sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

08. B. Pasternak – Câu thơ và bài thơ (Phần 5)

5

Sự dày đặc hình ảnh, nếu cho thấy trong tác phẩm của Pasternak một không khí chung về thực tại, thì lại không phân biệt giữa cái “chính” và cái “phụ”, không nêu bật được tuyến chủ yếu của câu chuyện kể, và còn không tách biệt câu chuyện ở hậu cảnh mà phía trước là nơi phát triển của câu chuyện ấy.

Cái hậu cảnh ấy chính nó cũng là một nguồn hành động không thể bỏ qua và thường trong thực tế lại cũng là cảnh trước. Cái ngẫu nhiên trong số phận của những nhân vật của ông mang một tính chất may mắn và một tầm quan trọng cơ bản trong diễn tiến câu chuyện kể. Như thế, trong Sperktorski, những cuộc gặp gỡ và những khám phá bất chợt, những chỗ ngắt câu đột ngột, những nhận định nửa chừng (tựa như chân đi qua mà người ta nghe thấy, tình cờ mà nghe được) đóng một vai trò quan trọng trong việc mô tả giới tri thức, hay các tầng lớp có phản ứng trước những biến cố cách mạng và phân tán đi khắp mọi nẻo đường trên thế giới và mọi nẻo đường của lịch sử. Theo dòng câu chuyện, mọi thứ đề trộn lộn, mọi thứ đều kết hợp: câu chuyện như một hiện tượng có tầm quan trọng lịch sử lớn có thể kết thúc bằng một cảnh mô tả trong nhà hay một phong cảnh thiên nhiên, hoặc có thể hiện ra trong một giai đoạn quen thuộc, trong một cuộc gặp gỡ bất ngờ với một người bình thường.

Chẳng hạn, chúng ta sẽ xem sau đây như thế nào trong Sperktorski. Pasternak đã kết hợp “không khí” và “trời” là hai thứ mặc dù hiện hữu ở những tầm mức khác nhau, lại được nối liền nhau bởi chủ đề cách mạng, xuất hiện ngay trong cảnh vật, hoặc dưới hình thức một người nữ làm Cách mạng, khi câu chuyện được chuyển từ Matxcơva đến Ural. Để bản văn không quá tải, chúng tôi đã lược bỏ nhiều đoạn. Chúng tôi xin bạn đọc dành một sự chú ý đặc biệt cho “Đường đi trên không” của nhân vật nữ hiện thân của cuộc cách mạng Nga vào thời kỳ đầu, và tầm quan trọng của cuộc Cách mạng ấy trên qui mô thế giới.

SPERKTORSKI

Thời đã đến: lan truyền bằng những bản tuyên bố

Tiết tháng mười một đã đến với tuyết

Và ngày bí mật trôi qua như một kẻ lưu đày

Và ngày ấy – Không có trên tờ lịch.

Đột ngột vỡ và tiếng thét của một thiếu nữ trong văn phòng.

Cánh cửa bị phá lung, chuyển động, tiếng khóc, tiếng ầm vang,

Và sân nhà yên nghỉ trong khói những dục vọng bị nén

Trong những bàn chân trần của những cờ hiệu giăng cao

Và nàng, lo lắng vì cái nàng đang giấu trong tấm tạp dề

Bị xấu hổ không cùng

Qua chỗ hở của những thuận lợi được phát hiện nàng biến mất

Tuốt trên cùng những bậc cầu thang vô tận…

Và bây giờ, bình minh tháo gỡ sự xấu hổ của cô gái,

Đập vỡ cánh cửa sổ bằng một cú gót chân

Chạy trốn về phía bàn tay của đám đông

Và về phía những bàn tay của mây trời…

Ngôi nhà ở góc phố trượt trên đống than.

Từ đó nàng đưa hai bàn tay về phía chúng ta.

Ở đấy, nàng bị tra tấn, ở đấy, bị ném vào cái hành lang.

Ở đấy, trên những chỗ đất trống, những đống xác người,

Ở đấy họ tìm thấy bia bắn của mình, những cuốn sách tan thành tro than.

Và chạy về phía người phụ nữ mặc áo choàng xứ Circassie.

Đang quan sát cảnh tượng ấy từ trên yên ngựa.

Phía trước và phía sau nàng, chung quanh và sâu hút

Cuộc nội chiến bò tới, bốc khói

Và bạn có thể nhận ra người chạy trốn trong cô gái cưỡi ngựa.

Mà người ta quẳng xuống từ cửa sổ nhà bạn.

Trọn trái đất được bao phủ bởi một biển khổ vang rền

Phủ một màn khói, tin tức gầm lên, và lan đi

Từ (Marusia) những nơi yên tĩnh hẻo lánh, của nước Nga

Làm rung chuyển trái đất trong mười ngày.

“Cô gái chạy trốn” kia là gì? – bình minh? Có phải đó là sự tuôn trào đột ngột của thời gian và không gian? Và người phụ nữ, mà sự giải phóng xã hội và tinh thần được nhà thơ xem như một đòi hỏi đạo đức cấp bách và như sự chinh phục quan trọng nhất của cách mạng? Dĩ nhiên đó là tất cả những thứ ấy cùng lúc. Pasternak luôn cố gắng kết hợp những mức độ khác nhau của cái có thực trong một cái nhìn tổng hợp về thế giới. Đòi hỏi thơ ca mà Pasternak diễn đạt trong Sperktorski chính là nền tảng của những kiến trúc sự chế của ông: “Thơ ca, hãy đừng từ bỏ quyền của mình đối với không gian”.

Pasternak sẽ nói với chúng ta thời tiết vào lúc này hay lúc nào đó có tầm quan trọng lịch sử, nhiều hơn là giải thích cho ta biết sự phát sinh và niên đại của nó. Nội dung của một quãng thời gian được phát hiện bởi những biến cố ngoại vi ít nhiều đã xa hay bởi bầu không khí bao quanh nó, đi sau nó hay đi trước nó theo kiểu một khúc dạo đầu. Khi soi sáng những sự kiện và những quá trình khác nhau nhất, Pasternak có khuynh hướng dùng những con đường quanh co; ông viết những bài tựa mà nhìn kỹ ta sẽ thấy là chứa đựng chủ đề chính “thường thì cái nhìn của nhà thơ lang thang mọi phía, không cố định nhắm vào đề tài trung tâm, mà vào tiền sử của nó, biến chuyển của nó, hay môi trường rộng lớn nhất của nó. Ông thích định nghĩa một đồ vật, hoặc một biến cố, bằng cái biên giới chia cách nó với những đồ vật khác. Trong những bài thơ viết về các thành phố, ông nói về các vùng ngoại ô, và trong những bài thơ về ngày 1 tháng 5, ông lại nói đến ngày 30 tháng 4.

Tôi rất yêu những ngày đầu tiên

Khi người ta chỉ mới nói đến cây tùng.

Đặc trưng ấy của Pasternak càng đặc biệt lộ rõ trong thơ trữ tình của ông những năm 30 và 40, khi mối sử thi đã biến mất khỏi thơ ông (ngược lại ông phát triển mốt ấy trong văn xuôi). Như vậy, nhóm trữ tình Sóng mở đầu tập Ra đời lần thứ hai (1932) đã hoàn toàn được quan niệm như một dẫn nhập vào chủ đề được chỉ rõ ở tít tập thơ, dẫn nhập ấy càng tiếp tục, thì dĩ nhiên chính nó thực sự càng trở thành chủ đề chính. Nhà thơ kể cho ta nghe những gì ông có ý định nói tới, và chính ý định ấy, lời hứa ấy, trở thành lịch sử của thế giới chúng ta, xa rời chúng ta và đi về phía tương lai, như những con sóng vỗ. Bài “dẫn nhập” mở rộng chiều dài và mang một ý nghĩa thường ít thất, hoàn toàn hòa hợp với cách ông trình bày lịch sử.

Trong những tác phẩm sau của ông – Trên những chuyến xe lửa vang động (1943), Khoảng không dưới đất (1945), Khi bầu trời quang đãng (1957) – người ta lại nhận ra cái cách đặc biệt nhà thơ bắt thơ ca phụ thuộc vào thực tại lịch sử, thế nhưng ở đây những dẫn chứng trực tiếp về thực tại ấy không nhiều lắm. Phải nhận thấy rằng những tác phẩm của Pasternak trực tiếp bắt nguồn cảm hứng từ những biến cố lịch sử. Một số bài thơ về chiến tranh thế giới lần thứ hai. (Truyện kẻ ghê gớm, Victor v.v…) được viết với một lối văn thống thiết và có tính báo chí, rõ ràng là không hay bằng những bài thơ viết cũng về những đề tài ấy nhưng theo kiểu riêng tư và trữ tình, hoặc theo cách những “phong cảnh” của ông (Những cánh cửa, Mùa đông đến gần, v.v…) thật là lý thú khi ghi nhận là những bài thơ hay nhất của ông lấy hứng từ lịch sử và thực tại đương thời thường giống như một bài dẫn nhập, hay lời tựa, cho tương lai và chuyển động không ai nhận thấy được của thiên nhiên và của tâm hồn nhà thơ, bằng những chi tiết rất nhỏ nhưng điển hình của thực tại hàng ngày. Trong Mùa xuân (1944) chẳng hạn, thời kết thúc chiến tranh “ở trong không khí”, và nhà thơ cố nhận cho ta tiếng nói của hiện tại, đầy dẫy những hứa hẹn.

Tất cả đều đặc biệt biết mấy, mùa xuân.

Tiếng lao xao chim sẻ linh hoạt hơn

Và tôi cũng chẳng tìm cách diễn đạt

Bởi trong tâm hồn tôi yên tĩnh và sáng ngời.

Tư duy và viết không còn cùng một thứ

Và như một tỏ quãng tám ồn ào dàn đồng ca,

Người ta nghe tiếng nói lộng lẫy trên mặt đất

Của những miền lãnh thổ được giải phóng.

Nếu trong nghệ thuật của ông thời kỳ cách mạng, và sau cách mạng cảnh vật khoác những đặc trưng của thực tại lịch sử, chứa đầy những cơn bão táp kiểu “Điện Kremlin” và tiếng chuyện trò ồn ào của cây cối, thì người ta thấy trong thơ trữ tình của ông về sau. Chính lịch sử chịu nhận một số tính chất đặc biệt của riêng thiên nhiên, bị một quá trình phát triển và chín muồi với những kết quả làm sửng sốt và theo một đường đi kín đáo, tương tự như sự phát triển của cây cỏ và như nhịp điệu của bốn mùa (Cỏ và Đá, Sau cơn bão). Đây không phải chỉ là một sự tiến hóa về mặt bút pháp mà cả một sự thay đổi cách nhìn, bắt nguồn từ những biến chuyển của thế giới bên ngoài.

Pasternak gắn bó với những hiện tượng đạo đức phát xuất từ những miền sâu thẳm của đời sống và thể hiện thường là không ai nhìn thấy được trong những biến cố bình thường của cuộc sống hằng ngày – cuộc sống tập thể và cuộc sống cá nhân – đối với ông, chính toàn bộ những thứ đó làm nên trái tim của thực tại trong lịch sử.

Ông vẫn luôn bị lôi cuốn bởi một đời sống “không hoa mỹ cũng không phi thường”. Ngay từ những năm 30, ông thích những đề tài bên lề cuộc sống xã hội, nhưng không vì vậy mà không chứa đựng một ý nghĩa lịch sử được che giấu (chẳng hạn có thể đọc Trên những chuyến xe lửa rạng đông). Như ông từng nói trong một bài phát biểu của mình, tất cả những gì được tán tụng một cách chăm chỉ và hoa mỹ với tôi đều có vẻ thứ yếu, vô ích và đôi khi còn đáng ngờ về mặt đạo đức (*). Nhà thơ đặc biệt thích vẻ đẹp của những ngôi làng nhỏ, những túp lều nông thôn, những dòng sông và bến đò tỉnh lẻ Nga, ông yêu mến những tình cảm không kiểu cách của những con người giản dị làm những công việc khiêm nhường, và chính thiên nhiên cũng đi tìm những sự tương ứng trong môi trường con người: thuốc lá thơm được so sánh với một người lái đầu máy xe lửa đang ngồi nghỉ, mùa xuân khoác một chiếc áo Blufông lót vải bông và tìm ra cho mình một người bạn thân trong sân gà vịt. Những thành ngữ nôm na và thân thuộc trước nay vẫn là một trong những ngọn nguồn của thơ ông, bấy giờ tìm thấy thêm một động cơ phụ trong những cảm tình dân chủ của nhà thơ và trong sự căm ghét của ông đối với giọng văn giả tạo và khoa trương.

(*) O. Skromnosti l Smelostl. Retchtov. Boris Pasternak (Về sự khiêm tốn và sự dũng cảm. Phát biểu của đồng chí. B.P). Literaturnaia Gazeta, 16-2-1936.

Cùng lúc, ông biểu hiện trong thơ cách ông nhìn thấy số phận và chỗ đứng của con người trong lịch sử. Con người mang những giá trị đạo đức cao quý, nhất là con người khiêm tốn, ẩn lánh (ở Pasternak, cái bình thường và cái ngoại lệ liên hệ chặt chẽ với nhau, mỗi cá nhân là một thiên tài tiềm tàng, và thiên tài luôn luôn giản dị và kín đáo). Xa rời những vẻ tráng lệ và sự phô trương, mỗi người sống một cuộc sống nội hiện sâu sắc, trong đó cái “tôi” ẩn lánh đề cho cuộc sống được thắng lợi. Thế giới thu nhỏ và thế giới phóng lớn nối liền chặt chẽ, và cá nhân có một ý nghĩa, một giá trị tuyệt đối, không phải với tư cách là thực thể tách rời khỏi đời sống, mà là hòa hợp và liên kết với nó. Trong một bức thư gởi cho nhà thơ Kaisyne Kon-licv (25 tháng 11 năm 1948), ông trình bày những quan điểm của mình về số phận loài người và đặc biệt hơn là thiên hướng của con người cao thượng:

Thật lạ lùng khi ta nhận ra rằng tài năng bẩm sinh tóm lại chỉ là một kiểu mẫu của vũ trụ giống như một món đồ chơi, nhập vào tim ta từ tuổi thơ ấu, một dụng cụ giáo dục làm cho dễ dàng sự hiểu biết vũ trụ từ bên trong, từ cái khía cạnh tốt nhất và quyến rũ nhất của nó. Tài năng cho ta biết sự trung thực và lòng can đảm, nó cho ta thấy những của cải phi thường của một cuộc sống mà tính cách thường là thảm thương. Con người tài ba biết cuộc sống nếu được soi sáng trọn vẹn và đúng đắn thì được, chừng nào mà tất cả những gì nó mất nếu nó cứ nằm trong mờ tối. Ý thức một sự dấn thân cá nhân làm nảy sinh một tình cảm tự hào và gợi ra mong muốn tìm kiếm chân lý. Một cuộc sống có ích và hạnh phúc như thế mà trong thực tế lại có thể trở thành một bi kịch, điều ấy chỉ có một tầm quan trọng thứ yếu.

Người ta thường thấy ở Pasternak ý niệm số phận lịch sử của cá nhân, từ Trung úy Smith, trong đó lý tưởng đạo đức của con người được cụ thể hóa trong nhân vật của bài thơ (Smith hy sinh bằng một hành động anh hùng làm mới lịch sử, chấp nhận số phận bi thương của mình như một điều cần thiết) đến những bài thơ trữ tình của những năm 30, những năm chiến tranh và tác phẩm chín muồi nhất của thời kỳ cuối đời. Nội dung triết học của những tác phẩm ấy sẽ giúp chúng ta hiểu những nhận định của Pasternak về vở Hamlet của Shakespeare mà ông đã dịch ra tiếng Nga.

Hamlet hy sinh để hoàn thành ý nguyện của người đã gửi anh ta đến. Hamlet không phải là một bi kịch của sự yếu ớt mà đúng hơn là một bi kịch của bổn phận và sự quên mình. Khi đã lộ rõ là những hiện tượng bên ngoài và thực tại không trùng hợp nhau, mà có một vực thẳm chia cách chúng, thì người ta nhắc chúng ta về sự giả dối của cuộc đời dưới một hình thức siêu tự nhiên, và chuyện có một hồn mà đòi hỏi Hamlet trả thù cho nó, điều đó không có gì là quan trọng lắm. Cái quan trọng, trái lại, là ở chỗ do tình cờ Hamlet đã được chọn để làm quan tòa của thời đại anh và làm kẻ phục vụ của một thời đại sắp tới. Hamlet là thảm kịch của một cuộc đời và một cuộc chiến thắng đã được định sẵn (*).

(*) BORIS PASTERNAK: Zamatki k Perevadam Shekspirovkikh Tragedit (Ghi chét về bản dịch những Bi kịch của Shakespeare) Literaturnaia Moskva, Matxcơva 1956, tr. 797.

Cái trữ tình của Pasternak kiểu sau cùng cho ta thấy vị trí của nhà thơ trước vũ trụ và trước thời gian trong một triển vọng hơi khác triển vọng những tác phẩm trước của ông. Ý nghĩa về sự ràng buộc tinh thần đến hàng đầu, mặc dù Pasternak không bao giờ ngưng làm nổi bật những khả năng nhận thức của thơ ca và năng lực tái tạo thực tại sinh động. Vả chăng cũng cần ghi nhận rằng yếu tố tinh thần trong nhận thức nghệ thuật không phải đã vắng bóng trong những thời kỳ trước của ông. Trong cái thẩm mỹ đầu tiên của ông, chỗ trung tâm được dành cho “Thơ ca – bọt biển”, bây giờ, một chủ đề khác đã nổi lên: “Mục địch của nghệ thuật là sự hy sinh bản thân mình “cùng lúc, vào cuối đời ông, nhà thơ ý thức trọn vẹn sự hoàn thành số phận lịch sử của mình, và diễn đạt điều này một cách mạnh mẽ vô cùng. Từ chỗ đó, nói riêng đã nẩy sinh màu sắc đặc biệt rực rỡ và sáng ngời của những tác phẩm trữ tình sau cùng của ông, trong đó, dù vẫn có ít nhiều giọng bi đát, tình cảm tin tưởng vào tương lai vẫn nổi bật hơn cả.

Người ta cũng thấy, trong những quan niệm đạo đức và lịch sử của ông, trong cách nghĩ của ông về nghệ thuật, xuất hiện những nét đặc trưng hẳn là đã đẩy nhà thơ đến gần thế giới trong đó ông đang sống nhưng cũng xét lại một số những nguyên tắc và những tiền đề của thế giới nầy. “Bạn là chỗ bắt đầu của một bài hát”, Pasternak, từng viết về thơ ca, vốn bao tóm thực tại và nối liền chặt chẽ với nó, như một vùng ngoại ô nối liền với thành phố, nhưng, trong cách nhìn của Pasternak, thơ ca không buộc phải nói đúng từng chữ mọi thứ, mà cũng không được thể hiện lại những điều sáo. Điều ấy tới một mức độ nào đó giải thích ông gắn bó với thời đại mình ra sao, và vì sao ông xa lánh nó.

Cái cách ông đề cập những vấn đề nghệ thuật (trong những quan hệ của nó với thiên nhiên, với thực tại – hay với nguyên tác một bản văn cần dịch) tiêu biểu điều độ nó nằm cả trong công việc dịch thuật của ông. Những tác phẩm dịch của chính là một chương phụ trong tiểu sử văn học của ông. Hoạt động “thứ yếu” ấy chiếm một chỗ quan trọng trong đời sống của ông từ đầu những năm 30, Pasternak trước tiên cố gắng tái tạo tinh thần của nguyên tác, để riêng một bên những chi tiết và sự chính xác của chữ. Cũng như thực tế sinh động, tác phẩm văn học cũng yêu cầu đòi hỏi một sự chuyển vị không phải từng chữ, mà là “giao cảm”, bản dịch lấy cảm hứng từ nguyên tác, sau đó đi xa nguyên tác và khi đã chế biến rồi, phải tìm thấy sự hài hòa với những gì là duy nhất và không thể bắt chước được trong nguyên tác ấy. Đối với Pasternak, người dịch không được phép làm một cái khuôn của vật mà mình sao chép, mà anh ta phải truyền cái sức mạnh thơ ca chủ yếu của mình, và như vậy biến đổi cái sao chép ấy thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hiện hữu song song với nguyên tác, trong một hệ thống ngôn ngữ học khác.

Như người ta đã thấy, những ý nghĩ của Pasternak về việc dịch thuật rất gần với những ý nghĩ của ông về nghệ thuật nói chung. Trên tất cả, ông tìm kiếm cái “tự do kiên quyết kia, mà không có nó người ta không thể đến gần những gì lớn lao (*)”.

(*) BORIS PASTERNAK a Ot perevodchika (Predislovie k perevoda Gamleta Shekespeare) (Về người dịch thuât. Tựa cho vở Hamlet của Shekespeare) Molodaia 1940, No.5 – 6, tr.16.

Khi so sánh những nguyên tắc của ông với những nguyên tắc của các người dịch khác, Pasternak viết: “Nếu nói dịch câu thơ này hay câu thơ nọ, thì chúng tôi không đối nghịch với ai cả, cuộc tranh luận liên quan đến cơ cấu y nguyên và cách chuyển bị cơ cấu ấy, khi trung thành với nguyên tác, chúng ta bước vào một sự lệ thuộc ngày càng lớn đối với hệ thống ngôn ngữ học của chính chúng ta (*)…” và thêm: “Quan hệ giữa nguyên tác và bản dịch phải vẫn là cùng cái quan hệ giữa một cơ sở và những đạo hàm của nó, giữa thân và nhành cây. Người dịch ấy phải là kết quả của nguyên tác và là hậu quả lịch sử của nó (**)”.

(*) BORIS PASTERNAK: Novyl Perevod Otello Shekspeare (Một bản dịch mới vở Othello của Shekspearea), Literaturmate Gazcta, 9.12.1914.

(**) BORIS PASTERNAKL: Zamelki Perevodchika (Ghi chú của người dịch), Znamia, 1944, No 1 – 2, tr. 166.

Pasternak trong suốt nhiều năm đã để công hoàn thành những bản dịch hay nhất của ông, chuẩn bị cho công việc ấy, bằng một biến chuyển thật sự từ nội tâm. Người ta còn có thể bảo rằng những bản dịch của ông có một khía cạnh tự thuật. Chẳng hạn, những bài thơ ông dịch của miền Gruzia có liên hệ tới những chuyến đi của ông tới Gruzia, năm 1931 và năm 1936 cũng như tới tình bạn liên kết ông với các nhà thơ Gruzia và tới tình yêu của ông với miền đất ấy, với những cư dân và văn hóa của nó, mà ta thấy chiếu rọi qua nhiều bài thơ của ông. Người ta có thể nói đó chính là những “nhánh cây” của Gruzia trong cuộc đời và nghệ thuật của Pasternak.

Bản dịch Hamlet của ông, xuất bản năm 1941, là khởi điểm của một loạt những bản dịch các bi kịch của Shakespeare. Thế nhưng chúng ta đã gặp trước đó, trong một bài thơ viết năm 1923, ý tưởng mà ông sẽ phát triển về sau trong hoạt động dịch thuật của mình: “Ôi! Bản chất của Shakespeare có lẽ nằm ở sự kiện Hamlet nói với hồn ma một cách giản dị: “Nói một cách giản dị”, có nghĩa nói về những đề tài cao nhất với sự rõ ràng, một cách phóng khoáng trong ngôn ngữ của mọi ngày, như chúng ta đã biết, là một trong những qui tắc hàng đầu của Pasternak – là người còn có những phẩm chất khác đưa ông đến gần chủ nghĩa hiện thực, sự phóng khoáng và sức mạnh của Shakespeare. Đối với ông, “tác động của nguyên tác” (không phải lúc nào cũng có một cách trực tiếp, hẳn là vậy, nhưng bằng sự khúc xạ của những tác phẩm trong nền văn hóa thế giới) đã bắt đầu rất lâu trước khi ông trực tiếp đi vào việc dịch thuật các bi kịch của Shakespeare, và thường trùng hợp với những công việc và những ý định cá nhân. Shakespeare đã bắt rễ trong mảnh đất thơ ca mầu mỡ của ông, và khi đến lượt mình đã chịu tác động của những thẩm thức, những ý thích, và kiểu cách của Pasternak – người làm thơ – sau đó đã ảnh hưởng đến những sáng tạo độc đáo của nhà thơ này. Do sự kết hợp vừa rất mật thiết vừa rất phóng khoáng đó với Shakespeare, là người mà ông đã thử tìm cách thể hiện cho được sức mạnh và sự lớn lao trong những gì độc đáo nhất của chúng. Pasternak đã thực hiện cái mà ông khẳng định khi viết “Dịch thuật không phải nhằm mục đích cho phép đi vào mỗi tác phẩm riêng biệt, mà đúng hơn là làm cho dễ dàng sự truyền thống muôn đời của các dân tộc và các nền văn hóa” (*).

(*) Boris. Pasternak: Zamoski Perevodchika, sdd, tr. 116.

Ý nghĩa cuộc sống, số phận con người, bản chất của vũ trụ - những vấn đề ấy luôn làm bận tâm Pasternak, đặc biệt là vào cuối đời ông – trong khi ông dành toàn bộ thơ trữ tình của mình cho những vấn đề lớn về nguyên tắc và những mục đích.

Bao gồm hết, tôi muốn đạt tới

Cả bản chất của những sự vật;

Trong công việc, trong cuộc tìm kiếm những phương tiện,

Trong mơ hồ trái tim.

Bản chất những ngày đã qua,

Nguyên nhân của chúng

Nền tảng, những gốc rễ

Trái tim của mọi vật


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx