sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

10. Suy ngẫm về tiểu thuyết: Bác sĩ Zhivago (Phần 1)

SUY NGẪM VỀ CUỐN TIỂU THUYẾT

“BÁC SĨ ZHIVAGO”

D. S. LIKHACHOV

Tôi cứ ngạc nhiên không ngừng, trong khi đọc và đọc đi đọc lại “Bác sĩ Zhivago”. Giả sử cuốn tiểu thuyết được viết theo một bút pháp hoàn toàn khác, mới lạ, hẳn nó sẽ dễ hiểu hơn. Nhưng cuốn tiểu thuyết của Pasternak, hình thức của nó, ngôn ngữ của nó hình như quen thuộc, ổn định, vững vàng, thuộc về các truyền thống của thể văn tiểu thuyết Nga thế kỉ XIX. Sự gần gũi ấy của “Bác sĩ Zhivago”, trong một vài yếu tố nào đó của nó, với hình thức cổ điển, buộc ta luôn luôn giẫm theo lối mòn, cứ đi tìm ở nó cái không có, còn cái nó có thì ta lại lí giải theo tiểu thuyết truyền thống: ta cứ tìm kiếm những cách đánh giá trực tiếp các sự kiện, chỉ thấy chất văn xuôi, mà không thấy chất thơ trong thái độ đối với thực tại, cứ bám vào việc miêu tả các tai họa để tìm xem có sự lên án một cái gì đó là nguyên nhân đẻ ra các tai họa ấy hay không.

Trong khi đó “Bác sĩ Zhivago” thậm chí không phải là tiểu thuyết. Đây là thể tự sự - một thứ tự sự kì lạ, trong đó vắng mặt những yếu tố bên ngoài trùng với cuộc sống có thực của tác giả. Hình tượng trung tâm của cuốn tiểu thuyết là bác sĩ Iuri Anđrêvich Zhivago, nếu được cảm thụ theo các yêu cầu thông thường đề ra cho tiểu thuyết, sẽ có vẻ mờ nhạt thiếu sức biểu đạt; còn những bài thơ của Zhivago thêm vào cuối tác phẩm có vẻ là phần thêm thắt không hợp lý, giả tạo và không ăn nhập. Tuy nhiên, tác giả (Pasternak), viết về chính mình, mà như viết về một người khác, ông nghĩ ra cho mình một số phận trong đó khả dĩ mở ra trước bạn đọc cuộc sống nội tâm của mình. Tiểu sử có thực của Pasternak không cho phép ông nói hết toàn bộ hoàn cảnh gay go nghiêm trọng của ông giữa hai phe trong cuộc cách mạng là điều đã được ông trình bày rất tuyệt trong cảnh chiến đấu giữa quân du kích với bọn bạch vệ - cảnh này trước kia đã được in trên báo chí Liên Xô (xem “Thế giới mới”, 1958, N 11). Bởi dẫu sao thì nhân vật bác sĩ Zhivago trong tác phẩm, một nhân vật trung lập về phương diện pháp lý, song vẫn bị cuốn hút vào cuộc chiến đấu ở phe Đỏ. Chàng đã sát thương và thậm chí cảm thấy hình như mình giết một thiếu sinh quân bạch vệ, sau đó chàng tìm thấy trong người gã thiếu sinh quân ấy và anh du kích bị giết cùng một bài Thánh ca được khâu trong túi đựng bùa chú, bài Thánh ca thứ 90, mà quan niệm thời ấy cho rằng có thể bảo vệ mạng sống cho con người.

Vậy thì tại sao Pasternak vẫn cần một người “khác” để diễn tả chính mình, bịa ra những cảnh ngộ mà ông không hề gặp phải? Còn giả dụ ông viết về bản thân mình và thay mặt mình, thì phải chăng dẫu sao ông không trở thành một kẻ “khác”? Phải chăng Giăng Giắc Rutxô trong cuốn “Tự Bạch” của ông, một tác phẩm được viết với sự thành thục tối đa, vẫn đúng là G.G Rutxô có trong thực tế? Phải chăng ở Rutxô không xảy ra sự thay thế chính mình bằng bằng một nhân vật hư cấu (vô tình bị hư cấu) tuy các sự kiện nêu ra đều hoàn toàn có thực? Rutxô trong tác phẩm “Tự Bạch” của ông đã bị che lấp bởi những sự kiện có thực song đã trở nên hư cấu, bởi lẽ chúng đã lớn lên về mặt khối lượng tới mức phá vỡ tương quan giữa cái gì đó quan trọng với cái nhỏ nhặt, thoảng qua, thuần túy riêng tư và hời hợt, là cái mà trong lúc quá thành thực, Rutxô đã làm cho nó biến thành hệ trọng, che lấp toàn bộ hay một nửa đời sống nội tâm và đời sống có thực của ông.

Thơ trữ tình có độ chính xác cao nhất về mặt tự thể hiện. Nhân vật trữ tình được hư cấu và bị gạt đi, thực ra lại là sự tự thể hiện đúng nhất, rõ nhất của nhà thơ. Nhà thơ viết tưởng như không phải về mình mà đồng thời lại chính là viết về mình. Nhà thơ có thể đặt nhân vật trữ tình của mình vào các hoàn cảnh hư cấu, tăng hay bớt tuổi so với tuổi thực của nhân vật, cuối cùng có thể để cho nhân vật mang những cảm xúc mà chính nhà thơ chưa hề nếm trải, nhưng dầu vậy đó vẫn là chính nhà thơ, không qua một người khác. Chớ nên nghĩ rằng, một nhà thơ, nếu viết ở ngôi thứ nhất, thì bao giờ cũng ngụ ý nói về một mình mình. Đúng, nhà thơ viết về bản thân mình thật đấy, song thổ lộ “cái tôi” tinh thần của mình “cái tôi” trong thơ của mình không nhất thiết thông qua những sự kiện và hoàn cảnh có thực trong đời mình. Cũng hệt như nhà thơ có thể viết ở ngôi thứ ba, nhưng chính là viết về mình. Con người có cái năng lực hóa thân kì lạ, nhưng sự hóa thân ấy cũng đồng thời là năng lực thể hiện các tư tưởng và tình cảm của mình, thái độ của mình đối với xung quanh thông qua người khác. Và thật lạ lùng: người cảm thụ thơ trữ tình thường là thông qua nó mà cảm thụ chính mình, đem đồng nhất ở mức độ nào đó – “cái tôi” của mình với “cái tôi” của nhân vật trữ tình. Điều này hẳn sẽ không xảy ra, ví thử nhà thơ viết hoàn toàn theo kiểu tư liệu về bản thân mình, định “ký sự” hết thảy những gì mình nói ra. Iuri Zhivago chính là nhân vật trữ tình của Pasternak một nhân vật mà dù trong văn xuôi vẫn cứ là nhân vật trữ tình.

Sự đúng đắn trong cách nhìn của tôi, coi tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” là lời tự bạch trữ tình của chính Boris Pasternak có một bảo đảm, đó là Iuri Zhivago được đưa vào nhà thơ như chính Pasternak, thơ của Zhivago được đưa vào phần cuối tác phẩm. Điều này chẳng phải ngẫu nhiên. Thơ của Zhivago, đó là thơ của Pasternak. Và các bài thơ ấy được viết từ cùng một ngôi – các bài thơ ấy có chung một tác giả và một nhân vật trữ tình.

Nhiều trang trong “Bác sĩ Zhivago”, đặc biệt những đoạn viết về sáng tác thơ, mang tính chất tự sự nghiêm ngặt. Sau đây là đoạn Boris Pasternak miêu tả việc làm thơ của Zhivago – và qua cách miêu tả đó, ta thấy nổi lên điểm quan trọng nhất trong sáng tác của chính Pasternak:

“Sau hai, ba khổ thơ trôi chảy dễ dàng và vài lối so sánh mà chính chàng cũng lấy làm ngạc nhiên, công việc bắt đầu cuốn hút chàng và chàng cảm thấy cái được mệnh danh là cảm hứng đang đến gần. Tương quan giữa những sức mạnh chi phối sáng tạo nghệ thuật dường như bị đảo lộn. Cái chiếm ưu thế không phải là con người và trạng thái tâm hồn của anh ta mà nghệ sĩ đang tìm cách diễn tả. Đó là ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ người nghệ sĩ muốn dùng để diễn tả con người. Ngôn ngữ - quê hương là kho chứa cái đẹp và ý nghĩa, tự nó bắt đầu suy nghĩ và nói thay con người, hoàn toàn biến thành âm nhạc, không phải về mặt âm hưởng thính giác bên ngoài mà về mặt tốc độ cuồn cuộn và mãnh liệt của mạch nguồn bên trong. Khi ấy, giống như khối nước chảy băng băng của dòng song xoáy mòn các tảng đá dưới đáy và làm quay bánh xe cối xay nước bằng chính sức vận hành của nó, ngọn triều lời nói đang tuôn trào, một cách tự nó và nhờ sức mạnh các luật lệ của nó, sẽ tạo ra trên đường và dọc đường nó đi qua, nào niêm luật, nào vần điệu, nào hàng ngàn hình thức và cách cấu tạo khác còn quan trọng hơn nữa, song cho tới nay vẫn chưa được nhận biết, chưa được tính đến và chưa được đặt tên.”

“Trong những phút ấy, Iuri Zhivago cảm thấy phần chính yếu của công việc được thực hiện không phải bởi chàng, mà bởi một sức mạnh cao hơn chàng, ở trên chàng và điều khiển chàng, cụ thể là tình trạng tư tưởng và thi ca trên thế giới và cái mà thi ca được hưởng trong tương lai, cái bước tiếp sau mà nó sẽ phải thực hiện trong sự phát triển lịch sử của nó. Và chàng cảm thấy mình chỉ là một nguyên cớ và một điểm tựa để thi ca bước vào sự vận động đó

Chàng được giải thoát khỏi những điều tự trách mình: cảm giác không hài lòng về bản thân, cảm giác mình quá tầm thường nhỏ nhặt tạm thời mất đi. Chàng ngẩng lên nhìn xung quanh.”

Tiếp đó, Pasternak viết, rằng thế gian hòa nhập như thế nào “và một làn sóng đồng nhất trào qua trái tim bác sĩ Zhivago”, khiến “chàng hoan hỉ và phát khóc vì cảm thức về sự thanh khiết đang thắng thế của sự tồn tại.” Và sự hoan hỉ ấy càng có ý nghĩa hơn trong cuốn tiểu thuyết, bởi lẽ sự tồn tại thanh khiết ấy ngay lập tức, đối với chàng, đã bị hòa lẫn vào với “tiếng tru u buồn rùng rợn” của “bầy chó sói mò tới sát trang trại.”

Đáng lưu ý là cũng không hề có sự khác biệt giữa tính hình tượng thơ của ngôn ngữ tác giả với tính hình tượng thơ của các ý nghĩ và lời nói của nhân vật chính. Tác giả và nhân vật cùng là một người, những ý nghĩ của họ cũng cùng là một, với cùng một cách lập luận và cùng một thái độ đối với thế giới. Zhivago là người biểu đạt Pasternak thầm kín. Có thể dễ dàng tin điều này. Trước kia, trong bài báo giới thiệu văn xuôi trữ tình của Pasternak và sau đó cả trong lời nói đầu cho bài tập sách in cả thơ lẫn văn xuôi của ông, tôi đã viết rằng hình tượng do Pasternak xây dựng đôi khi vượt qua cái thực tế đẻ ra hình tượng, nó tự phát triển và tự vận động dường như từ bản thân nó – hoàn toàn theo tinh thần thuyết hiện tượng của E. Husserl thuộc trường phái triết học Marburg, - trước thế chiến thứ nhất Pasternak từng học triết ở Đức. Và lẽ nào không phải chính điều đó đã diễn ra trong tác phẩm lớn nhất của Pasternak là “Bác sĩ Zhivago”? Hình tượng Zhivago – xạ khi của chính Pasternak – trở thành một cái gì lớn hơn chính Pasternak: ông phát triển chính bản thân mình, từ Iuri Zhivago ông tạo ra người đại diện của trí thức Nga, một tầng lớp đã tiếp nhận cách mạng không phải không có những dao động và mất mát về tinh thần. Zhivago – Pasternak chấp nhận thế giới, dù lúc ấy nó tàn nhẫn đến bao nhiêu đi chăng nữa…

Còn một điều cực kỳ quan trọng nữa, khi thể hiện mình thông qua người khác với một số phận cuộc đời khác. Pasternak không cố thuyết phục bạn đọc tin vào sự đúng đắn của các quan điểm, các dao động của ông. Zhivago hoàn toàn trung lập đối với độc giả và với các xác tín của chàng. Nhưng sẽ không như vậy, nếu giả dụ Pasternak kể về mình một cách công khai. Bạn đọc sẽ ngỡ ngàng bị người ta thuyết phục khuyên nhủ, đòi chia sẻ quan điểm – bởi đó là quan điểm của chính tác giả, một con người có thực!

Mà thực ra thì chia sẻ cái gì? Ở Zhivago, những dao động và nghi ngờ, thái độ trữ tình, thái độ thơ đối với các sự kiện (tôi cương quyết dùng thuật ngữ “thái độ thơ”) nhiều hơn là các lời giải đáp rõ ràng và các kết luận dứt khoát. Các dao động ấy không phải là chỗ yếu của Zhivago mà là sức mạnh trí tuệ và đạo đức của chàng. Chàng không có ý chí, nếu hiểu ý chí là năng lực đưa ra các quyết định đơn nghĩa một cách dứt khoát không dao động: nhưng chàng có tinh thần quả quyết không chịu sự cám dỗ của những giải pháp đơn nghĩa là những giải pháp loại bỏ sự nghi ngờ.

Zhivago là một người dường như được tạo ra để chấp nhân thời đại mà không can thiệp chút gì vào nó. Trong cuốn tiểu thuyết, lực tác động chủ yếu là bản chất tự nhiên của cách mạng. Tự nhân vật chính không hề có cố gắng tác động đến cách mạng, không hề can thiệp vào diễn biến các sự kiện. Zhivago phục vụ những người mà chàng đang ở trong tay họ - một lần, trong lúc chiến đấu với bọn bạch vệ, chàng thậm chí còn cầm lấy súng và trái với ý muốn của mình, chàng bắn vào những kẻ đang tấn công – những thanh niên làm cho chàng thán phục trước lòng quả cảm của họ.

Tônia yêu Iuri Zhivago và biết rõ hơn bất cứ ai sự thiếu vắng ý chí ấy ở chàng. Nàng viết cho chàng bức thư vĩnh biệt: “Còn em, em yêu anh. Trời ơi, em yêu anh biết mấy, giá như anh có thể tưởng tượng được! Em yêu hết thảy những gì đặc biệt ở anh, tất cả những cái có lợi và bất lợi, tất cả những khía cạnh thông thường của anh, song lại rất quý báu trong sự kết hợp khác thường của chúng; em yêu khuôn mặt anh, một khuôn mặt trở nên cao quý nhờ đời sống nội tâm, mà nếu không có nội dung ấy, thì có lẽ xem ra nó không được đẹp; em yêu tài năng và trí thông minh của anh là hai thứ dường như thế chỗ cho cái ý chí hoàn toàn thiếu vắng.”

Ý chí, ở mức độ nào đó, là sự che đỡ khỏi thế giới. Nếu không có các quyết định đơn nghĩa, tức thị cũng không thể có cách nhìn đơn nghĩa về chính mình, không thể có tự truyện thành thực, mà phải mượn một nhân vật để dồn vào đó tất cả những gì cần thiết, và nó sẽ được bạn đọc tin nhanh hơn là tin tác giả, đặc biệt là vì nó không có bất cứ sự cưỡng bức nào hết, nó không có ý chí, nó chỉ bộc lộ “sự thiếu vắng ý chí.”

Và ở đây xuất hiện ranh giới ngăn cách tác giả với nhân vật của mình. Dĩ nhiên, bản thân Pasternak hoàn toàn không thiếu ý chí, bởi lẽ việc sáng tác đòi hỏi những nỗ lực ý chí vô cùng to lớn. Và ông cũng không trung lập, bởi lẽ xây dựng hình tượng thời đại đã là can thiệp vào cuộc sống rồi. Có lẽ, ngay bản thân Zhivago thiếu ý chí cũng hoàn toàn không phải trên mọi phương diện, mà chỉ trong một mặt mà thôi – trong cảm giác của chàng về sự lớn lao đồ sộ của những sự kiện đang diễn ra ngoài ý muốn của chàng, những sự kiện đang xô đẩy chàng trôi dạt khắp nơi.

Hình tượng I. A. Zhivago, một người dường như thấm đượm toàn bộ thiên nhiên xung quanh, một người có thái độ sâu sắc và hàm ơn đối với hết thảy (chàng vốn là một trí thức) là vô cùng quan trọng, bởi vì thông qua chàng, thông qua thái độ của chàng đối với xung quanh mà thể hiện thái độ của chính tác giả đối với thực tại.

“Iuri từ nhỏ đã yêu thích cảnh rừng buổi chiều tà ngập tràn ánh lửa hoàng hôn. Những phút ấy đúng là cả chàng cũng đang để cho các cột ánh sáng ấy rọi qua người mình. Đúng là cái nắng khiến tinh thần sống động tràn vào ngực chàng, thấm ngập toàn bộ thể xác chàng rồi từ bên dưới xương bả vai giang rộng đôi cánh bay ra.”

Các sự kiện của Cách mạng tháng Mười như ta sẽ thấy, thấm vào I. Zhivago hệt như thiên nhiên tự thấm vào chàng…

Đối với Pasternak, thiên nhiên là kì quan sống động. Thái độ của tác giả đối với nó giúp ta hiểu được thái độ đối với nước Nga của chính tác giả và của nhân vật.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx