sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

12. Roi đời - Phần 3

* *

Mùa đông đã về. Những cơn gió heo may man mát cuốn theo lá vàng không còn nữa, nhường chỗ cho những cơn gió lạnh buốt từ phương Bắc xộc thẳng về. Cây xoan ở góc sân khu tập thể đã rụng trụi lá, trơ cành khẳng khiu nhìn chẳng khác chân tay gã là bao. Da dẻ gã mốc trắng, sần sùi thô ráp như da rắn. Đôi môi dày xám xịt như đỉa trâu nứt toác ri rỉ máu. Đồ ấm duy nhất của gã là chiếc ruột áo bông chần cũ, có hàng dây điện đan chéo trước ngực thay cho khuy áo. Vỏ chiếc áo bông này anh Cả vẫn dùng, chưa đến lượt gã.

Con lợn nặng phải đến bảy mươi cân, nằm chật góc chuồng. Bà Thưởng bảo gần Tết thì bán mua vô tuyến. Gã hỏi bà Thưởng sao không thịt ăn cho sướng miệng, thừa bao nhiêu thì hãy bán? Bà Thưởng bảo ngu lắm, bán đi lấy tiền mua gì ăn mà chả được. Gã gật gù, cái khu này đúng là chưa ai dám mổ lợn ăn Tết. Nhất định sau này gã sẽ mổ một con lợn đánh chén thật thỏa thuê.

Bố gã lại trượt mất suất phân phối săm xe đạp. Bố gã bảo thế, nhưng bà Thưởng không tin, bà đến tận cơ quan bố gã, gặp chủ tịch công đoàn hỏi cho ra nhẽ. Chiều về, bà xõa tóc, chống nạnh, mắt trợn lên to như con ốc nhồi, đứng ở sân chờ bố gã.

Bà Đạo lui cui dắt chiếc xe đạp đi qua, ngẩng mặt lên định chào bà Thưởng. Thấy bộ dạng bà Thưởng như vậy biết chuyện chẳng lành, bà Đạo chỉ dám khẽ gật đầu chào lấy lệ rồi cúi đầu đi thẳng. Tiếng líp xe tạch tạch của bà Đạo xa dần, kết thúc bằng tiếng cài then cửa đến xoạch một cái đầy vẻ gấp gáp. Thỉnh thoảng bà Thưởng lại giậm chân bình bịch và rít lên ư ử trong cổ họng như tiếng mèo hen.

Gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, tóc bà Thưởng bay lật phật. Trời đã sâm sẩm tối, ánh đèn vàng hắt ra từ trong nhà đổ bóng bà Thưởng xuống sân trông như một người khổng lồ đang nằm bất động. Anh Cả đổ xong nồi cám, chạy lên nhà kéo Thừa và cậu Út xuống bếp, bảo:

- Các em ăn cơm trước đi, không là đói đấy.

Cậu Út nhìn mâm cơm, giọng mè nheo:

- Em đợi bố mẹ rồi ăn!

Anh Cả lại bảo:

- Ăn đi em, bố mẹ tối nay chắc không ăn cơm đâu. - Miệng nói, tay anh Cả vẫn xới rồi dúi vào tay cậu Út lưng bát cơm nóng.

Cậu Út đẩy bát cơm ra, nói với anh Cả:

- Mỡ... mỡ... không thì không ăn đâu.

Anh Cả cười cười bảo được rồi, khẽ nhìn qua cửa bếp, vẫn thấy bóng bà Thưởng đổ dài ra sân bèn mở chạn lấy đôi đũa quệt nhanh một cái vào âu mỡ bằng sành to cỡ quả cam. Mỡ dính trắng đầu đôi đũa như phủ một lớp tuyết. Anh Cả dùng đôi đũa dính mỡ, trộn bát cơm cho cậu Út. Mỡ tan chảy, quyện vào bát cơm nóng đang bốc hơi nghi ngút. Cậu Út rưới thêm thìa nước mắm, bát cơm của cậu bỗng chốc biến thành một bát cơm rang hảo hạng, thơm nhức mũi. Thừa chan nước rau luộc, thả mấy hạt muối vào cho đậm, húp ba tiếng soạt soạt đã thấy hết bát cơm.

Vừa nhìn thấy bố gã, bà Thưởng nhảy phắt lên, gầm một tiếng âm vang như tiếng hống của sư tử. Cậu Út đang ăn, giật mình đánh rơi bát cơm. Chiếc bát vỡ làm mấy mảnh.

Bố gã còn chưa kịp khép lại nụ cười ngoài đường, phanh gấp xe, loạng choạng rồi ngã vật xuống. Bà Thưởng lao đến nhanh như một con hổ vồ mồi. Bố gã định nhỏm dậy, thấy vậy vội lăn một vòng tránh cú vồ của bà Thưởng. Bà Thưởng chỉ tóm được cái xe, bánh vẫn còn đang quay tít, giơ cao lên quá đầu rồi giáng thật mạnh xuống đất như quai búa tạ đập đá. Chiếc xe gãy làm đôi, nan hoa đứt chân đâm tua tủa thành chùm như lông nhím. Bố gã bỏ chạy, định chui vào nhà hàng xóm ẩn náu nhưng nhà nào cũng đóng chặt cửa. Bố gã chạy vòng ra đường cái, vừa chạy vừa la to: “Con điên, con điên. Cứu tôi với, con điên nó giết tôi”.

Bà Thưởng ngửa mặt lên trời, đầu gối chùng xuống như xuống tấn, hai tay tới tấp đấm vào ngực mình binh binh, miệng hú lên một tiếng dài như đười ươi. Dứt tiếng hú bà Thưởng lao vào trong nhà, hất bộ ấm chén ra sân. Chiếc phích Rạng Đông màu xanh da trời, có in hình con cá màu da cam cũng chung số phận. Trong nhà không còn cái gì có thể ném được nữa, bà Thưởng bèn co chân sút mạnh vào chân giường. Chiếc giường vốn đã ọp ẹp, mọt ăn rỗng lõi gỗ, lại bị vá víu vì mấy bận gãy chân, không chịu được cú đá của bà Thưởng, sập xuống, mộng mẹo vỡ toác. Như chợt nhớ ra vẫn còn thứ để phá, bà Thưởng phi xuống bếp. Mâm cơm đang ăn bay ra đường. Nồi niêu bay ra đường. Bát đũa cũng bay ra đường tung tóe. Âu mỡ vỡ vụn, văng ra cục mỡ to bằng nắm tay. Anh Cả tiếc của, chạy ra hớt cục mỡ vào chiếc muôi gang, giữ khư khư trong lòng. Thừa nhặt mảnh sành vỡ ra từ chiếc âu, vẫn dính mỡ trắng xóa, cất đi để dành trộn cơm. Cậu Út sợ quá, cứ bám rịt lấy chân anh Cả.

Bà Thưởng chưa hết cơn kích động, vẫn chưa buột được câu nào tiếng người, chỉ hú vang. Lúc thì âm âm như sư tử hống, lúc dồn dập như đười ươi gọi đàn buổi hoàng hôn, thỉnh thoảng lại u uất như chó sói vọng trăng. Bà Thưởng giật cái ruột áo bông trên người Thừa mạnh đến nỗi đứt tung cả hàng dây điện trước ngực, ném vào bếp lửa vẫn còn than nóng. Chiếc áo bén lửa than, âm ỉ cháy, khói mù mịt. Vẫn chưa thỏa mãn, bà Thưởng xoay anh Cả một vòng, tóm lấy vạt chiếc vỏ áo bông, tuốt ngược lên như lột da con ếch. Anh Cả khẽ quẫy người một cái như cá là đã chui ra khỏi chiếc áo rộng thùng thình. Bà Thưởng lại ném vào bếp lửa. Chiếc ruột áo bông đang âm ỉ cháy, bỗng bùng lên ngùn ngụt, trong nháy mắt nuốt chửng chiếc áo của anh Cả.

Lúc này bà Thưởng mới phát âm như tiếng người: “Giời ơi là giời! Để xem thằng vô dụng ấy nó có lo được cái gì cho gia đình này không. Có cái săm xe lại cho gái rồi. Tao mà bắt được con nào bòn mót chồng tao thì liệu hồn. Tao ném cả nhà mày vào phuy nhựa đường”.

Anh Cả mỗi tay ôm một em, hỏi Thừa: “Có lạnh không?”. Thừa lắc đầu. Anh Cả lại bảo: “Lên nhà đi, gió lạnh lắm. Trên nhà có chăn đắp sẽ ấm hơn”. Thừa bảo: “Mọi người lên trước đi, dưới này có bếp lửa sưởi ấm. Em không lạnh đâu”.

Anh Cả dắt cậu Út lên nhà.

Thừa không muốn lên nhà. Gã biết đêm nay bà Thưởng không ngủ. Cả đêm bà sẽ chửi bố gã. Chửi chán không ai nghe bà chuyển sang chửi tiếp các con. Dựng từng đứa dậy nghe bà kể tội ăn hại đái nát. Gã thì vô vàn tội lỗi. Tội nào cũng nặng, cũng làm khổ bà Thưởng, đều đáng bị băm vằm ra từng mảnh cho lợn ăn. Tội tày đình đầu tiên trong cuộc đời gã là đạp bà Thưởng đau khi gã còn trong bụng. Tội thứ hai là hành bà Thưởng vật vã đau đẻ mười ngày không chịu chui ra. Tội lỗi tiếp nối tội lỗi như thể gã sinh ra chỉ để mắc tội với đời và hành hạ bố mẹ gã. Vậy thì gã lên nhà để làm gì? Cho bà Thưởng càng thêm ngứa mắt chửi rủa ư? Thà gã cứ ở dưới bếp với con lợn còn hơn!

Gã đóng cửa bếp lại. Gió luồn qua mái ngói, qua khe cửa u u như tiếng sáo diều. Chiếc áo bông đã cháy hết, chỉ còn lại một nắm tro tàn âm ấm màu xám nhạt. Gã định nhét mấy thanh củi vào để giữ lửa nhưng lại thôi. Biết đâu lại thêm một tội hoang phí nữa thì mệt đầu với bà Thưởng.

Con lợn đã đánh xong bữa tối, nằm lăn quay trong chuồng, thỉnh thoảng lại khịt khịt đầy vẻ hài lòng với cuộc sống. Gã quay sang bảo con lợn: “Mày sướng hơn tao đấy”. Con lợn lại khịt khịt như trả lời gã. Gã leo vào chuồng lợn, ngồi bên cạnh, vỗ vỗ vào lưng con lợn, bảo: “Kiếp sau tao cũng đầu thai thành lợn như mày, chỉ ăn ngủ ỉa đái, chẳng phải lo nghĩ gì”.

Đêm về khuya. Bếp lửa nguội ngắt. Tiếng khóc nỉ non của bà Thưởng bị cơn gió lạnh thổi bay lên không trung, lúc xa lúc gần, lúc to lúc nhỏ, nghe ai oán như tiếng khóc than của bầy ma ngoài nghĩa địa. Cơn buồn ngủ ập đến, hai mí mắt dính lại, gã ngủ gục bên cạnh con lợn. Một tay, một chân vẫn quặp lấy con lợn. Hơi ấm từ con lợn tỏa ra, giữ cho gã không cảm thấy lạnh trong cái rét căm căm. Trong mơ, hình như gã gọi: “Lợn ơi!”.

*

* *

Năm nay thời tiết thật lạ. Sau đợt rét đậm đầu mùa, càng gần Tết trời càng ấm, thậm chí còn nóng và ẩm. Ban ngày chỉ cần mặc chiếc áo sơ mi là đủ, đêm về trời se se lạnh như mùa thu. Gã cũng không sợ lạnh, thời tiết này gã vẫn chỉ mặc quần đùi và đi đất. Gã có một chiếc quần dài chỉ dành cho những hôm đại hàn. Mặc quần dài vướng víu khó chịu lắm!

Đôi dép nhựa màu nâu cánh gián của gã luôn cất dưới gậm giường, bụi phủ trắng mờ. Bà Thưởng bảo đấy là hàng Sài Gòn đờ luých lắm. Cái gì mà cứ quý lắm, đắt lắm, đờ luých lắm là gã sợ. Mất là ăn no đòn. Gã đi đất thành quen, gót chân dày như da voi, chạy nhảy phăm phăm chẳng hề hấn gì. Vào mùa hanh, chân gã xám xịt, mốc meo nứt nẻ như vỏ củ khoai sọ. Quá lắm có bật máu tươi, gã trộm một phết mỡ lợn trong hũ sành của bà Thưởng bôi vào là khỏi ngay. Phết nhẹ thôi! Hờ hờ lấy ngón tay trỏ quệt một cái vào miệng hũ dính mỡ, chứ mỡ trộn cơm ăn còn không có, hoang phí bôi chân sao được!?

Cái ruột áo bông hôm trước bị bà Thưởng đốt, nay được thay thế bằng chiếc áo len cổ lọ màu xanh sĩ lâm. Bà Thưởng đợi xem bố gã phản ứng thế nào, nhưng bố gã trốn biệt tăm mấy ngày không về nhà. Hôm sau ông Sinh biết chuyện, mang mấy tấm áo sang đưa cho bà Thưởng, bảo: “Cô không được làm thế, tôi còn ít quần áo cũ định gửi về quê, cô cho bọn trẻ mặc tạm không chết rét”. Bà Thưởng vẫn tấm tức khóc, bảo: “Nhưng em khổ quá bác ơi, một mình lo cho cái nhà này”. Bà khóc một lúc rồi thôi, nhận đống quần áo cũ rồi chia lại cho lũ con. Gã được phát cái áo len, mặc vào như cái váy đụp. Đợi mấy hôm yên yên bố gã cũng mò về. Bố gã đứng ở giữa cửa bảo với bà Thưởng: “Cô hết lên cơn chưa? Nếu còn thì tôi lấy quần áo rồi đi luôn không về nữa. Hết rồi thì tôi ở lại”. Bà Thưởng đang ngồi trên giường, quay lưng lại làm ngơ như không nghe thấy. Bố gã thấy vậy thì biết đã yên chuyện, thu dọn tàn tích của chiếc xe mang ra hiệu sửa xe để họ hàn xì chắp vá lại.

Hôm sau trước khi đi làm, bà Thưởng dặn: “Mấy anh em ở nhà nhớ trưa nay nấu cám nhé. Cho lợn ăn no vào”.

Nghe thấy vậy, Thừa hê hê cười. Gã nuôi mấy lứa lợn rồi, gã biết, chẳng phải tự nhiên lợn nhà gã được ăn bữa trưa no.

Chiều hôm ấy bà Thưởng về sớm hơn mọi ngày. Bà Thưởng vào bếp, nhìn con lợn bụng căng tròn đang nằm, bà rất hài lòng. Bà vứt thêm một ôm rau, con lợn nhổm dậy nhằn nhằn mấy cái rồi ngó lơ, vì no quá.

Thừa đi lại cười nói như ma làm. Gã rất vui vì cái ngày mong chờ của gã đã đến.

Một lúc sau có hai người đàn ông kéo chiếc xe cải tiến đến nhà gã. Trên xe có một đòn tre đực to bằng cổ chân người lớn, một chiếc cân và sợi dây thừng. Thừa biết hai người đàn ông này, họ là bố con, nhà ở bên kia đầm nước, chuyên nghề giết mổ.

Ông bố nhìn con lợn rồi bảo bà Thưởng: “Cô cho ăn no quá. Trừ bảy cân hơi đấy nhé”. Bà Thưởng cười bả lả: “Bác tính, nó gắn bó với nhà em bao lâu, giờ bác hóa kiếp cho nó thì cũng để nhà em đãi nó một bữa ngon miệng chứ. Thôi tính hai cân thôi”. Ông bố bảo: “Không được. Cái bụng nó to thế kia mà. Trừ cho cô bảy cân là thoải mái rồi”. Bà Thưởng kỳ kèo mặc cả, rốt cuộc thống nhất sẽ trừ bốn cân hơi. Thừa theo dõi cuộc mua bán, gã cười thầm vì lãi to. Nồi cám đầy đủ dinh dưỡng gã nấu dễ nặng đến chục cân. Bây giờ có trừ bốn cân thì cũng còn sáu cân cám trong bụng, lại được quy đổi thành sáu cân thịt. Hê hê, lãi quá, lãi quá!

Thằng con trai của ông buôn lợn mặt tai tái, hai bên cằm bạnh ra, môi mím chặt, trông lạnh như mặt người chết, khác hẳn với ông bố đỏ rực như tôm luộc vì rượu. Hắn khom người tì bả vai vào con lợn rồi thò tay xuống tóm lấy hai chân trước giật mạnh sang ngang. Con lợn mất thăng bằng đổ kềnh xuống đất rít lên eng éc, chân sau đạp đạp vào không khí. Ông bố nhảy phóc ngồi lên lưng con lợn, lấy dây thừng buộc hai chân trước lại, động tác nhanh gọn và thuần thục. Thằng con quay người lại, lấy đầu gối tì vào hông con lợn, thộp lấy hai chân sau nhanh như cắt. Con lợn giãy rất mạnh, một chân tuột ra khỏi bàn tay của thằng con, đạp mạnh xuống nền chuồng khiến cứt văng tung tóe bắn cả lên tường. Ông bố hỗ trợ tức thì, quấn ngay cái thòng lọng vào chiếc chân đang giãy đạp, thít mạnh rồi buộc liền với chiếc chân còn lại. Chỉ trong nháy mắt, con lợn nằm vo tròn thúc thủ với bốn chiếc chân đã được buộc chặt lại với nhau.

Thằng con trai lồng đòn tre vào khuyên sắt chiếc cân đã được móc vào nút thắt buộc chân lợn. Hai bố con hắn ta mỗi người một bên mắm môi mắm lợi gánh bổng con lợn lên. Con lợn giãy mạnh nhưng chỉ rùng rùng khối mỡ, vì chân đã bị buộc chặt và không còn chạm đất.

- Tám chín cân. - Ông bố chỉnh chỉnh quả cân rồi xướng to lên.

- Tươi quá, chín mươi cân đấy bác. - Bà Thưởng đứng bên cạnh thò tay dịch quả cân thêm một nấc.

- Đấy, tám chín cân là cán cân còn xệ thế này cơ mà. - Ông bố dịch lùi lại quả cân.

Vừa lúc ấy con lợn ỉa một bãi tướng làm cho cán cân xệ hẳn xuống. Ông bố dịch quả cân lùi lại thêm nấc nữa rồi bảo: “Tám tám nhé. Đúng ra chỉ là tám bảy thôi đấy. Nhưng tám tám đi cho có lộc”. Thừa nhìn bãi cứt xót ruột, giá như con lợn ỉa muộn một chút nữa thì hai cân cứt có phải được quy đổi thành hai cân thịt không!

Bà Thưởng luôn mồm: “Bán đã rẻ rồi, cân lại còn điêu”.

Họ quẳng con lợn lên chiếc xe cải tiến. Thằng con kéo càng, ông bố chổng mông đẩy chiếc xe khuất dần trên con đường đất chạy men theo cái đầm nước.

Đang đà phấn khích, gã hỏi:

- Mai đi mua vô tuyến chứ mẹ? Dạo này nhiều phim hay lắm.

- Để lứa lợn sau. Lần này lại đổi xe cho bố. Xe bố hỏng rồi.

- Lại xe! - Gã ngao ngán và uất ức.

Bà Thưởng giục: “Đặt nồi cơm đi, mẹ ra chợ mua ít thức ăn”.

Gã châm bếp dầu, đặt nồi nước rồi đi vo gạo.

Anh Cả đi lấy xẻng hót đống cứt lợn vãi ngoài sân, nói vọng vào bếp: “Em cứ để anh dọn chuồng lợn nhé”.

Nồi nước sôi một lúc lâu gã mới nhớ tra gạo. Gã ngồi đực như ngỗng ỉa. Chiếc xe gãy vỡ, nan hoa xù tua tủa như lông nhím, cái vô tuyến nhoang nhoáng cảnh phim chiến đấu, con lợn eng éc kêu giãy giụa trên đòn cân rồi ị ra bãi cứt to là những hình ảnh như những thước phim lúc quay chậm, lúc quay nhanh nhoang nhoáng hiện ra trong đầu gã. Gã thấy đau đầu và hai mắt díu lại như thiếu ngủ.

Gã tỉnh dậy vào lúc nửa đêm, cái bụng đói meo sôi òng ọc, cổ họng khô khốc. Gã chén sạch thức ăn để phần úp bằng chiếc bát loa trong chạn rồi mới múc bát cơm nguội chan nước rau luộc. Anh Cả cũng tỉnh giấc, anh xuống bếp, ngồi cạnh gã, an ủi:

- Em đừng buồn. Mình sẽ lại nuôi một lứa lợn nữa. Nhất định sẽ mua vô tuyến cho em.

- Anh Cả ơi. Em hết buồn rồi. Thật đấy. - Gã nói thật tâm, thực tình gã cũng đã quên béng chuyện ban chiều sau một giấc ngủ.

Anh Cả ngồi nhìn Thừa đăm đăm, đưa tay lên vuốt vuốt tóc gã, bảo:

- Anh thương em lắm. Anh chỉ mong lớn nhanh để đi làm kiếm tiền cho em đỡ khổ.

- Em cũng thương anh lắm.

Nói rồi anh em gã ôm nhau khóc. Ngoài trời đêm nay trăng lên muộn, mới đang lấp ló phía chân trời. Có con gà nhà ai te te gáy sớm, tiếng gáy lạc lõng, vô duyên.

Ông Sinh đi qua. Ông ta vận một chiếc quần đông xuân, đũng quần xệ xuống gần đầu gối như ỉa đùn. Loại quần này bố gã cũng có, chỉ mặc bên trong những hôm thật rét hoặc lúc đi ngủ. Phía trên khoác chiếc áo đại cán phanh cúc, để lộ áo ba lỗ bên trong màu cháo lòng. Thấy hai đứa ngồi dưới bếp, ông ta thò đầu vào hỏi:

- Khuya rồi hai thằng không đi ngủ à?

- Cháu ngủ rồi. Đói quá dậy ăn bát cơm rồi ngủ tiếp. Chú đi đâu đấy? - Thừa hỏi.

- Chú đi dạo loanh quanh thôi. Hai đứa ngủ đi. - Ông Sinh giục. Nói rồi ông bỏ đi về cuối dãy phía nhà bà Đạo. Hai tay quơ quơ giật giật như đang tập thể dục.

Thừa ngồi một lúc lâu với anh Cả. Gã bảo:

- Đi ngủ thôi anh. - Gã kéo tay anh Cả đi lên nhà.

*


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx