sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

11. Bạn tha phương - Phần 1

Bạn tha phương

Truyện ngắn

Tôi quen Thành đầu năm 92, dạo áp tải niken thuê cho một số đầu nậu xuống thành phố Riga để đóng thùng về nước.

Thành quê ở Vĩnh Phú, hơn tôi ba tuổi, làm công nhân nhà máy giày nhưng đã bỏ việc, chuyển sang buôn bán lặt vặt và sống luôn ở ký túc xá của cô bạn gái. Dáng người Thành nhỏ bé, da đen, rất nóng tính nhưng lại nguội nhanh. Tôi xuống đây và ở nhờ chỗ bạn gái Thành. Đây là ký túc xá của nhà máy dệt. Trước đây, ký túc xá này được xây cho cán bộ, nên cấu tạo theo kiểu căn hộ độc lập. Căn hộ của bạn gái Thành có bốn buồng ngủ dành cho bốn cô gái, thêm bốn anh bạn trai của họ và tôi thành chín người.

Họ góp gạo thổi nấu chung như một gia đình. Tôi là khách, được ăn miễn phí và bị xếp vào ngủ cùng buồng một đôi già nhất. Các cô gái cười bảo: “Họ ít lục sục buổi đêm nên cậu có thể ngủ được”. Tôi ở đấy một tuần thì xong việc. Đêm trước hôm về, Thành gọi tôi xuống bếp hỏi chuyện:

- Ông kiếm được có khá không? - Thành rót cho tôi một tách trà đen.

- Đủ ăn thôi ông! - Tôi thả viên đường vào tách trà, khuấy đều cho tan. Tiếng thìa va vào thành cốc sứ keng keng. Tôi ngẩng lên nhìn Thành. - Ông biết đấy, số hàng trên không phải của tôi, nhì nhằng kiếm vài vé thôi mà.

- Ông làm vàng với tôi không? Tháng làm một chuyến, may thì mỗi thằng cũng kiếm được kha khá. Ông cứ làm việc của ông ở trên ấy, bao giờ tôi gọi thì xuống, chỉ mất hai, ba ngày là xong một vụ. - Thành đề nghị khá chân thành.

- Có phức tạp lắm không? - Tôi hỏi. - Mà làm những gì?

- Lần tới đi cùng thì biết. - Thành bảo. - Tôi sẽ gọi ông.

- Đồng ý! - Tôi trả lời dứt khoát.

Hôm sau tôi lên tàu quay lại Mátxcơva. Thành đưa ra tận nhà ga, mồm luôn dặn: “Nhớ đấy, nhớ đấy, bao giờ tôi gọi thì xuống”.

Nhịp sống hối hả làm tôi quên béng mất anh bạn mới quen và lời đề nghị tham gia một công việc kiếm tiền rất mơ hồ. Hơn tháng sau tôi nhận được mảnh giấy điện tín to cỡ bàn tay, có hai chữ không dấu được đánh máy: Xuong di. Định thần một lúc tôi mới hình dung ra điện của Thành. Anh chàng này cũng tiết kiệm ghê, đánh ít chữ cho đỡ tốn tiền.

*

* *

Sáu giờ sáng tàu vào ga, trời mùa đông tối om. Thành đội chiếc mũ lông sụp xuống nửa mặt, mặc một chiếc áo da màu đen đứng co ro đợi tôi ở đầu đường ray. Nhìn thấy tôi, Thành giơ tay vẫy vẫy. Tôi bảo: “Sao ông biết tôi xuống mà đón”. Thành cười khì khì, đáp: “Thì cứ tính mất một ngày điện đến chỗ ông, kiểu gì ông chả mua vé ngay, tôi cứ ước lượng rồi đón hú họa thế mà cũng trúng”. Tôi cười, vỗ vai Thành bồm bộp: “Đi thôi”.

Chiếc taxi Thành thuê sẵn, đậu ngoài sân ga chờ chúng tôi bắt đầu lăn bánh trong màn đêm. Hai bên đường tuyết vun thành đống, loang loáng dưới ánh đèn đường. Thành phố lùi dần phía sau lưng. Chúng tôi đi xuyên qua những cánh rừng bạch dương rũ lá trơ cành trong mùa đông lạnh lẽo. Thành bảo: “Ta đi luôn cho kịp nhé!”. Tất nhiên là tôi đồng ý, vì cũng không có sự lựa chọn nào khác.

Khoảng chín giờ sáng chúng tôi đến một thành phố gần biên giới Litva. Thành bảo tay lái xe: “Kiếm cái ăn sáng rồi đến chỗ cũ nhé”. Tay lái xe không quay mặt lại, trả lời: “Tao biết rồi”.

“Chỗ cũ” là một cửa hàng bách hóa của thành phố. Mới mười giờ sáng, cửa hàng đã mở nhưng khách khứa thưa thớt. Thành dẫn tôi đến một quầy bán nhẫn cưới. Mấy cô nhân viên chưa già nhưng đã phát phì, béo như thùng nước gạo, cười lóe xóe: “À, cậu bé”. Dường như họ đã rất thân quen.

Theo quy định từ thời còn Liên Xô, bất cứ đôi trai gái nào dẫn nhau đến tòa đăng ký kết hôn sẽ được tiêu chuẩn mua nhẫn cưới với giá ưu đãi. Tại thời điểm ấy giá ưu đãi chỉ bằng một phần ba giá chợ đen. Liên Xô đã vỡ, nhưng cái quy định quái quỷ này chưa vỡ. Ở những vùng xa xôi như thế này, người dân vẫn được mua một đôi nhẫn, còn Thành mua được cả ki lô nhẫn với giá cao hơn giá nhà nước một chút cùng dăm thỏi son bằng đất sét nhuộm phẩm đỏ làm quà tặng.

Chiếc xe lại lăn bánh đến thành phố khác tại Litva. Kịch bản vẫn tương tự, nhưng chỉ mua được chừng một vốc tay. Đến thành phố tiếp theo, cửa hàng bách hóa là một tòa nhà xập xệ hai tầng. Bà cửa hàng trưởng nghỉ ốm ở nhà. Thành nhìn những chiếc nhẫn để trong tủ kính thèm thuồng, phẩy tay, bảo tôi: “Để dành lần sau vậy”.

Chiều hôm ấy chúng tôi quay về Riga khi thành phố bắt đầu lên đèn. Hằng, cô bạn gái của Thành đã chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn.

Nhấp một ngụm rượu, Thành bảo: “Hôm nay như thế là cũng tạm. Có lần tôi xúc được ba cân”.

Tôi đặt bát xuống, cười: “Khiếp, một ngày tính ra đi hai nước. Mà cái “làm vàng” này của ông hóa ra cũng chả có gì phức tạp nhỉ”.

Thành không nói gì, đưa bát cơm lên húp soạt soạt, khoắng đũa như mái chèo.

Hôm sau Thành đi cùng tôi lên Mátxcơva bán vàng. Những chiếc nhẫn cưới được nạy bỏ mặt đá, đổ vào rổ đặt lên bàn cân, y như thịt cá ngoài chợ. Thành chia cho tôi ít tiền lãi, bảo: “Tháng sau ông lại xuống nhé”. Tôi cầm tiền, nhưng gờn gợn cảm giác gì đó không lý giải được. Thành giơ tay chào tôi rồi biến mất trong dòng người đang hối hả chui xuống Metro.

Tuổi trẻ vốn không suy nghĩ nhiều, những lợn gợn về phi vụ “làm vàng” cũng tan nhanh như tuyết tháng Tư. Cho đến hôm tôi lại nhận được bức điện: Xuong di. Cầm tờ giấy điện tín trong tay, tôi tự hỏi: “Có nên xuống tiếp không? Tiền của nó, khốt[1] của nó. Mình chỉ đi theo, chả phải làm gì. Tại sao nó lại chia tiền cho mình?”. Hôm ấy tôi không mua vé ngay như lần trước. Nằm một đêm suy nghĩ, vẫn không có câu trả lời nào thỏa đáng nên lại quyết định đi thêm lần nữa xem sao.

Thành đi đón tôi nhưng không được, cậu ta đành đi một mình vì xe đã thuê.

Tôi xuống Riga muộn hơn một ngày. Thành vẫn đang ngủ vùi vì hôm trước về muộn. Mở cửa cho tôi là đôi già đêm ít lục sục. Chị già tíu tít hỏi: “Ăn sáng nhé, để chị làm cái gì đó cho em”. Anh già kéo tôi xuống bếp bảo: “Làm ấm trà bắn bi thuốc lào đã”. Tiếng điếu làm bằng ống nhôm vang lên òng òng. Bên ngoài, qua ô cửa kính nhầy mỡ, trời vẫn tối đen như mực.

Tôi ngồi xuống, nhấp một ngụm trà nóng bốc khói. Anh già vừa nhả khói, vừa nấc nấc: “Thằng… Thành… cứ… lo… em không xuống”. Tôi bảo: “Có gì mà lo, em không xuống thì nó vẫn làm như trước đây có sao đâu”. Anh già thò tay vê thêm một bi thuốc lào nữa, gật gù: “Cũng lo phết đấy…”.

Tôi đợi anh nói tiếp, nhưng tiếng điếu lại vang lên òng ọc nên ngồi im. Vừa lúc ấy Thành dậy, chạy bành bạch vào bếp, mừng ra mặt: “Có xuống… có xuống… tôi tưởng ông không xuống nữa”.

Tôi chống chế: “Tôi bận nên xuống muộn một hôm”.

Thành bảo: “Hôm qua đi nhưng chưa hết, để hôm nay có ông thì đi tiếp”.

Anh già thấy Thành dậy thì thôi không tiếp tục câu chuyện, chuyển sang chủ đề dưa cà mắm muối, đô lên đô xuống, thằng nào ốp giày vừa có con với phò Tây… Một lúc sau chị già nấu xong một nồi mì to như nồi cám, khua mọi người dậy ăn còn đi làm.

Hôm ấy mãi gần mười giờ xe mới đến, Thành bảo: “Muộn rồi nên hôm nay mình đi hai chỗ thôi”. Tôi bảo: “Mấy chỗ mà chả được”.

Trên xe mấy lần tôi định hỏi Thành, ngập ngừng ú ớ lại thôi, bụng bảo dạ đợi xong việc thì nhất định sẽ làm rõ cho ra ngô ra khoai. Thành bảo: “Hôm nay Chủ nhật, chắc tay bác sĩ có nhà”. Tôi hỏi: “Tưởng đi mua vàng, lại đi mua thuốc à?”. Thành trả lời: “Mối này lâu lắm chưa qua, thằng bác sĩ này có nhiều lanh-cô-xin lắm. Nó lấy trộm từ bệnh viện”. Ngừng một lát, Thành nhìn tôi rồi tiếp: “Tôi không qua vì thằng này bị bệnh. Một lần nó đè được tôi xuống, đóng phát vào đít làm tịt ỉa mất mấy hôm”. Tôi bật cười thành tiếng: “Ô thằng này nghịch nhỉ”. Thật tình là trong kiến thức của tôi lúc ấy chưa xuất hiện khái niệm gay hay quan hệ tình dục đồng giới. Tôi chỉ nghĩ đó là trò đùa như tôi vẫn hay làm, chắp tay lại xiên vào đít bạn bè một phát rồi cười lăn lộn khi thấy bạn nhăn nhó vì đau. Tôi bảo: “Ông yên tâm, tôi sẽ cảnh giác”.

Tay bác sĩ mặt bợt bạt như chết trôi, đeo cái kính tròn ngồ ngộ, nói giọng kim the thé. Hắn nhìn tôi thăm dò. Thành bảo: “Bạn tao đấy, mày không lo đâu”. Hắn gật gật rồi bê ra một túi thuốc lớn, bảo: “Thuốc này bọn kia đặt rồi, nhưng mày đến trước thì tao bán cho thôi”. Cùng lúc ấy có tiếng chuông cửa, bên ngoài có tiếng Việt lao xao nói chuyện. Sắc mặt Thành chuyển sang tai tái.

Cánh cửa hé mở, tay bác sĩ đứng chắn ngang cửa, bảo: “Bán rồi, lần sau qua đi”. Tôi kịp nhìn thấy mấy khuôn mặt quen trong lần đụng chạm vụ đóng niken mấy tháng trước nên giơ tay chào. Mấy cậu cũng nhận ra tôi, khẽ gật đầu rồi quay đầu ra về. Mồ hôi chảy thành dòng trên mặt Thành, nhỏ tong tong xuống mặt bàn. Tôi nhắc: “Trả tiền để còn đi tiếp”. Thành như chợt tỉnh, lập cập móc tiền trong túi ra đếm. Đang đếm tiền lại gập cất vào túi, bảo: “Đếm thuốc trước đã mới tính được tiền chứ”.

Gần một tiếng sau mới thanh toán xong. Tay bác sĩ tiễn ra đến chân cầu thang còn nháy mắt với tôi: “Lần sau tao để thuốc bán cho mày”. Tôi hớn hở: “Đồng ý”.

Chiều hôm đó tôi và Thành còn kịp qua một cửa hàng bách hóa, cô cửa hàng trưởng xúng xính trong bộ áo cánh dơi made in Cổ Nhuế, kẻ cả: “Có bọn Việt Nam trả giá cao hơn mày, tao đang cân nhắc”. Thành lập bập nói không ra hơi: “Tao trả bằng chúng nó, bán đi. Dù sao tao cũng là mối quen biết, an toàn cho mày”. Vụ mua bán diễn ra nhanh chóng, Thành mua được vài lạng nhẫn vàng.

Trên đường về Thành bảo: “Mai tôi với ông lên Mát nhé. Lờ lãi vẫn chia như trước, cộng luôn cả chỗ hôm qua tôi mua được”. Tôi bảo: “Tôi không lấy đâu”. Thành quay mặt ra cửa kính. Bên ngoài tuyết đã tan gần hết, đường lầy lội, bùn bắn lên kính mờ tịt. Tôi nói tiếp: “Tôi có giúp gì được cho ông đâu, nhận tiền vô duyên bỏ mẹ”. Thành quay lại bảo: “Không có ông hôm nay không mua được thuốc đâu. Ông biết bọn ấy rồi đấy. Gấu lắm”. Tôi văng tục: “Gấu thì làm đéo gì nhau. Ông đến trước mua trước. Thế thôi”. Thành lẩm bẩm: “Bọn ấy nó cướp mất mối thuốc của tôi cả năm nay”. Tôi gật gù: “Ra thế… ra thế. Giờ ông sợ nó cướp tiếp mất mối vàng nên lo đúng không?”. Thành bảo: “Tôi nghĩ ông chơi với hội ấy nên có thể nói chuyện được”. Tôi cười: “Đánh nhau thì tôi không ngại, nhưng đấy là việc khác. Việc này là miếng mỏ, tôi nghĩ chúng nó chẳng vì tôi mà nhả ra đâu. Để tôi tính xem sao”.

Đấy là tôi cứ nói vậy cho Thành yên lòng chứ thật ra tôi chưa biết xử trí thế nào. Tôi, như một nhân vật đang được đặt trong vị trí của kẻ bảo kê cho khốt làm ăn của Thành nếu hiểu một cách sòng phẳng là như vậy. Nhưng nếu sòng phẳng như thế thì dễ quá, chỉ cần từ chối là xong. Còn một cách hiểu khác: Tôi, một kẻ đang nhặt những đồng xu lẻ kiếm ăn, được Thành chia sẻ cho mối làm ăn. Đó là tình cảm bạn bè, là ơn huệ mất rồi. Mà những gì thuộc về tình cảm hoặc ngụy trang dưới tình cảm lại không cân đong đo đếm được.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx