sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11: Ở Crưm

Ý định và những phương án chiến dịch. – Đề nghị của A. M. Va-xi-lép-xki. – Quyết định cuối cùng. – Đi cùng C. E. Vô-rô-si-lốp – Đến tập đoàn quân miền Duyên hải. – Căn cứ bàn đạp Kéc-tsơ. – Đàm luận với các chiến sĩ thuỷ quân, biên bản có mười chữ ký và phản ứng của Xta-lin – Những chàng bộ binh Cô-dắc. – Lòng dũng cảm của các đơn vị đổ bộ. – Bất ngờ thay đổi tư lệnh tập đoàn quân. – Mang báo cáo về Đại bản doanh. – Lại đến Crưm. – Trận chung kết ở Khéc-xô-nét.

Đầu tháng Mười 1943, bộ đội Liên Xô đã ở trên tuyến Xta-rai-a Ru-xa, Pu-xtô-sca, U-xvi-a-tư và đã từ phía Đông tiền gần đến Vi-tép-xcơ, Oóc-sa và Mô-ghi-li-ôp, tiến sát tới Pô-lê-xi-ê và Ki-ép. Ở xa hơn nữa, mặt trận về cơ bản nằm theo dọc sông Đni-ép-rơ mà ở bên hữu ngạn ta đã chiếm được một loạt căn cứ bàn đạp, và dọc theo sông Mô-lô-tsơ-nai-a.

Vấn đề đánh chiếm Crưm được đặt ra một cách hơi riêng biệt trong các kế hoạch của Đại bản doanh chuẩn bị tiêu diệt địch ở phía Bắc Pô-lê-xi-ê, trong khu vực Ki-ép và ở khúc ngoặt lớn của sông Đni-ép-rơ. Ph. I. Tôn-bu-khin (phương diện quân Nam) đã điều bộ đội của mình từ phía Bắc tiến vào những cửa ngõ tới bán đảo, và sắp phải vượt qua Pê-rê-cốp.

Còn phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ, dưới quyện chỉ huy của I. E. Pê-tơ-rôp, ngày 9 tháng Mười đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng bán đảo Ta-man. Những chiến hạm của Hạm đội Biển Đen và Chi hạm đội A-dôp kiểm soát vùng biển bao quanh Crưm.

Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu chú ý nghiên cứu những ý định và phương án tác chiến nhằm giải phóng Crưm. Chúng ta đã ôn lại lịch sử và kinh nghiệm đấu tranh của M. V. Phun-de chống Vran-ghen năm 1920. Có nhiều ý kiến được đem ra trao đổi. Một số ý kiến đề nghị lúc này chưa nên chiếm mà chỉ bao vây Crưm, bằng cách cô lập nhiều lực lượng địch ở đây, đồng thời tách phần lớn đơn vị của ta cho đi hoạt động trên những hướng khác. Chúng tôi gọi đùa những đồng chí có quan điểm này là “phái cô lập”.

Nếu ta hành động theo phương pháp này thì địch có thể từ Crưm uy hiếp phía sau những phương diện quân của chúng ta đang tiến công ở bên kia sông Đni-ép-rơ. Chúng còn giữ được căn cứ để hoạt động tích cực trên các đường giao thông ở Bắc Ta-vri-a, ở miền ven Biển Đen, A-dốp và trong vùng công nghiệp dầu hóa Bắc Cáp-ca-dơ.

Ngoài ra, lập trường của “phái cô lập” còn có nhiều điểm yếu khác nữa. Vì vậy, quan điểm của những đồng chí này đã bị loại bỏ về nguyên tắc, còn phương án đánh chiếm Crưm và hoàn toàn tiêu diệt số quân địch đóng tại đây đã được chú ý đi sâu nghiên cứu

Bây giờ, phải quyết định cách đánh chiếm bán đảo. Lúc đầu cả trong vấn đề này cũng đã có nhiều quan điểm không thống nhất với nhau.

Ngày 22 tháng Chín, theo yêu cầu của Đại bản doanh, A. M. Va-xi-lép-xki đã trình bày ý kiến của mình về vấn đề này. Ý định của đồng chí là: bộ đội của phương diện quân Nam, trong lúc vu hồi từ phía Nam Mê-li-tô-pôn, nhanh chóng đánh chiếm Xi-va-sơ, Pê-rê-côp cùng khu vực Đơ-gian-côi và xốc tới Crưm tràn lên vai địch.

Do đó, phải lấy quân của phương điện quân Bắc Cáp-ca-dơ tăng cường cho phương diện quân Nam. Ngoài ra, phải cho quân đổ bộ đường không nhảy xuống khu vực Đơ-gian-côi và sử dụng Chi hạm đội A-dốp làm nhiệm vụ đổ bộ đường biển vào đây, nhằm tiến về phía sau cánh quân địch đang phòng ngự Xi-va-sơ và đột kích trên hướng Bắc tiến lên gặp bộ đội của phương diện quân Nam.

Kế hoạch này có điểm tốt là dự định tập trung nhiều lực lượng trên hướng đột kích đã chọn. Nhưng nó đòi hỏi nhiều đợt điều quân lớn, khó giấu được địch. Thêm nữa, hướng Kéc-tsơ lại thụ động, do đó địch có thể rút phần lớn quân của chúng ra khỏi đây, sang tăng cường cho hướng Đơ-gian-côi.

Thật vậy, phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ trước khi tiến công vào Crưm, còn phải tiến công vượt qua vịnh và đánh chiếm căn cứ bàn đạp ở bán đảo Kéc-tsơ. Việc đó tạo thành một chiến dịch riêng, khá phức tạp, nhưng rất đáng thực hiện. Phần lớn những người có uy tín trong Bộ tổng tham mưu chủ trương tiến hành một chiến dịch trù bị, nhằm đánh chiếm căn cứ bàn đạp ở khu vực Kéc-tsơ để sau này từ hai hướng đổ cả về Crưm.

Càng về sau, vấn đề giải phóng Crưm càng có ý nghĩa thực tiễn. Đến cuối tháng Mười, bộ đội của phương diện quân Nam đã vượt qua tuyến phòng ngự mạnh của quân địch trên sông Mô-lô-tsơ-nai-a và sang đầu tháng Mười một đã chiếm được eo đất Pê-rê-cốp và những căn cứ bàn đạp tại bờ phía Nam Xi-va-sơ. Tập đoàn quân 17 của Đức bị bao vây trên bán đảo.

Cũng trong khoảng thời gian này, từ ngày 1 đến hết ngày 11 tháng Mười một, theo quyết định của Đại bản doanh, phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ hiệp đồng với các lực lượng của hạm đội, đã tiến hành một chiến dịch đổ bộ và đánh chiếm căn cứ bàn đạp ở phía Đông – Bắc Kéc-tsơ. Căn cứ bàn đạp này không lớn, nhưng nếu tổ chức chiến đấu tốt, nó có thể làm bàn đạp đề tiếp tục phát triển tiến công vào Crưm.

Chiến dịch này thật phức tạp và khó khăn. Đội đổ bộ trợ công gồm các đơn vị thuộc sư đoàn bộ binh 318, lữ đoàn hải quân 255 và tiểu đoàn thủy quân lục chiến độc lập 386 đã góp phần rất đáng kể vào thắng lợi của các lực lượng chủ yếu. Nó đã đổ bộ xuống khu vực làng En-ti-ghen phía Tây – Nam Kéc-tsơ. Quân đổ bộ đã đánh chiếm một căn cứ bàn đạp nhỏ và suốt 40 ngày, trong những điều kiện hết sức khó khăn, đã đẩy lùi các cuộc phản công của các lực lượng địch có ưu thế hơn ta nhiều lần. Khi nhiệm vụ chủ yếu của đội đổ bộ – trói chặt các lực lượng dự bị của địch và không cho địch tung các lực lượng này ra đối phó với các lực lượng chủ yếu của ta – đã hoàn thành, những người anh hùng của “đất lủa” đã tiến tới gặp quân ta ở khu vực ở Kéc-tsơ.

Sau khi chiếm được căn cứ bàn đạp Kéc-tsơ thì phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ lúc này không còn cần thiết, và từ ngày 20 tháng Mười một, nó đã không còn tồn tại nữa. Trên cơ sở phương diện quân Bắc Cáp-ca-dơ và tập đoàn quân 56 đang hoạt động ở Crưm, ta đã thành lập tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải. Tướng I. E. Pê-tơ-rốp làm tư lệnh ở tập đoàn quân ấy.

Mọi việc, như người ta thường nói, đã đâu vào đấy và Tổng tư lệnh tối cao giao cho chúng tôi nhiệm vụ bắt tay xây dựng kế hoạch hành động từ bán đảo Kéc-tsơ.

Đồng chí nói:

- Phải giải quyết nhiệm vụ đánh chiếm Crưm bằng hành động đột kích phối hợp của bộ đội Tôn-bu-khin và Pê-tơ-rốp cùng với sự tham gia của Hạm đội Biển Đen và Chi hạm đội A-dôp. Chúng ta cử Vô-rô-si-lốp tới chỗ Pê-tơ-rốp. Vô-rô-si-lốp sẽ xem xét và báo cáo nên làm thế nào cho tốt hơn. Stê-men-cô thay mặt Bộ tổng tham mưu sẽ đi cùng với Vô-rô-si-lốp

Xta-lin thường coi trọng việc báo cáo những sự kiện tại chỗ

Trước đây, tôi chưa có dịp được tiếp xúc gần gũi với Vô-rô-si-lốp trừ cuộc đi Tê-hê-ran, mặc dầu cũng như tất cả nhưng quân nhân khác, tôi được nghe nói nhiều về Vô-rô-si-lốp. Vì vậy chuyến đi công tác Crưm lần này đã làm cho tôi có nhiều hứng thú.

Chúng tôi rời Mát-xcơ-va trên toa tàu dành riêng cho C E. Vô-rô-si-lốp. Hai phụ tá đi theo Vô-rô-si-lốp là thiếu tướng L. A. Séc-ba-cốp và đại tá L. M. Ki-ta-ép; tiện thể cũng nói thêm, hai người là bạn cùng học với tôi ở Học viện quân sự. Như thường lệ, một đồng chí mật mã cùng đi với tôi. Một số sĩ quan Bộ tổng tham mưu cũng sẽ sáp nhập với đoàn chúng tôi ở ngoài thực địa.

Ngay trong buổi đầu tiếp xúc với Vô-rô-si-lốp trên đường đi Crưm, tôi đã có thể tin chắc rằng đồng chí là một người ham đọc sách, ưa thích và am hiểu văn học nghệ thuật. Trong toa xe của đồng chí, có một tủ sách chọn lọc khá lớn và thú vị.

Khi chúng tôi vừa giải quyết xong những vấn đề công tác khẩn thiết nhất và ngồi vào ăn tối, Vô-rô-si-lốp liền quan tâm tìm hiểu xem tôi biết và thích những vở nhạc kịch nào. Tôi mới nói tên những vở nhạc kịch: “Các-men”, “Ri-gô-lét-tô), “Ép-ghê-nhi Ô-nê-ghin”, “Con đầm pích”, “Bô-rít Gô-đu-nôp”, “Chi-ô – Chi-ô-xan”, thì Vô-rô-si-lôp đã cười:

- Ồ anh bạn trẻ, thế thì còn ít lắm.

Và đồng chí bắt đầu kể tên những tác phẩm nhạc kịch mà trước đấy tôi thậm chí chưa được nghe nói tới.

- Thế trong số những nhà soạn nhạc, đồng chí yêu thích ai nhất? – Vô-rô-si-lôp tiếp tục tiến công.

Trả lời vấn đề này không phải là dễ. Tôi chưa từng coi mình là người sành sỏi âm nhạc, mặc dầu tôi không hề bàng quan với âm nhạc và thường dự các buổi biểu diễn nhạc kịch và hòa nhạc. Hồi còn là học viện Học viện bộ đội xe tăng ở thiết giáp, tôi cùng với bạn là Gri-gô-ri Ni-cô-lai-ê-vích Ô-ren để dành tiền và mua được chiếc máy hát, rồi trong suốt mùa đông sau đó ra công tìm kiếm đĩa hát. Lúc ấy, đó là một công việc khó. Hầu như chủ nhật nào chúng tôi cũng dậy thật sớm, đi chuyến xe điện đầu tiên vào trung tâm thành phố, để xếp hàng trong một cửa hàng nào đó bán những đĩa hát nhạc kịch có lời ca của Cô-dơ-lốp-xki, Lê-mê-sép, Mi-khai-lốp, Rây-den, hoặc những đĩa hát của những ca sĩ nhạc kịch Ca-tra-lốp, La-da-rê-va, Ghê-dơ-rôi-ét và những nghệ sĩ nổi tiếng khác hồi đó. Chúng tôi rất thích tình ca, dân ca và cả âm nhạc xô-viết.

Dù có lúng túng trước mặt C. E. Vô-rô-si-lôp, tôi cũng kể hết cho đồng chí nghe tất cả những chuyện đó mà không hề giấu giếm chút gì. Đồng chí thông cảm mỉm cười, và chỉ nhận xét rằng âm nhạc bao giờ cũng làm cho cuộc sống thêm đẹp và con người thêm tốt hơn.

Cuộc “sát hạch” về văn chương đã diễn ra có kết quả. Tôi không những đã trả lời được những câu hỏi về văn học cổ điển nước nhà, mà còn tỏ ra có trình độ am hiểu nhất định về những tác phẩm của các nhà văn phương Tây trước đây và hiện nay.

Tối tối, Vô-rô-si-lốp thường đề nghị Ki-ta-ép đọc một chuyện nào đó của Tsê-khốp hoặc Gô-gôn trong khoảng từ nửa tiếng đến một giờ rưỡi. Ki-ta-ép đọc hay, và trên khuôn mặt Vô-rô-si-lôp ánh lên niềm vui sướng lớn.

Mờ sáng, đoàn xe lửa chở chúng tôi đến ga Va-re-nhi-cốp-xcai-a bị phá hoại và đốt cháy trong những trận chiến đấu vừa qua. I. E. Pê-tơ-rôp và ủy viên Hội đồng quân sự V A. Bai-u-cốp ra đón chúng tôi. – Chở thẳng tới căn cứ bàn đạp, – C. E. Vô-rô-si-lốp ra lệnh, và cả nhóm chúng tôi lên xe.

Xe chạy nhanh, chẳng mấy chốc đã đi ngang qua Tem-ri-uc. Ta-man – “thành phố công viên” theo xác định của Léc-mông-tốp – ở một bên. Chúng tôi đến dải đất Tru-sca mà không hề gặp biến cố gì.

Chúng tôi được thông báo:

- Không nên trùng trình ở đây, dải đất này nằm trong tầm súng địch.

Cũng không phải không nguy hiểm khi dùng xuồng bọc sắt vượt qua vịnh sang Crưm. Trước đây, lúc thời bình, tôi đã nhiều lần được ngắm cảnh nông trang viên Cu-ban chở những trái dưa hấu to lạ lùng bằng thuyền qua chính con đường này. Những tay chèo chậm rãi, thậm chí như uể oải đưa đẩy mái chèo. Cọc chèo kẽo kẹt nhịp nhàng. Mặt trời rọi sáng rực rỡ. Vạn vật đều toát lên cảnh thanh bình và phồn vinh hạnh phúc. Tôi như muốn nằm xuống ván thuyền và ngắm nhìn màu xanh trong trẻo, trìu mến của bầu trời, mãi mãi không thôi.

Nhưng bây giờ cảnh vật không phải như vậy nữa rồi. Xuồng chúng tôi rẽ sóng băng lên phía trước, trong cái vịnh lạnh lẽo và lãnh đạm này. Bên phải, bên trái chúng tôi là các loại “phương tiện nổi”, to có, nhỏ có, chở hàng quân sự và thương binh đang tỏa đi các hướng khác nhau. Đó là những con tàu của Chi hạm đội A-dốp bấy giờ đang đảm đương toàn bộ gánh nặng của một công việc quá lớn đối với họ, một công việc thực sự anh hùng, là chở tới bán đảo Kéc-tsơ toàn bộ tập đoàn quân miền Duyên hải rất cần cho hoạt động tác chiến. Quân địch dùng pháo bắn phá vịnh một cách có hệ thống và thường dùng máy bay đánh phá thuyền qua lại vịnh này.

Chúng tôi hoàn toàn coi trọng thái độ thận trọng phòng xa của I. E. Pê-tơ-rốp, khi buộc chúng tôi phải dùng xuồng bọc sắt, và công việc khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ hải quân Chi hạm đội A-dốp làm nhiệm vụ tháo gỡ thủy lôi của địch trên con đường qua vịnh.

Tư lệnh tập đoàn quân không quân 4, K. A. Véc-si-nhin thì bay trên chiếc Po-2 – “ông vua của bầu trời”. Đồng chí cho rằng dùng cách này để vượt vịnh tới bán đảo thì chắc chắn hơn, mặc dầu trên không lúc nào cũng có máy bay tiêm kích Đức bay lượn.

Sau này, chính bản thân tôi cũng thấy rõ những ưu thế của cách vượt vịnh ấy. Đã mấy lần tôi vượt vịnh bằng máy bay Po-2. Mảy bay thường bay thấp cách mặt nước độ 5 mét, và máy bay tiêm kích địch đành chịu không làm gì nổi. Rõ ràng, bọn chúng thậm chí cũng không phát hiện thấy chúng tôi nữa.

Đã đến lúc ngồi trên xuồng cũng thấy được hình dáng ở mờ mờ của ngọn núi Mi-tơ-ri-đát, nơi có các đài quan sát của địch khống chế vịnh Kéc-lsơ. Đồng chí cầm lái vững tay điều khiển con tàu cập bến, và chúng tôi lên bờ.

Đất đai Crưm!.. Trước đây nó là nguồn sức khỏe và lạc thú, là xứ sở của những vườn cây tỏa hương thơm và những bãi biển óng vàng, là kho bảo tàng nhiều kỷ vật văn hóa có một không hai của nhiều thời đại và nhiều dân tộc. Thực ra tôi hiểu Crưm chủ yếu từ khía cạnh khác.

Trong bản thân tôi, những ký ức tươi sáng gắn chặt với Crưm. Từ Trường pháo binh Mát-xcơ-va mang tên L. B. Cra-xin, tôi được điều về đây. Ở Mát-xcơ-va, việc học tập cũng rất thú vị, một năm vụt trôi qua lúc nào không biết. Tôi học hành tấn tới, thu được nhiều kết quả trong môn cưỡi ngựa. Song một hôm vào đầu tháng Chín 1927, khi điểm danh buổi sáng, đồng chí khẩu đội trưởng nói rằng ở Xê-va-xtô-pôn đang thành lập một trường pháo binh mới: người ta đang chiêu sinh năm thứ nhất, tuyển học viên của tất cả các trường pháo binh trong nước cho ba lớp trên cùng. Khẩu đội của chúng ta mỗi khóa phải cử cho Xê-va-xtô-pôn hai người.

- Nếu đồng chí nào có nguyện vọng thì bước lên hai bước. Nếu không có ai thì tôi sẽ chí định, -đồng chí khẩu đội trưởng kết thúc.

Chẳng phải suy nghĩ lâu, tôi huých anh bạn đồng hương Pi-ốt Va-xi-li-ép và thế là hai chúng tôi cùng bước lên phía trước. Các khóa khác mỗi khóa cũng có một người, còn số thiếu thì được chỉ định ngay tức khắc. Mọi thể thức cử người chỉ có vậy. Chiều tối ngày hôm sau chúng tôi đã có mặt ở sân ga Cuốc-xcơ với chiếc hòm gỗ trong tay.

Chúng tôi đến Xê-va-xtô-pôn. Lúc này mới biết rõ rằng đây là trường pháo cao xạ đầu tiên ở Liên Xô. Chừng một tháng, chúng tôi chưa phải lên lớp, chỉ có việc trông nom ngựa mà thôi: ngày hai lần lắm rửa kỳ cọ, cho ngựa ăn uống và dựng chuồng ngựa nữa. Lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy biển, được tắm biển và nằm dài trên bờ. Chúng tôi hài lòng khôn tả vì đã “bước lên hai bước”.

Ngoài chúng tôi là những người từ Mát-xcơ-va về đây ra, còn có các học viên từ Ki-ép, Xu-mư, Lê-nin-grát. Mọi việc đều được thu xếp ổn thỏa và việc học bắt đầu. Xê-va-xtô-pôn là xứ sở của lính hải quân. Đối diện trường chúng tôi là một đơn vị huấn luyện của Hạm đội Biển Đen. Chẳng bao lâu chúng tôi đã làm quen được với rất nhiều “người anh em” mới và nói chung chúng tôi sống hòa thuận.

Cũng như ở Mát-xcơ-va, nhà trường cũng cho phép nghỉ trong thành phố. Thứ bảy thì được nghỉ từ sau giờ học cho đến 24 h 00; chủ nhật thì một bộ phận học viên nghỉ cho đến bữa trưa, một bộ phận thì từ sau bữa ăn trưa trở đi. Nhưng dù nghỉ ở đâu đi nữa thì cũng vẫn phải về để tắm rửa và cho ngựa uống nếu như không nhờ ai làm mọi phần việc thay cho mình hoặc không báo cáo với đồng chí chuẩn úy. Ở Mát-xcơ-va, chủ nhật nào tôi cũng phải tắm cho 3-4 con ngựa.

Ở thủ đô cũng như ở Xê-va-xtô-pôn, các quy tắc đều như nhau, nhưng ở đây có nhiều người là dân Mát-xcơ-va, họ có việc phải đi đâu đó, còn chúng tôi là “dân thành phố khác” thì thay họ tắm cho ngựa. Song ở đây thì hầu như không có học viên là người Xê-va-xtô-pôn cả, vì vậy mọi người đều tự làm lấy cho mình.

Tiện thể nói thêm, lòng yêu thích ngựa và khả năng biết cưỡi ngựa đã giúp ích cho tôi hoặc đặt tôi vào những tình huống bất ngờ. Chẳng hạn, sau đây là một sự việc làm tôi ghi nhớ mãi.

Có lần, vào một ngày mùa xuân 1950, I. V. Xta-lin hỏi bộ trưởng Quốc phòng, nguyên soái Liên Xô A. M. Va-xi-lép-xki, bây giờ đang báo cáo chỗ đồng chí, rằng ai sẽ đi duyệt các đơn vị tại lễ duyệt binh Ngày 1 tháng Năm. Thường thì các nguyên soái Liên Xô lần lượt được cử làm việc đó.

A-lếch-xan-đrơ Mi-khai-lô-vích không trả lời thẳng vào câu hỏi:

- Thưa đồng chí Xta-lin, đồng chí định cử ai?

- Đồng chí hoặc Bun-ga-nin sẽ làm việc đó. Bu-đi-on-nưi thì vừa mới làm rồi, – I. V. Xta-lin trả lời và tiếp tục: – Tôi cho rằng cần phải để bộ trưởng Quốc phòng làm việc đó. Đồng chí có biết cưỡi ngựa không?

A. M. Va-xi-lép-xki hơi lúng túng.

- Tôi hoạt động ở bộ binh, – Va-xi-lép-xki trả lời, dĩ nhiên cũng đã từng cưỡi ngựa, nhưng từ lâu lắm rồi.

Một người nào đấy có mặt lúc đó đề nghị: liệu đi ô-tô duyệt các đơn vị có được không?

I. V. Xta-lin quay về phía người vừa nói và trả lời dứt khoát: không, không được, ta không nên phá vỡ những truyền thống của ta.

- Chắc đồng chí cũng chẳng hề biết cưỡi ngựa phải không? -Xta-lin quay sang hỏi N. A. Bun-ga-nin.

- Chưa từng bao giờ cả, đồng chí Xta-lin ạ, – Bun-ga-nin trả lời.

- Nếu vậy thì ai sẽ đi duyệt các đơn vị? Chẳng lẽ lại triệu các nguyên soái ở các quân khu lên, mà như thế cũng sẽ bất tiện, – I. V. Xta-lin nói tiếp. Rồi đột nhiên đồng chí hỏi tôi: – Thế Tổng tham mưu trưởng đã bao giờ cưỡi ngựa chưa?

- Thưa đồng chí Xta-lin, cả bây giờ hầu như ngày nào tôi cũng vẫn cưỡi ngựa, – tôi trả lời.

Thực vậy, hầu như sáng nào tôi cũng cưỡi ngựa từ 7-8 giờ sáng, còn chủ nhật thì cưỡi ngựa trong rừng vài giờ đồng hồ.

- Vậy thi đồng chí sẽ đi duyệt các đơn vị, đồng chí chuẩn bị đi và chớ có ngại.

Có lẽ đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử các Lực lượng vũ trang Liên Xô: Tổng tham mưu trưởng đi duyệt các đơn vị trong lễ duyệt binh.

Mặc dù biết cưỡi ngựa, nhưng tôi hiểu rằng cưỡi trên bãi quần ngựa hoặc trong rừng là một việc, còn cưỡi trên quảng trường chính của đất nước trước mặt mọi người lại là một việc hoàn toàn khác.

Còn 1 tháng nữa là đến ngày 1 tháng Năm. Sau khi được X. M. Bu-đi-on-nưi chọn cho một con ngựa hợp với tạng người, hàng ngày tôi bắt đầu tập cho nó và mình chuẩn bị cho giờ phút trọng đại của lễ duyệt binh. Hầu như ngày nào Bu-đi-on-nưi cũng ra bãi tập ngựa, và sau đó là Sân bay trung tâm, để tập dượt cùng tôi và đồng chí chỉ huy cuộc diễu binh là P. A. Ác-tê-mi-ép, tư lệnh bộ đội Mát-xcơ-va. Bu-đi-ơn-nưi cùng phi ngựa với chúng tôi trong điệu kèn của đội quân nhạc và không hề bỏ qua một sơ suất nhỏ nhất nào của chúng tôi.

Cuộc duyệt binh diễn ra tốt đẹp và thậm chí tôi còn được khen là có tư thế cưỡi ngựa đẹp.

Ở Xê va-xtô-pôn hồi ấy, khi bắt đầu năm học mới 1929-30, có 6 người thuộc khóa ra trường – mỗi khẩu đội 2 người được gọi lên gặp hiệu trưởng Vu-cô-tích vả chính ủy nhà trường Hai-phét-xơ. Tại đó cũng có mặt tiểu đoàn trưởng Cri-u-cốp và cả ba đồng chí khẩu đội trưởng.

- Chắc các đồng chí đều biết có những người trong sản xuất nhận giao ước sẽ làm việc tốt hơn và hoàn thành vượt mức các kế hoạch. Người ta gọi họ là những người tiên tiến, – đồng chí chính ủy bắt đầu.

Tiếp đó là những lời thuyết trình thực sự về đề tài: những người tiên tiến đó là thế nào, họ làm việc ra sao và đem lại lợi ích gì cho đất nước.

Chúng tôi không hiểu đang nói về việc gì và chỉ im lặng nhìn nhau.

- Nhà trường quyết định ủng hộ phong trào mới đó, tiến kịp những người lao động và cũng sẽ có những người tiên tiến của mình, – Vu-cô-tích nói tiếp. – Chính vì vậy mà chúng tôi đã chọn ra những học viên hiện có mặt ở đây. Chúng tôi cho rằng các đồng chí sẽ xứng đáng với danh hiệu cao quý đó. Các đồng chí phải đảm nhận trách nhiệm học xong chương trình cả năm trong thời hạn nửa năm để đến tháng Năm sẽ thi được tất cả các môn đã quy định. Bằng cách đó, chúng ta sẽ cho ra trường khóa đầu gồm những người tiên tiến.

- Tất cả các đồng chí đều là những người bôn-sê-vích, đồng chí chính ủy bổ sung, – như vậy có nghĩa là các đồng chí sẽ không phụ lòng tin của nhà trường. Các đồng chí sẽ học thành một lớp, chúng tôi sẽ giảm nhẹ các công việc quân ngũ khác cho các đồng chí. Dĩ nhiên là cần phải tăng thêm thời gian học, hy sinh những ngày nghỉ và kỳ nghỉ đông. Tôi nói đến đây là hết. Có đồng chí nào hỏi gì không?

Chúng tôi im lặng.

- Đồng chí chuẩn úy có ý kiến gì không? – Vu-cô-tích đột ngột hỏi tôi.

Tôi nhổm phắt dậy và không hề do dự, báo cáo luôn:

- Chuẩn úy xin cảm ơn sự tín nhiệm của cấp trên và sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Rất tốt. Bắt đầu từ ngày mai các đống chí sẽ được lệnh chính thức và bắt đầu học tập như những người tiên tiến. Bây giờ, mời các đồng chí nghỉ, – Vu-cô-tích kết thúc.

Thế là bắt đấu cuộc sống “tiên tiến”. Chúng tôi rất vất vả không được đặc biệt giảm nhẹ một công việc nào. Sáu người chúng tôi học theo một chương trình riêng, mỗi ngày 10 tiếng và còn phải làm các công việc quân vụ khác vì tất cả đều là trung đội phó, tiểu đội trưởng, còn tôi là chuẩn úy không ai trút bỏ được trách nhiệm đó cho chúng tôi.

Đến ngày 1 tháng Năm thì kết thúc chương trình, thi xong các môn và có lệnh của bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng chứng nhận tốt nghiệp và bổ nhiệm, một lệnh mà chúng tôi mong đợi từ lâu. Tạm biệt nhà trường, thế là chúng tôi bước vào cuộc sông tự lập!

Theo tôi nhớ thì khóa những người tiên tiến đó là khóa đầu tiên và cũng là khóa cuối cùng. Lúc ấy chúng ta thử nghiệm và tìm kiếm những hình thức thi đua xã hội chủ nghĩa mới, song không phải tất cả đều có thể chấp nhận được đối với các trường quân sự, và cuộc sống đã gạt bỏ những gì sai lầm.

Trong hoàn cảnh thời bấy giờ, những người tốt nghiệp loại ưu có quyền được chọn nơi công tác và chúng tôi đã có lần bàn với nhau xem ai nên đi đâu. Tôi muốn về gần những nơi thân thuộc và đã chọn Rô-xtôp hoặc Xta-lin-grát. Nhung cả lúc này mọi việc cũng đều không diễn ra như đã định.

Ít lâu trước khi ra trường, tôi và hai học viên nữa cùng lớp (Ê-go Men-nhi-cốp và Đmi-tơ-ri I-lích-cô-vích) lại được mời lên gặp chính ủy. Cả bí thư chi ủy Ma-dê-pốp cũng có mặt ở đó. Thực chất của vấn đề là: trung đoàn pháo cao xạ 121 đóng ở Xê-va-xtô-pôn, nơi tất cả mọi học viên chúng tôi đã từng đi thực tập ở đó, cần 3 trung đội trưởng. Các đồng chí giải thích cho chúng tôi rằng trung đoàn này dường như là đơn vị được nhà trường chúng tôi đỡ đầu và cần phải đưa các học viên ưu tú nhất của nhà trường tới đó làm trung đội trưởng. Nói tóm lại, các đồng chí đề nghị chúng tôi về trung đoàn đó. Còn 3 học viên tiên tiến kia thì về những nơi mà họ có nguyện vọng.

Sự phục vụ trong trung đoàn bắt đầu từ chỗ đồng chí P. Ph. Tre-xnức, chỉ huy khẩu đội huấn luyện, nơi tôi được phân bổ về đó, dẫn tôi tới chuồng ngựa, giao cho tôi một con ngựa và lập tức cùng với tôi ra bãi tập ngựa để kiểm tra khả năng cưỡi ngựa, vượt chướng ngại, sử dụng kiếm v. v.. Bản thân đồng chí là một người Cô-dắc, một lính kỵ binh thực sự, một nhà thế thao, có lối sống khắc khổ và đòi hỏi những người dưới quyền mình cũng phải theo như vậy.

Sau bãi tập ngựa là khu thể thao, đồng chí khấu đội trưởng xem khả năng chơi thể dục dụng cụ của chúng tôi tới mức nào. Đồng chí hài lòng tất cả, chỉ trừ một điều: tôi không biết đi bằng hai tay. Thế là trước mặt tôi, đồng chí bỏ kiếm ra, đi bằng hai tay dọc theo doanh trại của khẩu đội và nói rằng sau hai tháng nữa chúng tôi sẽ cùng nhau vượt một khoảng cách xa như thế.

Tôi đảm nhận một trung đội trinh sát gồm 25 người. Tất cả họ đều là những con người tốt bụng. thật vậy, tám người trong số họ mới có trình độ hết lớp ba. Đấy là ở khẩu đội huấn luyện, nơi đào tạo các cán bộ chỉ huy cấp dưới. Còn ở các khẩu đội chính quy hồi đó thì có nhiều người không biết chữ.

Vào mùa hè, trung đoàn nhận thêm biên chế; số này hợp thành một tiểu đoàn riêng, lấy cán bộ chỉ huy các cáp từ tất cả các khẩu đội. Tôi cũng rơi vào trong số đó. Sở dĩ tôi hồi tưởng lại việc này là vì số phận đã gắn tôi với một con người tuyệt diệu.

Chỉ huy tiểu đoàn này là Xê-mi-ôn I-lích Ma-kê-ép. Điểm nổi bật ở đồng chí là trình độ hiểu biết chung rất cao và hết sức nhã nhặn, thích sách hơn là chuồng ngựa. Đồng chí có vóc người cao lớn, ăn mặc bao giờ cũng chỉnh tề, đường hoàng, có lẽ đồng chí là một cán bộ chỉ huy uyên bác và thông minh nhất trong trung đoàn chúng tôi.

Điểm giống nhau giữa Ma-kê-ép và P. Ph. Tre-xnức là có tính đòi hỏi cao, sốt sắng với công việc, chăm lo đến mọi người, chân thật và dễ gần. Các đồng chí ấy đã truyền sang chúng tôi tất cả những phẩm chất ưu tú đó, truyền thụ cho chúng tôi nhiều hiểu biết và kinh nghiệm. Từ bấy đến nay đã gần 45 năm, và hàng năm, chúng tôi, những bạn đồng sự cũ thuộc trung đoàn pháo cao xạ 121 hiện còn sông, họp mặt nhau lại và hồi tưởng về những ngày đã qua.

Trung tướng P. Ph. Trê-xnức và trung tướng X. I. Ma-kê-ép đã về nghỉ theo chế độ công huân, các cán bộ chỉ huy trung đội trước đây lúc này cũng đã là những vị tướng: V. M. Cru-tri-nhin, I-a. M. Ta-bun-tren-cô. Thượng tướng G. N. Ô-ren không còn có mặt với chúng tôi nữa. Bước đường phục vụ của chúng tôi tỏa đi mọi hướng nhưng không bao giờ chúng tôi để mất mối liên hệ và luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau.

Một năm phục vụ ở trung đoàn đã trôi qua. Một sự kiện quan trọng đã xảy ra: rốt cuộc, tôi được một căn phòng và chấm dứt cảnh lang bạt ở góc buồng nhà người khác. Trước đó khoảng nửa năm, hai chúng tôi cùng ở trong phòng chơi bi-a của câu lạc bộ trung đoàn và chỉ được nằm ngủ trên các bàn bi-a bỏ trống sau khi câu lạc bộ đã đóng cửa. Tất cả các bạn tôi đều đã lập gia đình và bây giờ là đến lượt tôi.

Ở làng, tôi đã có người vợ chưa cưới là Tai-xi-a Đmi-tơ-ri-ép-na An-đrô-xô-va, cô ấy đợi tôi đã hơn 5 năm rồi. Chúng tôi trao đổi thư từ với nhau, mỗi năm gặp nhau một lần song từ lâu chúng tôi đã ước hẹn sẽ cùng chung sống với nhau ngay sau khi tôi có thể đưa cô ấy về chỗ tôi. Bản thân tôi rất muốn về đón cô ấy, nhưng theo kế hoạch thì sau khi xuống các binh trại về tôi mới được đi phép. Thế là đành phải bảo cô ấy tự lên vậy. Chừng 10 ngày sau, tôi nhận được một bức điện: đã lên đường. Cô ấy lên cùng với mẹ tôi. Ngày hôm sau, vào tháng Bảy 1931, chúng tôi đi đăng ký kết hôn và kể từ đó, chúng tôi cùng nhau chia xẻ mọi niềm vui và nỗi đau buồn.

Công tác ở trung đoàn, như người ta thường nói, chẳng phải là dễ dàng. Trong các cuộc hành quân, chúng tôi phải lên tới tận các điểm cao Ác – Mô-nai. Trinh sát thường được quy định là bao giờ cũng phải đi cùng với bộ binh và chúng tôi đã từng phải trải qua rất nhiều thử thách. Từ các điểm cao, chúng tôi triển khai cuộc tấn công huấn luyện tới tận Kéc-tsơ.

Gần 5 năm phục vụ trong quân ngũ ở Xê-va-xtô-pôn đã để lại trong ký ức tôi không hẳn chỉ là mặt biển xanh và những bãi biển vàng óng, mà chủ yếu là cái nóng gắt của miền thảo nguyên và tình trạng không có chỗ trú chân ở vùng đồi núi, nơi chúng tôi đã từng bị thấm ướt không phải chỉ một chiếc áo va-rơi.

Còn giờ đây, cuối năm 1943, tôi lại có mặt tại Crưm. Trước mắt chúng tôi là bờ đá tối tăm, ảm đạm và dốc đứng. Xung quanh không một bóng cây, không một lùm cỏ. Chỉ có vết tích những trận chiến đấu mới đây: những hố bom hốc đạn. Thật không muốn tin rằng ở đây lúc này chỉ có những thứ đó là thuộc về chúng ta, còn toàn bộ Crưm thì vẫn đang nằm trong tay giặc, và để giải phóng Crưm, ta còn phải chịu tốn không ít sinh mệnh nữa.

Căn cứ bàn đạp của tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải không rộng quá 10-12 ki-lô-mét. Sườn phải của mặt trận dựa vào biển A-dốp, sườn trái chạy dài lên phía Đông – Bắc Kéc-tsơ. Địa hình rất lồi lõm, mấp mô. Vách núi dốc đứng ăn ra tận biển. Những điểm cao khống chế nằm trong tay giặc. Từ đó, chúng có thể quan sát rõ tiền duyên phòng ngự của ta, riêng có một vách núi không lớn lắm là có thể che khuất được bờ ăn sâu ra biển của vịnh Kéc-tsơ.

Căn cứ bàn đạp dọc ngang đầy những chiến hào, nhà hầm, hào giao thông, hầm trú ẩn chồng chéo với nhau thành một mạng lưới kỳ khôi. Lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải đóng tại đây, gồm hai quân đoàn (11 và 16) và đội dự bị, tổng cộng là 9 sư đoàn và 2 lữ đoàn bộ binh. Một số đơn vị xe tăng, pháo binh và thậm chí không quân đã được điều đến căn cứ này: sân bay đầu tiên của ta thiết bị ngay sát biển trong khu Ô-pa-xnai-a.

Các đồng chí đã dành cho C. E. Vô-rô-si-lốp, tôi và những người cùng đi với chúng tôi ba căn nhà hầm cấu trúc trên sườn một cao điểm hướng ra ngoài vịnh. Cách chỗ chúng tôi chừng 600 mét là túp nhà gỗ ghép của tư lệnh tập đoàn quân I-van E-phi-mô-vích Pê-tơ-rốp. Dưới nền nhà có một hầm trú ẩn không lớn và không chắc chắn lắm. Cơ quan tham mưu tập đoàn quân miền Duyên hải bố trí trong các hầm trú ẩn bao quanh.

Chúng tôi bắt tay làm việc ngay. C. E. Vô-rô-si-lốp nghe báo cáo của I. E. Pê-tơ-rốp và của tư lệnh Hạm đội Biển Đen L. A. Vla-đi-mi-rơ-xki. Ngày hôm sau, chúng tôi đến hai quân đoàn bộ binh: quân đoàn 11 của thiếu tướng B. N. Ác-sin-xép và quân đoàn 16 của thiếu tướng K. I. Prô-va-lốp.

Vô-rô-si-lốp không chịu ngồi yên lúc nào. Đồng chí không những chỉ nghe báo cáo của các tư lệnh quân đoàn và đích thân tới các đài quan sát của họ, mà còn xuống các chiến hào ngoài tiền duyên, mặc dầu thật ra đồng chí không có gì cần làm ở đó. Nhưng không ai can ngăn được đồng chí cả.

- Xá gì bom đạn, tôi không sợ địch, – đồng chí bác bỏ mọi lý lẽ của chúng tôi. – Còn như ai cho rằng ở đấy không cần đến chúng ta thì có thể không cùng đi với tôi.

Như vậy thì còn ai dám ở lại đài quan sát hoặc cơ quan tham mưu nữa. Đương nhiên, tất cả chúng tôi đã xuống các sư đoàn và trung đoàn thuộc thê đội một.

Năm ấy, trên bán đảo Kéc-tsơ, mùa đông rét dữ. Trời lạnh giá, xuống tới dưới 10 độ. Gió hoành hành dữ dội, lúc thì từ phía Bắc xuống, lúc thì từ phía Đông lại. Gió thổi xám mặt, làm chảy nước mắt và đuổi từng người xuống hầm. Những vạt mây mù từ ngoài biển lừ lừ kéo vào, trút xuống mặt đất lạnh giá một lớp mưa mau nhỏ hạt, làm buốt đến tận xương thịt. Còn đêm đêm, ở ngoài vịnh lúc nào cũng lơ lửng một bức tường mù âm u, cho mãi đến sáng mới chịu rút ra xa.

Có một lần chúng tôi ghé vào một căn hầm chiến sĩ. Mới đến ngưỡng cửa, ai nấy đã cảm thấy ấm áp gần như ở trong một phòng tắm tốt. Giữa căn hầm đặt chiếc lò sắt nung đến đỏ rực, ngọn lửa bập bùng cháy reo xèo xèo. Một trung sĩ đã đứng tuổi, có vẻ đảm đang, chào mừng rành rọt và ân cần mời chúng tôi “ngồi sát gần ngọn lửa”.

- Các đồng chí kiếm đâu ra củi vậy, – chúng tôi hỏi. Trên căn cứ bàn đạp này, chất đốt rất thiếu: củi chuyển qua vịnh chỉ dùng để nấu ăn.

- Báo cáo: củi ở chỗ kia, gần ngay đây thôi, – đồng chí trung sĩ trỏ ngón tay phải xám đen muội than qua vai, có ngôi nhà gạch… Chúng tôi đốt nóng căn nhà ấy.

Chúng lôi phá lên cười, cho rằng chủ nhân căn hầm định “bịa” ra một giai thoại của binh lính thời xưa, nhằm góp vui chung. Chúng ta ai mà chẳng có lần được nghe chuyện anh lính nấu xúp bằng cái rìu? Nhưng câu chuyện đem ngôi nhà gạch bỏ lò thì thật tình chúng tôi còn chưa được biết. Chúng tôi chăm chú quay sang nghe người kể chuyện. Nhưng đồng chí trung sĩ bỗng lặng im. Cậu ta kể cũng biết cách làm ăn, cứ lặng thinh “chằm chằm nhìn các thủ trưởng”, sau đó mới khoan thai hé mở cửa lò. Chúng tôi nhận thấy quả là có gạch đang cháy thực ở trong lò. Những viên gạch tự nhiên nhất!

Có người ngạc nhiên kêu “ồ” lên. Những câu chất vấn “thế nào và tại sao” được nêu ra.

Đồng chí trung sĩ chỉ vào chiếc “xô” đặt ở góc hầm. Trong đó có nhiều viên gạch tắm dầu. Sau vài giờ được tắm dầu như vậy, gạch sẽ trở thành chất đốt sẵn sàng sử dụng.

- Nhưng cố nhiên không bằng củi thật đâu, – đồng chí trung sĩ nói rõ thêm, – cũng có nhiều cái bất tiện, chẳng hạn như hơi khó châm thuốc hút. Anh mà châm bằng thanh củi thì điếu thuốc chẳng sao cả. Còn bằng viên gạch, thì nó liền cháy sạch điếu thuốc ngay. Nhưng không sao, chúng tôi điều khiển được. Chỉ khổ một nỗi là nếu lấy phải viên gạch mộc thì nó sẽ cháy hết ra tro. Còn gạch thật thì vẫn dùng được mãi: khi cháy hết chỉ việc tắm dầu là lại dùng được. Và, cứ như thế mà tuần hoàn dùng mãi…

Trong căn hầm bên, lại có cách sưởi khác. ở đây có công binh, những người có trình độ văn hóa kỹ thuật cao. Họ dùng mìn chống tăng chiến lợi phẩm: lấy thuốc mìn và cho vào lò đốt. Thuốc cháy đều lửa, không khói. Các hầm bên đến điều tra xem công binh sưởi bằng cách nào, nhưng công binh không hề tiết lộ bí mật của mình. Chỉ riêng có trung đội trưởng là phàn nàn rằng chiến lợi phẩm sắp chóng hết, và lại phải tổ chức đi lấy mìn ở hàng rào chướng ngại của địch. Người đi làm công việc này lúc nào cũng có sẵn.

Chúng tôi xuống các trung đoàn nhiều lần, và bao giờ ra về cũng thấy lạc quan sảng khoái.

Trong những tuần đầu ở đơn vị I. E. Pê-tơ-rốp, chúng tôi chủ yếu quan tâm xây dựng kế hoạch giải phóng Crưm, tổ chức chiến dịch phối hợp của các đơn vị thuộc tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải, Hạm đội Biển Đen và Chi hạm đội A-dôp. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí về nhiệm vụ và phương pháp tiến hành chiến dịch này. Lục quân, hải quân và không quân đều đi đến kết luận chung là: sau khi chọc thủng tuyên phòng ngự của địch tại căn cứ Kéc-tsơ, cho chủ lực phát triển thắng lợi vào bên trong Crưm tới Vla-đi-xla-vôp-ca. Ca-ra-xu-ba-da-rơ và như thế là góp phần cho bộ đội của phương diện quân Nam giành thắng lợi trên hướng chủ yếu từ Pê-rê-cốp, nhưng đồng thời dùng một phần lực lượng tiến công dọc miền ven biển phía Nam. Chúng tôi đã báo cáo các kế hoạch này lên Đại bản doanh.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tình huống, chúng tôi hội ý với ý kiến của tư lệnh tập đoàn quân miền Duyên hải về nhu cầu tổ chức một chiến dịch trù bị. Nhưng có vấn đề phần lớn tiền duyên của chúng ta tại căn cứ bàn đạp lại rất không thuận tiện cả cho việc chuyển sang tiến công việc giữ những trận địa đang chiếm lĩnh. Như đã nói ở trên, địch đã bố trí trên các điểm cao khống chế, quan sát rất dễ, có thể dùng hỏa lực uy hiếp gần như toàn bộ chiều sâu tuyến phòng ngự của ta.

Chúng tôi tiến hành trinh sát thực địa tỉ mỉ, tính toán lực lượng và phương tiện cần dùng, xác định thời gian chuẩn bị. Ngày 22 tháng Chạp, C. E. Vô-rô-si-lốp đã xem xét kế hoạch hành động, có I. E. Pê-tơ-rốp và L. A. Vla-đi-mi-rơ-xki tham gia. Kế hoạch quy định đột phá tuyến phòng ngự của Đức bên sườn phải căn cứ này. Để bảo đảm đột phá thắng lợi và chiếm được những điểm cao khống chế mà ta khó tiến công từ chính diện cũng như để thu hút sự chú ý, lực lượng và phương tiện của địch ra khỏi hướng đột kích chủ yếu của ta, kế hoạch quy định cho đội đổ bộ đường biển chiến thuật từ biển A-dốp đổ bộ vào phía sau lưng gần nhất của quân Đức, cách tiền duyên chúng ta chừng 4-5 ki-lô-mét.

Lúc đầu mọi người đều đồng ý với kế hoạch này. Song, khi giải quyết những vấn đề về hiệp đồng và cùng nhau bảo đảm cho chiến dịch thì lại thấy có nhiều khó khăn. Trong khi I. E. Pê-tơ-rốp dành cho hạm đội vai trò hàng đầu trong việc bảo đảm mọi thứ cần thiết để tiến công thì L. A. Vla-đi-mi-rơ-xki cho rằng, dùng hạm đội làm nhiệm vụ vận chuyển qua biển và tiến hành đổ bộ chiến thuật đường biển là nhiệm vụ thứ yếu đối với hạm đội. Đồng chí không dành đủ lực lượng để làm nhiệm vụ trên. Bộ tư lệnh Hạm đội Biển Đen có ý định giao việc chở quân đội và vật tư của tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải cho riêng một căn cứ hải quân Kéc-tsơ đảm nhiệm, nhưng căn cứ hải quân này không sao có thể làm trọn nhiệm vụ ấy.

I. E. Pê-tơ-rôp gay gắt tỏ ý không đồng tình trong chuyện này và tuyên bố với C. E. Vô-rô-si-lốp rằng, phải giải quyết những vấn đề hiệp đồng với hạm đội một cách cơ bản và phù hợp với quy tắc đã định trong các Lực lượng vũ trang của chúng ta. Vô-rô-si-lốp ra lệnh triệu tập hội nghị để giải quyết cho xong mọi ý kiến tranh chấp và thông nhất nhận thức về nhiệm vụ cũng như phương pháp giải quyết các vấn đề trên.

Hội nghị họp ngày 25 tháng Chạp trong cơ quan tham mưu hạm đội A-dôp ở Tem-ri-úc. Đại biểu của tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải dự hội nghị là I. E. Pê-tơ-rốp, phó tư lệnh là trung tướng K. X. Men-ních, các ủy viên Hội đồng quân sự là thiếu tướng V. A. Bai-u-côp và thiếu tướng P. M. Xô-lôm-cô. Đại biểu cho Hạm đội Biển Đen là trung tướng hải quân L. A. Vla-đi-mi-rơ-xki và ủy viên Hội đồng quân sự là thiếu tướng hải quân N. M. Cu-la-côp. Trong hội nghị còn có mặt cả đồng chí thứ trưởng Bộ dân ủy hải quân, trung tướng I. V. Rô-gôp, các đại biểu của Chi hạm đội A-dốp và của tập đoàn quân không quân 4. C. E. Vô-rô-si-lốp chủ tọa hội nghị.

Tại đây, 1. E. Pê-tơ-rôp và L. A. Vla-đi-mi-rơ-xki đã tranh luận với nhau còn kịch liệt hơn trước. Thêm nữa, tư lệnh tập đoàn quân miền Duyên hải đã tỏ ra hoàn toàn am hiểu những lực lượng và phương tiện của hạm đội trong khu vực bố trí quân của mình, và giải thích rõ ràng nhiệm vụ và trách nhiệm của hạm đội về mặt vận chuyển. Đồng thời, trong hội nghị cũng đã xác định rõ nhiệm vụ của tập đoàn quân, thống nhất thời hạn và trật tự tiến hành các biện pháp cùng nhau hiệp đồng bảo đảm chiến dịch.

Lúc kết thúc hội nghị, tôi đọc bản dự thảo báo cáo hàng ngày gửi về Đại bản doanh, trình bày cuộc thảo luận ở đây như là một biện pháp chuẩn bị thông thường trước chiến dịch sắp đến. Song C. E. Vô-rô-si-lốp lại có quyết định khác: đồng chí đề nghị lập một biên bản đặc biệt về hiệp đồng tác chiến giữa tập đoàn quân và hạm đội, trong đó có ghi mọi nhiệm vụ và trách nhiệm của hạm đội và tập đoàn quân, sau đó tất cả những đại biểu có trách nhiệm của mỗi bên hữu quan đều ký vào đây. Theo Vô-rô-si-lốp, phải có tất cả mười chữ ký, kể cá chữ ký của chính Vô-rô-si-lốp và tôi

Cho đến thời gian này, tôi đã hiểu rõ lề lối làm việc của Đại bản doanh và thái độ của các ủy viên trong Đại bản doanh, nhất là của I. V. Xta-lin, đối với trật tự giải quyết những vấn đề quan trọng. Tôi còn nhớ các trường hợp có những văn kiện mang nhiều chữ ký gửi về Đại bản doanh. Tổng tư lệnh tối cao kịch liệt phê bình những văn kiện này, vì cho rằng hành động như vậy tức là người chỉ huy trưởng hoặc Hội đồng quân sự không muốn nhận trách nhiệm về cách giải quyết đã định hoặc hơn nữa là không tin vào sự đúng đắn của những đề nghị do chính mình nêu ra.

- Xem đấy, người ta lấy nhiều chữ ký, – Xta-lin nói, – để làm cho chính họ và cả chúng ta nữa tin tưởng.

Tổng tư lệnh tối cao đòi hỏi rằng, mọi văn kiện gửi về Đại bản doanh phải do tư lệnh và tham mưu trưởng ký, còn những văn kiện thật quan trọng (ví dụ như: những báo cáo tổng kết hàng ngày và những kế hoạch chiến dịch) thì phải có 3 chữ ký: ngoài hai chữ ký của tư lệnh và tham mưu trưởng ra còn có thêm chữ ký của ủy viên Hội đồng quân sự.

Tôi thành thật trình bày với C. E. Vô-rô-si-lốp mối lo ngại của mình về cái biên bản này và đề nghị cùng lắm thì chỉ ba người ký vào đó là đủ. Nhưng, đồng chí cho rằng làm như vậy là thiếu tôn trọng những người có mặt, là mưu toan giành lấy về mình cách giải quyết của cả tập thể. Đồng chí giữ vững lập trường của mình.

Và văn kiện này, được mười người cùng ký, gọi là “Biên bản hội nghị liên tịch của các hội đồng quân sự tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải (thượng tướng Pê-tơ-rôp, thiếu tướng Bai-u-cốp, thiếu tướng Xô-lôm-cô, trung tướng Men-ních) và Hạm đội Biển Đen (trung tướng hải quân Vla-đi-mi-rơ-xki và thiếu tướng hải quân Cu-la-côp), có sự tham gia của đồng chí C. E. Vô-rô-si-lôp-nguyên soái Liên Xô, thượng tướng Stê-men-cô – cục thương Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu, trung tướng Rô-gop – thứ trưởng Bộ dân ủy hải quân, và đại tá kỹ sư Ê-ray-de-rơ – tổng thanh tra hải quân của Bộ dân ủy thanh tra nhà nước, phụ trách về vấn đề chuyển vận bộ đội và vật tư qua vịnh Kéc-tsơ”.

Khi mọi người đã lần lượt ký xong rồi, tôi lại tuyên bố rằng làm như thế này là không đúng, còn riêng tôi thì phải chịu trách nhiệm về việc làm sai trái này đối với quy định lập các văn kiện tác chiến quan trọng. C. E. Vô-rô-si-lốp chỉ cười. Biên bản được gửi đi. Nhân buổi trao đổi thường lệ bằng điện thoại với An-tô-nôp, tôi được biết rằng đúng là Xta-lin có phê bình chúng tôi về bản văn kiện này.

Cũng trong ngày hôm ấy, chúng tôi nhận được thông báo từ Mát-xcơ-va gửi về phê chuẩn kế hoạch chiến dịch chủ yếu của tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải. I. E. Pê-tơ-rốp được chuyển thuộc thêm sư đoàn bộ binh Cô-dắc Cờ đỏ 9 gồm những chiến si người Cô-dắc Cu-ban lấy trong đội dự bị của Đại bản doanh. Tư lệnh tập đoàn quân giao ngay nhiệm vụ cho sư đoàn trưởng sư đoàn này – thiếu tướng P. I. Mê-tan-ni-cốp – chuẩn bị cho bộ đội hành động tiến công. Để làm việc này, chúng tôi đã chọn một địa hình trên đất liền, có những điều kiện đúng như địa hình căn cứ bàn đạp về tiền duyên của địch và những chiến hào của ta, đội hình chiến đấu và khoảng cách giữa những đơn vị độc lập

Chúng tôi vài lần xuống xem sư đoàn diễn tập. Có một lần, C. E. Vô-rô-si-lôp yêu cầu mọi người đi ngựa xuống sư đoàn. Tôi cố tìm cách bác ý kiến này, trình bày rằng đi ngựa 20 ki-lô-mét chẳng những không có ích gì mà còn lãng phí thời gian rất quý đối với ta. Nhưng uổng công vô ích. C E. Vô-rô-si-lốp bảo tôi chưa hiểu hết tâm lý người Cô-dắc.

Thế là phải đi ngựa. Phải sử dụng những con ngựa lạ và chạy tồi nên chúng tôi phải khó khăn lắm mới đi được đến đích. Còn lúc trở về chúng tôi đi ô-tô. Nhưng liền sau đó mấy ngày, một số đồng chí trước đây không đi ngựa, vẫn không tài nào lại hồn được và đành phải đứng nhiều hơn là ngồi. Và ngay C. E. Vô-rô-si-lôp sau này cũng bỏ cái cách đi lại bằng ngựa đó.

Vấn đề phương pháp sử dụng sư đoàn Cô-dắc trong chiến đấu không giải quyết được ngay. Ví dụ như có ý kiến đề nghị: cho các chiến sĩ bộ binh Cô-dắc ban đêm bí mật, lặng lẽ bò tới chiến hào một của bọn Đức (chính vì vậy mà họ là bộ binh Cô-dắc!), đột nhập vào mà không nổ súng, dùng vũ khí trắng diệt địch, sau đó mới phát huy hỏa lực vào tung thâm phòng ngự và cuộc xung phong thông thường bắt đầu

Phương pháp này chứa đầy những chuyện bất ngờ. Xung phong vào phòng ngự quân Đức chưa bị hỏa lực pháo binh áp chế, bằng cách bò sấp tới tuyến phòng ngự của chúng, là một việc rất mạo hiểm. Dù có chiếm được chiến hào một, thì tuyến phòng ngự hiện đại của địch cũng không thể sụp đổ Dẫu thế nào cũng phải dùng pháo bắn chuẩn bị, rồi mới xung phong được. Dùng toàn sư đoàn vận động bằng cách bò trườn như vậy thì có lẽ thế nào địch cũng kịp thời phát hiện ra và ta sẽ bị tổn thất lớn.

Song, những người chủ trương phương pháp hành động ấy lại kiên trì lập trường của mình. Chúng tôi bèn cho thí nghiệm sử dụng phương pháp này trong luyện tập, sau đó mọi người mới thấy rõ là phải xung phong theo phương pháp thông thường. Bộ binh Cô-dắc là bộ binh Cô-dắc, thời đại của những đợt xung phong như thế đã qua lâu rồi. Hiện nay, không phải là thời chiến tranh Crưm nữa rồi.

Sư đoàn bộ binh Cô-dắc nom ngoạn mục về mọi mặt. Phân đội nào cũng đầy nhiệt huyết. Các chiến sĩ đều xuất sắc, cừ khôi. Nhiều chiến sĩ tình nguyện cũ, dũng cảm, mang Huân chương Ghê-oóc-ghi trên ngực. Mọi người đều mặc trang phục mới, trông rất đẹp.

Sư đoàn này thành lập theo sáng kiến của Khu ủy Đảng cộng sản toàn Nga (bôn-sê-vích). I. V. Xta-lin đã ủng hộ những người Cu-ban và luôn luôn theo dõi sư đoàn này. Đồng chí đã mời P. I. Mê-tan-ni-cốp đến chỗ mình để báo cáo về tiến trình thành lập sư đoàn. Phải được phép của Đại bản doanh mới có thể sử dụng đơn vị Cô-dắc này. Và do đó, cố nhiên là sư đoàn đã được quan tâm nhiều, nhưng sau này, bằng thực tế chiến đấu của mình, sư đoàn đã tỏ ra rất xứng đảng với những sự quan tâm ấy: một trong số những đơn vị của sư đoàn đã chiến đấu xuất sắc khi giải phóng Crưm. Sư đoàn đã hoàn thành tốt đẹp mọi nhiệm vụ chiến đấu đến tận ngày kết thúc chiến tranh.

Chiến dịch cục bộ, nhất là việc đổ bộ đường biển, đã được chuẩn bị hết sức chu đáo. Đã có quyết định là lực lượng cơ bản của đội đổ bộ chủ yếu phải gồm toàn những chiến sĩ và sĩ quan chọn lọc kỹ thuộc trung đoàn bộ binh cận vệ 166, do trung đoàn trưởng trung đoàn cận vệ ấy, trung tá G. K. Gla-vát-xki phụ trách. Đồng chí nổi tiếng giàu kinh nghiệm, dũng cảm và xử trí giỏi trong chiến đấu.

Người ta nói rằng những người này đã từng được thử thách dạn dày trong khỏi lửa. Trong trường hợp này, điều đó là hoàn toàn đúng. Trên ngực Gla-vát-xki lấp lánh Huân chương Sao vàng Anh hùng Liên Xô. Ngoài trung đoàn 166 ra, đồng chí còn được tăng cường thêm tiểu đoàn độc lập lính thủy đánh bộ 143 do đại úy Lép-tren-cô cũng dày kinh nghiệm, can đảm chỉ huy, cùng với một đại đội trinh sát. Tổng cộng, đội đổ bộ đường biển có trên 2.000 người.

Đội đổ bộ thứ hai, đội trợ công, có quân số ít hơn: dưới 600 người, do thiếu tá A-lếch-xây-en-cô chỉ huy. Thiếu tướng hải quân G. N. Khô-lô-xti-a-côp và cơ quan tham mưu của đồng chí dưới sự lãnh đạo của đại tá hải quân A. V. Xvéc-đlôp chịu trách nhiệm việc huấn luyện đội đổ bộ, tổ chức cho họ xuống tàu, và bảo đảm việc vận chuyển trên mặt biển. Các chiến sĩ đổ bộ khẩn trương tập luyện, từ sáng tới đêm khuya.

Có gặp khó khăn về tàu đổ bộ. Phái tập trung cả những tàu đánh cá, trong đó nhiều chiếc phải sửa chữa lại mới dùng được. Chúng ta đã kiện toàn ngay đội ngũ thủy thủ trên tàu, huấn luyện cho họ các hoạt động cần thiết.

Công việc chuẩn bị trên căn cứ bàn đạp cũng không kém phần khẩn trương. Các quân đoàn cận vệ 11 và 16 tăng cường trinh sát địch, tập trung các kho dự trữ, bổ sung người và kỹ thuật. I. E. Pê-tơ-rốp suốt ngày và đôi khi suốt đêm ở dưới các đơn vị. Riêng lúc gần bước sang Năm mới, đồng chí mới về sở chỉ huy sớm hơn thường lệ và mời chúng tôi đến dùng bữa tối tại căn nhà nhỏ của đồng chí. Những phụ tá trực tiếp của tư lệnh tập đoàn quân cũng được mời đến dự.

Chúng tôi cùng nhau ăn mừng thắng lợi của các Lực lượng vũ trang chúng ta trong năm 1943 vừa qua và thân ái chúc nhau trong năm 1944 đang tới đạt nhiều thắng lợi hơn nữa. Vô-rô-si-lốp gửi lời chúc mừng các tư lệnh quân đoàn và sư đoàn, bộ tư lệnh Hạm đội Biển Đen và Chi hạm đội A-dốp.

Rồi sau đó, mọi việc lại diễn ra theo nhịp điệu bình thường của chúng. Ngày bắt đầu tiến công được quy định là sáng mồng 10 tháng Giêng.

Ngày đông nói chung đều ngắn, nhưng trong ngày 9 tháng Giêng, chúng tôi mê mải hoàn thành những công việc chuẩn bị cuối cùng cho chiến dịch, đến nỗi trời tối lúc nào cũng không hay. Cho đến lúc bắt đầu đột kích, cũng vẫn còn nhiều thời gian. Mãi đến 20 giờ mới bắt đầu đổ bộ đường biển. Nhưng ai nay đều nóng lòng, sốt ruột.

- Chúng ta ra đài quan sát đi, – C. E. Vô-rô-si-lôp đề nghị

Đài quan sát của I. E. Pê-tơ-rôp cách tiền duyên chừng 2 ki-lô-mét, trên vách đứng ngay sát biển A-dốp. Lúc trời quang đãng, từ đây có thể quan sát được khu vực ven biển, nơi đổ bộ của đội đổ bộ chủ yếu, nhưng lúc này thì chẳng trông thấy gì hết: mây mù phủ kín bầu trời.

- Ngoài biển thế nào? – Chúng tôi hỏi đồng chí đại biểu hạm đội.

- Mây ấy thì sóng nhỏ thôi, – đồng chí trả lời. Sau đó, đồng chí im lặng một lúc rồi nói thêm: – Dầu sao tình hình cũng có thể chuyển biến khác đi. Biển là một lực lượng tự phát…

Nhìn đồng hồ, chúng tôi chờ đợi lúc đội đổ bộ xuất phát từ đồn I-lích. Trên căn cứ bàn đạp, các tư lệnh quân đoàn từ lâu đã báo cáo hoàn toàn sẵn sàng tiến công. Còn Khô-lô-xti-a-cốp lúc này im lặng. Nhưng chúng tôi hiểu rằng thuỷ thủ là những con người chính xác: họ im lặng tức là mọi việc đang diễn ra đúng theo kế hoạch. …

Song, lần này rõ ràng công việc sao mà kéo dài. Đã nửa đêm rồi. Pê-tơ-rốp được mời đến máy nói. Đội đổ bộ đã xuất phát…

Chừng một tiếng rưỡi-hai tiếng đồng hồ sau, lại có báo cáo mới: ngoài biển A-dôp sóng lên tới cấp 4, cấp 5. Như vậy nghĩa là điều kiện cập bến đổ bộ đã trở nên khó khăn hơn.

Tự nhiên như theo khẩu lệnh, tất cả chúng tôi đều ra xem mặt biển. Biển nổi sóng ầm ầm, tung từng đợt sóng xô. Đối với tàu biển khổng lồ thì sóng cấp 4, cấp 5 không thấm vào đâu, nhưng đối với những con tàu nhỏ ọp ẹp, đang chở quân đổ bộ, thì sóng cấp ấy có thể gây hại, vì tàu chạy trong đêm tối lại chở quá nhiều người.

Pê-tơ-rốp tái mặt đi, nhưng ở ngoài vẫn bình tinh. Chúng tôi hỏi Khô-lô-xti-a-côp xem tình hình ra sao. Câu trả lời của đồng chí làm mọi người an tâm lại: không thấy có dấu hiệu tai nạn gì cả.

Khi đồng hồ chỉ đúng giờ phải đổ bộ, đồng chí chủ nhiệm pháo binh ngước mắt dò hỏi, nhìn I. E. Pê-tơ-rôp. Và Pê-tơ-rốp lại nhìn sang Vô-rô-si-lốp. Cả hai đều lắc đấu: chưa phải lúc, lúc này chưa đổ bộ được, cần chờ thêm nữa.

Bình minh muộn mằn của tiết tháng Giêng đã hửng sáng. Bỗng, trên những điểm cao mà các lực lượng đổ bộ có nhiệm vụ đánh chiếm, súng nổ vang từng tràng. Pháo binh Đức bắn loạn xạ. Đội đổ bộ đã đến những nơi đó. Họ đã bí mật tiếp cận địch và trung tá Gla-vát-xki không chờ đổ bộ hết quân, đã bắt đầu tiến công.

Các đơn vị đổ bộ đã bất ngờ dũng mãnh tiến công, ào ạt xông vào các chiến hào địch, không bắn và không hô “xung phong”. Mãi tới khi các chiến sĩ đổ bộ của ta đoạt mất súng máy trên điểm cao, địch mới biết chuyện.

Lúc này, pháo binh ta liền lên tiếng. Rồi sau đó, những lực lượng quy định cho chiến dịch này của các quân đoàn bộ binh tập kết trên căn cứ bàn đạp bắt đầu bước vào tiến công.

Trong khi ấy, các tàu đổ bộ vẫn tiếp tục chở quân cập bến. Không phải tàu nào cũng ghé sát bờ được. Thủy thủ và chiến sĩ ta thường nhảy ngay xuống nước, tay nâng cao súng. Sóng biển tràn qua đầu một số đồng chí. Họ đều gắng sức tiến vào bờ, và khi chạm đất đã lấy tay bám chặt lấy nó để khỏi bị sóng đẩy ra. Xong, liền lấy lại sức chồm dậy, chạy băng lên điểm cao, nơi quân bạn đang đánh giáp lá cà với địch.

Các chiến sĩ đổ bộ đã dũng cảm đánh địch trên bờ và vật lộn với sóng gió ngoài biển khơi. Trung tá hải quân N. C. Ki-n-lôp, chỉ huy các lực lượng đổ bộ, và tham mưu trưởng, đại úy N. A. Sa-ta-ép đã hy sinh trong chiến đấu

Thêm ba tiếng đồng hồ dài dặc trôi qua. Các quân đoàn bộ binh đã có báo cáo vắn tắt gửi về. Xét theo mọi tình hình thì cuộc tiến công nói chung đang phát triển không thuận lợi, nói riêng đã bị chặn lại ở một số nơi. Pe-tơ-rốp ra lệnh cho pháo binh tập trung hỏa lực vào những khu vực ta đang thắng lợi. Nhưng quân địch vẫn cố thủ vững chắc

Chúng tôi được biết: quân đổ bộ đang tiếp tục chiến đấu trên các điểm cao, chiếm được hai khẩu đội pháo cao xạ của địch, thu nhiều vũ khí bộ binh và bắt được đến 60 tù binh. Về cơ bản, dãy điểm cao đã nằm trong tay ta. Đội đổ bộ đang sục sạo, điều thêm lực lượng lên và tổ chức phòng ngự

Nhưng quá trưa, tình hình lại trở nên phức tạp thêm. Quân địch từ phía công ty ngư nghiệp, trại vắt sữa và chỗ Gri-a-dê-vai-a Pu-tri-na bắt đầu phản xung phong đội đổ bộ. Chúng cho máy bay liên tục oanh tạc đội hình ta. Hồi 19 giờ ngoài chiến trường xuất hiện nhiều chiếc xe tăng kiểu “Phéc-đi-nan”, nhưng chúng vẫn tỏ ra bất lực: các phân đội của ta vẫn giữ vững vị trí của mình. Mọi đợt phản xung phong của địch đều bị đánh lui và chịu thiệt hại nặng.

Suốt đêm, quân Đức đã nhiều lần tìm cách lẻn vào phía sau đội đổ bộ, nhưng lần nào cũng bị đánh bật trở lại.

Một thời gian dài vắng tin của thiếu tá A-lếch-xây-en-cô. Cuối cùng lại thấy. Thiếu tá báo cáo rằng đội đổ bộ trợ công đã hoàn thành nhiệm vụ, đã chiếm được điểm cao cần thiết cho chúng ta và đã liên lạc được với một sư đoàn bộ binh của ta.

Còn các đơn vị của quân đoàn bộ binh cận vệ 11 đã không thể liên lạc được với đội đổ bộ của Gla-vát-xki. Dòng dã một ngày đêm, những đơn vị này mới tiến được 1-2 ki-lô-mét. Các cuộc chiến đấu tiếp diễn sang ngày thứ hai. Sư đoàn thuộc thê đội hai của ta đã bước vào chiến đấu, địch cũng huy động thêm lực lượng dự bị của chúng. Máy bay Đức lại bắn phá vào trận địa quân đổ bộ. Chúng cho pháo binh bắn rất dữ dội và điều xe tăng tiến đánh đội đổ bộ. Các chiến sĩ của Gla-vát-xki đã buộc phải tính toán thật chính xác trong chiến đấu chống xe tăng: đạn dược gần hết rồi.

Đến quá trưa, ta đã hoàn toàn xác định rõ được ý đồ của địch. Quân Đức muốn chặn đường ra phía biển, bao vây và tiêu diệt đội đổ bộ. I. E. Pê-tơ-rôp ra lệnh cho Gla-vát-xki đột phá quân địch và tiến ra gặp quân đoàn 11. Lúc này, các chiến sĩ đổ bộ đã hành động rất kiên quyết và đến cuối ngày, đã liên lạc được với những lực lượng chủ yếu của ta, bàn giao lại những điểm cao đã chiếm được cho họ, rồi rút về làm đội dự bị của sư đoàn bộ binh cận vệ 55.

Kết quả, những trận chiến đấu trên đã làm cho tình hình bên sườn phải của tập đoàn quân được cải thiện hơn một ít nhưng chưa đến mức ta mong muốn. Vô-rô-si-lốp thấy bực bội. Đã thế, trong lúc hiệp đồng với quân đoàn bộ binh cận vệ 11, một phi đội máy bay cường kích của Hạm đội Biển Đen lại nhầm lẫn trút bom xuống quân ta. Cũng may, không gây ra thiệt hại gì. Tôi và đại tá Ki-ta-ép lúc này đang đứng trên đài quan sát của quân đoàn nên không những quan sát được toàn bộ cảnh ấy, mà ngay bản thân cũng bị oanh tạc

Sáng sớm ngày 15 tháng Giêng, chúng tôi tới xem những điểm cao mà đội đổ bộ đường biển đã đánh chiếm được. Các chiến sĩ vừa bắt đầu thiết bị đài quan sát mới của tập đoàn quân ở đây: đào chiến hào sâu để cấu trúc sở chỉ huy. Công việc này chủ yếu được tiến hành trong đêm tối.

Cũng tại đây, chúng tôi đã gặp tư lệnh quân đoàn bộ binh cận vệ 11, thiếu tướng Ác-sin-xép. Đồng chí cũng chuyển đài quan sát của mình ra gần tiền duyên và đích thân rời sang đây. Chúng tôi không có vấn đề gì hỏi đồng chí cả. Ác-sin-xép không trùng trình lại và tiếp tục đi theo đường của mình. Nhưng đến 15 giờ 30 phút, đồng chí đã không còn nữa. Pháo binh địch rót trúng hầm của đồng chí, trong đó có cả chủ nhiệm pháo binh quân đoàn-đại tá A. M. An-ti-pốp, chủ nhiệm trinh sát – trung tá T. P. Lô-ba-kin và trợ lý ban tác chiến – thiếu tá A. P. Men-si-cốp. Đạn xuyên qua lớp ván mỏng và nổ ngay trong hầm. Trừ Men-si-cốp bi thương nặng, còn tất cả đều hy sinh.

Ngày hôm ấy, pháo địch đã bắn rất dữ. Đến tối, lúc chúng tôi đang ở chỗ Pê-tơ-rốp, pháo của chúng đã phá hỏng căn hầm của C. E. Vô-rô-si-lôp, đồng chí vệ binh đứng bên cửa hầm bị hy sinh. Chúng ta cũng không chịu kém: pháo binh và không quân ta đã liên tiếp, hết đợt này sang đợt khác, đột kích mãnh liệt vào đội hình chiến đấu, sở chỉ huy và hậu tuyến trực tiếp của chúng. Đêm đến, trung đoàn máy bay ném bom ban đêm Po-2 do nữ phi công điều khiển, nằm trong biên chế của tập đoàn quân không quân 4, đã hoạt động liên tục không ngừng.

Địch gây nhiều trở ngại cho tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải, chúng củng cố trận địa ở ngay Kéc-tsơ. Từ trên núi Mi-tơ-ri-đát, chúng hoàn toàn bao quát và khống chế được bằng hỏa lực toàn bộ vịnh Kéc-tsơ và một phần đáng kể khu vực bán đảo mà tập đoàn quân đang chiếm giữ. Chính ngọn núi này và các khu phố giáp liền với nó cùng một loạt điểm dân cư khác đã được biến thành khu vực phòng thủ. Trong trường hợp cuộc tấn công của tập đoàn quân miền Duyên hải triển khai vào sâu trong bán đảo Kéc-tsơ và xa hơn nữa, vào tới trung tâm Crưm, thì khu vực này có thể được dùng làm điểm xuất phát cho kẻ địch phản kích vào hậu tuyến của bộ đội ta.

Khi tổ chức đột phá phòng tuyến của quân phát-xít Đức ở khu vực Kéc-tsơ, tư lệnh tập đoàn quân miền Duyên hải đã phải, bằng cách nào đấy, đảm bảo an toàn cho bên sườn của mình khỏi bị kẻ địch có thể tấn công từ phía Kéc-tsơ. Vì vậy đồng chí đã dự kiến dành riêng một đơn vị nào đó trong lực lượng của mình để tiêu diệt quân Đức – Ru-ma-ni đang cố thủ trong thành phố. Song không thành công, mặc dù các trận chiến đấu trên đường phố Kéc-tsơ mang tính chất quyết liệt.

Các báo cáo của tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải gởi Đại bản doanh về tình hình bán đảo Kéc-tsơ bao giờ cũng rất khách quan và không hề tô vẽ thêm cho những hoạt động không thành công của quân ta ở Kéc-tsơ. Khi nhận được những báo cáo đó, Đại bản doanh đâm ra lo lắng vì, như mọi người đều biết, các trận chiến đấu trong thành phố thường hay đưa đến những thiệt hại lớn cho các đơn vị và gây trở ngại cho việc sử dụng pháo binh, xe tăng, không quân.

Vì thế, I. E. Pê-tơ-rốp và Cli-môp – C. E. Vô-rô-si-lôp đã nhận được một bức điện, trong đó nêu rõ rằng tập đoàn quân miền Duyên hải có ưu thế đáng kể so với địch về số lượng quân, về pháo binh, xe tăng và máy bay. “Nhưng- bức điện nhấn mạnh – “tập đoàn quân bị mất những ưu thế đó khi lao vào những trận chiến đấu trên đường phố, nơi kẻ địch đã củng cố vững chắc trận địa của chúng, nơi mà chúng ta phải tiến hành những trận đánh dằng dai để giành giật từng góc phố, từng ngôi nhà và không có điều kiện để sử dụng có hiệu quả tất cả các phương tiện tăng cường hiện có.

Đại bản doanh coi chiến thuật đó của bộ tư lệnh tập đoàn quân là hoàn toàn sai lầm, có lợi cho kẻ địch và hết sức bất lợi cho ta. Đại bản doanh cho rằng cần phải tập trung những cố gắng chủ yếu của tập đoàn quân cho những hoạt động đánh địch trên địa bàn trống, nơi có đầy đủ khả năng để sử dụng có hiệu quả mọi phương tiện tăng cường của tập đoàn quân.

Những lời bàn cãi cho rằng không thể chọc thủng được phòng tuyến mạnh của địch trên địa bàn trống, – là hoàn toàn vô căn cứ, vì ngay cả phòng tuyến ở Lê-nin-grát của quân Đức là phòng tuyến mạnh gấp ba lần phòng tuyến ở Kéc-tsơ, cũng vẫn bị ta chọc thủng, nhờ sự lãnh đạo khéo léo… Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao hạ lệnh:

1. Chuyển các hoạt động chiến đấu chủ yếu của các đơn vị bộ đội tập đoàn quân vào địa bàn trống.

2. Hạn chế hoạt động trong thành phố ở những trận đánh có vai trò hỗ trợ cho các hoạt động của chủ lực tập đoàn quân trên địa bàn trống.

3. Căn cứ vào những chỉ thị này mà điều phối lại lực lượng và trình bày lên Bộ tổng tham mưu dự kiến kế hoạch hành động tiếp theo, chậm nhất là đến ngày 28. 1. 1944”.

Dưới bức điện có chữ ký của I. V. Xta-lin và A. I. An-tô-nốp.

Chúng tôi ở căn cứ bàn đạp đã được một tháng. Trong suốt thời gian này, việc chuẩn bị cho chiến dịch chủ yếu nhằm giải phóng Crưm vẫn được tiếp tục tiến hành: tích lũy đạn dược, kiện toàn bổ sung, các thê đội hai không ngừng huấn luyện chiến đấu cho bộ đội.

Bỗng có một chuyến tàu đặc biệt đến ga Va-re-nhi-ôp-xcai-a. Tướng A. I. Ê-ri-ô-men-cô, tư lệnh mới của tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải, đến cùng chuyến tàu này. I. E. Pê-tơ-rốp đã bị cách chức, điều về Mát-xcơ-va và do Đại bản doanh sử dụng, mà đại diện Đại bản doanh ở đây không được hay biết, thậm chí không được hỏi ý kiến gì trong cái việc không kém phần quan trọng này

Ít lâu sau, A. I. An-tô-nôp qua dây nói gọi tôi về Đại bản doanh báo cáo tình hình ở Kéc-tsơ. Chắc là các sự kiện trong mấy ngày qua đã làm cho Xta-lin băn khoăn nhiều. C. E. Vô-rô-si-lôp thì vẫn ở lại.

Lúc tôi báo cáo chỉ có các ủy viên Đại bản doanh và A. I. An-tô-nôp dự thôi. Pê-tơ-rốp không được mời đến. Xta-lin hoài nghi lợi ích của chiến dịch đệm do tập đoàn quân miền Duyên hải tiến hành. Tôi cố hết sức trình bày mọi lý do cần có chiến dịch ấy.

Khi tôi nói tới tình hình tập đoàn quân miền Duyên hải, Tổng tư lệnh tối cao nhớ đến cái biên bản có mười chữ ký của chúng tôi và lại bắt đầu nặng lời:

- Thật như là ở nông trang tập thể vậy. Thế các đồng chí không biểu quyết một cách ngẫu nhiên chứ?…

Đối với Vô-rô-si-lốp thì còn có thể tha thứ được, vì đồng chí ấy không phải là cán bộ tham mưu, còn đồng chí thì có bổn phận phải hiểu rõ thủ tục làm việc chứ. – Sau đó đồng chí nói với An-tô-nốp, hất đầu về phía tôi: – Phải có hình thức kỷ luật nào đó đối với Stê-men-cô.

An-tô-nốp im lặng không nói gì.

Và khi lại quay về bàn tới chiến dịch giải phóng Crưm, Xta-lin ra lệnh triệu tập A. M. Va-xi-lép-xki và C. E. Vô-rô-si-lốp về Đại bản doanh để giải quyết dứt khoát mọi vấn đề trong kế hoạch chiến dịch, rồi sau đó cử hai người đến hướng chủ yếu của Ph. I. Tôn-bu-khin để nghiên cứu giải quyết việc hiệp đồng tác chiến của các đơn vị ngay tại thực đia.

Không hề thấy nói gì đến Pê-tơ-rốp cả. Về sau, khi nghĩ tới chuyện này, chúng tôi trong Bộ tổng tham mưu đã đi đến kết luận là: những kết quả hạn chế của chiến dịch trù bị và tình hình bất hòa với bộ tư lệnh hạm đội đã làm cho Xta-lin hoài nghi I-van E-phi-mô-vích Pê-tơ-rốp. Và, Pê-tơ-rốp đã bị thay thế ngay trước lúc mở đầu chiến dịch lớn, khi tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải về cơ bản đã sẵn sàng đi vào chiến dịch. I. E. Pê-tơ-rốp đã không được hưởng những thành quả lao động của mình, còn chiến dịch đã diễn ra thắng lợi.

Tháng Năm, sau khi giải phóng xong Crưm, nhiều người tham gia chiến dịch này đã được tặng thưởng. Nhân dịp này, I. V. Xla-lin lại nhớ đến cái biên bản bất hạnh của chúng tôi. Sau khi thấy trong danh sách đề nghị khen thưởng có tên tôi, đồng chí nói với A. I. An-tô-nốp:

- Chúng ta khen thưởng Stê-men-cô thấp xuống một mức, để đồng chí ấy nhớ mãi xem phải ký văn kiện thế nào cho đúng.

Và đồng chí lấy bút chì xanh gạch đậm nét tên tôi.

Từ ngày 14 đến hết ngày 23 tháng Năm 1944, tôi lại có dịp tới Crưm. Lần này, với tư cách là đại diện Đại bản doanh, tôi có nhiệm vụ góp sức xây dựng kế hoạch phòng ngự bán đảo đã quét sạch địch, và tổ chức rút các tập đoàn quân cận vệ 2 và tập đoàn quân 51 về làm nhiệm vụ dự bị của Bộ Tổng tư lệnh tối cao. Việc này phải làm xong gấp, vì đến ngày 22-23 tháng Năm, Đại bản doanh sẽ thảo luận kế hoạch “Ba-gra-chi-on” là kế hoạch tiêu diệt địch ở Bê-lô-ru-xi-a, do đó cần có những số liệu chính xác về lực lượng dự bị.

Cũng như mọi khi, chúng tôi đã làm việc thâu đêm suốt sáng, mà vào tiết tháng Năm thì gần như không có đêm. Đặc biệt phức tạp là vấn đề chuyển vận bộ đội. Không đủ nhiên liệu để chở bộ đội bằng ô-tô ra tới các ga đường sắt. Thời gian này, đồng chí Xê-rốp, thứ trưởng Bộ dân ủy nội vụ phụ trách việc phân phối các toa xe và đầu máy ở Crưm. Phải đấu tranh với đồng chí Xê-rốp mới được phân phối đủ xe tàu. Những ga chính nhận hàng nằm trong các khu vực Khéc-xôn và Xni-ghi-ri-ốp-ca, bộ đội phần lớn phải đi bộ tới đây. Các tướng lĩnh và sĩ quan trong nhóm tôi đã tổ chức cho không quân yểm hộ những nhà ga này và đã quan tâm bảo vệ những bến vượt qua Đni-ép-rơ.

Nhiệm vụ phòng vệ Crưm lúc bấy giờ hoàn toàn được giao cho tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải. Cùng với tướng K. X. Men-ních, tư lệnh mới của tập đoàn quân, chúng tôi chuẩn xác mọi chi tiết của kế hoạch do cơ quan tham mưu tập đoàn quân chuẩn bị. Tướng X. X. Bi-rt-u-dốp, tham mưu trưởng phương diện quân U-crai-na 4, đã giúp chúng tôi rất nhiều trong công việc này. Để yểm hộ mặt Tây và mặt Nam miền ven biển Crưm, từ chiến lũy Tu-rét-xki đến vịnh Kéc-tsơ dài hơn 700 ki-lô-mét có tất cả 10 sư đoàn, 2 lữ đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn xe tăng. Như vậy thì phải nghĩ đến nát óc mới giải quyết được nhiệm vụ phòng vệ Crưm.

Đã thế, lại gặp thêm một loạt khó khăn khác nữa: tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải bắt đầu bị rút cán bộ. Hai trong số ba tư lệnh quân đoàn đã được bổ nhiệm đi làm nhiệm vụ mới. Cả đồng chí chủ nhiệm pháo binh và trưởng phòng bổ sung cũng được điều đi nơi khác. Thế rồi, đồng chí chủ nhiệm hậu cần tập đoàn quân, chủ nhiệm quân lương, tham mưu trưởng hậu cần, chủ nhiệm trinh sát cũng sẽ lần lượt ra đi.

Được sự đồng ý của Đại bản doanh, chúng tôi đã đình việc điều động này lại và nhanh chóng bổ nhiệm ngay những đồng chí cấp phó lên thay những đồng chí đã ra đi. Hầu hết các đồng chí này đều là những người giàu kinh nghiệm, thông thạo công việc của mình.

Chúng tôi cũng đã đến Xê-va-xtô-pôn gặp tư lệnh Hạm đội Biển Đen – đô đốc: Ph. X. Ốc-chi-áp-rơ-xki – và đã thỏa thuận với nhau về vấn đề hiệp đồng giữa lục quân và hạm đội.

Chúng tôi đặc biệt chú ý tới các đơn vị phòng không vì số chúng quá ít mà địch thì vẫn không ngừng dùng không quân đánh phá Crưm. Có ngày, trong cùng một lúc địch đã oanh tạc nhiều ga xe lửa: Đơ-gian-côi, Cuốc-man – Kê-men-tri, Bi-úc – Ôi-la-rơ, Ta-sơ-lức – Ta-i-rơ, Ép-pa-tô-ri-a. Thật ra, kết quả những trận oanh tạc này đêu không đáng kể.

Có lần, tôi định cùng với X. X. Bi-ri-u-dốp và I. N. Rư-dơ-cốp đáp máy bay từ Xa-ra-bu-dơ đến khu vực đồi Xa-pun, nơi đóng quân của cơ quan tham mưu tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải. Bi-ri-u-dôp khuyên chúng tôi dọc đường nên ghé thăm mũi Khéc-xô-nét, nơi diễn ra trận kết thúc chiến dịch Crưm.

Chúng tôi bay trên ba chiếc máy bay Po 2. Thời tiết tuyệt đẹp, vùng trời không có máy bay địch. Nhìn xuống các tuyến đường phía dưới, thấy từng đoàn tù binh quần áo xanh xám đang lê bước chậm chạp và xe vận tải của chúng ta đang rong ruổi trên đường. Bay qua Ba-khơ-txi xa-rai, máy bay của Bi-ri-u-dốp bỗng nhiên là thấp xuống mặt đất.

Chờ cho máy bay của đồng chí ấy an toàn đỗ xong xuống cánh đồng, chúng tôi cũng lượn thêm một vòng, rồi cùng hạ cánh xuống bên cạnh. Té ra là động cơ máy bay cua đồng chí bị trục trặc. Chúng tôi không biết xoay xỏa ra sao cả, đành phải để máy bay lại và cuốc bộ ra đường cái. Gặp ô tô của tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải, chúng tôi lên xe đi tới Khéc-xô-nét. K. X. Men-ních đã đợi chúng tôi ở đấy.

Trước mắt chúng tôi là chiến trường ác liệt vừa qua. Mũi đất này ngập đầy xác xe tăng, ô-tô, đại bác và súng cối ở Đức. Chỗ nào cũng thấy dấu vết bắn phá của pháo binh và không quân Liên Xô. Trong các khe núi và ở những sườn vách dốc đứng ven biển, có rất nhiều kho tàng các loại. Xác người đã được thu dọn, nhưng mùi hôi thối vẫn còn vương vất. Xác ngựa trương phồng và nứt nẻ vì nóng, phủ kín mặt biển bập bềnh theo sóng. Quân địch khi rút đã tự tay giết hết ngựa của chúng ngoài bờ biển này…

Ít lâu sau, chúng tôi trở về Mát-xcơ-va, ở đây, nhiều công việc mới, khẩn cấp, gắn liền với việc chuẩn bị chiến dịch “Ba-gra-chi-on” đang chờ đợi chúng tôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx