sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6: Mùa Đông Chiến Tranh Thứ Hai

Thất bại thảm hại của tập đoàn quân 2 Đức – Chiến dịch “Ngôi sao” – Quan tâm đến các lực lương dự bị. – Tính đúng và tính nhầm. – Những biến chuyển ngoài mặt trận hướng trung tâm. – Kết thúc chỗ lồi Rơ-giép – Vi-a-dơ-ma. – Thành lập mặt chính diện phía Bắc của vòng cung Cuốc-xcơ – Những phức tạp mới ở phương diện quân Vô-rô-ne-giơ. – Thành lập mặt chính diện phía Nam. – Kết quả chiến cục mùa đông năm 1943.

Trí nhớ lại đưa dần tôi trở về với những sự kiện mùa đông của năm bước ngoặt trong chiến tranh. Sự phát triển các hoạt động chiến đấu của các phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, Tây – Nam và Nam đã gặp rắc rối, phần lớn vì hồi đó có nhiều khó khăn trong việc vận chuyển các phương tiện vật chất lên phía trước. Các luồng vật tư gửi ra mặt trận vẫn tiếp tục đi theo phương hướng giống như trong thời kỳ chuẩn bị cho cuộc phản công ở Xta-lin-grát. Còn bộ đội chúng ta thì cứ tiến mãi sang phía Tây, cách xa những tuyến đường sắt chạy ra các mặt trận đến 250-300 ki-lô-mét, có nơi đến 350 ki-lô-mét.

Cụm quân Đức của tướng Pao-lút bị bao vây ở Xta-lin-grát đã cản trở việc vận chuyển vật tư theo bộ đội bằng đường sắt từ Xta-lin-grát đến Ca-men-xcơ và đi xa nữa tới Đôn-bát: chúng đã án ngữ tuyến đường này ở gần Xta-lin-grát; có tuyến đường sắt Vô-rô-ne-giơ – Min-lê-rô-vô hoàn toàn thích hợp để phục vụ mục tiêu ấy, nhưng đoạn đường từ Li-xki đến Can-tê-mi-rop-ca vẫn còn nằm trong tay giặc. Bộ tổng tham mưu chúng tôi ngày càng kiên trì, quả quyết rằng nếu không chiếm được con đường này thì không thể tiến hành những chiến dịch tiến công lớn mới ở phía Nam.

Rõ ràng, Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao cũng thiên vế ý nghĩ ấy: Đại bản doanh luôn luôn đặc biệt quan tâm tới việc cung cấp cho các phương diện quân đang tác chiến mọi thứ cần thiết để sinh hoạt và chiến đấu. Ngay từ 21 tháng Chạp 1942, Xta-lin đã ra lệnh chuẩn bị chiến dịch trong khu vực của phương diện quân Vô-rô-ne-giơ nhằm tiêu diệt cụm quân địch tại Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ – Rôt-xô-sơ và khôi phục việc đi lại tự do trên đoạn đường sắt Li-xki – Can-tê-mi-ro-a.

Tướng Ph. I. Gô-li-côp, tư lệnh phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã tham gia nghiên cứu chiến dịch. Đại bản doanh tán thành ý định của chiến dịch, phê chuẩn kế hoạch và từ đầu tháng Giêng 1943, đã đảm nhận việc trực tiếp kiểm tra chiến dịch này. Các đồng chí Gh. C. Giu-cốp và A. M. Va- xi-lép-xki đã xuống phương diện quân Vô-rô-ne-giơ.

Ý định chiến dịch rất kiên quyết: phải quất mạnh và bao vây chủ lực của tập đoàn quân 2 Hung ở khu vực Ô-xtơ-rô-gô-giơ xcơ. A-lếch-xê-ép-ca, Rốt-xô-sơ. Chúng ta đã bắt mạch được chỗ yếu hơn cả trong tuyến phòng ngự của địch là khu vực Can-tê-mi-rốp-ca: ở đây, sau đợt tiến công vừa qua của chúng ta, địch còn chưa xây dựng được những công sự phòng ngự tương đối kiên cố. Tập đoàn quân xe tăng 3 sẽ đột kích vào đây, còn tập đoàn quân 40 thì tiến đánh vào phía Nam Vô-rô-ne-giơ.

Phương diện quân Vô-rô-ne-giơ không chiếm được ưu thế chung hơn địch về lực lượng, nhưng đã dám dũng cảm để những khu vực thụ động của mình bị yếu, dám tập trung bộ đội và khí tài kỹ thuật trên các hướng chủ yếu. Lần này, các đồng chí đã chú ý đến kinh nghiệm chiến đấu với cụm quân địch bị bao vây ở khu vực Xta-lin-grát. Để rút ngắn thời hạn thủ tiêu cái lòng chảo đang được chuẩn bị này, các đồng chí đã sớm lập kế hoạch dùng lực lượng của quân đoàn bộ binh độc lập 18 đột kích chia cắt địch và sau này đã thực hiện đúng như vậy.

Mùa đông năm 1943 nổi tiếng rét dữ. Bão nhiều và tuyết lắm. Nhưng đây lại là mùa đông chiến tranh thứ hai! Những điều kiện thời tiết không làm ai bối rối cả.

Chiến dịch định mở đầu vào ngày 15 tháng Giêng, song trong thực tế đã triển khai sớm hơn. Hai ngày trước thời hạn quy định trong kế hoạch, ta đã tiến hành trinh sát chiến đấu trên những hướng sẽ đột kích. Trong dải tiến công của tập đoàn quân 40, các phân đội trinh sát đã hành động quyết liệt đến mức địch đã bị đánh bật ra khỏi trận địa và bắt đầu rút lui. Kịp thời nắm được tình hình đó, bộ tư lệnh tập đoàn quân liền tung chủ lực vào tiến công và đến cuối ngày hôm đó đã thọc sâu vào tuyến phòng ngự của địch được 7 ki-lô-mét. Từ sáng hôm sau, ta đã phát triển được thắng lợi.

Tình hình rất thuận lợi cho chúng ta. Chưa đầy một tuần lễ, cụm quân chủ yếu của địch đã bị chia cắt và bị bao vây trong hai khu vực: vùng gần Rốt-xô-sơ và vùng A-lếch-xê-ép-ca. Bộ đội Liên Xô không cho địch kịp củng cố, bằng cách ngoan cường dồn dập tiến công chúng và đến ngày 25 tháng Giêng, mười lăm sư đoàn địch đã không còn tồn tại nữa và sáu sư đoàn khác của chúng đã bị tổn thất nặng. Đoạn đường sắt nối liền Li-xki với Can-tê-mi-rốp-ca chuyển về tay ta. Để phục hồi lại việc lưu thông các đoàn tàu ở đây, chúng ta phải làm một số việc không lớn lắm.

Kết quả rực rỡ của chiến dịch Ô-xtơ-rô-gô-giơ-xcơ – Rốt-xô-sơ đã kéo theo sau một chuỗi biến cốmới khó mà lường trước được đầy đủ và thật chính xác. Thất bại của địch diễn ra nhanh chóng, đến nỗi bộ chỉ huy phát-xít Đức không thểáp dụng được những biện pháp cần thiết đểbảo đảm sườn phía Nam của tập đoàn quân 2 Đức đang bị trói chặt gần Vô-rô ne-giơ. Mất tuyến Ác-khan-ghen-xcôi-e, Re-pi-ép-ca, tập đoàn quân này đã bị bộ đội của hai phương diện quân Bri-an-xcơ và Vô-rô-ne-giơ vây chặt. Đã thế, ở mặt chính diện phía Nam chỗ lồi của tập đoàn quân địch, trận địa phòng ngự được bố trí vội vã, công trình phòng ngự còn yếu. Hơn nữa, địch lại không có đủ lực lượng dự bị.

Từ đó đã nảy sinh ra ý kiến nhanh chóng lợi dụng tình thế đang thuận lợi cho chúng ta, chuẩn bị và tiến hành một chiến dịch mới, mà không chờ tên lính cuối cùng trong số địch đang bị bao vây ở Rốt-xô-sơ giơ tay xin hàng. Và, chúng ta đã hành động như vậy.

Tham gia chiến dịch mới, chiến dịch Vô-rô-ne-giơ – Ca-xtô-rơ-nôi-ê, có lực lượng của hai phương diện quân: phương diện quân Bri-an-xcơ sử dụng tập đoàn quân 13 bên sườn trái, và phương diện quân Vô-rô-ne-giơ sử dụng lực lượng của hai tập đoàn quân 60 và 40 làm mũi đột kích chủ yếu.

Ngày 24 tháng Giêng, các tập đoàn quân trên đã bước vào tiến công và đến ngày 29 cùng tháng thì xác định được rằng tập đoàn quân 2 Đức đã bị thua đau: tuyến phòng ngự của chúng đã bị chọc thủng trên một số hướng, một số sư đoàn đã sa vào chiếc lòng chảo lớn ở Ca-xtô-rơ-nôi-ê, và một số sư đoàn khác rơi vào chiếc lòng chảo nhỏ ở những khu vực khác. Việc tiêu diệt số quân địch bị bao vây đã diễn ra vô cùng căng thẳng và mãi đến giữa tháng Hai mới kết thúc. Chỉ một ít tàn quân của tập đoàn quân 2 Đức hung bạo một thời là tránh được số phận chung, thoát được khỏi vòng vây và vội vã rút chạy về phía Tây.

Kết quả của hai chiến dịch trong tháng Giêng này là mặt trận của quân địch bị suy yếu nặng trên một phạm vi đáng kể. Đến lúc đó, Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu đã nghĩ chín về việc tiếp tục tiến công. Chúng ta định lợi dụng tình trạng suy sụp mạnh này của địch trên tuyến Ca-xtô-rơ-nôi-ê Xta-rô-ben-xcơ để chớp nhoáng chiếm lại Cuốc-xcơ, Ben-gô-rốt, Khác-cốp và cả Đôn-bát vì nó rất đỗi cần thiết cho đất nước chúng ta.

Kết hợp với các chiến dịch của bộ đội các phương diện quân Nam và Bắc Cáp-ca-dơ ở hạ lưu sông Đôn và ở những vùng chân núi Cáp-ca-dơ, việc triển khai cuộc tiến công của phương diện quân Vô-rô-ne-giơ vào Cuốc-xcơ, Khác-cốp và của phương diện quân Tây – Nam ở Đôn-bát, theo ý kiến chung hồi đó, phải dẫn tới chỗ tiêu diệt được toàn bộ cánh phía Nam của quân địch. Trong chỉ thị của Đại bản doanh lúc đó có viết: “tình huống thuận lợi để bao vây và tiêu diệt từng phần các cụm quân địch ở Đôn-bát, Da-cáp-ca-dơ và Biển Đen đã đến”. Đồng thời đã mở ra những khả năng to lớn cả ở hướng trung tâm nữa: Bộ tổng tư lệnh tối cao có ý định đưa phương diện quân sông Đôn đến đây tham gia chiến đấu, sau khi đã hoàn thành việc thanh toán quân địch ở Xta-lin-grát.

Để các bạn trẻ ngày nay hiểu rõ hơn tiến trình chiến sự từ tháng Giêng đến tháng Ba 1943, tôi xin nhắc lại: hồi ấy Đại bản doanh đã đánh giá như thế nào về nhũng kết quả đã đạt được. Đại bản doanh cho rằng: tại vùng Vôn-ga và vùng Đôn, ở Bắc Cáp-ca-dơ và Vô-rô-ne-giơ, trong khu vực Vê-li ki-ê Lu-ki và phía Nam hồ La-đô-ga, Quân đội Liên Xô đã đánh tan một trăm linh hai sư đoàn địch. Riêng số tù binh mà chúng ta bắt được đã tới hơn 200 nghìn binh lính và sĩ quan địch. Còn về chiến lợi phẩm, chỉ riêng số pháo đã là 13 nghìn khẩu. Đồng thời, hàng triệu đồng bào đã thoát khỏi ách nô dịch của bọn phát-xít và một vùng rộng lớn đất đai xô-viết thân yêu đã được giải phóng khỏi nạn chiếm đóng. Bộ đội chúng ta đã tiến lên được khoảng 400 ki-lô-mét.

Dựa vào những số liệu hiển hách trên đây, đã được công bố trong nhật lệnh ngày 25 tháng Giêng 1943 của Tổng tư lệnh tối cao, Chúng ta có kết luận quan trọng nhất là: phòng ngự của địch đã bị phá vỡ trên một trận tuyến rộng, tạo nên nhiều nơi và nhiều đoạn trống trải chỉ do từng đội độc lập và từng nhóm chiến đấu yểm hộ; lực lượng dự bị của chúng đã bị kiệt quệ và chúng đã phải tung toàn lực vào chiến đấu một cách rời rạc trong hành tiến.

Lúc này, nhiều đồng chí tư lệnh phương diện quân và cả Đại bản doanh đã nhận định rằng cách xử lý của các đạo quân phát-xít Đức từ phía nam Vô-rô-ne-giơ đến Biến Đen là miễn cưỡng rút sang phía bên kia sông Đni-ép-rơ, nhằm cố thủ ở bờ Tây của cái vật chướng ngại nước quan trọng này, điều hiển nhiên ai cũng thừa nhận là quyền chủ động chúng ta đã giành được ở Xta-lin-grát vẫn đang được giữ vững và bây giờ địch không còn có khả năng giành lại chủ động được nữa. Hơn thế, các đồng chí còn cho rằng chưa chắc trong thời gian trước mắt, quân đội Đức đã có thể đánh những trận phản công đáng kể trên tả ngạn U-crai-na hoặc ở trung tâm trận tuyến chiến lược.

Từ chỗ đánh giá tình hình như vậy, chúng ta đã hạ quyết tâm: tiến công liên tục, không dừng lại, vì ta trùng trình để mất thời gian chừng nào thì địch sẽ tranh thủ được thời gian chừng nấy, để bám chắc hơn trên những tuyến đang còn chiếm lĩnh được. Theo chỉ thị của Đại bản doanh, phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã kịp vạch kế hoạch đánh chiếm vùng công nghiệp Khác-cốp. Chiến dịch đó mang mật danh là “Ngôi sao”. Nửa đêm ngày 23 tháng Giêng, Xta-lin đã phê chuẩn chiến dịch này và đích thân đọc cho Bô-côp ghi một chỉ lệnh thường thấy trong những trường hợp như vậy.

Giữa lúc đó, Gh. C. Giu-côp từ phương diện quân Vô-rô-ne-giơ trở về Mát-xcơ-va. Căn cứ vào báo cáo của đồng chí ở Đại bản doanh. Bộ tổng tham mưu đã ước tính các khả năng đột kích trên một hướng khác – hướng Cuôc-xcơ. Và ba hôm sau, ngày 26 tháng Giêng, phương diện quân Vô-rô- ne-giơ đã nhận thêm một nhiệm vụ nữa: dùng cánh phải tiến công vào hướng chung Ca-xtô-rơ-nôi-ê, Cuốc-xcơ, tiêu diệt quân địch đang chống cự và chiếm lại khu vực Cuốc-xcơ

Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu cố nhiên đã hiểu rằng, một phương diện quân phải tiến công trên hai hướng chiến dịch là một việc không dễ. Có thể dự đoán trước là địch sẽ không chịu bỏ Cuốc-xcơ và Khác-côp mà không chống cự lại quyết liệt. Song, tình huống đang thuận lợi cho chúng ta và nhiệm vụ vẫn được để như vậy.

Tiếc thay, những sự kiện sau này chứng tỏ rằng chúng ta đã đánh giả quá cao triển vọng trước mắt và chưa cân nhắc kỹ mọi chuyện.

Chiến dịch “Ngôi sao” được ấn định bắt đầu vào ngày 1 tháng Hai và tiến hành trên một chiều sâu gần 250 ki-lô-mét. Theo quan điểm của chúng tôi, để hoàn thành một nhiệm vụ như thế vào hồi ấy, bộ đội phương diện quân không những phải cố gắng nhiều hơn mà còn phải tiến hành chiến dịch với một đội hình có chiều sâu. Ấy thế mà khi tiến công, phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã đưa hết các tập đoàn quân của mình lên tuyến trước, nên hầu như không có lực lượng dự bị.

Cả ở phương diện quân Tây – Nam của Va-tu-tin cũng thấy có một tình hình tương tự. Cố nhiên là phát triển thắng lợi tránh những bất ngờ nào đó trong một tình thế như vậy, là vấn đề hết sức phức tạp làm cho Bộ tổng tham mưu phải hồi hộp lo lắng. Đại bản doanh đã được báo cáo về sự cần thiết phải chấn chỉnh lại việc xây dựng lực lượng dự bị, không những lực lượng dự bị chiến lược mà cả lực lượng dự bị chiến dịch nữa. Dựa vào triển vọng phát triển của các sự kiện, ta phải xây dựng những lực lượng dự bị đủ lớn, bao gồm mọi binh chủng, đặc biệt là xe tăng.

Đại bản doanh chấp thuận những ý kiến đề đạt của Bộ tổng tham mưu và đã dành cho công cuộc này một hình thức tổ chức cần thiết. Ngày 29 tháng Giêng 1943, Đại bản doanh gửi xuống các phương diện quân một chỉ lệnh như sau:

“1. Từ tháng Hai năm nay, lấy những sư đoàn và lữ đoàn bộ binh vào làm nhiệm vụ dự bị của các phương diện quân để họ chấn chỉnh, bổ sung, nghỉ ngơi và sau này bước vào chiến đấu và đồng thời rút những binh đoàn đã bị suy yếu nhiều hơn cả vào làm nhiệm vụ dự bị, thay cho những sư đoàn và lữ đoàn trên.

2. Số lượng các sư đoàn và lữ đoàn bộ binh rút ra cùng một lúc và thời hạn chấn chỉnh bổ sung những binh đoàn ấy do các tư lệnh phương diện quân quyết định, căn cứ vào tình huống chiến dịch và sự tồn tại của các lực lượng dự trữ cần thiết để bổ sung cho các binh đoàn đã được rút ra ấy”

Trước đó một ngày. Hội đồng quốc phòng Nhà nước đã ra nghị quyết thành lập tập đoàn quân xe tăng 1 làm lực lượng dự bị của Bộ tổng tư lệnh tối cao. Rồi ngày 13 tháng Ba, đã thành lập phương diện quân Dự bị dưới quyền chỉ huy của tướng M. A. Rây-te.

Sau đó, công cuộc xây dựng và tăng cường các đội dự bị chiến lược và chiến dịch được tiến hành một cách có kế hoạch. việc thành lập các tập đoàn quân, binh đoàn và đơn vị dự bị, bao gồm cả xe tăng, cơ giới, pháo binh là một trong những điều kiện tất yếu để chúng ta giành được những thắng lợi lịch sử.

Nhưng, chúng ta hãy trở lại với những sự biến tại mặt trận Vô-rô-ne-giơ. Thoạt đầu, chiến dịch “Ngôi sao” đã phát triển cực kỳ thắng lợi. Tập đoàn quân 60 do tướng I. Đ. Tséc-ni-a-khốp-xki trẻ và cương nghị làm tư lệnh, ngày mồng 8 tháng Hai đã giải phóng Cuốc-xcơ. Đến lúc ấy, chủ lực của phương diện quân vừa đánh vừa tiến tới cửa ngõ vào Khác-cốp, đến đây, tập đoàn quân đã vấp phải sức kháng cự của quân đoàn xe tăng SS từ Tây Âu mới sang.

Trong quá trình tiến công, bộ đội của ta đã có tổn thất. Càng tiến xa. càng thiếu đạn dược và nhiên liệu nghiêm trọng, vì các cơ quan hậu cần còn rớt lại sau. Ngay không quân cũng không kịp chuyển những căn cứ sân bay theo sau các tập đoàn quân gồm nhiều binh chủng hợp thành.

Đến giữa tháng Hai, lúc bộ đội phương diện quân Vô-rô-ne-giơ tiến đến gần Khác-cốp, cuộc tiến công đã bị chậm lại. Nhưng, tư lệnh phương diện quân Ph. I. Gô-li-cốp hằng ngày vẫn báo cáo về Đại bản doanh là những binh lực lớn của địch đang rút về phía Tây. Cả phương diện quân Tây – Nam đang triển khai những hành động chiến đấu rộng lớn ở phía Nam Khác-cốp chống lại cụm quân địch ở Đôn-bát, cùng đã gửi về nhưng tin tức tương tự. N. Ph. Va-tu-tin cũng đánh giá tính chất hoạt động của địch là một sự bỏ chạy về phía bên kia sông Đni-ép-rơ.

Thực ra, bộ chỉ huy Đức không có ý định rút quân sang phía bên kia sông Đni-ép-rơ. Trong khi rút lui và phòng ngự, chúng đã chuẩn bị phản kích. Trận thất bại ở Cô-ten-ni-cô-vô chỉ buộc được chúng phải tạm thời từ bỏ những hoạt động tích cực trên một quy mô lớn. Địch vẫn chưa bỏ âm mưu phục thù cho trận Xta-lin-grát và hy vọng giành lại quyền chủ động chiến lược. Ngược lại, việc ta đánh cho chúng thất bại nặng ở những đồng cỏ vùng sông Đôn và tiêu diệt Cụm tập đoàn quân “B” ở Vô-rô-ne-giơ, cũng như những hậu quả nảy sinh từ tình hình ấy đã buộc các tướng lĩnh Hít-le phải có những biện pháp đặc biệt.

Vì không cỏ đủ lực lượng dự bị ở hậu phương trực tiếp để triển khai hành động tiến công quy mô lớn, địch đã cố xây dựng những lực lượng xung kích bằng cách tập hợp lại và điều quân của chúng từ Tây Âu sang. Nhưng, làm như vậy cần có thời gian. Để tranh thủ thời gian, gĩư vững Đôn-bát và bảo đảm có những tuyến xuất phát thuận lợi để phản công, bọn Đức đã chuyển sang phòng ngự bằng những trận địa tiền tiêu dọc theo Bắc Đô-ne-txơ và hạ lưu sông Đôn.

Chiến trường chính (các tướng lĩnh Hít-le gọi nơi tập trung những cố gắng phòng ngự lớn nhất của chúng như vậy) dựa vào sông Mi-u-xơ. Số quân Đức đổ bộ xuống tuyến này do tướng Man-stai-nơ chỉ huy đã nhập vào Cụm tập đoàn quân “Sông Đôn” (từ ngày 12 tháng Hai năm 1943, cụm tập đoàn quân này đổi tên thành Cụm tập đoàn quân “nam”.).

Chủ lực quân địch ở vùng này là những lực lượng trước đây đã ở khu vực mặt trận Xta-lin-grát và một phần ở Bắc Cáp-ca-dơ. Đặc biệt, hai tập đoàn quân xe tăng Đức 1 và 4, quả đấm cơ động mạnh của bọn địch, cũng đã được đưa đến đây. Dưới quyền sử dụng của Man-stai-nơ còn có một số lớn máy bay, bố trí một cách thuận tiện trên các sân bay và hoàn toàn được bảo đảm về xăng dầu.

Việc Cụm tập đoàn quân “Sông Đôn” của địch chuyển sang phòng ngự cũng không được phát hiện kịp thời, sự vận động của các tung đội địch trong lúc tập kết lại vẫn bị coi là một sự bỏ chạy, là ý muốn tránh chiến đấu ở Đôn-bát, mau chóng rút sang hữu ngạn U-crai-na, như trước đây đã từng nhận định. Bộ tư lệnh phương diện quân Tây – Nam vẫn kiên trì quan điểm sai lầm này, mặc dầu đã có nhiều nhân tố buộc phải hết sức thận trọng.

Ý kiến cá nhân của N. Ph. Va-tu-tin được đánh giá cao trong Bộ tổng tham mưu, nên tất nhiên đã có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành trong Bộ ý định chiến dịch của bộ đội Liên Xô ở Đôn-bát. Vì tất cả chúng tôi đều hiểu rõ Va-tu-tin và cũng không phải không có căn cứ mà chúng tôi coi đồng chí là một nhà đạo diễn lãng mạn có tài trong lĩnh vực quân sự, đồng chí có đầy nghị lực và đầy ý muốn làm việc hết sức mình.

Ngay bây giờ đây, tôi vẫn nhớ hồi mùa hè năm 1942, bấy giờ đồng chí còn là Phó tổng tham mưu trưởng phụ trách miền Viễn Đông, N. Ph. Va-tu-tin đã đêm đêm thức trắng say mê nghiên cứu trên bản đồ những hướng chiến dịch khác, vạch ra nhiều phương án tác chiến của bộ đội Liên Xô trên mặt trận Xô – Đức như thế nào. Chúng tôi đã vui vẻ tiếp thu các công trình nghiên cứu của đồng chí và sử dụng chúng, nếu có thể.

Một hôm có mặt tại Đại bản doanh, nơi đồng chí A. M. Va-xi-lép-xki đang báo cáo về việc cần thiết phải phân lập phương diện quân Bri-an-xcơ, Va-tu-tin yêu cầu được phái xuống bộ đội tác chiến và chỉ huy một phương diện quân. Đề nghị của đồng chí được chuẩn y và ngày 14 tháng Bảy 1942, khi Vô-rô-ne-giơ đang đứng trước một tình huống rất phức tạp, Va-tu-tin đã đứng đầu phương diện quân Vô-rô-ne-glơ.

Ba tháng sau, đồng chí được bổ nhiệm làm tư lệnh phương diện quân Tây – Nam. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, bộ đội của phương diện quân này đã hiệp đồng với các phương diện quân Xta-lin-grát và Sông Đôn bao vây cụm xung kích của địch tại Vôn-ga. Sau đấy, đã đánh tan tác tập đoàn quân 8 của I-ta-li-a tại miền trung lưu sông Đôn, tiến tới phía Nam Khác-cốp và Bắc Đô-ne-txơ.

Lúc bộ đội chúng ta tiến tới khu vực Xta-rô-ben-xcơ, Li-xi-tran-xcơ, Vô-rô-si-lốp-grát, N. Ph. Va-tu-tin đã say mê với ý kiến lợi dụng tình thế uy hiếp địch ở Đôn-bát và chỗ yếu của khu vực Xta-rô-ben-xcơ trên chính diện quân địch. Đồng chí dự định tung tập đoàn cơ động mạnh của phương diện quân vượt qua Xta-rô-ben-xcơ vào hướng Ma-ri-u-pôn, cắt mọi đường rút lui của địch ra khỏi Đôn-bát, còn trên những hướng khác vẫn tiếp tục truy kích.

Va-tu-tin báo cáo ý kiến của mình lên Đại bản doanh và ngày 19 tháng Giêng, khi xác định được rằng cụm quân phát-xít Đức bị bao vây ở khu vực Rốt-xô-sơ nhất định sẽ bị tiêu diệt, Va-tu-tin được phép tiến hành chiến dịch tiến công ở Đôn-bát theo ý định của mình. Chiến dịch lấy tên là “Bước nhảy vọt”. Nhiệm vụ và những phương pháp thực hiện chiến dịch được diễn đạt như sau:

“Các tập đoàn quân của phương diện quân Tây – Nam giáng đòn đột kích chủ yếu từ chính diện Pô-crốp-xcôi-ê, Xta-rô-ben-xcơ tới chính diện Cra-ma-toóc-xcai-a, Ác-ti-ô-môp-xcơ và xa hơn nữa vào hướng Xta-li-nô Đô-ne-txơ-cơ, Vôn-nô-va-kha, Ma-ri-u-pôn, đồng thời mở một mũi đột kích mạnh khác từ khu vực Tây – Nam Ca-men-xcơ vào hướng Xta-li-nô, chia cắt toàn bộ tập đoàn quân địch đang đóng trên vùng Đôn-bát và trong khu vực Rô-xtốp, bao vây và tiêu diệt chúng, không cho chúng rút sang phía Tây và lấy đi bất kỳ một thứ tài sản nào”.

Kế hoạch dự định đến ngày tiến công thứ bảy sẽ tiến tới khu vực Ma-ri-u-pôn. Đồng thời còn quy định dùng những lực lượng dự bị cơ động của phương diện quân đánh chiếm lấy những bến chủ yếu của sông Đni-ép-rơ. Chiến dịch tiến hành phối hợp với phương diện quân Nam đang có nhiệm vụ tiến công dọc theo miền duyên hải A-dốp.

Ý định này xuất hiện trên sơ sở đánh giá không đúng hoạt động của địch, chỉ có bề ngoài phù hợp với tình huống hiện thực. Song lúc ấy, cả phương diện quân, cả Bộ tổng tham mưu, và cả Đại bản doanh đều tin chắc rằng mình đã đánh giá và tính toán đúng. Tất nhiên, đó là điều không thể tha thứ được, nhưng đó là sự thực. Những báo cáo chiến thắng từ các mặt trận gửi về đã làm cho Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu lơ là cảnh giác, mặc dầu vì sự thật phải nói rằng chúng tôi cũng có một số nghi ngại và chúng tôi đã trình bày những nghi ngại ấy với Va-tu-tin, rồi sau đó đã báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao, lúc có mặt cả nguyên soái Gh. C. Giu-cốp. Song, báo cáo ấy quá chậm.

Tình trạng bộ đội của phương diện quân Tây – Nam còn lâu mới đáp ứng được những đòi hỏi của một chiến dịch quá phức tạp đến như vậy, mà kết quả phải là bao vây ở Đôn-bát một đạo quân địch còn lớn hơn cả đạo quân ở Xta-lin-grát. Thêm nữa, khi rút về Đôn-bát, quân địch đã xích lại gần những căn cứ hậu cần của chúng, còn phương diện quân Tây – Nam của chủng ta thì ngày càng rời xa căn cứ.

Ở một số nơi, bộ đội và các trạm tiếp tế cách xa nhau đến 300 ki-lô- mét. Vật tư phải chuyên chở lên phía trước bằng ô-tô vận tải nhưng ô-tô lúc này vốn đã ít lại bị hư hỏng nhiều. Chúng ta chỉ có 1.300 xe vận tải và 380 xe chở dầu, số xe này chỉ có thể chuyên chở 900 tấn nhiên liệu, trong khi ấy thì bộ đội lại cần tới những 2.000 tấn, ấy thế mà ngoài nhiên liệu ra, tiền tuyến còn cần cả đạn dược lẫn lương thực và cỏ khô cho ngựa.

Theo cách nhận định lúc đó thì chỉ có truy kích địch, nên cũng không xảy ra những cuộc điều quân bố trí lại: các tập đoàn quân tiếp tục hành động trong những dải tiến công cũ trong đội hình chiến dịch cũ, phần lớn là theo tuyến. Phương diện quân không có thê đội hai, chỉ có hai quân đoàn xe tăng làm lực lượng dự bị, tập trung ở phía sau sườn phải. Với không quân, tình hình cũng xấu: máy bay cất cánh ít, từ các sân bay ở rất xa. Trong tình hình như vậy, đột phá một tuyến phòng ngự quan trọng của địch đương nhiên là khó tránh khỏi bất lợi.

Để thọc sâu vào Ma-ri-u-pôn, ta đã xây dựng một tập đoàn cơ động do phó tư lệnh phương diện quân, trung tướng M. M. Pô-pôp, chỉ huy. Cơ quan tham mưu của tập đoàn được trang bị gấp điện đài các cỡ cùng những phương tiện chỉ huy khác. Tập đoàn này được thành lập ngày 27 tháng Giêng, và hai ngày sau thì chiến dịch bắt đầu.

Trong đội ngũ của tập đoàn cơ động có 4 quân đoàn xe tăng (các quân đoàn xe tăng cận vệ 3 và 4, các quân đoàn xe tăng 10 và 18) và ba sư đoàn bộ binh (sư đoàn bộ binh cận vệ 57 và hai sư đoàn bộ binh 38 và 52). Tất cả có chừng 180 xe tăng, trung bình được bảo đảm một cơ số xăng dầu và một đến hai cơ số đạn dược. Còn trong các sư đoàn bộ binh, việc bảo đảm đạn dược và nhiên liệu có kém hơn. Tư lệnh phương diện quân hy vọng sẽ chấn chỉnh được tình hình ấy trong quá trình chiến dịch, song những hy vọng này không thực hiện được

Và điều phải xảy ra đã xảy ra thật, cái chiến dịch mà kế hoạch được vạch ra trên cơ sở đánh giá tình huống theo định kiến đã phát triển không thuận lợi. Tập đoàn cơ động trong thực tế lại tỏ ra kém cơ động. Các quân đoàn xe tăng chìm ngập trong tuyết, hành tiến theo những trục đường rời rạc, cách nhau khá xa nên đã bị máy bay địch khống chế trên không đột kích và bị quân mặt đất của chúng phản xung phong. Có lúc xe tăng phải ngừng tiến vì thiếu nhiên liệu.

Các tập đoàn quân binh chủng hợp thành cùng thu được một kết quả rất hạn chế, vì phải đương đầu với sự phòng ngự vững chắc và được chuẩn bị chu đáo của địch. Các chiến sĩ, sĩ quan và tướng lĩnh của ta đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cao cả nhưng như vậy vẫn không đủ. Trên nhiều hướng, một số sư đoàn và quân đoàn Liên Xô, sau khi thọc sâu được vào phòng tuyến địch, đã phải chiến đấu trong vòng vây.

Lâm vào tình hình này, đặc biệt có lữ đoàn xe tăng cận vệ 9 và quân đoàn xe tăng cận vệ Can-tê-mi-rốp-ca 4. Ngày 11 tháng Hai, các đơn vị trên đã chiếm được đầu mối đường sát và đường cái lớn quan trọng Cra-xnô-ác-mây-xcôi-ê, cắt đứt được tuyến giao thông của địch. Nhưng về phía địch, chúng đã cắt đứt liên lạc giữa các đơn vị trên với hậu tuyến và buộc các chiến sĩ xe tăng phải tiến hành chiến đấu trong điều kiện thiếu nhiên liệu, đạn dược và lương thực một cách trầm trọng.

Trong tất cả các tập đoàn quân của phương diện quân Tây – Nam, chỉ có tập đoàn quân 6 tiến công bên sườn phải ở phía Nam Khác-cốp là tiếp tục tiến quân được mà thôi. Sở dĩ như vậy là vì phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã đánh bại bọn Đức ở đấy và cuối ngày 16 tháng Hai đã chiếm được Khác-côp một cách chật vật.

Nhưng Va-tu-tin lại nghĩ khác. Đồng chí đánh giá quá cao những thắng lợi hạn chế của tập đoàn quân 6. Báo cáo của đồng chí gửi về Đại bản doanh vẫn thấm đượm lạc quan như trước, nhất là khi xe tăng chúng ta đã tiến tới gần Cra-xnô-ác-mây-xcôi-ê. Tư lệnh phương diện quân Tây – Nam cho rằng sức chống cự của địch sắp bị bẻ gãy hoàn toàn. Và cả Ph. I. Gô-li-cốp cũng mắc nhầm lẫn nghiêm trọng này. Và tình trạng ấy, đã từ các tư lệnh phương diện quân truyền lên Bộ tổng tham mưu, rồi từ Bộ tổng tham mưu sang Đại bản doanh.

Ở Mát-xcơ-va cũng cho rằng: nói chung những chiến dịch tiến công đã bắt đầu đang phát triển theo kế hoạch. Ngày mồng 8 tháng Hai, phương diện quân Tây – Nam nhận được chỉ thị: không cho địch rút về Đni-ép-rô-pê-tơ-rôp-xcơ, Da-pô-rô-giê, đuổi cụm quân địch đóng tại Đô-ne-txơ sang Crưm. Còn phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, chưa tỏ ra đặc biệt băn khoăn về tình trạng hao quân của mình, đã nhận nhiệm vụ: phát triển tiến công bên sườn phải tới Lơ-gốp, Glu-khôp, Tséc-ni-gốp, còn bên sườn trái tới Pôn-ta-va, Crê-mên-trúc.

Chấp hành chỉ thị của Đại bản doanh, Va-tu-tin đã tung tập đoàn quân 6 và toàn bộ đội dự bị của mình – hai quân đoàn xe tăng cận vệ 25 và 1 – tới các bến sông Đni-ép-rơ. Ngày 1-19 tháng Hai,các đơn vị tiê phong đã tới Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ và Da-pô-rô-giê, sẵn sàng vượt sông, nhưng đã không thể hoàn thành nhiệm vụ đến cùng vì không đủ nhiên liệu và chủ yếu là vì cuộc phản công của địch đã bắt đầu một cách bất ngờ vào ngày 19 tháng Hai đối với các đơn vị trên của ta.

Thật ra, trong trường họp này, việc khẳng định tính bất ngờ không phản ánh đúng tình hình thực. Bộ tư lệnh phương diện quân Tây – Nam đã biết có thể phải xung đột với những lực lượng dự bị mạnh của địch trong khu vực Đni-ép-rô-pê-tơ-rôp-xcơ và thậm chí đã thông báo cho các cơ quan tham mưu cấp dưới biết tình hình đó, nhưng đã giải thích theo ý mình những tin tức mới về sức kháng cự đang mạnh lên của địch và những báo cáo của tập đoàn quân 6 về sự xuất hiện của những đơn vị mới của địch ở phía trước lập đoàn quân.

Ban lãnh đạo phương diện quân đã ghép mọi sự kiện trên vào trong khuôn khổ cái thuyết ưa thích của mình là quân đội phát-xít Đức đang rút chạy. Thậm chí ngày 21 tháng Hai, khi đã hoàn toàn rõ ràng là có cuộc tiến công của mấy sư đoàn SS, các đồng chí vẫn không bỏ thuyết ấy. Chỉ thị truyền đạt trong cùng ngày hôm đó cho M. M. Pô-pôp – tư lệnh tập đoàn cơ động – có đoạn nói dứt khoát rằng: “địch đang bằng mọi cách vội vã rút quân của chúng từ Đôn-bát sang bên kia sông Đni-ép-rơ, tình huống này đòi hỏi phải hành động kiên quyết”.

Cho đến nay, vẫn tồn tại một điều khó hiểu: tại sao trong một thời gian dài như vậy, đồng chí Va-tu-tin, vốn là người rất thận trọng và luôn quan tâm thích đáng đến vấn đề trinh sát địch, lại không đánh giá được quy mô của mối nguy cơ xuất hiện trước phương diện quân. Chỉ có thể giải thích: sở dĩ như vậy là vì đồng chí đã quả tin rằng địch không còn khả năng thu thập lực lượng cho những hành động kiên quyết. Nhưng, thực ra còn rất lâu nữa mới có tình trạng ấy. Các tướng lĩnh Hít-le không có ý định nhường thắng lợi cho ta. Chúng đã làm mọi việc để giành lại quyền chủ động chiến lược đã mất ở Xta-lin-grát.

Bộ đội chúng ta đã bị chặn đứng lại bên sông Mi-út. Trong thời gian đó, địch đã tập kết được lực lượng của chúng ở phía Tây – Nam Khác-cốp, và đến ngày 19 tháng Hai đã tổ chức được hai lực lượng xung kích: một ở khu vực Cra-xnô-grát gồm các đơn vị SS trong đội ngũ các sư đoàn xe tăng “Đầu lâu”, “A-đôn-phơ Hít-le”, và của sư đoàn bộ binh mô-tô “Đế chế”; một ở phía Nam và Tây – Nam Cra-xnô-ác-mây-xcôi-ê, chủ yếu gồm các sư đoàn của tập đoàn quân 4 và một bộ phận của tập đoàn quân xe tăng 1.

Bị bảy sư đoàn xe tăng và bộ binh mô-tô của địch đột kích vào bên sườn và vào phía sau, tập đoàn quân 6 và tập đoàn của M. M. Pô-pôp buộc phải vừa chiến đấu ác liệt vừa rút về phía Nam Khác-cốp và về Ba-rơ-ven-cô-vô rồi về bên kia Bắc Đô-ne-txơ. Đại bản doanh yêu cầu phương diện quân Vô-rô-ne-giơ chi viện cho phương diện quân bạn. Tập đoàn quân xe tăng 3 và tập đoàn quân binh chủng hợp thành 69 đã bị suy yếu rất nhiều, được lệnh quay xuồng phía Nam. Song, các tập đoàn quân trên cũng tỏ ra không thể chống lại mũi đột kích lập trung của địch. Đến ngày 4 tháng Ba, địch lại một lần nữa tập kết được quân và bắt đầu đột kích sâu vào Khác-cốp, Ben-gô-rồt. Tình huống mỗi ngày một nghiêm trọng hơn và cuối cùng đã báo hiệu những chuyện không lành.

Cũng trong thời gian này, trên hướng trung tâm đã có những biến đổi quan trọng.

Cả Bộ tổng tham mưu lẫn Đại bản doanh đều quan tâm ngày càng nhiều đến khu vực trung tâm của mặt trận Xô – Đức ở đây chúng ta phải đương đầu với một đạo quân mạnh nhất trong các đạo quân của địch: Cụm tập đoàn quân “Trung tâm”. Chúng dựa vào những trận địa phòng ngự đã được chuẩn bị chu đáo, vẫn còn tiếp tục uy hiếp Mát-xcơ-va từ chỗ lồi Rơ-giép – Vi-a-dơ-ma ăn sâu về phía Đông, đây là nơi thuận lợi cả cho việc đột kích vào bộ đội ta ở phía Bắc Rơ-giép.

Kinh nghiệm vô số trận chiến đấu và nhiều chiến dịch lẻ không thắng lợi của phương diện quân Tây chỉ ra rằng bọn Đức sẽ giữ vững chỗ lồi này và muốn thủ tiêu nó thì phải tổ chức một chiến dịch lớn có dùng lực lượng của một số phương diện quân.

Chỗ lồi thứ hai, cái gọi là chỗ lồi Ô-ri-ôn, cũng gặp trở ngại. Bọn Đức giữ chỗ này cũng vững.

Trong một thời gian dài, Bộ tổng tham mưu đã mất khả năng đề ra một giải pháp triệt để cho hai chỗ lồi này. Muốn đột phá chính diện vào tuyến phòng ngự vững chắc này của địch đòi hỏi phải có rất nhiều lực lượng và phương tiện. Nhưng cùng với việc tiêu diệt được địch ở Vô-rô-ne-giơ và Cuốc-xcơ tình hình đã thực sự thay đổi.

Ở phía Bắc Cuốc-xcơ, địch bị hở sườn trên một quãng dài, trước đây do Cụm tập đoàn quân “B” đảm bảo. Từ khi cụm tập đoàn quân này không còn tồn tại nữa thì bộ đội Liên Xô rõ ràng có thể đánh chiếm phía sườn và tiến đến phía sau cụm Ô-ri-ôn và Bri-an- xcơ của bọn Đức và nếu các sự kiện phát triển thuận lợi thì tiến đến đường giao thông của Cụm tập đoàn quân “Trung tâm” ở một nơi nào đó trong khu vực Xmô-len-xcơ, Vi-tép-xcơ – Oóc sa.

Chỉ có thể thực hiện một nhiệm vụ chiến dịch – chiến lược to lớn như vậy bằng cách sau đây: thoạt đầu, đánh tan quân địch ở khu vực Ô-ri-ôn và sau đấy dựa vào những tuyến đã chiếm được, phát triển đột kích vào bên trong. Đã có sẵn những lực lượng cần thiết cho giai đoạn đầu: bộ đội của các phương diện quân Tây, Bri-an-xcơ và Vô-rô-ne-giơ. Nhưng để tiếp tục hành động nữa thì phải có nhiều lực lượng dự bị, mà lúc bấy giờ lại chưa sẵn có. Mãi đến ngày 2 tháng Hai, quân địch ở Vôn-ga mới chịu đầu hàng và ta mới có khả năng hiện thực để hoàn toàn tung phương diện quân Sông Đôn vào hướng trung tâm.

Ngày 5 tháng Hai 1943, phương diện quân Trung tâm được thành lập. Cục dã chiến của phương diện quân Sông Đôn được đổi tên thành cục dã chiến phương diện quân Trung tâm. C. C. Rô-cô-xốp-xki được cử làm tư lệnh. Đêm 5 rạng ngày 6 tháng Hai, Đại bản doanh giao cho C. C. Rô-cô-xôp-xki nhiệm vụ chuyển căn cứ sang khu vực Bắc Cuốc-xcơ triển khai bộ đội của mình giữa hai phương diện quân Bri-an-xcơ và Vô-rô-ne-giơ, và từ ngày 15 tháng Hai sẽ tiến công vào các hướng Rô-xláp, Xmô-len-xcơ.

Theo ý định chiến dịch do đồng chí X. I. Tê-te-skin, cục phó Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu – dự thảo, thì đến lúc đó các phương diện quân Tây và Bri-an-xcơ đã phải chọc thủng tuyến phòng ngự của Cụm tập đoàn quân “Trung tâm”. Dựa vào thắng lợi của phương diện quân trên, bộ đội của C. C. Rô-cô-xốp-xki phải vọt lên phía trước, chiếm lấy Rô-xláp, Xmô-len-xcơ và dùng một phần lực lượng chiếm Oóc-sa, đẩy địch vào một tình huống gần như là bị bao vây. Và, để phương diện quân Trung tâm có thể làm tròn được nhiệm vụ này, đã chuyển thuộc cho nó tập đoàn quân xe tăng 2 và mấy binh đoàn kỵ binh.

I. V. Xta-lin đã đích thân kiểm tra việc chuẩn bị chiến dịch. Và, lúc tư lệnh phương diện quân Bri-an-xcơ chỉ mới đả động đến chuyện hoãn việc mở đầu hành động chiến đấu lại một ngày, đồng chí Tổng tư lệnh tối cao đã phê phán nghiêm khắc ngay.

Đối với Rô-cô-xôp-xki, đồng chí lại tỏ ra dịu dàng hơn. Có lẽ vì chính đồng chí đã thấy rõ việc chuyển quân từ Xta-lin-grát tới đây sẽ gặp những khó khăn gì. Đường sắt rõ ràng đã làm cho Rô-cô-xốp-xki lúng túng và đồng chí đã đề nghị Đại bản doanh hoãn ngày bắt đầu tiến công của phương diện quân Trung tâm từ ngày 15 đến ngày 24 tháng Hai. Đại bản doanh đồng ý.

Trong khi ấy, số ngày quý báu không phải đã mất đi một cách vô ích. Địch đã rút nhiều sư đoàn khỏi chỗ lồi Rơ-giép – Vi-a-dơ-ma (lúc đó ta chưa tiến công) và khẩn cấp điều chúng tới Ô-ri-ôn và Bri-an-xcơ. Chúng còn điều nhiều lực lượng từ Tây Âu đến đây nữa.

Nhưng, sau khi địch đã rút đến 16 sư đoàn ra khỏi Vi-a-dơ-ma và Rơ-giép thì bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân “Trung tâm” dù muốn hay không cũng buộc phải từ bỏ việc tiếp tục cố thủ cái bàn đạp quan trọng này. Ngày 2 tháng Ba, địch bắt đầu bỏ nhiều trận đia ở Rơ-giép – Vi-a-dơ-ma. Bộ đội của các phương diện quân Tây và Ca-li-nin liền chuyển sang truy kích và trong vòng 20 ngày đã tiến được 150 ki lô mét, bắt được một số lớn tù binh, thu được rất nhiều chiến lợi phẩm. Nhưng sau đó, ngày 22 tháng Ba, đã bị địch chặn lại trên tuyến Rip-se-vô, Xa-phô-nô-vô, Mi-li-a-chi-nô.

Cũng trong thời gian này, phương diện quân Bri-an-xcơ đang tiến công ác liệt ở Ô-ri-ôn. Phương diện quân chỉ đẩy lùi địch được vài cây số. Cuối cùng, phương diện quân Trung tâm đã tập trung bộ đội xong, và ngày 26 tháng Hai bắt đầu tiến công trên hướng Bri-an-xcơ. Và đúng như ta đoán trước, địch đã đề kháng một cách ngoan cố và có tổ chức. Tập đoàn quân binh chủng hợp thành 65 và tập đoàn quân xe tăng 2 đã giành được một kết quả hạn chế.

Thế nhưng tập đoàn kỵ binh-bộ binh, tiến công bên sườn trái của phương diện quân theo hướng Xta-rô-đúp, Nô-vô-dúp-cốp, Mô-ghi-li-ốp, đã tiến lên được 100-120 ki-lô-mét, xốc tới gần Đê-xna ở phía Bắc Nốp-gô-rốt – Xe-véc-xki và tạo nên mối uy hiếp thực sự cho đường giao thông của Cụm tập đoàn quân “Trung tâm”. Đáng tiếc là những đơn vị ấy đã chẳng có gì cả để phát triển và củng cố thắng lợi đó.

Kỵ binh Liên Xô đã đột phá với một khí thế dũng mãnh vốn có và đã làm cho quân địch hoảng sợ. Chúng đã điều chín sư đoàn ra chống đỡ với tập đoàn kỵ binh-bộ binh của ta, lúc ấy chỉ có hai sư đoàn kỵ binh và ba lữ đoàn trượt tuyết. Những trận đánh diễn ra khốc liệt, rốt cuộc đến ngày 20 tháng Ba, kỵ binh và các đơn vị trượt tuyết của ta đã bị đẩy lùi về khu vực Xép-xcơ, và ngày 21 tháng Ba, toàn bộ phương diện quân Trung tâm chuyển sang phòng ngự dọc theo tuyến Mơ-xen-xcơ, Nô-vô-xin, Xép-xcơ, Rưn-xcơ, tạo nên mặt chính diện phía Bắc của vòng cung Cuốc-xcơ

Như vậy là ta chưa thực hiện được hy vọng tiêu diệt Cụm tập đoàn quân “Trung tâm” của địch. Song, do kết quả hành động của ta, địch đã bị tổn thất lớn và chịu mất một vùng đất đai khá rộng. Chúng ta đã thu hẹp mặt trận lại được gần 300 ki-lô-mét. Nhưng quân đội phát-xít Đức vẫn giữ được lợi thế ở Ô-ri-ôn.

Còn tình hình trong các dải tiến công của hai phương diện quân Tây – Nam và Vô-rô-ne-giơ ra sao?

Tập đoàn quân xe tăng 3 và tập đoàn quân 69 của ta hoạt động ở khu vực Khác-cốp đã bị kiệt sức trong các trận chiến đấu liên tục và không thể đánh lui những mũi đột kích của các sư đoàn xe tăng SS, trong đó lần đầu tiến xuất hiện nhiều tiểu đoàn xe tăng kiểu mới mang tên “xe tăng cọp’. Trong những trận chiến đấu không cân sức, bộ đội xe tăng của ta đã phải chịu nhiều tổn thất mới và ngày 16 tháng Ba buộc phải bỏ Khác-cốp. Địch vọt tiến ra đường cái Bên-gô-rốt và lao sang phía Bắc.

Cùng với việc quân Đức xâm nhập vào khu vực Bên-gô-rốt, tình thế của phương diện quân Vô-rô-ne-giơ lại càng khó khăn hơn và đã xuất hiện nguy cơ quân địch sẽ tiến vào tuyến sau của phương diện quân Trung tâm. Để ngăn ngừa những tai họa mới, ta đã phải áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp.

Ngay từ ngày 13 tháng Ba, tập đoàn quân 21 đã được rút khỏi phương diện quân Trung tâm và tiến ra chặn địch. Tập đoàn quân này phải chặn con đường cái chính Ô-bô-i-an và yểm hộ mặt Nam hướng tiến về Cuốc-xcơ, đồng thời phải bảo đảm cho tập đoàn quân xe tăng 1 của chúng ta tập trung được ở phía Đông – Nam Cuốc-xcơ, để rồi cùng đánh tan đoàn quân địch đang tiến lên phía Bắc. Ngày 20 tháng Ba, tập đoàn quân 21 đã chiếm lĩnh xong tuyến đã định. Nhưng quân địch đã đóng ở Bên-gô-rốt. Chúng đã hoàn toàn chiếm lĩnh được thành phố này trước chiều ngày 18 tháng Ba.

Trong những ngày diễn biến gay gắt nhất của các sự kiện này lại phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, chúng ta không thể lập ra một bức tranh khách quan theo các báo cáo của Ph. I. Gô-li-cốp được. Đại bản doanh đã phái các đại diện của mình là Gh. C. Giu-côp và A. M. Va-xi-lép-xki tới đây để xác định đúng tình hình hai bên, nhận định xu hướng phát triển của các sự kiện và áp dụng tại chỗ mọi biện pháp cần thiết nhằm không để cho địch giành thêm được những thắng lợi mới nữa.

Suốt ngày 19 tháng Ba, các đại diện của Đại bản doanh đã ra tuyến giáp sát địch ở phía Bắc Ta-ma-rốp-ca. Các đồng chí không những đã phát hiện, mà còn sửa chữa được một phần những thiếu sót nghiêm trọng trong công tác chỉ huy bộ đội. Các đồng chí đã ra lệnh cho cơ quan tham mưu phương diện quân chuyển vị trí về khu vực Ô-bô-ri-an và chủ yếu là đã giúp phương diện quân rút ra được kết luận đúng đắn về những âm mưu tiếp sau của quân địch. Theo ý kiến của Gh. C. Giu-cốp và A. M. Va-xi-lép-xki báo cáo ngay trong đêm ấy lên Tổng tư lệnh tối cao thì trên hướng Bên-gô-rốt, Cuốc-xcơ chắc sẽ có đợt tiến công mới của một trong những tập đoàn xung kích mạnh nhất của quân đội phát-xít Đức với một số lượng xe tăng lớn.

Các đại diện Đại bản doanh còn nghiên cứu cả tình huống trên một hướng nguy kịch khác: vùng tiếp giáp giữa hai phương diện quân Tây và Trung tâm. Ở đây cũng thấy có nhiều cơ sở để lo ngại thật sự. Vấn đề là ở chỗ: trước đó ít lâu ta đã giải thể phương diện quân Bri-an-xcơ nhằm tập trung được quyền chỉ huy các đơn vị đang chiến đấu chống cụm quân địch đóng tại Ô-ri-ôn.

Ngay khi xuất hiện những tình huống phức tạp mới và chúng ta buộc phải chuyển từ hoạt động tiến công sang phòng ngự, chúng ta đã xác định được là phải giữ thật vừng hướng Ô-ri-ôn, Tu-la. Nhưng vì hướng này lại ở cách xa hai bên sườn cả của phương diện quân Tây lẫn của phương diện quân Trung tâm, nên cả V. Đ. Xô-cô-lốp-xki, cả C. C. Rô-cô-xốp-xki đều không thể quan tâm thích đáng tới nó. Các đại diện Đại bản doanh thấy cần khôi phục lại trên hướng này một phương diện quân độc lập Các đồng chí đề nghị cử Ph. I. Gô-li-cốp làm tư lệnh và đưa N. Ph. Va-tu-tin trở về phương diện quân Vô-rô-ne-giơ thay Gô-li-cốp.

Lúc đầu, phương diện quân mới mang tên là phương diện quân Cuốc-xcơ. Nhưng đến ngày 27 tháng Ba, nó lại đổi tên là phương diện quân Ô-ri-ôn, rồi sau này lại trở về với tên cũ – phương diện quân Bri-an-xcơ. Đó không phải là một sự đổi tên đơn giản, ở đây phản ánh một sự dao động nào đó trong việc đánh giá tình huống và xác định hành động sắp tới của địch: từ Ô-ri-ôn, chúng sẽ đột kích vào phía Đông hay vào Cuốc-xcơ để hợp điểm với mũi đột kích từ Ben-gô-rôt lên?

Việc điều trước quân tới hướng đã định tùy thuộc vào tình hình trên. Việc điều tập đoàn quân 21 tới Ô-bô-i-an, việc tập trung tập đoàn quân xe tăng 1 ở Đông – Nam Cuốc-xcơ, việc điều động bố trí lại nhiều đơn vị khác, sau nữa, việc củng cố ban lãnh đạo phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và sự giúp đỡ thiết thực tại chỗ của hai đại diện đầy kinh nghiệm của Đại bản doanh như Gh. C. Giu-cốp và A. M. Va-xi-lép-xki, tất cả những việc đó rốt cuộc đã cho phép ta thoạt đầu ngăn chặn và đến ngày 27 tháng Ba thì hoàn toàn chặn đứng được quân địch trên tuyến Ga-pô-nô-vô, Tơ-rê-phi-lốp-ca, Bên-gô-rốt, Vôn-tran-xcơ. Thề là hình thành mặt chính diện phía Nam của vòng cung Cuốc-xcơ.

Trong chiến cục mùa đông năm 1942-1943, mặc dầu có một số tính toán nhầm lẫn và không thực hiện được như mong muốn, các Lực lượng vũ trang Liên Xô đã giành được những thắng lợi cực kỳ lớn. ở Xta-lin-grát, chúng ta đã hoàn thành tiêu diệt một đạo quân 330 ngàn người bị bao vây của Pao-lút. Những đoàn quân do I-ta-li-a, đồng minh của Hit-le, phái tới mặt trận phía Đông đã bị đánh tan tành. Và bọn chư hầu khác của nước Đức phát-xít cũng đã phải chịu thất bại nghiêm trọng.

Mùa đông này còn được đánh dấu bằng trận phá vây Lê-nin-grát và việc thành phố anh hùng này xây dựng được mối liên lạc với đất Lớn trên đất liền. Địch bị đánh bật ra khỏi Đê-mi-an-xcơ, Vi-a-dơ-ma và Rơ-giép và bị đẩy lùi xa trên sườn phía Nam. Bộ đội Liên Xô đã giải phóng được 480.000 ki-lô-mét vuông của đất nước thân yêu khỏi ách chiếm đóng của Đức và tại một số khu vực đã tiến lên được đến 600-700 ki-lô-mét.

Như sau này chính quân địch đã tự thú nhận: riêng một mình Đức đã mất trong mùa đông này ở nước Nga gần 1.200.000 binh lính và sĩ quan và nếu tính cả các quân đội chư hầu thì tổn thất của địch lên tới 1.700.000 người và thiệt hại của chúng về mặt binh khí kỹ thuật cũng đã được tính bằng những con số rất lớn: 24.000 khẩu pháo, 3.500 xe tăng, 4.300 máy bay.

Có lẽ những thắng lợi của chúng ta sẽ còn lớn hơn nữa nếu không bị những bất lợi đã nói ở trên. Nguyên nhân của những bất lợi ấy là ở đâu? Tôi nghĩ rằng, trên cơ sở những thắng lợi to lớn mà bộ đội ta đã giành được ở Mát-xcơ-va và Xta-lin-grát, một số đồng chí chỉ huy quân sự, kể cả ở Đại bản doanh lẫn ở Bộ tổng tham mưu, rõ ràng đã đánh giá thấp những khả năng của địch, điều đó đã có ảnh hưởng tiêu cực đối với việc chuẩn bị một số chiến dịch và đã đưa đến chủ trương tiến công không xác đáng tới Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ và Ma-ri-u-pôn trên hướng Khác-cốp. Rõ ràng, nếu chín chắn hơn thì ngay trong tháng Giêng, ta đã phải hoãn cuộc tiến công của hai phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Tây – Nam, tạm thời chuyển sang phòng ngự, nối dài thêm hậu tuyến, bổ sung người đầy đủ cho các sư đoàn và lập những kho dự trữ vật tư cần thiết.

Giai đoạn kết thúc tiến công của hai phương diện quân trên trong mùa đông năm 1943 có đặc điểm là lực lượng ta hoạt động phân tán. Thực tế, ta đã không có những tập đoàn đột kích mạnh trên những hướng chủ yếu.

Cuối cùng, trinh sát đã làm cho ta rất lúng túng và chúng ta đã mắc sai lầm tai hại trong khi xác định ý đồ của địch.

Theo tôi nghĩ, đó là những nguyên nhân chủ yếu khiến chúng ta đã bị bất lợi và không thực hiện được một số điều mong muốn trong mùa đông năm 1943. Nhưng dẫu sao tôi cũng vẫn nhấn mạnh một lần nữa: nói chung, chúng ta đã thắng lợi trong chiến cục mùa đông. Quân đội Liên Xô đã phát triển được sức tiến công của mình.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx