sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10: Chuyến Đi Tê-Hê-Ran

Nhiệm vụ mới. – Từ xe lửa sang máy bay. – Thủ đô I-ran trước mắt chúng ta. – Những điểm bổ sung vào kế hoạch “Ô-véc-lo-dơ” – Ru-dơ-ven ủng hộ Xta-lin. – Trách nhiệm của chúng ta đối với đồng minh. – Bản đồ của Sớc-sin về Nam Tư. – Những sự tương phản ở Tê-hê-ran. – Xây dựng kế hoạch chiến cục cho nửa đầu năm 1944. – Từ cuộc tiến công trên toàn thể mặt trận đến hàng loạt những đòn đột kích nối tiếp nhau.

Trưa ngày 24 tháng Mười một 1943, A. I. An-tô-nốp nói với tôi:

- Đồng chí chuẩn bị đi công tác. Mang theo bản đồ các mặt trận và đồng chí mật mã. Lúc nào đi và đi đâu, sẽ biết sau.

Chúng tôi quen không hay hỏi thêm trong những trường hợp như thế. Mọi việc cũng đã rõ ràng: sắp có chuyến đi quan trọng nào đây.

Hai giờ đêm, đồng chí liên lạc trong điện Crem-li đến tìm tôi. Tôi báo cáo A. I. An-tô-nôp, lấy cặp đựng bản đồ, xong chúng tôi lên đường.

Về đêm, phố xá Mát-xcơ-va đầy tuyết, tắt hết đèn theo thời chiến và không một bóng người. Chỉ thỉnh thoảng mới gặp đội tuần tra đêm, mặc áo lông ngắn và đi ủng da.

Xe chạy nhanh. Tôi không được thông báo về hành trình. Ngồi phía sau, tôi cố định hướng bằng cách nhìn các phố lớn, nhỏ qua tấm kính cửa xe khép chưa kín. Cuối cùng, tôi xác định được rằng xe đang đi về phía ga Ki-ép. Rồi chỉ một lúc đã bỏ nhà ga lại phía sau.

Xe tăng tốc độ khi chạy trên đại lộ Mô-giai-xcơ. nơi vào thời gian này trên hai bên lề đường đã có nhiều tòa nhà mới, cao lớn, màu xám mọc lên bên cạnh những ngôi nhà nhỏ thấp lè tè với một hai tầng vốn có từ một trăm năm trước đảy. Xe lao nhanh ngang qua nghĩa trang Do-thái. Mát-xcơ-va ở lại phía sau.

Xe quành đi quành lại mấy vòng sau khi vượt qua Cun-xê-vô rồi ra đến đường sắt, tới một sân ga quân sự nào đó tôi chưa biết. Đoàn tàu tối om đã trực sẵn trên đương: Đồng chí liên lạc dẫn tôi đến một toa xe, nói ngắn:

- Mời đồng chí lên đây.

Trong toa, ngoài tôi ra không thấy có ai khác. Đồng chí phụ trách toa xe chỉ chỗ cho tôi. Lúc này, tôi thoáng nghĩ: “Có lẽ mình sẽ đi theo một đồng chí nào đó trong Đại bản doanh ra mặt trận”.

Một lúc sau, có tiếng tuyết lạo xạo dưới gót giày phía sau cửa sổ, C. E. Vô-rô-si-lốp và hai người nữa bước vào toa xe. Vô-rô-si-lốp chào tôi và nói:

- Đồng chí trưởng tàu sẽ đến gặp đồng chí. Đồng chí hãy báo cho đồng chí trưởng tàu biết cần cho xe lửa dừng lại ở đâu và vào lúc nào để đến mười một giờ thu thập được những tin tức tình huống của tất cả các mặt trận và báo cáo cho đồng chí Xta-lin biết. Sau này, đồng chí vẫn sẽ báo cáo như khi ở Mát-xcơ-va, ba lần trong một ngày đêm …

Đoàn tàu chuyển bánh. Tôi còn lại một mình trong toa. Đồng chí trưởng tàu bước vào, báo cho tôi biết là tàu đang chạy trên chặng đường tiến về Xta-lin-grát. Chúng tôi thỏa thuận với nhau rất nhanh: đến 9 giờ 40 phút, tàu tới thành phố Mi-tru-rin-xcơ và sẽ dừng lại ở đó chừng nửa giờ, bắt mối ngay với đường điện thoại trực tuyến.

- Mọi việc sẽ được thực hiện đúng như vậy, – đồng chí trưởng tàu hứa rồi bước ra ngoài.

Tắt đèn xong, tôi ngồi lại một lát. Những cột dây điện báo vun vút băng qua ngoài khung cửa, những khu rừng thưa, những đồi, gò phủ đầy tuyết cứ lướt qua. Thỉnh thoảng, hiện ra bóng dáng mờ mờ của làng mạc.

Tôi bắt đầu nghĩ miên man: “đến Xta-lin-grát để làm gì? Chúng ta sẽ làm gì ở đấy, khi chiến tranh đang diễn ra ở bên kia sông Đni-ép-rơ?.. Chắc hẳn mục tiêu của chuyến đi này không phải là Xta-lin-grát…”

Theo thói quen, tôi leo lên tầng trên và nằm nghỉ. Tầng trên là ông bạn đáng tin cậy của tôi từ lâu, bao giờ cũng giúp tôi tránh khỏi những bất tiện dọc đường thường đến với những người nằm ở tầng dưới. Tôi luôn luôn chân thành tiếc cho những ai vì tuổi tác hay vì những nguyên nhân nào khác không thể leo lên tầng trên được.

Trong những năm này, tôi chỉ nằm xuống một tý là ngủ. Lúc thức dậy. thấy trời mưa lâm râm hắt qua cửa sổ, đồng hồ chỉ 8 giờ. Tôi đi đi lại lại trên toa xe. Đồng chí vệ binh đứng gác ở đầu toa và đồng chí phụ trách toa xe không ngủ.

Tôi lấy cặp, bước sang toa xe làm việc, nơi đặt máy điện thoại trực tuyến. Tôi trải bản đồ lên bàn. Lúc tàu đến Mi-tru-rin-xcơ, tôi liên lạc được ngay với A. A. Grư-dơ-lốp. Đồng chí lúc nào cũng sẵn sàng. Tôi được đồng chí cho biết mọi tin tức cần thiết và ghi tình huống lên các bản đồ.

Khoảng 10 giờ, Vô-rô-si-lốp ghé vào toa xe làm việc. Có lẽ lúc nói chuyện bằng điện thoại tôi đã làm đồng chí tỉnh

- Này, đồng chí nói to thật đây, – đồng chí có ý nhắc tôi – Ngoài ấy chiến trận có gì mới?

Tôi báo cáo vắn tắt, không mở bản đồ. Thời gian này, bộ đội các phương diện quân Pri-ban-tích 2 và 1 đang tiến hành những trận chiến đấu tiến công ác liệt trong các khu vực I-đri-xa, Gô-rô-đốc, Vi-tép-xcơ, nhưng không tiến lên được là bao. Phương diện quân Tây tiến đến Vi-tép-xcơ, tới những cửa ngõ vào Mô-ghi-li-ốp cũng bị kìm lại.

Tình hình trong dải tiến công của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a tốt hơn nhiều. Bộ đội của ta ở đây, dưới sự chỉ huy của C. C. Rô-cô-xốp-xki, đánh vu hồi vào Gô-men (thành phố này chỉ còn chờ giải phóng từng giờ một), phát triển tiến công đến Giơ-lô-bin và trên hướng Pô-lê-xi-ê.

Tình hình của phương diện quân U-crai-na 1 có phức tạp. Sau khi chiếm Ki-ép, bộ đội phương diện quân này đã chiếm được một khu vực rộng đến tuyến Ma-lin, Gi-tô-mia, Pha-xtôp Tơ-ri-pô-li-e. Ngày 17 tháng Mười một, ta giải phóng Cô-rô-xten. Và đến đây, quân địch đã hạn chế được thắng lợi của chúng ta. Chúng điều động quân, đưa những đội dự bị sinh lực còn dồi dào vào chiến đấu và chuyển sang phản công, đột kích trên hướng Ki-ép vào ngay sau lưng tập đoàn bộ đội của ta. Xe tăng Đức ép rất mạnh ở những khu vực Gi-tô-mia và Pha-xtốp. Ngày 19 tháng Mười một, địch chiếm lại Gi-tô-mia và ngày 25 bao vây được Cô-rô-xten. Sư đoàn bộ binh 226 thuộc tập đoàn quân 60 đang tiếp tục anh dũng chiến đấu ở đây.

Trong những dải hoạt động của các phương diện quân U-crai-na 2 và 3 đang diễn ra những trận chiến đấu tiến công khó khăn trên các hướng Ki-rô-vô-grát, Cri-vôi Rô-gơ và ở xế phía Tây Da-pô-rô-giê.

Lúc 11 giờ, trung tướng Vla-xích, chủ nhiệm đội bảo vệ Xta-lin, mời Vô-rô-si-lốp sang toa xe làm việc của Tổng lư lệnh tối cao. Tôi ngồi lại và báo cho Vla-xích biết rằng tôi đã sẵn sàng báo cáo tình hình. Chừng năm phút sau, các đồng chí cho lệnh tìm tôi đến báo cáo.

Ngoài Xta-lin và Vô-rô-si-lôp ra, trong toa xe làm việc còn có Mô-lô-tôp. Tổng tư lệnh tối cao hỏi ngoài mặt trận có những gì mới. Tình hình mới không có bao nhiêu, các đồng chí cho phép tôi ra về sớm.

Buổi tối, tôi thu thập tình hình ở Xta-lin-grát. Sau đó tôi chuẩn bị ‘bốc hàng”: xếp bản đồ vào cặp và chờ lệnh. Song, lệnh không đến. Không thấy có ai ra khỏi tàu cả và nửa giờ sau, đoàn xe lại tiếp tục lên đường.

Khi lại được triệu tập đến gấp Xta-lin, tôi vẫn thấy các đồng chí Vô-rô-si-lốp và Mô-lô-tốp ở đó. Mọi người đang ngồi bên bàn chuẩn bị ăn trưa.

Tôi báo cáo tình huống theo bản đồ tỷ lệ 1:1000000, sau đó tôi chuyển những yêu cầu và đề nghị của các mặt trận do A. I. An-tô-nốp điện lên Tổng tư lệnh tối cao. Xta-lin giải quyết mọi yêu cầu, phê chuẩn các đề nghị và mời tôi ăn trưa.

Chúng tôi ăn trong khoảng một giờ rưỡi. Câu chuyện luôn luôn xoay quanh một hội nghị sắp tới nào đó, có Ru-dơ-ven và Sớc-sin tham dự, mà tôi không hề hay biết gì cả.

Một đêm trôi qua. Ngày mới bắt đầu. Thứ tự công việc trong ngày vẫn không thay đổi. Tôi đến toa xe của Xta-lin báo cáo ba lần trong một ngày đêm. Xe lửa chạy qua Ki-dơ-li-a-rơ, Ma-kha-trơ-ca-la. Chiều tối tới Ba-cu. Tới đây, chỉ trừ tôi, còn mọi người lên ô-tô và đi đâu đó. Tôi ngủ lại trên tàu. Lúc 7 giờ sáng, có người đến tìm tôi và chúng tôi lên đường ra sân bay.

Một số máy bay Xi-47 đã trực sẵn trên đường bay. Tư lệnh các lực lượng không quân A. A. Nô-vi-côp và tư lệnh không quân hoạt động tầm xa A. E. Gô-lô-va-nốp đang đi dạo bên một trong những chiếc máy bay đó. Tôi nhận ra đồng chí V. G. Gra-trép, một phi công quen biết, đứng gần chiếc máy bay bên cạnh.

8 giờ, I. V. Xta-lin đến sân bay. Nô-vi-cốp báo cáo đã chuẩn bị cho hai máy bay sẵn sàng cất cánh ngay: một do thượng tướng Gô-lô-va-nốp và một do đại tá Gra-trép lái. Nửa giờ sau còn có hai chiếc chở nhóm cán bộ Bộ dân ủy ngoại giao sẽ cất cánh nữa.

A. A. Nô-vi-cốp mời Tổng tư lệnh tối cao đi chiếc máy bay của Gô-lô-va-nốp. Lúc đầu, đồng chí như thuận ý, nhưng đi được vài bước, đồng chí bỗng dừng lại.

- Các thượng tướng ít khi lái máy bay, – Xta-lin nói, – chúng ta bay với đại tá tốt hơn.

Rồi đồng chí quay sang phía Gra-trép. Mô-lô-tôp và Vô-rô-si-lốp đi theo đồng chí.

- Stê-men-cô cùng đi với chúng ta. dọc đường sẽ báo cáo tình hình, – Xta-lin nói lúc đang bước lên thang máy bay.

Tôi không để các đồng chí phải đợi mình. Trong chiếc máy bay thứ hai có các đồng chí A. I-a. Vư-sin-xki, mấy cán bộ Bộ dân ủy ngoại giao và bảo vệ.

Mãi đến sân bay tôi mới được biết là chúng tôi sẽ bay đến Tê-hê-ran. Ba phi đội gốm chín máy bay tiêm kích hộ tổng chúng tôi. Hai tốp bay hai bên, một tốp bay cao ở phía trước.

Tôi báo cáo tình hình các mặt trận. Tình huống ở Cô-rô-ten lại càng xấu thêm. Bộ đội ta sắp phải bỏ thành phố này. Căn cứ theo mọi tình hình, ta nhận thấy rằng địch có ý đột phá vào Ki-ép và đánh bật bộ đội ta ra khỏi căn cứ bàn đạp ta vừa chiếm được ở đây…

Bay chừng 3 tiếng đồng hồ thì tới Tê-hê-ran. Thượng tướng A-pô-lô-nôp, thứ trưởng Bộ dân ủy nội vụ, được cử đến trước để tổ chức bảo vệ phái đoàn Liên Xô, ra đón chúng tôi. Cùng đi với A-pô-lô-nôp có mấy đồng chí cán bộ khác, tôi không quen biết. Có tất cả chừng 5-6 người. Ô-tô chạy sát đến máy bay. Xta-lin và các thành viên khác của Chính phủ ngồi vào xe. Xe lấy tốc độ chạy nhanh. Có hai xe bảo vệ đi theo sau. Tôi đi chiếc xe thứ hai.

Một lát sau, chúng tôi đã đến Đại sứ quán của ta.

Đại sứ quán Liên Xô ở mấy ngôi nhà trong một công viên tốt, Có hàng rào chắc chắn vây quanh. Gần đấy là những ngôi nhà của phái bộ Anh, có đội bảo vệ hỗn hợp Anh – Ấn Độ canh gác. Đại sứ quán Mỹ ở cách chúng tôi khá xa.

Tôi và đồng chí mật mã ở tầng dưới ngôi nhà của Xta-lin và các thành viên khác trong phái đoàn. Các đồng chí bố trí cho chúng tôi một gian phòng nhó, có một cửa sổ. Điện báo ở phòng bên. Tối đến, Xta-lin dạo chơi trong công viên có lưu ý đến những điều kiện làm việc của chúng tôi. Đồng chí không vừa lòng với gian phòng của chúng tôi ở:

- Ở đây thì trải bản đồ ra chỗ nào? Tại sao lại tối thế này? Không thể bố trí cho các đồng chí một chỗ khác tốt hơn hay sao?

Kết quả cuộc đến thăm này liền được thể hiện ra ngay. Các đồng chí nhường cho chúng tôi một gian phòng khác, rộng hơn và sáng sủa hơn, với ba chiếc bàn. Máy điện trực tuyến được chuyển sang chỗ khác.

Ngày 28 tháng Mười một, vào lúc chiều tà, hội nghị những người lãnh đạo ba nước lớn khai mạc tại một ngôi nhà riêng trong khu vực Đại sứ quán Liên Xô. Tôi cũng được cấp giấy ra vào nơi họp và cũng đã phải dùng đến nó. Một đội vệ binh quốc tế đảm nhận việc canh gác nơi họp; mỗi trạm gác có ba vệ binh: một Liên Xô, một Mỹ và một Anh. Mỗi bên tự bố trí phiên gác cho người của mình. Nói chung, đây là một nghi thức đặc biệt và khá thú vị.

Ít lâu sau, theo lời mời của Xta-lin, Ru-dơ-ven sang ở hẳn trong khu vực Đại sứ quán Liên Xô. Làm như vậy là do nhu cầu bảo vệ: có tin đồn về âm mưu ám sát tổng thống Mỹ.

Sớc-sin hết sức bất bình về việc Ru-dơ-ven trú chân ở Đại sứ quán Liên Xô. Và có lẽ không phải vô cớ mà Sớc-sin cho rằng đây là một biện pháp rất khôn khéo của I. V. Xta-lin nhằm tạo cho mình khả năng gặp gỡ Ru-dơ-ven một cách không chính thức để bàn những vấn đề quan trọng mà không có mặt Sớc-sin và lôi kéo Ru-dơ-ven về phía mình.

Phái đoàn Liên Xô rất vững vàng tham gia hội nghị. Theo những câu chuyện trao đổi nghe được lúc còn ở trên tàu tôi hiểu rằng phái đoàn ta định kiên quyết đặt ra trước các nước Đồng minh vấn đề mở mặt trận thứ hai mà họ rõ ràng đã cố ý trì hoãn. Xta-lin đã nhiều lần bảo tôi phải nắm chính xác số sư đoàn địch và chư hầu của chúng trên mặt trận Xô – Đức cũng như trên mặt trận giữa Đức và các nước Đồng minh.

Những số liệu này đã được sử dụng ngay trong ngày đầu của hội nghị. Chúng là một cây “chủ bài” trong tay phái đoàn Liên Xô, khi bàn đến vấn đề rút ngắn thời hạn chiến tranh, mở ngay mặt trận thứ hai, hoặc như những nước Đồng minh thường nói: thực hiện kế hoạch “Ô-véc-lo-dơ”. Những con số về tương quan lực lượng hai bên đã đập thẳng vào mắt Sớc-sin, bóc trần mọi mưu toan của ông ta nhằm lấy những chiến dịch thứ yếu thay cho mặt trận thứ hai.

Dựa vào những số liệu ấy, Xta-lin đã chỉ ra rằng: trong năm 1943, do tính tiêu cực của các nước Đồng minh, bộ chỉ huy Đức đã có thể tập trung được nhiều tập đoàn đột kích mới chống lại quân đội ta. Và, đồng chí thông báo ngay về những tình huống phức tạp trên mặt trận Xô – Đức, kể cả ở Cô-rô-xten và ở Ki-ép nói chung.

Một trong những vấn đề trung tâm của hội nghị là: xác định thế nào là mặt trận thứ hai và nên mở mặt trận này ở đâu. Phái đoàn Liên Xô buộc phái đoàn Anh thừa nhận rằng, chiến dịch “Ô-véc-lo-dơ” phải là chiến dịch chủ yếu của các nước Đồng minh. chiến dịch này phải được bắt đầu chậm nhất là tháng Năm sang năm và nhất thiết phải tiến hành trên lãnh thổ miền Bắc nước Pháp.

Để bảo vệ quan điểm đúng đắn này. Xta-lin đã phân tích gọn nhưng rất cặn kẽ, những khả năng các nước Đổng minh tiến đánh Đức từ những hướng khác. Phương án những chiến dịch ở Địa Trung Hải và trên bán đảo A-pen-nin – nơi quân đội Đồng minh đang tiến tới Rô-ma- đã được phân tích tỉ mỉ hơn cả.

Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô coi chiến dịch Địa Trung Hải là chiến dịch thứ yếu, vì địch ở đây có tương đối ít lực lượng và chiến trường này lại ở xa lãnh thổ Đức. Còn đề cập tới chiến trường I-ta-li-a, phái đoàn Liên Xô thừa nhận rằng chiến trường này là rất quan trọng để bảo đảm cho tàu bè Đồng minh tự do qua lại Địa Trung Hải, nhưng lại không hoàn toàn thích hợp để mở những cuộc đột kích trực tiếp vào nước Đức Hít-le: dãy húi An-pơ chặn mất đường tiến ra biên giới Đức phát-xít.

Những chiến dịch ấy không thích hợp với việc đột nhập vào Đức từ vùng Ban-căng mà Sớc-sin trước hết quan tâm đến

Các đại biểu Liên Xô đã đề nghị với các đồng minh phương Tây thực hiện một phương án có cơ sở sâu sắc về mặt quân sự, gồm ba chiến dịch gắn bó mật thiết với nhau và hoàn toàn phù hợp với thực chất và quy mô của mặt trận thứ hai: dùng lực lượng chủ yếu tiến hành kế hoạch “Ô-véc-lo-dơ”, ở Bắc Pháp, mở mũi đột kích thứ yếu vào phía Nam nước Pháp, rồi tiến công hợp điểm với những lực lượng chủ yếu, và cuối cùng mở chiến dịch ở I-ta-li-a để thu hút lực lượng địch. Nhân dịp này, ta đã trình bày khá chi tiết trật tự hiệp đồng hợp lý nhất của những chiến dịch trên cả về thời gian và nhiệm vụ.

Ta đã đặc biệt bàn nhiều về việc quân Đông minh đổ bộ vào miền Nam nước Pháp. Ta dự kiến rằng sẽ có nhiều khó khăn ở đây, nhưng chiến dịch này lại tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho những lực lượng chủ yếu hoạt động. Tóm tắt quan điểm của Liên Xô về vấn đề miền Nam nước Pháp, Xta-lin tuyên bố:

- Riêng tôi thấy cần phải có một hành động cực đoan như vậy.

Như ta đã biết, Ru-dơ-ven đã ủng hộ Xta-lin và đề nghị của Liên Xô về thời hạn mở chiến dịch “Ô-véc-lo-dơ” cũng như cả về những hoạt động phụ ở miền Nam nước Pháp đều được chấp nhận. Không nghi ngờ gì nữa, quyết định này đã góp phần củng cố khối liên minh ba nước lớn chống Hít-le và là sự thắng lợi của những tư tưởng đấu tranh chung.

Trong suốt thời gian họp hội nghị, tôi làm công việc của mình: thường kỳ ba lần một ngày, tôi thu thập tin tức về tình hình các mặt trận bằng điện báo và điện trực tuyến rồi báo cáo lên Xta-lin. Thông thường, tôi báo cáo vào buổi sáng và sau phiên họp của những người đứng đầu chính phủ “thường họp vào chiều tối”.

Gần như ngày nào A. I. An-tô-nốp cũng chuyển cho tôi những dự thảo chỉ thị, mệnh lệnh cần có chữ ký của Tổng tư lệnh tối cao. Sau khi Tổng tư lệnh tối cao đã ký xong, tôi báo về Mát-xcơ-va và xếp văn bản chính vào tủ sắt do đồng chí mật mã giữ.

Có một hai lần Xta-lin trực tiếp nói chuyện với An-tô-nốp. Và cũng có lần đồng chí đích thân nói chuyện với Va-tu-tin và Rô-cô-xốp-xki, tìm hiểu xem các đồng chí này có khả năng triệt phá cuộc phản công của địch ở Ki-ép hay không. Đồng chí đặc biệt chú ý đến ý kiến của Rô-cô-xôp-xki: phương diện quân của Rô-cô-xốp-xki có nhiệm vụ chi viện cho phương diện quân của Va-tu-tin trên hướng Mô-dưa.

Là cục trưởng Cục tác chiến, tôi cố nhiên đã hết sức quan tâm đến việc hiệp đồng giữa Quân đội Liên Xô với quân đội Đồng minh trong những chiến dịch sắp tới. Vấn đề này được Xta-lin nêu lên trong cuộc hội đàm với Sớc-sin ngày 30 tháng Mười một và cũng ngay trong ngày hôm đó, trong phiên họp thứ ba của những người đứng đầu chính phủ, đã được trình bày dưới dạng lời cam kết của Liên Xô.

Trong lời tuyên bô của người dưng đầu đoàn đại biểu Liên Xô về vấn đề này. không loại trừ khả năng là quân đội Đồng minh sẽ gặp nguy cơ lớn nhất không phải trong thời gian đầu hành động theo kế hoạch “Ô-véc-lo-dơ” mà trong quá trình chiến dịch, khi quân Đức cố tìm cách điều một bộ phận quân lính từ mặt trận Đông sang mặt trận Tây.

Tuy nhiên, đi trước vấn đề một chút. đến đây tôi phải nói rằng: trung thành với những trách nhiệm của mình đối với Đồng minh, Quân đội Liên Xô trong năm 1944 đã có những hành động kiên quyết, khiến địch không rút quân của chúng từ mặt trận Đông sang mặt trận Tây, mà ngược lại, đã buộc Hít-le phải điều động nhiều sư đoàn của chúng từ Tây sang Đông.

Không phải không có đụng chạm khi giải quyết vấn đề chỉ định người làm Tổng tư lệnh quân đội Đồng minh ở phía Tây. Người được cử giữ cương vị này phải chịu toàn bộ trách nhiệm về các mặt để chuẩn bị và tiến hành chiến dịch “Ô-véc-lo-đơ”. Nếu không có cá nhân chịu trách nhiệm về công việc tối quan trọng ấy, thì nhất thiết sẽ có những sai phạm nghiêm trọng làm hỏng, thậm chí làm thất bại kế hoạch đã định. Mọi thành viên tham gia hội nghị đều hiểu rất rõ vấn đề này và cuối cùng đã thỏa thuận cử tướng Mỹ Ai-xen-hao làm Tổng tư lệnh.

Trong quá trình làm việc, hội nghị Tê-hê-ran đã giải quyết có kết quả nhiều khía cạnh rất quan trọng khác của vấn đề mở mặt trận thứ hai, đặc biệt là điểm số lực lượng mà Đồng minh sẽ tung vào lục địa là bao nhiêu. Sớc-sin xác định phải cho đổ bộ tới một triệu hoặc vào khoảng một triệu quân.

Và cũng trong hội nghị Tê-hê-ran này, các nước Đồng minh đã được phía Liên Xô thỏa thuận về nguyên tắc là Liên Xô sẽ tuyên chiến với đế quốc Nhật, sau khi đánh bại nước Đức Hít-le.

Tôi còn nhớ tình hình vô cùng bận rộn sau khi U. Sớc-sin chuyển cho I. V. Xta-lin tấm bản đồ Nam Tư. Nguyên do là ở chỗ những số liệu của thủ tướng Anh về nước này không giống với những số liệu mà người đứng đầu phái đoàn Liên Xô đã dẫn ra trong hội nghị.

Trưa ngày 30 tháng Mười một, tôi nhận được bản đồ này kèm theo một mệnh lệnh dứt khoát: “kiểm tra lại”. Trong tay tôi không có một tài liệu nào về Nam Tư cả. Phải cấp tốc liên lạc với A. A. Grư-dơ-lốp. Đồng chí ấy đã cung cấp cho tôi những tin tức mới nhất về tình hình Nam Tư. Chúng tôi thấy rõ rằng bản đồ của Sớc-sin kém chính xác hơn bản đồ của chúng ta. Nhưng, như tôi được biết, trong các buổi hội đàm tiếp sau với Sớc-sin, Xta-lin không quay trở lại vấn đề này nữa.

Tôi còn nhớ rõ buổi lễ trao tặng thành phố Xta-lin-grát Thanh kiếm danh dự của vua nước Anh. Ngày 29 tháng Mười một, Sớc-sin thay mặt vua nước Anh trao thanh kiếm cho I. V. Xta-lin, Ru-dơ-ven có tham dự buổi lễ trọng thể này. Các thành viên phái đoàn ba nước, các cán bộ đại sứ quán ta, nhiều sĩ quan và chiến sĩ Liên Xô đã được mời đến dự lễ. Sớc-sin đọc một bài diễn văn ngắn. Xta-lin tiếp nhận và hôn thanh kiếm.

Trong thời gian họp hội nghị, Sớc-sin vừa tròn 69 tuổi. Nhân dịp này, phái bộ Anh có mở đại tiệc chiêu đãi. Nhân vật chính của buổi lễ, miệng không rời điếu xì-gà cổ truyền, ngồi vào bàn chính, với Ru-dơ-ven bên phải và Xta-lin bên trái. Trước mặt là một tấm bánh to có cắm 69 ngọn nến đang cháy, biểu hiện 69 năm sinh. Nhiều người nâng cầu chúc mừng Sớc-sin, trong đó có Xta-lin.

Trong những ngày hội nghị bình thường, những người đứng đầu chính phủ và các thành viên phái đoàn đã lần lượt dùng bữa, khi thì ở chỗ Xta-lin, khi thì ở chỗ Ru-dơ-ven, khi thì ở chỗ Sớc-sin. Những bữa ăn ấy đều rất muộn (vào lúc 20 giờ theo giờ Mát-xcơ-va), khi chúng tôi đã ăn tối xong rồi.

Ru-dơ-ven không bao giờ nán lại sau bữa ăn, ông ta thường về ngay trụ sở của mình, còn Xta-lin và Sớc-sin thì ngồi lâu với nhau để tiến hành cái gọi là “những cuộc hội đàm không chính thức”. Ngược lại, Ru-dơ-ven thích gặp Xta-lin vào buổi trưa, trước phiên hội nghi và những buổi gặp gỡ ấy, đã góp phần không nhỏ làm cho những buổi đàm phán chính thức đạt được kết quả.

Không ai nghi ngờ rằng cơ quan tình báo Hít-le – Tê-hê-ran biết có cuộc hội nghị này. Tiện thể xin nói thêm là cuộc gặp gỡ long trọng của U. Sớc-sin đã góp phần không nhỏ vào việc đó. Nhưng bọn Hít-le không dám phá hoại. Đội canh phòng thực hiện nhiệm vụ rất cảnh giác, và bản thân những người I-ran là những người có lòng yêu hòa bình, thậm chí nhiệt tình, nhất là đối với những người xô-viết. Điều đó bắt nguồn từ nguyện vọng của cả hai nước muốn sống trong hữu nghị và hòa hợp.

Cố nhiên, tôi muốn có dịp đi tham quan Tê-hê-ran. Và, cơ hội này có lần đã đến. Các đồng chí trong Đại sứ quán cho biết là không nên mặc quân phục đi ngoài đường phố Tê-hê-ran. Người ta cho tôi mượn áo khoác và mũ. Tôi khoác áo ra ngoài quân phục đang mặc, áo thì dài, còn mũ không vừa đầu, nhưng tôi vẫn cố dùng. Rồi có vẻ như nhà thám tử thực sự, tôi lên xe đi du ngoạn khắp Tê-hê-ran lúc chiều tối.

Mình không quen nhìn những đường phố chính rực sáng, các biển quảng cáo đủ màu. Có cảnh tương phản lạ lùng: những cung điện đồ sộ của các bậc quyền quý, với những vườn cây và công viên lộng lẫy đủ màu sắc, với nhiều hoa, sóng đôi bên cảnh nghèo khó kinh người tại những vùng ngoại ô thủ đô, nơi phụ nữ còn mang mạng che mặt và gánh nước kênh bẩn thỉu về dùng.

Tôi đi dạo chừng nửa tiếng đồng hồ. Và cố nhiên, tôi chỉ mới thấy thoáng qua cảnh Tê-hê-ran.

Họp hội nghị xong, chúng tôi lại trở về Mát-xcơ-va theo trật tự cũ: đi máy bay của Gra-trép tới Ba-cu và từ Ba-cu đi xe lửa về Mát-xcơ-va. Theo lệ thường, tôi vẫn thu thập tin tức và báo cáo tình huống. Tự nhiên là chúng tôi đã nói chuyện với nhau xoay quanh cuộc hội nghị này.

Mấy ngày sau, chúng tôi đã từ cảnh thu ấm áp của nước I-ran hòa bình trở lại với mùa đông chiến tranh của Mát-xcơ-va thân yêu.

Sau hội nghị Tê-hê-ran, Bộ tổng tham mưu không nhận được những chỉ thị thật đặc biệt nào cả. Tuy nhiên, mọi nhiệm vụ xuất phát từ Đại bản doanh rõ ràng đều được trù tính sao cho những trách nhiệm đồng minh của chúng ta đối với triển vọng mở mặt trận thứ hai, được thực hiện đầy đủ. Chiếm vị trí chủ yếu trong những công việc này, đương nhiên là việc phá tan bộ máy chiến tranh của Hít-le và sau đó là việc chuẩn bị chiến tranh với Nhật.

Cố nhiên, chúng ta không quên rằng bản chất của khối đồng minh chống Hít-le chứa đựng nhiều mâu thuẫn và mọi chuyện bất ngờ. Vấn đề đặc biệt sinh ra nhiều nghi ngại là thời hạn mở mặt trận thứ hai đã định trong hội nghị Tê-hê-ran. Vì ngay tại đây, ở Tê-hê-ran, các nước Đồng minh đã đề ra rất nhiều ý kiến bảo lưu trong vấn đề này. Cho nên Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu đã hành động theo phương châm: không thể chỉ trông mong ở Đồng minh, mà cần phải dựa vào sức mình

Trong nhiều vấn đề xác định công tác thực tiễn của Bộ tổng tham mưu thời gian ấy đã nảy sinh vấn đề như sau: liệu có cần điều chỉnh kế hoạch chiến cục mùa đông xây dựng hồi tháng Chín 1943 hay không?

Nếu nói về mục tiêu chính trị của những chiến dịch sắp tới của bộ đội xô-viết, thì mục tiêu đó trước hết nhằm hoàn toàn giải phóng nước ta khỏi ách xâm lược của phát-xít Đức. Hiện nay chỉ 1/3 đất đai bị chiếm trước đây là còn nằm dưới gót sắt của chúng. Và trong năm tới, Quân đội Liên Xô phải sẵn sàng thực hiện sứ mệnh quốc tế vĩ đại: giúp đỡ nhân dân những nước khác. Vì vậy, phải tiến hành những chiến dịch tiến công với quy mô còn lớn hơn so với năm qua. Nguyên tắc cũ đã được khảo nghiệm, vẫn có hiệu lực là: đánh địch liên tục, không cho chúng kịp thở.

Tuy nhiên, cuộc tiến công quá dài đã có ảnh hưởng tới tình trạng bộ đội chúng ta: bộ đội bị mệt mỏi, cần được bổ sung thêm người và vũ khí. Trong quá trình chiến đấu mùa thu – đông năm 1943, quân thù đã huy động nhiều lực lượng dự bị mạnh và tạm thời uy hiếp được ta ở U-crai-na, kìm hãm cuộc tiến công của ta ở Bê-lô-ru-xi-a, đánh lui những mũi đột kích của ta tại những cửa ngõ vào vùng Pri-ban-tích. Bộ chỉ huy phát-xít Đức cố sức bằng mọi giá ổn định tình hình trên các mặt trận. Như vậy là tình huống căn bản đã thay đổi và các giải pháp cũ không còn thích hợp nữa.

Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu hiểu rất rõ rằng dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng không được để mất quyền chủ động chiến lược, không được để cho địch tiến hành chiến đấu theo hình thái trận địa. Cần phải nghiêm chỉnh điều động lại binh lực, trước hết là ở U-crai-na.

Chủ trương cho các Lực lượng vũ trang Liên Xô đồng thời tiến công trên toàn mặt trận từ Ban-tích đến Biển Đen, nét đặc trưng của kế hoạch mùa thu 1943, thực ra bây giờ không thể đem ra thực hiện được nữa. Thực tiễn chiến tranh buộc phải từ bỏ cuộc tiến công đồng loạt ấy, và thay thế nó bằng những chiến dịch lớn nối tiếp nhau, phù hợp hơn với thời cơ mới, hay như hồi đó ta thường nói và viết, là những đòn đột kích chiến lược.

Trong lúc xác định mục tiêu đột kích, số lượng và tính chất những lực lượng và phương tiện tham gia, thời gian tiến hành đột kích và yêu cầu hiệp đồng với những chiến dịch tương tự khác, Bộ tổng tham mưu đã tính toán trước hết đến cụm quân phát-xít Đức mà ta cần tiêu diệt. Đến đầu năm 1944, rõ ràng địch đã có tập trung lực lượng ở khu vực Lê-nin-grát và bên Hữu ngạn U-crai-na, ở Crưm và Bê-lô-ru-xi-a.

Tiêu diệt được mỗi cụm quân này tức là tạo được những cửa mở trong phòng ngự của chúng và địch chỉ có thể bịt những cửa mở ấy, chủ yếu bằng cách cơ động những lực lượng từ những khu vực khác đến, vì chúng không có đủ lực lượng dự bị chiến lược. Bộ chỉ huy Đức không tổ chức những binh đoàn chiến dịch trong lực lượng dự bị, mà thường sử dụng những quân đoàn và sư đoàn các loại, phần lớn là những quân đoàn và sư đoàn xe tăng.

Muốn chọc thủng mặt trận quân địch, phá vỡ nó trên một khoảng lớn và không cho chúng có thể khôi phục lại được, chiến lược xô-viết trước hết phải quy định khả năng thành lập những cụm quân mạnh hơn các cụm của Đức. Mỗi cụm quân này phải được tăng cường tính chất đột kích mạnh, bằng cách tiếp tục nâng cao vai trò của xe tăng, pháo binh và không quân. Đòi hỏi phải xây dựng những binh đoàn và cụm dự bị lớn, để trong một thời hạn ngắn và bất ngờ đối với địch, ta có thể có được ưu thế quyết định về lực lượng trên những hướng đã chọn. Để phân tán lực lượng dự bị của địch, tốt hơn hết là tổ chức và tiến hành nhiều chiến dịch nối tiếp nhau liên tục về thời gian và trên các khu vực cách nhau khá xa.

Tất cả những vấn đề trên đều được định rõ trong các kế hoạch chiến cục nửa đầu năm 1944. Ngoài ra, các kế hoạch này còn tính đến cả trách nhiệm ta đã đảm nhận tại hội nghị Tê-hê-ran là “đến tháng Năm sẽ tổ chức tiến công lớn, đánh quân Đức ở một số địa điểm”.

Thời gian mở đầu những chiến dịch trên trước hết do tình hình sẵn sàng hành động của các lực lượng ta quyết định. Cũng đã có nhiều ý đồ khác nữa, có liên quan đến khu vực chiến đầu này hay khu vực chiến đấu khác, ví như cần “giải tỏa” Lê-nin-grát, phá hoại các vị trí chính trị của Đức ở Phần Lan và Ru-ma-ni.

Cũng như trước đây, mũi đột kích chủ yếu hướng vào tả ngạn U-crai-na. Ở đây, ta định tiêu diệt cánh quân của Man-stai-nơ và dùng các phương diện quân U-crai-na 1 và 2 tiến tới Các-pát, chia cắt mặt trận quân địch. Đồng thời, bộ đội của phương diện quân U-crai-na 3 phải tiêu diệt cánh quân Ni-cô-pôn – Cri-vôi Rô-gơ của chúng. Phương diện quân U-crai-na 4 sẽ hoạt động ở Ni-cô-pôn để hiệp đồng với phương diện quân U-crai-na 3 rồi sẽ chuyển sang tiêu diệt tập đoàn quân 17 của Đức ở Crưm.

Theo kế hoạch chiến cục thì phương diện quân Pri-ban-tích 2 sẽ chuyển sang tiến công sớm nhất (ngày 12 tháng Giêng). Sau đó (ngày 14 tháng Giêng), các phương diện quân Lê-nin-grát và Vôn-khốp sẽ hợp nhất hành động với phương diện quân Pri-ban-tích 2. Chiến dịch chung của ba phương diện quân trên hồi đó gọi là “Đòn đột kích thứ nhất”. Mười ngày sau (24 tháng Giêng), sẽ bắt đấu tiến công trên hướng chú yếu ở Hữu ngạn U-crai-na.

Những hành động của bộ đội ta ở đây lấy tên là “đòn đột kích thứ hai”. Trong tháng Ba – tháng Tư, dự định mở “đòn đột kích thứ ba”: dùng lực lượng của phương diện quân U-crai-na 3 giải phóng Ô-đét-xa và sau đó đưa phương diện quân U-crai-na 4 đến tiêu diệt quân địch ở Crưm. Tiếp sau, chúng ta xây dựng kế hoạch tiến công trên eo Ca-rê-li-a và ở Nam Ca-rê-li-a.

Hàng loạt những (đòn đột kích) trên những địa điểm trong những thời gian khác nhau ấy đã tỏ ra là hoàn toàn đúng. Quân địch buộc phải điều động lực lượng của chúng khi thì sang hướng này, lúc thì sang hướng khác, kể cả những phía sườn xa xôi và phải chịu mất từng bộ phận một.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx