sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8: Trước Chiến Dịch Cuốc-Xcơ

Giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu trong chiến cục mùa hè như thế nào và ở đâu: phòng ngự hay tiến công? – Đề nghị của Gh. C. Giu-cốp. – Ý kiến của bộ tư lệnh phương diện quân Trung tâm. – Kế hoạch linh hoạt của N. Ph. Va-tu-tm. – Quyết tâm của Đại bản doanh ngày 12 tháng Tư 1943. – Phương diện quân dự bị chiến lược – Kế hoạch “Cu-tu-dop” – Định kế hoạch phản công. – Những chiến dịch không quân. – Ba thông báo gửi cho bộ đội – Địch chuyển sang tiến công.

Mùa xuân năm 1943, Đại bản doanh và dĩ nhiên cả cơ quan công tác của nó là Bộ tổng tham mưu, đã đặc biệt tập trung chú ý đến tình hình phía giữa mặt trận chiến lược.

Đến cuối tháng Ba, tình hình hai bên ở khu vực Cuốc-xcơ đã ổn định. Quân địch đã ngừng tiến công, viện cớ là đầu xuân đường sá khó đi lại. Nhưng sự việc hoàn toàn không phải như vậy. Địch đã đánh bật chúng ta ra khỏi Khác-cốp, nhưng dầu sao kết quả chung của chiến cục mùa đông vẫn cực kỳ bất lợi cho chúng: lực lượng quân đội phát-xít Đức đã bị suy yếu và lúc này chúng không có khả năng tiếp tục mở những chiến dịch tiến công lớn, ít nhiều có kết quả nữa. Quyền chủ động chiến lược vẫn nằm trong tay ta như trước kia. Chúng vẫn chưa phục thù được trận Xta-lin-grát.

Vấn đề triển vọng chiến đấu trong thời gian tới đây đương nhiên được đặt ra. Bộ tổng tham mưu quyết nhiên không loại trừ khả năng là địch sẽ có những âm mưu mới, nhằm xoay chuyển lại tình thế. Song để làm được như vậy, chúng buộc phải đưa thêm lực lượng bổ sung từ phía Tây sang và động viên lực lượng dự bị. Nhưng nếu ta đánh bại được những âm mưu ấy, giáng cho chúng hai – ba đòn đột kích mới nữa với những kết quả tương đương như ở Xta-lin-grát thì thế nào? Không một ai nghi ngờ rằng: nếu làm được như vậy thì sẽ tạo được bước ngoặt quyết định trong quá trình chiến tranh và bộ máy quân sự của Hít-le sẽ đứng trước thất bại hoàn toàn. Tổng tư lệnh tối cao tin như vậy hơn ai hết, nhưng vì nhớ lại bài học ở Khác-cốp, nên đồng chí tỏ ra thận trọng hơn.

Những sự kiện đang phát triển rõ ràng ngày một có lợi cho chúng ta. Những mục tiêu cao quý của Quân đội Liên Xô được toàn dân triệt để ủng hộ, đấu tranh du kích đang tiếp tục phát triển trong những vùng đất đai Liên Xô còn bị địch tạm chiếm. Tại những nước Tây Âu và Đông – Nam châu Âu, cuộc kháng chiến chống bọn chiếm đóng cũng đã mạnh thêm và có tổ chức hơn. Quân đội phát-xít Đức bị thất bại nặng ở Li-bi và Tơ-ri-pô-li-ta-ni, chiến tranh đang diễn ra kịch liệt ở Tuy-ni-di. Không quân đồng minh đang đánh phá những trung tâm công nghiệp của Đức và I-ta-li-a.

Trong lúc đó, quân đội chúng ta lại có nhiều loại phương tiện kỹ thuật không thua những phương tiện chiến đấu của địch cả về chất lượng lẫn số lượng. Cố nhiên, như thường thấy trong chiến tranh, phương tiện kỹ thuật bao giờ cũng ít hơn số lượng mong có, nhưng đã vĩnh viễn qua rồi cái thời kỳ phân phối nhỏ giọt, thời kỳ mà có lúc đích thân Xta-lin phải đứng ra phân phối từng khẩu súng chống tăng, từng khẩu súng cối, từng chiếc xe tăng.

Hiện nay, tình hình đã khác hẳn rồi. Nhưng Đảng và Chính phủ vẫn không ngừng quan tâm đến việc tiếp tục trang bị kỹ thuật cho các Lực lượng vũ trang Liên Xô, lại càng quan tâm nhiều hơn khi dự kiến đến những chiến dịch quyết định mới. Các đồng chí lãnh đạo Bộ tổng tham mưu thường được triệu tập đến Đại bản doanh cùng với các đại biểu của ngành công nghiệp quốc phòng và các công trình sư giải quyết những vấn đề cấp thiết, nhằm đẩy mạnh tốc độ sản xuất sản phẩm quân sự và cải tiến tính năng chiến đấu của máy bay, xe tăng và pháo binh.

Còn ngay trong Bộ tổng tham mưu, cũng đang nghiên cứu cho thật chắc chắn những vấn đề như chiếm quyền khống chế trên không hoặc đột phá các tuyến chiến hào phòng ngự sâu của địch và tiếp tục phát triển thắng lợi, đồng thời cân nhắc rất kỹ lưỡng phương thức vận dụng những khối lượng lớn pháo binh, máy bay và xe tăng.

Trong lúc chuẩn bị cho những chiến dịch sắp tới, Đại bản doanh đã quy định nhất thiết phải bảo đảm công tác chính trị toàn diện cho mọi hoạt động của bộ đội. Tinh thần tư tưởng cao vốn là đặc tính của bộ đội chúng ta từ những ngày đầu chiến tranh, đã được tiếp tục nâng cao hơn nữa. Mọi người đều dũng cảm hơn lên, ngày càng thêm vững tin vào sự sáng suốt của Đảng, vào tính vững chắc không gì phá vỡ nổi của chế độ xô-viết.

Thắng lợi Xta-lin-grát đã chắp cánh cho mọi người – từ người chiến sĩ đến vị nguyên soái và các cán bộ chính trị đã dùng mọi cách để củng cố nhiệt tình phấn khởi ấy. Khó mà không đánh giá vai trò quan trọng của cán bộ chính trị trong việc thực hiện bất kỳ một kế hoạch tác chiến nào của chúng ta. Tình đoàn kết chiến đấu giữa những cơ quan tham mưu và chính trị ngày càng thêm vững chắc hơn.

Tôi thường tiếp xúc nhiều hơn cả với đồng chí chủ nhiệm Tổng cục chính trị, bí thư Ban cháp hành trung ương Đảng, A-lếch-xan-đrơ Xéc-gây-ê-vích Séc-ba-côp. Chúng tôi gặp gỡ nhau hầu như hàng ngày. Tôi báo cáo cho đồng chí về tình hình các mặt trận và về các dự thảo thông cáo của cơ quan thông tấn xô-viêt. Có lần, tôi đã cùng đồng chí xuống phương diện quân Tây. Mối quan hệ thuần túy công tác ấy dần dần trở thành mối thiện cảm chân thành sâu sắc trong tôi.

A-lếch-xan-đrơ Xéc-gây-ê-vích là người có nguyên tắc, đầy nghị lực nghiêm khắc trong công tác, nhưng đồng thời lại giản dị và chân thành. Tôi không sao quên được buổi nói chuyện cuối cùng với đồng chí. Buổi nói chuyện ấy diễn ra lúc sáng sớm, trước ngày chiến thắng nước Đức Hít-le. A. X. Séc-ba-côp từ bệnh viện gọi dây nói đến tôi:

- Tôi nói chuyện với đồng chí phải giấu các bác sĩ đấy. Họ cấm tôi không được làm bất cứ một việc gì. Mong đồng chí nói nhanh hơn nhé, ngoài ấy ta đang làm gì?

Tôi không thể từ chối đồng chí và đã báo cáo vắn tắt tất cả những tin tức quan trọng.

- Xin cảm ơn đồng chí, – đồng chí nói. – Tôi sẽ khỏi ngay thôi. Sắp được về làm việc rồi.

Nhưng những ngày làm việc của đồng chí không còn nữa. Ngày 10 tháng Năm 1945, A. X. Séc-ba-cốp mất năm đồng chí 44 tuổi, khi chúng ta đã giành được thắng lợi huy hoàng mà vì nó đồng chí đã cống hiến biết bao tâm trí, sức lực.

Sự lãnh đạo chính trị của Đảng trong các phương diện quân trước hết do các ủy viên Hội đồng quân sự đảm nhiệm. Đó là những người giàu kinh nghiệm sống và kinh nghiệm chính trị. Trước chiến tranh, hầu hết các đồng chí này đã đứng đầu tỉnh ủy, khu ủy và Ban chấp hành hung ương các đảng cộng sản của các nước Cộng hòa xô-viết.

Ủy viên Hội đồng quân sự cùng với tư lệnh chịu toàn bộ trách nhiệm về tình trạng và mọi hoạt động chiến đấu của bộ đội, tham gia vào việc xây dựng kế hoạch tác chiến, chăm lo sao cho chiến dịch nào cũng được bảo đảm đầy đủ về mặt vật chất. Bao giờ hai đồng chí cũng cùng được triệu tập về Đại bản doanh. Tuy nhiên, nhiệm vụ chủ yếu của ủy viên Hội đồng quân sự là nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu vững chắc của bộ đội. Đồng chí hoạt động với tư cách người tổ chức toàn bộ công tác chính trị của Đảng trong các đơn vị. Gắn bó với đồng chí là cơ quan chính trị của phương diện quân, đồng chí có thẩm quyền bố trí cán bộ Đảng trong đơn vị và thông qua số cán bộ này mà bảo đảm vai trò tiên phong trên chiến trường của từng đảng viên và đoàn viên thanh niên cộng sản.

Ngoài ra, ủy viên Hội đồng quân sự còn có nhiệm vụ: bảo đảm mối quan hệ đúng đắn giữa bộ đội và nhân dân trong khu vực gần mặt trận, tham gia phục hồi Chính quyền xô viết trong những vùng đất đai Liên Xô đã được giải phóng khỏi ách chiếm đóng và duy trì quan hệ tiếp xúc với các cơ quan chính quyền địa phương nước ngoài, khi bộ đội ta vượt qua biên giới quốc gia.

Tôi thấy cần phải nói rõ rằng, những điều nói trên về ủy viên Hội đồng quân sự chỉ dành riêng để nói về ủy viên thứ nhất của Hội đồng quân sự mà thôi vì các ủy viên khác, chẳng hạn như tham mưu trưởng hoặc tư lệnh pháo binh, khác với ủy viên thứ nhất, đều đảm đương những nhiệm vụ theo chức trách trực tiếp của mình.

Trong những năm chiến tranh, giữ cương vị ủy viên thứ nhất của Hội đồng quân sự phương diện quân có hơn 40 người. Trong số đó, ba đồng chí – A. A. Giơ-đa-nốp, A. X. Giên-tốp và C. Ph. Tê-lê-ghin – đã giữ trọng trách này hầu như từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc chiến tranh. Những đồng chí đã giữ cương vị ủy viên thứ nhất Hội đồng quân sự phương diện quân trong khoảng từ hai năm trở lên là: V N. Bô-gát-kin, P. I. Ê-phi-mốp, C. V. Cray-nhi-u-cốp, Đ. X. Lê-ô-nôp, L. D. Mê-khơ-li-xơ, I. D. Xu-xai-cốp, N. X. Khơ-rút-sôp, T. Ph. Stư-côp.

Mười hai đồng chí đã giữ trọng trách trên từ sáu tháng đến hai năm là: Ph. E. Bô-cốp N. A. Bun-ga-nin, Đ. A. Ga-pa-nô-vích, C. A. Gu-rốp, A. I. Da-pô-rô-giét, I. I. La-rin, V. E. Ma-ca-rốp, M. V. Ru-đa-cốp, N. E. Xu-bốt-tin, A. N. Tép-tren-cốp, A. I-a. Phô-mi-nức, Ph. A. Sa-ma-nin. Còn các đồng chí đã giữ trọng trách trên trong khoảng chưa đầy nửa năm là: P. C. Ba-tơ- ra-cốp, Ph. Ph. Cu-dơ-nét-xốp, M. A. Buốc-mi-xten-cô, N. N. Clê-men-chi-ép, G. N. Cu-pri-i-a-nôp, A. Ph. Cô-lô-bi-a-cốp, A. I. Ki-ri-tsen-cô, V. M. Lai-ôc, P. I. Ma-dê-pôp, P. C. Pô-nô-ma-ren-cô, E. P. Rư-cốp, P. I. Xe-le-dơ-nép, N. I. Sa-ba-lin, I. V. Si-kin, E. A. Sa-đen-cô.

Trong các hạm đội, số cán bộ này ổn định hơn. Trong suốt thời gian chiến tranh, đồng chí A. A. Ni-cô-lai-ép giữ cương vị ủy viên thứ nhất Hội đồng quân sự Hạm đội Bắc, còn đồng chí X. E. Da-kha-rôp là ủy viên thứ nhất Hội đồng quân sự Hạm đội Thái Bình Dương. Đồng chí N. C. Xmi-rơ-nôp đã giữ cương vị ủy viên thứ nhất Hội đồng quân sự Hạm đội Ban-tích Cờ đỏ cũng trong thời gian gần bằng như vậy. Đồng chí N. M. Cu-la-côp giữ trọng trách trên được hơn hai năm tại Hạm đội Biển Đen.

Song, tôi xin trở lại với đề mục cơ bản của chương này là những vấn đề tác chiến đang được giải quyết tại Bộ tổng tham mưu trong mùa xuân năm 1943. Không thể giành được bước ngoặt quyết định trong chiến tranh nếu không xây dựng những đội dự bị mạnh của các binh chủng. Công tác theo hướng này rất lớn.

Nếu như ngày 1 tháng Ba, Bộ tổng tư lệnh tối cao chỉ có bốn tập đoàn quân trong số lực lượng dự bị của mình (các tập đoàn quân 24, 62, 66 và tập đoàn quân dự bị 2), thì trong khoảng tháng Ba, con số tập đoàn quân ấy đã lên đến mười. Đến ngày 1 tháng Tư, lực lượng dự bị của Đại bản doanh gồm có: các tập đoàn quân 24, 46, 53, 57, 66, tập đoàn quân cận vệ 6, các tập đoàn quân binh chủng hợp thành dự bị 2 và 3, và hai tập đoàn quân xe tăng- tập đoàn quân xe tăng 1 và tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5.

Trong lúc này, Bộ tổng tham mưu vẫn thường xuyên theo dõi địch. Những tin tức về địch hơi mâu thuẫn với nhau. Cả cán bộ trinh sát lẫn các trợ lý đều cho rằng địch tỏ ra thận trọng, đôi khi thận trọng đến dè dặt. Tuy nhiên, ở vùng Ô-ngôn, Bên-gô-rốt và Khác-cốp, chúng vẫn duy trì cánh quân đột kích gồm cả không quân và xe tăng như trước, và sức mạnh của cánh quân này đang không ngừng được tăng cường thêm. Tình hình ấy được coi là bằng chứng trực tiếp nói lên ý định tiến công của quân địch.

Cuối tháng Ba và trong tháng Tư, tại Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu có cuộc trao đổi ý kiến xem phải giải quyết nhiệm vụ chủ yếu của chiến tranh trong mùa hè năm 1943 ở đâu và như thế nào. Về các vấn đề, đều lấy ý kiến của các nhà quân sự có uy tín: các đại diện Đại bản doanh tại các đơn vị đang tác chiến, cả của một số tư lệnh phương diện quân.

Vấn đề “ở đâu” không phải là vấn đề quá khó. Chỉ có thể có một ý kiến trả lời cho câu hỏi này: ở vòng cung Cuốc-xcơ. Vì chính trong khu vực này có những lực lượng đột kích chủ yếu của địch, chứa chất hai khả năng nguy hiểm cho chúng ta: vu hồi sâu vào Mát-xcơ-va hoặc quặt xuống phía Nam. Mặt khác, chính chúng ta cũng đang ở đây, tức là trực diện với cánh quân chủ yếu của địch và có thể sử dụng với hiệu quả lớn nhất những lực lượng và phương tiện của chúng ta, trước hết là những tập đoàn xe tăng mạnh. Còn ở mọi hướng khác, dù chúng ta có hoạt động kết quả đi chăng nữa, thì cũng không thể mang lại cho các Lực lượng vũ trang Liên Xô những triển vọng như ở vòng cung Cuốc-xcơ. Rốt cuộc, cả Đại bản doanh, cả Bộ tổng tham mưu, cả các tư lệnh phương diện quân đều đi đến kết luận như vậy.

Còn vấn đề thứ hai – giải quyết nhiệm vụ chủ yếu của chiến tranh như thế nào – thì phức tạp hơn. Nó không được trả lời ngay, các ý kiến trả lời lại khác nhau xa.

Ngày 8 tháng Tư, Gh. C. Giu-cốp đang ở phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, viết về tổng tư lệnh tối cao:

“Tôi nghĩ rằng: trong những ngày sắp tới, chuyển bộ đội ta sang tiến công là không hợp lý. Tốt hơn hết là nên tiêu hao địch trong tuyến phòng ngự của chúng ta, diệt lực lượng xe tăng của chúng, sau đó điều những lực lượng dự bị sinh lực còn dồi dào đến rồi chuyển sang tiến công toàn diện và kết liễu cánh quân chủ yếu của địch ở đây”.

A. M. Va-xi-lép-xki đồng ý với quan điểm này.

I. V. Xta-lin không phát biểu ý kiến của mình mà cho lệnh triệu tập một cuộc họp đặc biệt tại Đại bản doanh vào ngày 12 tháng Tư, để thảo luận kế hoạch chiến cục mùa hè. Trước ngày đó, Bộ tổng tham mưu phải tìm hiểu những ý kiến của các tư lệnh phương diện quân về tính chất hành động và phương hướng của cuộc đột kích mà địch có thể tiến hành. Trong trường hợp này, Tổng tư lệnh tối cao đã thay đổi nguyên tắc thường xuyên của mình “không được say mê dự đoán địch”. Tình huống đòi hỏi phải làm như vậy.

- Đồng chí hãy viết thông tri hỏi ý kiến các tư lệnh phương diện quân, – An-tô-nốp lệnh cho tôi trong đêm rạng ngày 10 tháng Tư, khi chúng tôi mới đi báo cáo thường kỳ ở Đại bản doanh về.

Chỉ vài phút sau, thông tri đã viết xong, rất ngắn:

“Đề nghị các đồng chí: trước ngày 12 tháng Tư năm 1943, cho biết ý kiến đánh giá đối phương của mình và các hướng hành động có thể có của chúng”.

A. I. An-tô-nốp ký bức điện ấy.

Đến thời hạn quy định, các tư lệnh và tham mưu trưởng phương diện quân xác nhận tình hình địch vẫn như cũ, và đều tin chắc rằng địch nhất thiết sẽ tiến công trên hướng Cuốc xcơ. Trong vấn đề này, bộ tư lệnh phương diện quân Trung tâm có ý kiến nên tiến công trước quân địch. Các đồng chí cho rằng, ta có thể và cần thiết phải tiêu diệt cánh quân địch đóng tại Ô-ri-ôn khi chúng chưa sẵn sàng tiến công. Ngày 10 tháng Tư, tham mưu trưởng phương diện quân M. X. Ma-li-nin viết lên Bộ tổng tham mưu như sau:

“Địch có thể bắt đầu điều động và tập trung quân trên những hướng chúng dự kiến sẽ tiến công, bắt đầu xây dựng những kho tàng cần thiết sau khi chấm dứt mùa lũ và tình trạng đường sá khó đi lại trong mùa xuân. Vì vậy, chừng hạ tuần tháng Năm 1943, chúng mới có thể chuyển sang tiến công mạnh được.

Trong những điều kiện của tình huống tác chiến ấy, tôi cho rằng áp dụng những biện pháp sau đây là thích hợp: cố gắng phối hợp bộ đội ba phương diện quân Tây, Bri-an-xcơ và Trung tâm, tiêu diệt cánh quân địch tại Ô-ri-ôn và do đó làm cho quân chúng mất khả năng đột kích từ khu vực Ô-ri-ôn qua Li-vơ-nư tới Ca-xtô-rơ-nôi-ê đánh chiếm đoạn đường sắt chính rất quan trọng và cần thiết cho chúng ta: Mơ-xen-xcơ – Ô-ri-ôn – Cuôc-xcơ, và không cho chúng có thể lợi dụng đầu mối đường sắt và đường bộ ở Bri-an- xcơ”

Hội đồng quân sự phương diện quân Vô-rô-ne-giơ chưa vội nêu đề nghị về hành động của bộ đội ta, nhưng cũng đã phát biểu khá rõ về địch:

“Địch định mở những mũi đột kích tập trung: từ khu vực Bên-gô-rốt tới Đông – Bắc, và từ khu vực Ô-ri-ôn tới Đông – Nam nhằm bao vây bộ đội chúng ta đang ở phía Tây tuyến Bên-gô-rốt, Cuốc-xcơ.

Sau đó, trên hướng Đông – Nam, địch có thể đột kích vào sườn và phía sau phương diện quân Tây – Nam để rồi sẽ hành động trên hướng Bắc. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng là trong năm nay địch sẽ bỏ kế hoạch tiến công vào hướng Đông – Nam và sẽ tiến hành một kế hoạch khác: sau khi đã thực hiện xong những đòn đột kích tập trung từ khu vực Bên-gô-rốt và Ô-ri-ôn, chúng sẽ mở cuộc tiến công vào hướng Đông – Bắc để vu hồi vào Mát-xcơ-va. Cần phải tính đến khả năng này và chuẩn bị lực lượng dự bị thích hợp”.

Cuối bản báo cáo có kết luận sau đây:

“Hiện nay địch chưa sẵn sàng mở cuộc tiến công lớn. Căn dự kiến rằng cuộc tiến công ấy sẽ bắt đầu sau ngày 20 thảng Tư năm nay và rất có thể là vào những ngày đầu tháng Năm… Chúng có thể đánh lẻ tẻ vào bất cứ lúc nào”.

Tối ngày 12 tháng Tư, trong cuộc họp ở Đại bản doanh, sau khi phân tích kỹ lưỡng tình huống, mọi người đều nhất trí rằng cuộc tiến công mùa hè của quân đội phát-xít Đức có khả năng nhiều nhất là nhằm mục đích bao vây và tiêu diệt những lực lượng chủ yếu của các phương diện quân Trung tâm và Vô-rô-ne-giơ tại vòng cung Cuốc-xcơ. Sau đó cũng không loại trừ khả năng là chúng sẽ phát triển kết quả sang các hướng Đông và Đông – Nam, kể cả tới Mát-xcơ-va. I. V. Xta-lin tỏ ra đặc biệt băn khoăn về điểm này.

Cuối cùng, cuộc họp đã đi đến quyết định tập trung những cố gắng chủ yếu của chúng ta ở khu vực Cuôc-xcơ, tiêu hao địch trong chiến dịch phòng ngự ở đây, rồi sau đó chuyển sang phản công và tiêu diệt chúng đến cùng. Để dự phòng mọi bất trắc, cuộc họp đã thừa nhận là cần phải xây dựng tuyến phòng ngự vững chắc và có chiều sâu trên toàn bộ mặt trận chiến lược và tuyến phòng ngự thật mạnh trên hướng Cuôc-xcơ.

Trong trường hợp bộ chỉ huy Hít-le chưa mở đợt tiến công trong thời gian tới, mà hoãn tiến công đến một thời gian dài sau, thì sẽ áp dụng phương án khác: chuyển bộ đội xô viết sang hành động tích cực, không chờ những mũi đột kích của địch.

Sau cuộc họp ấy, Bộ tổng tham mưu bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch cho cả chiến cục mùa hè và cho những chiến dịch quan trọng nhất trong chiến cục này. Mãi đến ngày 21 tháng Tư, Đại bản doanh mới nhận được ý kiến của bộ tư lệnh phương diện quân Vô-rô-ne-giơ. Bộ tư lệnh phương diện quân Vô-rô-ne-giơ cũng chủ trương lúc đầu phòng ngự, sau chuyển sang phản công, song cũng cho rằng ta có thể mở những mũi đột kích trước, nếu địch không tổ chức tiến công trong một thời gian dài. Còn những nhiệm vụ sắp đến, nói chung đã được trình bày một cách rất mềm dẻo.

Để xây dựng các kế hoạch chiến cục mùa hè năm 1943 thì, như người ta nói, cần phải bảy lần đo, một lần cắt. Chúng ta cũng chưa có khả năng tiến công ngay. Đồng thời, muốn phá vỡ cuộc tiến công của địch, ta cần phải chuẩn bị kỹ thêm: bổ sung và tập trung bộ đội và các lực lượng dự bị, tiếp vận thêm đạn dược, tích lũy nhiên liệu, tổ chức việc đảm bảo cứu thương và các mặt khác. Người ta đã tính rằng: trước khi tiến hành một chiến dịch, chỉ riêng không quân chẳng hạn cũng cần đến 20 cơ số xăng dầu. Để xây dựng được nguồn dự trữ cần thiết ấy cho các đơn vị không quân, thậm chí phải tạm thời đình những hoạt động bắn phá vào các sân bay và đường giao thông của địch.

Vào thời kỳ chuẩn bị chiến dịch, Bộ tổng tham mưu phải phối hợp với rất nhiều các chủ nhiệm, tư lệnh để giải quyết các vấn đề tổ chức. Mỗi người đều có tính cách riêng, có phong cách làm việc riêng và thói quen ưa thích riêng của mình. Tôi còn nhớ tướng Ê. I. Xmi-rơ-nốp, chủ nhiệm Tổng cục quân y của Hồng quân đã “hành động” như thế nào. Xmi-rơ-nốp là người bạn lớn của tôi, nhưng hồi bấy giờ nhiều khi tôi phải cắn răng chịu đựng vì đồng chí ấy thường xuất hiện chẳng hợp lúc tý nào, tức là khi tôi đang bận tối mặt với cương vị cục trưởng Cục tác chiến.

“Anh chàng chủ nhiệm quân y” ấy ngồi xuống ghế và hỏi không thừa lời tý nào:

- Ta sẽ tấn công ở đâu? Tớ phải dồn lực lượng tới đâu?

- Ê-phim I-va-nô-vích, lúc này tớ chưa thể nói điều đó được, phải một thời gian nữa.

- Tớ biết, đó là việc bí mật. Nhưng cậu cứ thử khuyên mình nên chuyển các quân y viện tới đâu, không thì sẽ muộn mất.

- Tớ cũng chẳng thể khuyên được.

- Thôi được. Thế thì nói hướng nào vậy.

- Ê-phim I-va-nô-vích, – tôi lại nói, – cả việc này tôi không thể nói được.

Và cứ thế mãi. Đồng chí ấy không phát bực, cũng không nổi cáu, mà cứ tiếp tục đặt “những câu hỏi dò”… đến khi tự bản thân chúng tôi nói ra nên điều lực lượng tới đâu thì đồng chí mới thỏa mãn ra về, và thế là công việc bắt đầu sôi nổi lên.

Trong quá trình chiến tranh, cơ quan quân y của chúng ta đã cứu sống sinh mạng cho hàng triệu chiến sĩ, đã trả họ về với đội ngũ, đã góp phần to lớn vào sự nghiệp chung là chiến thắng quân thù.

Ngày 25 tháng Tư, Đại bản doanh kiểm tra tình hình phương diện quân Vô-rô-ne-giơ mà đối diện với nó là cánh quân Bên-gô-rôt – Khác-cốp mạnh nhất của địch. Kế hoạch phòng ngự của phương diện quân được phê chuẩn. Đại bản doanh quy định thời hạn phải sẵn sàng chiến đấu là ngày 10 tháng Năm, còn sẵn sàng tiến công thì không được quá ngày 1 tháng Sáu. Ý định sẽ mở những mũi đột kích trước khi quân địch tiến công vẫn chưa bị bác bỏ nhưng bị xếp vào hàng thứ hai.

Chúng ta đã dự tính như vậy đấy. Chúng ta đã tận lực triển khai một công tác tổ chức to lớn và sáng tạo, cần thiết khi chuẩn bị bất kỳ một chiến dịch quy mô lớn nào.

Đến lúc này, ta mới dứt khoát thấy rõ là: cả cuối tháng Tư lẫn đầu tháng Năm, quân địch vẫn chưa thể chuyển sang tiến hành một cuộc tiến công quyết định. Nhưng chúng cũng không chịu để mất thời gian một cách vô ích. Khi tình hình ở Bên-gô-rôt vừa được ổn định, quân đội phát-xít Đức liền bắt tay ngay vào việc xây dựng phòng ngự thành tuyến chiến hào có tung thâm sâu như kiểu ta đã gặp ở khu vực sông Mi-u-xơ.

Chúng ta có tính tới tình hình ấy, và trong dự kiến tiến công đột phá một tuyến phòng ngự như vậy, Đại bản doanh đã xúc tiến thành lập nhiều quân đoàn pháo binh đột phá, nhiều sư đoàn pháo thuộc lực lượng dự bị của Bộ tổng tư lệnh tối cao, nhiều lữ đoàn pháo tiêm kích chống tăng. Dẫu sao, ngay trong phòng ngự, chúng ta cũng cần những binh đoàn pháo binh như thế, dùng để đánh lui nhưng mũi đột kích của địch khi chúng tiến công ta.

Bộ tổng tham mưu đã tiến hành tập kết phương tiện vật chất và bộ đội trên một quy mô lớn nhất trong thời gian chiến tranh về khu vực Cuốc-xcơ, do đó, phải xem xét lại khả năng của đường sắt và mở rộng kế hoạch vận chuyển.

Chúng ta phải giải quyết cả nhiều vấn đề còn chưa rõ về mặt lý luận, xoay quanh chủ trương chủ tâm phòng ngự trước rồi sau mới chuyển sang phản công. Những vấn đề ấy có nhiều. Làm thế nào để bảo đảm phòng ngự có kết quả và liệu có thể thực hiện việc phòng ngự ấy bằng một lực lượng ít hơn địch không? Có cần phải xây dựng ưu thế về lực lượng trước hay không? Khâu nào cần có ưu thế ấy – khâu chiến thuật hay chiến dịch, khâu tập đoàn quân hay khâu phương diện quân? Phải chăng tốt nhất là tập trung lực lượng dự bị vào tay Đại bản doanh và nhờ đó, đến lúc thích hợp sẽ tạo nên ưu thế về lực lượng có tính chất quyết định khi chuyển sang phản công? Còn phải giải quyết vấn đề là đến khi nào và đến lúc nào trong quá trình chiến dịch thì nên chuyển sang phán công, không để địch gây tổn thất nặng cho bộ đội phòng ngự của ta. Song cũng không nên vội vã, không được chuyển sang phản công sớm khi chưa tiêu hao được địch.

Các đồng chí tư lệnh phương diện quân, các cơ quan tham mưu phương diện quân, kể từ phương diện quân Tây cho đến phía Nam, đã cùng với Bộ tổng tham mưu chăm lo giải quyết tất cả những vấn đề trên. Thời gian thật căng thẳng: công tác chuẩn bị cho chiến cục mùa hè xen kẽ với những công việc hiện hành, công tác lý luận đi liền với công tác thực tiễn, bổ sung lẫn nhau và dựa vào nhau.

Khi chúng tôi hỏi ý kiến Tổng tư lệnh tối cao xem lúc nào sẽ chuyển sang phản công, đồng chí trả lời như sau:

- Cái đó để các phương diện quân tự giải quyết, căn cứ vào tình hình diễn biến lúc bấy giờ. Bộ tổng tham mưu chỉ có nhiệm vụ theo dõi chăm lo sao cho việc hiệp đồng không bị phá hoại, chiến cuộc không bị ngừng lại lâu khiến địch có thể trụ chắc tại những tuyến chúng đã giành được. Điều rất quan trọng là phải kịp thời đưa các lực lượng dự bị của Đại bản doanh vào chiến đấu.

Ai cũng thấy rằng phương diện quân Trung tâm và phương diện quân Vô-rô-ne-giơ sẽ giữ vai trò chủ yếu trong phòng ngự, nhưng cũng không loại trừ khả năng phương diện quân Bri-an-xcơ và phương diện quân Tây – Nam sẽ cùng tham gia vào đây. Thậm chí, Gh. C. Giu-côp và R. I-a. Ma-li-nốp-xki cũng tin chắc rằng phương diện quân Tây – Nam nhất định sẽ phải chịu những đòn đột kích của địch. Vì rằng ở đấy không có những đội dự bị đủ mạnh của bản thân phương diện quân nên các đồng chí nhấn mạnh đến sự cần thiết có một tập đoàn quân hoặc ít ra cũng là một quân đoàn xe tăng lấy trong lực lượng dự bị của Đại bản doanh, bố trí ở chỗ tiếp giáp giữa phương diện quân Tây – Nam và phương diện quân Vô-rô-ne-giơ.

Việc phân tích cặn kẽ những thủ đoạn tác chiến của địch trong những chiến cục trước đây đã buộc chúng ta còn phải chú ý đến một tình huống nữa: địch có thể triển khai những hành động yểm hộ hoặc những hành động thu hút trong các dải hoạt động của bất kỳ phương diện quân nào của chúng ta ở cánh phía Nam.

Vì vậy, ngay trước ngày 20 tháng Tư, Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu đã kiểm tra tình trạng phòng ngự của gần hết mọi nơi trong các dải tiền tuyến, và cố nhiên, đã phát hiện ra nhiều thiếu sót. Nhân đó, ngày 21 tháng Tư, Xta-lin đã ký nhiều chỉ thị đặc biệt gửi cho tất cả các phương diện quân, trừ hai phương diện quân Lê-nin-grát và Ca-rê-li-a.

Càng tiến dần đến bước ngoặt quyết định trong quá trình chiến tranh, Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô càng tăng cường quan tâm đến lực lượng dự bị chiến lược: bố trí chúng ở đâu và thể thức sử dụng chúng ra sao? Đại bản doanh có ý định xây dựng một phương diện quân dự bị đặc biệt từ đầu tháng Ba.

Như đã nói ở trên, đến ngày 13 tháng Ba, ta đã thành lập phương diện quân ấy gồm ba tập đoàn quân binh chủng hợp thành (tập đoàn quân dự bị 2, các tập đoàn quân 24, 66) và ba quân đoàn xe tăng (quân đoàn xe tăng cận vệ 4 và các quân đoàn xe tăng 3, 10). Trong tháng Tư, phương diện quân này đã được tăng cường đáng kể: đội ngũ của nó có thêm ba tập đoàn quân binh chủng hợp thành (46, 47 và 53), một tập đoàn quân xe tăng (tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5), một quân đoàn xe tăng nữa (quân đoàn 1) và hai quân đoàn cơ giới (1 và 4).

Phương diện quân cũng đã mang nhiều tên khác nhau theo thời gian: lúc đầu là phương diện quân Dự bị (từ 10 đến 15 tháng Tư), sau là quân khu Tháo nguyên và cuối cùng là phương diện quân Thảo nguyên (từ 9 tháng Bảy đến 20 tháng Mười). Như sau đây, bạn đọc sẽ thấy, việc đổi tên có bao hàm một ý nghĩa nhất định, nhưng thực chất có tính nguyên tắc của những lực lượng dự bị chiến lược vẫn không thay đổi.

Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu không định sử dụng lực lượng dự bị chiến lược trong giai đoạn phòng ngự của chiến dịch đang trù tính, mà định dành cho chúng vai trò chủ yếu khi chuyển sang phản công. Song, I. V. Xta-lin cho rằng: để sẵn sàng trước mọi trường hợp, quân khu Thảo nguyên cần bố trí sẵn quân trên hướng trung tâm, ở phía sau những phương diện quân đang tác chiến, vì chúng có thể được sử dụng để giải quyết những nhiệm vụ phòng ngự, nếu tình hình buộc phải làm như vậy.

Ngày 23 tháng Tư, quân khu Thảo nguyên nhận được những chỉ thị dưới đây mà quân khu phải hoàn thành đồng thời với việc kiện toàn bổ sung và huấn luyện bộ đội.

“Phòng trường hợp địch chuyển qua tiến công trước lúc bộ đội quân khu sẵn sàng, chú ý yểm hộ vững chắc các hướng: 1) Li-vơ-nư, Ê-lê-txơ, Ra-nen-buốc; 2) Si-grư, Ca-xtô-rơ-nôi-ê, Vô-rô-ne-giơ; 3) Va-lui-ki, A-lếch-xê-ép-ca, Li-xki; 4) Rô-ven-ki, Rốt-xô-sơ, Páp-lap-xcơ; 5) Xta-rô-ben-xcơ, Can-tê-mi-rốp-ca, Bô-gu-tsa-rơ và khu vực Tre-rơ-tơ-cô-vô, Min-lê-rô-vô”.

Đồng thời, sử dụng lực lượng nhân dân địa phương, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, ta đã chuẩn bị xong trước ngày 15 tháng Sáu công việc phòng ngự cái gọi là tuyến quốc gia chạy dài theo tả ngạn sông Đôn tới Vô-ây-cô-vô, Lê-bê-đi-an, Da-đôn-xcơ, Vô-rô-ne-giơ, Li-xki, Páp-lốp-xcơ, Bô-gu-tsa-rơ. Quân khu Thảo nguyên nghiên cứu tuyến này và chuẩn bị chiếm lĩnh khi bắt đầu thấy cần. Cũng đã tiến hành trinh sát thực địa tuyến phòng ngự cũ của chúng ta: Ê-phrê-mốp, Bô-rơ-ki, A-lếch-xê-ép-ca, Bê-lô-vôt-xcơ, Ca-men-xcơ ở Bắc Đô-ne-txơ.

Kết quả là: tại phía sau các phương diện quân đang tác chiến, trong dải dự kiến địch sẽ tiến công, đã xây dựng tuyến phòng ngự sâu tới 300 ki-lô-mét. Trong khoảng không gian ấy các lực lượng dự bị chiến lược của ta phải tiêu diệt địch nếu chúng đột phá vào đây. Đồng thời, quân khu Thảo nguyên nhận được mệnh lệnh: “Bộ đội, các cơ quan tham mưu và tư lệnh binh đoàn chủ yếu phải chuẩn bị cho chiến đấu và chiến dịch tiến công, đột phá dải phòng ngự của địch, đồng thời chuẩn bị cho bộ đội ta tạo được những đợt phản xung phong mạnh, chống lại những mũi đột kích ào ạt của xe tăng và không quân”.

Những nhiệm vụ như thế về nguyên tắc không phù hợp với khái niệm quân khu. Chính vì vậy, ngày 9 tháng Bảy, quân khu Thảo nguyên đã đổi thành phương diện quân Thảo nguyên gồm: tập đoàn quân 27 của trung tướng X. G. Tơ-rô-phi-men-cô, tập đoàn quân 47 của trung tướng A. I. Ru- giốp (từ ngày 13 tháng Bảy, trung tướng P. M. Cô-dơ-lốp chỉ huy tập đoàn quân 47. Sau đó, từ ngày 4 tháng Tám, trung tướng P. P. Cô-rơ-dun chỉ huy tập đoàn quân này), tập đoàn quân 53 của trung tướng I. M. Ma-na-ga-rôp, tập đoàn quân cận vệ 5 (trước là tập đoàn quân 66) của trung tướng A. X. Gia-đôp, tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 của trung tướng P. A. Rôt-mi-xtơ-rốp, tập đoàn quân không quân 5 của trung tướng X. C. Gô-riu-nốp, quân đoàn xe tăng cận vệ 4 và quân đoàn xe tăng 10, quân đoàn cơ giới cận vệ 1, và ba quân đoàn kỵ binh cận vệ 7, 3 và 5.

Việc phòng ngự có tung thâm sâu nhiều dải của những phương diện quân tác chiến, việc bố trí những lực lượng dự bị chiến lược mạnh ở phía sau và cuối cùng việc thành lập phòng tuyến quốc gia dọc theo sông Đôn nhất định bảo đảm cho chúng ta khả năng ngăn chặn được địch trong mọi hoàn cảnh. Nhưng như thế vẫn chưa đủ bảo đảm đánh bại hoàn toàn được quân đội phát-xít Đức. Do đó, ta vẫn tiếp tục tìm kiếm thêm những khả năng mới.

Nhằm mục đích ấy, chúng tôi đã nhiều lần xuống các phương diện quân Tây và Bri-an-xcơ. Dự kiến rằng: quy mô hành động tiến công của quân địch ở đây sẽ không lớn bằng ở vùng các phương diện quân Trung tâm và Vô-rô-ne-giơ. Đồng thời, theo giả định của chúng ta, cánh quân địch đóng tại Ô-ri-ôn nhất thiết sẽ tích cực tham gia vào cuộc tiến công quyết định của quân đội phát-xít Đức ở Cuốc-xcơ. Chúng sẽ tung cánh quân này vào chiến đấu, khi những lực lượng xung kích của chúng đã hết khả năng tiến công, và bộ chỉ huy Hít-le sẽ buộc phải khắc phục tình hình khủng hoảng của chiến dịch, phải tìm mọi cách ngăn chặn tình huống này. Lúc cánh quân Ô-ri-ôn được tung vào chiến đấu, ta phải tiêu diệt chúng bằng những cố gắng hợp nhất của hai phương diện quân Tây và Bri-an-xcơ. Vì vậy, chúng tôi đã vạch trước kế hoạch chiến dịch tiến công trên hướng này, và chiến dịch sẽ mở màn vào lúc có đột biến trong chiến sự trên vòng cung Cuốc-xcơ. Chiến dịch ấy tất nhiên là một bảo đảm mới và rất quan trọng cho thắng lợi chung của bộ đội Liên Xô. Kế hoạch chiến dịch lấy tên là “Cu-tu-dốp”.

Nói chung, chúng ta hình dung tiến trình của những sự kiện sắp tới như sau: khi tiến công, địch sẽ dựa chủ yếu vào xe tăng và không quân. Bộ binh của chúng sẽ giữ vai trò thứ yếu vì đã bị suy yếu hơn những năm trước đây.

Cách bố trí những cánh quân đột kích của địch cho phép ta dự đoán chúng sẽ từ nhiều hướng đánh quặp vào Cuốc-xcơ: cánh quân Ô-ri-ôn – Crô-mư sẽ từ phía Bác đánh xuống và cánh quân Ben-gô-rốt – Khác-côp từ phía Nam đánh lên. Mũi đột kích phụ, chia cắt mặt trận chúng ta, có thể xuất phát từ phía Tây, từ khu vực Vô-rô-giơ-ba giữa hai con sông Xây-mơ và Pxi-ôn đánh vào Cuôc-xcơ.

Định hướng sử dụng bộ đội xe tăng, máy bay và bộ binh như vậy, bộ chỉ huy phát-xít Đức hy vọng bao vây và trong một thời hạn ngắn tiêu diệt toàn bộ tập đoàn quân của chúng ta đang phòng ngự trên vòng cung Cuốc-xcơ. Giả định rằng: địch có kế hoạch trong giai đoạn đầu tiến công tới tuyến Cô-rô-tra, Tim, Đrô-xcô-vô, và trong giai đoạn hai đột kích vào sườn và phía sau phương diện quân Tây – Nam qua Va-lui-ki, U-ra-dô-vô.

Có thể là chúng sẽ tiến công từ khu vực Li-xi-tran-xcơ lên phía Bắc theo hướng Xva-tô-vô, U-ra-dô-vô để gặp mũi đột kích trên. Cũng không loại trừ việc bọn Đức còn âm mưu đánh chiếm tuyến Li-vơ-nư, Ca-xtô-rơ- nôi-ê, Xta-rưi Ô-xcôn và Nô-vưi Ô-xcôn nhằm chiếm lĩnh con đường sắt đi Đôn-bát quan trọng đối với chúng ta. Sau đó, tất nhiên chúng sẽ tập trung binh lực để tiến ra tuyến Li-xki, Vô-rô-ne-giơ, Ê-lê-txơ và tổ chức đột kích vu hồi từ phía Đông – Nam vào Mát-xcơ-va.

Đến ngày 8 tháng Tư, ở phía trước phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và phương diện quân Trung tâm, địch đã tập trung 15-16 sư đoàn xe tăng, với 2.500 xe tăng. Ngoài ra, ở đây chúng còn có khá nhiều sư đoàn bộ binh. Những lực lượng ấy vẫn không ngừng tăng lên. Ngày 21 tháng Tư, N. Ph. Va-tu-tin tính rằng chỉ riêng ở phía trước phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, trong khu vực Bên-gô-rôt đã có tới hai mươi sư đoàn bộ binh và mười một sư đoàn xe tăng.

Phù hợp với những tin tức và giả thiết của Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô, từng phương diện quân sẽ tham gia chiến dịch có tính chất chiến lược ở Cuôc-xcơ đã dần dần vạch ra những nét lớn trong kế hoạch chiến dịch của mình.

Hội đồng quân sự phương diện quân Vô-rô-ne-giơ báo cáo rằng cơ sở của toàn bộ hoạt động thực tiễn của phương diện quân trong thời gian sắp tới là:

“a) bố trí đội hình phòng ngự có tung thâm sâu, muốn vậy không những đang chuẩn bị một loạt tuyến chiến đấu mà còn đang đưa bộ đội vào chiếm lĩnh những tuyến chiến đấu ấy ngay từ bây giờ để không cho địch tiến hành đột phá chiến dịch;

b) tổ chức phòng ngự chống tăng với mật độ dày đặc và phát triển trên một tung thâm lớn, nhất là trên những hướng tối quan trọng có thể bị xe tăng địch uy hiếp. Do đó, đang chú trọng xây dựng các kế hoạch chống tăng, thành lập nhiều khu vực chống tăng trên một tuyến sâu, cấu trúc nhiều công trình chướng ngại chống tăng, nhiều bãi mìn cả ở phía trước tiền duyên lẫn ở trong tung thâm, sử dụng nhiều súng phun lửa, chuẩn bị hỏa lực pháo binh, pháo phản lực và những đòn đột kích của không quân vào các hướng tiến quân của xe tăng địch. Nhiều chướng ngại vật cơ động đang được chuẩn bị trên một tung thâm lớn. Trong tất cả các đơn vị và binh đoàn đều có những đội dự bị cơ động chống tăng,

c) tổ chức phòng không vững chắc bầng cách xây dựng hầm hào cho các đội hình chiến đấu, ngụy trang và sử dụng tập trung pháo cao xạ trên những hướng quan trọng nhất. Tuy nhiên, cách phòng không hiệu nghiệm nhất vẫn là tiêu diệt không quân địch tại các sân bay và triệt phá các kho nhiên liệu của chúng, do đó cần kịp thời sử dụng cầu không quân của tất cả các phương diện quân lẫn không quân hoạt động tầm xa;

d) chuẩn bị và thực hiện cơ động là cơ sở thắng lợi trong phòng ngự.

Đã áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm cơ động cho những khí tài chống tăng, pháo binh, các đơn vị pháo phản lực, xe tăng, các thê đội hai và đội dự bị nhằm nhanh chóng tạo ra một mật độ và tung thâm phòng ngự lớn trên những hướng tiến công của địch, nhanh chóng tập trung lực lượng để tổ chức phản kích và giành ưu thế lực lượng rồi chuyển sang phản công”.

Phương diện quân Trung tâm cũng tiến hành một công tác tương tự như vậy. Đang công tác ở đây với tư cách là đại diện Đại bản doanh, Gh. C. Giu-cốp báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao:

“Phòng ngự của hai tập đoàn quân 13 và 70 đã được tổ chức đúng đắn và bố trí sâu thành nhiều tuyến. Phòng ngự của tập đoàn quân 48 được tổ chức lỏng lẻo với một mật độ và một lực lượng pháo binh rất yếu… Tôi cho rằng: nên lấy trong lực lượng dự bị Đại bản doanh tăng cường thêm cho Rô-ma-nen-cô hai sư đoàn bộ binh, ba trung đoàn xe tăng T-34, hai trung đoàn pháo tiêm kích chống tăng và hai trung đoàn súng cối hoặc hai trung đoàn pháo binh thuộc lực lượng dự bị của Bộ tổng tư lệnh. Nếu có được những lực lượng đó, Rô-ma-nen-cô sẽ có thể tổ chức phòng ngự tốt và khi cần, có thể chuyển sang tiến công bằng một lực lượng khá dày đặc”.

Đại bản doanh đã nghiên cứu tỉ mỉ tất cả những yêu cầu trên và không giống như trước kia, hiện nay đã có khả năng thỏa mãn gần hết những yêu cầu đó. Đến thời gian này, đất nước chúng ta đã có một nền kinh tế thời chiến hoàn chỉnh. Ngành luyện kim, ngành năng lượng, công nghiệp cơ khí ở U ran, Tây Xi-bi-ri và Ca-dắc-xtan là những cơ sở rộng lớn để sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự cần thiết cho tiền tuyến. Tháng Năm 1943, đại đội bộ binh nào cũng đều đã có một trung đội tiểu liên. Tiểu liên cũng còn được trang bị cho bộ đội xe tăng và cơ giới.

Trong khi tiến hành chuẩn bị phòng ngự, chúng ta đã suy nghĩ và cân nhắc mọi chi tiết của cuộc phản công. Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu đặc biệt quan tâm đến việc chọn hướng đột kích chủ yếu. Các đồng chí đã suy nghĩ, tính toán sâu sắc và không phải đã tìm ra giải pháp hay nhất ngay được.

Lúc đầu, nhiều người đã chú ý đến đề nghị của bộ tư lệnh phương diện quân Vô-rô-ne-giơ: tập trung những cố gắng chủ yếu vào phía Nam Cuốc-xcơ, đột phá vào hướng Khác-cốp và Đni-ép-rô-pê-tơ-rôp-xcơ nhằm đánh chiếm căn cứ bàn đạp lớn ở hữu ngạn sông Đni-ép-rơ rồi tiến ra tuyến Crê-mên-trúc, Cri-vôi Rô-gơ, Khéc-xôn, và nếu có điều kiện thuận lợi thì sẽ tiến tới kinh tuyến Tséc-ca-xư, Ni-cô-lai-ép.

Theo ý kiến của Hội đồng quân sự phương diện quân, thì chính ở đây cuộc phản công sẽ cho phép “giành được những kết quả quyết định đối với quá trình chiến tranh”. Nó sẽ loại ra khỏi vòng chiến đấu cụm tập đoàn quân “nam”, một lực lượng hùng hổ nhất trong thời gian ấy của bộ chỉ huy phát-xít Đức, sẽ làm cho địch mất một căn cứ giàu lương thực nhất, và những khu vực công nghiệp quan trọng như Đôn-bát, Cri-vô-rô-gie, Khác-côp và Đni-ép-rô-pê-tơ-rốp-xcơ.

Ngoài ra, chúng ta còn có dịp tiến sát tới biên giới các nước đồng minh phía Nam của nước Đức Hít-le và do đó có thể nhanh chóng loại các nước đó ra khỏi chiến tranh. Trong chiến dịch này, sẽ sử dụng lực lượng các phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, Tây – Nam và Nam, còn trong giai đoạn kết thúc chiến dịch sẽ sử dụng thêm phương diện quân Trung tâm cùng với lực lượng tăng cường thích ứng, rút ra từ các lực lượng dự bị của Đại bản doanh.

Ý định tiêu diệt cánh quân địch ở phía Nam thật là hấp dẫn. Nhưng kế hoạch ấy vẫn bị bác bỏ. Nó không đụng chạm đến phía giữa của mặt trận Xô – Đức và đến hướng chiến lược chủ yếu ở phía Tây, không quật ngã cánh quân chủ yếu của địch ở cụm tập đoàn quân “Trung tâm” – là cánh quân có thể đe dọa bên sườn những phương diện quân quan trọng nhất của chúng ta, không để ý đến hướng tiến về Ki-ép, hướng rất quan trọng về các mặt chính trị, kinh tế và thuần túy quân sự.

Theo ý kiến của Bộ tổng tham mưu thì đột kích vào Khác-cốp, Pôn-ta-va, Ki-ép là có nhiều triển vọng hơn cả. Cuộc tiến quân của Quân đội xô-viết vào thủ đô U-crai-na – trung tâm kinh tế quan trọng của đất nước – sẽ đem lại nhiều kết quả chiến lược lớn hơn. Hơn nữa, sẽ giành được mọi điều kiện để tiến công trên hướng Đni-ép-rô-pê-tơ-rôp-xcơ, và ngoài ra còn chia cắt được chính diện quân địch (nhất là khi bộ đội xô-viết tiến đến Các-pát), sẽ làm cho những tập đoàn quan trọng nhất của địch khó hiệp đồng được với nhau. Từ khu vực Ki-ép, ta có thể uy hiếp được cả hai bên sườn và phía sau cụm tập đoàn quân “nam”, đồng thời uy hiếp được cả cánh phải của cụm tập đoàn quân “trung tâm” (điều này đặc biệt quan trọng).

Cuối cùng, với phương án này chúng ta sẽ giành được hoàn cảnh thuận lợi cho những hành động tiếp sau. Kế hoạch đó đã được thông qua. Phấn thứ nhất của kế hoạch (tiêu diệt cánh quân Bên-gô-ròt – Khác-cốp của địch) được trình bày dưới dạng kế hoạch chiến dịch liên hợp nhiều phương diện quân, ước định gọi là chiến dịch “Ru-mi-an-txép”.

Gắn liền với cuộc đột kích vào Ki-ép là kế hoạch chiến dịch “Cu-tu-dốp” mà bạn đọc đã biết, tức là dùng lực lượng hai phương diện quân Tây và Bri-an-xcơ tiến công thắng sang phía Tây nhằm đánh tan cánh quân Ô-ri-ôn của địch rồi sau đánh chiếm Bê-lô-ru-xi-a và sau đó đột nhập vào Đông Phổ và Đông Ba Lan.

Tôi xin nhắc lại rằng: theo tính toán của Bộ tổng tham mưu, hai phương diện quân trên sẽ chỉ xuất quân khi địch đã bị sa lầy đến tận cổ trong dải phòng ngự sâu thành nhiều tuyến của các phương diện quân Trung tâm và Vô-rô-ne-giơ. Và, trong thực tiễn cũng đã thực hiện như vậy: các phương diện quân Tây và Bri-an-xcơ đã chuyển sang tiến công ngày 12 tháng Bảy, tức bảy ngày sau khi quân địch đã đột kích vào các phương diện quân Trung tâm và Vô-rô ne-giơ. Còn phương diện quân Trung tâm đến ngày 15 tháng Bảy mới bắt đầu hành động tiến công.

Nhưng tất cả nhưng sự việc đó đều là chuyện của những ngày sắp tới. Hiện nay thì quân địch cũng như quân ta đều còn đang ẩn mình trong đất. Trong những cơ quan tham mưu cao cấp của bọn địch và trong Tổng hành dinh của Hít-le, chúng đang ráo riết chuẩn bị cho cái gọi là chiến dịch “thành trì”. Địch đặt nhiều hy vọng lớn lao vào chiến dịch này: đánh tan được hai phương diện quân Trung tâm và Vô-rô-ne-giơ của ta, giành lại quyền chủ động chiến lược cho bộ chỉ huy phát-xít Đức. Do đó, chúng đã điều ra tiền tuyên nhiều đơn vị, vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự mới, nhất là xe tăng và máy bay.

Một tình thế độc đáo đã hình thành: cả hai bên đều ra sức cải thiện công trình phòng ngự của mình, đồng thời đều chuẩn bị tiến công. Chúng ta lại tình nguyện nhường cho địch quyền ưu tiên tiến công trước.

Tuy nhiên, chúng ta đã không thụ động phòng ngự. Vì dự kiến trước cuộc tiến công của địch, ta đã tiến hành nhiều đợt đánh phá lớn bằng không quân. Đợt đánh phá thứ nhất kéo dài trọn một tuần, từ ngày 6 đến hết ngày 13 tháng Năm. Tham gia đợt đánh phá này có không quân của các phương diện quân Ca-li-nin, Tây, Bri-an-xcơ, Trung tâm, Vô-rô-ne-giơ, Tây – Nam và Nam. Các trận đột kích này chủ yếu nhằm đánh các sân bay căn cứ của những phi đoàn máy bay 4 và 6 của bọn Đức. Đồng thời còn nhằm giải quyết nhiều nhiệm vụ khác, đặc biệt là phá hoại sự vận chuyển của địch bằng đường sắt và đường ô-tô.

Đòn đột kích ào ạt đầu tiên của máy bay ném bom và cường kích của chúng ta, đã làm cho địch bị bất ngờ nên rất hiệu nghiệm: tiêu diệt được trên 200 máy bay địch mà mình chỉ bị thiệt hại rất ít. Cô nhiên, những lần đột kích sau thì đạt ít kết quả hơn, vì địch đã tăng cường đề kháng. Dù sao, chỉ trong có ba ngày (6-8 tháng Năm), theo số liệu của ta, địch đã bị mất gần 450 máy bay.

Chiến dịch không quân thứ hai được tiến hành sau đó một tháng, từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Sáu. Đợt này chỉ dùng lực lượng ba tập đoàn quân không quân – 1, 2 và 15, nhưng đã dùng thêm máy bay tầm xa. Mục đích vẫn như cũ. Song lần này không còn thế bất ngờ nữa và nói chung chiến dịch này thu được ít kết quả hơn. Tuy nhiên, tổng kết chung trong tháng Năm và mười ngày đầu tháng Sáu, địch đã mất trên 1.000 máy bay. Việc đó đã làm cho cánh quân xung kích của chúng bị suy yếu nghiêm trọng.

Cho nên, thuật ngữ “tạm ngừng chiến lược” thường được dùng trong sách vở để đánh giá thời kỳ này chỉ có tính cách rất là ước lệ. Tạm ngừng ở chỗ nào, khi ta vẫn tiến công ở Bắc Cáp-ca-dơ và tiến hành những chiến dịch không quân lớn?

Các chiến dịch này đã dẫn Bộ tổng tham mưu và Đại bản doanh đến một số kết luận quan trọng. Chúng tôi dứt khoát tin rằng chỉ có thể tiêu diệt nhiều máy bay địch trên các sân bay khi có những điều kiện nhất định, và không thể giành được quyền hoàn toàn khống chế trên không nếu không có những trận không chiến lớn. Lực lượng không quân tiêm kích phải đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Song, chúng ta đã gặp nhiều khó khăn: vẫn còn chưa đủ máy bay tiêm kích. Đã thế, số máy bay tiêm kích hiện có lại phân tán trong các phương diện quân nên không thể sử dụng được tập trung để giành quyền khống chế trên không trên hướng quan trọng nhất.

Toàn bộ tình hình đó đã được báo cáo lên I. V. Xta-lin, khi tổng kết về những trận không chiến lớn trên bầu trời Cu ban. Xta-lin liền triệu tập hội nghị những người có thẩm quyền để làm sáng tỏ khả năng tiếp tục tăng cường sản xuất máy bay tiêm kích và hợp lý hóa tổ chức không quân tiêm kích. Tôi thấy cần phải nói rằng, hội nghị này đã mang lại kết quả rất nhanh: máy bay tiêm kích được sản xuất ra nhiều hơn và chủ yếu là việc sử dụng không quân tiêm kích đã được cải tiến rõ rệt.

Đầu tháng Năm, việc địch chuyển sang tiến công đã mang tính chất hoàn toàn hiện thực.

Trinh sát báo cáo về: Hít-le có ý định triệu tập một hội nghị những người lãnh đạo các lực lượng vũ trang của chúng để giải quyết dứt khoát vấn đề tiến công trên mặt trận Xô – Đức Cuộc hội nghị này đã diễn ra trong hai ngày 3 và 4 tháng Năm ở Muy-ních, thành phố xưa kia là hang ổ của đảng Quốc xã Đức. Trong hai ngày họp ấy, kế hoạch chiến dịch “thành trì” được chuẩn xác lại lần cuối cùng rồi phê chuẩn. Bây giờ ta phải cẩn thận. Cuộc đột kích bất ngờ của địch, với mật độ xe tăng và máy bay chúng đã có ở phía trước vòng cung Cuốc-xcơ, có thể buộc ta phải trả giá rất đắt.

Từ đầu tháng Năm 1943, Bộ tổng tham mưu đã lợi dụng mọi trường hợp thích hợp để nhắc nhở các cơ quan tham mưu phương diện quân rằng cần phải cảnh giác. Thay mặt Đại bản doanh, Bộ tổng tham mưu đề nghị các phương diện quân đặc biệt phải tránh những cuộc điều động quân phức tạp trong nội bộ “dù chỉ trong một thời gian ngắn” có thể làm yếu khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 8 tháng Năm 1943, bằng nhiều nguồn tin khác nhau, Bộ tổng tham mưu được biết rằng cuộc tiến công của địch trên hướng Ô-ri-ôn – Cuôc-xcơ và Bên-gô-rốt – Khác-cốp có thể bắt đầu trong ngày 10- 12 tháng Năm. Những tin tức trên đã được báo cáo cho A. M. Va-xi-lép-xki lúc này đang ở Mát-xcơ-va. Đồng chí đã được I. V. Xta-lin chỉ thị là phải thông báo cho bộ đội biết khi nào thấy cần thiết. Ngay sau đó Đại bản doanh đã gửi cho các tư lệnh phương diện quân Bri-an-xcơ, Trung tâm, Vô-rô-ne-giơ và Tây – Nam bức điện như sau:

“Căn cứ vào một số tin tức nhận được, địch có thể chuyển sang tiến công vào ngày 10- 12 tháng Năm trên hướng Ô-ri-ôn – Cuốc-xcơ hay hướng Bên-gô-rôt – Đơ-bô-i-an, hoặc trên cả hai hướng trong cùng một lúc.

Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao ra lệnh: đến sáng ngày 10 tháng Năm, toàn thể bộ đội, cả trên tuyến đầu phòng ngự lẫn trong lực lượng dự bị, phải hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu chống cuộc đột kích có thể có của địch. Phải đặc biệt chú ý đến tình hình sẵn sàng chiến đấu của không quân ta để khi địch tiến công, không những đánh lui được những mũi đột kích bằng máy bay của chúng, mà còn ngay từ phút đầu chiếm dược quyền khống chế trên không.

Hãy xác nhận là đã nhận được điện. Báo cáo về những biện pháp đã áp dụng”.

Sau đó, Đại bản doanh đã gửi một bức điện đặc biệt cho đồng chí tư lệnh quân khu Thảo nguyên, đồng chí được lệnh: “bằng mọi cách, xúc tiến kiện toàn bổ sung bộ đội quân khu và đến sáng ngày 10 tháng Năm, toàn thể các đơn vị hiện có của quân khu phải hoàn toàn sẵn sàng để chiến đấu phòng ngự cũng như để hành động tích cực theo lệnh của Đại bản doanh”.

Bức điện này cũng do A. M. Va-xi-lép-xki ký, nhưng phía trên còn đề thêm tên họ của Xta-lin. Chúng tôi quen làm như thế khi nội dung văn kiện đã được báo cáo bằng dây nói lên I. V. Xta-lin, hoặc đã được Xta-lin đồng ý trước. Trong trường hợp nội dung đã được Xta-lin đồng ý trước, thì bản sao văn kiện đó phải được trình lên Tổng tư lệnh tối cao để phê chuẩn, khi đi báo cáo thường kỳ ở Đại bản doanh.

Ít lâu sau, C. C. Rô-cô-xôp-xki báo cáo về, nói rằng đơn vị đồng chí sẽ tổ chức trận phản chuẩn bị, nhằm phá cuộc tiến công của địch trên hướng Ô-ri-ôn – Cuốc-xcơ, trong đó có sử dụng toàn bộ pháo binh của tập đoàn quân 13 và máy bay của tập đoàn quân không quân 16. Sau đó, cả phương diện quân Vô-rô-ne-giơ cũng đặt kế hoạch phản chuẩn bi.

Tuy nhiên, cuộc tiến công của quân địch ngày 10-12 tháng Năm đã không xảy ra. Có lẽ chúng còn chưa sẵn sàng. Hít-le muốn trang bị cho bộ đội của hắn nhiều xe tăng mới và pháo tự hành hơn nữa, nhưng những khí tài ấy đến chậm.

N. Ph. Va-tu-tin cho rằng địch hoãn thời hạn tiến công tức là đã dao động. Tư lệnh phương diện quân Vô-rô-ne-giơ nảy ra ý định là nếu tình hình đã như vậy thì đánh địch trước là thích hợp hơn. Ủy viên Hội đồng quân sự N. X. Khơ-rút-sôp ủng hộ ý kiến ấy. Mát-xcơ-va đã thảo luận ý kiến này, song Gh. C. Giu-cốp, A. M. Va-xi-lép-xki, A. I. An-tô-nốp và Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu không đồng ý, rốt cuộc Đại bản doanh đã bác bỏ.

Mười ngày sau, ngày 19 tháng Năm 1943, Bộ tổng tham mưu nhận được những tin mới xác đáng hơn (hồi đó chúng tôi cho là như vậy), nói rằng địch dự định bắt đầu tiến công vào khoảng ngày 19-26 tháng Năm. Nội dung bản thông báo thứ hai gửi các phương diện quân do A. I. An-tô-nốp chuẩn bị, sau khi báo cáo bằng dây nói lên Tổng tư lệnh tối cao hồi 3 giờ 30 phút đêm rạng ngày 20 tháng Năm, đã được truyền đạt xuống các đơn vị. Cũng giống như lần trước, bản thông báo này nhắc các tư lệnh phương diện quân không được lơi lỏng cảnh giác và phải tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, kể cả không quân và trinh sát, đồng thời tổ chức bắt tù binh địch để phát hiện cánh quân địch và những ý định thực sự của chúng.

Đại bản doanh nhìn thấy trước những sự kiện quyết định sắp xảy ra, nên đã chú ý nhiều đến các đơn vị đang phòng ngự tại vòng cung Cuôc-xcơ. Những đại diện Đại bản doanh – nguyên soái Gh. C. Giu-cốp và A. M. Va-xi-lép-xki – hầu như lúc nào cũng có mặt ở đây và đã không chỉ làm việc trong các cơ quan tham mưu mà còn trực tiếp đến tận tiền duyên.

Chẳng hạn, ngày 21 tháng Năm, Gh. C. Giu-cốp đã cùng với tư lệnh phương diện quân C. C. Rô-cô-xốp-xki và các tư lệnh tập đoàn quân I. V. Ga-la-nin, N. P. Pu-khôp, P. L. Rô-ma-nen-cô ra tiền duyên của tập đoàn quân 13, nơi có thể xảy ra mũi đột kích chính của cánh quân phát-xít Đức ở Ô-ri-ôn. Các đồng chí đã xem xét việc phòng ngự của quân địch, quan sát hành động của chúng và rút ra kết luận: hiện nay chưa có mũi uy hiếp trực tiếp là địch sắp tiến công. Kết luận này được đem ra hỏi ý kiến các sư đoàn trưởng và các sư đoàn trưởng cũng nghĩ như vậy. Theo ý kiến chung thì, cho đến cuối tháng Năm, địch chắc chưa thể chuyển sang tiến công được.

Lúc này, A. M. Va-xi-lép-xki đang công tác tại phương diện quân Tây, rồi tại phương diện quân Bri-an-xcơ. Đồng chí cũng đã chuyên tâm phân tích tình trạng các đơn vị quân đội địch và cũng đã đi đến kết luận rằng: trong những ngày sắp tới chúng chưa thể tiến công được.

Tình trạng chờ đợi căng thẳng đã kéo dài suốt tháng Năm. Bộ tổng tham mưu nhận được nhiều tin báo địch đang điều động rất nhiều xe tăng từ Tây sang Đông. Tuy nhiên, ngoài những tin tức về tình hình tập trung quân, vẫn chưa thấy có một dấu hiệu nào khác về việc bọn Đức chuẩn bị chuyển sang tiến công.

Bắt đầu tháng hè thứ nhất. Bộ chỉ huy phát-xít Đức thường quen cho quân của chúng hoạt động ráo riết nhất vào thời kỳ đêm rất ngắn và thời tiết rất tốt này. Liệu thói quen đó có được lặp lại trong năm 1943 không? Và, phải chăng chúng ta không có nhầm lẫn trong việc đánh giá ý đồ của bọn địch? Còn nếu như trái với sự mong đợi, ta đã nhầm lẫn, thì ai biết sẽ có thể xảy ra những hậu quả như thế nào?

I. V. Xta-lin hơi nóng tính. Có lẽ, cũng vì thế mà có lần dông tố nổi lên ở Đại bản doanh. Đại bản doanh được báo cáo rằng những máy bay tiêm kích gửi đến vòng cung Cuốc-xcơ có vỏ bọc không thích ứng. Xta-lin liền kết luận là toàn bộ máy bay tiêm kích của ta không thể chiến đấu được. Trường hợp này đã được A. X. I-a-cô-vlép miêu tả tỉ mỉ trong cuốn sách nổi tiếng của mình “Mục đích cuộc sống”. Cũng may, tình hình không đến nỗi quá nghiêm trọng như vậy và đã được thu xếp tương đối nhanh.

Và còn có nhiều ngày sóng gió lớn khác.

Ví dụ như, ngày 6 tháng Sáu, khi phân tích tình huống, Cục tác chiến đã chú ý đến một số hành động hơi lạ của địch. Chúng tôi mới có ý hoài nghi việc bố trí các sư đoàn xe tăng của chúng. Rõ ràng, những mối nghi ngờ ấy cũng cắn rứt An-tô-nốp. Chúng tôi thỏa thuận là phải kiểm tra lại vị trí thực sự của các đơn vị xe tăng địch thông qua các cơ quan tham mưu phương diện quân. Ngay hôm đó, An-tô-nốp đã ký điện gửi các đơn vị với nội dung như sau:

“Hiện nay chúng ta cần biết một vấn đề cực kỳ quan trọng là: các binh đoàn xe tăng địch vẫn như trước đây, hay đã có thay đổi rồi. Vì vậy, các đồng chí phải giao cho các cơ quan trinh sát nhiệm vụ xác định lại nơi bố trí các sư đoàn xe tăng địch”.

Hạn phải báo cáo là năm ngày đêm. Đến thời hạn này, các cơ quan tham mưu đã báo cáo về rằng: tình hình ngoài mặt trận vẫn như cũ, tập đoàn xe tăng địch vẫn không thay đổi gì. Có nghĩa là mọi việc vẫn đâu vào đó.

Gh. C. Giu-cốp và A. M. Va-xi-lép-xki lúc này vẫn không rời đơn vị. Từ buổi sáng này đến buổi sáng khác, các đồng chí chỉ bớt vài giờ để nghỉ ngơi đôi chút, còn thì lại làm việc với các tư lệnh phương diện quân và tập đoàn quân, với chỉ huy trưởng các binh đoàn. Những cán bộ Bộ tổng tham mưu, hợp thành một cơ quan tham mưu lâm thời ở bên các đồng chí, đã cùng chia sẻ với các đại diện Đại bản doanh cái công việc nặng nhọc ấy.

Trong lúc này, hoạt động hiệp đồng ở những nơi tiếp giáp giữa các phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Tây – Nam, cũng như giữa các phương diện quân Tây và Bri-an-xcơ, đã được xây dựng rất tỉ mỉ. Chỉ huy bộ đội phương diện quân Bri-an-xcơ là M. M. Pô-pốp, một trong những tướng soái lỗi lạc của chúng ta, người hồi đầu chiến tranh đã đứng đầu phương diện quân Bắc (phương diện quân Lê-nin-grát), sau đó đã chỉ huy nhiều tập đoàn quân và giữ cương vị phó tư lệnh phương diện quân Xta-lin-grát và phương diện quân Tây – Nam. A. M. Va-xi-lép-xki đã đề cử đồng chí giữ chức vụ mới, như người ta nói, ngay tại thực địa.

Rồi cả tháng Sáu 1943 cũng đã trôi qua… Từ lâu rồi, các đơn vị Phòng ngự của chúng ta đã sẵn sàng đánh lui cuộc đột kích của quân địch. Việc chuẩn xác những chi tiết cuối cùng của cuộc phản công cũng đã hoàn thành xong.

Xta-lin quyết định Gh. C. Giu-côp cứ ở lại hướng Ô-ri-ôn để phối hợp các hoạt động của các phương diện quân Trung tâm, Bri-an-xcơ và Tây. Còn Va-xi-lép-xki thì xuống phương diện quân Vô-rô-ne-giơ.

Đến lúc này (lần thứ ba), Bộ tổng tham mưu lại nhận được những tin báo là địch đã sẵn sàng chuyển sang hành động tích cực.

Tiện thể xin nói thêm: vào những ngày này, tại khu vực Vô-rô-ne-giơ, trung úy không quân tiêm kích A. L. Cô-dép-nhi-cốp đã bắn rơi một máy bay trinh sát của địch. Tên phi công Đức bị bắt và khi bị hỏi cung ở cơ quan tham mưu phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã khai rằng quân Đức định tấn công vào tháng Sáu, nhưng sau lại hoãn đến đầu tháng Bảy. Như vậy, những tin tức của Bộ tổng tham mưu đã được xác nhận.

Hồi 2 giờ 15 phút ngày 2 tháng Bảy, An-tô-nôp gọi dây nói báo cáo lên Xta-lin bản thông báo lần thứ ba do đồng chí viết gửi cho bộ đội. Nội dung như sau:

“Căn cứ vào những tin tức hiện có, quân Đức có thể chuyển sang tiến công trên mặt trận chúng ta trong thời gian từ mồng 3 đến mồng 6 tháng Bảy.

Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao ra lệnh:

1. Tăng cường trinh sát và theo dõi địch để kịp thời phát hiện âm mưu của chúng.

2. Bộ đội và không quân phải sẵn sàng đánh lui cuộc đột kích có thể có của địch”.

Xta-lin phê chuẩn nội dung bức điện mà không thay đổi gì. Theo chỉ thị của đồng chí, bức điện ấy được sao gửi cho Gh. C. Giu-cốp, N. N. Vô-rô-nốp, A. A. Nô-vi-cốp và I-a N. Phê-Đô-ren-cô.

Mọi người đều tin chắc rằng lần này thì quân địch không còn hoãn cuộc đột kích đã định nữa. Và, như ta được biết, tảng sáng ngày mồng 5 tháng Bảy, quân đội phát-xít Đức đã thực sự chuyển sang tiến công.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx