sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

11. Bạn tha phương - Phần 2

Tôi sẽ phải xử lý tình huống thỏa mãn hai góc độ trên sao cho thật khéo. Tôi bảo Thành: “Thế này nhé. Tôi cũng chưa biết nên nói chuyện với chúng nó ra sao đâu. Nếu tối nay chúng nó đánh ông, tôi sẽ đánh lại. Thua thắng không biết thế nào, nhưng tôi cứ nhảy vào chiến đã. Thống nhất thế nhé! Đụng chân đụng tay rồi nó mới có cớ để nói chuyện, tôi sẽ tùy cơ ứng biến xem chúng nó thế nào mà mềm nắn rắn buông. Còn tiền thì tôi không nhận đâu”.

Thành không nói gì, ném ra một tiếng thở dài não nề.

Tối hôm ấy không có biến cố gì xảy ra. Không ai xuống tìm tôi hoặc Thành để nói chuyện phải trái. Hôm sau Thành theo tôi lên Mát bán vàng. Tôi chủ động chia tay ngay khi tàu vào ga để Thành không có cơ hội dúi tiền bắt nhận. Cũng không thấy Thành dặn: “Tôi điện ông nhớ xuống” như mọi lần.

Sang tháng Năm, tuyết đã tan hết, cả châu Âu lột xác cởi bỏ màu trắng xám nặng nề, khoác lên mình màu xanh tươi của lá non và ánh nắng vàng rực rỡ. Tôi hăm hở chuẩn bị kế hoạch ăn chơi cho mùa hè thì lại nhận được điện của Thành. Lần này bức điện dài hơn, chứa đựng nhiều thông tin hơn: Xuong du dam cuoi cua toi voi Hang ngay… thang 5.

Vậy là Thành sẽ lấy vợ. Tôi tính ngày rồi đi mua vé. Việc trăm năm của bạn, cho dù mới quen, không thể không có mặt.

Thành vui lắm khi tôi xuất hiện ở Riga trước ngày cưới một hôm. Tối hôm ấy, bốn tay đàn ông ở phòng ấy cộng với tôi là năm ngồi quây bên mâm rượu đêm sau khi đã chổng mông kê kích bàn ghế nhà cửa và chuẩn bị tươm tất cho hôn lễ hôm sau. Qua một tuần rượu, Thành bảo: “Bọn tôi về nước ông ạ”. Tôi hỏi và nhướn mắt nhìn mấy tay đàn ông: “Về hẳn à? Còn mọi người thế nào?”. Thành trả lời: “Vợ chồng tôi về thôi, còn các bác đây tùy nghi di tản”. Tôi lại hỏi: “Về Việt Nam ở đâu? Quê ông hay lên quê vợ?”. Thành nói chưa biết, bảo có thể sẽ ở nhà ông bố dượng ở Hà Nội. Thành chép cho tôi địa chỉ vào sổ, hẹn lúc nào về phép rẽ qua chơi. Thành ghé tai tôi thì thầm: “Hằng có thai ba tháng rồi. Bọn tôi phải cưới cho các cụ ở nhà yên tâm”. Tôi hi hi cười: “Trai gái biết chưa?”. Thành xìu xuống: “Gái”.

Có tí rượu tôi ngủ lăn quay ở góc nhà từ lúc nào không biết. Tàn cuộc rượu thấy anh già đá đá vào mạng sườn bảo: “Thằng này, vào buồng ngủ đi em”.

Cưới xong Thành cùng vợ về nước. Đám cùng phòng tứ tán khắp nơi tôi cũng không có tin tức gì.

*

* *

Mùa hè năm 93, tức sau một năm Thành về nước, tôi bất ngờ gặp Thành và Hằng trên Mátxcơva. Họ đang đứng bán hàng ngoài chợ như bao người Việt khác. Mới một năm mà Thành khác đi nhiều, già hơn, khắc khổ hơn như thể hàng chục năm không gặp. Thành vừa tỏ ra vui mừng, vừa không giấu được bối rối như thể không muốn ai biết sự hiện diện của vợ chồng Thành trên đất nước này. Tôi hỏi: “Sang lâu chưa? Sao không qua chỗ tôi?”. Thành trả lời: “Sang được hai tháng rồi. Ở nhà khó kiếm ăn quá vợ chồng tôi lại dắt nhau sang đây”. Tôi hướng sang Hằng hỏi: “Cháu thế nào? Có mang đi cùng không?”. Hằng rơm rớm nước mắt, bảo: “Được sáu tháng rồi anh. Em gửi ông bà ngoại”. Tôi rút bao thuốc, cắm một điếu lên mồm, tay lần lần tìm bật lửa, tiện thể đưa bao thuốc cho Thành, bảo: “Này, làm một điếu đi”. Thành xua tay: “Không không, tôi bỏ thuốc bốn tháng nay rồi”. Tôi bật lửa châm thuốc, rít một hơi dài, khói xì qua lỗ mũi, hỏi: “Sao phải bỏ, sợ lao phổi hả?”. Thành quay đi chỗ khác, nói: “Tiết kiệm”. Tôi lại dúi dúi vào tay, cứ làm một điếu đi, rồi lại bỏ sau. Thành quay lại, thò tay nhón một điếu, rít sâu, nhả khói từ từ, mắt lim dim hưởng thụ. Tôi hỏi: “Thuê nhà ở đâu?”. Thành vẫn đang mải rít thuốc không trả lời. Hằng bảo: “Bọn em thuê một phòng trong ký túc của trường Đoàn”. Tôi đề nghị: “Cho cái địa chỉ, mấy hôm nữa tôi qua chơi”. Tôi đang có việc nên phải đi ngay sau khi dúi vào tay Thành bao thuốc đang hút dở.

Một tháng sau tôi rủ cô bạn gái qua thăm vợ chồng Thành. Họ ở trong một căn buồng khoảng bảy, tám mét vuông. Góc buồng kê một chiếc giường sắt đơn, chăn đệm cáu bẩn, nhàu nhĩ. Đầu giường dựng hai chiếc xe kéo, loại xe chuyên dụng, vật bất ly thân của những người bán hàng ở chợ. Xung quanh bao tải lớn bé xếp chồng. Hằng tất bật chuẩn bị cơm nước mời chúng tôi. Thành rút bao thuốc trong túi ra, hút một điếu, nhìn tôi, bảo: “Tôi thù ông lắm”. Tôi hỏi: “Thù gì?”. Thành cười: “Tôi quyết tâm mãi mới bỏ được thuốc. Bao thuốc của ông làm tôi nghiện lại”. Nói rồi khuôn mặt Thành thoáng buồn: “Thế là không tiết kiệm được”. Tôi cười hơ hơ: “Gớm, đáng bao nhiêu mà lo lắng thế?!”.

Vợ chồng Thành vui lắm. Cô bạn gái tôi cũng vui. Họ nói chuyện như ngô rang và hẹn nhau những cuộc gặp gỡ sắp tới.

Lần sau tôi quay lại thì vợ chồng Thành đã về nước. Hàng xóm bảo ở đây cũng khó làm ăn quá nên họ quay về. Tính ra thời gian họ sang lại Nga được bốn tháng.

Cuối năm đó tôi về phép, tạt qua nhà bố dượng tìm vợ chồng Thành nhưng không gặp. Ông bố dượng bảo vợ chồng Thành ở nhà ngoại, ở tỉnh Thái Nguyên.

Cuối năm 95, tôi về nước, lại đến nhà ông bố dượng tìm Thành. Căn nhà đóng cửa im ỉm. Ông bố dượng đã về hưu và trở về quê sống. Tôi không còn mối liên hệ nào với Thành nữa nên bỏ ý định tìm cậu ta.

Năm 96, tình cờ gặp một thanh niên ở quán nước vỉa hè. Cả hai nhìn nhau ngờ ngợ, một lúc thì nhận ra nhau. Tôi hỏi: “Ông về lâu chưa?”. Thanh niên kia trả lời: “Đấy, về cùng đợt với vợ chồng Thành. Nhà máy giải tán, làm ăn cũng khó nên bọn tôi về”. Câu chuyện dắt tôi quay lại vụ “làm vàng” cùng Thành năm xưa. Thanh niên kia chính là một trong những người tôi gặp ở cửa nhà tay bác sĩ. Tôi thanh minh: “Thật với ông là hồi ấy tôi có biết chuyện gì đâu. Tôi thấy Thành rủ đi thì đi. Sau biết là các ông đang tranh giành nên cũng rút”. Thanh niên kia bảo: “Tối hôm ấy bọn tôi cũng tính nói chuyện phải trái với ông. Nhưng cuối cùng lại thôi, bảo đợi thêm lần nữa xem sao”. Tôi cười: “May nhỉ. Tối hôm ấy mà đụng khéo đầu rơi máu chảy. Những lần sau tôi không đi nữa”. Đến lượt tay thanh niên cười: “Cũng chẳng còn lần sau. Tay bác sĩ bị bắt. Vàng thì tăng giá lên ngang với chợ đen. Thế nên vợ chồng Thành nó mới về”. Tôi hỏi: “Ông có tin tức gì về vợ chồng nó không?”. Tay thanh niên kia bảo: “Bỏ nhau rồi. Thành lang thang không nhà không cửa, năm nào cánh công nhân ở Riga cũng gặp nhau một ngày ôn lại kỷ niệm”. Tôi bảo: “Nếu ông gặp nó thì nhắn nó tìm tôi nhé”.

Một chiều hè năm 97, ánh nắng đã gần tắt, tôi đang sửa soạn ra về thì thấy nhộn nhạo ngoài cổng công ty. Thành tóc tai rũ rượi, bết lại từng mảng. Giữa mùa hè nhưng anh ta vận chiếc áo da đen dày cộp, cứng quèo được may bằng da giày ăn cắp ở nhà máy, là chiếc áo mặc khi đón tôi lần đầu ở ga. Nhìn thấy tôi, Thành rút từ trong người ra một con dao phay, khua khua trên đầu, miệng lảm nhảm: “Nhà nước cấp cho tao giấy phép chém người. Tao vừa chém một thằng cảnh sát giao thông đấy. Thằng nào cản tao nào?”. Tôi bảo tay bảo vệ: “Bạn tôi đấy. Cho vào đi”. Tay bảo vệ nhìn tôi như từ trên trời rơi xuống.

Nhấp một ngụm trà nóng tôi pha, Thành đặt con dao phay xuống bàn, thò tay móc một túi nhựa vàng ố trong người. Thành nhắc lại: “Tớ bị tâm thần. Nhà nước cho tớ chém người thoải mái mà không bị tội”. Tôi nhận ra cách xưng hô với tôi đã thay đổi. Từ tôi chuyển sang tớ, nghe thân mật hơn. Tôi cười: “Nào kể xem đầu đuôi thế nào”.

Sau khi từ Mátxcơva trở về, vợ chồng Thành về hẳn quê vợ. Họ dồn tiền mua một mảnh đất và cất một ngôi nhà hai tầng. Hằng xin được một công việc ở cơ quan bố. Thành loay hoay tìm việc không được đành đi làm phu hồ. Tình cảm vợ chồng cũng nguội lạnh dần theo năm tháng cộng với áp lực cuộc sống quá cao. Trong một tai nạn lao động, Thành bị ngã từ trên giàn giáo tầng ba xuống đất, gãy hai đùi, may mà không chết. Thành phát bệnh tâm thần và họ ly dị nhau. Thành ra đi với chiếc xe máy cà tàng mang tên bố dượng, không tài sản, không con cái. Cậu ta lang thang cả năm nay trên chiếc xe, ăn bờ ngủ bụi, sống dựa vào lòng tốt của bạn bè cũ để đi tìm công lý.

Tôi bảo: “Đưa hồ sơ đây tôi xem nào”.

Thành đưa tôi chiếc túi nhựa ố vàng. Bên trong là những giấy tờ được photo sờn rách, nhưng đủ cả những loại cần thiết. Tôi xem xong một lượt. Hỏi: “Giờ ông muốn gì?”. Thành bảo: “Tôi muốn được chia nửa cái nhà và nuôi đứa con gái”. Tôi bảo: “Tôi có thể giúp ông lấy lại nửa cái nhà, nhưng con thì không. Ông không đủ năng lực hành vi dân sự để tòa giao nuôi con”. Thành bảo: “Bố nó có quan hệ với trung ương? Giờ bố nó quát một tiếng cả huyện sợ”.

Tôi đưa cho Thành ít tiền, bảo về đi, để lại giấy tờ cho tôi rồi liên lạc lại sau. Thành đứng dậy, với con dao phay giắt vào thắt lưng, miệng lảm nhảm: “Chém… chém hết”. Lúc này trời đã tối, chiếc xe máy 82 màu cửu long của Thành mất hút vào bóng đêm, vọng lại tiếng nổ cành cạch của đôi su páp bị mòn.

Ngay trong tuần ấy tôi phóng xe lên Thái Nguyên. Phải nói thêm là lúc này tôi đã mở một công ty để kinh doanh, đồng thời đang tập sự ở đoàn luật sư Hà Tây. Tôi đứng trước cổng Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên một lúc rồi quyết định chưa vào đó. Tôi tìm đoàn luật sư tỉnh và muốn tham khảo ý kiến các đồng nghiệp trước khi hành động.

Sau một hồi hỏi han, hóa ra tỉnh Thái Nguyên không có đoàn luật sư. Chỉ có mấy viên chức tư pháp về hưu kiêm nhiệm luật sư chỉ định ở những vụ án mà pháp luật quy định. Họ làm việc ở dãy nhà cấp bốn phía sau tòa án, nơi kết thúc một con dốc bằng đất đỏ. Chiếc xe Honda Accord màu trắng của tôi kéo theo một vệt bụi đỏ lòm mù trời rồi dừng lại trước dãy nhà cấp bốn.

Tiếp tôi là một cụ tầm bảy mươi tuổi, chân tay rung bần bật. Cụ tên là Mỹ, xưa kia là thư ký tòa án. Tôi vào đề luôn: “Thưa chú, cháu muốn lật lại một vụ án dân sự và muốn tham khảo ý kiến của chú”. Cụ Mỹ giọng run run do tuổi cao, rót cho tôi cốc nước, hỏi: “Anh có những gì rồi?”. Tôi trình bày: “Vụ ly hôn này vi phạm tố tụng. Đương sự bị tâm thần phân liệt, không đủ năng lực hành vi dân sự nhưng không có người giám hộ. Quyết định thuận tình ly hôn của tòa án đã có hiệu lực hơn một năm nay và đương sự không được hưởng gì trong số tài sản chung phát sinh sau hôn nhân. Cháu muốn lật lại theo trình tự Giám đốc thẩm”.

Cụ Mỹ móc cái kính mốc thếch từ trong người ra, đeo lên mắt, đón tập hồ sơ từ tay tôi, nhấm nhấm nước bọt vào ngón tay trỏ, chậm rãi giở từng trang. Một lúc sau cụ ngửng lên, kéo cặp kính trễ xuống sống mũi, cụ nhìn tôi, bảo: “Anh nói đúng rồi, thiếu người giám hộ”. Cụ quay ra cửa nhìn chiếc xe ô tô bám bụi đường đỏ ngầu như phù sa, rồi lại nhìn tôi chăm chú, một lúc sau cụ mới hỏi: “Tôi hỏi khí không phải. Anh quan hệ thế nào với đương sự?”. Tôi trả lời ngay không chút đắn đo: “Là bạn chú ạ”. Cụ Mỹ cúi xuống tập hồ sơ, chậm rãi xem lại, vẫn giọng run run, cụ bảo: “Anh để hồ sơ lại đây, tôi sẽ giúp anh. Trước hết phải nhờ anh em bên tòa án tỉnh kiểm tra lại vụ này dưới huyện cho chắc chắn rồi mới tính tiếp được. Những gì anh mang đến chỉ là bản sao photo nên chưa thể nói được gì”.

Tôi cảm ơn cụ Mỹ rồi ra về. Cụ lập cập tiễn tôi ra đến xe. Qua gương chiếu hậu còn nhìn thấy bàn tay xương xẩu già nua vẫy vẫy cho đến khi khuất hẳn sau khúc ngoặt.

Hai tuần sau tôi điện lại cho cụ Mỹ. Bên kia đầu máy cụ bảo: “Anh em đang kiểm tra, chưa có tin tức gì”.

Hai tuần nữa tôi lại điện, cụ bảo: “Kiểm tra rồi, đúng như anh nhận định, ta có thể triển khai theo hướng Giám đốc thẩm”. Tôi bảo: “Mai cháu lên”.

Vẫn tiếp tôi trong căn nhà cấp bốn xiêu vẹo, nhưng cụ Mỹ có vẻ cởi mở hơn rất nhiều. Cụ hỏi: “Sao anh không vào đoàn luật sư Hà Nội, lại phải về đoàn luật sư Hà Tây làm gì cho xa?”. Tôi bảo: “Chú ở trên này nên không biết. Vào đoàn luật sư Hà Nội khó hơn lên giời. Vừa rồi kết nạp mấy trường hợp, nhưng đấy là ông bà nghỉ thì cho cháu vào thế chỗ, không có người ngoài đâu chú”. Cụ Mỹ bảo: “Để tôi giới thiệu anh cho chủ nhiệm đoàn, trước đây chúng tôi là bạn”. Tôi xua tay: “Cháu cảm ơn chú, nhưng chắc không cần đâu, ở đoàn luật sư Hà Tây cháu cũng sắp hết thời hạn tập sự rồi, chuẩn bị lên chính thức”. Cụ Mỹ cười cười: “Anh đã là một luật sư trưởng thành”.

Sau một thời gian ngắn chạy đi chạy lại của hai chú cháu, Tòa án nhân dân tỉnh kháng nghị và bản án được xét lại theo trình tự Giám đốc thẩm. Hội đồng Giám đốc thẩm hủy quyết định thuận tình ly hôn, giao lại cho Tòa sơ thẩm xét xử lại.

Như đoán trước được băn khoăn của tôi, cụ Mỹ bảo: “Anh có thể đứng với tư cách luật sư trong vụ án này cũng được, nếu muốn. Còn không ngại thì thôi. Những gì anh làm đến thời điểm này là sự chuẩn bị rất cẩn thận của một luật sư đã trưởng thành. Tôi nói trưởng thành là ở cái tâm. Luật sư phải có cái tâm mới làm được. Tôi sẽ đứng ở vị trí giám hộ, vẫn có thể bảo vệ quyền lợi cho đương sự như luật sư, không cần phải có anh nữa vì vụ án này cũng đơn giản”.

Tôi qua nhà cụ Mỹ, ngồi rất lâu nhưng không biết nói gì. Tôi muốn biếu cụ ít tiền như là đã thuê cụ làm việc này cho tôi, một sự trao đổi hết sức bình thường trong quan hệ thân chủ với luật sư. Cụ Mỹ không nhận, bảo: “Anh giúp bạn anh, một người tâm thần. Tại sao tôi không giúp được anh, một người hết lòng vì bạn?”.

Tòa sơ thẩm xử lại và Thành được chia một số tiền. Tôi yêu cầu cậu ta về quê mua đất, quay lại với cuộc sống của anh nông dân như trước khi đi xuất khẩu lao động. Cậu ta cần một cuộc sống thanh bình sau những gì đã trải qua.

Một năm sau Thành lên Hà Nội tìm tôi. Cậu ta cầm theo một gói giấy báo lùm lùm to hơn bàn tay một tí, bảo: “Tớ có mấy lạng bột sắn cho thằng cu nhà cậu trồng từ mảnh đất mua được sau khi cậu giúp tớ. Quà nhỏ nhưng là tình cảm. Cậu nhận cho tớ”.

Tôi rất cảm động và vui mừng vì món quà này. Không quên đưa cho bạn thêm ít tiền, dặn phải trồng thêm cái gì, nuôi thêm con gì cho cuộc sống sung túc hơn.

Tôi cầm gói bột sắn về đưa cho vợ, bảo: “Đây là thù lao đỉnh cao của đời làm nghề”. Vợ đổ gói bột sắn vào chiếc bình pha lê đẹp, dán băng keo miệng nắp, không dám ăn.

[1] Cửa làm ăn (Tiếng lóng).

Vĩ thanh

Bạn đọc có thể coi đây là một truyện ngắn với những tình tiết hư cấu, cũng có thể coi là một đoạn hồi ức của người viết, thậm chí là một câu chuyện bông phèng. Nghĩ về câu chuyện này thế nào cũng được. Tôi không phản đối.

Với tôi nó là một kỷ niệm buồn. Tôi chỉ thấy buồn, nhưng không có ý định tìm hiểu tại sao nó buồn.

Các bạn sẽ có một truyện ngắn đầy nhân văn nếu câu chuyện dừng lại đúng lúc ở chi tiết gói bột sắn dây. Nhân văn quá đi chứ. Một người bạn thoảng qua trong đời mà người viết truyện này lặn lội ngược xuôi giúp đỡ, một luật sư già cảm kích trước tình bạn không vụ lợi nên cũng ghé vai gánh vác cùng một vụ án tưởng đơn giản mà cũng phức tạp bởi các quan hệ thân hữu. Cuối cùng họ vẫn chiến thắng và nhận thù lao là một gói bột sắn dây.

Nhưng cuộc đời phức tạp lắm, không tròn trịa như một truyện ngắn. Thành vẫn tiếp tục gặp tôi với tập hồ sơ khác, nhờ tôi đi kiện nước Liên Xô đã đánh cắp tuổi trẻ của cậu. Cậu đòi lấy vợ, phải là sinh viên chứ không phải nông dân. Cậu muốn tôi đầu tư cho một hồ nuôi cá rộng mấy héc ta, muốn tôi mua thêm đất cho cậu, nhưng tôi từ chối. Mỗi lần Thành lên tìm tôi, tôi chỉ có thể lắng nghe rồi gửi cậu ấy ít kinh phí đi đường.

Thành lúc tỉnh, lúc mê. Tôi chỉ muốn cậu ấy sống một cuộc sống bình thường. Nhưng có vẻ cậu ấy không muốn thế.

Vì một lý do khách quan khác, công ty tôi chuyển trụ sở. Tôi cũng thay số điện thoại và kết thúc một mối quan hệ.

Tôi cũng không được trở thành luật sư chính thức vì nhiều nguyên nhân, kết thúc một nghề mất hai năm tập sự.

Tôi có cảm giác rằng Thành không điên, nhất là khi nói về tiền. Và tôi không có ý định tìm hiểu sự thật này.

Mùng 2 Tết Tân Mão


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx