sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

12. Roi đời - Phần 1

Roi đời

Truyện dài

Nhà Thừa có ba anh em trai. Bố gã muốn đẻ thêm một đứa nữa để phá thế tam nam bất phú, nhưng mẹ gã cự tuyệt vì lý do: lấy gì mà ăn!

Anh Cả hơn Thừa ba tuổi, hằng ngày phải kiếm rau và nấu cám cho lợn, còn Thừa tìm rau cho lũ thỏ. Cậu Út còn bé, đang đi mẫu giáo nên không phải làm gì.

Cái đầm nước mênh mông này là thiên đường của Thừa. Gã từng nhiều lần trốn học ra đây vẫy vùng cùng lũ trẻ thất học. Chính bọn trẻ dạy cho gã biết bơi. Kiểu bơi tự phát của bọn chúng rất đơn giản, dễ học và hiệu quả. Hai tay dìm dưới nước xỉa xỉa ra phía trước rồi kéo nước xuống dưới giống như chân chó đang chạy là bơi chó. Tay quạt sang ngang lùa nước hai bên là bơi ếch. Tay vượt lên mặt nước quạt như mái chèo là bơi sải. Tất cả các kiểu bơi đều ngóc đầu lên khỏi mặt nước, hai chân đạp cùng một nhịp như bơi ếch. Chỉ ba buổi là Thừa như con rái cá. Gã biết chỗ nào có thể đào được củ ngó sen, ăn vừa ngọt vừa mát. Chỗ nào có hố đấu sâu hun hút, giữa hè lặn xuống nước vẫn lạnh buốt tai. Mé bên này rau dệu, rau ngổ mọc nhiều nhưng mạn kia lại chỉ có rau muống. Ở giữa đầm trông nước mênh mông phát sợ nhưng lại không sâu, nước chỉ xâm xấp thắt lưng.

Hôm trước vừa có người trượt chân chết đuối ngoài đầm nên Thừa bảo: “Anh không biết bơi, đi lấy rau thỏ đi. Để em lấy rau lợn”. Anh Cả lo lắng: “Nặng lắm đấy. Em cứ vớt lên bờ, rồi anh gánh về cho”.

Một buổi chiều, Thừa đợi mãi không thấy anh Cả ra giúp, gã ì ạch kéo tải rau lợn về nhà. Anh Cả cởi trần ngồi ở bậu cửa, mặt tái nhợt. Manh áo được lột ra buộc chặt vào bàn chân. Máu thấm ra ướt đầm, dính lem nhem ra nền gạch. Bên cạnh vẫn còn nắm rau lang mới hái, nhựa ứa ra ở đầu cọng rau màu trắng đục như sữa. Cậu Út ngồi i ỉ khóc. Thừa quẳng tải rau lợn, chạy vội đến, hỏi:

- Anh Cả, sao thế này?

- Anh giẫm phải mảnh chai. - Anh Cả nói. - Cái lỗ chui rào hôm nay nhiều mảnh chai quá.

- Để em đi xin ít thuốc lào rịt cầm máu. - Nói rồi Thừa nhỏm dậy định chạy đi.

Vừa lúc ấy bố gã về. Nụ cười ngoài đường trên môi bố gã tắt rụp. Bố gã lẳng chiếc xe đạp đánh rầm, lao vào trong nhà lấy chiếc thắt lưng vụt tới tấp vào đầu, vào người anh Cả. Vừa đánh, vừa chửi: “Thằng ôn vật này… thằng ôn vật này. Tao đánh cho mày chết, đánh cho mày chừa thói nghịch ngợm. Mày thấy tao chưa đủ khổ hay sao mà mày lại còn hành hạ tao nữa”. Anh Cả hai tay ôm lấy đầu, người cong như con tôm, quằn quại dưới nền đất, không ngớt lời van xin: “Con xin bố… Con xin bố…”. Thừa nhảy lên ôm chặt lấy bố, nhưng gã quá bé nên chỉ bám được vào phần thắt lưng, lủng lẳng như một con khỉ. Bố gã lắc người một cái khiến gã bắn ra xa đến hàng mét, lăn lông lốc như trái dừa. Gã lại chồm dậy, lao vào đỡ đòn cho anh Cả. Chiếc dây lưng vun vút trên không trung đập bem bép lên da thịt gã, rớm máu. Gã mím chặt môi, không kêu một tiếng, nằm đè lên người anh Cả. Bố gã thấy vậy thì dừng đánh bằng thắt lưng, co chân sút hực một cái vào mạng sườn gã rồi bỏ vào nhà. Cậu Út sợ quá, chạy ra ngoài đường ngồi.

Bố gã là kỹ sư điện, người dong dỏng cao và rất đỏm dáng. Ông thường vận bộ cánh áo po-pơ-lin trắng bóc, bỏ trong quần si-mi-li màu xanh sậm khi ra đường. Miệng túi áo luôn lấp lánh ánh bạc của nắp chiếc bút máy Kim Tinh. Tóc chải dầu bóng mượt vuốt ngược ra sau kèm theo nụ cười thường trực trên môi để lộ hàm răng trắng bóng, đều tăm tắp. Bố gã trí thức, khá đẹp trai và có duyên. Mẹ gã khen thế!

Gã chưa bao giờ tin bố gã là kỹ sư điện. Cả đời gã chưa thấy bố mó máy những việc liên quan đến điện trong nhà. Bóng đèn cháy, dây may-xo đứt, quạt tai voi gãy cánh… đều phải qua tay anh Cả. Bố gã bảo những việc ấy là của lũ thợ điện chứ không phải của kỹ sư. Vật duy nhất của cánh thợ điện mà bố gã dùng thành thạo là chiếc thắt lưng bảo hộ bằng da màu nâu, thay cho chiếc roi mây lỗi mốt thừa kế từ ông nội. Bố gã rất ác đòn. Anh Cả rất nhiều lần bị bố đánh thừa sống thiếu chết chẳng vì lý do gì. Bố không yêu anh Cả, thật ra ông ta cũng chẳng yêu đứa con nào, nhưng Thừa và cậu Út ít bị bố đánh hơn. Anh Cả đã cao gần bằng bố, sức sứa có khi còn khỏe hơn bố, vậy mà bị đánh chỉ dám ôm đầu van xin. Thừa từng hỏi anh Cả: “Sao anh không chống cự?”. Anh Cả cười cười bảo: “Đấy là bố của chúng ta. Sao dám chống cự”. Thừa chép miệng: “Bố cái cục cứt”. Anh cả phì cười, tay xoa xoa đầu Thừa.

Mẹ gã là công nhân cầu đường. Hàng xóm vẫn gọi mẹ gã là bà Thưởng. Bà Thưởng to như một con bò mộng, nước da đen tái, môi dày và cong, chưa cười đã hở một mảng lợi xám ngoét như miếng thịt trâu ôi. Bà Thưởng ở tổ đun nhựa đường nên lúc nào người cũng khét lẹt, tắm kiểu gì cũng không hết mùi.

Tối ấy bà Thưởng đè bố gã ra giường, ngồi lên trên bụng, tát lấy tát để, miệng rít lên:

- Thằng chuột kẹp. Thằng chó đẻ… con nó đi hái rau lang giẫm phải mảnh chai chứ làm gì mà mày đánh như quân thù quân hằn thế. Hỏi mày đã làm được gì cho cái nhà này chưa? Mày tài giỏi thì ra ngoài đường đánh nhau đi.

Bố gã nằm bẹp dưới cặp mông to bằng cái thúng của bà Thưởng, hai chân quơ quơ chấp chới, cố giãy đạp hất bà Thưởng xuống, chửi lại:

- Con điên… Con Thị Nở. Mày cứ nghĩ ra các trò bắt tội bọn ông. - Bố gã oằn người một cái, bà Thưởng mất trọng tâm nghiêng người sang bên tí thì ngã. Thừa cơ, bố gã vùng dậy, nhảy lên dùng cả hai tay tóm chặt tóc, giật ngửa đầu bà Thưởng, phun nước dãi toèn toẹt vào mặt. - Này thì thỏ này… Này thì lợn này. Khốn kiếp! Chó chết!

Sau một thoáng chới với, không hổ thẹn là dân suốt ngày bê đá vá đường, bà Thưởng cuộn mình lật sấp lấy thế, nhún người lao đầu vào cơ thể hom hem của bố gã. Cú phi thân nặng đòn, tựa cú húc của con trâu điên, hất bố gã bay lên, phấp phới như chiếc lá tre gặp gió. Bà Thưởng định nhảy lên đè đầu gối vào ngực để khống chế tuyệt đối, nhưng thấy đối phương đã mất sức chiến đấu sau cú húc vừa rồi nên tha. Mồm bà Thưởng ngoạc ra cho bõ hờn: “Không thỏ không lợn lấy cứt bôi cho bóng mép chúng mày à?”. Rồi bà ngồi thừ ra, mếu máo: “Giời ơi sao đời tôi khổ thế này. Chồng chả ra chồng, con không ra con”. Giọt nước mắt to bằng hòn bi ve rơi lộp độp xuống chiếu.

Anh Cả nằm dưới đất quay mặt vào tường vờ ngủ. Thừa ngồi bó gối, mắt thao láo nhìn cuộc ẩu đả. Sắc mặt gã không một chút biến đổi. Gã đã quá quen với cảnh tượng này. Cậu Út chui xuống gậm bàn, tay bấu chặt lấy chân bàn, nhắm tịt mắt lại.

Trong nhà bà Thưởng luôn là người khơi mào việc chăn nuôi phụ giúp nguồn dinh dưỡng cho gia đình. Mấy năm trước bà xin đâu được một con ngỗng sư tử. Lúc mới nở ngỗng chỉ bằng nắm tay người lớn, lông màu vàng tơ óng ả. Nuôi vài tháng đã lớn bằng con chó, thêm thời gian nữa to gần bằng con lợn, lông ngả sang màu trắng sữa. Hằng ngày Thừa và anh Cả thay phiên nhau cầm que tre lùa ngỗng đi kiếm ăn. Thức ăn chính của ngỗng sư tử là cỏ, nên chăn ngỗng cũng dễ, tựa tựa chăn bò chăn trâu. Thừa ngờ rằng cụ tổ của loài ngỗng này được lai giống với sư tử cho nên máu hoang dã và thói quen ăn thịt sống vẫn còn. Con ngỗng ấy rất dữ, nó có thể tấn công bất kỳ ai làm nó không hài lòng. Thừa cũng bị nó tấn công, chỉ một mi li nữa thì mẩu thịt giữa hai đùi gã đã bị con ngỗng dữ tợn kia xơi tái mất. Bà Thưởng hoảng quá đem ngỗng ra làm thịt ngay trừ hậu họa. Con ngỗng vẫn còn non, lông cánh mọc chưa đủ và màu lông mới bắt đầu ngả màu xam xám. Thịt của nó đủ cho đám thuồng luồng ba ba nhãy mồm nhãy mép hai bữa, bà Thưởng còn làm được mấy lọ ruốc mặn ăn dần. Bà Thưởng tiếc, luôn mồm: “Nuôi thêm được vài tháng nữa thì có ruốc ăn cả năm”.

Thừa nằm xuống ôm lấy anh Cả. Góc nhà này là chỗ ngủ của hai anh em. Từ ngày có cậu Út, Thừa xuống đất ngủ với anh Cả, nhường chỗ cho cậu Út trên giường. Chuột chạy rinh rích trên mái nhà, chạy từ nhà nọ sang nhà kia rồi vòng lại. Có vẻ như chúng còn đang phân vân chọn nhà nào có thể kiếm được mồi trước khi bám theo đường dây điện leo xuống. Gọi là nhà nhưng thực ra mỗi gia đình chỉ có một gian buồng mười tám mét vuông trong dãy nhà cấp bốn tập thể của xí nghiệp. Thừa thấy thương anh Cả vô cùng. Thỏ thích ăn cà rốt nhất. Mà cà rốt là thứ quý hiếm, chỉ xuất hiện trong những bữa cỗ, cũng chỉ điểm vài lát cho đĩa xào có sắc màu. Người còn chẳng có mà ăn lấy đâu cho thỏ! Món khoái khẩu thứ hai của thỏ là rau lang. Kiếm mấy món này ở thành phố quả thật là khó. Nó không phải là cỏ dại mọc hoang ngoài bãi, nhưng cũng không phải là loại rau bán ngoài chợ để mua được. Rau lang chỉ có ở trong vườn của những gia đình tranh thủ tận dụng tăng gia. Muốn lấy được rau cho thỏ ăn, chẳng còn cách nào khác là phải chui rào vào hái trộm. Gã lay lay anh Cả, thì thào:

- Em nghĩ ra cách rồi. Mình sẽ trồng rau lang. Anh em mình sẽ không phải chui rào hái trộm nữa.

- Nhà mình làm gì có vườn. - Anh Cả vẫn quay mặt vào tường, thắc mắc.

- Mình trồng rải rác. Cứ chỗ nào có đất thì mình trồng. Như ven đường chẳng hạn. Rau lang dễ sống lắm, chỉ cần vùi xuống đất là mọc. Mình lấy lá chứ có lấy củ đâu anh.

- Ừ, thôi cứ ngủ đi rồi mai tính. - Anh Cả trở người quay lại, tay đặt lên người Thừa, thiêm thiếp ngủ.

Trên giường cậu Út nói mơ cái gì ô a không rõ. Tiếng sột soạt của áo quần, tiếng xin xít như rít nước dãi, tiếng thở mỗi lúc một gấp vang lên trong đêm. Rốt cuộc đàn chuột đã không chọn nhà gã để kiếm chác. Chúng vào nhà ai cũng chẳng rõ, nhưng không còn thấy rậm rịch trên mái nhà nữa. Thừa mơ màng chìm dần vào giấc ngủ.

*


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx