sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

12. Roi đời - Phần 2

* *

Khu tập thể của xí nghiệp cầu đường số 2 có ba dãy nhà cấp bốn tường gạch, mái lợp bằng mảnh tôn cắt ra từ thùng phuy nhựa đường, nằm song song với nhau. Giữa các dãy nhà là đất lưu không dùng làm sân chung. Trên mảnh sân ấy lại có một dãy nhà nhỏ và thấp hơn. Mỗi hộ gia đình được chia một ô đối diện với nhà mình chừng sáu mét vuông để làm bếp. Hai đầu hồi của mấy dãy nhà đều đã được những hộ nhanh chân chiếm dụng xây chuồng lợn hoặc quây rào làm mảnh vườn con con trồng rau.

Bà Đạo ở cuối dãy nhà. Bà dạy môn Đạo đức ở trường cấp II. Chồng bà bị tai nạn mất cách đây vài năm. Thấy bảo là bị xe lu đổ dốc mất phanh cán nát như miếng chả nhái. Da bà trắng ởn như bạch tạng. Mái tóc chưa già đã đổ màu muối tiêu. Một cặp kính tròn dày khộp ngự trên sống mũi khoằm như mỏ con quạ. Bà chiếm được mảnh vườn to nhất. Bà Đạo chỉ trồng một luống rau, còn lại là trồng khoai lang và sắn dây. Mỗi bữa bà chỉ ăn hết vài cọng rau, một luống rau cũng là quá thừa cho người đàn bà héo hon một thân một mình.

Bà Thưởng chậm chân không chiếm được mảnh đất nào đầu hồi, bèn ngăn căn bếp ra làm đôi để nuôi lợn. Phía trên chuồng lợn bà gắn thêm cái chuồng thỏ được gá tạm bằng những thanh tre. Bà Thưởng nuôi thỏ vì muốn làm thử một bữa thỏ rô ti xem nó thơm ngon ra sao. Bộ lông thỏ còn có thể làm được mũ ấm mùa đông, thật là nhất cử lưỡng tiện. Nhưng nuôi lợn là một câu chuyện khác, là chuyện cơm áo gạo tiền của mỗi gia đình không chỉ riêng nhà bà. Nhà bà Thưởng chưa có vô tuyến. Con lợn này bán đi thừa sức sắm được cái Neptuyn 17 inch, hơn hẳn mấy cái vô tuyến bị co hình phải điều khiển bằng cách đập tay của mấy nhà hàng xóm. Khu chăn nuôi của bà Thưởng thiết kế tuy có tạm bợ và mất vệ sinh, nhưng còn hơn chán vạn những hộ ở nhà cao tầng phải nuôi lợn trên ban công.

Sáng hôm sau dường như không có trận huyết chiến tối qua, bà Thưởng lại riu ríu chuẩn bị đồ ăn trưa vào chiếc cặp lồng bằng nhôm cho bố gã đem đi làm. Bố gã chải tóc, soi tấm gương gắn ở cánh cửa tủ đứng, bảo bà Thưởng:

- Cơ quan tôi sắp phân phối săm xe đạp.

Bà Thưởng ngừng tay, bảo:

- Lần này anh phải đấu tranh đấy nhé. Lần trước đã bị mất suất rồi.

Bố gã nghiêng đầu, mắt vẫn liếc vào gương, tay vuốt vuốt tóc gáy như thể kiểm tra độ bóng mượt, thủng thẳng bảo:

- Ừ, để xem thế nào.

Bà Thưởng nhét cặp lồng vào túi lưới Liên Xô màu xanh nhạt, treo lên ghi-đông xe cho bố gã, giọng đã có phần gấp gáp hơn:

- Xem gì mà xem. Anh thì lúc nào cũng xem… xem! - Âm “xem” cuối cùng được bà Thưởng kéo dài như chiếc săm xe đạp bục măng-sông và nặng tựa ngàn cân.

Bố gã rướn người, nhét cái lược trên nóc tủ, dẩu miệng huýt sáo tu tu bài Cuộc đời vẫn đẹp sao, thong dong dắt xe ra cửa đi làm.

Anh Cả dậy sớm như mọi khi nhưng sau đó lại chui vào góc nhà nằm vì chóng mặt. Bà Thưởng thấy vậy lấy tay sờ lên trán anh Cả, miệng bảo không thấy sốt, rồi cũng dắt xe đi nốt. Ra đến cửa bà Thưởng còn dặn: “Anh ốm nên thằng Thừa nhớ cho lợn ăn. Quên là liệu thần hồn”.

Thừa đổ nồi cám lợn nấu từ tối qua vào máng rồi quay ra húp soàn soạt bát mì sợi đã trương trắng bệch, trông chẳng khác gì búi giun đũa.

Gã moi cái cặp sách dưới gậm giường, tiện đường đi học đưa luôn cậu Út qua trường mẫu giáo. Cậu Út toòng teng xách theo một chai nước, cổ chai được buộc bằng lạt giang, lon ton chạy theo, luôn miệng: “Đợi với, đợi em với”.

Trên đường đến trường, trong đầu gã xuất hiện những suy nghĩ hỗn độn. Hình ảnh của một con thỏ trắng cùng bốn con thỏ xám nhổm người ngước cặp mắt trong veo nhìn gã, hai chân trước quặp cọng dây lang đưa lên miệng nhằn nhằn đầy vẻ hưởng thụ. Vừa ăn chúng vừa ỉa. Những cục cứt màu xanh đen, to bằng đầu đũa rơi lả tả xuống dưới, rơi cả vào máng lợn. Con lợn đang hăng hái tạp tạp bữa sáng, chén luôn cả cứt thỏ mà không phàn nàn gì. Lợn nhà gã là lợn nhà nghèo nên chế độ ăn cũng nghèo. Bữa tối được ăn cám nóng cho ấm ruột. Cám lợn là một nồi thập cẩm rau ngổ, rau dệu, rau muống, rau khoai nước băm nhỏ trộn với ít khoai lang hà, sắn khô đổ nước vo gạo, nước rửa bát vào rồi ninh nhừ. Nồi cám bao giờ cũng nấu đủ hai bữa. Non nửa được để dành cho bữa sáng hôm sau. Bữa trưa lót dạ, ăn mà như chơi, một ôm rau tươi nhẩn nha đợi bữa tối là vừa. Cái giống lợn thế mà sướng, cả đời chỉ có ăn ngủ ỉa đái, chẳng phải lo toan nghĩ ngợi gì sất. Mọi thứ đã có con người lo hộ. Gã từng được giao nhiệm vụ hằng ngày đi xin nước gạo. Đấy là một việc khó tựa lên trời bởi nhà ai cũng nuôi lợn, lấy đâu nước gạo mà cho gã. Nhà gã cũng chỉ vo gạo vào bữa tối. Nước vo gạo không đủ, bà Thưởng bảo nước rửa bát lần một cũng có dinh dưỡng đừng đổ phí, để dành nấu cám lợn.

Gã nghĩ tiếp đến những con lợn nhà giàu. Liệu chúng có ăn chung loại rau ngổ lấy ở đầm nước này không? Hay là chúng được ăn thịt ngỗng sư tử như gã đã từng thưởng thức? Phải rồi, chúng chén hẳn thịt thỏ nấu rô ti chứ không phải ăn cứt thỏ như lợn nhà gã. Có thể chúng còn nằm trên giường, đầu giường lắp một cái quạt tai voi thổi ù ù cho mát. Góc chuồng có vô tuyến để chúng xem đỡ buồn.

Chà chà! Thế thì cám lợn nhà giàu chắc chắn phải ngon hơn bát mỳ gã ăn sáng nay. Chỗ mỳ để dành cho anh Cả giờ này quánh lại như bánh đúc rồi. Đợt này mỳ sợi nát quá, mấy bà hàng xóm bảo nhà nước độn thêm bột sắn vào mới vữa như thế. Hình như mẹ gã có búng vài cánh mì chính vào nồi mỳ sáng nay thì phải! Ăn ngọt lắm, ngon lắm! Ngon như phở. Mà phở là cái gì gã cũng chưa được nếm, chỉ thấy nói rằng cũng là một loại mỳ có thịt bò hoặc gà chan nước xương hầm nóng thơm ngon nhức mũi.

Gã nhìn sang hai bên dệ đường, những búi cỏ chạy dài theo con đường cái quan. Gã sẽ nhổ cỏ trồng rau lang cùng anh Cả. Cỏ mọc được thì cớ gì rau lang không mọc được. Gã sẽ tìm mọi cách để thỏ có rau ăn mà không phải chui rào vào vườn nhà bà Đạo. Con mụ Đạo ấy độc ác như Bạch Cốt Tinh. Nhất định gã sẽ nghĩ ra cái gì đó phá hoại vườn rau nhà mụ ấy. Làm gì bây giờ nhỉ? Đốt nhà, giết người, nhổ rau, cắt gốc sắn dây, ném cứt vào cửa mụ ấy sẽ biết ngay anh em gã trả thù. Phải làm cái gì kín đáo hơn chứ. Gã chưa biết phải làm gì, nhưng chắc chắn là sẽ nghĩ ra. Chắc chắn đấy! Gã thấy mình như Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh. Mà đúng như thế thật, gã đã hàng ngàn lần nghe thấy người ta bảo: “Trông mày chẳng khác gì một con khỉ đực”. Tôn Ngộ Không là khỉ chứ có phải là người đâu!?

- Thằng kia! Đứng lại! - Tiếng ông bảo vệ gọi giật giọng.

- Bác gọi cháu à? - Thừa hỏi lại.

- Không gọi mày thì gọi ai. - Ông bảo vệ cầm cái dùi trống to bằng cổ tay, dứ dứ lên không trung cho thêm phần hung dữ. - Ra khỏi trường ngay, ăn mặc thế kia ai cho mày vào lớp, hả!

Gã liếc nhanh xuống dưới. Cái rốn lồi to bằng quả nho thường được ngụy trang dưới manh áo, giờ đang bày ra trước mắt thiên hạ, phập phồng theo từng nhịp thở. Chiếc quần đùi bố gã thải ra, qua tay anh Cả rồi mới đến lượt gã, cũ và bẩn đến độ không phân biệt được màu sắc, chỉ thấy những vết loang lổ đậm nhạt khác nhau. Hai cẳng chân mốc meo, đen nhẻm, to bằng cán xẻng thò ra từ hai ống quần rộng thùng thình. Dưới cùng là hai bàn chân bạc phếch, nứt nẻ với mười ngón chân tòe ra như nan quạt giấy. Móng chân của gã ngâm bùn, màu đỏ quạch như thể được nhuộm bằng lá móng trong ngày Tết giết sâu bọ của lũ trẻ nông thôn. Gã khẽ nhún chân, nhún cả vai nữa, như một kiểu chấp nhận vô điều kiện quyết định của ông bảo vệ. Gã quay ra cổng trường, nhảy chân sáo đi về phía đầm nước. Ở đấy không có bất kỳ một sự ràng buộc nào về trang phục và thẩm mỹ.

Ông bảo vệ nhìn theo cái bóng loắt choắt khuất dần, nhổ một bãi nước bọt to như bãi nước đái trâu, rủa theo: “Người với ngợm. Tanh lòm!”. Nói rồi ông dang tay nện mạnh chiếc dùi gỗ vào mặt trống bằng da trâu vẫn còn tua tủa lông đen. Tiếng trống tùng tùng vô cùng giòn giã, báo hiệu giờ học đã bắt đầu.

Gần trưa gã về nhà thấy anh Cả nằm mê man, mặt đỏ rực như quả cà chua, vết rách ở bàn chân tấy hồng, nóng hừng hực. Gã hỏi: “Anh Cả ăn gì chưa?”. Anh Cả mệt mỏi ngồi dậy, tựa lưng vào tường, bảo: “Rồi, anh ăn tí mỳ”. Bát mỳ vẫn đặt ở dưới đất, đặc như bát thạch cao, vẹt mất mấy thìa. Gã bảo: “Anh ăn ít quá. Để em đi pha cho anh cốc nước đường. Anh biết mẹ giấu đường ở đâu không?”. Anh Cả lắc đầu.

Sực nhớ đến lời mẹ gã dặn trước lúc đi làm, gã xuống bếp ném một ôm rau vào chuồng lợn. Con lợn cũng giở chứng, bỏ ăn, nằm ì ở góc chuồng, thờ ơ nhìn những ngọn rau muống xanh mướt mà Thừa cất công lội sang bờ bên kia lấy cho bằng được. Giữa trưa, không khí trong bếp nóng hầm hập, mùi cứt lợn bốc lên nồng nặc, thối hoắc. Tiếng đập cánh của bầy nhặng o o lúc xa lúc gần.

Buổi chiếu bố gã về trước, lúc gã vừa ghế xong nồi cơm, đang vần dở nồi cám lợn. Bố gã dựng chiếc xe đạp Mifa ở ngoài cửa, khóa lại cẩn thận rồi mới vào nhà. Chiếc xe đấy mới mua, là kết quả của hai lứa lợn mà hai anh em gã đầu tắt mặt tối chăm nom. Gã muốn nhà có một chiếc vô tuyến để không phải vác ghế đi xem nhờ hàng xóm. Đài truyền hình đang chiếu bộ phim chiến đấu dài tập Trên từng cây số rất hấp dẫn. Bà Thưởng bảo: “Các con chịu khó đi xem nhờ. Năm sau nhà mình sẽ mua vô tuyến. Để mẹ đổi cái xe cho bố”. Gã tiu nghỉu, không dám phản đối, nhưng trong lòng thì ấm ức vô cùng.

Bố gã hỏi anh Cả: “Chân cẳng thế nào?”. Anh Cả bảo: “Không sao đâu. Bố đừng lo”. Bố gã lại nói: “Thế cho mày bớt nghịch”, rồi nhướn người lấy bánh xà phòng thơm trên nóc tủ, xách xô nước ra bể công cộng tắm.

Bà Thưởng về, chiếc khăn mùi soa thay cho quai nón che kín nửa khuôn mặt, trên ghi-đông xe lủng lẳng một con cá mè ươn to bằng bàn tay, mắt đục trắng nhờ, bốc mùi tanh lợm. Gã chạy ra đón xe cho mẹ gã, bảo: “Con bắt được ít cua. Mẹ nấu bát canh cua để anh Cả ăn cho có dinh dưỡng. Hôm qua mất máu nhiều”. Bà Thưởng hỏi lại: “Nó làm sao?”. Rồi như không đợi câu trả lời của Thừa, bà nói tiếp: “Làm sạch con cá này đi”. Thừa xách con cá xuống bếp, ngoái lại thông báo: “Lợn bỏ ăn mẹ ạ”. Bà Thưởng nghe thấy vậy, dựng ngay xe ở giữa sân, quên cởi nón, lao vội vào bếp. Bà Thưởng nhìn con lợn nằm bệt, nặng nhọc dùng cái đuôi đập bẹt bẹt đuổi ruồi, phán đoán: “Lợn bị ốm rồi. Có khi tại trời nóng quá”. Bà Thưởng mở vung nồi cám rồi đổ ụp mấy con cua đang bò lổm ngổm trong chiếc chậu nhôm vào. Bà không nhìn Thừa, bảo: “Nhà mình hôm nay có cá rồi, cho con lợn ít dinh dưỡng”. Thực ra Thừa cũng không hiểu từ dinh dưỡng là gì. Trẻ con bị suy dinh dưỡng vì thiếu ăn, như gã là một ví dụ. Tất cả những thực phẩm không phải là đĩa rau luộc hằng ngày đều được bà Thưởng gọi chung là dinh dưỡng. Thừa đứng ở cửa bếp, mồ hôi lấm tấm rịn ở trán, ở hai bên thái dương và khóe mắt.

Tự nhiên gã thấy ghét con lợn thế!

Con lợn vẫn không ăn, mặc dù nồi cám hôm nay có thêm dinh dưỡng: tinh bột sắn từ bát mỳ của anh Cả, mớ cua đồng của Thừa. Bà Thưởng sốt ruột chạy ra chạy vào, chả thiết ăn tối. Hai mẹ con thay nhau đứng quạt cho lợn. Bố và cậu Út ăn cơm trước rồi sang nhà hàng xóm uống nước đợi xem vô tuyến.

Bà Thưởng như chợt nhớ ra điều gì, à lên một tiếng rõ to rồi te tái chạy đi mất. Một lát sau bà về, đi cùng với một người đàn ông chân đi cà nhắc. Gã biết người đàn ông này. Ông ta tên là Sinh, ở dãy nhà sau trong khu tập thể. Ông ta là thương binh, về mất sức chỉ bốc thuốc, chữa bệnh bằng cả đông y lẫn tây y cho người và lợn gà ở khu này. Bọn trẻ con kháo nhau rằng, chính chúng nó tận mắt chứng kiến ông ta cởi truồng nằm trên giường, tự tiêm vào mông mình dễ như bỏ cái kẹo dồi vào mồm. Ông Sinh ở một mình. Trước kia có vợ ở cùng, nhưng bà ấy đã bỏ đi theo một tay lái xe đường dài vì ông Sinh không có con. Ông ấy phải ngồi đái như đàn bà.

Ông Sinh vỗ vỗ vào con lợn, lấy cái que khều khều bãi cứt, bảo: “Nó bị đi ỉa chảy thôi”. Bà Thưởng nhìn ông Sinh nghi ngờ, hỏi lại: “Ỉa chảy à? Có vẻ là táo bón ấy chứ”. Ông Sinh lại nói: “Giờ là táo bón, nhưng tí sẽ ỉa chảy. Tiêm vài mũi là khỏi thôi mà. Chắc tại ăn phải cái gì không hợp”. Bà Thưởng nghe vậy quay sang hỏi Thừa: “Mày có cho lợn ăn linh tinh gì không?”. Thừa định bảo: “Nó ăn cứt thỏ”, nhưng chợt nhớ đấy chỉ là sự tưởng tượng của gã nên lắc đầu: “Không”. Cùng lúc ấy, từ đít con lợn phun ra một bãi nhầy nhầy, màu vàng nhạt, thối ủm. Ông Sinh đắc ý: “Đấy, tôi bảo mà, ỉa chảy là ỉa chảy”. Bà Thưởng gật gù đầy vẻ khâm phục, tâm trạng phấn khởi hẳn lên. Nói rồi bà đè nghiến con lợn xuống, giữ chặt cho ông Sinh cắm cái xi lanh vào mông. Chiếc xi lanh to bằng ngón chân cái, dài cỡ gang tay, kim tiêm như que tăm, nhìn phát khiếp!

Gã nhảy chân sáo lên nhà rồi lại vòng xuống bếp, bảo: “Anh Cả nóng lắm mẹ ạ”.

Bà Thưởng chợt nhớ anh Cả đang ốm. Từ chiều đến giờ tâm trí bà dồn vào con lợn, quên béng mất chuyện này. Bà bảo ông Sinh: “Tiện thể bác lên xem giúp cho thằng Cả, giẫm phải mảnh chai đang sốt nóng hầm hập”. Ông Sinh cất xi lanh vào trong cái túi xách đã sờn rách. Ông ta xoa hai tay vào nhau, nhún một cái bay qua thành chuồng lợn, nhẹ như không.

Ông Sinh xem vết thương ở chân anh Cả, hỏi: “Bị hôm nào?”. Thừa nhanh nhảu: “Bị hôm qua, mảnh chai trong vườn bà Đạo”. Ông Sinh nghe vậy gừ gừ trong cổ họng, lấy mấy ngón tay nắn nắn hàm anh Cả, bảo: “Mềm lắm. Không có triệu chứng uốn ván. Chắc chỉ nhiễm trùng thường thôi. Có kháng sinh thì uống, không thì nó cũng tự khỏi. Cẩn thận thì mai tôi tiêm cho một mũi uốn ván phòng xa. Nhưng phải mai, chứ giờ không có thuốc ở nhà”. Bà Thưởng cứ luôn miệng: “Quý hóa quá! Em cảm ơn bác… cảm ơn bác”. Ông Sinh nhìn quanh, hỏi: “Chú ấy đâu rồi?”. Bà Thưởng bảo: “Tối nhà em hay đi uống nước, xem phim, chả biết giờ đang ở nhà nào”. Ông Sinh bảo: “Thôi tôi về đây. Để tôi trị dứt bệnh ỉa chảy cho lợn và tiêm cho cháu rồi tính tiền luôn một thể”. Chưa dứt câu đã thấy ông Sinh biến mất, đi nhanh hơn người chân lành.

*

* *

Anh em gã kỳ cụi giẫy những búi cỏ ven đường để thay thế bằng những nhánh rau lang bánh tẻ do đích thân Thừa tuyển chọn tại vườn rau bà Đạo. Không đầy một tuần sau dây lang đã bén rễ, ngọn rau lang mơn mởn bò trên mặt đất rồi ngóc đầu lên như những con rắn chui ra từ bao tải theo tiếng kèn. Lòng gã hân hoan vô cùng. Chẳng mấy chốc đám rau lang này sẽ là nguồn thực phẩm dồi dào và thường xuyên cho lũ thỏ nhà gã. Gã và anh Cả sẽ không phải thậm thụt dấm dúi chui vườn hái trộm rau lang nữa.

Ấy thế mà chỉ trong một đêm, nhà nào nhổ trộm sạch sẽ không còn cả rễ. Bao nhiêu nhà ở khu này nuôi lợn, biết vu cho ai bây giờ?

Chiều hôm ấy, anh Cả và gã đang mon men tìm cách chui vào vườn bà Đạo hái trộm rau, ông Sinh bất ngờ xuất hiện như rơi từ trên trời xuống. Gã bối rối, lấy ngón chân di di xuống đất, hai tay xoắn vặn vào nhau, cười ngô nghê: “Chào bác. Bác đi đâu mà lại qua lối này?”. Ông Sinh như đọc được tình huống khó xử của gã, ông mách: “Ngoài rau lang ra, thỏ ăn được rau muống, lá sắn dây. Nhưng đừng để rau ướt, thỏ đau bụng”. Khuôn mặt ủ ê của Thừa sáng bừng lên, luôn miệng hỏi: “Thật à? Có thật thế không?”. Không thể chờ đợi thêm một giây phút nào nữa, gã chạy như bay về nhà, chọn mấy cọng rau muống ngon nhất trong tải rau lợn vứt vào chuồng thỏ. Lũ thỏ ăn một cách ngon lành chẳng khác gì gã chén thịt ngỗng sư tử. Thừa ngây người, trong lòng trào dâng vô bờ bến sự biết ơn ông Sinh.

Trồng thêm khóm sắn dây thì quá đơn giản, chỉ cần vùi một nhánh xuống ô đất cạnh cửa bếp, sắn dây sẽ bám tường leo lên mái. Vừa mát vừa có rau ăn cho cả lũ thỏ.

Chỉ mấy tháng sau, lũ thỏ mây mẩy, to bằng bắp chân bà Thưởng. Hôm ấy là Chủ nhật, ông bà Thưởng dậy muộn. Bên ngoài mặt trời đã lên, rải những tia nắng thu yếu ớt trên mặt sân. Những chiếc lá vàng vương vãi, thỉnh thoảng lại bốc lên, bay lả tả mỗi khi có ngọn gió heo may lướt qua. Thừa nằm cuộn mình trong chiếc chăn mỏng vì se lạnh. Anh Cả đã dậy từ sớm, lụi hụi nấu mỳ cho cả nhà và cho lợn ăn. Bà Thưởng vẫn nằm trên giường, đột nhiên bảo:

- Thèm thỏ rô ti quá. Thịt được rồi đấy.

- Thịt con thỏ trắng nhé. Con thích mũ lông trắng. - Cậu Út nghe vậy vội vàng đề xuất.

- Anh này! - Bà Thưởng đập đập tay vào bố gã. - Anh cắt tiết thỏ nhé.

- Ừm ừm. - Bố gã khừ khừ trong cổ họng, trở mình nhưng không dậy.

- Muốn ăn thì lăn vào bếp. Nằm đấy mà có thỏ rô ti dâng lên miệng! - Bà Thưởng đã bắt đầu cao giọng.

- Ừm ừm. - Bố gã vẫn không nói gì, chỉ khừ khừ trong cổ họng.

Cậu Út tụt xuống giường, chạy vòng quanh nhà, reo vang: “Được ăn thịt thỏ, được ăn thịt thỏ. Ngon ngon”. Anh Cả chạy lên hỏi: “Thật à?”. Thừa bảo: “Thật! Thịt con thỏ trắng anh Cả à”. Anh Cả lại đi xuống bếp, không nói câu gì.

Bố gã treo ngược con thỏ trắng lên dây phơi, trông hệt một cục bông. Con thỏ trắng giãy giụa, cái mũi màu hồng thở phập phồng, đôi mắt to tròn đen mướt ươn ướt như có nước mắt. Tay trái bố gã túm chặt lấy đôi tai thỏ kéo xuống cho căng, tay phải cầm con dao bài, mặt đỏ dừ, mắt vằn lên những tia máu như vừa uống rượu. Điệu bộ của bố gã thật kỳ lạ, lúc thì oai phong như Quan Công đang cầm thanh Long đao xung trận, lúc lại lúng túng, ngượng ngùng như dâu mới đứng trước mặt mẹ chồng. Bố gã ướm lưỡi dao vào cổ con thỏ rồi quay nhìn gã, hất đầu tham khảo: “Như cắt tiết ngỗng nhỉ?”. Gã lắc đầu tỏ ý không biết. Bố gã xẵng giọng: “Hứng bát lại gần không chảy hết tiết ra ngoài bây giờ”. Nói rồi bố gã cứa mạnh một nhát dao vào cổ con thỏ. Gã dùng hai tay giơ cao chiếc bát ô tô tráng men màu xanh nhạt, đầu cúi xuống đất. Con thỏ giãy rất mạnh, tiết nóng văng ra, dính vào mặt gã âm ấm. Bố gã nhắc: “Nhìn vào, nhìn vào!”. Bố gã lại cứa thêm nhát nữa. Vết rách mở toang hoác. Con thỏ rít lên chin chít đau đớn như tiếng chuột dính bẫy kẹp, máu tràn qua tay bố gã đang nắm chặt đôi tai rồi nhỏ tong tong xuống cái bát tráng men. Con thỏ giãy giãy thêm một lúc nữa. Hai chân trước thõng xuống, bất động, khẽ đung đưa trước gió. Cái mũi vẫn phập phồng nhưng yếu ớt, chậm chạp. Bố gã cắt xoẹt dây treo, thả con thỏ xuống đất, vẻ mặt mãn nguyện vì đã hoàn thành công việc được giao. Con thỏ nằm dưới đất, mắt khép hờ, thoi thóp thở khè khè bỗng nhổm dậy. Nó lấy hết sức nhảy một bước xa rồi ngã vật xuống. Như thể trời đất tiếp thêm sức mạnh, nó cố gượng dậy và tiếp tục loạng choạng lao đi.

Hai tay gã vẫn bê bát tiết thỏ. Mặt gã lấm tấm những vệt máu. Gã đứng yên nhìn theo con thỏ đang nhảy cà tâng cà tâng xa dần. Bố gã đang lau tay, ném chiếc khăn dính máu xuống đất vội lao theo, vồ lấy như bắt một quả bóng rồi tóm hai chân sau lấy hết sức quật mạnh con thỏ xuống đất. Gã nghe thấy tiếng độp rất to. Đôi mắt con thỏ trợn ngược nhìn gã, mãi không chớp.

Bà Thưởng chạy từ dưới bếp lên, hỉ hả: “May quá, may quá. Tí thì nó chạy mất”.

Bố gã lấy bánh xà phòng thơm, đi ra bể nước công cộng rửa ráy.

Anh Cả ngồi lì ở dưới bếp, loay hoay làm cái gì đó. Cậu Út chạy lên chạy xuống, chạy vòng quanh con thỏ vỡ óc, miệng reo: “Cái mũ lông trắng là của em... của em... của em”.

Bà Thưởng nấu được đầy một nồi thỏ rô ti, bốc mùi thơm lựng. Gã nhắm mắt, dùng bộ răng cửa cắn một miếng thịt thỏ bằng cái móng tay, ngậm trong mồm một lúc lâu rồi mới nhai từ từ, như thể muốn kéo dài sự sung sướng. Vị ngọt của thịt thỏ ngấm vào chân răng, tê tê đầu lưỡi. Gã húp một thìa nước xốt nóng giãy đánh soạt một cái, rồi ngửa cổ há miệng khà một tiếng như người uống rượu. Nước xốt chảy đến đâu, thực quản tê đi đến đấy như có hàng ngàn mũi kim châm vào. Thỏ rô ti rõ ràng là ngon gấp vạn lần thịt ngỗng. Gã chợt nghĩ vẫn còn bốn bữa thịt thỏ nữa. Nhất định sẽ phải làm một bữa thỏ quay. Lớp da phải vàng rộm, giòn tan như miếng thịt lợn quay bán ngoài chợ mới được. Thỏ luộc cũng phải thử một bữa chứ. Gã chẳng biết có món thỏ luộc không, nhưng gã nghĩ, thịt gì chả có món luộc, từ gà chó lợn đến ngỗng sư tử, cớ gì thỏ lại không luộc được! Chế biến món gì nữa gã không nghĩ ra, kiến thức về ẩm thực của gã chỉ cho phép gã tưởng tượng đến thế. Thôi kệ, gã không biết thì bà Thưởng biết, đến cái món rô ti đọc cứng cả lưỡi mẹ gã còn nấu được thì việc giải quyết nốt mấy con thỏ còn lại là chuyện vặt vãnh. Gã lại gắp một miếng thịt to bằng bao diêm, thả tõm vào mồm, nhai phùng cả hai bên má, nuốt vội suýt nghẹn. Thật tuyệt! Ngon như thế mà anh Cả vẫn ăn cơm với rau muống luộc, nhất định không động đũa vào một miếng thịt thỏ nào. Anh bảo vị khó ăn lắm, anh không thích. Gã cứ động viên: “Anh cứ ăn một miếng xem nào, rồi sẽ thích ngay”. Bà Thưởng bảo: “Đúng là thằng hâm! Sướng không biết đường sướng. Ngon thế này mà lại chê.”

Đêm hôm ấy anh Cả bí mật thả bốn con thỏ xám còn lại. Sáng hôm sau bị bố gã đánh cho một trận tơi bời bằng chiếc dây lưng thợ điện. Gã cũng tiếc ngẩn ngơ. Thế là giấc mơ thỏ quay, thỏ luộc của gã tan thành mây khói. Bà Thưởng tức quá, lên cơn điên phá nát chuồng thỏ lấy củi đun cám lợn.

Bà Thưởng hỏi khắp xóm không ai biết thuộc da. Ông Sinh cũng không biết, ông bảo ngâm muối rồi phơi khô xem sao. Kết quả bộ lông cứng như mảnh sành, lông rụng từng mảng, chẳng thể làm được gì.

*


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx