sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

04. B. Pasternak – Câu thơ và bài thơ (Phần 1)

B. PASTERNAK – CÂU THƠ VÀ BÀI THƠ (1)

(1)Boris Pasternak, Stikhotvoreniia poemy, Bibllothela Poeta Sovietskii Pisatel, Matxcơva – Lêningrat, 1965, L.A Ozerov biên tập, A.D Siniavski giới thiệu. Bài giới thiệu: tt. 5- 62.

A.D. SINIAVSKI

Thơ Pasternak từ lâu nay chỉ được một nhóm tương đối hạn chế những người thông thạo hoặc có chuyên môn biết đến thôi. Cũng từ lâu, giới phê bình đã nhận ra vị trí cô lập của Pasternak, vị trí có thể giải thích được, ít ra là từng phần, bởi những khó khăn mà người đọc gặp phải khi tìm hiểu thơ ông. “Người đọc phải đứng trước một nhà thơ thuộc loại rất đặc biệt, một nhà phê bình đã viết vào cuối những năm 20. Muốn hiểu được ông, phải tự ép mình, và hơn thế, theo một nghĩa nào đó, còn phải xét lại cách hiểu thông thường của mình nữa. Cái nhìn của ông về thế giới, ngay cả từ ngữ ông dùng, thoạt tiên có vẻ không chấp nhận được và kỳ dị; trong thời gian rất lâu, mỗi quyển sách mới của Pasternak đều làm nổi lên những câu hỏi khó chịu về cái “bí hiểm” của ông: “Sao có thể vậy được?” người ta tự hỏi (*).

* K.LOKS: Boris Pasternak, Poverkh baryevor (Boris Pasternak, Bên kia những rào cản) 612, 1929, Literatarnaia Gazeto, 28 – 10 – 1920

Sự dày đặc những ẩn dụ trong thời kỳ đầu của Pasternal thường được giải thích như một tham vọng làm mới về hình thức, phía sau sự làm mới ấy, người ta có thể đoán được mơ hồ nội dung sâu sắc. Hơn thế, những tác phẩm đầu tiên của ông thường cho cảm tưởng là hoàn toàn không thời sự. Vậy nên Pasternak rốt cục được coi như một nhà thơ xa lạ với những vấn đề lớn của thời đại và hoàn toàn bị cuốn hút trong những tìm tòi thuần riêng tư.

Thế nhưng, song song với thái độ phủ định, thậm chí cố chấp ấy – ngay từ đầu những năm 20 – nổi lên tiếng nói của Maiakovski, người ta vẫn coi Pasternak là một trong những thí dụ của “thơ ca mới, nhạy cảm với thời đại mình tới mức làm ta phải kinh ngạc (*)”.

* Teatralnaia Moskva, 1921, N*8, tr.6.

Gần cùng quãng thời gian ấy, V.Brioussov viết (2): “Pasternak không đặc biệt viết về cách mạng, nhưng, - có lẽ chính ông cũng không biết nữa – những câu thơ ông viết được nuôi dưỡng bởi tinh thần thời đại; thái độ của Pasternak không bắt nguồn từ những sách vở cũ; thái độ ấy bày tỏ chính bản chất của nhà thơ, và chỉ có thời đại chúng ta mới có thể sản sinh ra nhà thơ ấy (**).

** V. Brioussov: “Quá khứ, Hiện tại và Tương lai của thơ ca Nga”. Pechat’i nevolgutsiya, 1922, N*7, tr.57.

(2) Valery Yakovlevitch Brioussov (1873 - 1924 ), nhà thơ tượng trưng quan trọng, học giả, dịch giả, biên tập toàn tập tác phẩm của Pouchkine.

Do bản chất tài năng và quan niệm của ông về vai trò của nghệ thuật, Pasternak không nằm trong số những quan tuyên cáo và những nhà hùng biện của Cách mạng. Trước cuộc sống, trước hiện thực, thái độ của ông không phải lúc nào cũng tương ứng với những đòi hỏi của một tình thế lịch sử cụ thể, mà được xác định bởi một lý tưởng trừu tượng về sự hoàn hảo tinh thần. Cái nổi bật nơi ông, đó chính là một quan niệm về cuộc sống đặt nền tảng trên những phạm trù “vĩnh cửu” của điều tốt, của tình yêu và của một sự thật của mọi người, ít ra là một phần quan trọng trong thơ ông.

Tuy nhiên – gắn với nhiều thời kỳ khác nhau – cách mạng và hiện thực mới Xô viết đã ló ra, đặc biệt (đây chính là đặc trưng của nhà thơ) dưới góc độ những chuyển biến tinh thần mà thời đại chúng ta và dân tộc chúng ta đã đưa vào lịch sử thế giới. Năm 1957, không bao lâu trước khi mất, ông đã đi vào cùng đề tài nầy trong Thông điệp Năm mới viết cho bạn đọc nước ngoài: “Còn có cái khác nữa mà các bạn có thể mang ơn chúng tôi. Dù những khác biệt giữa chúng ta có thế nào chăng, thì cuộc Cách mạng của chúng tôi cũng đã bắt giọng; cho các bạn cũng như cho chúng tôi; cuộc Cách mạng ấy đã cho thế kỷ chúng ta một ý nghĩa. Không chỉ chúng tôi và thế hệ trẻ của chúng tôi, mà cả con một ông chủ nhà băng của các bạn cũng hoàn toàn khác cha của anh ta hay ông của anh ta... Hãy cảm ơn chúng tôi về con người mới ấy, con người đã xuất hiện ngay trong lòng những xã hội cũ của các bạn, bởi vì anh ta sống hơn, sắc sảo hơn và có tư chất hơn những người đi trước vụng về và đầy hợm hĩnh của anh ta – hãy cảm ơn chúng tôi, bởi vì đứa con của thế kỷ đã ra đời trong một nhà hộ sinh có tên là nước Nga. Hãy chúc mừng nhau hạnh phúc nhân cái tết sắp đến, và hãy đưa vào đó lời ước nguyện, những tiếng nổ của đại bác sẽ không lẫn vào tiếng nổ của rược sâm banh, tiếng súng đạn sẽ không bao giờ còn vang lên nữa, trong năm tới cũng như những năm tiếp theo. Nếu bất hạnh phải đến, các bạn hãy nhớ tới những biến cố đã làm nên chúng tôi, không ai quyết liệt hơn chúng tôi, và không ai sẵn sàng hơn chúng tôi khi cần lao vào cái không thực hiện nổi và cái không quan niệm nổi; mọi lời kêu gọi ra trận đều sẽ biến chúng tôi thành anh hùng, đúng như trong cuộc thử thách vừa qua của chúng tôi (*)”.

* Drouziam na Vostoke i na Zapade, Novogodnieie pozvelanie. (Gửi các bạn ở phương Đông và phương Tây, Những lời chúc tết) Literatarnaia Rossiia, N*1, tr.19.

Những bài thơ Pasternak viết về thiên nhiên, phong phú một nội dung sâu sắc, nói với người thời đại ngày nay cũng như hôm qua, là những bài hay nhất mà ông đã sáng tác suốt nửa thế kỷ hoạt động văn học. Cảnh vật trong thơ Pasternak bằng sự khẳng định đầy rung cảm về cuộc sống và sự tươi mát trong cái nhìn, hoàn toàn hài hòa với dạng tinh thần của con người hiện đại, không phải là chuyện tình cờ nếu chính nhà thơ đã gắn nguồn cảm hứng tập Chị tôi – Cuộc sống mà ông viết xong năm 1917 với cảm giác là một thế giới mới đang nẩy sinh: “Tôi nhìn thấy mùa hè trên trái đất như chính mùa ấy không nhận ra cả mình, tự nhiên và trước thời hồng thủy như một điều mặc khải. Tôi đã viết đầy một cuốn sách mùa hè năm ấy: Tôi đã bày tỏ trong đó tất cả những gì người ta có thể khám phá ở một cuộc cách mạng, những gì phi thường nhất và khó nắm bắt nhất ở cuộc cách mạng ấy (**)”.

** Lời bạt chưa xuất bản cho cuốn Giấy thông hành, năm 1931 (tư liệu lưu trữ riêng của B.L. Pasternak).

Boris Leonidovitch Pasternak sinh ngày 10 tháng 2 (29 tháng giêng) năm 1893 tại Matxcơva. Cha ông, L.O. Pasternak là một họa sĩ nổi tiếng và mẹ ông là nhạc sĩ dương cầm R.I Kaufman. Tuổi nhỏ của nhà thơ diễn ra trong một bầu không khí nghệ thuật, âm nhạc và văn học. Bầu không khí ấy đã sớm ảnh hưởng đến ông. Lúc còn bé, Rilke, Tolstoi và Seriabine đã gây nơi ông một ấn tượng sâu xa. Sau này, ông có nói đến tầm quan trọng quyết định của những tiếp xúc đầu tiên ấy với thế giới những người sáng tạo đối với sự hình thành con người ông. Tiếp thêm nữa là ảnh hưởng của Blok – người chủ trương một nền thơ ca hoàn toàn riêng tư, cá nhân, và những tiếp xúc với Maiakovski.

Đam mêm đầu tiên của Pasternal là âm nhạc. Mang nặng ảnh hưởng của Seriabine (3), ngay từ khi lên mười ba tuổi, ông đã chuyên tâm sáng tác, với phần lý thuyết đã học được với Y.D Engle và R.M Glier (4). Sau sáu năm cố gắng miệt mài, ông lại bỏ hẳn âm nhạc. Năm 1909, ông vào trường văn khoa thuộc Viện Đại học Matxcơva và bắt đầu học triết một cách nghiêm túc. Để bồi dưỡng cái học ấy, ông qua Đức và học hết một học kỳ ở Đại học Marbug năm 1912. Trong thời gian nầy ông cũng du lịch qua Thụy Sĩ và Ý. Từ khoảng năm 1908 – 1909, Pasternak đã bắt đầu quan tâm đến thơ mới và từng kết thân với nhiều nhà thơ. Ông vào nhóm của Y.D Anisimov và bắt đầu viết thử. Nhưng thiên hướng của ông chỉ lộ rõ hẳn sau thời gian ở Marbug. Từ bỏ triết học, ông dành hết thời giờ cho thơ ca, là mối bận tâm kể từ 1913 đã trở thành chính yếu và ổn định của cả đời ông.

(3) Alexandre Nicolaievitch Scriabine (1871- 1915) nhạc sĩ và nhạc trưởng, tiên phong của âm nhạc hiện đại.

(4) Reinhold Moritsevitch Glier (1875 - 1956) nhạc sĩ và nhạc trưởng, giáo sư, 3 giải Glinka và 3 giải Staline.

Những lần tuyệt giao vĩnh viễn, những chuyển tiếp đột ngột ấy từ lĩnh vực này qua lĩnh vực khác (từ âm nhạc qua triết học, rồi từ triết học qua thơ ca), sự không thỏa mãn, cái ý chí cần sáng tạo tối đa với khả năng của mình, đi tới chỗ phải hy sinh những năm tháng lao động để làm thí nghiệm một sự “ra đời lần thứ hai” ấy cũng chính là cái làm lộ rõ tính cách tiền sử thuần văn học của Boris Pasternak. Ông vừa chuyển biến vừa không ngại ngùng, xóa sạch chính quá khứ của mình. Giai đoạn đầu trong sự nghiệp tìm kiếm thơ ca của ông, được đánh dấu bởi những ảnh hưởng trái ngược của trường phái tượng trưng và trường phái vị lai (thời đó, cùng với N. Aseiev và S. Bobrov ông gia nhập nhóm các nghệ sĩ chủ trương vị lai ôn hòa trong nhóm Centrifuge (5). Sau đó đã hoàn toàn được ông xét lại. Trong các ấn phẩm xuất bản sau này, Pasternak đã loại bỏ phần lớn những gì ông đã viết trước năm 1917.

(5) Nikolai Nikolatevitch Aselev (sinh năm 1889) nhà thơ, thành viên nhóm lập thể - vị lai. Sergei Pavlovitch Bobrov (sinh 1889)nhà thơ, dịch giả, tác giả những truyện khoa học viễn tưởng có khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, trong những năm 20, ông làm một trong những người lãnh đạo nhóm vị lai “Centrifuge”.

Tập Chị tôi – Cuộc sống xuất bản năm 1912 đã đặt tác giả vào hàng những bậc thầy lỗi lạc của thơ ca đương thời. Người ta có thể nói kể từ cuốn này, Pasternak bắt đầu hiện hữu như một hiện tượng thơ độc đáo. Những tác phẩm thời trẻ của ông, Sinh đôi trong mây (1914) và Bên kia những rào cản (1917) chỉ là những bản viết thử, một cách luyện tập; ông chỉ mới lên giây đàn. Những tác phẩm ấy phản ánh sự tìm kiếm một giọng văn của riêng ông, một cái nhìn riêng về cuộc đời và một chỗ trong nhiều những dòng văn học khác nhau. Một số bài thơ in chung trong các tập Sinh đôi trong mây và Bên kia những rào cản sau đó đã được viết lại và biến đổi đến độ hầu như không ai còn nhận ra được. Mặc dầu, ngay từ cuốn sách thứ hai ấy, người ta đã nhận rõ một số nét đặc trưng, một số lối thẩm thức đã rất ổn định (khuynh hướng giải phóng các biểu hiện, mô tả thực và sống, hình ảnh năng động và mãnh liệt). Ông vẫn thấy cần phải đem ra trau chuốt lại hoàn toàn cho ấn bản mới năm 1929. Những lối sáo mòn, vay mượn của các nhà thơ tượng trưng, ngôn ngữ, trừu tượng và tối tăm một cách có cân nhắc, những lời “kêu vang trống rỗng” kiểu các nhà thơ vị lai, như ông đã phải nói lên sau đó, những thứ thường đem lại cho câu thơ “một độ nhạy kỳ lạ” (do ý nghĩa và nội dung), tất cả những thứ đó đã biến mất.

Khi xem xét những quãng thời gian khác nhau trong hoạt động sáng tác của Pasternak, người ta có thể coi thời kỳ từ 1912 đến 1916 như một giai đoạn học việc, là thời gian ông thu thập những kinh nghiệm, và thiết lập một nghệ thuật thơ ca không hẳn đã chín muồi mà cũng không hẳn là độc đáo. Một trong những biến cố quan trọng nhất trong sự nghiệp của Pasternak là việc sáng tác tập Chị tôi – Cuộc sống năm 1917. Ở đây ông đã sáng tác một cách đặc biệt tích cực và đầy nhiệt tình rạo rực chứng tỏ nguồn cảm hứng bay bổng và sự bùng nổ mãnh liệt và bất chợt của sức mạnh thơ ca mà ông đã đặt vào tập thơ. Sau này, sau Chủ đề và biến khúc, xuất bản năm 1923, xét về nhiều mặt là phần tiếp theo của tập thơ trên, đã khởi đầu một thời kỳ tìm kiếm dữ dội trong lĩnh vực sử thi (1923 – 1930) được đánh dấu bởi Trọng Bệnh, những bài thơ lịch sử - cách mạng được tập hợp dưới tựa Năm 1905 và Trung úy Smith và tiểu thuyết văn vần Sperktorski.

Trong những năm 20, Pasternak thuộc nhóm văn học LEF (6) (V. Maiakovski, N. Aseiev, S. Tretiakov, O. Brik, N. Tehoviak và nhiều người nữa). Khuynh hướng của LEF muốn đi tới một nghệ thuật có phương hướng và khuấy động, rao giảng thuyết vị lợi và tính kỹ thuật thật ra rất xa vời những cách nhìn của riêng ông. Mối liên hệ tạm thời và rất rời rạc này với nhóm LEF còn duy trì được là nhờ tình bạn của ông đối với Maiakovski và Aseiev và ở một mức nào đó là do những nỗ lực chung của họ nhằm làm mới vần luật và ngôn ngữ thơ. Nhưng Pasternak cảm thấy mình là một di vật trong lòng nhóm LEF, ông đã tuyên bố công khai điều ấy vào năm 1928. Nhân đây tưởng cũng cần ghi nhận rằng Pasternak không bao giờ để ai tập hợp mình vào một nhóm, và chưa bao giờ gia nhập một trường phái nào hay một cương lĩnh văn học nào được xác định rõ ràng. Ngay trong thời kỳ trước cách mạng, là thời kỳ ông đã đi một đoạn đường chung với những người thuộc trường phái vị lai, ông vẫn giải thích lại thuyết vị lai ấy theo một nghĩa riêng của ông, đúng ra là theo kiểu ấn tượng, và đã rất khó chịu bởi tính hẹp hòi của nhóm ông.

(6)“LEF”: Levyi Front Issloustva (“Mặt trận phái tả nghệ thuật”), nhóm văn học ở Matxcova (1923), trong đó Maiakovski đóng một vai trò quan trọng. Sergei Tretiakov (1892-?), vị lai thiên tả, lý thuyết gia của LEF, nhà thơ và tác giả sân khấu. Bị bắt năm 1938, hình như chết trong một trại lao động, Ossip Maximovitch Brik (1888- 1945), nhà văn, nhà phê bình văn học và sân khấu, bạn thân của Maiakovshi, chủ nhiệm tạp chí Lef.

Công việc lớn lao thể hiện trong những bài thơ lịch sử của ông vừa xong, bắt đầu những năm 30, ông quay trở lại thơ trữ tình (Ra đời lần thứ hai). Bấy giờ ông thay đổi khá nhiều giọng thơ trữ tình và bút pháp mô tả của mình, nhằm đến sự sáng sủa, sự đơn giản “cổ điển”. Tiến trình nầy rốt cục làm ông tạm thời mất đi một phần nghị lực sáng tạo và trong hoạt động đã có những khoảng đứt đoạn kéo dài.

Những năm 30 là thời kỳ khó khăn đối với nhà thơ. Ông sáng tác ít, dành phần lớn sức lực cho việc dịch thuật là công việc tính từ năm 1934 đến cuối đời đối với ông đã trở thành một hoạt động đều đặn: các nhà thơ miền Gruzia, Shakerpeare, Goeth, Schilter, Kleist, Rilke, Verlaine, vv...

Chỉ đến đầu năm 1941, ngay trước chiến tranh, Pasternak mới bước qua cơn khủng hoảng và nghị lực sáng tạo của ông lại đi vào một lần đổi mới. Một loạt những bài thơ có chất lượng cao, xuất hiện dưới tít Trên những chuyến tàu rạng đông (1943) đã được đặt ngang hàng những bài thơ trữ tình của những năm 40 và 50, cũng chính là những bài đã đăng quang cho sự nghiệp của ông (Pasternak mất ngày 30 tháng 5 năm 1960).

Trong những hai mươi, ba mươi, và sau đó nữa, chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực không ngừng của ông nhằm xem xét lại và đánh giá lại quá khứ văn học của mình. Năm 1956 ông tuyên bố không thích bút pháp của mình trước năm 1940. Kiểu đặt vấn đề trở lại như thế, đặt vấn đề và không phải lúc nào cũng nhìn nhận giá trị của mình, chính là do bản chất của nhà thơ, vốn không thích gom nhặt, mà trái lại, trút bỏ những tác phẩm thời quá khứ để có thể tiến tới những cuộc chinh phục tương lai. Với ông, nghệ thuật là một thiên tư không đổi, một vận động, trong đó, cái quan trọng không phải là những thành quả, mà là những khám phá.

Mục đích của sáng tạo là thiên tư của chính mình,

Sáng tạo không tìm kiếm cảm giác, cũng không tìm kiếm thành công.

Thật là xấu hổ khi không có một ý nghĩa nào.

Mà lại luôn được nhắc đến trên môi mọi người,

Cần phải để có những chỗ trắng trong cuộc đời,

Nhưng không phải trên trang giấy,

Viết ra cả ngoài lề

Những chương sách của một cuộc sống thật đầy.

Việc ông thường xuyên đặt vấn đề trở lại những quan niệm của mình về nghệ thuật tuy vậy vẫn không hề loại mất một sự thống nhất lớn bên trong tác phẩm ông viết khoảng 1917 đến 1960. Nó nẩy sinh từ những ý tưởng chủ đạo và từ những khuynh hướng tu từ học của ông. Tiếp theo Chị tôi – Cuộc sống là tác phẩm đã xác lập quan điểm thẩm mỹ và triết học của ông, Pasternak đã biến chuyển đủ mọi cách nhưng những nền tảng tính chất trữ tình của ông vẫn không bị phá hủy. Ông phát triển những gì ông đã diễn đạt trong tập sách ấy, bày tỏ một cách đầy đủ hơn khám phá ban đầu của mình.

Vẽ ra được sơ đồ tiến hóa thơ ca của Pasternak, bây giờ chúng tôi muốn thử đi vào thế giới nội tâm của người nghệ sĩ ấy, nhìn kỹ triết lý cuộc sống của ông, cấu trúc ngôn từ của ông và cơ cấu ẩn dụ của thơ ông. Để đạt được mong muốn đó, chúng ta sẽ khước từ một lối trình bày tuyệt đối theo thứ tự thời gian những tác phẩm của ông và sẽ nghiên cứu cùng lúc những bài thơ ông viết vào những thời kỳ khác nhau thương là theo những bút pháp khác nhau, nhưng cùng giống nhau ở những chiều sâu và có liên hệ với nhau ở những điểm tương ứng chủ yếu.

Thiên nhiên ở ngay trung tâm cái trữ tình của Pasternak, nhưng nội dung lấn ra ngoài khung cảnh của một “cảnh vật”. Khi ông gợi đến mùa xuân hay mùa thu, mưa hay bình minh, Pasternak nói với chúng ta về chính bản chất của cuộc đời và sự sống của con người, và biểu bạch một niềm tin vào cuộc đời ta thấy hình như vốn là nét lớn trong thơ ca của ông và làm thành nền tảng tinh thần của thơ ca ấy. Đối với ông, cuộc sống là không điều kiện, vĩnh cửu và tuyệt đối, một yếu tố thần diệu, có mặt ở khắp nơi. Sự kinh ngạc thán phục trước điều thần diệu đó, Pasternak lúc nào cũng cảm thấy, lúc nào cũng thấy ngạc nhiên và như lại bị mê hoặc bởi điều khám phá này: “Mùa xuân đã trở lại”.

Tôi đã nghe ở đâu rồi nhỉ

Những đoạn ròi người ta từng nói năm trước?

A! hôm nay, tôi nghĩ, lần nữa

Lần nữa con suối lại chảy ra khỏi khóm cây trong đêm.

Lần nữa, như vào những tháng năm đã qua,

Sức nước của cối xay tràn bờ

Và đã ném trả lại những cục băng.

Đây thật ra là một điều thần diệu mới,

Như ngày xưa, mùa xuân một lần nữa đã trở lại.

Điều thần diệu là thế đó.

Cảnh vật của ông tỏa ra sức khỏe và sự tươi mát. O. Mandelstam đã rất chính xác khi nhận đinh rằng: “Đọc thơ Pasternak là làm thông suốt đường họng, thở đầy, làm mát dịu những lá phổi – những bài thơ như thế hẳn là phải giúp ta tránh khỏi bệnh lao (*)”.

(*) O. MANDELSTAM: “Boris Pasternak”, Rossiia, N*6, 1923, tr.29.

Bình minh vung lên ngọn đuốc hung tợn.

Và nung đốt con chim én.

Tôi lục tìm ký ức mình và nói:

Ôi! đời sống hãy vẫn cứ luôn luôn mới!

Rạng đông là một phát súng trong đêm

- Và thế là chết trên đường bay của mình

Ngọn lửa của viên đạn.

Đời sống vẫn cứ luôn luôn mới.

Hết ngày này qua ngày khác, hết câu thơ này đến câu thơ khác, Pasternak thể hiện sức sống chiến thắng và bổ ích của thiên nhiên không hề biết chán. Cây, cỏ, mây, nước được trao quyền lên tiếng nhân danh chính cuộc sống buộc chúng ta đi theo con đường của chân lý và điều tốt. (“Trên trái đất không có nỗi đau nào lớn đến độ tuyết không chữa lành được.”). Đẹp biết bao và ý nghĩa biết bao ở ột cây liễu:

Khi đã đến giờ Desdemene ca hát

- Nàng chỉ còn ít thời gian để sống -

Nàng không ngợi ca ngôi sao của mình, mối tình của mình.

Nàng ngợi ca cây liễu, cây liễu nàng ngợi ca, thổn thức ca.

Khi đã đến giờ Ophélie ca hát

- Nàng mãi say mê những giấc mơ cay đắng -

Cùng với những chiến tích nàng đã tắt dần?

Với một nhành dương liễu và thổ hoàng liên.

Cảnh vật trong thơ Pasternak thường không phải là đối tượng mô tả, mà là trung tâm của hành động, nhân vật chính và là lực phát động của những biến cố. Người ta lại thấy lại sự sung mãn của đời sống trong muôn vàn những biểu hiện khác nhau của nó trong một mảnh thiên nhiên dường như có khả năng cảm nhận và suy nghĩ. Sự so sánh thiên nhiên với con người, thường thấy trong thơ ca, ở Pasternak đã được đẩy xa tới mức độ cảnh vật trở thành chủ nhân và mẫu mực tinh thần “Rừng cây trút bỏ chiếc áo dài màu đỏ sẫm” công thức truyền thống thơ ca Nga, lại bị đảo ngược bởi Pasternak: “Em ném bỏ chiếc áo dài của em như khóm cây trút bỏ tán lá của mình...” Và nhà thơ nói với người yêu: “Ý nghĩ của em bao dung như không khí...”. Con người tự xác định bởi thiên nhiên, và chính dựa vào quan hệ với thiên nhiên mà con người tìm ra chỗ của mình trên thế gian. Quyền lực ấy, hay đúng ra là sự can thiệp ấy của thiên nhiên không làm cho con người giảm giá trị, bởi lẽ khi chực khuất phục và khi bắt đầu giống như thiên nhiên, chính con người đã vâng theo tiếng nói của cuộc sống. Song, thiên nhiên với Pasternak gần gũi con người đến độ, ngay khi bị gạt ra và bị thay thế bởi cảnh vật, con người vẫn hồi sinh trong thiên nhiên. Nhân hóa thiên nhiên nơi ông đi chỗ khi lang thang băng đồng băng núi, ta thấy khía cạnh hình ảnh của những đồng những núi kia còn ít hơn là tính cách của chúng, tâm lý của chúng.

Khi nói về thời gian sống ở Venise, Pasternak nhớ lại: “Và như thế, tôi đã đi đến chỗ chia sẻ hạnh phúc ấy. Tôi vui vẻ nhận ra là ngày này qua ngày khác, người ta rồi cũng có thể hẹn hò với một miền đất đầy những công trình xây dựng, đúng y như với một con người bằng xương bằng thịt (*)”.

(*) Boris Pasternak, Okhrannia Grenota (Giấy thông hành), Leningrat, 1931, tr.81.

Trong những bào thơ của ông, ông đã có những cuộc hẹn hò kiểu như vậy với cảnh vật, một cảnh vật được coi như một cá tính không thể bắt chước được và tự chủ:

Ở đây, các bạn đi vào rừng phong,

Và rừng nhìn bạn và bạn nhìn rừng.

Ở Pasternak, thiên nhiên mang tất cả mọi đặc trưng của nhân phẩm con người. Chúng ta vẫn quen sự kiện “trời” mưa, và bây giờ, chúng ta lại khám phá ra: “Mưa đập ngoài cửa – rơi từ giấy ngủ đúng hơn là từ những mái nhà – hững hờ hơn là nhút nhát...” Cảnh vật của Pasternak có tính khí, biết chọn lựa cái thích, những thú vui – những đám mây đùa giỡn bắt nhau, cơn giông chụp ảnh với đèn chớp, và con suối hát một bài ca. Một số nét của cảnh vật còn mang cả dáng dấp chân dung:

Rừng cây trút lá và mồ hôi

Nhỏ từng giọt từng giọt.

Những giọt long lanh, long lanh, như làn môi

Mà không hề có bàn tay ai lau sạch

Những cánh liễu và những chiếc lá sồi

Và những dấu chân ta cạnh bờ ao.

“Khuôn mặt trời xanh”, “khuôn mặt dòng sông”, “khuôn mặt của cơn giông đang lột mặt nạ của mình”: Vũ trụ thiên nhiên là thế, là sự tập hợp nhiều khuôn mặt và nhiều cá thể.

Thơ Pasternak có tính ẩn dụ suốt mọi phía; nhưng tính ẩn dụ của tất cả những lối nhận diện ấy lại bị xóa mờ trong hình ảnh một cảnh sống thực. Khi “khu vườn khóc”, khi “cơn giông chạy”, thì đấy chẳng phải là một ảnh tượng mà là một thực tại.

Giông tố đã đến trước cửa! Hãy bước ra!

Trong những trận đùa nghịch và những thay đổi của nó.

Trong đêm tối, những tiếng sấm nổ ánh bạc,

Nó chạy dọc theo hành lang!

Trong thơ Pasternak, ẩn dụ trước tiên đóng một vai trò liên lạc. Nó nối liền, một cách tức thời và năng động, những đoạn rời của thực tại để đem làm thành một toàn thể thuần nhất: do chỗ đó người ta có thể nói nó là hiện thân của sự nhất quán của vũ trụ và là sự thâm nhập lẫn nhau của những hiện tượng. Pasternak đi từ nguyên tắc định rằng hai vật đặt cạnh nhau tác động lên nhau và thâm nhập lẫn nhau; bởi thế nên ông nối liền chúng không phải vì chúng giống nhau, mà vì chúng ở gần nhau, bởi lẽ sợi dây nối liền chúng chính là cái ẩn dụ. Thế giới được viết ra “như một toàn thể”, nhưng để cho người khác thấy được sự nhát quán ấy, nhà thơ phải sử dụng giá trị hình tượng của chữ:

Mùa xuân đến và tôi từ con đường ấy đến đây,

Nơi cây dương sửng sốt, cảnh vật từ xa run rẩy

Và ngôi nhà sụp đổ, nơi không khí xanh như cái ba lô áo quần

Mà người đàn ông mang khi ra khỏi nhà thương.

Câu thơ cuối cho ta hiểu tạo sao “cảnh xa run rẩy” và “ngôi nhà sợ sụp đổ” – những thứ ấy cũng vừa ra khỏi nhà thương, như người đàn ông mà cái ba lô đã nhòa màu trên nên trời.

Cảnh vật nơi Pasternak – và khắp thế giới – có một thứ tính nhạy cảm tăng dần. Nó phản ứng nhanh và tức thời trước những biến chuyển xảy ra nơi con người, không phải chỉ khi tương ứng với những ý nghĩ, những tình cảm và những tâm trạng của người ấy, như vẫn thường xảy ra trong văn học, mà cả khi thực sự trở thành bản sao, sự kéo dài của con người, alter ego của con người ấy. Cơ chế của những biến chuyển ấy, chúng ta thấy rõ trong một tác phẩm văn xuôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx