sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

11. Suy ngẫm về tiểu thuyết: Bác sĩ Zhivago (Phần 2)

Nước Nga là gì đối với Zhivago? Đó là toàn bộ thế giới xung quanh chàng. Nước Nga cũng được tạo ra từ những mâu thuẫn đầy tính hai mặt. Zhivago tiếp nhận nó với một tình yêu thương khiến chàng đau khổ một cách cao cả. Zhivago đến Iuratin trong nỗi cô đơn. Và đây là những cảm xúc – suy ngẫm vô cùng quan trọng của chàng (cảm xúc nhiều hơn là suy ngẫm): “Ngoài trời đang là buổi chiều xuân. Không khí được đánh dấu bằng các âm thanh. Những giọng nói của bầy trẻ đang chơi đùa bị ném tản mát ở các địa điểm xa gần khác nhau, tựa hồ muốn chứng tỏ rằng không gian đang tràn ngập sự sống. Và cái phương xa này là nước Nga, người mẹ, người tuẫn giáo, kẻ ương ngạnh, kẻ điên rồ lừng danh bốn biển năm châu, không gì sánh nổi muôn vàn đáng yêu của chàng. Nó cứ đùa giỡn, bày ra những trò tinh quái mãi mãi kỳ vĩ và bi thảm mà người ta không bao giờ có thể tiên liệu nổi! Ôi, tồn tại mới ngọt ngào làm sao! Ôi, sống trên đời và yêu đời mới ngọt ngào làm sao! Ôi luôn luôn ta cứ muốn nói lời cảm ơn chính cuộc sống, chính sự tồn tại, muốn nói thẳng điều đó vào mặt nó!” Hoặc đó là lời Pasternak, hoặc đó là lời Zhivago, nhưng những lời lẽ ấy hòa nhập làm một với Zhivago và dường như tổng kết mọi sự trôi dạt của chàng giữa hai phe. Kết quả của mọi sự trôi dạt và lầm lạc (ngoài ý muốn và vô tình) ấy là tình yêu nước Nga, tình yêu cuộc sống, ý thức thanh lọc về sự tất yếu của những gì đang diễn ra.

Liệu Pasternak có suy ngẫm đến ý nghĩa của những sự kiện lịch sử mà ông là người chứng kiến và người miêu tả trong cuốn tiểu thuyết hay không? Chúng có ý nghĩa gì và do đâu mà xảy ra? Đương nhiên là có. Đồng thời ông tiếp nhận chúng như một cái gì độc lập với ý muốn của con người giống như các hiện tượng tự nhiên. Cảm nhận, nghe thấy, nhưng không nhận thức một cách logic, không muốn nhận thức, đối với ông, các sự kiện ấy chẳng khác gì hiện trạng tự nhiên. Thì chẳng bao giờ có ai lại đi đánh giá, theo quan điểm luân lý, các hiện tượng tự nhiên: mưa, giông, bão tuyết, cánh rừng mùa xuân – không ai và không bao giờ tính chuyện xoay chuyển các hiện tượng ấy theo ý mình, dùng nỗ lực cá nhân để ngăn chặn chúng khỏi ập xuống đầu chúng ta. Ít ra thì, nếu không có phương tiện và ý muốn, ta không thể can thiệp vào công việc của thiên nhiên, giống như ta không thể đơn giản đứng về phía một thứ “phản tự nhiên” nào đó. Nhưng các sự kiện lịch sử xưa nay vốn luôn luôn đòi hỏi sự đánh giá.

Về mặt này, lập luận sau đây về ý thức là rất quan trọng: “… Ý thức là gì? Ta thử xét xem nào. Muốn dùng ý thức bắt mình ngủ thiếp đi thì chắc chắn là sẽ mất ngủ. Cố gắng để có ý thức về việc tiêu hóa của mình thì sẽ đi đến chỗ rối loạn thần kinh. Ý thức là một độc dược, một phương tiện tự đầu độc đối với ai đem áp dụng nó cho chính mình. Ý thức là thứ ánh sáng tỏa ra bên ngoài, ý thức rọi sáng con đường trước mặt để ta khỏi vấp ngã. Ý thức là ngọn đèn pha gắn ở đầu máy xa lửa. Nếu đem quay nó vào trong, tai nạn chắc chắn sẽ xảy ra.”

Ở một chỗ khác, Pasternak qua miệng Lara (đó là nhân vật thứ hai mất tính đặc trưng, cho nên cũng giống tác giả) bày tỏ thái độ khó chịu của ông đối với những lối giải thích đơn thuần: “Tôi không thích những tác phẩm chỉ toàn nói về triết học. Theo tôi, triết học phải là chút gia vị nêm vào nghệ thuật và đời sống. Chỉ nghiên cứu triết học không thôi thì cũng kỳ quặc như chỉ ăn vã gia vị.”

Pasternak hoàn toàn theo đúng quy tắc sau đây: trong cuốn tiểu thuyết của mình ông không giải thích, mà chỉ nêu ra, và các lời giải thích sự kiện ở cửa miệng Zhivago – Pasternak quả thực chỉ là “món gia vị”. Còn nhìn chung thì Pasternak tiếp nhận cuộc sống và lịch sử như nó đang có.

Để hiểu thái độ ấy của Pasternak đối với các sự kiện cần dẫn chứng một cảnh trong tác phẩm… Sau khi mua của chú bé bán báo bản tin nhanh, đăng thông báo của Chính phủ từ Pêtơrôgrat “Về việc thành lập Hội đồng Dân ủy, thiết lập ở nước Nga chính quyền Xô Viết và thực hiện chuyên chính vô sản” (sự việc xảy ran gay khi Cách mạng thành Mười giành được thắng lợi ở Matxcơva), Iuri Zhivago đi về nhà vừa ngồi xoa tay bên bếp lò, vừa chìa tờ báo cho nhạc phụ: “Ba đã xem chưa? Đấy ba ngắm đi. Ba đọc đi.” Chàng tiếp tục ngồi xổm cời cời các hòn than trong chiếc bếp lò nhỏ, vừa nói to với chính mình:

“Một cuộc phẫu thuật tuyệt vời! (Cần nhớ rằng Zhivago là bác sĩ giải phẫu, nên đó là lời khen cao nhất đối với chàng – Đ. Likhachov). Cầm dao lên và chỉ bằng một nhát cắt khéo léo đã xẻo biến đi cái ung nhọt thối tha lâu ngày. Một bản án giản dị, không chút úp mở, khai tử luôn cái sự bất công bao thế kỷ nay vẫn quen được người ta quỵ lụy vâng dạ.”

“Cách thực hiện triệt để, đến cùng, không run sợ ấy có một cái gì rất gần gũi với dân tộc, rất Nga, vốn quen thuộc từ lâu. Một cái gì quang minh chính đại vô điều kiện của Puskin, một sự trung thành không chút xun xoe đối với các sự kiện có thực theo kiểu Tônxtôi… Ở đây, cải chính là thiên tài. Giả sử ai đó được giao nhiệm vụ tạo lập một thế giới mới, mở đầu một kỷ nguyên mới, hẳn thể nào người ấy cũng đòi trước hết người ta phải dọn sạch sẽ chỗ trước đã. Hẳn người ấy sẽ chờ cho kỷ nguyên cũ chấm dứt đã rồi mới bắt tay xây dựng kỷ nguyên mới, hẳn người ấy cần một con số chẵn, một trang mới tinh. ”

“Đằng này khỏi cần nghi thức, xin mời, có ngay! Điều chưa từng thấy này, phép thần kì của lịch sử này, sự khởi đầu này bùng ra ngay giữa khối đậm đặc của cuộc sống thường ngày đang tiếp diễn, không cần để ý tới diễn tiến của nó. Phép lạ ấy được khởi xuất không phải từ đầu, mà từ khúc giữa, khỏi cần định trước thời hạn, vào ngày bất kỳ trong một tuần lễ, trong lúc các chuyến tàu điện đang hối hả chạy trên đường phố. Thế mới kỳ tài chứ. Chỉ cái gì vĩ đại nhất mới không hợp thời hợp chỗ như vậy. ”

Những câu ấy trong tác phẩm gần như là quan trọng nhất để Pasternak hiểu cách mạng. Một là, các câu ấy thuộc về Zhivago, do Zhivago nói ra, do đó, chúng cũng thể hiện tư tưởng của chính Pasternak. Hai là, chúng đề cập trực tiếp đến các sự kiện vừa xảy ra và vẫn chưa hoàn tất của Cách mạng tháng Mười. Thứ ba là chúng giải thích thái độ của tầng lớp trí thức tiến bộ đối với cách mạng: “… sự khởi đầu này bùng rangay giữa khối đậm đặc của cuộc sống thường ngày…”.

Cách mạng – đó cũng là sự khởi đầu (“bùng ra”, đang hiện hữu) và nó, giống như mọi sự hiện hữu, không chấp nhận lối đánh giá thông thường, lối đánh giá theo quan điểm lợi ích tạm thời, trong giây lát, của con người. Cách mạng là không tránh khỏi. Không thể can thiệp vào các sự kiện của nó. Nghĩa là có thể can thiệp, nhưng không tài gì đảo ngược. Tính tất yếu, tính không thể đảo ngược của các sự kiện ấy làm cho mỗi người bị cuốn hút vào cơn lốc xoáy của chúng dường như trở nên phi ý chí. Và trong trường hợp ấy, một người phi ý chí trung thực, song có trí tuệ và cảm xúc phát triển phức tạp sẽ là nhân vật hay nhất của tác phẩm! Người ấy thấy, người ấy tiếp nhận, người ấy thậm chí tham gia vào các sự kiện cách mạng, nhưng tham gia chỉ như một hạt cát bị bão tuyết giông tố cuốn đi. Đáng lưu ý là ở Pasternak, cũng như ở Block trong bài thơ “Mười hai người”, hình tượng tượng trưng chủ yếu cho chất tự nhiên cách mạng là bão tuyết. Không đơn giản chỉ có gió và xoáy lốc, mà chính là bão tuyết với vô vàn bông tuyết và cái lạnh thấu xương dường như từ không gian trên hành tinh tràn xuống.

Thái độ trung lập của Iuri Zhivago trong cuộc nội chiến là do nghề nghiệp của chàng quy định: chàng là bác sĩ quân y, nghĩa là người trung lập trên phương diện chính thức, theo như tinh thần các công ước quốc tế.

Đối lập trực tiếp với Iuri Zhivago là Antipốp – Stơ – renhicôp, một người tàn nhẫn, tích cực can thiệp vào cách mạng ở phía quân Đỏ. Stơrenhicôp là hiện thân của ý chí, hiện thân của khát vọng tích cực hành động. Đoàn tàu bọc sắt của ông ta lao đi với tốc lực tối đa cho phép, nghiền nát thẳng thừng mọi sự chống đối cách mạng. Nhưng cả ông ta cũng không có cách gì đẩy nhanh hoặc làm chậm lại thắng lợi của các sự kiện. Với ý nghĩ đó, Stơrenhicốp cũng phi ý chí chẳng khác gì Zhivago. Tuy nhiên, Zhivago và Stơrenhicôp không chỉ đối lập nhau, mà còn đối sánh với nhau, như trong cuốn tiểu thuyết có nói, họ “ở chung một dòng trong cuốn sách số mệnh” (đây là câu rút từ “Rômêô và Giuliét” của Shakespeare vĩ đại). Và cái việc cả hai người ấy cùng được gắn với Lara cũng hoàn toàn chẳng phải ngẫu nhiên.

Thế còn Lara là gì? Người phụ nữ đứng giữa họ và yêu cả hai người như nhau? Trong các truyền thống của tiểu thuyết cổ điển Nga có một vài hình tượng phụ nữ dường như là hiện thân của nước Nga. Sự hiện thân ấy ở mức độ khác nhau là đầy đủ, hay nói đúng hơn, là chưa đầy đủ ở mức độ khác nhau, nhưng đều ngụ ý mối liên hệ giữa hình tượng người phụ nữ với hình ảnh nước Nga – sự ngụ ý ấy tựa hồ thấp thoáng toát ra từ chất liệu câu chuyện và từ nội dung của chính hình tượng ở những tác giả khác nhau. Taliana Larina của Puskin, người bà trong “Dốc đứng” của Gôncha – rôp, tôi cũng dám nói cả Catêrina trong “Giông tố” của Ôstơrốpski, bà mẹ trong tác phẩm cùng tên của Goóc – ki (tuy thú thật là tôi không thích lắm cái giọng lên lớp của hình tượng này). Lara đó cũng là nước Nga, là chính cuộc sống. Lara tạm thời biến mất khỏi số phận của Zhivago, để rồi lại xuất hiện sau khi chàng chết và ôm lấy xác chàng mà khóc.

Pasternak gần L. Tônxtôi hơn cả trong quan niệm về tiến trình lịch sử. Tôi không đặt hai vị ngang nhau, tôi chỉ so sánh cách lý giải lịch sử của họ. Ở Tônxtôi, những đoạn ngoại đề lịch sử thành thực hơn, còn ở Pasternak nó bị cảm xúc trữ tình che lấp. Nhưng tôi cho rằng mỗi vị có lô gích riêng của mình trong việc tái hiện các sự kiện bằng nghệ thuật. Nếu Tônxtôi không có thế giới quan lịch sử, hẳn ông đã tuyên truyền quan điểm coi cá nhân là động lực chính của lịch sử và ông đã chẳng tạo ra được thiên sử thi nhân dân. Sẽ chỉ có bi kịch, nhân vật Cutudôp sẽ dễ dàng bị bóng đen của Napôlêông che lấp và nhân dân, dân tộc sẽ ở đâu đó bên dưới các sự kiện. Điều đó, Pasternak thừa hiểu.

Ở đây, tôi lại xin phép trích dẫn một đoạn trong tiểu thuyết: “Sau những vần thơ khóc tặng Lara, chàng (bác sĩ Zhivago – Đ. Likhachov) cũng hoàn tất những ghi chép lung tung, mà chàng từng thực hiện vào các thời gian khác nhau, về tram thứ bà giằn, về thiên nhiên, về cuộc sống thường ngày. Cũng như trước đây, hằng hà sa số ý nghĩa về cuộc sống cá nhân và cuộc sống xã hội lại ập đến trong đầu chàng cùng một lúc hoặc lần lượt thoáng qua.”

“Chàng lại nghĩ rằng chàng hình dung lịch sử, cái được mệnh danh là tiến trình lịch sử, hoàn toàn khác với quan niệm chung của mọi người, và lịch sử được vẽ ra trước mắt chàng như đời sống của thế giới thảo mộc. Mùa đông, dưới tuyết, những cái cành trụi lá của rừng cây trông khẳng khiu và đáng thương như mấy sợi lông trên nốt ruồi của một cụ già. Mùa xuân, chỉ trong vài ngày, rừng cây thay đổi hình dạng, vươn cao lên tận mây và người ta có thể ẩn mình hay lạc lối trong cái mê cung rậm rạp của nó. Sự biến hóa ấy được tựu thành nhờ một sự vận động nhanh hơn hẳn sự vận động của động vật, bởi vì động vật không lớn nhanh như cây cỏ, hơn nữa người ta không thể nhìn trộm để thấy sự vận động của thực vật. Rừng không chuyển dịch đi lại, ta không tài gì rình rập để bắt quả tang sự thay đổi vị trí của rừng. Bao giờ chúng ta cũng thấy rừng đứng im một chỗ. Và cũng chính trong trạng thái tưởng như bất động ấy chúng ta lại bắt gặp đời sống xã hội và lịch sử cứ mãi mãi lớn lên, mãi mãi biến đổi, mà chẳng ai theo dõi được các sự biến hóa của nó.”

Tônxtôi chưa đưa tư tưởng của mình tới cùng, khi ông phủ nhân vai trò người chủ xướng của Napôlêông, của các vua chúa và tướng lĩnh. Ông cũng nghĩ đúng như vậy, nhưng chưa nói trọn điều đó cho thật rõ ràng, hoàn toàn rõ ràng. Không ai làm nên lịch sử, không ai trông thấy lịch sử, hệt như không thể trông thấy cỏ đang mục như thế nào. Các cuộc chiến tranh, các cuộc cách mạng, các Rôbespie đều là chất xúc tác hữu cơ, chất men của lịch sử. Các cuộc cách mạng được sản sinh bởi những con người hành động, những người cuồng tin một chiều, những thiên tài biết tự hạn chế. Chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày họ lật nhào thể chế cũ. Các cuộc chính biến kéo dài hàng tuần, nhiều khi hàng năm, sau đó suốt hàng thế kỷ, hàng thế kỷ người ta còn thờ phụng tinh thần hạn chế, một thứ hạn chế đã dẫn tới cuộc chính biến như thờ phụng thần thánh.

Xin độc giả thứ lỗi cho việc trích dẫn một đoạn dài như vậy, nhưng đoạn này cực kỳ quan trọng không chỉ để hiểu các quan điểm lịch sử của Pasternak mà còn cả thái độ của ông đối với cách mạng, đối với các sự kiện của cách mạng như một thứ tự nhiên tuyết đối nào đó, mà về sự xuất hiện hợp pháp của nó, khỏi cần bàn luận.

Trước mắt ta là thứ triết học lịch sử giúp ta không chỉ nhận thức các sự kiện (nói đúng hơn là khước từ đánh giá chúng, mà còn xây dựng chất liệu sống của cuốn tiểu thuyết, một cuốn tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết bằng thơ trữ tình, diễn tả hết thảy những gì đang xảy ra xung quanh, qua lăng kính của một trí tuệ siêu việt.)

Hiện thực được phản ánh ở đây không phải theo kiểu tự nó, mà thông qua các ấn tượng cá nhân bao giờ cũng rất nhạy bén… Các “trường ca lịch sử” của ông như “Năm 1995” và “Trung úy Smith” cũng vậy.

B. Pasternak luôn luôn xa lạ với thói cầu kỳ rởm trong thi ca. Ông cũng xa lạ với thói cầu kỳ trong việc miêu tả lịch sử. Các sự kiện cách mạng nổi lên trước mắt ông trong toàn bộ tính phức tạp lồ lộ của chúng. Chúng không bó hẹp trong những sơ đồ giản đơn, trần trụi của những lối miêu tả đã được thừa nhận đôi khi thuộc về những người không hề chứng kiến hoặc nếm trải các sự kiện đó. Trong cảm thức về các sự kiện có thể có những mâu thuẫn, bởi lẽ Pasternak không lý giải sự kiện.

Về cuốn thơ trữ tình “Chị tôi – Cuộc sống” nhà thơ viết: “Đối với tôi, muốn gọi là gì cũng được cái sức mạnh đã đem lại cuốn sách, bởi vì nó ngàn lần lớn hơn tôi và những quan niệm thi ca bao quanh tôi”. Câu nói ấy, Pasternak cũng có thể dùng để nói về tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”. Câu đó chứng tỏ sự khiêm nhường vĩ đại của ông và nó cũng chứng tỏ rằng ông coi mình như người miêu tả cuộc sống của các sự kiện.

Đ. S. LIKHACHOV

LÊ KHÁNH TRƯỜNG dịch


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx