sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

13. Cuốn tiểu thuyết bay tới đoạn kết (Phần 2)

Ngày 25 tháng 10, báo “Văn học” trút lên đầu Pasternak những câu: “Giờ đây Bác sĩ Zhivago đang ở giữa người đằng hắng, còn kẻ xây dựng nhân vật ấy là Pasternak thì đã nhận ba mươi xu bạc (ngụ ý Pasternak là tên Juđa – N.D.)… là đồng minh của những kẻ căm thù nước ta… một tên cá nhân chủ nghĩa điên cuồng… Ông ta được giải thưởng vì đã đồng ý sắm vai vào miếng mồi móc vào cái lưỡi câu han gỉ của trò tuyên truyền chống Liên Xô… Cái kết cục chẳng vinh quang gì đang chờ tên Juđa đã hồi sinh, “Bác sĩ Zhivago”, và tác giả của hắn, kẻ chắc chắn bị toàn dân khinh bỉ…”

Ở Viện văn học Gorki, người ta vội vã tổ chức một cuộc biểu tình đòi trục xuất Pasternak ra nước ngoài. Người ta còn yêu cầu sinh viên ký tên dưới bức thư chống Pasternak. Ai không ký sẽ có nguy cơ bị đuổi học. Con gái Ônga là Irina từng học ở đó, nhớ lại: “Bức thư ấy thu được hơn một trăm chữ ký, trong khi ở Viện có trên ba trăm sinh viên. Những kẻ lấy chữ ký sục vào ký túc xá… Bọn con gái chúng tôi lánh xuống nhà bếp hoặc ngồi lỳ trong toalét…”

Đúng, không phải hết thảy sinh viên đều ký tên, song bức thư được đăng lên báo “Văn học”. Đúng, không phải tất cả đều đi biểu tình, chỉ có vài chục người. Nhưng cuộc biểu tình, một cảnh xấu xa được dàn dựng, vẫn nổ ra. Đám sinh viên trương biểu ngữ kéo tới Hội nhà văn. Một biểu ngữ viết: “Tên Juđa hãy cút khỏi Liên Xô.” Một biểu ngữ khác vẽ Pasternak đang chìa các ngón tay cong queo về phía bọc đựng đôla…

- Chúng tôi cố không để Pasternak trông thấy hoặc biết đến những trò đó.

… Ngày 27 tháng Mười, Hội nhà văn họp xét “vụ Pasternak.”

Bản ghi tốc ký “phiên họp” ấy hiện ở đâu? Ai làm chủ tọa? Có tiếng nói bảo vệ nhà thơ không? Bởi đấy là lúc vẫn còn có thể đình “vụ” ấy lại. Nhưng người ta đã quyết định triệu tập phiên họp toàn thể các nhà văn Matxcơva để diễn cho trọn vở kịch.

- Buổi sáng, Pasternak đến nhà tôi ở đường Pôtapôpski để bàn xem có nên tới dự buổi xét xử ấy không. Lúc ấy V. Ivanôp đang ở nhà tôi. Chúng tôi cùng khuyên Pasternak đừng đi. Anh ấy nghe theo, chỉ viết mấy lời giải thích gửi tới phiên họp.

Ngày 28 tháng 10, báo “Văn học” đăng bài “Về những hành động của hội viên Hội nhà văn Liên Xô B. L. Pasternak không phù hợp với danh hiệu nhà văn Liên Xô.” Và lời lẽ của nghị quyết phiên họp: “…Tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago” chỉ bộc lộ thái độ kiêu căng quá mức của tác giả trong khi nghèo nàn về tư tưởng, là gào thét của một kẻ tầm thường nhỏ mọn bị mất tinh thần… một kẻ bị xã hội tẩy chay… căn cứ vào sự sa ngã về chính trị và tinh thần của B. Pasternak, vào sự phản đối của ông ta với nhân dân Liên Xô, đối với sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội, của hòa bình và tiến bộ, một sự phản bội được trả bằng giải thưởng Nôben nhằm phục vụ cuộc chiến tranh lạnh… nay tước danh hiệu nhà văn Xô Viết của B. Pasternak, khai trừ ông ta ra khỏi Hội nhà văn Liên Xô.”

Ngày 29 tháng 10, chúng tôi lại gặp nhau trong nhà tôi. Lúc ấy có Ariatna Êphơrôn, là con gái của Svêtaeva, người bạn lớn và trung thành nhất của chúng tôi, đến chơi. Pasternak đột nhiên nói: “Bây giờ, khi phản ứng đầu tiên về giải thưởng đã lắng đi, khi mọi kế hoạch của bọn họ đều dựa trên sự việc tặng giải thưởng, thì tôi quyết định từ chối giải thưởng đó đúng vào lúc này. Sẽ rất thú vị xem bọn họ phản ứng ra sao… Đúng, tôi đã gửi điện báo cho Anđesơ Êsteclinh rồi.” Đoạn anh ấy chìa cho chúng tôi xem bản lưu nội dung bức điện: “Do cái ý nghĩa mà xã hội tôi đang sống gán cho giải thưởng của các ngài, tôi buộc phải từ chối cái tôi không đáng được hưởng ấy. Tôi mong các ngài đừng phật ý về sự từ chối tự nguyện của tôi…”

Chúng tôi sững sờ, chỉ riêng Ariatna (thật vô cùng cảm ơn chị ấy!) đã bước tới hôn Pasternak và nói: “Cừ lắm, anh thật là cừ.” Bây giờ tôi nghĩ rằng chị ấy cũng không muốn Pasternak hành động như vậy, song đơn giản là chị ấy hiểu Pasternak đang cần được ủng hộ hơn bao giờ hết.

Nhiều người sau đó bảo tôi rằng, hồi ấy sao Pasternak lại mất tinh thần đến nỗi từ chối giải thưởng… Không phải mất tinh thần hay nhu nhược, mà là thần kinh hết chịu nổi, và chủ yếu là vì anh ấy muốn chấm dứt cái vở kịch người ta đang dàn dựng kia và thoát ra khỏi cái vai mà họ gán cho anh ấy.

Buổi tối cùng ngày (29-10), Ariatna gọi điện cho tôi: “Cậu đi ngủ sớm thế! Hãy mở tivi ra mà xem.” Người ta đang truyền đi lời phát biểu của Semitrasnưi tại phiên họp Trung ương Đoàn Côngxơmôn: “Pasternak là một con cừu ghẻ lở… hắn đã phỉ nhổ vào mặt nhân dân… Một con heo cũng không làm những gì Pasternak đã làm… Hắn đã ăn cháo đá bát… Hãy để cho hắn sang cái thiên đường tư bản chủ nghĩa của hắn…” Tim tôi thắt lại – chỉ mong anh ấy khỏi nghe thấy những lời lẽ như vậy!

Hôm sau, anh ấy đọc thấy lời phát biểu đó đăng trên tờ “Sự thật Thanh niên cộng sản.” và anh ấy hỏi tôi: “Có lẽ, nếu họ xua đuổi thì mình đi vậy?” Anh viết thư, rồi xé đi và nói: “Không, Ônga yêu quý ạ, anh không thể bỏ ra nước ngoài. Anh vốn mơ ước ra ngoại quốc như đi hội, nhưng ngày nào cũng phải sống như đang đi hội thì anh xin vái. Thôi, mong được sống những ngày thường thân thuộc, với những cây bạch dương thân thuộc, những chuyện bực mình thân thuộc và thậm chí cả những trò hãm hại thân thuộc…” Vậy là Pasternak trụ lại, sẵn sàng chịu đựng đến cùng chăng?

Một hôm, Pasternak đột nhiên bảo tôi: “Em có lần nói với anh rằng, nếu uống 11 viên nambutan thì chết. Anh đã có các viên thuốc đó…”

Tôi như bị điện giật, vội chạy đi gặp Phêđin. Tại sao lại gặp Phêđin? Vì ông ấy biết những gì người ta định làm với Pasternak và vở kịch kia đang “dẫn” đến đâu.

Tôi kể với Phêđin rằng Pasternak đang ở bên bờ hố tự sát. Tôi thấy hình như Phêđin rơm rớm nước mắt… Ông ấy quay mặt ra cửa sổ. “Pasternak đã đào một cái hố sâu ngăn cách giữa mình với chúng ta, đến mức không thể vượt qua.” – Phêđin nói một câu rõ ràng đã chuẩn bị trước trong những ngày ấy để biện minh cho tất cả bọn họ. – “Nhưng cần phải làm một việc gì đó.” Phêđin gọi điện lên Trung ương Đảng – “Đồng chí Pôlicacpôp sẽ tiếp hai anh chị vào ba giờ chiều mai.”

Đ. A. Pôlicacpôp giải thích rằng toàn bộ vụ xì - căng – đan này phải được thu xếp cho ổn thỏa và sẽ ổn thỏa, đoạn nói bóng nói gió rằng Pasternak phải có ngay một lời tuyên bố gì đó.

Ngày thứ sáu 31 tháng 10, một bức thư của Pasternak được chuyển đến Trung ương Đảng:

“Kính thưa đồng chí Khơrutsôp,

Tôi viết thư này gửi Đồng chí, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô. Qua báo cáo của đồng chí Sêmitrasnưi, tôi được biết rằng Chính phủ “sẽ không gây bất cứ trở ngại nào đối với việc tôi rời khỏi Liên Xô.” Tôi không thể làm như vậy. Tôi gắn bó với nước Nga bởi tôi đã sinh ra, sống và làm việc tại đây. Tôi không hình dung số phận của tôi tách biệt với nước Nga hoặc ở ngoài nước Nga. Dù tôi có phạm sai lầm gì chăng nữa, tôi cũng không thể tưởng tượng rằng tôi sẽ lại có mặt ở trung tâm cái chiến dịch chính trị mà người ta bắt đầu thổi phồng xung quanh tên tuổi của tôi ở phương Tây. Ý thức điều đó, tôi đã báo cáo cho Viện hàn lâm Thụy Điển biết việc tôi tự nguyện từ chối giải Nôben. Đối với tôi, việc rời bỏ Tổ quốc mình chẳng khác gì cái chết, bởi vậy tôi đề nghị đừng áp dụng biện pháp cực đoan đó với tôi. Thành thực mà nói, tôi cũng đã làm được đôi điều cho nền văn chương Liên Xô và tôi vẫn còn có ích cho nền văn chương đó.”

- Xin lỗi bà Ônga, câu hỏi sau đây có thể thiếu tế nhị… Một số người buộc tội bà đã đẩy Pasternak tới chỗ viết bức thư ấy. Sau đó, có bao giờ bà hối tiếc việc ấy hay không?

- Đó là một bức thư xứng đáng! Pasternak không hề chối bỏ cả bản thân anh ấy lẫn cuốn tiểu thuyết. Tôi coi đó là một hành động dũng cảm. Nếu bấy giờ bỏ ra nước ngoài thì mới là đầu hàng, chứ việc ở lại. Pasternak thực tế đã chấp nhận cái việc anh ấy sẽ bị người ta hãm hại, hành hạ…

Người ta quen tưởng lầm rằng có thể xúi bẩy hoặc bãi buộc Pasternak làm việc gì đó. Đơn giản là anh ấy xử sự như sau: anh ấy chăm chú lắng nghe lời khuyên, gật gù đồng ý… Nhưng ngay sau đó anh ấy bao giờ cũng hành động theo ý mình. Tôi cho rằng không một người thân nào của Pasternak có thể gây ảnh hưởng tới quyết định của anh ấy, có thể bắt anh ấy hành động theo cách nào đó mà tự anh ấy không thấy là cần thiết.

Nhưng xin nhà báo đừng nghĩ rằng tôi thanh minh. Dạo ấy tôi tưởng có thể tác động tới anh ấy, tôi cho rằng phải cấp tốc làm một việc gì đó, kể cả việc phải tỏ ra ăn năn hối hận. Bấy giờ tôi chỉ lo nghĩ cách cứu anh ấy thôi! Sau này tôi có bao giờ hối tiếc hay không ư? Mỗi khi nhớ lại thời gian đó, tôi đều nghĩ rằng: nếu sự việc lặp lại, tôi vẫn hành động y như thế thôi. Tôi rất lo cho cuộc sống của anh ấy! Những chuyện đáng sợ cứ dồn dập kéo đến với anh ấy từ mọi phía. Nhiều bạn hữu bấy giờ xa lánh chúng tôi. Có cảm giác chúng tôi bị ruồng bỏ… Tiếng đồn cứ lan đi mãi, rằng ngôi nhà ngoại ô của Pasternak rất có thể bị đập phá. Tai nạn đe dọa hằng ngày, hàng giờ. Chắc người ta không thể giết hoặc bắt giam anh ấy, nhưng biết đâu đấy…

Ngay hôm Pasternak gửi thư cho Khơrutsôp, ở Nhà Điện ảnh diễn ra phiên họp toàn thể các nhà văn Matxcơva để hưởng ứng quyết định khai trừ Pasternak khỏi Hội nhà văn Liên Xô và bàn việc tước quyền công dân Liên Xô của anh ấy.

Sau đây là ý kiến phát biểu của một số nhà văn tại phiên họp đó, giúp ta hiểu được không khí của nó.

Chủ tọa phiên họp:

… Suốt bốn mươi năm qua, một kẻ thù giấu mặt, nuôi lòng căm giận, sống giữa chúng ta, và chúng ta đã chia sẻ miếng ăn của chúng ta với hắn… Chúng ta cần đề nghị Chính phủ tước quyền công dân Liên Xô của Pasternak (Tiếng vỗ tay rầm rộ). Nghe đồn Pasternak từ chối giải Nôben, nhưng chúng tôi chưa biết gì về chuyện đó cả. (1)

(1)Hai ngày trước đó (29-10), các báo trên thế giới đều đăng bức điện của Pasternak từ chối giải Nôben, và cũng ngày đó Pasternak gửi điện lên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô báo tin trên, vậy mà vị chủ tọa một phiên họp quan trọng nhường ấy lại “chưa biết gì.”

Những ý kiến khác:

… Hẳn là hình mẫu rõ ràng về một kẻ theo chủ nghĩa thế giới trong xã hội ta… Chúng ta không cần một công dân như vậy!...

… Tôi đã chăm chú, với cây bút chì trong tay, đọc tiểu thuyết “Bác sĩ Zhivago”. Tôi cảm thấy đúng là mình bị phỉ nhổ. Tôi không muốn liệt kê toàn bộ những thứ xấu xa, thối tha ấy ra đây. Pasternak là ngọn cờ chiến tranh lạnh. Chúng ta cần nói cho Pasternak biết: ngươi cứ việc sang đó mà nhận ba mươi xu! Ở đây chúng tôi không cần đến ngươi, chúng tôi sẽ xây dựng cái thế giới mà chúng tôi đã hiến dâng cuộc đời mình! (Vỗ tay).

… Có thể xác định tín điều thi ca của Pasternak như là “tám mươi ngàn dặm quanh cái rốn của chính mình.” Tôi và nhiều người bạn thật khó tưởng tượng rằng ở khu vực các nhà văn đang sống lại có những kẻ như thế (Ngụ ý khu Peredelkino ở ngoại ô Matxcơva – N.D.). Tôi không thể hình dung tôi còn có thể ở cạnh nhà Pasternak… Không nên đưa hắn ta vào danh sách điều tra dân số Liên Xô.

… Bằng cuốn tiểu thuyết rác rưởi và bằng tư cách của hắn, Pasternak đã đặt mình ở bên ngoài nền văn chương Xô Viết và xã hội Xô Viết… Thứ cỏ dại ấy phải nhổ sạch đi!

… Nôben ở dưới mồ chắc cũng phải trở mình lật ngược, vì thử ông biết tiền của ông bị trao vào tay ai…

… Nhưng vụ Pasternak là một vụ phản bội… “Bác sĩ Zhivago” là sự phỉ nhổ vào nhân dân ta… Tôi tán thành việc trục xuất Pasternak ra khỏi đất nước Xô Viết…

… Cuốn sách ấy nhìn chung là công cụ chiến tranh lạnh chống chủ nghĩa cộng sản. “Ở bên kia” người ta sẽ còn cần đến Pasternak, một khi hắn còn ở nước ta. Chứ khi hắn đã trở thành Nga kiều thật sự, thì “ở bên kia” họ cũng chẳng cần đến hắn nữa… và chỉ sau một tháng hắn sẽ bị vứt vào sọt rác như một cái vỏ trứng hoặc vỏ chanh. Đấy sẽ là sự trừng phạt chủ yếu mà hắn phải chịu do việc hắn phản bội…

… Nhân dân không biết Pasternak như một nhà văn… Nhân dân đã biết hắn là kẻ phản bội. Người Nga có câu tục ngữ rất hay: “Chó không thể làm người”. Tôi thấy đúng nhất là Pasternak hãy mau cút khỏi nước ta. (Vỗ tay)…

- Tôi không buộc tội ai cả. Thời kì ấy nó thế. Nhà báo nhớ không, trong “Bác sĩ Zhivago” có đoạn: “Tai họa chính, căn nguyên của cái ác trong tương lai là việc mất niềm tin vào giá trị của ý kiến cá nhân mình. Người ta tưởng rằng đã qua rồi cái thời cần làm theo sự mách bảo của đạo đức, tưởng rằng bây giờ phải hót theo giọng điệu chung và sống bằng những quan niệm của kẻ khác, những quan niệm bị gán ép cho hết thảy mọi người. Những lời lẽ ba hoa bắt đầu lên ngôi…”

Tuy nhiên vẫn tìm được những người không phát biểu, họ im lặng và bỏ ra khỏi phòng họp lúc biểu quyết. (“Vì lòng tốt, anh không biểu quyết. Anh lánh vào toalét.”)

… Dạo đó Evtushenko làm bí thư Đoàn Côngxơmôn của Hội nhà văn. Trước phiên họp ấy, người ta gọi Evtushenko lên và thuyết phục mãi để anh ấy phát biểu. Song anh ấy đã không phát biểu.

Erenburg trong những ngày đó, theo lời cô thư ký của anh ấy kể lại, thường tự tay nhấc ống nghe lên và thản nhiên nói mà không hề thay đổi giọng: “Erenburg đi vắng rồi, còn lâu mới về.”

Ngay hôm đó, Pasternak bị gọi lên Trung ương Đảng và có xe tới chở. Tôi lập tức cảm thấy rằng người ta đã nhận được thư của anh ấy và không khí đã dịu đi.

Pasternak mặc bộ lễ phục. Vụ trưởng Vụ Văn hóa mời Pasternak vào phòng làm việc, húng hắng ho và trịnh trọng tuyên bố rằng Pasternak được phép ở lại Tổ quốc.

- Nhưng hiện nay chúng tôi rất khó giải tỏa sự phẫn nộ của nhân dân. Chúng tôi đã không còn đủ sức ngăn lại số báo “Văn học” ngày mai. (1)

(1)Ngày hôm sau, báo “Văn học” có cột báo nhan đề “Sự phẫn nộ và giận dữ”, đăng ý kiến của nhiều người thuộc các nghề nghiệp khác nhau, họ thú thực rằng họ chưa được đọc Pasternak, nhưng “trong văn chương không có các con ếch thì vẫn tốt hơn,” “Pasternak là tác giả của những bài thơ duy mĩ khó hiểu đối với bạn đọc”…

Đến đây thì Pasternak không nhịn được:

- Đồng chí không biết ngượng hay sao! Làm gì có sự phẫn nộ của nhân dân? Đồng chí vẫn còn có tính người, sao đồng chí lại nặn ra những câu sáo rỗng như vậy?

Pôlicacpôp ngượng đỏ mặt, nhưng rõ ràng ông ta định thu xếp xong xuôi vụ này, nên vừa đi đi lại lại trong phòng, ông ta vừa nói dịu dàng như với một đứa bé:

- Thôi, từ nay mọi chuyện sẽ chấm dứt, từ nay chúng ta sẽ làm lành với nhau, mọi chuyện sẽ êm đẹp cả thôi…

Mấy ngày sau lại có điện thoại từ Trung ương Đảng. Người ta yêu cầu Pasternak viết thư gửi cho nhân dân. Thật là quá mức…

Pasternak viết, thoạt đầu hoàn toàn không phải là một bức thư ăn năn hối hận. Sau đó, người ta sửa đi, sửa lại mãi, thành thử được một thứ dối trá và thừa nhận lỗi lầm. Hơn nữa còn nhấn mạnh cái ý tự nguyện: “… không ai bắt buộc tôi điều gì, và tôi đưa ra lời tuyên bố này với tinh thần hoàn toàn tự do, với niềm tin trong sáng vào tương lai chung của mọi người và tương lai riêng của tôi, với lòng tự hào về thời đại tôi đang sống, về những người ở quanh tôi…” Trông thấy bức thư ấy “của mình”, Pasternak chỉ phẩy tay và ký tên. Yếu đuối ư? Vâng. Nhưng chủ yếu đó là sự mệt mỏi ghê gớm về tinh thần, là ý muốn mong sao tất cả những chuyện đó mau chóng chấm dứt để được sống yên thân. Anh ấy muốn kết thúc hẳn vụ đó. Tôi nghĩ rằng lúc ấy Pasternak dường như hành động “dưới sự gây mê” và anh ấy vẫn chưa cảm thấy bạo lực đang đè xuống mình một cách không thể cứu vãn như thế nào qua bức thư thứ hai đó. Cả tôi cũng chẳng ngờ…

Sau đó, khi sự gây mê đã hết tác dụng, mới thấy rằng cuối cùng sức đã kiệt, thần kinh hết chịu nổi, trái tim cũng vậy. Thì trong cuốn tiểu thuyết, Pasternak chẳng đã cảnh báo đấy thôi: “…Người ta cứ đòi hỏi tuyệt đại đa số chúng ta phải luôn luôn giả dối, một sự giả dối được đề cao thành hệ thống. Sức khỏe không thể không bị ảnh hưởng xấu, nếu hết ngày này sang ngày khác cứ thể hiện thái độ trái với cảm xúc của mình…”

… Pasternak hầu như không vào nội thành nữa. Một hôm đi dạo về, anh ấy rơm rớm nước mắt: thì ra một chiến sĩ công an ở Peredelkino đã chào anh ấy, coi như không có chuyện gì sảy ra…

Pasternak cố sức khôi phục chế độ sinh hoạt bình thường của mình. Ban ngày, vào đúng giờ đã định, anh ấy ngồi làm việc – dịch Slovatski và Canđêrông. Buổi tối thì đi dạo “đúng thể thức.” Thường là đi tới chỗ Nhà sáng tác để gọi dây nói tới những nơi cần thiết.

Một hôm chúng tôi đi tới đó. Trong lúc Pasternak gọi điện, mẹ con tôi đứng ngoài cửa. Bỗng chúng tôi nghe tiếng nức nở khá to. Chúng tôi chạy vào, thấy Pasternak đang khóc, tay cầm ống nghe, muốn nói gì đó, song không nói nên lời. Tôi biết rằng một số người bạn dạo này khi trả lời điện thoại của anh ấy thường tỏ giọng lạnh nhạt hoặc thậm chí thô lỗ, nhưng trước thái độ đó chưa bao giờ anh ấy khóc. Lần này có chuyện gì vậy? Thì ra anh vừa gọi điện cho Lila Brik, và Lila thốt lên: “Anh Boris yêu quí, sao lại như thế nhỉ, anh làm sao vậy?” Sự đồng cảm chân thành quá bất ngờ…

Nhưng tâm hồn không thể bị nén lại mãi như lò xo. Chỉ cần đẩy một cái, nó sẽ bung ra.

Khi sự tuyệt vọng lên tới cao độ, Pasternak đã viết bài thơ “Giải thưởng Nôben”.

Tôi chết sững như con thú bị lùa, Dẫu đây có người, tự do, ánh sáng, Còn sau lưng tôi là tiếng xua đuổi ồn ào, Mà tôi không có ngả nào thoát ra.

Rừng âm u và bờ ao, Khúc gỗ thông chắn lối, Đường bị cắt tứ bề, Thôi muốn ra sao cũng đành.

Tôi đã làm gì xấu xa, Tôi sát nhân, tàn bạo? Tôi đã bắt cả thế gian phải khóc Thương vẻ đẹp quê tôi.

...

Vòng vây khép lại chặt dần Và tôi có lỗi với người khác: Cánh tay phải chẳng ở bên tôi, Bạn lòng chẳng ở bên tôi!

Với vòng dây thế này ở cổ, Tôi vẫn còn ước ao: Cánh tay phải của tôi Lau nước mắt dùm tôi.

Một phóng viên nước ngoài xin phỏng vấn Pasternak. Anh ấy trả lời rằng hiện giờ anh ấy không thể, không đủ sức nói gì hết, rồi đưa cho người phóng viên tờ giấy chép bài thơ mới làm. Các đài phát thanh phương Tây lập tức đọc cho toàn thế giới nghe bài thơ đó, và cả thế giới được biết sự sám hối “tự nguyện” “không bị ai cưỡng bức” của Pasternak.

Vậy là trong giây lát Pasternak đã xóa sạch vết nhơ của mình, đã trả lời dứt khoát sự ăn năn hối lỗi là do ép buộc, trả lời bức thư nọ, trả lời tất cả… Anh ấy lại trở thành Pasternak.

- Thưa bà Ônga, mọi người biết rằng hai khổ thơ cuối của bài đó có liên quan đến một giai đoạn đáng buồn nào đấy trong quan hệ giữa bà và Pasternak.

- Chỉ một phần thôi, cách giải thích ấy hơi thô thiển. Vâng, đúng là dạo đó hai chúng tôi có tuyệt giao với nhau ít lâu, một sự tuyệt giao khiến cả hai chúng tôi đều đau khổ. Nhưng đấy chỉ là một xung động nhỏ… trong cả cơn thác hãm hại, đầu độc triền miên. Chính cơn thác ấy, chính “vòng vây” ấy đã đẻ ra bài thơ…

Pasternak yêu cuốn tiểu thuyết như người ta yêu đứa con muộn màng độc nhất của mình. Thậm chí anh ấy sẵn sàng xóa bỏ tất cả những gì đã viết trước đó, chỉ cần giữ lại “Bác sĩ Zhivago”. Anh ấy coi nó là thành công chính, là đỉnh cao của mình, rằng anh ấy “đứng” được là nhờ tác phẩm này. Bởi vậy anh ấy muốn nó được in. Nhưng chúng ta mắc cái thói vênh váo về chính trị, đã nhìn mọi sự qua thứ kính đổi màu, méo mó. Một nguyện vọng đơn giản và rất dễ hiểu – muốn in tác phẩm chính của đời mình ở đâu đó, một tác phẩm hoàn toàn không chống Liên Xô, hoàn toàn không mang tính chất vu khống – lại bị coi là sự phản bội. Đến bây giờ chúng ta mới bắt đầu từ bỏ các khuôn sáo ấy.

Nhà báo sẽ hỏi – nhưng tại sao Pasternak không chờ thêm chút nữa, vì vẫn còn hi vọng xuất bản cuốn tiểu thuyết ở nước ta? Pasternak, với trực giác nhạy bén và óc tiên đoán của nhà thơ, ngay từ năm 1956 đã hiểu rằng vào thời kỳ đó, nước ta sẽ không in. Và không chỉ tại cái chiến dịch do những kẻ ác ý bày ra, mà bởi vì thời kỳ ấy gạt bỏ cuốn tiểu thuyết như một vật thể xa lạ. Vâng, dạo đó tình hình đã bớt căng, song băng giá trong tâm hồn vẫn còn chưa tan hết. Ký ức về sự đàn áp giai đoạn trước còn quá mạnh và khủng khiếp, chưa cho phép người ta vứt bỏ bộ áo giáp tự kiểm tra, bộ áo giáp nghi ngờ gớm ghiếc, để dũng cảm đàm đạo về sự tự do mà tác giả “Bác sĩ Zhivago” đề cập.

Đôi khi có người hỏi: “Tại sao không in “Bác sĩ Zhivago” sớm hơn? Tác phẩm ấy có gì ghê gớm đâu?…”

Đúng, so với các tiểu thuyết của Ryhakov, Grosman, cuốn sách của Pasternak không nêu ra những sự kiện trực tiếp tố cáo thời kỳ sùng bái, chế độ độc đoán và những nhà chính trị cụ thể. Về mặt đó, đúng là “không có gì ghê gớm”… Nhưng “Bác sĩ Zhivago” là triết lý về con người tự do, dám chống lại bạo lực, không chấp nhận thói độc đoán và tồn tại kiểu trại lính là cái cào bằng hết thảy những gì độc đáo, riêng tư, hạ thấp toàn bộ sự đa dạng, phong phú của cuộc sống xuống thành các khẩu hiệu, công thức và các câu nói chết cứng, rỗng tuếch,…

Bởi vậy, “Bác sĩ Zhivago” đã và sẽ luôn luôn là trái bom nổ chậm đối với mọi hình thức độc đoán chuyên quyền.

Mỗi thời đại sẽ được phản ánh theo một kiểu riêng trong cuốn tiểu thuyết ấy, giống như cái thời đại đã không in nó được phản ánh.

Pasternak viết cho các nhà xuất bản Italia: “Thưa các ngài quý mến! Tôi biết ơn sâu sắc sự quan tâm đầy cảm động của các ngài. Mong các ngài tha lỗi cho tôi về những chuyện bực mình đáng trách mà số phận đáng trách của tôi đã gây ra, và có thể sẽ còn gây ra, với các ngài. Mong các ngài sẽ được an ủi bằng niềm tin vào tương lai xa xôi của chúng ta, một tương lai mà niềm hi vọng vào nó đang giúp tôi sống”.

LÊ KHÁNH TRƯỜNG dịch


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx