến công thứ hai của bọn Hít-le vào Mát- xcơ-va cũng bị thất bại nốt.

Trong lúc đó thì các lực lượng dự bị của Đại bản doanh được bảo toàn nguyên vẹn đang tiến đến thủ đô. Ở phía Bắc thủ đô đã xuất hiện tập đoàn quân xung kích 1 và tập đoàn quân 20, ở phía Đông – Nam thủ đô có tập đoàn quân 10, 61 và cả quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 nữa. Một số tập đoàn quân mới, dồi dào sinh lực, đã được điều tới những khu vực khác của mặt trận Xô – Đức, tới những nơi quân địch còn đang tiếp tục gây sức ép.

Lúc đó, kế hoạch được phác thảo như sau: dự định lúc đầu đánh các cụm quân địch ở Ti-khơ-vin và Rô-xtốp (trên sông Đôn), sau khi diệt tan chúng thì kìm chân địch ở hướng Tây – Bắc và hướng Nam, đồng thời kiên quyết chuyển sang phản công ở khu vực mặt trận miền Tây, gần Mát-xcơ-va. Từ ngày 12 tháng Mười một bắt đầu tấn công ở Ti-khơ-vin và sang đến ngày 7 tháng Chạp thì đột phá trận địa địch ở đó. Ngày 29 tháng Mười một, ở phía Nam, bộ đội Liên Xô đã giải phóng Rô-xtốp. Và ngày 5-6 tháng Chạp, quân ta bắt đầu phản công ở gần Mát-xcơ-va.

Địch không ngờ lại có chuyện như vậy. Sau này, ta thấy rõ được rằng chúng không phát hiện ra việc chúng ta tập trung hai tập đoàn quân mới ở phía Bắc Mát-xcơ-va. Và, tất nhiên, chúng đã phải trả giá cực đắt.

Quá trình và kết cục cuộc phản công thắng lợi của chúng ta trong mùa đông 1941-1942 đã được mô tả khá tỉ mỉ rồi, nên không cần thiết phải đề cập tới vấn đề này nữa. Cho phép tôi được lưu ý bạn đọc về một số kết luận tổng quát nhất mà chúng tối rút ra được sau nửa năm đầu chiến tranh.

Một là, Quân đội Liên Xô đã đứng vững trước các cuộc tiến công của một quân đội mạnh nhất trong thế giới tư bản chủ nghĩa.

Hai là, Quân đội Liên Xô đã hoàn toàn đập tan câu chuyện hoang đường cho rằng bọn Hít-le không thể bị đánh bại và đã chứng minh bằng hành động rằng có thể đánh và rồi sẽ đánh tan được chúng.

Ba là, chúng ta đã chôn vùi hy vọng của Hít-le về thắng lợi chớp nhoáng; quá trình chiến tranh đã chuyển biến có lợi cho chúng ta; cuộc chiến đầu còn dài và hao người tốn của, nhưng triển vọng là địch nhất định phải thua.

Bốn là, tình hình đất nước chúng ta lúc này đang còn hiểm nghèo; quân thù đã chiếm được hàng trăm thành phố, hàng nghìn làng mạc, nhiều vùng kinh tế quan trọng – vùng Pri-ban-tích, Bê-lô-ru-xi-a, phần lớn U-crai-na và Đôn-bát – đang nằm dưới gót sắt của bọn chiếm đóng; quân Đức đã chiếm Crưm, bao vây Lê-nin-grát, phong tỏa Xê-va-xtô-pôn; những tiềm lực chiến tranh của quân địch còn rất lớn.

Năm là, những khả năng của chúng ta cũng hoàn toàn không bị khánh kiệt. Ngược lại, những khả năng ấy mỗi tháng một tăng lên: các ngành công nghiệp sơ tán sang phía Đông đã bắt đầu vững chắc đi vào sản xuất; ở vùng sâu trong đất nước đã tích lũy được nhiều lực lượng dự bị, Phong trào du kích đã triển khai ngày càng rộng trong vùng sau lưng địch.

Sáu là bộ đội chúng ta đã được tôi luyện và thu được một số kinh nghiệm chiến đầu, đã bắt đầu hoạt động một cách có tổ chức hơn và tự tin hơn; việc quản lý vững chắc bộ đội đã đi vào nề nếp.

Bảy là, nguy cơ chiến tranh ở hai mặt trận đã bị đẩy lùi Việc quân Đức bị đánh tan ở gần Mát-xcơ-va đã làm nguội lạnh lòng cuồng nhiệt của bọn quân phiệt Nhật Bản.

Những sự kiện trong nửa năm này, đặc biệt là chiến dịch Mát-xcơ-va, đã một lần nữa chứng minh rõ ràng rằng Đảng cộng sản có sức tổ chức và cổ vũ to lớn như thế nào, trong những giờ phút hiểm nghèo, Đảng đã biết phát động toàn dân đứng lên bảo vệ Tổ quốc ra sao.

Thắng lợi của chúng ta ở Mát-xcơ-va có tiếng vang quốc tế rất lớn. Nó xóa bỏ mọi hy vọng của bọn Hít-le hòng cô lập Liên Xô. Ngày 1 tháng Giêng 1942, 25 nước khác cùng với nước ta ký tuyên bố hợp tác trong chiến tranh chống Đức phát-xít.

Còn chính ngay trong Bộ tổng tham mưu thì có gì thay đổi hay không? Tất nhiên, có. Bộ phận thứ hai của Bộ tổng tham mưu đã trở về Mát-xcơ-va từ tháng Chạp. Chỉ có trung tâm thông tin dự bị với một số trợ lý tối thiểu ở lại địa điểm công tác cũ

Nhiều cán bộ giàu kinh nghiệm của Bộ tổng tham mưu được điều động đi các đơn vị. Các trưởng ban V. V. Cu-ra-xốp, P. N. Cô-cô-rép và sau đó cả M. N. Sa-rô-khin đi làm tham mưu trưởng các phương diện quân và tập đoàn quân. Còn lớp trẻ như chúng tôi thì được bố trí thay các đồng chí ấy. Riêng tôi thì được bổ nhiệm làm trưởng ban Cận Đông.

Cục tác chiến chúng tôi và Bộ tổng tham mưu nói chung đã xây dựng được một nhịp điệu công tác rõ ràng hơn. B. M. Sa-pô-sni-côp và A. M. Va-xi-lép-xki có khả năng tập trung chăm lo giải quyết những vấn đề lớn, phân tích tình huống sâu sắc hơn. Mỗi ngày, hai đồng chí sang báo cáo bên Đại bản doanh từ một đến hai lần. Còn những vấn đề khác thì các ban đều thực hiện có kết quả. Nói riêng, ban chúng tôi nhận gánh nặng công tác chủ yếu có liên quan đến sự có mặt của bộ đội xô viết trên đất I-ran.

Gánh nặng này tuyệt nhiên không đơn giản. Ba tập đoàn quân chúng ta ở đất I-ran một thời gian: tập đoàn quân độc lập Trung Á 53, tập đoàn quân 47 và 44. Chúng ta điều ba tập đoàn quân này tới đây hồi cuối tháng Tám 1941, theo đề nghị của Anh và căn cứ vào hiệp ước ký kết giữa I-ran và nước Nga xô-viêt năm 1921. Hiệp ước quy định khả năng hành động như vậy trong trường hợp xuất hiện nguy cơ một nước nào khác sử dụng lãnh thổ I-ran một cách có hại cho quyền lợi của Liên Xô.

Chính Hít-le, như ta đã rõ, đã đặt nhiều hy vọng vào I-ran. Hắn định dùng lãnh thổ I-ran để tiến công miền Da-cáp-ca-dơ xô-viết và sau đó dùng I-ran làm bàn đạp, tung những sư đoàn Đức từ Ban-căng vào Ấn Độ. Ở đây, cũng đụng chạm đến quyền lợi của ông bạn đồng minh với chúng ta là nước Anh, và Anh cũng đưa quân đội vào miền Nam I-ran. Việc này làm cho Bộ tổng tham mưu bận bịu thêm, vì phải phối hợp nhiều vần đề với Bộ dân ủy ngoại giao.

Đồng chí Tổng tư lệnh tối cao lại rất chú ý tới tình hình ở I-ran, và tôi được giao trách nhiệm thường xuyên báo cáo tình hình I-ran lên đồng chí B. M. Sa-pô-sni-cốp. Đồng chí là người có sức cảm hóa và đối xử với những đại tá trẻ tuổi như tôi hồi đó bằng một tình cảm cha con chân thực. Nếu chúng tôi làm việc gì không phải, đồng chí không quở lắng, thậm chí không nặng lời, mà chỉ hỏi giọng trách móc:

- Thế là thế nào, hở anh bạn?

Bị hỏi như thế, chúng tôi cứ muốn độn thổ cho xong. Ai cũng nhớ mãi khuyết điểm của mình và không bao giờ tái phạm.

Có lần, đã quá nửa đêm rồi mà tôi còn được gọi đến gặp Sa-pô-sni-cốp. Đồng chí ngồi ở bàn làm việc, mặc sơ-mi trắng, dây đeo quần vắt qua vai, áo ngoài khoác trên ghế tựa.

- Mời anh bạn ngồi xuống đây. – Đồng chí mời rất thân mật như ở nhà.

Chúng tôi làm xong việc tương đối nhanh, nhưng Tổng tham mưu trưởng chưa vội cho tôi về. Hôm ấy, đồng chí rất sảng khoái. Khi xem bản đồ, đồng chí bỗng kể lại trước đây mình đã phục vụ ở Trung Á như thế nào. Sa-pô-sni-cốp nhớ rất kỹ những đặc điểm của các hướng chiến dịch ở đây, nhớ địa hình rất tài. Tôi cũng thuộc lầu chiến trường này. Giữa chúng tôi đã có một buổi nói chuyện thú vị.

Sau này, chúng tôi còn có nhiều lần chuyện trò với nhau và qua đó tôi đã rút ra được nhiều điều bổ ích cho công tác của ban và cho ngay chính bản thân mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx