sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

03. B. Pasternak – Những vẫn thơ dạt dào sức sống

PASTERNAK – NHỮNG VẦN THƠ DẠT DÀO SỨC SỐNG *

*Tựa của nhà xuất bản.

ILIA ERENBURG

Hầu như chiều nào Boris Pasternak cũng ghé lại chỗ chúng tôi. Mùa hè năm 1917, sau ngày về lại Matxcơva ít lâu, tôi mới được làm quen với anh thật sự. Tôi còn nhớ như in một hôm anh dẫn tôi về tận nhà. (Dạo ấy, anh ngụ tại đường Prechistenski rợp bóng cây). Trong sổ tay, tôi còn ghi vắn tắt vài dòng: “Pas-ternak, Thơ ca. Dị thường. Cầu thang”…

Tôi lấy ra một cuốn sổ tay khác. Giở trang mồng 5 tháng 7 trang 41. Nhẩm đọc mấy dòng đầu: “Bọn Đức rêu rao đã vượt sông Berezina”, rồi đến đoạn “Năm giờ chiều. Lovzoski” tôi bắt gặp câu :”Pasternak. Điên loạn”.

Từ 1917 đến 1941… Trong gần bốn mươi năm ấy, tôi đã được tiếp xúc với Pasternak, có năm chỉ một vài lần, có năm gần như ngày nào cũng gặp. Quãng thời gian ấy hẳn cũng đủ dài để thấu hiểu về một con người, dù người đó có phức tạp đến bao nhiêu đi chăng nữa. Nhưng thú thực nhiều lúc Boris Paster – nak đã khiến tôi có cảm tưởng anh là con người đầy bí ẩn, tựa như tôi chỉ mới gặp lần đầu. Thậm chí cả lúc đọc những câu ghi vào năm 1911 tôi cũng không sao dứt bỏ được cảm tưởng đó. Tôi quý mến anh, và quý mến cả thơ anh. Trong số những nhà thơ mà tôi được dịp làm quen thì Pasternak là người giàu âm hưởng nhất, gần với âm nhạc nhất, một nhà thơ vừa đầy hấp dẫn, nhưng cũng vừa khiến tôi rất bực mình. Tôi sẽ cố khắc họa ở đây về con người Pasternak, đúng như tôi từng biết và từng hiểu về anh. Những điều tôi nói ở đây tập trung chủ yếu vào thời kỳ từ năm 1917 – 1924, vào những năm sau đó, - Năm 1926, 1932, 1934, - nghĩa là những năm trước chiến tranh, và ngay cả mấy tuần đầu ngay trước chiến tranh bùng nổ, tại Matxcơva, chúng tôi cũng rất hay gặp nhau…

Trong những dịp gặp nhau đó, chúng tôi không hề to tiếng cãi vã nhau, nhưng lần chia tay nào của hai chúng tôi cũng diễn ra không chút mặn nồng; và nếu có tình cờ gặp lại, hai bên cũng chỉ bắt tay nhau, hứa rằng nhất định sẽ phải gặp lại nhau, nhưng rồi mỗi người lại đi một ngã cho đến ngày lại tình cờ gặp mặt vào dịp tiếp sau. Bởi thế, dĩ nhiên tôi không hy vọng là sẽ khắc họa được trọn vẹn con người Pasternak, dù là một Pasternak thời trai trẻ, bởi lẽ nơi con người anh vẫn còn có nhiều điều khiến tôi không sao hiểu hết và nhiều điểm khiến tôi vẫn còn chưa biết hết. Chính vì thế mà những gì tôi sắp viết dưới đây tuyệt nhiên không phải là một bức tranh thờ, nhưng cũng không phải là một bức biếm họa: đây là một bức chân dung thử phác họa.

Tôi sẽ kể lại buổi đầu cuộc quen biết của hai chúng tôi. Dạo đó, Pastrenak đã hăm bảy tuổi, và đang là mùa hè của cái năm mà theo lời anh, “ai cũng đều phải gieo neo trong cơn hạn hán và đói ăn, và trong cuộc vật lộn đó, con người đâm ra nhẫn tâm hơn, những trò kỳ quặc của cuộc đời cứ sinh sôi nảy nở hằng ngày, hằng giờ, nhưng chẳng hề động chạm đến ai”. Tôi hết sức hoang mang và thấy lòng nặng như chì. Nhưng Pasternak thì đầy hân hoan; sôi nổi. Đó là năm tâm tư ông tràn ngập bao kỷ niệm: “Thời kỳ ấy tôi không sao quên được còn vì bấy giờ bụi đất mù trời, gió rũ hết hạt ra và rắc lên lá ngưu bàng những đóa phù dung chưa từng thấy, và đã cuốn hút tôi như một kẻ mù lòa, buộc tôi phải đến bên từng bờ dậu để ăn xin”. Chính năm ấy Pasternak đã nhận biết được một tình cảm lớn và tập: Chị tôi – cuộc sống ra đời. Sau đây là đoạn tôi ghi về cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai chúng tôi: “Anh đọc thơ cho tôi nghe. Tôi không biết điều gì đã khiến tôi sửng sốt nhiều hơn cả: bài thơ, gương mặt, giọng nói, hay chính những điều anh đã nói ra. Tôi ra về, lòng tràn ngập âm thanh, đầu đau nhức. Cổng đã khóa trái từ lâu; tôi đành phải ngồi lại đến gần hai giờ sáng. Tôi đã thử đi tìm người gác cổng, nhưng ông già không cư trú ở đây. Tôi đành quay lại, nhưng không tài nào tìm ra căn phòng Pasternak. Tòa nhà này là một công trình kiểu cổ, đường đi lối lại chằng chịt, hành lang rộng thênh thang với không biết cơ man nào là gác xép. Biết là từ giờ đến sáng đừng hòng thoát khỏi cái mê cung đó, tôi đành ngoan ngoãn ngồi xuống một bậc cầu thang, chờ. Chiếc cầu thang ấy vốn đúc bằng gang; tôi có cảm giác như bóng tối lúc nào cũng di động dưới chân… Thình lình, một cánh cửa bật mở: Pasternak xuất hiện. Anh không ngủ được, phải ra ngoài đi dạo. Thì ra, trong cái giờ phút không may đó, tôi đang ngồi ngay cạnh phòng anh. Anh không chút ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi; còn tôi, cũng chẳng cảm thấy sửng sốt”.

Khi trò chuyện, Pasternak thường đệm thêm các thán từ. Ông có bài thơ mang tựa đề: Lần đầu gặp Ural; Bài thơ đọc lên nghe như một tiếng rống hân hoan của cả một đàn bò. Sức mạnh trong những bài thơ thời trẻ của Pasternak là một sức sống vừa mới nảy nở. Anh tuyệt nhiên không phải là một ẩn sĩ nổi danh; anh hào hứng trò chuyện với tất cả mọi người bằng một giọng nói đầy vui vẻ, và cả những bài thơ thời ấy cũng chan chứa cái niềm vui đó. Tôi cảm thấy anh là một người hạnh phúc, không phải vì trong lòng anh có sẵn một hồn thơ thiên phú, mà chỉ vì anh biết đem đến cho câu thơ một vẻ thanh cao, được chắt lọc ra từ những chi tiết nhỏ nhặt của đời thường. Hồi ấy, chúng tôi ai cũng đang tối tăm mặt mũi đến mức phát buồn nôn vì những từ ngữ ồn ào nhưng rỗng tuếch mà các nhà thơ tượng trưng thích dùng, như Vĩnh hằng, Thời vận, Bất tận, vô thủy vô chung, Ánh lửa ma trơi, Kiếp phù sinh, Biên ải, Thân phận,… Còn Pasternak thì anh viết: Thần tình yêu vĩ đại, Thần tiểu tiết vĩ đại. Anh tả như sau về người đàn bà mà anh nặng lòng yêu dấu: “Thật tội lỗi nếu nghĩ rằng em không phải con đẻ của các thiên sứ - đồ vật trong nhà; Em đến cùng một chiếc ghế trong phòng. Cuộc đời đón em từ trên giá sách. Và anh, anh thổi sạch bụi bám trên người em”.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà anh gọi cuốn sách mới ra đời ấy bằng cái tên: Chị tôi – cuộc sống.

Anh khác hẳn không phải chỉ với những thi sĩ lớn tuổi thuộc phái tượng trưng, mà cả phần đông những nhà thơ cùng trạc tuổi anh: anh sống rất hòa hợp với cuộc sống đương đại. Thực tại trong thơ anh không dính dáng đến bất cứ một thứ tuyên ngôn văn chương nào. Anh đã nhiều lần nói thẳng ra rằng anh không hề biết đến những từ trào, những trường phái này nọ; anh chỉ biết đến cái yếu tố vốn xác định mỗi một nhà thơ: tư chất của anh ta. Năm 1922, Pasternak viết: “Thế giới sống động đích thực – đó chính là chủ đề của nghệ thuật hư cấu, một chủ đề độc nhất thành đạt và nhất thành bất biến của văn chương. Và cái thế giới ấy vẫn tiếp diễn một cách thành đạt trước mắt ta hằng ngày, hằng giờ. Nó sống động, nó súc tích, và cuốn hút ta mãi mãi không ngừng. Ta không bao giờ chán nó vào sáng sớm hôm sau. Trong một chừng mực nào đó, nó là tấm gương cho người làm thơ, với tính cách một hình mẫu và một chất liệu hiện thực”.

Mới đây, một thanh niên có bảo với tôi rằng Pas-ternak hẳn là một con người u buồn, cô đơn và đầy bất hạnh. Ấy thế nhưng vào năm 1921 tôi đã viết như sau về anh: “Anh vui tính, khỏe khoắn và hòa nhập được với thời đại anh đang sống. Con người anh không phảng phất một cái gì gợi người ta nhớ đến cảnh thu tàn, tới ánh tà dương, và có đầy đủ những nét đáng yêu, nhưng cũng đượm một chút xót xa, cay đắng. Một năm sau, V. B Shklovski có gặp anh ở Berlin và có ghi lại như sau: “Một con người đầy hạnh phúc! Anh sẽ chẳng bao giờ phải phát điên lên cả. Suốt đời anh sẽ mãi mãi là người được yêu mến, được nâng niu và là một bậc vĩ nhân”.

Năm 1923, Maiakovski và O. Brik đã đưa ra công thức cho những tìm tòi của hai nghệ sĩ lớn như sau (nói theo cách của diễn đạt thời ấy): “Maiakvoski đã thử nghiệm thành công cách vận dụng các tiết tấu đa âm trong thể trường ca sử thi có tầm khái quát rộng rãi cuộc sống xã hội”; còn “Pasternak thì làm chủ được cách sử dụng cú pháp để đáp ứng các nhiệm vụ cách mạng”.

Công chúng nước ngoài có thể sửng sốt với tất cả những cái đó cho mãi đến năm 1958, trước khi biết rõ thực chất con người Pasternak.Họ vẫn một mực đinh ninh rằng anh ta là người vận hẩm, phải đứng lên thách đấu với nhà nước. Trên thực tế, Pasternak là người hạnh phúc và sống bên ngoài xã hội, không phải vì xã hội không hợp với anh, mà chỉ vì, - vốn là người dễ chan hòa, hơn nữa rất vui vẻ với mọi người, - anh chỉ biết một người độc nhất có thể trò chuyện được với mình – đó là chính mình.

Cuối năm 1918, anh đã hết lời ca ngợi điện Kremli, tức là nhà nước Xô Viết, như sau: “Vun vút lao nhanh, dũng mãnh. Coi thường mọi gian nguy, bỏ lại sau lưng năm cũ. Và bước vào năm mười tám… Ta đã tiên đoán được rằng. Những cảnh ảm đạm ấy ít nữa rồi sẽ trùm lên các quốc gia bên kia đại dương. Và cái năm mới ấy sẽ đến nâng ta dậy. Để dạy bảo ta lại từ đầu, - Sau khi ta bị đánh tơi bời, không còn manh giáp! (“Hồi đó, Pasternak chưa hiểu trên đời này ai sẽ là người đến nâng anh dậy để “dạy bảo lại từ đầu”). Về sau, vào năm 1930, khi Maiakovski tự sát, anh đã viết như sau: “Quốc gia ta, quốc gia đã bị đập tan vĩnh viễn của chúng ta. Và rồi về sau được công nhận đời đời là một quốc gia không tiền khoáng hậu, không tài nào hình dung nổi”; anh nói về sự gắn bó máu thịt giữa Nhà nước với Maiakovski. Pasternak cũng đã từng viết về cái Quốc gia “đã bị đập tan vĩnh viễn” ấy vào năm 1914, nhưng anh ca ngợi nó từ một phía khác: bất kì nhà thơ nào, dù là đại thi hào chăng nữa, cũng đều phải sống trong khung cảnh chẳng phải chỉ có trần nhà trên đầu, mà còn có cả tường vách bao quanh; nhưng xã hội lại tồn tại bên ngoài những bức tường bao bọc chung quanh cái thế giới trong đó Pas-ternak đang sống!

Một lần, Shklovski đã ngộ nhận khi ông viết: “Con người vĩ đại và hạnh phúc ấy đã cảm nhận được động lực lịch sử trong những người khoác áo măng-tô, miệng nhai bánh mì kẹp nhân, đứng bên chân tường Nhà In”. Pasternak cảm nhận được thiên nhiên, được tình yêu, được Goethe, được Shakespear, được âm nhạc, được nền triết học cổ điển Đức, được các tác phẩm của trường phái Venezia, anh cảm nhận được chính mình và có thời cả một số bạn bè thân thiết của mình, nhưng còn lịch sử thì anh không tài nào cảm nhận được; anh nghe được cả những âm thanh mà nhiều người không nghe thấy, anh nghe được cả nhịp đập của con tim lẫn tiếng cỏ cây đang lớn ngoài kia; ấy thế nhưng tiếng bước chân của thời đại đang đi thì anh không hề nghe thấy!

Danh từ “chủ nghĩa vị kỷ” hiện bị đem ra dùng nhiều đến mức đã nhàm cả tai, chỉ còn đọng lại có một cái nghĩa xấu xa, đến nỗi tôi không còn tìm thấy một cái gì tốt lành trong ấy. Pasternak quả không sống cho bản thân mình bao giờ, vì anh chưa bao giờ là một con người ích kỷ; nhưng anh chỉ biết sống trong bản thân con người của anh, với chính anh và bằng tất cả tâm hồn anh. Tôi vẫn nhớ rõ những lần gặp trước: hai chúng tôi như hai đoàn tàu, mỗi đoàn di chuyển trên một con đường riêng. Tôi biết Pas-ternak vẫn nghe tôi nói rất chăm chú đấy, nhưng anh không hề nghe thấy những gì tôi đang nói: anh không sao dứt bỏ được mạch suy nghĩ của chính mình, những cảm xúc và những liên tưởng của chính mình. Những buổi chuyện trò cùng anh, dù là rất tâm tình chăng nữa, vẫn chỉ là những lời độc thoại dài luân phiên nhau giữa hai người…

Tôi nhớ một chuyện ngộ nghĩnh như sau, mùa hè năm 1935, Pasternak đến dự đại hội quốc tế các nhà văn bảo vệ hòa bình, họp tại Paris. Đoàn các nhà văn sang trước; mấy hôm sau, Pasternak và Babel mới đến, vì được bổ sung thêm. Trên diễn đàn, Pasternak nói rằng anh không muốn đi, rằng anh không biết phát biểu. Anh chỉ nói gọn lỏn một câu đại để là thơ ca chẳng cần phải tìm trên mây, mà phải chịu khó gập người xuống, bởi lẽ thơ ca vốn nằm trong cỏ cây dưới đất. Mấy câu nói đó, đúng hơn là tính cách của Pasternak bộc lộ ra qua mấy câu nói đó, có lẽ, đã khiến cả hội trường sửng sốt: những tràng vỗ tay tức thì rộn rã cất lên. Mấy hôm sau, anh ngỏ lời cùng tôi là anh rất muốn gặp một số nhà văn Pháp ở đây. Vợ chồng tôi quyết định mời họ đến dự một bữa cơm chung. Nhà tôi gọi điện, báo cho Pasternak: “Mời anh đúng một giờ đến tại khách sạn…”. Pasternak nổi giận: “Sớm thế kia à? Để đến ba giờ chiều có hơn không?”. Nhà tôi giải thích là người Pháp thường ăn trưa trong khoảng từ mười hai rưỡi đến hai giờ chiều, cơm ăn chiều từ bảy đến chín giờ tối: lúc ba giờ thì khách sạn nào cũng đều đóng cửa. Nghe bảo vậy xong, Pasternak liền tuyên bố: “Thế thì thôi vậy, chứ một giờ, tôi chưa thấy đói”.

Cái tật chỉ xuất phát từ bản thân mình (sau này, tật đó ngày càng gia tăng) đã không hề cản trở, hơn nữa, cũng không thể cản trở anh nổi bật lên trong hàng ngũ những nhà thơ lớn. Chúng ta thường hay nói, - do thói quen xô đẩy thì đúng hơn, - rằng nhà văn phải biết quan sát. Nhưng trong một tập nhật ký của A. N. Afinogenov, vừa mới xuất bản cách đây ít lâu, tôi có đọc thấy một đoạn ghi chép khá hay: “Nếu nghệ thuật của nghề văn tựu trung lại chỉ là ở năng lực; giỏi quan sát con người, thì giới bác sĩ và dự thẩm, giới giáo viên và ga trưởng hành khách, các bí thư đảng ủy, và tướng lĩnh phải là những nhà văn lỗi lạc nhất đời. Thế nhưng sự thật chẳng phải vậy. Nghệ thuật của nhà văn chính là tài biết quan sát đích thân mình!”. Afinogenov đã loại trừ đúng cái quan niệm cổ lỗ về “năng lực quan sát” trong quá trình xây dựng các nhân vật tiểu thuyết hoặc bi kịch: những điều mà nhà văn nếm trải, nhận thức được vốn đóng một vai trò hết sức to tát – bởi lẽ kỳ thực thế giới nội tâm của người đời đối với nhà văn hoàn toàn không có gì là khó hiểu cả; do đó, nhà văn không hề ngỡ ngàng, mà trái lại, họ rất dễ thấu hiểu những dục vọng thầm kín này hoặc khác của người đời.

Tuy thế, nghệ thuật vẫn hết sức đa dạng. Và những điều mà nhà thơ bộc bạch trong một bài thơ trữ tình, cho dù anh ta có độc đáo đến bao nhiêu mặc lòng, thì cảm xúc của anh ta khi anh ta ca ngợi một ngày xuân hoặc những linh cảm về sự không thể tránh khỏi của một cái chết, về niềm hoan hỉ của tình yêu hay nỗi thất vọng của sự chia ly, tất cả đều là chuyện dễ hiểu đối với hàng vạn, hàng triệu tâm hồn của độc giả. Để sáng tác được một câu thơ, như: “Ôi, vào cái buổi hoàng hôn của cuộc đời, Đôi ta càng yêu nhau tha thiết hơn và càng tin vào thánh thần hơn…” Tiutchev chẳng cần phải chiêm nghiệm những niềm say mê của những kẻ đang trở về già, mà ông chỉ cần gặp nàng E.A. Denisiova trẻ trung lúc tuổi ông đã xế bóng. Với A.P Chekhov thời trẻ trung cũng vậy: để diễn tả mối tình của một vị giáo sư luống tuổi với một cô nữ sinh trẻ trong Một chuyện buồn tẻ, ông chỉ cần thấu hiểu con người, những tâm tư, thói quen, tính nết, lời ăn tiếng nói, thậm chí cả cách phục sức của con người là đủ. Boris Pasternak, tuy là một trong những nhà thơ trữ tình danh tiếng nhất của thời đại chúng ta, nhưng cũng như bất cứ một nhà thơ nào khác, anh vẫn bị hạn chế bởi cái thiên bẩm của chính anh. Và anh đã không thành công, khi anh muốn khắc họa hàng chục nhân vật trong tiểu thuyết, khắc họa thời đại anh, tái hiện cái không khí thời nội chiến, làm sống lại những cuộc đối đáp trên xe lửa, - bởi lẽ anh chỉ nhìn thấy và nghe thấy chính mình.

Nhất là lúc về già, anh càng bị cuốn hút bởi những điều bí ẩn trong thân phận người này, người nọ. Trong một tự truyện do chính Pasternak viết ra, anh đã thử dò tìm những tâm tư của Maiakovski, của Marina Tsvetaieva, của Fadeiev vào những giây phút cuối của đời họ. Đọc những điều ước ấy, tôi bỗng thấy rất khó xử. Tuy mang trong ngực một con tim cực kỳ đa cảm, nhưng Pasternak lại không có trong tay những chìa khóa để mở những cánh cửa dẫn vào lòng người. Tôi không dám phỏng đoán về chuyện anh đã phải xúc động nhiều vào những năm cuối đời, vì trong những năm đó, tôi không hề được gặp mặt anh; mà dẫu có gặp chăng nữa, chắc gì tôi đã thâu lượm được nhiều hơn, bởi lẽ làm sao mà dò biết hết những điều uẩn khúc trong cõi lòng người khác. Chẳng hiểu vì sao nhưng trong mẫu tự truyện đó, anh đã không thừa nhận rằng mình từng quen thân Maiakovski trong suốt nhiều năm. Riêng tôi, tôi cứ muốn thuật lại mối tình thân đó giữa hai người, vì chính tôi là nhân chứng.

Một lần, chúng tôi vừa đùa vừa bảo với Maiakovski rằng anh vốn có giọng nói thứ hai, một giọng nói dự trữ, chỉ dành riêng cho phụ nữ. Nhưng chính Maiakovski đã sử dụng đến giọng nói thứ hai đó, một giọng nói hết sức dịu dàng và trìu mến, ngay trước mặt tôi, mà lại là với một người thuộc giới đàn ông. Người đàn ông may mắn ấy chính là Pasternak! Tôi còn nhớ vào dạo tháng Ba năm 1921, ở Nhà In người ta có tổ chức một đêm thơ. Maiakovski đã đích thân đứng ra đọc thơ của Pasternak; còn thơ mình thì lại do một nữ nghệ sĩ trẻ tên là O. V. Alekseieva – Meokhiieva đọc thay. Lúc tọa đàm, có người đã đánh bạo, như tôi thường nói, “nhận xét những thiếu sót trong thơ Pasternak. Maiakovski lập tức đứng bật dậy và cất tiếng sang sảng ca ngợi thơ Pasternak: ông đã bảo vệ bạn đầy nhiệt thành, với một lòng yêu mến chân tình.

Trong bài Tấm hộ chiếu (năm 1930), Pasternak có nói đến mối quan hệ giữa anh và Maiakovski trong thời kỳ sắp nổ ra chiến tranh, trong những năm chiến tranh và những năm đầu cách mạng, như sau: “Tôi yêu Maiakovski đến độc chết mê chết mệt”, “Tôi đã tôn anh ấy lên làm thần tượng”, “Maiakovski là đỉnh cao của thi ca”, “Tôi vô cùng sung sướng khi được trò chuyện lần đầu với người mà mình yêu mến” (ngay cả khi xích mích với nhau), “trước mặt Maiakovski, tôi như thấy sức mình được nhân lên gấp đôi”, “Sự hiện diện của anh đã mang tới cho tôi một bầu không khí hoàn toàn mới lạ của lần gặp mặt đầu tiên”.

Nhiều cuộc bất hòa đã thường xuyên xảy ra và diễn ra khá gay gắt. Pasternak thỉnh thoảng có kể lại với tôi chuyện này. Tôi còn giữ được một số tạp chí Người cùng thời (Năm 1920), có lời đề tặng như sau của chính Pasternak: “Tặng người bạn và người chiến hữu của tôi với lòng biết ơn và niềm vui khôn xiết về sự hiện hữu của Hurenito, mà niềm khâm phục về ông chính là cội nguồn đã liên kết Maiakovski, Aseiev và những bạn bè cùng các chiến hữu khác thành một khối, những người ít khi đồng tình với nhau về một điều gì, nhưng lại thường xuyên bất đồng nhau”.

Sau nhiều lần va chạm, Maiakovski và Pasternak đã gặp nhau tại Berlin; cuộc giảng hòa giữa họ cũng ồn ào và sôi nổi như lần đoạn tuyệt nhau. Lần ấy, tôi đã vui chung cùng đôi bạn suốt ngày: chúng tôi đưa nhau vào một tiệm cà phê; tiếp đó, cùng đi ăn trưa, rồi lại lôi nhau vào một tiệm cà phê khác. Pasternak đọc thơ: buổi tối, Maiakovski ra mắt công chúng ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật, và đọc bản trường ca Ống sáo bằng cột xương sống, mắt luôn hướng về Pasternak.

Sau đó lại mỗi người một ngã. Nhưng rồi đến năm 1926, Maiakovski đã tôn Pasternak lên hàng “thi sĩ thiên tài” và dẫn ra một bài tứ tuyệt của anh để minh họa – Còn về cái chết của Maiakovski, Pasternak đã viết: “Tôi khóc rống lên, như đã từ lâu tôi hằng muốn thế”.

Chẳng hiểu sao lúc ngoảnh nhìn quá khứ, Pasternak lại cứ muốn xóa đi những điều như thế. Có lẽ, anh muốn tỏ thái độ phật lòng về mình chăng? Về điểm này, tôi vẫn không sao hiểu nổi. Theo tôi, những bài thơ làm lúc cuối đời và tuyển tập Chị tôi – Cuộc sống vốn có những mối liên quan hết sức mật thiết với nhau, nhưng chắc hẳn Pasternak lại coi đấy là sự đoạn tuyệt. Nhiều người có kể lại rằng khi họ nhắc nhở đến những sáng tác trong thời kỳ đầu của anh, Pasternak đã phẩy tay, và quả quyết rằng những gì mình sáng tác trước kia chung qui chỉ là thứ văn chương để dạy ở các trường trung học, là những bước chuẩn bị cho một áng văn duy nhất đáng nhắc nhở mà anh vừa viết xong cách đây không lâu, - cuốn tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago. (Về điểm này, cũng như khá nhiều điểm khác, Pasternak lại lặp lại những lầm lẫn của một loại nhà văn và nghệ sĩ. Tôi bất giác nhớ tới Gogol: ông quả quyết rằng vở Quan Thanh tra và tập đầu bộ tiểu thuyết Những linh hồn chết là những sáng tác vớ vẩn, rằng đến khi hoàn tất Tuyển tập thư từ trao đổi với bạn bè, ông mới tìm thấy cho mình con đường đi đúng.

Đọc xong bản thảo tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, tôi thấy lòng buồn rầu vô hạn. Có lần Pasternak đã viết: “Không làm chủ được cách tìm tòi và nói lên sự thật là một điều thiếu sót không thể lấy bất cứ một lời ngụy tạo hoa mỹ nào bù đắp được”. Cái giả dối trong cuốn tiểu thuyết đã khiến tôi hết sức kinh ngạc. Tôi tin chắc rằng anh đã viết nó một cách đủ chân thành. Ở đây, ta có thể gặp nhiều trang tuyệt hay khi anh viết về thiên nhiên, về tình yêu: nhưng bên cạnh đó không ít những trang nói về những điều mà anh chưa từng nhìn thấy, chưa từng nghe thấy bao giờ. Phụ thêm vào thiên tiểu thuyết là những bài thơ trác việt, như thể để tô đậm hơn những gì chưa thật chuẩn xác về trữ tình của các trang văn xuôi trước đó.

Trước kia, tôi chưa từng bao giờ thuyết phục được những người ngoại quốc sành thơ rằng Pasternak là một thi sĩ lớn. (Điều đó cố nhiên chẳng hề liên quan gì đến chuyện một số thi hào thông thạo tiếng Nga. Ngay từ năm 1926, Rilke đã nhiệt thành tán thưởng thơ Pasternak từ ngã khác. Có lần anh viết: “Cả đến viên thư lại chuyên chạy công văn sống ở ngoại ô cũng đã có lần thủ thỉ cùng tôi: Chẳng phải ngẫu nhiên mà ai sinh ra cũng có một đôi chân để đi… Tôi cũng là một con người kiểu đó… Tôi đã chọn nhầm đường. Thành phố này không phải là như vậy. Và bầu trời khuya kia cũng chẳng phải thế nầy!”

Tôi đến Stockholm giữa lúc ở đó đang bàn cãi xôn xao quanh việc trao tặng giải Nobel. Bước ra đường, tôi nhìn thấy một tấm bích chương lớn của một tờ báo, in đậm tên một tác phẩm quen thuộc. Tôi cố tìm hiểu điều gì đã xảy ra, nhưng mãi đến lúc mở máy thu thanh thì mới vỡ lẽ: tác phẩm ấy là của Pasternak… Toàn bộ chuyện này là một mưu đồ chính trị lộ liễu, sặc mùi chống Xô Viết công nhiên – một tấn kịch kiểu “chiến tranh lạnh”. Không phải là một thành phố kiểu này, cũng chẳng phải bầu trời khuya nọ. Và dĩ nhiên đó cũng chẳng phải là niềm vinh hạnh tương xứng với Pasternak của chúng ta.

Tôi biết trong thâm tâm anh, Pasternak không hề mảy may mưu toan làm tổn hại đến đất nước chúng ta. Nhưng anh sai lầm chính là vì anh lại là Pasternak, nghĩa là vì: tuy am hiểu hết sức sâu sắc mặt này, nhưng anh lại không sao hiểu thấu cái mặt kia của sự việc.

Anh không thể ngờ rằng người ta sẽ rút tỉa ra từ trong tác phẩm của anh những tình tiết để dựng lên một ấn tượng chính trị có hại, rằng dĩ nhiên sau đó sẽ phải có một cú đấm thôi sơn để đáp lại.

Tôi xin trở lại với địa hạt thơ ca. Có thời người ta ưa tuyển những tập thơ cốt câu khách dựa trên những chủ đề này nọ. Nếu dùng cách đó mà nghiên cứu Pasternak, thì thơ anh phần lớn đều xoay quanh hai đề tài: thiên nhiên và tình yêu. Nhưng theo tôi nghĩ thì ở đây người ta đã nhầm, bởi lẽ đề tài chủ yếu mà anh hay bàn đến lại chính là nghệ thuật, tức là loại đề tài đã từng làm nảy sinh Bức chân dung của Gogol, Một kiệt tác chưa từng biết của Balzac, Chim hải âu của Chekhov, và bài thơ Ôi khi dấn thân vào bước đường nghệ thuật. Phải chi ta biết được sự đời thường vẫn thế,- Rằng những dòng chữ sống động thấm đẫm máu tươi vốn có sức giết người. Rồi đây sẽ chẹn lấy cổ họng ta và giết tươi ta… Của chính anh. Và anh đã kết thúc bài thơ nói về sứ mạng của thi ca ấy bằng lời thú nhận sau đây: Và nghệ thuật bắt đầu chấm dứt ở đây. Nhường chỗ cho đất sống trên đời và cho số phận. Anh không tự sát, cũng không chết trẻ, nên anh có đủ thời giờ để thấu hiểu cái giá mà nghệ thuật phải trả - thấu hiểu sức mạnh của những dòng thơ vốn có sức giết người và luôn dày vò đến điêu đứng những ai tạo nên nó.

Paul Eluard có lần đã nói: “Nhà thơ phải biết làm cho mình trẻ trung mãi mãi, ngay cả khi đầu anh ta đã bạc trắng và mạch máu anh ta đã xơ cứng lại rồi”. Trong con người Pasternak vốn từng có một cái gì hết sức trẻ thơ. Nhiều phân định của anh có vẻ như hãy còn ngây thơ, thậm chí ấu trĩ nữa – nhưng đó chính là những phân định của nhà thơ đích thực. Anh có nhận định như sau về một nhà thơ: “Làm sao anh ấy có thể trở thành nhà thơ tốt, nếu anh ấy vốn là một con người xấu? Lần đầu tiên nhìn thấy Paris, anh đã thốt lên: “Nó chẳng giống thành phố một chút nào, mà trông hệt như một bức tranh thủy mặc!...”. Anh nói: “Tả một sáng xuân dễ lắm, nhưng vị tất đã ai cần đến nó; còn viết sao cho thật bình dị, rõ ràng và bất chợt, tựa hồ như một sớm xuân – điều đó thật khó biết chừng nào...”

Vào cái thời mà tôi đang kể, - thời ấy tôi còn đang sống trong một tâm trạng ngỡ ngàng, chưa biết nên xử thế sao đây, - thì đối với tôi, Boris Leonidovich Pasternak vừa là nguồn sinh khí nghệ thuật, vừa là nhịp cầu nối liền tôi với cuộc đời sống động bao quanh. Trẻ trung, tươi vui, xinh trai như một chàng thanh niên Ả Rập hồn nhiên, đầy sức sống – Pasternak luôn để lại trong tôi những ấn tượng như vậy, tuy rằng tôi còn gặp anh cả lúc anh đã về già, mái tóc trên đầu đã bạc phơ như cước.

Thấm thoắt đã nửa thế kỷ trôi qua – bỗng dưng tôi lại bắt đầu lẩm nhẩm nói đến những vần thơ của Paternak. Những vần thơ ấy không thể nào gạt bỏ ra ngoài cái thế gian này, vì những vần thơ ấy vẫn đang dào dạt sức sống.

Trích “CON NGƯỜI, NĂM THÁNG CUỘC ĐỜI”

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG dịch


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx