sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

12. Cuốn tiểu thuyết bay tới đoạn kết (Phần 1)

CUỐN TIỂU THUYẾT BAY TỚI ĐOẠN KẾT

ALA ALOVA

Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” (Liên Xô) No 37, tháng 9 – 1988, đăng bài của Ala Alova, nếu các tư liệu về thời kì B. Pasternak viết về tiểu thuyết “ Bác sĩ Zhivago” và việc xử lý nhà văn sau khi tác phẩm ra đời. Alova đã gặp Ônga Ivinscala trước đây là người tình của Pasternak (hiện còn sống), ghi lại lời kể của Ônga. Chúng tôi trích dịch bài của Alova.

Về Ônga, Pasternak đã viết trong thư gửi Rơnate Svâyse (ngày 7/5/1958) như sau: “sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tôi đã gặp một phụ nữ trẻ, tên là Ônga Ivinscala… Nàng chính là Lara trong cuốn tiểu thuyết mà tôi bắt đầu viết chính vào thời đó… Nàng là hiện thân của niềm yêu đời và đức hi sinh… Nàng biết rõ đời sống tinh thần của tôi và mọi công việc văn chương của tôi.” Và một năm sau, khi tôi trả lời phỏng vấn của nhà báo Anh, Pasternak nói: “Nàng là người bạn lớn, rất lớn của tôi. Nàng đã giúp tôi trong thời gian tôi viết sách, trong cuộc đời tôi… Nàng đã bị tù năm năm vì kết thân với tôi. Thời trẻ của tôi không có nàng Lara độc nhất… Nàng Lara của tôi thời trẻ - ấy là vốn sống chung. Còn nàng Lara của tôi thời về già thì đã ghi khắc vào trái tim tôi bằng máu của nàng và bằng cảnh tù đày của nàng…”

Ra mở cửa cho tôi là một phụ nữ chững chạc, lịch thiệp… Điều đáng ngạc nhiên là tôi không hề nghe thấy một tiếng thở dài, một thời than vãn, không thấy một biểu hiện gì của tuổi già trong phong thái, cử động, lời lẽ của bà. Ngược lại, bà Ônga toát ra vẻ nữ tính, đáng yêu, nhẹ nhàng, cởi mở. Những hồi ức về thời kỳ đáng sợ, cay đắng không hề đè nặng lên vai bà. Chúng tôi nhắc đến dạo bà bị bắt, đến tình cảnh tuyệt vọng của Pasternak. Cổ tôi nghẹn lại. Còn bà? Vẫn bình tĩnh như thường, kể cả trong giọng nói. Tựa hồ toàn bộ chuyện đó chưa hề xảy ra với chính bà…

- Năm 1946, tôi công tác ở Bộ biên tập tạp chí “Thế giới mới”, làm trưởng ban các tác giả mới vào nghề. Bấy giờ tôi 34 tuổi.

Một hôm, tôi đang ngồi nhìn ra cửa sổ, thì nghe có tiếng đồng nghiệp nói sau lưng: “Đồng chí Pasternak, tôi xin giới thiệu với đồng chí người hâm mộ hăng hái nhất của đồng chí.” Câu chuyện hôm ấy chỉ thoáng qua. Pasternak hỏi tôi có các cuốn sách của anh ấy không, và ngạc nhiên khi biết tôi chỉ có một cuốn. “Ồ, để tôi kiếm cho cô, dù rằng các cuốn sách của tôi hầu như đã được đem tặng hết cả!” Tiếp đó, anh ấy bảo: “Cô có biết không, tôi vừa bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết bằng văn xuôi, nhưng chưa rõ nó sẽ ra sao.”

Thế là mối tình của chúng tôi bắt đầu gần như đồng thời với việc anh ấy sáng tác “Bác sĩ Zhivago”. Một trong những đề tài chính là số phận, là những gì tất yếu phải xảy ra. Sự thể là cuốn tiểu thuyết ấy đã bắt đầu quyết định cả số phận của hai chúng tôi. Nó như một thứ bùa mê, nó đem đến niềm hạnh phúc điên cuồng cùng nỗi đau khổ ghê gớm. Càng gần đến cái chết của nhân vật, đến dấu chấm cuối cùng, thì đoạn kết của cuộc đời chúng tôi càng gần lại.

Hôm ấy, tôi trở về nhà trong tâm trạng vô cùng bối rối. Tôi đã trải qua nhiều đau thương – người chồng thứ nhất tự sát, người chồng thứ hai chết ngay trên tay tôi, trong bệnh viện. Và hai đứa con mồ côi cha, là Ira và Michia. Mẹ tôi đã ngồi tù ba năm, vì nói gì đó về Stalin với ai đó. Còn Pasternak thì đang sống với người vợ thứ hai, rồi các con của anh ấy…

Hôm sau, trên bàn làm việc của tôi đã có năm cuốn sách của Pasternak.

Ít ngày sau, Pasternak gọi điện đến tòa soạn, hẹn tôi ra gặp ở chân đài kỷ niệm Puskin. “Tôi muốn cô gọi tôi là “anh”, bởi vì gọi là “đồng chí” nghe giả dối lắm”.

- Sau đó là những buổi hai chúng tôi đi lang thang bất tận trên đường phố nhỏ và cũ của Matxcơva, một thứ hạnh nhúc ào ào tràn tới xen lẫn vào những lời giãi bày đầy khổ tâm. Liệu hai chúng tôi có quyền hưởng thứ hạnh phúc đó chăng? Chúng tôi đã xa nhau mấy lần, để không gặp nhau nữa, nhưng không thể không gặp nhau được…

“Em là hạnh phúc của bước đi tai hại Khi đời sống đáng ghét hơn bệnh tật. Còn cội nguồn của cái đẹp là sự can đảm Và điều đó kéo chúng mình lại với nhau.”

…”Hãy rút bàn tay khỏi ngực tôi, Hai ta như đường dây có điện. Hãy coi chừng, kẻo vô tình Điện lại hút hai đứa vào nhau.”

Kế đó, Pasternak gặp lại hai con của Ônga. Ông rất thích bé gái Irina. “Đôi mắt của bé kỳ lạ thay! Nào Irina, cháu hãy nhìn bác đi nào, cháu thật đáng được đưa vào cuốn tiểu thuyết của bác!” Vậy là bé Catenca, con gái của Lara, bắt đầu mang diện mạo của Irina.

Pasternak dạy Ônga cách dịch văn thơ.

- Buồn cười lắm, thoạt tiên có mười dòng thơ mà tôi dịch ra đến bốn mươi dòng là ít.

Dạo này, chính Pasternak cũng dịch rất nhiều: dịch Pêtơphi, Gơt, Shakespeare. Việc dịch gần như trở thành sự trò chuyện sống động giữa hai người, thành lời tỏ tình. Pasternak viết cho Ônga: “Chữ “Pêtơphi” là ký hiệu quy ước dạo tháng 5 và tháng 6 năm 1947, còn các bản dịch thơ trữ tình Pêtơphi của anh – chính là việc miêu tả các ý nghĩ và linh cảm của anh đối với em và về em…”

Pasternak coi Ônga như Macgarita, nên ông viết: “Anh lại thốt bằng miệng của Phaostơ, bằng lời lẽ của Phaostơ nói với Macgarita – người đẹp của ta ơi, lỗi lầm của ta ơi, em xanh xao quá thôi…” Khi bản dịch Phaostơ được in, Pasternak viết vào cuốn sách tặng Ônga “Ônga yêu dấu, em hãy từ trong sách bước ra một phút, ngồi bên ngoài mà đọc nó xem.”

Một hôm, Pasternak đọc trong một tờ báo Anh: “Pasternak đang im lặng một cách dũng cảm”, ngụ ý rằng thời gian vừa qua ông chỉ công bố các bản dịch. Ông nói: “Căn cứ vào đâu họ bảo tôi im lặng một cách dũng cảm? Tôi im lặng, bởi vì người ta không in tác phẩm của tôi.”’

- Trong phút thất vọng, Pasternak viết cho tôi: “Các bản dịch đã chiếm mất những năm tốt đẹp nhất trong hoạt động của anh…” Nhưng biết làm gì khi đó? Tôi nhớ Pasternak có nhận xét về cuốn sách mới của một văn sĩ nổi tiếng: “Em thử tưởng tượng – xoàng quá! Cũng chẳng thể khác được. Bởi lẽ ở nước ta hiện nay, nếu người ta in, thì người ta không cho viết. Còn nếu ta có viết, thì người ta chẳng in.”

Kể ra, ngay cả trong các bản dịch của Pasternak, người ta cũng cứ tìm ra sự khả nghi về chính trị.

- Chúng tôi nhận thấy dấu hiệu tai họa thực sự vào ngày 21 tháng 3 năm 1947. Hôm ấy báo “Văn hóa và đời sống” đăng bai báo “trứ danh” của A. Suacốp “Về thơ ca của B.Pasternak”, có viết: “Với thái độ thích thú không chút giấu giếm, nhà thơ đưa ra nhận định về Chính phủ Lâm thời… Ông ta đang sống bất mãn với thực tế mới… ông ta nhận định về cuộc cách mạng Liên Xô với thái độ rõ ràng thiếu thân thiện và thậm chí là tức giận… một sự vu khống trực tiếp thực tế mới…”

Thật nực cười và vô lý, nhưng mọi chuyện rắc rối của Pasternak bắt đầu từ lời buộc tội rằng ông xa rời thực tế. Song thơ ông nổi bật ở chỗ nó chính là cuộc sống! Ông gắn bó máu thịt với thiên nhiên, với cuộc sống, với thực chất. Phải, ông không đến các nhà máy, không biết các bài cổ động chính trị. Và câu nói thiêng liêng của ông: “Các bạn thân mến, chúng ta đang ở thiên niên kỷ nào vậy?” Sao, ông không biết ông đang sống ở thời đại nào ư?! Kỷ nguyên mới đã bắt đầu, mà ông lại không biết!

Ngày 21 tháng 3, đọc xong bài báo của Suacôp, Pasternak gọi điện cho bạn hữu: “Các bạn đã đọc bài người ta đánh giá tôi trước công luận như thế nào chưa? Nhưng không sao, tôi cảm thấy vẫn khỏe.” Tất nhiên, thú thực hôm ấy chúng tôi khá hoảng sợ: những lời buộc tội đã đủ để tuyên bố Pasternak là “kẻ thù của nhân dân” và thủ tiêu ông…

Cuốn tiểu thuyết vẫn đang bay. Các trang được viết nhanh, cực nhanh.

Hai chúng tôi đến nhà Iuđina, một nữ nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng, để đọc chương đầu. Lúc ấy đang dịp lễ Giáng Sinh. Dọc đường, gặp trận bão tuyết mù mịt, khiến chúng tôi lạc đường. Chợt ở một cửa sổ có ánh nến cháy lấp loáng. Đó cũng chính là nơi mọi người đang mỏi mắt chờ đợi chúng tôi… Ít lâu sau xuất hiện phần thứ ba “Cây Nôen ở nhà Sventiski” và tại đó… Lara đang chuẩn bị cho một hành động đáng sợ, còn trước đấy nàng rẽ vào gặp Pasa, họ đặt một cây nến trên bệ cửa sổ. Zhivago, lúc này vẫn chưa quen Lara, đi ngang qua ngoài đường, đã “để ý đến vệt đen như một con mắt trên lớp băng phủ một cửa sổ. Ánh lửa của cây nến đang cháy rọi qua vệt đen ấy, chiếu ra đường gần như một cái nhìn có ý thức, tựa hồ ánh lửa ấy đang rinhd rập những người đi qua và đang chờ đợi ai đó.”

Ngày 6 tháng 10 năm 1949. Buổi trưa, Pasternak đưa cho Ônga xem bản thảo dịch phần đầu: “Phaostơ”, và Ônga hứa sẽ viết trả lời bằng một bài thơ. Tối hôm ấy, Ônga bị bắt…

Viên dự thẩm hỏi:

- Tại sao chị với Pasternak định trốn ra nước ngoài? Chúng tôi nắm được các nguồn tin chính xác. Bởi vậy, tôi khuyên chị suy nghĩ cho kỹ và kể rõ Pasternak đang trao tay cho mọi người đọc cuốn tiểu thuyết gì. Chị có biết nội dung chống Liên Xô của cuốn sách ấy không?

Mấy tháng liền, đêm nào Ônga cũng bị hỏi cung. May sao, viên dự thẩm A. S. Sêmiônnôp không đến nỗi quá thô lỗ. Anh ta bảo Ônga viết lại nội dung cuốn tiểu thuyết, và tỏ ý chưa vừa lòng: “Chị chưa viết đúng những gì cần viết! Chị phải viết rằng cuốn sách ấy vu khống thực tế Liên Xô. Và chị đừng có giả bộ ngớ ngẩn. Ví dụ, một nhà thơ nước ta mà lại đi viết bài “Mađơlen” ư?

Dần dần các buổi hỏi cung trở thành buổi đọc thơ Pasternak. Sêmionôp thích bài “Trung úy Smith”.

Ônga đã ngồi tù nửa năm. Cái thai trong bụng đã đạp dữ… Rồi một hôm Ônga lên cơn đau kinh khủng và bị sảy thai.

Trong khi đó, Pasternak cứ chờ mong đứa con ra đời. Ông hy vọng, tất bật chạy tới các nhà người quen. Một hôm, ông kể với O. I. Pôpôva là một người bạn được ông tin cậy: “Người ta bảo tôi phải đến trại giam Lubianca ngay, họ sẽ trao cho tôi một thứ gì đó. Chắc họ trao đứa con cho tôi. Tôi đã bảo với vợ tôi, rằng nhà mình cần nuôi đứa bé trong lúc Ônga ở tù”… Thực ra, người gọi ông đến là để trao lại các cuốn sách và các bức thư của ông viết cho Ônga…

Tựa hồ thỏi sắt

Được nhúng antimoan,

Hình em được khắc

Vào trái tim anh

Sau đó Ônga bị đưa đến trại cải tạo ở Pôtma, còn Pasternak thì bị một cơn bệnh nhồi máu cơ tim.

Pasternak viết cho Rơnate Svâyse: “Nàng đã bị cơ quan an ninh bỏ tù vì tội nàng là người gần gũi nhất của tôi, theo ý họ, để qua những cuộc hỏi cung tai ác, họ hy vọng buộc nàng khai báo sao đó đủ để đưa tôi ra tòa. Sở dĩ tôi còn được sống và không bị bắt trong những năm đó chính là nhờ đức dũng cảm và sức chịu đựng của nàng…”

- Thưa bà Ônga, việc Pasternak không bị bỏ tù quả là một điều bí ẩn. Bởi vì ai cũng biết rằng ông thường nói và làm những điều ngoài sức tưởng tượng thời kỳ đó.

- Đúng vậy, giữa lúc nhà văn Doéncô đang bị hãm hại hết mức, thì Pasternak lại công khai bày tỏ cảm tình với Dôsencô… Khi số phận của Bukharin và nói thẳng: “Tôi không tin rằng anh có tội.” Các bạn tôi kể rằng, sau khi tôi bị bắt, trong lúc nói chuyện ngay cả với những người ít quen biết, Pasternak dám gọi Stalin là kẻ sát nhân. Chẳng hạn có lần anh ấy đến tòa soạn và nói thế này: “Bao giờ mới chấm dứt sự hoành hành của những kẻ xu nịnh, những kẻ vì lợi riêng sẵn sàng bước trên các thây người?”

Vậy tại sao Stalin vẫn không động đến Pasternak?

Alêchxăng Glacôp viết: “Năm 1955, kiểm soát viên trẻ tuổi R. nghiên cứu hồ sơ phục hồi danh dự cho đạo diễn Mâyekhôn, đã kinh ngạc khi biết Pasternak không hề bị bắt: theo hồ sơ anh ta đọc, thì nhà văn là kẻ đồng tham gia một tổ chức phá hoại (dĩ nhiên là bịa đặt) của các nhà hoạt động nghệ thuật, và Mâyekhôn cùng Baben đã bị sát hại vì tham gia tổ chức ấy.

Dạo đó người ta đồn rằng, vào giây phút cuối cùng Stalin đã hủy lệnh bắt Pasternak: “Đừng đụng đến cái kẻ coi trời bằng vung ấy…” Nếu đúng vậy, thì tức là bạo chúa cũng có lúc bao dung…

Vậy là cuốn tiểu thuyết đang bay tới đoạn kết với tốc độ mỗi lúc một nhanh. Đã không còn cái gì đủ sức ngăn nó lại, như một đoàn tàu hư phanh. Và cũng không có gì chặn được tai họa…

Ônga đã mãn hạn tù… Sau năm năm chờ đợi, Pasternak lại sợ gặp bà, không tới thăm ngay.

- Đúng thế, người ngoài thấy lạ, nhưng tính anh ấy vốn vậy! Chẳng hạn, sau một thời gian dài xa cách người chị gái tên là Lidia mà anh ấy nhớ là một phụ nữ trẻ và đẹp, anh ấy cố ý tránh gặp bà chị. Anh ấy bảo tôi: “Sẽ kinh khủng biết mấy khi trước mặt mình lại thấy một bà già, một người hoàn toàn xa la.” Và anh ấy cũng sợ thấy tôi thành một bà già sau khi ra tù. Nhưng khi gặp, anh ấy thấy tôi vẫn như xưa, có lẽ tôi chỉ hơi xanh và gầy hơn một chút…

Đã tới đoạn bác sĩ Zhivago viết các bài thơ kỳ lạ mà cả nhà nước ta vừa được đọc trong tạp chí “Thế giới mới”, tháng 4.

- Cuối cùng, từ nhà nghỉ Peredelkino, Pasternak gọi điện cho tôi, nửa khóc nửa cười báo tin: “Em biết không. Zhinvago chết rồi! Chết rồi!” Chương sách cuối cùng đã viết xong.

- Từ đấy hai chúng tôi, con cái chúng tôi, bạn hữu thân cận của chúng tôi đều sa vào từ trường của cuốn tiểu thuyết…

Ônga mang bản thảo đến các ban biên tập khác nhau. Thời gian trôi qua, đã tới tháng tám, các ban biên tập vẫn im lặng. Cuối cùng tạp chí “Thế giới mới” báo tin rằng, vì khối lượng lớn của cuốn tiểu thuyết, tạp chí chỉ có thể in một số chương.

Đã hết mùa thi, bước sang năm 1956, các ban biên tập vẫn im lặng. Người ta không in, nhưng cũng không có ý kiến phủ nhận. Im lặng. Sự im lặng trước cơn giông bão.

Thế rồi cái ngày bất hạnh ấy đã đến. Vào cuối thắng năm. Tôi tới Peređenkinô, Pasternak nói với tôi, vẻ như người có lỗi, “Hôm nay, Secgiô Đangielô, phái viên của ông Phentơrineli, giám đốc một nhà xuất bản lớn nhất Italia, có đến gặp anh. Anh bảo: “Nếu ông thích, thì các ông cứ tùy ý sử dụng.” Tôi sững sờ: “Nhưng như thế tức là cho phép in tác phẩm! Sao anh lại không hiểu điều đó nhỉ? Vụ này sẽ rắc rối lắm đây!” Tôi hiểu rằng từ nay sẽ bắt đầu sự hãm hại thật sự…

Đangielô miêu tả cuộc nói chuyện với Pasternak như sau: “Khi tôi đề cập tới mục đích việc đến thăm của tôi, Pasternak tỏ ra rất ngạc nhiên (chắc trước đó thi hào không hề nghĩ đến chuyện có quan hệ với một nhà xuất bản ở nước ngoài)… Tôi làm cho Pasternak hiểu rằng bầu không khí chính trị đang thay đổi hẳn, và rằng tôi thấy sự nghi ngại của ông là hoàn toàn vô căn cứ. Cuối cùng thi hào ngả theo sức ép của tôi. Ông xin lỗi đi vào nhà trong một phút, rồi trở ra với bản thảo trong tay. Lúc ông tiễn tôi ra cổng, ông lại bày tỏ sự nghi ngại qua câu nói nửa đùa nửa thật: “Ông đã mời tôi đến chỗ hành hình chính tôi.”

- Vài hôm sau, tôi bị gọi lên Trung ương Đảng. Tại Vụ Văn hóa, người ta khuyên tôi thuyết phục Dangielô trả lại bản thảo. “Còn chúng ta có thể hứa với ông ta sẽ in cuốn tiểu thuyết ấy. Chúng ta sẽ tạo điều kiện cho phép họ in nó sau khi ta đã in.” Tôi phản đối ý kiến ấy, tôi nói rằng chúng ta khỏi cần đòi lại, vẫn cứ kịp in ra trước họ, vì họ còn phải dịch nó sang tiếng Italia. “Không, - người ta kiên quyết nói, - chúng ta nhất thiết phải nhận lại bản thảo đã giao. Nếu chúng ta không in một số chương, mà họ cứ in, thì sẽ bất tiện. Phải đòi lại bản thảo bằng bất cứ giá nào.”

Pasternak đồng ý để chúng tôi tìm cách đòi lại bản thảo. Nhưng Phentơrineli trịnh trọng tuyên bố rằng ông ta sẽ không đời nào chịu buông nó ra. Cho dù người ta có coi đấy là trọng tội đi chăng nữa. Nhưng vì ông không tin rằng Liên Xô sẽ in nó, cho nên ông thấy ông không có quyền giấu loài người một kiệt tác của thế giới, bởi làm thế sẽ là một trọng tội.

Tôi lại lên gặp cấp trên báo cáo câu trả lời của Phentơrineli. Một cú điện thoại cho Giám đốc Nhà xuất bản Văn học Quốc gia bảo phải chuẩn bị in cuốn tiểu thuyết. Thế là tôi cùng Pasternak đến gặp vị giám đốc. Ông này làm ra vẻ chính ông dám quyết việc in “Bác sĩ Zhivago”. Ông nói: “Anh Pasternak thân mến, anh đã viết một tác phẩm tuyệt diệu, nhất định chúng tôi sẽ xuất bản nó. Tuy sẽ phải thu gọn một vài đoạn và có lẽ sẽ bổ sung vài đoạn…”

Người được cử làm biên tập là Anatôli Starôstin. May thay, đấy là một người thực sự hâm mộ các tác phẩm của Pasternak. Tôi nhớ anh ấy rất vui mừng thốt lên: “Tôi quyết làm cho cuốn tiểu thuyết này trở thành tác phẩm ca ngợi nhân dân Nga!” Tội nghiệp cho Anatôli, điều đó không thành. Kết cục lại là một trò hề, và sau đó là một bi kịch…

Năm ủy viên ban biên tập “Thế giời mới” – B. Agapôp, B. Lavrenep, C. Phêđin, A. Crivitski, C. Simônôp – đã ký tên dưới một bức thư buộc tội tác phẩm về mặt tư tưởng và kết luận rằng không nên in nó ra.

Mùa thu năm 1957, ở nước ta vậy là cuốn tiểu thuyết không được xuất bản. Để tránh vụ xì-căng-đan, phải ngăn việc in nó ở Italia. Ônga và Đangielô, bây giờ chính các anh này cũng hiểu tai họa đang đe dọa Pasternak, - đã thuyết phục Pasternak gửi cho Phentơrineli một bức điện để “ngăn việc in lại.”

- Pasternak gần như quát lên với tôi và Đangielô, rằng chúng tôi coi anh ấy như một kẻ thiếu tư cách: “Phentơrineli sẽ nghĩ sao, khi tôi mới viết thư bảo ông ấy rằng việc công bố “Bác sĩ Zhivago” là mục đích chủ yếu của đời tôi?” Cuối cùng, Pasternak tin rằng dù thế nào người ta cũng sẽ chẳng tin vào bức điện. Tuy vậy, bức điện vẫn được gửi đi.

… Pasternak bị gọi lên Hội nhà văn, nhưng anh ấy không đi. Tôi có dự phiên họp ấy. Tiếc rằng bây giờ tôi đã quên đó là ngày nào. Suacôp đọc báo cáo, kể về sự “thông đồng” giữa Pasternak với những người Italia… Cuối cùng ông ta dùng đến hai tiếng “phản bội” và các từ ngữ gớm ghiếc khác, thậm chí cả chuyện “móc ngoặc” để nhận tiền từ nước ngoài…

Tôi biết ơn Tvacđôpsky lúc ấy đã nói to từ chỗ ngồi:

- Tôi muốn hiểu điều gì đã xảy ra trong thực tế.

Sôbôlep nói rằng anh ta cảm thấy nhục nhã, rằng một nhà thơ ít người biết tới, đột nhiên lại trở nên lừng danh khắp thế giới một cách chẳng hay ho gì như vậy.

Chỉ riêng Anatôli Starôstin đã nói điều cần nói, bất chấp những tiếng bất nhã ở bên dưới, đại loại “Thế mà vẫn tìm được một thằng cha cán bộ biên tập cho cuốn tiểu thuyết ấy! Một thứ như thế mà cũng nhận biên tập?...” Anatôli nói:

- Tôi đã cầm trong tay một tác phẩm hết sức hoàn hảo. Còn các anh lại biến nó thành cái cớ để hãm hại người ta. Pasternak không hề có ý định khăng khăng bám giữ các nhận định gay gắt về mặt chính trị trong cuốn tiểu thuyết. Anh ấy sẵn sàng chấp nhận sự hiệu đính, để tác phẩm được ra mắt trước tiên ở nước ta. Nhưng các vị lãnh đạo Hội nhà văn lúc ấy đã không cho phép làm như vậy, mặc dù rõ ràng Vụ Văn hóa Trung ương Đảng đã khích lệ việc in nó.

Phentơrineli quả không tin vào bức điện cuối cùng của Pasternak, và thế là tháng 11 năm 1957, tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” được ra mắt bạn đọc. Trong vòng hai năm, nó được dịch sang 24 thứ tiếng!

Pasternak rất vui sướng. Đây, một đoạn thư ông viết cho Giăcơlin đờ Proaya: “Tôi được biết “Bác sĩ Zhivago” sẽ có thể ra mắt ở Pari vào cuối tháng sáu. Như thế đã là một nửa niềm vui. Tôi tin rằng tôi sẽ khóc vì sung sướng, vì cảm động, khi tôi được chạm tay vào phép lạ sống động ấy…”

- Pasternak thực sự không có việc làm. Các hợp đồng dịch sách đều bị hủy bỏ. Nhưng niềm vui vì cuốn tiểu thuyết ra đời đã lấn áp tất cả. Bởi vậy, trước mùa thu năm 1958, anh ấy vẫn chưa đến nỗi tuyệt vọng.

Ngày 23 tháng 10, Viện Hàn lâm Thụy Điển tuyên bố tặng Pasternak giải thưởng Nôben Văn chương năm 1958 vì “đóng góp to lớn vào nền thơ trữ tình hiện đại cũng như vào lĩnh vực các truyền thống vĩ đại của các nhà văn xuôi Nga.”

Pasternak lập tức gửi một bức điện cảm động tới Anđesơ Êsteclinh, thư ký Viện hàn lâm Thụy Điển: “Tôi vô cùng biết ơn, xúc động, tự hào, ngạc nhiên và bối rối.”

Bà Ônga cho tôi xem lại hai bức ảnh. Một bức chụp Pasternak mỉm cười, tay nâng ly rượu đáp lại lời chúc mừng của Coocnây Trucôpski. Bức thứ hai chụp sau đó mấy giờ, trông Pasternak rầu rĩ như khóc. Thời gian vừa rồi C. Phêđin đã kịp đến. Phêđin giải thích với Pasternak rằng cần phải tự nguyện khước từ giải Nôben và cuốn tiểu thuyết.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx