sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9: Từ Cuốc-Xcơ Đến Ki-Ép

Thành trì sụp đổ – Những khó khăn ở Ô-ri-ôn. – Sự cáo chung của đầu mối Mơ-txen-xcơ. – Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 cơ động. – Cuộc đối thoại giữa Hít-le với tướng Vác-li-mông. – Bao vây hay không bao vây? – Thống soái Ru-mi-an-xép – Ác-rư-rơ-ca bị uy hiếp. – Xta-lin điện cho Va-tu-tin: “Đề nghị không phân tán, không say sưa phương án Bu-crin. – Khuyết điếm của chúng ta. – Tổng tư lệnh tối cao thay đổi quyết định. – Ki-ép được giải phóng.

Thế là sáng ngày 5 tháng Bảy, chiến dịch Cuốc-xcơ bắt đầu. Quân địch đã tung những lực lượng chủ yếu của chúng ra chiến đấu: trên hướng Ô-ri-ôn – Cuốc-xcơ – bảy sư đoàn xe tăng, hai sư đoàn mô-tô và mười một sư đoàn bộ binh; trên hướng Bên-gô-rốt – Cuôc-xcơ – mười sư đoàn xe tăng, một sư đoàn mỏ-tô và bảy sư đoàn bộ binh. Theo những tin tức của chúng ta, tất cả có mười bảy sư đoàn xe tăng, ba sư đoàn mô-tô và mười tám sư đoàn bộ binh địch đã tham gia tiến công.

Thực hiện kế hoạch chiến dịch “thành trì” một cách thận trọng nhưng máy móc, bộ chỉ huy Đức đã tập trung những lực lượng ấy trên nhiều khu vực hẹp ngoài mặt trận. Chúng tính toán thật cực kỳ đơn giản: từ hai mặt đối diện của chỗ lồi Cuốc-xcơ đột phá cùng một lúc vào khu vực phòng ngự của ta, và từ phía Bắc và phía Nam mở những mũi đột kích giao nhau, hay hợp điểm như ta thường nói lúc bấy giờ, nhằm vào một hướng chung là Cuốc-xcơ để chia cắt rồi tiêu diệt các tập đoàn quân xô-viết đang bố trí ở đây.

Chúng ta đã không để cho mình bị bất ngờ. Bộ đội ta đã sẵn sàng không những để đánh lui những mũi đột kích ấy mà còn để giáng cho chúng những đòn phản kích trả đũa mạnh mẽ. Tôi không có ý định đánh giá vai trò của quân chủng hay binh chủng này khác trong chiến dịch đó hoặc tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với ai trong số đó. Thực ra, tất cả họ ở cả bộ binh, pháo binh, xe tăng, phi công lẫn cái gọi là những đơn vị đặc biệt – đều đã góp phần to lớn của mình vào thắng lợi chung đối với quân thù. Và cần phải nói rằng họ đã hành động một cách xuất sắc. Bằng chứng nói lên điều đó là những kết quả của cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra lúc đó trên “vòng cung lửa”. Quân địch chỉ có thể thọc vào phòng ngự của ta bằng một cái giá tổn thất to lớn.

Trên hướng Ô-ri-ôn – Cuốc-xcơ, chúng thọc sâu được vẻn vẹn có 9- 12 ki-lô-mét, trên hướng Bên-gô-rốt – Cuốc-xcơ, từ 15 đến 35 ki-lô-mét. Sau đó, chính phương diện quân Trung tâm và phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã tự chuyển sang tiến công, đẩy lùi những sư đoàn đã bị tiêu hao, kiệt quệ của địch.

Trước khi khôi phục lại hình thái cũ của hai bên trước ngày 5 tháng Bảy, bộ đội hai phương diện quân Tây và Bri-an-xcơ cũng đã bước vào tiến công: sau khi chọc thủng được phòng ngự của bọn phát-xít Đức, các đơn vị của hai phương diện quân trên đã tiến như vũ bão về phía Ô-ri-ôn.

Ngày 24 tháng Bảy, khi Bộ tổng tham mưu chuẩn bị nhận lệnh của Tổng tư lệnh tối cao tổng kết giai đoạn phòng ngư của chiến dịch Cuốc-xcơ, chúng tôi đã nghĩ mãi mà vẫn không tìm ra những lời lẽ có sức gợi cảm đủ mạnh để đánh giá những cái ta đã làm được. Trong vấn đề này, óc tưởng tượng mạnh bạo nhất cũng đành chịu. Cuối cùng, chúng tôi cũng đề ra được những dòng sau đây:

“Những trận đánh mà ta đã tiến hành nhằm triệt phá cuộc tiến công của quân Đức, đã chứng minh nghệ thuật chiến đấu cao của bộ đội chúng ta, đã nêu những tấm gương chưa từng có về tính ngoan cường, kiên định và lòng dũng cảm của chiến sĩ và cán bộ tất cả các binh chủng, kể cả các pháo thủ và các chiến sĩ súng cối, các chiến sĩ xe tăng và các phi công”.

Ngày nay, ta thấy những dòng chữ ấy thật bình thường, lại có vẻ sáo nữa. Nhưng hồi ấy thì dường như cuối cùng chúng tôi mới tìm ra được những chữ mình cần tìm. Những chữ ấy vang lên như hồi kèn tiến quân, phản ánh hào quang của trận quyết chiến, lòng khát khao mãnh liệt của toàn dân xô-viêt quyết bẻ gãy cuộc tiến công tuyệt vọng và cuối cùng của bọn phát-xít Đức xâm lược, như chúng tôi hằng tin tưởng lúc đó.

Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đánh giá những kết quả trong giai đoạn phòng ngự của chiến dịch Cuôc-xcơ là bằng chứng thất bại hoàn toàn của kế hoạch tiến công mùa hè của quân địch. Như trong bản nhật lệnh đã chỉ rõ, lần này chúng ta đã triệt để vạch trần “cái thuyết hoang đường cho rằng hễ mùa hè thì quân Đức luôn giành được thắng lợi trong tiến công, còn bộ đội xô-viết thì dường như bắt buộc phải lâm vào cảnh chịu rút lui”.

Những ngày tiếp sau đã đem lại cho bộ đội xô-viết nhiều chiến thắng mới chói lọi, còn quân địch thì bị thất bại thảm hại. Mọi người đã biết khá rõ kết quả của chiến dịch Cuốc-xcơ nhưng tôi thiết nghĩ có một số tình tiết của nó cần được làm sáng tỏ thêm. Ở đây, tôi không có ý định tranh luận với những tác giả khác, mà chỉ muốn báo cáo những sự việc cá biệt nhằm giúp chúng ta xét định được chính xác hơn, ví dụ như: về vai trò và vị trí của tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 trong chiến dịch này, về những cố gắng chiến đấu của bộ đội ta khi giải phóng Bên-gô-rốt và Khác-cốp, về cuộc tiến công vượt sông Đni-ép-rơ ở Bu-crin.

Tôi xin lần lượt bắt đầu nói về các vấn đề đó.

Ngày 12 tháng Bảy 1943, ở Prô-khô-rốp-ca mà đến nay vẫn còn ít người biết đến, đã diễn ra trận giao chiến xe tăng vĩ đại nhất. Cái chèn sắt của quân đội Hít-le đã vấp phải xe tăng xô-viết. Chiếc lưỡi hái đụng phải đá. Cuộc tiến công của bọn Đức trên vòng cung Cuốc-xcơ bắt đầu khủng hoảng.

Đúng hôm đó, ở phía Bắc Ô-ri-ôn, quân ta mở đầu chiến dịch “Cu-tu-dốp”. Tham gia chiến dịch đó, như đã nêu lên ở trên, có bộ đội của hai phương diện quân: Tây và Bri-an-xcơ

Ngay trong lúc chuẩn bị chiến dịch, vấn đề tăng cường xe tăng cho phương diện quân Bri-an-xcơ đã được đặt ra một cách gay gắt. Phòng ngự của địch ở đây rất mạnh, có rất nhiều hỏa điểm chuẩn bị sẵn từ trước. Bộ binh không thể nào khắc phục được hệ thống phòng ngự ấy, nếu không có những phương tiện bọc thép trực tiếp chi viện.

Dù tính toán như thế nào đi nữa, nếu không có ít ra là hai quân đoàn xe tăng thì cũng khó làm nên chuyện. Gh. C. Giu-côp đích thân đến nghiên cứu tại chỗ rồi báo cáo như vậy lên Xta-lin, và phương diện quân Bri-an-xcơ đã nhận được sự tăng cường ấy. Song, phương diện quân vẫn không đó xe tăng để phát triển thắng lợi.

Lúc đó, người ta nhớ tới tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3. Tập đoàn quân này được thành lập trong dải của phương diện quân, gần Pláp-xcơ. Trong biên chế của tập đoàn quân có hai quân đoàn xe tăng và một quân đoàn cơ giới, cộng thêm một lữ đoàn xe tăng độc lập, Trung tướng P. X. Rư-ban-cô chỉ huy tập đoàn quân này.

Cuộc tiến công của phương diện quân Bri-an-xcơ phát triển tương đối chậm và năm ngày sau, ngày 17 tháng Bảy, phương diện quân tiến sâu được 22 ki-lô-mét thì hoàn toàn bị kìm lại ở tuyến sau sông Ô-lê-sni-a. Cái gọi là cánh quân Mơ-txen-xcơ của địch đang đóng tại nơi đây và dường như tạo thành cái “chèn” giữa những lực lượng chủ yếu của hai phương diện quân Tây và Bri-an-xcơ. Cái “chèn” ấy làm cho sự hiệp đồng giữa các phương diện quân gặp nhiều phức tạp nghiêm trọng. Đặc biệt khó khăn là phương diện quân Bri-an-xcơ, vì nó là một thứ khâu nối trong ba phương diện quân.

Từ phía Đông tiến công vào Ô-ri-ôn, phương diện quân Bri-an-xcơ có nhiệm vụ sử dụng cánh phải của mình phối hợp cùng với bộ đội của phương diện quân Tây tiêu diệt địch ở Bôn-khốp. Đồng thời, những lực lượng chủ yếu của phương diện quân lại phải phối hợp hành động với phương diện quân Trung tâm. Phương diện quân này, từ ngày 15 tháng Bảy, đã bắt đầu tiêu diệt địch ở khu vực Crô-mư. Lực lượng của phương diện quân Bri-an-xcơ bị sẻ làm hai và cạn dần, xảy ra nguy cơ làm vỡ kế hoạch diệt địch ở Ô-riôn. Muốn khắc phục tình trạng khó khăn này, phải chi viện cho phương diện quân Bri-an-xcơ.

Những tình hình trên đã được báo cáo lên I. V. Xta-lin. Đồng chí đồng ý chuyển thuộc tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 tới đây và tán thành những đề nghị của Bộ tống tham mưu ở nhiệm vụ của tập đoàn quân. Tuy vậy, đồng chí vẫn chưa cho ra lệnh.

- Phải hỏi ý kiến tư lệnh phương diện quân đã, – Xta-lin nói thế và đồng chí đích thân nói chuyện bằng điện thoại với tướng M. M. Pô-pôp.

Trong lúc nói chuyện với Pô-pốp, Tổng tư lệnh tối cao đánh giá tình hình ở Ô-ri-ôn, nhấn mạnh rằng: nhiệm vụ quan trọng nhất của phương diện quân Bri-an-xcơ là tiêu diệt cánh quân Mơ-txen-xcơ của địch và cho tập đoàn quân binh chủng hợp thành 3 của A. V. Goóc-ba-lốp tiến ra tuyến sông Ô-ca. Sau đấy, đồng chí thông báo quyết định chuyển thuộc tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 cho phương diện quân. Tập đoàn quân này lúc đầu có nhiệm vụ phá vỡ phòng ngự địch trong dải tiến công của tập đoàn quân binh chủng hợp thành 3, sau đó trong dải tiến công của tập đoàn quân 63 của V. I-a. Côn-pác-tsi. Tổng tư lệnh tối cao đề nghị đưa tập đoàn quân xe tăng của Rư-ban-cô vào giao chiến càng sớm càng tốt, để không cho địch kịp củng cố. Nhưng ngay lúc ấy đồng chí lại báo trước:

- Có thể giết hại đơn vị xe tăng này, nếu điều nó tiến thẳng vào Ô-ri-ôn. Không nên tung tập đoàn quân xe tăng vào chiến đấu trên đường phố trong một thành phố lớn như thế. Sau khi bảo đảm được cho những lực lượng chủ yếu của phương diện quân tiến lên phía trước, tốt hơn hết là nên điều tập đoàn quân xe tăng sang Crô-mư vì lợi ích của đơn vị bạn bên trái.

M. M. Pô-pôp liền chấp hành ngay những chỉ thị trên, và chúng tôi cũng dùng dây nói ra lệnh ngay cho P. X. Rư-ban-cô chuyển thuộc tập đoàn quân xe tăng của đồng chí sang đội ngũ phương diện quân Bri-an-xcơ.

Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 đã hành quân khôn khéo và bí mật rồi tập trung ở phía sau phương diện quân Bri-an-xcơ. Ngày 19 tháng Bảy, ngay sau khi bộ binh đột phá phòng ngự địch, những đơn vị đi trước rồi đến cả những lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân đã bắt đầu hành động. N. N. Vô-rô-nốp đại diện Đại bản doanh – báo cáo là tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 đã tiến vào đột phá địch kịp thời và tương đối có tổ chức tốt.

Thực tiễn chiến đấu đã xác nhận những tin tức của quân báo: trong dải hoạt động của tập đoàn quân xe tăng ta, có những đơn vị thuộc các sư đoàn xe tăng 2 và 8, sư đoàn mô-tô 36 và sư đoàn bộ binh 262 của địch đang phòng ngự. Chúng kháng cự lại quyết liệt.

Dầu vậy, đến cuối ngày bộ đội của P. X. Rư-ban-cô đã tiến công vượt sông Ô-lê-sni-a, tiến sâu được 10-12 ki-lô-mét vượt qua tuyến phòng ngự phía sau của bọn Đức, tạo nên những điều kiện thuận lợi để đột kích vào phía sau cánh quân Mơ-txen-xcơ của địch. Có thể nói rằng, việc rút lui của địch ra khỏi Mơ-txen-xcơ và trên toàn bộ tuyến hạ lưu sông Ô-lê-sni-a đã được quyết định trước.

Rạng ngày 20 tháng Bảy, chúng tôi đã báo cáo tình hình trên lên Đại bản doanh. Trong Bộ tổng tham mưu chúng tôi rất ngại rằng tập đoàn quân xe tăng không giữ được khả năng hành động có tổ chức, vì cơ động gặp nhiều phức tạp, và sức chống cự của địch vẫn chưa suy yếu. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ những ý kiến “nên” và “không nên”, chúng tôi đã tin chắc vào nghệ thuật và kinh nghiệm của P. X. Rư-ban-cô và M. M. Pô-pôp. Hồi 2 giờ sáng, đã ký và cho gửi điện khẩn cấp tới đại diện Đại bản doanh, nguyên soái pháo binh N. N. Vô-rô-nốp và tư lệnh phương diện quân Bri-an-xcơ, thượng tướng M. M. Pô-pồp. Tôi xin trích dẫn nội dung bức diện ấy:

“Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao ra lệnh:

1. Nhiệm vụ trước mắt của phương diện quân Bri-an-xcơ là tiêu diệt cánh quân Mơ-txen-xcơ của địch và đưa tập đoàn quân 3 tiến tới tuyến sông Ô-ca.

Muốn thế, tập đoàn quân xe tăng 3 của Rư-ban-cô từ sáng ngày 20 tháng Bảy phải đột kích trên hướng Prô-ta-xô-vô Ô-lơ-ra-đa và đến hết ngày 20 tháng Bảy phải cắt được con đường cái và con đường sắt Mơ-txen-xcơ – Ô-ri-ôn, trong ngày 21 tháng Bảy phát triển tiến công từ phía Nam vào Mơ-txen-xcơ cùng với tập đoàn quân 3 của Goóc-ba-tốp hoàn thành việc tiêu diệt cánh quân Mơ-txen-xcơ của địch và giải phóng thành phố Mơ-txen-xcơ.

2. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên, điều tập đoàn quân xe tăng 3 của Rư-ban-cô sang phía Nam nhằm cắt con đường sắt Mô-khô-vôi-e – Ô-ri-ôn và phối hợp hành động với tập đoàn quân 63 của Côn-pác-tsi, khi tập đoàn quân này tiến ra tuyến sông Ô-ca.

3. Tiếp sau, tập đoàn quân xe tăng 3 của Rư-ban-cô có nhiệm vụ cắt con đường sắt Ô-ri-ôn – Cuốc-xcơ ở một khu vực do tư lệnh phương diện quân quyết định và, nếu có điều kiện thuận lợi, phải đánh chiếm thành phố Ô-ri-ôn.

Nếu việc đánh chiếm thành phố Ô-ri-ôn không phù hợp với tình huống thì tập đoàn quân xe tăng 3 của Rư-ban-cô phải tiếp tục tiến sang phía Tây trên hướng Crô-mư”.

Phần cơ bản này của bản mệnh lệnh đã nhắc lại một cách chính xác những mệnh lệnh của I. V. Xta-lin truyền đạt bằng điện thoại ngay trong ngày 17 tháng Bảy. Những chỉ thị ấy đã được thi hành ngay và rất có kết quả.

Rạng ngày 20 tháng Bảy địch bỏ Mơ-txen-xcơ. Từ sáng, chúng đã tung ra một số lớn máy bay, nhằm yểm hộ cho cuộc rút lui của chúng và để chống lại những lực lượng chủ yếu của phương diện quân Bri-an-xcơ, kể cả tập đoàn xe tăng của ta. Nhưng cuộc tiến công vẫn không dừng lại. Đến 17 giờ cùng ngày, tập đoàn quân xe tăng đã cắt con đường cái Mơ-txen-xcơ – Ô-ri-ôn tại khu vực Ca-mê-nê-vô, tiến ra con đường sắt và tuyến sông Ô-ca. Hôm sau, bộ đội của tập đoàn quân binh chủng hợp thành 3 đã tiến tới gần sông Ô-ca, thay phiên cho các đơn vị xe tăng và bước vào chiến đấu nhằm đánh chiếm những bến vượt sông.

Ngày 21 tháng Bảy, thực hiện mệnh lệnh của Đại bản doanh, tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 quay xuống phía Nam, tới Xta-nô-vôi Cô-lô-đe-dơ – dải hoạt động của tập đoàn quân 63. Để tiến công trên hướng mới, P. X. Rư-ban-cô đã sử dụng thê đội hai của mình: quân đoàn xe tăng 12 và lữ đoàn xe tăng 91. Còn những quân đoàn trước đó đã tiến công ở thê đội một của tập đoàn quân xe tăng, bây giờ tiến theo sau những đơn vị trên. Việc điều động binh lực như vậy thật hợp lý và căn cứ vào đặc điểm của nó thì cũng hoàn toàn bình thường.

Nhân đây, cần nói thêm rằng, P. X. Rư- ban-cô đã nhiều lần thực hành cơ động như thế và sau này còn thực hiện nữa trong những khi bộ đội phải hành động đồng thời trên một số hướng, đôi khi trên những hướng ngược chiều nhau. Còn trường hợp ở đây, tập đoàn quân phải hành động trên những hướng ngược chiều nhau không cùng một lúc, mà nối tiếp nhau, nhưng dầu sao cũng đòi hỏi phải có cuộc điều động quân, và đồng chí tư lệnh đã thực hành cuộc điều động ấy một cách đúng đắn, mặc dù gặp khó khăn.

Các chiến sĩ xe tăng đã làm tròn nhiệm vụ mới một cách thắng lợi: đập tan sức chống cự của địch ở khu vực Xta-nô-vôi Cô-lô-đe-dơ và trên toàn cánh phía Nam phương diện quân Bri-an-xcơ. Sau đó, tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 chuyển thuộc vào phương diện quân Trung tâm và tiến vè Crô-mu.

Thực tế tiến trình của các sự kiện là như vậy. Trên cơ sở những sự kiện ấy, phải thấy quả là lạ lùng ý kiến khẳng định rằng trong chiến dịch “Cu-tu-dôp”, tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 (đã được sử dụng để kiềm chế địch trên một chính diện rộng) và những việc điều động tập đoàn quân ấy từ hướng này sang hướng khác đều do M. M. Pô-pốp quyết định cả. Sự thật chứng minh rằng, P. X. Rư-ban-cô luôn luôn hành động theo kế hoạch rõ ràng đã được Đại bản doanh phê chuẩn, và tập đoàn quân xe tăng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách vẻ vang. Hoạt động của tập đoàn quân này đã ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển tiến công của bộ đội phương diện quân Bri-an-xcơ và đã giữ một vai trò quan trọng trong kết cục thắng lợi của toàn chiến dịch nhằm tiêu diệt cánh quân Ô-ri-ôn của địch.

Cùng với chiến dịch “Cu-tu-dốp”, tôi còn nhớ một việc thật không dễ chịu đối với cá nhân. Trong thời gian chiến dịch này, một hôm tôi cùng với A. I. An-tô-nốp đến báo cáo thường kỳ ở Đại bản doanh. Cũng như mọi lần, tôi trải lên bàn những bản đồ từng mặt trận và một bản đồ tổng hợp. Báo cáo hơi bị kéo dài, nhưng vẫn diễn ra trong hoàn cảnh bình thường. Vì phải giải quyết ngay nhiều vấn đề về sử dụng xe tăng, I. V. Xta-lin đã mời I-a. N. Phê-đô-ren-cô đến.

Phê-đô-ren-cô bước vào và không đợi chúng tôi báo cáo xong, đồng chí đã trải những tấm bản đồ, bảng thống kê, chú giải, danh sách, cùng những tài liệu khác lên trên bản đồ của tôi. Khi trả lời những câu hỏi của Tổng tư lệnh tối cao, I-a. N. Phê-đô-ren-cô không lúc nào tìm ra được ngay những số liệu cần thiết. Đồng chí chuyển giấy tờ tài liệu hết từ chỗ nọ sang chỗ kia, đặt cả cặp của mình lên bàn, điều mà chúng tôi không bao giờ làm như thế cả.

Khi mọi tình huống đã được báo cáo xong, tôi thu xếp bản đồ lại. Trước khi rời khỏi buồng làm việc của Tổng tư lệnh tối cao, theo thói quen sau khi làm xong việc, tôi chú ý xem xét lại mặt bàn một lần nữa và thấy chỉ còn lại những tài liệu của Phê-đô-ren-cô thôi.

Cũng như mọi lần, các đồng chí chủ nhiệm khu vực và trưởng ban đang đợi tôi trong Bộ tổng tham mưu. Ở điện Crem-li về, tôi trả lại ngay các đồng chí mọi tài liệu và ra những chỉ thị ngắn về những việc cần phải làm. Song, lần này hai đồng chí chủ nhiệm khu vực mặt trận không nhận lại được bản đồ của mình, vì trong cặp của tôi không thấy có hai tấm bản đồ ấy, trong đó có tấm bản đồ chính yếu nhất, tấm bản đồ tổng hợp.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi là có lẽ Phê-đô-ren-cô ngẫu nhiên cầm giữ chăng. Tôi gọi dây nói và được biết là đồng chí đã từ điện Crem-li về tới đơn vị, nhưng còn chưa xem lại các tài liệu của mình.

- A-na-tô-li A-lếch-xây-ê-vích! – tôi nói với Grư-dơ-lốp – Đồng chí đi gấp tới chỗ Phê-đô-ren-cô và cùng với đồng chí ấy xem xét mọi tài liệu, kể cả những thứ để trong két sắt nữa. Có thể tấm bản đồ còn nằm đấy chăng.

Grư-dơ-lốp ra đi. Còn tôi, tôi gọi dây nói tới Pô-xcri-ô-bư-sép và đề nghị đồng chí tìm hộ xem có còn tài liệu gì của tôi sót lại trong phòng làm việc của Tổng tư lệnh tối cao. Không có, đồng chí nói, bàn sạch trơn và mọi người đã ra về cả rồi.

Grư-dơ-lốp cũng trở về với hai bàn tay trắng: ở chỗ Phê-đô-ren-cô không có các tấm bản đồ của chúng tôi.

Tôi báo cáo việc này với An-tô-nốp. Đồng chí góp ý là chưa nên vội báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao, vì có thể sẽ tìm thấy bản đồ.

Cũng trong ngày hôm ấy, chúng tôi lại đến báo cáo ở Đại bản doanh lần thứ hai, và như đã quy ước trước, chúng tôi không nói gì đến việc vừa xảy ra. Xta-lin cũng không nói gì cả.

Tôi trở về Bộ tổng tham mưu, ở đây, chẳng có gì thay đổi: bản đồ vẫn biệt tăm tích. Bây giờ thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa, rằng những tấm bản đồ ấy chắc đang nằm trong tay Xta-lin. Vì ngoài Đại bản doanh ra, tôi không hề đi đến đâu nữa.

Cứ im lặng mãi không được. Ngày hôm sau, khi đang báo cáo thường kỳ ở chỗ Tổng tư lệnh tối cao, tôi chọn lúc thuận tiện và nói cứng như sau:

- Đồng chí Xta-lin, ngày hôm qua tôi có để lại ở chỗ đồng chí hai tấm bản đồ ghi tình huống. Đề nghị đồng chí cho tôi xin lại.

Đồng chí làm ra vẻ ngạc nhiên:

- Tại sao đồng chí lại nghĩ rằng những bản đồ ấy ở chỗ tôi? Tôi không có gì hết.

- Không có lẽ, – tôi kiên trì. – Ngoài Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu ra, tôi không đi đâu hết. Bản đồ chẳng biến đi đâu được. Chắc nó ở chỗ đồng chí.

Xta-lin không trả lời. Đồng chí rời phòng làm việc, sang buồng nghỉ, lấy bản đồ ra. Đồng chí cầm hai tấm bản đồ ấy ở phía góc, vừa dang tay và nhún vai, vừa đặt chúng lên bàn:

- Đồng chí cầm lấy đi, từ nay về sau nhớ đừng để quên nữa… Khá đấy, đồng chí đã nói thật…

Sau này, cả trong Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu, không ai còn nhớ đến sự việc ấy nữa. Vâng, cũng không cần thiết phải nhớ đến nó nữa. Nhưng đối với tôi, nó vẫn là một bài học thiết thực cho nhiều năm sau.

Và bây giờ, chúng ta hãy để một khoảng khắc nhớ tới một đại bản doanh khác, đại bản doanh của Hít-le. Ngày 25 tháng Bảy 1943, tức là chậm hơn chúng ta một ngày, ở đây cũng đã thảo luận vẽ những kết quả thất bại của chiến dịch “thành trì”. Hiện nay, chúng ta còn giữ được một phần biên bản tốc ký của cuộc họp ấy, đoạn đối thoại giữa Hít-le và trung tướng Van-te Vác-li-mông, phó ban chỉ đạo tác chiến các lực lượng vũ trang Đức.

“Hít-le. Tiện đây, ngài hãy đọc báo cáo của Xta-lin, trong bản nhật lệnh mới ngày hôm qua, Xta-lin đã kể rõ số sư đoàn bộ binh mô-tô, sư đoàn xe tăng và bộ binh. Tôi cho rằng, ông ta đã kể thật chính xác.

Vác-li-mông. Về chiến dịch “thành trì”?

Hít-le. Về chiến dịch “thành trì”… Tôi có cảm giác rằng đó là hiệu kèn rút bỏ cuộc tiến công của chính ông ta, tức là ông ta trình bày vấn đề như thể là kế hoạch của chúng ta đã bị phá vỡ, nhưng lại tạo nên một ấn tượng là ông ta đang căn cứ vào đó để đề ra những quyết định của mình. Chắc là đã có những tin tức báo cáo rằng công việc ở đây không tiến triển được nữa, ở đây đâu đâu cũng thấy đình trệ, do đó ông ta đã từ bỏ ý nghĩ cho rằng mọi việc sẽ tiếp tục phát triển theo nhịp điệu nhanh. Cảm giác là như vậy đấy”.

Khó nói rằng, trong những lời đoán mò kể trên cái nào là cái nhiều hơn: những tính toán sai lầm thực sự hay là thói đạo đức giả quen thuộc? Có thể tạm cho rằng tên độc tài quá bốc này chỉ đơn giản muốn khích lệ chính bản thân y và các tướng lĩnh của y. Nhưng, dầu thế nào mặc lòng, những “cảm giác” của y thực ra cũng chỉ là những ảo tưởng rỗng tuếch.

Bộ đội xô-viết đã quay về những trận địa cũ của mình và chỉ tạm dừng tiến công một thời gian ngắn để điều động thêm lực lượng và khí tài rồi sẽ mỏ một đợt đột kích mãnh liệt mới. Làm như vậy là hoàn toàn cần thiết, vì ta định tiêu diệt cánh quân Bên-gô-rốt – Khác-côp hùng mạnh của địch trong một thời gian ngắn nhất. Vấn đề làm thế nào để đạt được mục tiêu ấy, đã khiến toàn thể Bộ tổng tham mưu phải suy nghĩ đến.

Kinh nghiệm chỉ ra rằng: vì nguyên nhân thời gian, vì cơ động phức tạp và vì nhiều điêu kiện khác, nên không phải lúc nào bao vây từng cụm quân địch cũng là có lợi. Tư lệnh phương diện quân Vô-rô-ne-giơ có lẽ là người đầu tiên lên tiếng tán thành bao vây các đơn vị phát-xít Đức đang phòng ngự ở Bên-gô-rốt và Khác-cốp. Cả trong Bộ tổng tham mưu cố nhiên cũng có những người đồng tình với quan điểm này. Nhưng nói chung Bộ tổng tham mưu đã giữ một quan điểm khác.

Có nhiều lý do để phản đối chủ trương bao vây trong trường hợp này. Trước hết, phải tính đến lực lượng địch: chúng rất đông. Tập đoàn quân xe tăng Đức 4 và cái gọi là cụm chiến dịch “kem-phơ” đóng tại đây. Tính tổng cộng, chúng có tất cả 18 sư đoàn, trong đó có 4 sư đoàn xe tăng. Cũng cần phải tính đến cả hệ thống phòng ngự thành hai dải mạnh của địch mà chúng đã bắt đầu xây dựng từ tháng Ba. Ban đầu, đó là tuyến xuất phát tiến công, rồi đến cuối tháng Bảy, chúng đã dùng nó làm cái dự phòng bị ta đột kích.

Những lực lượng chủ yếu của địch bố trí ở phía Bắc Khác-cốp, và trong trường hợp cần thiết chúng sẽ dựa vào thành phố rộng lớn này như dựa vào một pháo đài độc đáo. Nói vắn lại, bao vây rồi tiếp sau mới tiêu diệt cánh quân Bên-gô-rốt – Khác-cốp của bọn Đức thì sẽ giữ chân một số lớn bộ đội ta trong một thời gian dài và ta không thể tiến công Đni-ép-rơ, do đó tạo cho địch khả năng xây dựng tuyến phòng ngự mới, mạnh ở hữu ngạn sông Đni-ép-rơ.

Có đồng chí nghĩ rằng ta sẽ từng bước tiêu diệt cánh quân Bên-gô-rôt – Khác-cốp, bắt đầu bằng cách chia cắt những lực lượng chủ yếu của chúng ở phía Bắc ra khỏi Khác- cốp. Thoạt nhìn thì thấy có khả năng làm được như vậy nếu như ta từ hai hướng tiến công hợp điểm lại, ví dụ như: từ khu vực Xu-mu tiến công vào hướng đông-nam và từ Vôn-tran-xcơ tiến công vào hướng Tây.

Nhưng, muốn thực hiện nhiệm vụ ấy, ta cần phải có ở Xu-mư và Vôn-tran-xcơ những đơn vị đã sẵn sàng để đột kích mà chúng ta lúc này lại chưa có. Để thực hiện những mũi đột kích từ Xu-mư và Vôn-tran-xcơ, ta cần phải có những cuộc điều động binh lực lớn, tất nhiên phải mất nhiều thời gian. Song, thời gian thì lại không nên để mất một phút nào, khi địch mới bị thất bại trong chiến dịch “thành trì”, chưa kịp ổn định hàng ngũ và còn đang choáng váng. Vì vậy, phương án này cũng không phù hợp với thời cơ chiến tranh.

Sau nhiều lần tính toán và cân nhắc mọi ý kiến đề nghị, Bộ tổng tham mưu đã đi đến kết luận cuối cùng: bước một là phải cô lập cánh quân Bên-gô-rốt – Khác-cốp của quân phát-xít Đức với nguồn lực lượng dự bị của chúng từ phía Tây đến. Muốn vậy, phải dùng hai tập đoàn quân xe tăng hiện đang sẵn sàng tiến công ở phía Bắc Bên-gô-rốt để bẻ gãy và làm rối loạn toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch, dùng những mũi đột kích thọc sâu chia cắt phòng ngự của chúng, rồi sau đó mới tiêu diệt địch từng bộ phận một. Chiến dịch mới được suy tính như vậy mang mật danh là “Thống soái Ru-mi-an-txép”.

Trong thực tế, các trận chiến đấu vẫn tiếp diễn liên tục; trước khi bộ đội ta chuyển sang phản công không có đợt tạm dừng lâu, và vì vậy việc vạch kế hoạch chiến dịch này quả có những nét thật là đặc sắc: phần lớn đều tiên hành ở dưới các đơn vị, trực tiếp ngoài thực địa. Chẳng hạn như: ngày 27 tháng Bảy, nguyên soái Giu-côp đã gặp tướng Ma-na-ga-rốp, tư lệnh tập đoàn quân 53 và cùng trong ngày hôm đó nguyên soái đã báo cáo về Đại bản doanh như sau: “Đã cùng đồng chí tư lệnh hoàn chỉnh quyết định về “Ru-mi- an-txép”.

Ngoài các đại diện Đại bản doanh, các hội đồng quân sự phương diện quân Vô-rô-ne-gơ, Thảo nguyên và Tây – Nam đã tham gia tích cực vào công việc này. Ngày 1 tháng Tám, Gh. C. Giu-cốp về Mát-xcơ-va hội ý với I. V. Xta-lin về nội dung cơ bản của kế hoạch, rồi sau đó ở các phương diện quân liền giao nhiệm vụ cho các tập đoàn quân, và chiến dịch bắt đầu.

Tôi không hề biết một văn kiện duy nhất nào, bằng chữ hoặc bằng sơ đồ, về kế hoạch chiến dịch “thống soái Ru-mi-an-txép”. Không có một văn kiện như thế. Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu đặt mật danh chiến dịch như vậy để muốn nói rằng đó không phải là một văn bản mà là những hành động phối hợp của bộ đội các phương diện quân Vô-rô-ne-giơ, Thảo nguyên và một phần phương diện quân Tây – Nam trong tháng Tám 1943, thống nhất vì một mục tiêu chung và dưới một sự lãnh đạo thống nhất.

Mục tiêu hành động của chiến dịch là tiêu diệt địch ở khu vực Bên-gô-rốt và Khác-cốp, mở đường tiến ra Đni-ép-rơ, tạo khả năng đánh chiếm những bến vượt ở đây và chặn đường rút của địch từ Đôn-bát sang phía Tây. Toàn bộ những sự việc trên hứa hẹn cho chúng ta nhiều lợi thế chiến dịch to lớn.

Trong thực tế, chiến dịch đã bắt đầu từ ngày 3 tháng Tám, nhưng mãi đến ngày 5 và 6, khi Tô-ma-rôp-ca, A-lếch-xan-đơ-rốp-ca và Bên-gô-rôt được giải phóng, đại diện Đại bản doanh cùng với tư lệnh các phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Thảo nguyên mới báo cáo về Tổng tư lệnh tối cao các kế hoạch tiến công, đã được chuẩn xác cho từng phương diện quân. Ngày 6 và 8 tháng Tám, Đại bản doanh phê chuẩn các kế hoạch ấy. Nói đúng ra thì đây mới là cơ sở văn kiện của kế hoạch chiến dịch “Thống soái Ru-mi-an-txép”.

Chiến dịch chia làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn một, kế hoạch quy định đánh bại các đội quân phát-xít Đức ở phía Bắc, phía Đông và phía Nam Khác-côp. Sang giai đoạn hai, kế hoạch quy định giải phóng ngay chính thành phố Khác-cốp, Và về thực chất thì là kết thúc toàn bộ chiến dịch Cuốc-xcơ

Vì chiến dịch “thống soái Ru-mi-an-txép” là chiến dịch chủ yếu trong thời gian ấy, nên hành động của bộ đội xô-viet trên những hướng khác, nhất là hướng Đôn-bát, đều nhằm phối hợp với nó và phù hợp với những mục tiêu của nó. A. M. Va-xi-lép-xki, đại diện Đại bản doanh tại các phương diện quân Tây – Nam và Nam, đã đặc biệt chăm lo bảo đảm yêu cầu này.

Sau khi tính toán khả năng của các phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Thảo nguyên, Đại bản doanh đã ra lệnh: từ ngày 8 tháng Tám rút tập đoàn quân 57 của tướng N. A. Ga-ghen trong biên chế của phương diện quân Tây – Nam chuyển thuộc cho phương diện quân Thảo nguyên để mở mũi đột kích vu hồi từ phía Nam vào Khác-cốp. Lực lượng còn lại của phương diện quân Tây – Nam phải phối hợp với phương diện quân Nam đánh tan cánh quân Đôn-bát của địch và đánh chiếm khu vực Goóc-lốp-ca, Xta-li-nô. Như vậy là, đã dứt khoát hình thành biên chế các lực lượng và xác định những nhiệm vụ của các đơn vị trong chiến dịch “thống soái Ru-mi-an-txép”.

Lực lượng chủ yếu của các phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Thảo nguyên gồm sáu tập đoàn quân binh chủng hợp thành (hai tập đoàn quân cận vệ 6 và 5, hai tập đoàn quân 53 và 69, tập đoàn quân cận vệ 7 và tập đoàn quân 57), hai tập đoàn quân xe tăng (tập đoàn quân xe tăng 1 và tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5), và hai tập đoàn quân không quân (2 và 5).

Những tập đoàn quân trên có nhiệm vụ mở những mũi đột kích từ phía Bắc, Đông – Bắc và phía Đông, tiêu diệt địch ở những cửa ngõ vào Khác-cốp. Đồng thời, các tập đoàn quân xe tăng và một quân đoàn xe tăng độc lập được sử dụng để chia cắt tập đoàn địch từ Bắc xuống Nam trên hướng Bô-gô-đu-khôp, Van-ki, Nô-vai-a Vô-đô-la-ga và chặn mọi đường rút lui của địch từ Khác-cốp sang phía Tây và Tây – Nam.

Đồng thời, quân ta còn mở một mùi đột kích thử hai cũng rất mạnh, bằng hai tập đoàn quân binh chủng hợp thành (40 và 27) và ba quân đoàn xe tăng (10, cận vệ 4 và 5) vào hướng chung tới Ác-tư-rơ-ca. Như vậy là nó bảo đảm cho mặt phía Tây của những lực lượng chủ yếu của ta và cô lập khu vực Khác-cốp với nguồn lực lượng dự bị của địch.

Ngoài ra, nơi tiếp giáp với phương diện quân Trung tâm được tập đoàn quân 38 và một quân đoàn xe tăng bảo đảm. Tập đoàn quân 47 làm thê đội hai của phương diện quân Vô-rô-ne-giơ tiến ra phía sau sườn phải của phương diện quân trên hướng Tơ-rôt-chi-a-nét, từ đó có thể, tùy theo tình thế hoặc tiến ra Den-côp hoặc tiến xuống phía Nam qua Ác-tư-rơ-ca.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn đầu của chiến dịch, tức là sau khi tiêu diệt địch ở những cửa ngõ vào Khác-côp, ta đã xây dựng một tập đoàn binh lực mới nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu cuối cùng của chiến dịch. Đồng thời, một bộ phận binh lực ta còn phải sẵn sàng đột kích vào Pôn-ta-va.

Rõ ràng, một ý định như vậy đòi hỏi lực lượng của các phương diện quân phải tập trung tối đa trên những hướng đã chọn, từ đầu đến cuối chiến dịch. Bộ tổng tham mưu đã rất chú trọng chăm lo việc này.

Cuộc tiến công bước sang ngày thứ tư thì thấy rằng tập đoàn quân cận vệ 5 của A. X. Gia-đốp và tập đoàn quân xe tăng 1 của M. E. Ca-tu-cốp buộc phải tạm thời điều một phần lực lượng cánh quân xung kích sang tiêu diệt số quân địch đang đe dọa bên sườn từ khu vực Tô-ma-rop-ca và Bô-ri-xốp-ca. Trong buổi báo cáo tình huống đêm rạng ngày 7 tháng Tám, Tổng tư lệnh tối cao đã chú ý tới tình hình ấy và nhận thấy có khuynh hướng vi phạm nguyên tắc tập trung lực lượng. Kết quả là có chỉ thị sau đây gửi cho tư lệnh phương diện quân Vô-rô-ne-giơ:

“Từ tình hình bộ đội của tập đoàn quân cận vệ 5 của Gia-đôp, thấy rõ rằng cánh quân xung kích của tập đoàn quân đã bị phân tán và các sư đoàn của tập đoàn quân đang hành động trên những hướng không hợp điểm được với nhau. Đồng chí I-va-nốp (Bí danh của I. V. Xta-lin hồi ấy) hạ lệnh xiết chặt đội hình cánh quân xung kích của tập đoàn quân Gia-đốp, không được phân tán lực lượng của nó thành mấy hướng. Cả tập đoàn quân xe tăng 1 của Ca-tu-cốp cũng phải như vậy”.

Lúc đó, việc tập trung mọi nỗ lực của bộ đội có một tầm quan trọng đặc biệt, vì những trận đánh ở Khác-côp đang ở trong giai đoạn quyết định. Rạng ngày 10 tháng Tám, Mát-xcơ-va lại có điện mới, lần này gửi tới đại diện Đại bản doanh Gh. C. Giu-côp. Trong bức điện này có nói:

“Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao thấy cần phải cô lập Khác-cốp bằng cách nhanh chóng đánh chiếm các tuyến giao thông đường sắt và đường bộ đi về Pôn-ta-va, Cra-xnô-grát, Lô-dô-vai-a và do đó xúc tiến nhanh việc giải phóng Khác-cốp.

Nhằm đạt mục tiêu ấy, tập đoàn quân xe tăng 1 của Ca-tu-cốp phải cắt các đường giao thông cơ bản trong khu vực Cô-vi-a-ghi, Van-ki, còn tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 của Rat-mi-xtơ-rốp từ phía Tây – Nam vu hồi vào Khác-cốp, cắt các đường giao thông trong khu vực Mê-rê-pha”.

Ít lâu sau, cả hai tập đoàn quân xe tăng đều nhanh chóng tiến tới tuyến đã định. Còn phương diện quân Thảo nguyên lúc này đã tiến tới phía Bắc và phía Đông những tuyến phòng ngự quanh Khác-cốp. Quân địch lâm vào tình thế vô cùng khó khăn.

Nhưng, sau này tình hình lại diễn biến hơi bất ngờ. Địch gấp rút tập trung vào khu vực tác chiến những đội dự bị của chúng (chủ yếu là những sư đoàn xe tăng), âm mưu chặn đứng cuộc tiến công của ta, không để cho ta tiêu diệt cụm chiến dịch “kem-phơ” và tập đoàn quân xe tăng 4 của chúng.

Bộ tư lệnh phương diện quân Vô-rô-ne-giơ lại đánh giá thấp, nói cho đúng hơn, thậm chí không thấy mối nguy cơ ấy. Ta vẫn tiếp tục tiến quân mà không chú ý đầy đủ đến việc củng cố những tuyến đã chiếm được và bảo đảm hai bên sườn. Địch đã lợi dụng tình hình này và tổ chức những mũi phản kích mạnh: ngày 11 tháng Tám, từ khu vực phía Nam Bô-gô-đu-khốp và những ngày 18-20 tháng Tám, từ khu vực phía Tây Ác-tư-rơ-ca.

Tham gia vào những mũi phản kích ấy, có tất cả chừng mười một sư đoàn địch, phần lớn là những sư đoàn xe tăng và mô-tô. Từ phía Ác-tư-rơ-ca, địch phản kích nhắm thẳng vào sườn phía sau mũi thọc sâu của bộ đội chúng ta trên hướng chủ yếu. Kết quả: sau mấy ngày chiến đấu quyết liệt, từ 17 đến 20 tháng Tám, bộ đội phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã bị tổn thất lớn. Cả hai tập đoàn quân xe tăng của chúng ta đều bị đánh bật lên phía Bắc ở một số chỗ. Khả năng tiến vào sau lưng cánh quân Khác-côp của địch xâu đi.

Trong lúc báo cáo tình hình cho Tổng tư lệnh tối cao đêm rạng ngày 22 tháng Tám, A. I. An-tô-nôp đã rút ra kết luận như vậy.

- Đồng chí hãy ngồi xuống và ghi chỉ thị cho Va-tu-tin, – Xta-lin ra lệnh cho tôi. – Bản sao gửi cho đồng chí Giu-cốp.

Chính Xta-lin cũng cầm một cây bút chì đỏ, vừa đi đi lại lại bên bàn vừa đọc cho tôi viết câu thứ nhất: – “Sự kiện trong những ngày gần đây cho thấy rằng, đồng chí chưa lưu ý tới kinh nghiệm cũ và tiếp tục lập lại những khuyết điểm cũ cả trong khi xây dựng kế hoạch lẫn trong lúc tiến hành chiến dịch”.

Đến đây, Xta-lin ngừng lại một lát, suy nghĩ. Rồi đồng chí đọc liền một mạch cả đoạn:

“Có tham vọng tiến công khắp nơi và đánh chiếm những vùng đất đai rộng lớn mà không củng cố thắng lợi và bảo đảm vững chắc hai bên sườn của các tập đoàn xung kích là tiến công không xác đáng; tiến công như vậy sẽ làm cho lực lượng và khí tài bị phân tán và tạo cho địch khả năng đột kích vào bên sườn và sau lưng các tập đoàn của chúng ta đang tiến xa lên phía trước, mà không được bảo đảm ở hai bên sườn”

Tổng tư lệnh tối cao ngừng lại một phút, đứng ghé bên sau vai tôi, đọc lại những câu đã viết. Xong, đồng chí lại tự tay viết thêm vào cuối câu: “…và diệt các tập đoàn này từng bộ phận một”. Sau đấy, đồng chí lại tiếp tục đọc:

“Trong hoàn cảnh ấy, địch đã tiến được tới sau lưng tập đoàn quân xe tăng 1 đang ở khu vực A-lếch-xê-ép-ca, Cô-vi-a-ghi; sau đó, chúng đã đột kích vào bên sườn bị hở của các binh đoàn thuộc tập đoàn quân cận vệ 6 đang tiến ra tuyến Ô-tơ-ra-đa, Vi-a-dô-vai-a, Pa-na-xôp-ca, và cuối cùng, chúng đã lợi dụng sự sơ hở của đồng chí, để ngày 20 tháng Tám đột kích từ khu vực Ác-tư-rơ-ca sang Đông – Nam vào phía sau tập đoàn quân 27 và các quân đoàn xe tăng cận vệ 4 và 5.

Những hành động trên của địch đã làm cho bộ đội ta phải chịu những tổn thất khá lớn không đáng phải chịu, đồng thời mất thế thuận lợi để tiêu diệt cụm Khác-côp của địch”.

Tổng tư lệnh tối cao ngừng lại, đọc lại những câu đã viết, gạch bỏ những chữ “lợi dụng sự sơ hở của đồng chí”, rồi lại tiếp tục:

“Một lần nữa, tôi buộc phải chỉ ra cho đồng chí thấy những khuyết điểm đã mắc và tái phạm nhiều lần khi tiến hành chiến dịch và đòi hỏi nhiệm vụ tiêu diệt cụm Ác-tư-rơ-ca của địch, nhiệm vụ quan trọng nhất, phải được hoàn thành trong những ngày gần đây.

Nhiệm vụ ấy đồng chí có thể thực hiện được vì có đủ phương tiện cần thiết.

Tôi yêu cầu không say sưa với nhiệm vụ từ phía Pôn-ta-va đánh quặp vào căn cứ bàn đạp Khác-cốp, mà phải tập trung mọi chú ý vào nhiệm vụ thiết thực và cụ thể: nhiệm vụ tiêu diệt cụm Ác-tư-rơ-ca của địch, vì không tiêu diệt được cụm này thì những thắng lợi khả quan của phương diện quân Vô-rô-ne-giơ sẽ không thể thực hiện được”.

Lúc tôi viết xong đoạn cuối, Xta-lin lại đưa mắt qua vai tôi đọc nhanh đoạn này, nhấn mạnh ý nghĩa câu mới viết bằng cách thêm chữ “không phân tán” sau câu “tôi yêu cầu”, và bảo tôi đọc to toàn văn cả đoạn này.

- “Tôi yêu cầu không phân tán, không say sưa với nhiệm vụ…,” tôi đọc lại.

Tổng tư lệnh tối cao gật đầu đồng ý và ký vào văn bản. Mấy phút sau, điện đã được chuyển ra mặt trận.

Tuy nhiên, tôi phải nói thêm rằng lúc phát chỉ thị này, thì tình hình đã có thay đổi, mũi phản kích của địch đã bị đánh lui. Các hành động của cánh phải phương diện quân Vô-rô-ne-giơ đã được tổ chức tốt hơn và những cố gắng của địch nhằm chặn đứng cuộc tiến công của ta đã bị phá sản.

I. X. Cô-nép liền lợi dụng ngay tình hình đó. Bộ đội của đồng chí đã tiến công chiếm Khác-cốp. Ngày 23 tháng Tám, hồi 21 giờ, Mát-xcơ-va cho hai trăm hai mươi bốn khẩu pháo bắn hai mươi loạt chào mừng bộ đội quang vinh của phương diện quân Thảo nguyên đã phối hợp hành động với hai phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và Tây – Nam giải phóng một thành phố lớn thứ hai của U-crai-na.

Thủ tiêu xong cụm Khác-côp của địch, chiến dịch Cuốc-xcơ kết thúc, đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới trên đường tiến tới hoàn toàn chiến thắng nước Đức phát-xít. Phía trước chúng ta là Đni-ép-rơ.

Trong mùa hè năm 1943, hành động tiến công của các Lực lượng vũ trang Liên Xô đã diễn ra trên một quy mô ngày càng lớn hơn. Đợt đột kích này nối tiếp đợt đột kích kia trên một không gian ngày càng rộng hơn. Sở dĩ như vậy vì cần phải cùng một lúc tiêu diệt quân đội phát-xít Đức trên cả hai hướng, khiến chúng khó có thể điều động được lực lượng từ mặt trận này sang mặt trận khác.

Cuộc tiến công vào Đni-ép-rơ bắt đầu trên hướng Tây. Những khu vực then chốt ở đây là Xmô-len-xcơ và Rô.

Bộ đội phương diện quân Tây và một phần lực lượng của phương diện quân Ca-li-nin đã triển khai chiến dịch Xmô-len-xcơ từ lâu, trước lúc kết thúc chiến dịch Cuốc-xcơ, từ ngày 7 tháng Tám 1943. Chỉ huy phương diện quân Tây, phương diện quân được thành lập sớm nhất của chúng ta, hồi ấy là Va-xi-li Đa-nhi-lô-vích Xô-cô-lốp-xki, một người thận trọng, thích bảy lần đo trước khi cắt.

Trong thời gian sóng gió của chiến dịch Mát-xcơ-va, đồng chí là tham mưu trưởng phương diện quân ấy, sau thay Gh. C. Giu-cốp làm tư lệnh và trong tháng Ba 1943 đã hoàn thành thắng lợi chiến dịch khó khăn nhằm thanh toán cái gọi là chỗ lồi Rơ-giép – Vi-a-dơ-ma. Trong chiến dịch Cuôc-xcơ, bộ đội phương diện quân Tây đã sử dụng cánh trái góp phần tiêu diệt cánh quân Ô-ri-ôn của địch và sau đó tiến về Xmô-len-xcơ. Sau những trận đánh quyết liệt, hiệp đồng với các đơn vị bạn, phương diện quân đã chiếm được Xmô-len-xcơ và đến cuối tháng Chín tiến tới những cửa ngõ vào Gô-men, Mô-ghi-li-ốp, Oóc-sa và Vi-tép-xcơ.

Từ giữa tháng Tám, các tập đoàn quân của phương diện quân Tây – Nam và phương diện quân Nam bước vào tiến công, làm nhiệm vụ giải phóng Đôn-bát và những khu phía Nam bên tả ngạn U-crai-na. Chi hạm đội A-dôp bảo đảm sườn ven biển, đã tiến hành những cuộc đổ bộ chiến thuật ở Ta-gan-rô-gơ, Ma-ri-u-pôn, Ô-xi-pen-cô. Sau đấy, những mũi đột kích của phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và phương diện quân Thảo nguyên lại được tăng cường mạnh hơn nữa: thời kỳ giải phóng thành phố Ki-ép cổ kính và Hữu ngạn U-crai-na khỏi ách chiếm đóng của địch đã bắt đầu

Trong Bộ tổng tham mưu, chúng ta hiểu rõ mức độ sâu rộng của những sự kiện sắp đến. Chúng ta hiểu cặn kẽ yêu cầu sử dụng càng nhanh chóng và đầy đủ càng hay những kết quả chiến thắng lo lớn ở Cuốc-xcơ. Một việc không lấy gì làm bí mật là bọn Hít-le đang xây dựng tuyến phòng ngự manh theo dọc những con sông Mô-lô-trơ-nai-a, Đni-ép-rơ và Xô-giơ. Không thể cho phép địch rút quân về đây và chuẩn bị đầy đủ để chờ đón ta. Yếu tố thời gian lần này có ý nghĩa quyết định. Kế hoạch chiến dịch, cả các thời hạn và nhịp độ của chiến dịch, đều được căn cứ vào đây để tính toán, xác định

Cuộc tiến công của quân đội xô-viết tới sông Đni-ép-rơ, và việc điều quân sang sông Đni-ép-rơ trên hướng chủ yếu, hướng Ki-ép, sẽ bắt đầu trong tháng Chín. Những dự kiến của phương diện quân Vô-rô-ne-giơ phối hợp với Bộ tổng tham mưu, mang chữ ký của nguyên soái Giu-cốp, đã được chuẩn bị xong ngày 8 tháng Chín và đệ trình lên Tổng tư lệnh tối cao dưới hình thức kế hoạch trình bày trên bản đồ.

Phương diện quân có ý định tiến công bằng con đường ngắn nhất và khi cần thì tiến công trực tuyến. Để căng địch ra và phân tán sự chú ý của chúng, bộ đội ta đã tiến ra tuyến sông cùng một lúc trong toàn dải tiến công. Tập đoàn quân 38 phải đánh chiếm những bến vượt ở Đa-rơ-nít-xa, ngoại ô Ki-ép. Để tập đoàn quân hành động không bị chậm trễ, ba sư đoàn của tập đoàn quân được chuẩn bị hành quân bằng ô-tô.

Tuyến xuất phát của toàn thể bộ đội phương diện quân Vô-rô-ne-giơ là tuyến: Ne-dơ-ri-gai-lốp, Ve-prích, Bô-rơ-ki, Ô-pô-sni-a. Chặng đường tiến quân đến sông Đni-ép-rơ dài 160-210 ki-lô-mét dự tính sẽ đi trong bảy-tám ngày, từ 18 đến hết ngày 26-27 tháng Chín. Tốc độ tiến quân trung bình trong một Ngày là 20-30 ki-lô-mét.

Nhằm nhanh chóng và dứt khoát đánh tan quân địch, tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 và ba quân đoàn xe tăng độc lập quân đoàn cận vệ 5, các quân đoàn 2 và 10 đã được đưa vào biên chế thê đội một của phương diện quân.

Chúng ta dự định vượt sông Đni-ép-rơ và tiếp tục phát triển tiến công trong hành tiến ở phía Nam Ki-ép, chỗ khúc ngoặt sông, cong về phía ta. Ở đây có những vùng dân cư Ma-lưi Bu-cơ-rin và Bôn-sôi Bu-cơ-rin. Vì vậy, căn cứ bàn đạp ở đây sau này lấy tên là Bu-cơ-rin. Tất nhiên, cũng cần phải vạch ra phương án hai nhằm vượt sông Đni-ép-rơ tại khu vực Ki-ép trong trường hợp tiến công từ căn cứ bàn đạp Bu-cơ-rin không thành công. Nhưng đáng tiếc là cả Bộ tổng tham mưu lẫn bộ tư lệnh phương diện quân đều chưa làm việc ấy kịp thời.

Mờ sáng ngày 22 tháng Chín, tiểu đoàn bộ binh mô-tô phái đi trước của tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 tiến tới khúc ngoặt ở Bu-cơ-rin và vượt sông Đni-ép-rơ thắng lợi. Tiếc rằng không có những đơn vị khác để sử dụng vào việc nhanh chóng mở rộng căn cứ đầu cầu vừa chiếm lĩnh được. Ngược lại, quân bạn ở bên ngoài, tức tập đoàn quân 40 của C. X. Mô-xca-len-cô, đã đi chiếm một số căn cứ đầu cầu phạm vi nhỏ hơn trong khu vực Rơ-gi-sép. Còn trên những khu vực khác của phương diện quân, chúng ta đều chưa thực hiện trước ý định của mình.

Để cuộc tiến công vượt sông Đni-ép-rơ, một cuộc vượt sông khó khăn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, được thực hiện dễ dàng, kế hoạch đã quy định sử dụng một đội đổ bộ đường không mạnh, gồm hai lữ đoàn đổ bộ xuống hữu ngạn sông. Đội đổ bộ có nhiệm vụ đánh chiếm và giữ vững căn cứ đầu cầu dọc theo tuyến Rơ-gi-sép, Mi-gi-ri-trơ, Mô-snư, Tréc-ca-xư, cho đến lúc những lực lượng chủ yếu tiếp cận đến nơi. Tuyến này có chính diện rộng tới 110 ki-lô-mét và sâu 25-27 ki-lô-mét, nên tất nhiên đã vượt quá khả năng của hai lữ đoàn đổ bộ đường không.

Đợt đổ bộ tiến hành trong đêm rạng ngày 24 tháng Chín. Một lữ đoàn đổ bộ xuống toàn bộ, còn một lữ đoàn đổ bộ xuống một phần. Do công tác chuẩn bị chưa đến nơi đến chốn nên đã phạm một loạt sai lầm nghiêm trọng: đội đổ bộ bị rải xuống một khu vực rất rộng, vì mất phương hướng nên một bộ phận quân đổ bộ đã nhảy xuống vi trí bố trí của quân ta, một bộ phận khác nhảy xuống sông Đni-ép-rơ và số còn lại nhảy ngay xuống đầu những sư đoàn địch đang hành quân.

Việc vượt sông Đni-ép-rơ của các lực lượng chủ yếu của ta bây giờ thành ra phức tạp. Tảng sáng ngày 24 tháng Chín, địch đã tập trung một số sư đoàn, trong đó có một tiểu đoàn xe tăng, để đòi phó với những căn cứ đầu cấu Rơ-gi-sép và Bu-cơ-rin.

Chúng tôi trong Bộ tổng tham mưu đã phân tích tỉ mỉ tình huống diễn biến và thống nhất ý kiến với nhau rằng cuộc tiến công vượt sông từ căn cứ bàn đạp Bu-cơ-rin thật khó mà thực hiện được thắng lợi. Yếu tố bất ngờ đã bị mất. Sức chống cự của quân địch tăng lên. Địa hình ở đây lại cực kỳ bất tiện cho hoạt động của xe tăng: có rất nhiều khe lạch và đồi núi rất mấp mô. Trên một địa hình như vậy, có thể giấu quân tốt, nhưng cơ động gặp nhiều khó khăn. Mọi người hiểu ngay ra rằng, ta không thể hạn chế trong phạm vi một phương án tiến công vượt sông Đni-ép-rơ, mà phải có vài phương án khác.

Ngày 25 tháng Chín, Gh. C. Giu-côp cũng báo cáo lên I. V Xta-lin về những khó khăn của cuộc tiến công từ căn cứ bàn đạp Bu-cơ-rin, về tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng và phát biểu ý kiến cần đánh chiếm căn cứ bàn đạp mới. Quan điểm của đồng chí hoàn toàn phù hợp với ý kiến của Bộ tổng tham mưu.

Đồng chí Tổng tư lệnh tối cao không bác bỏ nhưng cũng không đồng ý với những lý lẽ của chúng tôi. Xta-lin nói:

- Ta chưa thử tiến công theo đúng quy cách mà đã vội thoái lui. Cần phải thực hiện đột phá từ căn cứ bàn đạp hiện có. Không biết trong lúc này, phương diện quân có thể tạo ra được một căn cứ bàn đạp mới không?

Đồng chí rất bực mình vì thất lợi trong việc sử dụng bộ đội đổ bộ đường không trong chiến dịch. Trong bản mệnh lệnh đặc biệt về sự việc này, có nhận xét: “Cho một đội đổ bộ đông như vậy nhảy vào lúc đêm tối là một bằng chứng về sự dốt nát của người tổ chức công việc này, vì kinh nghiệm đã chỉ rõ rằng một đơn vị lớn nhảy dù vào ban đêm thậm chí xuống chính ngay vùng đất đai của mình cũng đã gặp nhiều khó khăn lớn rồi”. Một lữ đoàn rưỡi bộ đội đổ bộ đường không còn lại, đã được rút khỏi phương diện quân và chuyển vào đội dự bị của Đại bản doanh.

Hành động của tập đoàn quân 38 tỏ ra có nhiều hy vọng hơn. Tập đoàn quân tiến về Đni-ép-rơ đến đúng khu vực đã định, đối diện trực tiếp với Ki-ép và chếch xuống phía Nam một ít, có tập đoàn chủ yếu bên sườn trái của mình. Tổ chức vượt sông Đni-ép-rơ ngay phía trước Ki-ép là một việc quá phức tạp. Tại đây địch có một công sự đầu cầu kiên cố.

Sau khi được phép của tư lệnh phương diện quân, N. E. Tsi-bi-xôp – tư lệnh tập đoàn quân – đã nhanh chóng tung lực lượng lên phía Bắc Ki-ép, và từ 27 đến 29 tháng Chín đã chiếm được hai vị trí đầu cầu nhỏ, một ở khu vực Xva-rô-mi-e và một ở Li-u-te-giơ. Sau này đơn vị đã nối liền được hai vị trí ấy, mở rộng ra đến 15 ki-lô-mét chính diện, sâu đến 10 ki-lô-mét. Khu vực này sau trở thành khu vực chủ yếu khi giải phóng Ki-ép.

Nhiều đợt cố gắng tiến công trong tháng Mười từ căn cứ bàn đạp Bu-cơ-rin đã không có kết quả. Tổng tư lệnh tối cao rất không hài lòng, trách bộ tư lệnh phương diện quân Vô-rô-ne-giơ và đại diện Đại bản doanh là hành động không kiên quyết, và nêu gương tư lệnh phương diện quân Thảo nguyên I. X. Cô-nép đã đưa bộ đội vượt sông Đni-ép-rơ thắng lợi trong khu vực Crê-men-trúc và tiến đến phía Nam khu vực này. Cuối cùng, đêm khuya rạng ngày 25 tháng Mười, Xta-lin quyết định cho điều động tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 tới phía Bắc Ki-ép, và ký mệnh lệnh sau đây:

“1. Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao chỉ ra rằng cuộc tiến công trên căn cứ bàn đạp Bu-cơ-rin đã không thành công vì không kịp thời cân nhắc những điều kiện đia hình gây trở ngại cho hoạt động tiến công của bộ đội, nhất là của tập đoàn quân xe tăng…

2. Đại bản doanh ra lệnh điều động bộ đội phương diện quân U-crai-na 1 (Ngày 20 tháng Mười đã tiên hành đổi tên các phương diện quân: phương diện quân Vô-rô-ne-giơ gọi là phương diện quân U-crai-na 1 còn các phương diện quân Thảo nguyên, Tây – Nam và Nam lần lượt gọi là phương diện quân U-crai-na 2, 3 và 4. – TC.) sang tăng cường cho cánh phải của mặt trận, với nhiệm vụ trước mắt là tiêu diệt cụm Ki-ép của địch và đánh chiếm Ki-ép”.

Tham gia chiến dịch Ki-ép có tập đoàn quân 60 của tướng I. Đ. Tséc-ni-a-khốp-xki, tập đoàn quân 38 lúc này do C. X. Mô-xca-len-cô làm tư lệnh và tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 của P. X. Rư-ban-cô. Những bộ đội còn để tại căn cứ bàn đạp Bu-cơ-rin vẫn tiếp tục hoạt động, có nhiệm vụ thu hút lực lượng địch về phía mình càng nhiều càng tốt, và nếu điều kiện thuận lợi cũng sẽ đột phá vào mặt trận của chúng

Cuộc tiến công ở phía Bắc Ki-ép bắt đầu ngày 3 tháng Mười một 1943. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 đã được bí mật điều động tới đây, và bộ chỉ huy phát-xít Đức đã bị bất ngờ. Sáng ngày 6 tháng Mười một, Ki-ép cổ kính – bà mẹ của các thành phố Nga – được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của địch.

Cuộc tiến công của phương diện quân U-crai-na 1 tiếp tục phát triển thắng lợi, đánh lui những mũi phản kích của địch và gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề. Trong vòng mười ngày, cụm Ki-ép của quân đội phát-xít Đức đã bị hoàn toàn tiêu diệt. Bộ đội chúng ta tiến ra tuyến Tre-rơ-nô-bưn, Ma-lin, Gi-tô-mia, Pha-xtôp, Tơ-ri-pô-li-e và tuyến này trở thành tuyến xuất phát cho những chiến dịch tiến công sau này.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx