sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

07. B. Pasternak – Câu thơ và bài thơ (Phần 4)

Sau Cách Mạng, những phong cảnh "lịch sử" của Pasternak thay đổi tính cách. Đôi khi chúng còn trở thành tượng trưng cho nước Nga cách mạng, như trong Điện Kremlin dưới tuyết cuối năm 1918. Trận bão tuyết ở đây trùng hợp với một trận bão đã bùng nổ trên những miền đất mênh mông của kỷ nguyên mới và kéo chúng vè phía tương lai không gì ngăn nổi. Những yếu tố lịch sử, ngọn gió Cách Mạng, được nhận thức với nhiệt tình và mô tả với ngọn bút lông của một họa sĩ vẽ phong cảnh đầy kinh nghiệm:

Đêm vừa qua Điện Kremlin, cung điện không gì so sánh được,

Cung điện kỳ lạ, phủ đầy bọt

Trong những buồm dây giăng, của biết bao mùa đông

Đã trút cơn giận của mình lên mùa đông hôm nay

Và cung điện hùng vĩ, phủ đầy quá khứ

Như những ảnh tượng của một vị ngôn sứ

Mù quáng xông vào, thật khủng khiếp

Trong những gì còn lại của năm ấy, khoảng năm 1919.

Trong một chương ông cố ý đưa vào một tiểu luận tự thuật, Pasternak nhắc lại những biến cố của năm 1917.

Bốn mươi năm đã trôi qua. Từ một khoảng cách như thế trong thời gian, những tiếng nói của đám đông không thể đến tay chúng ta: tiếng nói của những người hội họp ở những Vetché (12). Tôi vẫn luôn thấy lại những buổi họp ấy như những bộ phim câm hay những phong cảnh đứng im… Những người dân thường có mặt ở đấy mở rộng tâm hồn mình và nói về những gì quan trọng hơn cả: Sống như thế nào, và tại sao; bằng cách nào sáng tạo ra cuộc sống ấy, cuộc sống duy nhất xứng đáng sống. Nhiệt tình chung và dễ thấy của họ đã làm sụp đổ những rào cản chia cách con người và thiên nhiên. Suốt mùa hè năm 1917 đáng chú ý đó, trong thời chuyển tiếp chia cách hai cuộc cách mạng.

Người ta lẽ ra đã có thể tin rằng không chỉ con người, mà cả đường sá, cây cỏ và trăng sao cũng tham gia cuộc đối thoại. Ngay cả không khí, tự do và vô hạn định, cũng trải rộng và nhiệt tình nóng bỏng của mình trên hàng ngàn Verstes, giống như một con người có tên, có một cái nhìn và một tâm hồn trong sáng (*).

(12) Vetché: Tên gọi những hội đồng thành phố ở nước Nga trung cổ. Bãi bỏ năm 1510, khi Matxcova thiết lập chính quyền chuyên chế.

(*) Tư liệu của N. V. Bannikov. (?)

Những hình ảnh mà Pasternak cho chúng ta từ thời kỳ sôi động ấy, với những trận mưa rào tẩy sạch của nó, những cơn giông và những cơn bão tuyết của nó, đều có mục đích biểu hiện tính cách chung của sự đảo lộn. Chủ để "Cách Mạng" ở đây được cảm xúc như một sức ép không gì cưỡng nổi trong cơ cấu xúc cảm của những cảnh tượng, nơi tiếng nói của đám đông tham gia vào sự tập hợp của đường sá và cây cối. Trong thơ của ông thời kỳ cách mạng, thật khó mà sắp xếp vào một đề mục riêng những tác phẩm viết về cách mạng. Chủ đề ấy có mặt khắp nơi, người ta không nắm bắt được nó cũng như không nắm bắt được không khí, nó hiện diện nhưng khó nhìn thấy, y như cuộc gặp gỡ giữa cái vĩnh cửu và cái nhất thời, cuộc gặp gỡ xa xưa nay vẫn luôn là mối bận tâm chủ yếu của người nghệ sĩ. Như vậy, có nhiều bài thơ của Pasternak nói đúng ra không phải là những bài thơ viết về Cách mạng, mà lại như thể đã được viết ra trước mặt cách mạng và đã được tô điểm bởi hồi kèn náo nhiệt của thời đại.

Chúng ta là những con người. Chúng ta là những thế kỷ

Họ đánh chúng ta, ép chúng ta suốt dọc đoàn người đi

Như lãng nguyên, dưới hơi thở mạnh của xe lửa.

Sự xô đẩy của pit tông và vội vàng của những đường sắt

Cùng nhau chúng ta bay, đập tan chướng ngại,

Cùng nhau chúng ta quay cuồng với cơn bão đen màu quạ

Và - chúng ta đã vượt qua! Các bạn sau này sẽ hiểu

Họ, khi đã chất cỏ khô thành đụn buổi sáng,

Trong một lúc đã bị gió tập hợp lại

Một dấu ấn của ngọn gió còn để lại trong lời nói,

Vào những buổi họp ồn ào

Của cây cối trên những mái nhà ngói gỗ.

Trong những năm 20, nhà thơ hướng trực tiếp về lịch sử và những khuynh hướng sử thi bất ngờ thành hình trong thơ ca của ông. Năm 1923, với cuốn Căn bệnh cao cả, ông đã "Gửi một người trinh sát vào sử thi”. Sau đó đến Năm 1905 và Trung úy Smith (1925 – 1927). Năm 1930, ông viết xong Sperlorski Thơ ca sử thi quyến rũ Pasternak, nhưng cho đến sau này, ông vẫn là một nhà thơ trữ tình xác tính, đến nỗi bây giờ ông tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng thời đại chúng ta sống đã khuyến khích thể loại sử thi, bởi nên trong cuối Năm 1905 của tôi, tôi đi từ tư tưởng trữ tình qua tư tưởng sử thi, mặc dù sự chuyển tiếp không phải dễ dàng (*)”. Cùng giai đoạn ấy, ông cũng tuyên bố: “Thơ trưc tình ngày nay hầu như đã không còn hiện hữu nữa (**)”. Sự hướng về những thầm thức và những đòi hỏi của thời đại ông là rất có ý nghĩa – mặc dù trữ tình tất nhiên đã không hết hiện hữu, như chúng ta thấy trong nhiều thơ ca, kể cả thơ ca của chính Pasternak. Ngoài mối quan tâm ấy đối với sử thi, vào thời ấy đã là quan tâm chung, ta cũng phải chú ý tới việc Pasternak lúc nào cũng làm việc cực kỳ tập trung, không bao giờ rời mắt khỏi mục đích của mình; ông tự cho có bổn phận biến câu chuyện kể thơ ca thành một thể loại hoàn toàn riêng biệt. Theo lẽ chung, ông đã chuyển biến thơ ca của mình bằng những tập thơ, chứ không phải bằng những bài thơ rời. Những cuốn sách của ông báo hiệu những thời kỳ, hoặc là những bước ngoặt của nghệ thuật ông. Khoảng năm 1925, ông hướng ý thích của mình về thơ sử thi, và ông đã làm việc dữ dội, làm hết bài thơ này đến bài thơ khác, tất cả đều viết cho thời kỳ cách mạng.

(*) Na Literaturnom postu (“Bảo vệ văn học”), 1927, N-4, tr.74.

(**) Molodaia Gvardiia (“Người cận vệ trẻ”), 1928, N2, tr.199.

Chính trong Căn bệnh cao cả lần đầu tiên Pasternak đã cho chúng ta “một sử thi, mà chủ đề, phát triển một cách chậm chạp đến đoạn cuối mới thành hình được (*). Ngôn ngữ của nhà thơ, phức tạp một cách có cân nhắc, tập hợp trong nó lối “chữ đỗ luôn thay đổi” của những biến cố: những hình ảnh cách mạng, của chiến tranh và của sự tàn phá, những hình ảnh không được trình bày theo một lối kể chuyện liên tục, mà được phát hiện trong chuyển động luôn thay đổi của bài thơ. Sử thi “phát triển” theo mức độ người kể chuyện đóng vai trò của mình, “chân kéo lê miệng lẩm bẩm”, và chuyển nhịp điệu cuộc sống bằng những giọng ngân lên xuống của ngôn ngữ.

(*) Youri Tinianov, Arkhaisly, I. novatory (“Những người ưa dùng từ cổ và những người đổi mới”), Leningrat, 1929, tr.579.

Mặc dù, như xưa nay vẫn thế, trần nhà

Dùng làm nên cho một căn nhà lụp xụp mới

Kéo dài tầng ba lên đến tầng tư

Và tầng năm, đến tận cánh cửa mái

Bằng cách thay đổi sự tình, gợi ý

Rằng tất cả đều như trước trên thế giới

Có điều, đó chỉ là sự giả mạo

Và ở trong vòi nước chảy,

Tiếng hát, tiếng rú rỗng

Của thời đại hiếu động của chúng ta,

Mùi hôi của những tờ báo đốt cháy

Mùi cây thắng và mùi tương tàu

Căn bệnh cao cả cốt ý của tác giả là chỉ dùng phương tiện ngôn ngữ để viết một sử thi. Đây chủ yếu là một lối tán rộng cái trữ tình, khởi đi từ những một số dữ kiện của thời đại, cố gắng phát hiện phần trí tuệ trong đó bằng những phương cách khách hơn là chính đề tài: những ẩn dụ, kết cấu, sử dụng cú pháp, biến hóa nhịp điệu câu thơ. Bài thơ, viết năm 1923, lại được viết lại ít năm sau đó, và Pasternak dành những câu cuối cùng của bài thơ để tặng Lênin. Những câu ấy, những câu thơ tái tạo sức mạnh không có gì ngăn trở của tư tưởng Lênin, là một trong những chân dung đẹp nhất của người lãnh đạo cách mạng mà chúng ta có được. Chậm rãi và khó hiểu ở đầu bài thơ, ngôn ngữ càng về cuối bài càng bắt giọng rắn rỏi, và chứa chan một sức mạnh và một sức căng của ý chí dường như đến thẳng từ diễn đàn của Lênin:

Giống như tấn công bằng gươm.

Vây bọc những gì đã được nói ra.

Ông tìm thấy con đường của mình – mở vạt áo vét tông

Và nhìn vào chỗ trên đôi giày cao ống

Chữ ông nói ra có lẽ về dầu đen.

Nhưng đường cong của thân hình ông.

Toát ra sự phơi phới của tính chất không che kín

Đập vỡ những lớp võ xuẩn ngốc

Trong những bài thơ viết tiếp sau Căn bệnh cao cả, Pasternak để vào những hình thức thuật chuyện kiều sử thi trực tiếp hơn. Dù thế, những nhân vật có đặc tính rõ nét và những số phận từng con người chỉ chiếm một chỗ nhỏ thôi. Ngay trong Trung úy Smith, điều làm ông thích thú hơn cả, là tái tạo bầu không khí của thời đại và phát triển một toàn cảnh lịch sử rộng lớn. Phân nhánh những hình ảnh bắt nguồn từ phác thảo, hậu cảnh được tô màu hợp nhất mọi thứ và, đồng thời, làm tiêu mát những bóng dáng nhân vật từng người riêng lẻ để chính nó trở nên phong phú, ý nghĩa, đó là những nét đặc trưng của văn xuôi và thơ của Pasternak.

Có cái gì sống động trong những đường viền của hình ảnh ấy,

Ông có tin vào thực tại của cá nhân?

Ông hỏi người đọc, là người vả chăng ông không ngớt nhắc nhở (trong Sperktoski)…

Người ta không thể nói về những cá nhân, hẳn là vậy.

Thế thì tốt hơn nên gạch tên họ đi ngay bây giờ.

Kết quả là nhân vật chính (tên nhân vật dùng làm tít cho bài thơ) thực sự không làm ta quan tâm đến thế.

Tôi bắt đầu mô tả Sperktorski

Mù quáng tin theo tính khách quan.

Ngay nhân vật chính tôi cũng không quan tâm

Tôi cũng chẳng nghĩ đến anh ta

Nhưng tôi nói đến một chùm ánh sáng,

Không ngừng xuất hiện trước mặt tôi.

Cái quan trọng đối với Pasternak, chính là cái viễn cảnh tổng quát: không phải Sperktorski, mà là bóng ma bao quanh con người ấy, là mảng lịch sử bị lôi ra từ quá khứ bởi một tia ký ức. Cấu trúc của ký ức đóng một vai trò rất đặc biệt trong bài thơ: chỉ có logic của nó mới nối liền những nhân vật và giai đoạn khác nhau, và phục hồi bức tranh toàn thể vĩ đại. Triển khai một viễn cảnh lớn trở thành một trong lắm mặt của cái ý nghĩa nhiều mối được Pasternak đem đến cho chủ đề không gian, chủ đề tập hợp cái mênh mông của chân trời, những phối cảnh bao la của thời gian và của khoảng cách, sự ham muốn được nhìn chung quanh mình và bằng chỉ một cái nhìn có thể thấy bao quát toàn bộ cái thấy được “không gian ngủ, bởi vì nó say mê chiều rộng” – đó là thế giới mở ra cho nhà thơ; thế giới của lịch sử chuyển biến để trở thành thế giới của không gian hình học. Không gian trở thành chất kích thích của nghệ thuật ông (“Chỉ mỗi một khoảng rộng mênh mông nhìn thấy thôi cũng khiến tôi nghĩ ra một bài thơ…”), trở thành mô-típ cơ bản của ông. (“Chúng ta đón tiếp trong chúng ta hình ảnh của không gian thân yêu, và nó đã đủ cho ta chất liệu để viết truyện trong suốt cả một năm…”), không gian trở thành nhân vật trung tâm của tác phẩm, và là một sức mạnh tạo ra những nhân vật của riêng mình. Chính Trung úy Smith đã khám phá không gian vô tận một cách tình tứ biết chừng nào”).

Trong khi kéo giãn khuôn khổ thuật chuyện tới giới hạn tận cùng, Pasternak chất đầy không gian đã quang đãng của mình bằng những hình ảnh đủ loại: những nhân vật phác thảo bằng vài nét, những cảnh vật mang những đam mê của con người hay phản ánh diện mạo của thời đại, những tầng lớp xã hội trọn vẹn, những chuyện kể, những biến cố lịch sử có thật. Pasternak áp dụng cho lịch sử chính cái phương pháp ông từng sử dụng để mô tả thiên nhiên. Lịch sử được trình bày như một toàn bộ mà những mảnh rời lấp lánh xuất hiện trong những tương quan nhiều mặt kiểu kính vạn hoa. Trong bài thơ Năm 1905, những người cha và những người con, những nông dân và những thủy thủ, lần lượt xuất hiện như những nhân vật lướt qua trên màn ảnh. Cơn bão biển trở thành cuộc nổi dậy trên Chiến hạm Potemkine (13) và trong suốt những trận đánh ở Presnaia vào tháng 12 “Mặt trời nhìn bằng ống nhòm và nghe tiếng đại bác”. Những giai đoạn đặc biệt dẫn đến một tình trạng chung và đến chính số phận của quốc gia.

(13) Chiến hạm Potemkine, thuộc hạm đội Hắc hải. Đoàn thủy thủ chiến hạm này nổi dậy năm 1905. Presnala: khu phố ở Matxcova, giữ một vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy vũ trang tháng 12 năm 1905.

Mỗi vàng bánh xe sáng đại bác

Là một người ngã xuống

Trong số những pháp binh

Và mỗi lần,

Uy tín giảm sút

Những đề tài và những ý tưởng có tính chất khác nhau được gom lại dưới một mẫu số chung:

Tuyết phủ những cành cây

Những đường dây điện

Nhà ga đổi đường

Những huy hiệu đồng

Và những cây tà vẹt trên đường sắt.

Pasternak thích liệt kê những sự vật hỗn tạp ghép lại trên cùng một bình diện. Làm như thế ông có thể bằng vài câu thơ vẽ ra một bức tranh vừa cô đọng vừa chi tiết, có thể làm ta có cảm tưởng đã được sáng tạo bằng một động tác duy nhất. Bức phác thảo vội vàng ấy gợi lại tính chất tức thì và toàn bộ của cảm tưởng tri giác. Ông trình bày trong một cảm hứng tương tự những đại cương lịch sử cũng như những giai đoạn riêng biệt, chẳng hạn như trong cảnh tòa xử trong Trung úy Smith:

Những chiếc ghế dài, những thanh gươm, bộ y phục những người cảnh sát

La hét, ngất xỉu, cơn giận và co thắt

Đọc, đọc, đọc mặc dù chứng

nhức đầu, mặc dù những

tia Clorua-amenium và mùi

cay và nồng của nước mắt và của cây nữ lang,

Đọc mà không hát điệu tụng ca,

Một viên chức, và những viên cảnh sát kỳ cựu,

Quần rộng và băng chéo sa hoàng

Và một chùm sáng tám tia từ câu nến tỏa xuống.

Trong lối mô tả của ông, và cả trong quan niệm của ông về lịch sử, Pasternak rất gần Blok. Cũng như Blok, ông biết nắm bắt cái nhịp cơ bản của một thời đại, không chỉ trong tiến trình nhìn thấy được của những biến cố, vốn chỉ mang một kích thước, mà trong mọi phạm vi của đời sống. Cũng như Blok, ông cố gắng tìm cho ra một sự kiện lịch sử có khả năng tổng hợp tất cả những gì xảy ra chung quanh ông để cho một hình ảnh về thế giới khả dĩ là tổng cộng những thành phần của nó, dù chúng có tên là Cách mạng, là động đất hay tình yêu. Trong bài giới thiệu tác phẩm Trả thù của mình, Blok kết hợp những sự việc khác nhau như vụ án Beiliss (14) những cuộc biểu diễn vật võ Pháp trong những gánh xiếc ở Saint – Peterburg, cái nóng mùa hè, những cuộc đình công ở Londres, sự phát triển ngành hàng không và vụ ám sát Stolypine (15) “tất cả những dữ kiện ấy, mặc dù tính cách có vẻ khác nhau. Blok giải thích, đối với tôi lại chỉ có cùng một ý nghĩa âm nhạc duy nhất. Tôi đã quen tập hợp những sự kiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống mà tôi cảm nhận được vào một lúc nào đó. Và tôi tin rằng những sự kiện đó khi ra đã đem gộp chung lại, sẽ luôn luôn tạo ra một hiệu quả âm nhạc có một không hai (*)”. Như người ta đã biết, chính cái mớ lộn xộn những sự kiện ấy, bên ngoài có vẻ trái ngược nhau, nhưng kết hợp bởi một thứ logic bên trong, đã làm thành những toàn cảnh lịch sử lớn của Blok, đặc biệt là cách ông làm rõ nét các thế kỷ 19 và 20 trong Trả thù.

(14) Vụ án Beiliss: vụ án bài Do thái (1911- 1913) trong đó một người tên Beiliss bị kết tội đã giết chết một trẻ em người Nga để thực hiện một nghi lễ của mình. Rốt cuộc Beiliss được xử trắng án.

(15) Vụ ám sát Stolypine: Piotr Arcadievitch Stolypine (1862- 1911), bộ trưởng Nội vụ, rồi sau đó là thủ tướng, người chủ xướng những cải cách ruộng đất. Bị D. Bogrov của Đảng xã hội cách mạng ám sát.

(*) ALEXANDRE BLOK. Toàn tập 2 cuốn, Lenigrat 1946 cuốn 1, tr.530.

Pasternak cũng nhận thức một cách sắc bén những đặc tính của thời đại ông. Những đặc tính ấy chúng ta thấy rải rác khắp nơi và cho mỗi vật một ý nghĩa đặc biệt, quyết định. Pasternak cũng cố gắng rút ra mẫu số chung của thái độ con người, những buổi mặt trời lặn và đường sá trong những thành phố chúng ta. Như trường hợp trong Trung úy Smith chẳng hạn, khi nói về chiến tranh Nga – Nhật, ngay trước cách mạng, tất cả, đến tận và luôn cả trường đua ngựa ở Kiev, đều nói về tình trạng hiểm nghèo của công việc trên thế giới. Lịch sử đi vào tận trong mọi tế bào của đời sống, và chi tiết nhỏ nhất cũng trở thành ảnh phản chiếu của lịch sử.

Những cánh đồng và những nơi xa yên nghỉ như một sự lĩnh lược.

Những chiếc dù lụa hít cái đói của cơn giông

Ngày nóng bức trên trời không cùng đã nhắm vào

Những khán đài của trường đua ngựa.

Những khán giả đổ mồ hôi như nước cơvat của đá băng.

Xuất hiện nhờ ma thuật trong những đám mây ở phía xa

Phi nước đại trong cơn bão cát những guốc giày và xà cạp

Những con ngựa đánh kem khoảng cách như đánh ba

Và đằng sau điệu đánh nhịp nước đại

Của một lần bắt đầu nào đó dưới mặt đất

Năm chiến tranh đã chạy theo những người cưỡi ngựa đua

Và những con ngựa và những bánh xe

Họ nói gì hay họ uống gì thì có gì là quan trọng

Năm chiến tranh phát triển khắp nơi, vượt qua những cánh cửa.

Ngắt ngang cuộc nói chuyện và vướng vào

Những suối nước như một nhóm tro tàn.

Những đề tài lịch sử và mô tả thực tại khách quan đã góp phần làm sáng tỏ những hình ảnh dày đặc và phức tạp của ông, đặc biệt là trong Năm 1905. Gorki, vốn rất hay có ý phê bình thơ ca Pasternak, từng viết cho ông sau khi nhận được của ông tập thơ cuối cùng ấy:

“Đấy là một cuốn sách rất tốt – một trong số những cuốn sách mà giá trị sẽ không được nhìn nhận tức thì, nhưng lại sẽ sống lâu. Tôi sẽ không giữ bí mật đâu: trước cuốn nầy, tôi vẫn đọc thơ của bạn với ít nhiều bực bội, bởi lẽ tôi thấy trong đó tràn trề hình ảnh, những hình ảnh lắm khi tôi thấy như rất tối tăm. Trí tưởng tượng của tôi phải mệt lắm mới ôm hết nổi tính phức tạp thất thường và tính chưa hoàn thành của chúng. Bạn không phải không biết là những hình ảnh phong phú thường buộc bạn nói và mô tả một cách hơi sơ lược. Trong Năm 1905 của bạn, bạn dè sẻn hơn và giản dị hơn, bạn cổ điển hơn, và cuốn sách thống thiết ấy đã làm tôi xúc động một cách tức thì, tự nhiên và sâu xa. Vâng, đó chắc chắn là một cuốn sách rất hay, đó chính là tiếng nói của một nhà thơ thật sự, và hơn thế của một nhà thơ có quan hệ với mặt xã hội, trong cái nghĩa tốt đẹp nhất và sâu sắc nhất của từ ấy (*).

(*) Gorki I. sovetskiie pisaleli. Neizdannaya. perepiska (“Gorki và những nhà văn Xô viết. Thư từ chưa xuất bản”) Turnoie Nasledstvo, tr.70, Matxcơva 1963, tr.30.

Như người ta thấy do thư từ qua lại của hai người. Gorki và Pasternak còn lâu mới hiểu nhau hoàn toàn. Là người theo phái cổ điển, Gorki chọn và thích những hình thức truyền thống nhất của thơ ca hiện đại. Trong một lá thư gởi cho E.K.Ferreri, ghi năm 1922, ông viết: “Theo ý kiến tôi, Khodasevitch (16), - vốn là con đường của Pouchkine (**).” Nhiều năm sau, trong câu đề tặng bản Cuộc đời của Klim Samgine gởi cho Pasternak, Gorki thú nhận rằng ông không quan tâm đến sự “hỗn loạn” của Pasternak và lấy làm tiếc là nhà thơ đã không có một “sự giản dị nhiều hơn”. Pasternak trả lời ông: “Ông nghĩ sai về tôi: tôi luôn cố gắng tìm sự giản dị, và tôi sẽ không bao giờ ngưng làm công việc ấy” (***). Sự chuyển biến về sau của ông cho ta thấy những cố gắng của ông theo chiều hướng ấy đã thành công như thế nào.

(16) Viadislav Khodasevitch (1886 -1939) nhà thơ theo phái “cổ điển”, người đối địch của chủ nghĩa vị lai.

(**) Như trên, tr.568.

(***) Như trên, tr. 308.

Thư từ qua lại với Gorki của ông làm chứng cho ảnh hưởng của phần đầu tiểu thuyết Cuộc đời của Klim Samgine đối với ông; ông đặc biệt xúc động bởi nghệ thuật Gorki đã biết sử dụng khi tái tạo một bầu không khí lịch sử. Trong nhận định của Pasternak về cuốn tiểu thuyết của Gorki (cuốn này nói về một quá khứ gần), chúng ta không thể không thấy được những bận tâm và những thị hiếu của chính nhà thơ, và thời kỳ ấy, đúng là đang làm việc trên một chủ đề lịch sử cách mạng. Những nơi xa, phát họa “với những màu sắc thay đổi”, “loạt chi tiết”, kéo giãn ra như một cái lò xo, một “cách viết ôm trọn tất cả những chân trời bằng một động tác duy nhất”, bản chất của lịch sử, gồm những chế biện hóa họa tức thì, cảm nhận và truyền đi, “với toàn bộ sức mạnh gợi ý”… Trong những nhận xét ấy của Pasternak, chúng ta còn nhận ra cả cái cách ông đề cập tới lịch sử.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx