sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 25 - Phần 1

Chương 25. THUYẾT NHÂN CÁCH TỔNG HỢP

CÁC HỌC THUYẾT TÂM LÝ NHÂN CÁCH

1. Dẫn nhập

Sau một khóa học về các học thuyết nhân cách với những kiến thức của các nhà tâm lý cổ thụ như: Freud, Jung, Roger, Frankl, Bandura và Eysenck,… các sinh viên thường hỏi: có một học thuyết nào khả dĩ có thể đáng tin cậy khi áp dụng mà không bị sai? Có thể tóm gọn lại hơn nữa được không? Đâu là đúng và đâu là sai?

Thật không may, tâm lý nhân cách chưa hẳn là một ngành khoa học, ít nhất tâm lý nhân cách vẫn chưa thể là một ngành khoa học giống như sinh vật hay hóa học. Những giải thích về cơ cấu vận hành trong tâm lý nhân cách thiếu hẳn một khối kiến thức chung mà thường các nhà tâm lý luôn tranh luận và bài xích lẫn nhau. Trong khi đó các ngành khoa học khác có những luật định có thể được thể nghiệm và kiểm chứng. Điều đáng buồn là tâm lý nhân cách đã không có những điều này.

Nhiều người có hy vọng rằng nếu đến một thời điểm nào đó trong tương lai, khi những sự khác biệt trong ngành Tâm lý được giải quyết để các mũi nhọn sẽ hướng vào một trung tâm thống nhất để tâm lý học nhân cách có thể trở thành một ngành khoa học có những cách vận hành và những quy luật nhất định hẳn hoi, như thế tâm lý nhân cách mới trở thành một ngành khoa học thật sự được. Hy vọng vào một ngày đó không xa nữa. Dù sao tâm lý nhân cách đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều giải thích thú vị trong hành trình khám phá con người.

Mong sao những quan điểm đối nghịch trong tâm lý nhân cách một ngày nào đó sẽ được thống nhất để mọi người cùng nhìn nhận và đánh giá thật đúng để chúng có thể trở thành những bộ phận của một ngành khoa học thật sự. Trước mắt, một xu hướng học thuyết tổng hợp được áp dụng, coi ngành Tâm lý như một hộp dụng cụ bao gồm nhiều dụng cụ khác nhau và họ sẽ áp dụng từng dụng cụ vào mỗi trường hợp cụ thể: ví dụ đóng đinh cần búa, xiết ốc cần đến kìm hoặc cờ lê, hay sử dụng một con ốc cần phải có một cái tô vít…

2. Ý thức và cõi vô thức

Đây là điều lớn nhất mà Freud đã cống hiến cho chúng ta. Tuy ông không phải là người tạo ra ý tưởng, nhưng là người có công đem những ý tưởng này ra ánh sáng để mọi người biết đến. Nhiều học thuyết nhắc đến ý thức và cõi vô thức, tuy ở những mô thức khác nhau, song đã thể hiện được khái niệm chung là nhiều hành vi của chúng ta chịu ảnh hưởng của những đại lượng ngoài khả năng ý thức của chúng ta, tất nhiên đây là những đại lượng sinh lý gần gũi. Cõi vô thức rất khác với bản năng, ít nhất ở khái niệm vô thức. Tuy nhiên chúng ta có thể thống nhất rằng vô thức có ba bình diện sau:

1. Bình diện sinh học: Đây là những nét gần gũi mà chúng ta tin rằng vô thức đã xuất hiện trong hệ tâm thức chúng ta như xung động vô thức của Freud và vô thức tập thể của Jung. Vô thức có thể là những bản năng còn sót lại trong quá trình tiến hóa, hay những nhân cách bẩm sinh của mỗi chúng ta, hay có thể đây là kết quả của những quá trình được lập trình hóa trong những giai đoạn phát triển của thai nhi. Những phạm trù vô thức sinh học được các nhà hiện sinh học đề cập đến qua hiện tượng bị ném vào cuộc đời. Các nhà sinh xã hội đã đề cập đến vai trò của thuyết tiến hóa trong việc tạo ra những lực hấp dẫn trong bức tranh nhân cách trên mô thức di truyền học.

2. Vô thức xã hội: Đây là một khái niệm được Fromm sử dụng, tương đương với siêu ngã của Freud, đây là lĩnh vực bao gồm ngôn ngữ, văn hóa, những giá trị truyền thống. Vai trò và ảnh hưởng của môi trường xã hội mà chúng ta đã học tập và hấp thụ là rất thực. Để rồi cuối cùng vô thức xã hội đã trở thành một bản năng thứ hai, có những tác động lên những hành vi của chúng ta. Ta thấy các nhà hiện sinh đã coi vô thức xã hội như quá trình quy hàng hay nơi học thuyết nhân văn học của Rogers khi ông đề cập đến những giá trị mà chúng ta thường dựa vào. Chúng như những điều kiện có tính năng giá trị mà chúng ta đã nhập tâm.

3. Vô thức cá nhân: Đây là khái niệm mượn từ học thuyết của Jung, một khái niệm vô thức của cái tôi. Khái niệm này bao gồm những thói quen đặc trưng mang tính tư chất cá nhân. Khi chúng ta học hỏi và áp dụng những thói quen này quá nhuần nhuyễn đến một lúc nào đó chúng sẽ trở thành một thao tác tự động. Ví dụ cô nhân viên bán hàng mỗi lần thấy người vào tiệm của mình là mỉm cười chào: Xin lỗi anh cần gì ạ? Hoặc những thao tác đơn giản hơn như đi xe máy, chải tóc, thay quần áo, trả lời điện thoại, hay nói dối, tất cả nhiều khi được thực hiện một cách vô thức.

Ngoài ra những xu hướng xử lý vấn đề quá quen thuộc mà chúng ta vẫn áp dụng những con đường tắt. Chúng ta chỉ xử lý vấn đề ở cái ngọn chứ không phải cái gốc, biện hộ và bào chữa, lẩn tránh và kiếm cớ… Theo các nhà tâm lý thì đây là cơ chế tự vệ. Khi đối diện với tình huống không thuận lợi, có tính đe dọa – nhằm mục đích chúng ta bảo vệ giá trị bản thân của mình thì chúng ta sẽ sử dụng ngay những cơ chế tự vệ này.

Một trở ngại lớn với nhiều nhà tâm lý hiện đại là cõi vô thức thật ra nằm ở đâu và hình thù của nó ra sao? Có phải nó thật sự là trung tâm của bản thân chúng ta? Phải chăng con người là những con rối được giật dây bởi vô thức. Và càng đào sâu hơn, một khái niệm đại lượng mới xuất hiện: Sự nối kết con người với vũ trụ hay Thượng Đế là một hạt giống âm ỉ mà chúng ta có quyền đánh thức để nó mọc mầm hay không?

Vô thức và ý thức là hai đại lượng đối nghịch nhau như bản bằng tự nhiên so với những kỹ năng chúng ta học được trong đời sống. Vậy có sự liên kết nào đó hay không? Nếu không có động cơ, liệu chúng ta có ý chí để học hỏi những kỹ năng mới mẻ? Và tại sao loài cọp hàng triệu năm không ban giờ chán ngán món thịt nai, luôn bằng lòng với việc ngủ dưới gốc cây và chẳng bao giờ sử dụng bất cứ một phương pháp kế hoạch hóa gia đình nào. Còn với con người, chúng ta chuyển đổi ẩm thực thường xuyên, muốn nhà cao to hơn, và luôn khát khao tìm ra những đột phá mà chẳng hiểu vì sao chúng ta đã phát triển quá nhanh như thế?

Câu hỏi về ý thức càng khó hơn trong việc làm sao chúng ta có thể đo đạc và đánh giá được nó. Tuy nhiên ai trong chúng ta cũng gật đầu với nhau rằng: Chúng ta cảm nhận được ý thức qua việc chúng ta nắm bắt và xử lý các tình huống một cách có thể tiên liệu được, nhất là trong việc chúng ta đã có một hệ thống thuật ngữ và tên gọi cho những hiện tượng trong cuộc sống? Tuy thế việc đánh giá ý thức xem ra vẫn không thể nào thống nhất được. Một điều đáng ghi nhận là cõi ý thức đã giúp giải thoát con người, song chúng ta thường bỏ quên những khả năng tiềm tàng trong việc sử dụng chúng và đó cũng chính là điểm khác biệt giữa vươn lên và đầu hàng số phận.

Ý thức là một phạm trù chủ quan, là của riêng và chỉ riêng với người đó. Vì thế tâm lý nhân cách thật ra là một ngành học phục vụ cho đối tượng ý thức cá nhân nhằm tìm ra một đáp số cho một hệ có phương trình phức tạp, một điểm tương đồng giữa ý thức cá nhân và đời sống của họ. Nếu cứ bắt tâm lý nhân cách phải có một công thức chung, chúng ta sẽ chẳng khác gì một con ngựa gỗ mà bạn có thể nhún nhảy nhưng chẳng thể đem bạn đi đâu được. Tất cả những gì bạn nghe, nhìn thấy, phân tích, lưu trữ, truy cập, ứng dụng và thực hiện đều dựa vào những mô thức xử lý dựa trên một khung tư duy nhất định trong hệ thống tâm thức RẤT RIÊNG BIỆT của một con người, đó mới chính là con ngựa thật để chở cá nhân ấy vào cuộc sống được. Vì thế ta chỉ có thể hiểu được một con người KHI và CHỈ KHI ta hiểu được bên trong những gì họ suy nghĩ. Song chẳng ai có can đảm để cho người khác đi vào thế giới cõi riêng của họ. Vì thế tâm lý nhân cách đã không thể trở thành một ngành khoa học cụ thể như địa chất hay vật lý chẳng hạn.

3. Những giai đoạn phát triển

Nếu như cõi vô thức và ý thức được các nhà tâm lý nhân cách bày tỏ sự quan tâm nhiệt tình thì mô hình các thời kỳ phát triển, thường được rất ít trong số họ rất quan tâm chú ý đến. Ta thấy chỉ có Freud, Erickson, Rollo May và Piaget là người đề cập đến những giai đoạn phát triển. Tất nhiên các giai đoạn phát triển trong tâm lý học có sự liên hệ tương đối gần gũi với sinh vật học, với từng thời kỳ khác biệt: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, tuổi dậy thì và trở thành người lớn. Nhiều học giả thường chia ba thời kỳ phát triển của con người gồm thời thơ ấu, tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành.

Thời kỳ thơ ấu nơi con người rất khác so với những động vật. Tất cả chúng ta đều được sinh ra chưa trưởng thành. Có lẽ đây là kết quả của một chọn lựa mà con người đã phát triển xuyên suốt lịch sử tiến hóa. Theo C. George Boeree (2006), một sinh vật đứng thẳng và đi trên hai chân làm sao sống nổi khi sinh ra một đứa con có cái đầu quá lớn. Vì thế, bà mẹ phải sinh ra đứa con trước khi cái đầu của em bé phát triển quá lớn. Thời gian mang thai chỉ vừa đủ dài để em bé có thể sống sau khi sinh và nhiều chức năng vẫn còn đang phát triển như não chẳng hạn. Và trong khoảng từ 6–12 tháng tuổi, hệ thống thần kinh bây giờ đã phát triển tạm ổn định để trẻ em có thể học tập từ những kích thích nơi môi trường xung quanh qua cách thiết lập những định hướng cơ bản, cung cấp những hệ thống lưu trữ dữ kiện khi em lớn lên sau này.

Tuổi dậy thì là một giai đoạn phát triển rất rõ nét, một giai đoạn chuyển tiếp từ thế giới trẻ em sang thế giới người lớn có liên hệ với những thay đổi về lượng nội tiết tố dẫn đến những thay đổi cơ bản về cấu trúc cơ thể và những chức năng sinh học cần thiết để giúp các em bé trở thành những chàng trai hay những cô gái và đây cũng là một giai đoạn có nhiều thay đổi về mặt tâm lý.

Giai đoạn phát triển trưởng thành là một phần dài còn lại của đời sống con người, đây là thời điểm (xét về mặt sinh lý) các bộ phận đã phát triển gần như kiện toàn và có xu hướng vận hành càng ngày càng xuống cấp, cuối cùng là ngừng hoạt động tại một thời điểm nào đó trong tương lai. Song, đây là giai đoạn chúng ta vẫn phát triển về mặt nhận thức, văn hóa và những giá trị tinh thần khác. Đây là một nhiệm vụ bất khả kháng mà mỗi chúng ta ở một mức độ nào đó sẽ đều phải thực hiện để tìm cho mình một vai trò và một vị trí trong xã hội.

Với những giai đoạn trưởng thành, ảnh hưởng của các giá trị văn hóa tinh thần có quyết định rất lớn lên cách suy nghĩ của chúng ta. Khi còn nhỏ, chúng ta đã lưu trữ những giá trị ấy trong hệ thống tâm thức, nhưng ở giai đoạn phát triển trưởng thành chúng ta mới có thể nhìn ra sự liên hệ giữa những sự kiện trong bối cảnh văn hóa qua lăng kính xã hội. Trong giai đoạn này, một cột mốc quan trọng xảy ra đối với nhiều cá nhân chúng ta là quyết định lập gia đình. Mặc dù trong xã hội hiện nay chúng ta có nhiều xu hướng lựa chọn rất phong phú cho các mô hình xây dựng gia đình, trong đó quyết định một đời sống độc thân cũng là một chọn lựa. Và tất nhiên quyết định này đến từ cả phía sinh học và tâm lý học.

Các trẻ sơ sinh tập trung vào những phát triển sinh học, sau đó các em chuyển sang phát triển cái tôi, trong quá trình em được tiếp cận với môi trường qua những người thân khác. Từ cái tôi, dưới ảnh hưởng của những tác động đến từ văn hóa xã hội và đạt đến giai đoạn phát triển xã hội, các em phát triển vào lứa tuổi dậy thì. Trong giai đoạn này, yếu tố tính dục và hormone đã là một động lực rất lớn, gần như không thể nào xem nhẹ được trong bức tranh tâm lý nhân cách nơi con người.

Theo C. George Boeree (2006), cách ông nhìn vào từng giai đoạn phát triển ở con người sẽ tuân theo những giai đoạn sau đây:

1. Giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ và giai đoạn ấu nhi, con người đang xây dựng những nền móng cơ sở hạ tầng cho nhân cách sau này của chúng ta được hình thành – một hệ thống sinh hóa học thông qua hệ thống tuyến nội tiết và những chất hóa học thần kinh.

2. Giai đoạn tuổi thơ ấu chúng ta phát triển nhân cách bằng cách quan sát những thói quen từ người lớn và những đối tượng bên ngoài gia đình, nhưng đối tượng trong gia đình vẫn là quan trọng nhất.

3. Giai đoạn từ tuổi dậy thì đến thời kỳ người lớn, chúng ta phát triển nhân cách thông qua ý thức và những kỹ năng mang tính chiến lược, nhắm vào phạm trù xử lý các vấn đề và tạo ra những quyết định xây dựng cho mình một nhân cách phù hợp nhất với hệ tâm thức của chúng ta.

4. Cá tính

Đây là cách chúng ta gọi một phần quan trọng của nhân cách con người hay đặc tính của một con người đã được cài đặt trong mỗi chúng ta qua một cơ năng di truyền học. Kết quả là mỗi chúng ta sẽ được sinh ra với một cá tính đi theo suốt cuộc đời, có tác động rất lớn đến cách chúng ta tiếp cận và lưu trữ dữ kiện từ đời sống văn hóa xã hội. Cách chúng lý giải và nhận thức văn hóa xã hội rất khác nhau ở những mức độ đậm nhạt, phần nhiều có liên hệ đến cá tính của chúng ta. Cá tính là một đại lượng mang tính chủ quan nội tại và có tính năng tức thời. Có nghĩa, ta thường ứng xử bột phát trong lúc nói và sau đó sẽ được điều chỉnh cho phù hợp (nếu cần thiết). Jung đã khởi xướng và Eysenck đã là người mổ xẻ kỹ hơn về khái niệm cá tính.

Phần nhiều các nhà học thuyết chấp nhận hai chiều kích của nhân cách được xác định trước lúc cá nhân chào đời có liên hệ di truyền học là:

Hướng nội và hướng ngoại hay còn gọi là khả năng giao tiếp xã hội, vốn được coi là chức năng ổn định tâm lý.

Ngoài ra còn có ba mô hình khác tương đối được đông đảo các nhà tâm lý chấp nhận là:

1. Đạo mạo tính rất kỹ tính nên còn được gọi là keo kiệt, hay xét nét từng tí.

2. Xuề xòa dễ chịu, rất dung hòa và nhiệt tình nên còn được gọi là có khả năng tư duy cảm xúc.

3. Cởi mở, uyển chuyển linh động nên còn gọi là có tính văn hóa hay cảm giác trực giác.

5. Vai trò của quá trình học tập

Những nhà tâm lý học hành vi như Skinner, tâm lý xã hội như Bandura, hay tâm lý nhận thức như Kelly là những người đã có công trong việc giới thiệu kinh nghiệm học tập vào tâm lý học. Trong lĩnh vực rút kinh nghiệm, có thể nói con người đã học tập qua ba tuyến tiếp thu: Từ môi trường sống, từ xã hội và qua ngôn ngữ.

1. Học hỏi từ môi trường: Được các nhà học thuyết theo nhóm Paplov và Skinner chú trọng vào những kích thích đến từ môi trường qua kết quả của một hành vi đã được điều kiện hóa. Nói khác đi học hỏi từ môi trường cho phép con người nhắm đến khả năng tạo ra cho mình được nhiều những phần thưởng và giảm đi những hình phạt. Và chúng ta rút ra những kinh nghiệm từ chính môi trường sống của mình.

George Kelly có cách nhìn về việc chúng ta rút kinh nghiệm từ công trình nghiên cứu của Snygg và Combs (vốn thuộc nhánh tâm lý Tổng thể hình thái – Gestalt psychology) cho rằng chúng ta học tập bằng cách phân biệt một điều với những điều khác dựa trên kết quả của các sự kiện qua cách chúng ta tiếp cận với chúng. Như vậy cả hai nhà hành vi học và tổng thể học đều tin rằng chúng ta cần vận dụng đến ý thức trong quá trình rút ra kinh nghiệm.

2. Rút kinh nghiệm từ xã hội: Bao gồm chủ yếu những hành vi thao tác mang tính bắt chước được Bandura giới thiệu, vẫn dựa trên nền tảng kết quả thưởng và phạt, nhưng cá nhân học tập do quan sát nơi người khác. Đây là cách rút kinh nghiệm có ảnh hưởng nhiều nhất đến nhân cách của một cá nhân, vì dù sao nhân cách thường là bộ mặt chúng ta trang bị để đối diện với thế giới xã hội bên ngoài. Cách học tập rút kinh nghiệm từ xã hội cần đến ý thức khi ta cố gắng học hỏi một kỹ năng mới. Tuy nhiên học hỏi cũng có thể là vô thức khi chúng ta sống trong một cộng đồng có sự liên hệ chặt chẽ và những thao tác sẽ mang tính rập khuôn, máy móc.

3. Tiếp thu kinh nghiệm qua ngôn ngữ: Đây là đang tiếp thu kinh nghiệm chúng ta thu thập qua giáo dục ở trường học, do đọc báo chí, sách vở, nghe đài và tính cố gắng áp dụng khám phá. Nhiều người có những kinh nghiệm sống và xử lý các vấn đề nhờ đọc sách nhiều. Tất nhiên đây là cách học rất ít người quan tâm và phát huy.

6. Cảm xúc

Cảm xúc hay cảm giác là điểm then chốt của tâm lý nhân cách. Ở mức độ thấp nhất, chúng ta có cảm giác đau đớn và khoái lạc đại diện cho khổ đau và vui sướng vốn là những cảm xúc nền tảng cho những cảm xúc khác. Khổ đau xuất hiện khi thế giới đem đến cho ta quá nhiều vấn đề vượt ngoài khả năng xử lý và sức chịu đựng của chúng ta. Hạnh phúc là cảm giác khi ta biết mình có thể xử lý thành công tất cả những vấn đề xảy đến từ cuộc sống.

Lo lắng là một đề tài thú vị đối với các học thuyết nhân cách. Mặc dù có nhiều định nghĩa về lo lắng, phần đông vẫn chấp nhận một định nghĩa chung cho rằng trạng thái lo lắng xảy ra khi con người có liên hệ với những nỗi sợ vô lý và không cần thiết. Theo Kelly, lo lắng là bị vướng vào một tình huống lo sợ – mặc dù tác nhân gây sợ trong tình huống ấy có thể có thật hoặc không có thật.

Sợ hãi là trạng thái cảm xúc cụ thể về một mối nguy hiểm mà cá nhân tin rằng đấy là có thực cả về mặt sinh lý và tâm lý (tuy nhiên nhiều lúc những tác nhân gây ra sợ hãi hoàn toàn là không có thực).

Mặc cảm là một cảm giác quan trọng khác có liên hệ với xấu hổ, đây là trạng thái cảm xúc dâng lên khi chúng ta đối diện với những tình huống xã hội đã được cài đặt trong hệ tâm thức cho ta biết mình đã làm sai. Kelly tin rằng mặc cảm xảy ra khi ta có những cảm xúc ngược lại với tuyên ngôn làm người của mình. Đây là những tiêu chuẩn không nhất thiết phải tương ứng với những tiêu chuẩn của xã hội chung. Các nhà hiện sinh còn đi xa hơn, cho rằng mặc cảm ân hận sẽ xảy ra khi mình bỏ lỡ những cơ hội tốt đẹp với chính bản thân của mình trong quá khứ.

Buồn chán là kinh nghiệm khi chúng ta tin rằng cuộc đời đã không diễn biến theo một trật tự đáng lẽ sẽ xảy ra như thế và chúng ta không có bất cứ một khả năng nào để thay đổi hoặc cải thiện những tinh huống ấy. Hoặc đôi khi cuộc sống yêu cầu ta phải thay đổi nhưng chúng ta không có can đảm để thay đổi vì nhiều lý do khác nhau. Buồn đau là cảm giác như người thân ra đi hoặc chúng ta lâm vào cảnh tù tội là những ví dụ điển hình. Chúng ta còn có tâm trạng trầm uất vốn là một nỗi buồn vô căn cứ kéo dài sau một sự kiện đã xảy ra trước đó. Hoặc trầm uất có thể là tình trạng bệnh lý.

Giận dữ cũng tương tự như buồn chán khi ta nhận ra thế giới đã không vận hành như ý chúng ta. Tuy một điểm khác là chúng ta có thể thay đổi bản thân mình để cải thiện thái độ giận dữ của mình. Khi chúng ta thao tác trong trạng thái giận dữ, hành vi của chúng ta trở nên gây hấn và nổi xung. Giận dữ và nổi xung, bản thân chúng không là xấu hay tốt, khái niệm xấu hay tốt được định nghĩa trong bối cảnh xã hội và điều kiện hoàn cảnh của tình huống. Giận dữ với kẻ thù của dân tộc hoặc căm phẫn những hành vi tội ác bất công ở xã hội là điều nhiều xã hội khuyến cáo qua tinh thần yêu dân tộc. Song, nếu giận dữ và hằn học không đúng chỗ, nhất là giận dữ vô lý, chúng ta sẽ gây ra những lần xích mích đáng ra có thể đã được kiểm soát chặn đứng ngay từ đầu.

Ngoài ra chúng ta còn có nhiều cảm xúc không định hình, buồn tẻ vu vơ, giận vô căn cứ, mệt mỏi, ngờ vực, đắn đo – tất nhiên chính những cảm xúc này đã khiến cho đời sống của chúng ta trở nên phong phú và kinh nghiệm làm người càng thêm phần sống động. Tuy nhiên nếu có quá nhiều những cảm xúc không định hình này, chúng sẽ có ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt hàng ngày. Đây chính là lúc đề chúng ta đánh giá lại bức tranh hiện thực của vấn đề.

7. Động cơ

a. Động cơ là một bộ phận quan trọng thiết yếu trong tâm lý nhân cách. Để hiểu được khái niệm cũng như hình thức hoạt động của động cơ, chúng ta cần phải nắm bắt được tại sao một cá nhân lại có một nhân cách như thế. Vì nhân cách chính là cách chúng ta tiếp cận một cách có chủ ý với những đòi hỏi của cuộc đời.

b. Động cơ từ nguồn gốc sinh học phần nhiều có nguồn gốc bản năng về những nhu cầu như không khí để thở, nước uống, thức ăn. Kế đến là những nhu cầu giảm đau (nếu có bệnh) và những nhu cầu khoái cảm khác như nhu cầu tính dục, nhu cầu giải trí.

c. Động cơ có nguồn gốc xã hội là động cơ tùy thuộc vào từng mô hình và mức độ phát triển của xã hội mà cá nhân sống trong đó. Đây là những động cơ có nguồn gốc xã hội dựa vào nhu cầu văn hóa tinh thần. Tuy nhiên các nhu cầu tinh thần thường là động cơ có nguồn gốc xã hội như nhu cầu được chấp nhận, được quan tâm, được yêu thương, có cơ hội yêu thương và được tôn trọng. Maslow và Rogers đã cung cấp cho chúng ta khá nhiều những khái niệm trong đó khẳng định rằng nhu cầu vật chất phải được đảm bảo trước khi nhu cầu tinh thần xuất hiện (theo Maslow) và giá trị tích cực là những động lực kích thích con người ta biết chấp nhận chính mình, hướng tới điều thiện và làm điều tích cực cho bản thân và xã hội (theo Rogers).

d. Động cơ đến từ bản thân là động cơ bắt nguồn từ những trải nghiệm cá nhân về con người thật của mình, nhất là những thói quen (bao gồm cả những thói quen xấu và thói quen tốt). Trong đó những cơ năng tự vệ vốn là những cách tiếp cận thiếu lành mạnh khi xử lý những tình huống không được như ý mình.

đ. Những động cơ tinh thần là động cơ thuộc phạm trù ý thức và chúng ta thường nhìn chúng như những phương thế cung cấp giá trị ý nghĩa về mục đích sống và ý nghĩa con người. Động cơ tinh thần được chia ra làm thành hai bộ phận nhỏ hơn: (a) động cơ muốn mình có năng lực: đây là động cơ kích thích cá nhân học tập phấn đấu, trở thành có chuyên môn và đạt được những khả năng sáng tạo. Adler đã nhắc đến điều này qua khái niệm phấn đấu để trở thành hoàn thiện. (b) Một động cơ tinh thần khác là động cơ chân thành: đây là động cơ khuyến khích con người sống có những quan tâm đến xã hội, có tình thương, tình yêu. Erikson cũng đề cập đến động cơ này trong những năm tháng của giai đoạn trưởng thành nơi con người.

Ngoài ra chúng ta còn có nhiều hình thái động cơ nảy sinh từ nhiều tình huống đặc biệt, không có nền tảng chủ lực mà là kết quả của những kinh nghiệm hiện sinh đến từ cuộc sống đa dạng phong phú. Ngoài ra chúng ta còn có những động cơ đến từ tôn giáo, từ lương tâm, từ quan hệ huyết thống, từ tính dục và những gam cảm xúc rất khác nhau. Tất nhiên chúng ta sẽ khó quên được Rollo May, một người đã tin rằng bên trong mỗi người là một thế giới những vị thần đã điều khiển tất cả những hành vi của chúng ta.

Những động cơ nói trên có thể tìm thấy trong một khái niệm chung đó là nhận ra giá trị thực của mình. Rogers, Jung và Horney đã sử dụng khái niệm này với tên gọi là nhận ra bản thân mình, có nghĩa là chuyển tải khả năng tiềm ẩn trở thành hiện thực. Theo Snygg và Combs, nhận ra giá trị của mình có nghĩa là duy trì và thăng tiến điều kiện bản thân. Một khía cạnh bình thường của đời sống khi chúng ta cố gắng lưu lại dấu vết cuộc đời của mình qua con cái và công việc. Chính khía cạnh tinh thần là yếu tố thúc đẩy ta trở thành bất tử và biết sống vượt ra chính khả năng giới hạn của mình, để nối kết với thế giới bên ngoài. Và một số không nhỏ đã mượn tôn giáo như một kênh nối trực tiếp.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx