sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

09. B. Pasternak – Câu thơ và bài thơ (Phần 6)

Pasternak luôn có khuynh hướng nhìn đời sống với tư cách nhà triết học. Trong toàn bộ tác phẩm thơ của ông, điều ông muốn, là một thứ nghệ thuật của những sự khái quát hóa rộng lớn và của nội dung tinh thần cao quý. Ông nói về cái hứng khởi không ai dò thấy nổi mà nếu không có nó thì sẽ không có một sự độc đáo nào, về cái vô cùng tận kia mở ra trước mặt ta hướng về mọi phía, về bất cứ điểm nào của cuộc sống và nếu không có nó thì thơ sẽ chỉ là một sự ngộ nhận rất lớn và không giải thích nổi” (*). Trong nhiều tác phẩm của ông, ghi những ngày tháng hoàn toàn khác nhau, người ta cảm nhận được ước muốn dai dẳng ấy của ông, đào cho tận gốc rễ, không chỉ trình bày với chúng ta sự vật như ai cũng thấy, mà là bóc trần cái bản chất sâu kia của chúng.

(*) BORIS PASTERNAK: Okhrannaia Geramota (Giấy thông hành), tr.100.

Anh bạn ơi, anh hỏi ai đã ra lệnh

Bảo những lời nói của chàng ngốc phải cháy?

Trong bản chất những cây bồ đề

Trong bản chất những tấm đan bằng đá

Cháy lá trong bản chất của mùa hè.

Không phải: “Mùa hè nóng”, mà: “Cháy nằm trong bản chất của mùa hè”. Đó chính là cái tiêu biểu của bước đến gần thơ ca Pasternak.

Sự chú trọng đến cái chủ yếu và bản chất sâu kín của sự vật đặt nhà thơ trong một tình huống lạ lùng và mơ hồ so với trường phái ấn tượng, mà người ta phân biệt rõ những dấu vật trong nghệ thuật của ông (đặc việt là vào thời kỳ đầu), là điều mà giới phê bình chính thức vẫn hay trách cứ ông. Pasternak giống những nhà ấn tượng bới một lối nhận thức trức tiếp, tức thời, bởi lối dùng ấn tượng và phản ứng. Những hình ảnh của Pasternak đôi khi làm ta nhớ đến tranh của Moner, Renoi, Pisiaro và Vuillard. Cũng như các họa sĩ này, ông thường tìm cách sử dụng ấn tượng tức thời, loại trừ mọi kinh nghiệm có trước, và mô tả đồ vật như cái dáng vẻ nó có ngay lúc ấy. Dưới đây chẳng hạn, là một phác thảo với chất liệu ấn tượng:

Những cái đĩa của người bán rượu va chạm nhau

Tên hầu bàn vừa ngáp vừa đếm những cái ly

Ngoài sông, ngang tầm cây nến

Bay xoay quanh một đàn đom đóm.

Chúng làm thành một vệt sóng lấp lánh

Từ những con đường gần bờ sông bay tới. Đồng hồ gõ ba tiếng.

Tên hầu bàn cố lau sạch lớp xi, đã chảy

Trên mặt đồng, với chiếc khăn của mình.

Những đốm lửa trên bờ sông, bóng chúng chiếu xuống nước, người bán cà phê trên con tàu, tất cả đều được nhìn thấy bằng chỉ một cái nhìn cố gắng thể hiện hình ảnh ấy như hình ảnh được nhìn thấu vào một lúc chính xác và trong một tư thế đặc biệt: “Ngang tầm cây nến”. Nhưng, theo qui tắc chung, người theo phái ấn tượng chỉ quan tâm đến vẻ bên ngoài của đối tượng và sự xúc cảm, nó làm toát ra, chứ không phải đến bản chất của đối tượng ấy. Chìm đắm trong một biển màu sắc và mùi vị, anh ta tránh rất kỹ mọi kiến thức đã được cấu tạo trước. Tất cả những hiện tượng hay ý nghĩ có thể phá hỏng sự thuần khiết trong nhận thức của anh ta. Anh ta không bận tâm về những giá trị vĩnh cửu hay tuyệt đối, anh ta hoàn toàn ngập chìm trong dòng những ấn tượng tươi mát tuôn trào tỏa ra từ bề mặt những đồ vật. Chủ nghĩa ấn tượng như vậy đã làm phong phú nghệ thuật hiện thực bằng cái cách mô tả theo xúc cảm và cụ thể một thiên nhiên trông thấy được, nhưng không dễ hiểu.

Thật là thú vị khi ta ghi nhận là thời trẻ tuổi Pasternak đã từng công khai vượt hẳn lên trên quan điểm ấn tượng về bản chất nghệ thuật, và về riêng phần mình, từng nói đến “Ấn tượng vĩnh cửu” (*), là công thức thể hiện cùng một lúc sở thích của ông đối với nhận thức tức thời, màu sắc thuần túy “ ngoài trời”, và mối đam mê sự tìm kiếm triết học, đi tìm cái tuyệt đối của ông. Trong những hình ảnh thơ ca của ông cũng vậy, ông luôn tìm cách kết hợp cảm giác và bản chất, cái nhất thời và cái vĩnh cửu. Ông có lần nói về một cơn bão “tức thời mãi mãi”, nghĩa là ông cho hình ảnh của hiện tại tức thời một ý nghĩa bất di bất dịch bà không điều kiện. “Hiện tại” của những nhà ấn tượng mang một nội dung phong phú đến nỗi nó ghi nhận không những hiện tượng riêng biệt và thoáng qua mà cả cái thường xuyên và vĩnh cửu.

(*) BORIS PASTERNAK: Techorrny Hokal (Chiếc cốc đen) Vtoroi Sbornik Centrifugy, tr.41.

Khắc lát đã kéo dài giây phút ấy.

Nhưng nó đã che khuất cả vĩnh cửu

Nếu họa sĩ ấn tượng cân nhắc giới hạn ở vẻ bên ngoài của sự vật vào một lúc nào đó, thì Pasternak đi xa hơn, và muốn biết sự vật ấy là cái gì. Cái nhìn của ông chọc thủng nó, đi vào tận trái tim của nó, và thường hình ảnh ông xây dựng là một định nghĩa những đặc tính và bản chất của sự vật: Hình ảnh không chỉ cho chúng ta một cảm tưởng đầu tiên về sự vật mà cả “ý nghĩa” và “ý nghĩa” của nó. Không phải là tình cờ nếu một số bài thơ của Pasternak có tên là Định nghĩa thơ ca, Định nghĩa tâm hồn, v.v… và nhiều bài khác về thực chất là những “Định nghĩa”, ngay cả khi không phải hoàn toàn theo nghĩa của từ điển.

Thơ ca, ta xin tuyên thề với người

Sẽ trung thành, và sẽ chết miệng thì thầm:

Người không phải là cái xe của người có giọng nói êm dịu

Người là mùa hè với một chỗ ngồi ở hạng ba

Người là ngoại ô, không phải chỗ bắt đầu một bài ca.

Pasternak không sợ những kết luận kiểu như thế, nghe thoạt tiên có vẻ như hơi khô khan. Ông thích phân tích tỉ mỉ công thức những sự vật ông mô tả, liệt kê và phân tích những đặc tính và thành phần của chúng.

Chúng tôi ở Gruzta. Khi đem nhân

Đam mê cho sự dịu dàng, bầu trời cho địa ngục.

Căn nhà ấm cho băng giá dưới chân chúng tôi.

Chúng tôi sẽ có một hình ảnh đẹp của miền đất này.

Và chúng tôi sẽ hiểu phân lượng tinh tế

Của trời và đất

Của thành công và lao động, của nghĩa vụ và không khí

Cần thiết để có con người, như hẳn đang hiện hữu ở đây.

Trên đường ông đi về phía bản chất, qua những lĩnh vực cao nhất của trừu tượng, Pasternak đã cho chúng ta rất nhiều hình ảnh cụ thể. Những “mô tả” của ông giống như những công trình xây dựng lôgich là chỉ về phương diện hình thức, thật ra, là những hình ảnh của đời sống, làm nền cho toàn bộ công trình ấy.

Trong Bao gồm hết, tôi muốn đạt tới… rất giống một thứ nghệ thuật thơ ca, Pasternak diễn đạt ước muốn viết những bài thơ về “những đặc tính của đam mê”, trong đó ông sẽ phát hiện “luật lệ” của ông và “bước đầu” của ông. Ông đã tưởng tương tức phẩm dự phòng ấy ra sao?

Tôi sẽ chia bài thơ ra như một ngôi vườn

Rung chuyển toàn bộ những đường gân của chúng

Những cây bồ đề ngoài vườn trổ bông trên một luyến.

Như những con ngỗng bước đi theo hàng dọc.

Trong những câu thơ, tôi sẽ đặt mùi của hoa hồng.

Hơi thở của cây bạc hà.

Của đồng cỏ, những cây bấc và cỏ khô

Và tiếng sấm ì ầm

Như thế đó ngày xưa chuyện đã đề

Cái huyền diệu sinh động

Của ngôi làng Ba Lan, những công viên, những lùm cây và những ngôi nhà.

Trong những khúc luyện của mình.

Thơ Pasternak là thơ của cái cụ thể và cái ở gần. Ông chỉ mô tả những gì ông nhìn thấy. Nhưng ông mở rộng ý nghĩa của cái mình mô tả và đưa một số chi tiết lên đến một tầm mức tổng quát hơn. Những sự vật hàng ngày chung quanh chúng ta trở thành một hiện thân của lòng tốt, của tình yêu, của vẻ đẹp và những phạm trù vĩnh cửu khác. Trong khi kết hợp cụ thể và trừu tượng, riêng và chung, nhất thời và vĩnh cửu, nhà thơ đã sáng tạo ra cái mà người ta có thể gọi là một chân dung lý tưởng của con người hay sự vật được mô tả. Như thế, chẳng hạn trong bài thơ tưởng nhớ tới Larissa Reisner, hình ảnh bà mở rộng ra những kích thước của một khái niệm trừu tượng, và nhân vật nữ xuất hiện như hiện thân của cái đẹp cuộc sống, hơi giống như trong tranh chân dung các bà làm việc thiện vẽ thành những nữ thần thời Phục hưng để lại cho chúng ta.

Chỉ có thể là bà, lơi tả, một cách tuyệt vời bởi những trận đánh.

Sáng ngời lên như những thú vui dồn dập gần đây

Không biết cuộc sống, cũng không biết những vẻ đẹp của nó

Bà đã trả lời thẳng vào mặt hắn, không quanh co.

Bà bốc khói như một cơn bão ơn sủng

Mặc dù chỉ mới xông vào trong lửa sống.

Sự tầm thường ngay tức khắc bị thất sủng

Sự không hoàn hảo thức dậy cơn giận.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi Pasternak đi vào ngôn ngữ thống thiết, vẽ phác những “bức tranh hoạt động” trong đó những nhân vật “nhìn thẳng vào vĩnh cửu”, chiến đấu đến chết “chống lại những lực lượng nguyên thủy của cái xấu”, và được đưa đến “nơi trú ngụ của những kẻ tung sấm sét và những con chim đại bàng”, thì đó là một giọng thơ bất ngờ, mặc dù “văn xuôi” tiêu biểu của Pasternak còn có được người nghe (chiếc tàu hộ tống chim “tan rã như một cái tàn thuốc lá”), với ngữ điệu quen thuộc của ông:

Với những kẻ không trung thành ngã xuống đất

Với những cặp mắt xanh và những cặp mắt tròn màu hạt dẻ

Chúng bị lôi kéo, như bằng một sợi dây thòng lọng

Sau những bồn hoa trong bộ tư pháp.

Bên cạnh những “bồn hoa” ấy, những kẻ “không trung thành” xưa cổ ấy có vẻ hơi trừu tượng, mặc dù những gương mặt của họ trông như là rơi xuống phía đất, trước tiên là cái mặt.

Chiến tranh hẳn cũng ghi dấu trong thơ ca Pasternak, điều đó giải thích, ít nữa là từng phần, sự xuất hiện của những kiểu trừu tượng hóa, cổ rất thường thấy trong văn học thời ấy. Tuy nhiên, ngay nguyên tắc của những lối kết hợp ấy giữa cái thống thiết trừu tượng và cái nôm na cụ thể cũng không phải là mới đối với nhà thơ như thoạt tiên người ta có thể tưởng.

Nó không biến đổi hẳn bút pháp của ông, mà chỉ nhất thời tăng cường một số yếu tố. Ít nhiều gì người ta cũng nhận thấy được là cái lí tưởng chứa đựng trong cái có thực lúc nào cũng hiện diện trong những hình ảnh của ông. Chỉ cần đọc lại những bài thơ tình của ông khoảng đầu những năm 30 là có thể tin chắc như vậy. Nhà thơ nói với người mình yêu bằng những câu như thế nầy: “Người đẹp của ta, hỡi hình dáng em và bản chất của lòng ta rất vui”, và hỡi “hình dáng” của nàng ông khám phá ra “bản chất” của nàng: những quy luật của sắc đẹp.

Polyclete nói với em những lời cầu nguyện

Những quy luật của em đã đưa ra công khai

Những quy luật của thời xa xưa

Mà từ lâu ta đã biết.

Ông so sánh nàng với tương lai – “Đo im lặng bằng những bước chân em, em đi vào, như tương lai” – và thấy nơi nàng hiện thân của những “khởi đầu” cuộc sống.

Yêu người khác là một cây thập tự mang nặng.

Nhưng em đẹp không kiểu cách

Và bí mật của sắc đẹp em

Ngang hàng với bí ẩn của đời sống.

Trong tất cả những biểu lộ của nàng, đời sống có cái “thú vị của những buổi ban đầu”. Khi nàng hiện diện, thì những sự vật bình thường nhất cũng mang tính chất lý tưởng và tỏa sáng từ bên trong. Chỉ dừng chân lại giữa rừng thôi cũng mở ra cả một chân trời quan niệm.

Như thế, một lúc trở thành bất tử chúng tôi

Bị thu hút bởi gương mặt những cây thông

Và không còn bệnh tật, không còn bệnh dịch

Không còn cả cái chết, chúng tôi được giải phóng.

Ngày xưa, chỉ những vị thần mới bất tử. Nhưng ở đây, những con người bình thường nói chuyện với thiên nhiên vĩnh cửu và chính họ cũng trở thành vĩnh cửu “đối với nhà thơ, sự bất tử ở khắp nơi” (“Sự bất tử thường ngày của chúng ta”), nó chỉ là một tên khác của đời sống.

Ở Pasternak, độ mạnh của tư tưởng thơ đặc biệt dễ cảm nhận từ những năm 30, và không ngừng phát triển sau đó. Trong các tác phẩm trước, đặc trưng ấy được che đậy hơn; và sự súc tích cứng cáp của những hình ảnh thường bị hiểu là tham vọng. Theo dòng năm tháng, thì Pasternak càng ngày càng trở nên dễ hiểu hơn những tư tưởng toát ra một cách rõ ràng hơn. Nhưng chuyển biến ấy một phần lớn bắt nguồn từ một tư tưởng có cấu trúc chặt chẽ hơn và có thể hướng dẫn, tổ chức một bài thơ hay hơn.

Trong những bài thơ cũ của ông, tư tưởng triết học không hiện ra tức thời, bởi nó chìm trong những hình ảnh diễn đạt nó. Trong những bài thơ ấy, người ta ít thấy những nhận xét hay suy nghĩ riêng tư, tác giả không lên tiếng, tiến trình tư tưởng nhường chỗ cho tiến trình nhận thức thiên nhiên. Những tư tưởng của tác giả bị che mờ bởi rất nhiều ấn tượng và liên tưởng dường như do tình cờ mà có, cũng như bởi ý muốn ôm trọn muôn ngàn khía cạnh của thực tại, và nối liền chúng bằng một mạng lưới dày đặc những ẩn dụ. Pasternak thời trẻ tuổi vì quá trung thành với rung cảm của mình nên đã không rõ ràng và như ta đã nhận định trước, mặc dù ngôn ngữ của ông cơ bản là tự nhiên, không bao giờ giả tạo, cái tự nhiên ấy là cái tự nhiên của của một sự hỗn loạn xông ra phía trước và đòi hỏi phải được làm sáng tỏ trước khi có thể được hiểu một cách đầy đủ.

Tuy nhiên, cái nội dung sâu sắc của thơ Pasternak và cái tự nhiên của ngôn ngữ ông không thể mãi mãi nằm phía sau cánh cửa đóng kín của “sự bí hiểm”. Nhà thơ đã không ngừng hướng về một sự sáng sủa hơn nữa, cho đến khi “nguồn cảm hứng không ai thăm dò nổi” của hình ảnh và sự “giản dị phi thường” của sự biểu hiện kết hợp chặt chẽ với nhau đến độ người đọc có thể hiểu chúng mà không cần phải có nỗ lực đặc biệt, như một chân lí không cần có một sự giải thích bổ sung nào cả. Khuynh hướng ấy người ta bắt đầu thấy vào những năm 20, đặc biệt là trong tập Ra đời lần thứ hai, vốn là điểm khởi hành của một chuyển biến hướng về cái giản dị và sáng sủa nhiều hơn nữa.

Nhân vật trong một bài thơ của Pasternak, một chiến sĩ của chiến tranh thế giới lần thứ hai, mơ đến một vở kịch anh ta sẽ viết khi ra khỏi bệnh viện:

Sau đó anh sẽ đem lại

Trật tự và sáng sủa

Cho tiến trình không gì bằng của một

Cuộc sống phi thường

Bằng ngôn ngữ của một người tỉnh lẻ.

“Ngôn ngữ của một người tỉnh lẻ” ấy là ngôn ngữ nói của ngày thường, không bị ràng buộc bởi một ảnh hưởng văn học nào, nghĩa là lí tưởng bền lâu của Pasternak. Thế nhưng ông lại thêm vào đó mối lo “trật tự” và “sáng sủa”, ý nghĩ mới nơi nhà thơ là ý chỉ phát triển một cách từ tốn. Vả lại Pasternak đạt đến một cấu trúc rõ ràng và hài hòa chủ yếu bởi vì ông không còn lùi so với những gì ông nhìn thấy và cảm nhận, vì từ bỏ những ẩn dụ dày đặc quá đáng đặc trưng cách viết thời kì đầu của ông. Ông bấy giờ đã chặt chẽ hơn trong cách chọn những ấn tượng, hãm lại sự tự nhiên quá dồi dào của thiên nhiên thường diễn đạt những ý nghĩ trong tình cảm “trong sáng về mặt hóa học”, những thứ không sao chép lại trong ngôn ngữ ẩn dụ. Trước đây, mô tả thực tại nơi Pasternak có thể gọi là một tiến trình chắp dính ở đó ấn tượng đầu tiên và những kết luận sau cùng không tách biệt nhau; ngày nay, ngược lại, việc nhận thức không hoàn toàn tan biến trong vật phải nhận thức. Tính độc lập vẫn được duy trì, và chuyển động của những hình ảnh vẫn được sắp xếp.

Thế nhưng, cái ngôn ngữ “dễ dàng” ấy lại là một cuộc chinh phục “khó khăn” đối với một nghệ sĩ, đã có sẵn cái nhìn thế giới “của mình” và bút pháp “của mình”. Đòi hỏi sự giản dị ấy đôi khi có thể lại làm nghèo đi hình ảnh, và dẫn đến một “giải đáp của văn đề” quá trực tiếp và có tính thuyết minh. Trong thời kì giao tiếp, có khi ông đã viết những bài thơ dưới khả năng của mình. Khoảng năm 1935, khi ông đang làm một nỗ lực đặc biệt để làm mới lối viết của mình, ông cho đăng nhiều bài thơ mà ông tuyên bố (không phải là không tự hạ mình hơn là cần thiết, dĩ nhiên) rằng, trong lúc ấy, chừng nào ông còn chưa quen với bút pháp mới của mình, ông buộc phải viết “dở” “như một người thợ giày”. Tình huống còn phức tạp bởi lẽ những chủ đề mới được đề cập một cách quá trừu tượng và theo một bút pháp “báo chí”. Như Pasternak đã viết vào thời kỳ ấy, ông từng phải nhảy từ chỗ đứng này sang chỗ đứng khác. Trong một không gian bị cắt rời ra theo những phương pháp của báo chí và trừu tượng hóa, là những thứ rất khó hợp với một phương thức hình tượng và cụ thể. Tất cả cái đó cho phép ta hiểu rằng, đối với Pasternak của thời trưởng thành, điều kiện không thể thiếu được của thành công nghệ thuật nằm ở cách dùng hình ảnh rất cụ thể nhưng trong nội dung trừu tượng và tinh thần. Một hình tượng rực rỡ đời sống chất đầy bài thơ, bài thơ không phải ràng buộc trong những hình quấn chằng chịt đầy ẩn dụ, nhưng cũng không chịu thua gì những bài thơ xưa về sức mạnh mô tả và còn cao hơn cả những bài thơ xưa kia bởi sự súc tích mạnh mẽ.

Đúng là nhà thơ trữ tình có khuynh hướng triết học mà Pasternak đã đạt những thành công lớn nhất, vào thời mà những bài thơ là những tuyên ngôn có bút pháp báo chí, và những bài thơ mô tả đơn giản cuộc sống hàng ngày và thiên nhiên không hề ngụ ý cho một cái nhìn triết học nào, đang ít được ai ưa thích. Đối với nhà thơ, sự hoàn hảo nghệ thuật nằm trong tính cách hình tượng và tính dễ hiểu của ý nghĩ được diễn đạt.

Khi đạt đến sự giản dị, Pasternak đã không để mất mát những chinh phục trước đây của ông: ông tiếp tục nhìn thấy và cảm nhận sự nhất quán chi phối vũ trụ. Tuy nhiên, trong quá khứ, những mối liên hệ giữa mỗi sự kiện, giữa con người và thiên nhiên, giữa cái nhất thời và cái vĩnh cửu biểu hiện trước hết bằng những ẩn dụ đổi chỗ những sự vật và những đặc tính của chúng, trong sự hỗn độn và rối loạn của những hình ảnh. Từ nay, khi vẫn duy trì một vai trò quan trọng, ẩn dụ không còn là chỗ trung gian độc nhất giữa những sự vật: chính sự sâu rộng và sáng sủa của viễn cảnh, và của cảm hứng đã tạo nên tính nhất quán mà đứng trước nó mọi rào cản đều sụp đổ, đời sống được nhìn như một toàn thể mênh mông, từ đó “không gì có thể biến mất”, là nơi con người sống và chết trong vòng tay ôm chặt của vũ trụ, là nơi…

Gió lay động khu rừng và nhà cửa

Không phải lay mỗi cây thông riêng rẽ

Mà tất cả các cây cùng một lúc

Trong một không gian vô hạn…

Trong những bài thơ gần đây hơn, không phải chỉ những mối liên hệ giữa sự vật với nhau mà thôi, kể cả sự kết hợp giữa nhà thơ và thế giới để được biểu hiện một cách giản dị hơn và trực tiếp hơn (“Vũ trụ giản dị hơn một số người đầu óc phóng túng vẫn nghĩ”), và vũ trụ ấy được xây dựng trên vị trí hàng đầu của một số ý niệm đơn giản và hiển nhiên; ai cũng hiểu được, như trái đất, tình yêu, bánh mì, bầu trời. Đôi khi, bài thơ hoàn toàn được xây dựng trên một trong những nền tảng của cuộc sống con người. Thơ ca của Boris Pasternak cùng một lúc được làm cho phong phú hơn bao giờ hết bởi những biến cố ngày thường, và bởi ý nghĩa tức thời của sự vật, những động tác và những tập quán làm thành đời sống của mọi ngày. Trung tâm những mối ưu tư của Pasternak từ trước vẫn luôn chính là một mặt mới của thơ trong văn xuôi ấy.

Trong nửa thế kỷ hoạt động văn học của Boris Pasternak, có nhiều cái đã thay đổi. Nhưng cho đến cùng, ông vẫn trung thành với một số những tư tưởng, những nguyên tắc và những bận tâm, đã cho phép ông định hướng – trong những giai đoạn khác nhau trong sự biến chuyển của ông.

Một trong những điều xác tín sâu sắc ấy là nghệ thuật chân chính luôn luôn phục vụ cái gì cao hơn chính nó, bởi lẽ nó làm chứng cho ý nghĩa của sự sống, sự lớn lao của cuộc đời và giá trị vô biên của con người. Một chứng cứ như thế không cần gì đến những lời tuyên bố lớn, những biểu tượng sâu sắc và những biểu hiện oai phong, sự lớn lao toát ra từ tính tự nhiên của truyện thuật, từ độ nhạy của cái nhìn và từ cảm hứng của nhà thơ, là kẻ bị lôi cuốn và đắm chìm bởi phép của thực tại, của cái đang hiện hữu và không ngừng “nói về cùng một điều và là điều duy nhất”: về sự hiện diện kỳ lạ của đời sống, của đời sống tự nó, ngay cả khi anh ta chỉ có mô tả mỗi cái tuyết rơi hay tiếng gió thì thầm trong rừng cây.

Một quan niệm nghệ thuật như vậy tất nhiên là thích hợp một cách hoàn toàn đặc biệt với thơ ca của chính Pasternak. Đối với ông, những biến cố của cuộc sống ngày thường và những đặc tính của sự sống đang nói về sự hiện diện huyền diệu của cuộc đời, và do đó chúng cũng quan trọng như thời hỗn mang cổ sơ trong tiềm thức từng quan trọng đối với Tiontchev, hay là âm nhạc của thế giới đối với Blok.

Ở Pasternak bao giờ cũng vậy, sự lớn lao hiện ra chung thẩm trong những sự vật đơn giản nhất, trong đời sống vốn ôm trùm hết mọi thứ và trong đó mọi thứ đều hiện hữu. “Thơ ca – Pasternak nói – mãi mãi là cái đỉnh cao nổi tiếng ấy, cao hơn tất cả các ngọn núi Alpes nằm lăn trong cỏ, trước chân ta, đến độ chỉ cần cúi xuống một chút là ta có thể nhìn thấy nó và nhặt nó lên.”

HOÀNG NGỌC BIÊN dịch


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx