sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 25 - Phần 2

8. Bệnh thần kinh

Rất nhiều cá nhân có những vấn đề và khó khăn từ khi họ còn rất nhỏ và trải qua những ký ức tuổi thơ khá dữ dội như bị lạm dụng tình dục, sách nhiễu, đầy dọa, bỏ rơi, đói khát, bệnh tật, cha mẹ ly dị, bạn bè chế diễu, cha mẹ kỳ vọng quá nhiều, cha mẹ di chuyển chỗ ở, tai nạn, tuổi thơ vì thế đã bị ăn cắp hoặc bị tàn phá. Nhiều người khi lớn lên vẫn bị ám ảnh bởi những nỗi sợ hãi kinh hoàng trong quá khứ. Cứ thế, họ luôn luôn sống trong tình trạng lo lắng và sợ hãi, mặc cảm, buồn bã, tủi, hận, ngờ vực, mất phương hướng, lạc lõng giữa cuộc đời, đơn giản là vì họ không còn tin tưởng vào cuộc đời nữa.

Những trẻ em may mắn có cha mẹ và tình cảm gia đình, có bạn bè tốt, có thầy cô quan tâm giúp đỡ sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn khi còn bé. Với những em không được quan tâm, không có người cung cấp cho các em những giá trị tích cực, ngay cả nhiều em dù không có những khó khăn về điều kiện vật chất vẫn lớn lên và trở thành những cá nhân phát triển không toàn diện vì các em thiếu những mô hình đời sống tinh thần lành mạnh.

Adler, Horney, Rogers và Bandura đều đồng ý rằng những giá trị tinh thần tích cực như tình cảm, sự chấp nhận, thái độ tôn trọng được quan tâm, thể hiện tình cảm lành mạnh, đùm bọc, giúp đỡ sẽ là những giá trị mà tất cả chúng ta đều cần đến khi còn bé, đáng buồn là chúng ta vì nhiều lý do khác nhau đã biến những giá trị tinh thần ấy trở thành những giá trị có điều kiện. Ví dụ con phải ngoan thì bố mẹ mới thương. Chúng ta đã quen theo nếp nghĩ rằng bé phải ngoan trước và ta sẽ thương bé sau. Nhưng thật ra thương con và con ngoan là hai phạm trù nên diễn ra song hành, cha mẹ luôn thương mến con cái trước và từ đó em sẽ trở nên ngoan ngoãn hơn: Nhiệm vụ của cha mẹ là phải bảo đảm được tinh thần nhất quán trong việc hướng dẫn con cái bằng tình thương và lòng tôn trọng. Nếu không bé lớn lên sẽ có rất ít tự trọng, khái niệm về bản thân của em rất nghèo nàn, hoặc bé sẽ phát triển trở thành hội chứng vô dụng.

Cần biết rằng cảm giác mặc cảm hoặc ít tự tin, khái niệm bản thân nghèo nàn thường được đánh giá một cách rất chủ quan. Chúng ta thường quy trách nhiệm cá nhân cho những người yếm thế và lên án họ. Còn người mặc cảm thường có cảm giác buồn chán về những điểm mà họ không được thuận lợi bằng người khác. Vì thế liệu pháp cần đánh thức những khả năng tích cực của một cá nhân để họ sử dụng năng lượng của mình trong việc phát huy thế mạnh. Thay vì lãng phí năng lượng vào những buồn sầu co cụm, họ có thể chuyển khối năng lượng này vào những hành vi có giá trị tích cực. Tuy nhiên, những phạm trù mà thân chủ băn khoăn sẽ là trọng điểm mà cả nhà trị liệu và thân chủ sẽ cùng nhau xử lý.

Với những cá nhân không có niềm vui trong cuộc sống đích thực, phải sống trong thế giới mặt nạ và những cơ chế tự vệ, nhiệm vụ của chúng ta là phấn đấu để nhận ra rằng chúng ta đang kéo theo một khúc gỗ nặng mà tưởng đấy là cái nạng. Một điều thật đơn giản là ai trong chúng ta cũng có thể bước đi trên đôi chân của mình nhưng chúng ta lại thường mượn cái nạng gỗ tư duy sai lệch để chống đỡ cho những vấn đề từ thế giới vật chất và dư luận xã hội rất nặng. Chúng ta cần đi vững trên đôi chân tư duy tâm lý lành mạnh của mình.

Từ chối và dồn nén là cơ chế tự vệ muốn chặn lại những kinh nghiệm một cách trực tiếp đến từ cuộc sống và từ vết thương quá khứ. Nếu lạm dụng hai cơ chế tự vệ này, giá phải trả sẽ là trạng thái kiệt sức cảm xúc. Cơ chế tự vệ từ chối là gạt bỏ những tác động đến từ bên ngoài, cơ chế tự vệ dồn nén là ép đẩy những cảm xúc không lành mạnh và khiến cho tâm trạng của mình càng ngày càng nặng nề hơn.

Thay đổi cách nhìn và biện luận là cơ chế tự vệ đôi lúc cung cấp những hướng xử lý tích cực. Đây là hai cơ chế tự vệ không quá tiêu cực và thụ động. Hai cơ chế tự vệ này cần đến kỹ năng lý trí. Cơ chế tự vệ thay đổi cách nhìn là quá trình điều khiển những thông tin dữ kiện mình nhìn thấy từ bên ngoài. Trong khi đó cơ chế tự vệ biện luận là quá trình điều khiển những thông tin, dữ kiện đã được lưu trữ trong hệ thống tâm thức của chúng ta.

Dù bằng cách nào đi chăng nữa, cơ chế tự vệ vẫn là những lời nói dối, lối đi tắt, đi vòng, né tránh và được sử dụng nhằm bảo vệ một vấn đề đáng lẽ phải được xử lý một cách tận gốc. Cơ chế tự vệ được áp dụng để chống đỡ cho sự lệch lạc giữa nhu cầu tình cảm và nhu cầu an toàn. Không ai có thể sống mà thiếu tình yêu và sự an toàn, chúng ta nói dối để bảo vệ sự an toàn của mình. Tại sao chúng ta nói dối? Vì nói dối luôn luôn có hiệu quả tức thời. Tại sao người khác tin chúng ta? Vì chúng ta nói dối thuyết phục – ít nhất là chúng ta đã nói dối một cách hợp lý - tuy nhiên ta cần ý thức được rằng về lâu dài nói dối sẽ phản tác dụng quay trở lại gây hại chúng ta, mặc dù ban đầu chúng có vẻ hiệu nghiệm trong việc giúp chúng ta xử lý vấn đề trước mặt.

Một sẽ người rơi vào trạng thái cô đơn cách ly với thế giới. Cần biết tình trạng cô đơn là tâm trạng đau khổ, xảy ra khi con người thật bên trong và mặt nạ họ sử dụng để đối diện với thế giới bên ngoài là hai thế giới xa lạ. Người cô đơn luôn mong mỏi đạt được những giá trị tinh thần có điều kiện như Rogers đã đề cập đến. Nhiều người cô đơn vì cảm thấy mình không sống thật, sống giả dối, quanh co, gian lận, lợi dụng, thủ đoạn, cuối cùng là ám ảnh dẫn đến hiểu lầm, nghi kỵ và xem thường người khác. Họ thường dựa vào những suy diễn của mình và nghĩ rằng ai cũng tiêu cực như thế cả. Khi không tin tưởng nơi chính mình, họ lo âu sẽ có ngày ta đánh rơi mặt nạ của mình. Không tin người khác, họ càng dễ co cụm xa lánh vì họ chẳng có ai để tin cậy. Tuy nhiên cô đơn sẽ giúp tạo ra những nguồn cảm hứng sáng tạo được sinh sôi. Chẳng hạn như lời nhà thơ Inrasara đã cho rằng hiện tượng giẫm chân và trùng lặp trong sáng tác là vì chúng ta chưa đủ cô đơn cho sáng tạo. Nhờ cô đơn mà chúng ta có Hàn Mặc Tử và Trịnh Công Sơn, Mozart và Balzac.

Tâm lý có thể nói đang phấn đấu để áp dụng thật sâu rộng vào đời sống của mọi người, song có những rối loạn và những vấn đề gần hơn với sinh học và thần kinh. Vì thế các nhà tư vấn tâm lý cần cẩn thận. Liệu pháp tâm lý không thể là giải pháp tuyệt đối hiệu quả. Tư vấn viên tâm lý không phải là một anh hùng một mình mà cần liên kết với những chuyên ngành khác. Biết được giới hạn của mình đôi khi chính là một bước rất cần thiết đối với một điều trị viên có trách nhiệm.

9. Chiến lược đối phó

Những người có vấn đề thần kinh thường bị lôi kéo vào những xu hướng đời sống mà những người bình thường khác sẽ xa lánh như mượn rượu, mượn thuốc phiện, cờ bạc và những kênh van xả độc hại khác. Đây là những hành vi thường có tính lệ thuộc về mặt cảm xúc/cảm giác, những tư tưởng ám ảnh. Các nhà hành vi học gọi chung những hành vi này là thói quen thích ứng sai lệch. Ellis gọi đấy là những niềm tin không chuẩn xác, còn Binswanger và Horney gọi là những nhu cầu thần kinh thái quá.

Có nhiều chiến lược đối phó khác nhau mà người có vấn đề sử dụng để xử lý, tuy nhiên chúng ta có thể nhận ra vài nhóm chính sau:

a. Loại lệ thuộc: Là những người tin rằng mình không có năng lực. Họ tin là mình có nhiều điểm yếu và những khiếm khuyết. Họ là người thường có cảm nhận mình đang đi vào ngõ cụt, họ sử dụng những thủ thuật điều khiển người khác bằng những than vãn (oral passive), cậy dựa, phục tùng, chấp nhận bằng mọi giá vì họ không thể tự mình đứng vững được. Một điều đáng buồn là chẳng ai trong chúng ta thích giao lưu gần gũi với những con người có tính khí lệ thuộc như thế.

b. Nhóm người hằn học dễ nổi xung: Là nhóm thường mượn thái độ hằn học để tạm thời giải tỏa cảm giác hạn chế và yếm thế của mình. Họ thường đem theo mình một mặc cảm muốn chứng minh khả năng của mình là trội nhất. Khi buồn bực hoặc bức xúc, họ không ngại ngần gì mà không kiếm cớ gây gổ và trút điều bực dọc của mình lên người khác. Họ là người có xu hướng không kiểm soát ngôn ngữ của mình. Họ tỏ ra thích cai trị và lấn lướt người khác, họ có thói quen muốn bóc lột và lợi dụng người khác.

c. Tuýp người cầu toàn tuyệt đối: Họ là người phấn đấu cố gắng để đạt được những mục đích và tiêu chuẩn thật khó thực hiện. Hoặc họ thường giả vờ là mình sẽ đạt được những mục đích đó. Họ là người thường xa lánh người khác về mặt cảm xúc hoặc không thích lệ thuộc và dựa dẫm vào người khác. Họ là tuýp người tương đối cẩn thận, e dè, kỹ lưỡng, chi li và thường co cụm vào những công việc riêng của mình.

d. Tuýp mắc cỡ thái quá: Họ là người thích né tránh và co cụm, cố ý xa lánh những môi trường đông người. Họ có khuynh hướng cố gắng lẩn tránh mọi quan hệ xã hội công cộng. Họ có thói quen ứng xử nghiêm túc và lạnh lùng, giận dữ với thế giới bằng những hằn học che giấu bên trong và có thể bột phát vào những lúc bất ngờ nhất.

đ. Tuýp người trẻ con: Đây là nhóm người thường không nghiêm túc với trách nhiệm và hay đưa thế giới trẻ con vào thế giới của người lớn, họ thích né tránh những bổn phận, có phần bị ám ảnh bởi tư tưởng muốn mình được trẻ trung mãi mãi. Họ thích vui đùa, thích mạo hiểm. Họ thích những hành vi gây cảm giác mạnh. Họ thường là người không có chiều sâu và thích hưởng thụ.

e. Tuýp người bận rộn: Đây là tuýp người mà hầu như tất cả chúng ta thường bắt gặp chính chân dung mình trong đó. Chúng ta tìm ra những phạm trù nào đó mà chúng ta có nhiều thế mạnh, sau đó ta vùi mình vào trong những phạm trù đó. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, ta cứ giả vờ như đó là cách duy nhất ta có thể tìm ra ý nghĩa giá trị để khẳng định ý nghĩa bản thân của mình.

10. Liệu pháp

Một điều đáng khích lệ là tuy có nhiều điểm khác biệt rất lớn về những học thuyết khác nhau nhưng khi bàn đến liệu pháp, chúng ta có thể nhận ra có nhiều điểm tương đồng giữa các học thuyết.

Trước tiên, các học thuyết đều nhắm đến khái niệm ý thức bản thân, như Freud khuyến khích: Đem cõi vô thức ra trên bề mặt ý thức. Chúng ta muốn thân chủ hãy khám phá về tình hình hiện thực và điều kiện cơ thể, những giới hạn về mặt sinh lý, hoàn cảnh kinh tế xã hội và cả những phạm trù tâm thức cá nhân. Chúng ta khuyến khích thân chủ phát huy những động cơ mà xưa nay họ chưa bao giờ khám phá ra. Các cá nhân cần được khuyến khích tìm ra những mâu thuẫn tiềm ẩn giữa nhu cầu cá nhân và những tiêu chuẩn đời sống xã hội. Kể cả việc tìm ra những cơ chế tự vệ tiêu cực họ vẫn được áp dụng để né tránh các vấn đề.

Chúng ta cũng nên khuyến khích các thân chủ hãy khám phá nhiều hơn nữa về những phạm trù ý thức, những động cơ mang giá trị tinh thần nhằm thúc đẩy và khai thác những khả năng sáng tạo, năng lực bẩm sinh, tình cảm liên đới và những giá trị tinh thần cao quý, hướng đến đời sống lành mạnh có ý nghĩa và sung mãn.

Bàn về những phương tiện áp dụng trong liệu pháp, chúng ta được khuyến cáo cần có một tinh thần đối thoại thành thật và quan tâm, tạo ra nhịp cầu ủng hộ mạnh kiểm soát và điều khiển thân chủ. Chúng ta cần phấn đấu đạt mục tiêu cần nhắm đến là giúp thân chủ thật sự có khả năng độc lập tự chủ khi xử lý các vấn đề hiện tại cũng như trong tương lai.

Kỹ năng áp dụng trong liệu pháp có thể rất khác biệt khi so sánh giữa liệu pháp hành vi, liệu pháp tư duy, liệu pháp hiện sinh, liệu pháp phân tích, liệu pháp tổng thể hình thái và liệu pháp nhân văn học. Ở liệu pháp hành vi, những kỹ năng được áp dụng tương đối nghiêm ngặt. Trong khi đó liệu pháp nhân văn học không cần đến bất cứ một kỹ năng nào ngoài thái độ chân thành, tôn trọng, đồng cảm và thành thật với thân chủ. Tuy nhiên nhiều nhà liệu pháp chọn cho mình một vị trí đứng giữa. Họ chọn lọc những kỹ năng và những yếu tố nhân văn phù hợp với nhân cách (personalities) của từng thân chủ để đem lại hiệu quả trị liệu cao nhất.

Khi cộng tác chặt chẽ với đội ngũ bác sĩ y khoa, việc sử dụng những liều thuốc an thần hoặc những biện pháp lâm sàng sẽ là một kết hợp có hiệu quả trị liệu rất đáng khích lệ. Nhất là sức khỏe cơ thể có một ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần. Đôi khi thân chủ chỉ cần được nghỉ ngơi và tịnh dưỡng, nhiều vấn đề có thể sẽ được giải quyết một cách khá đơn giản. Cần biết, liệu pháp tâm lý có những mặt mạnh và cả những giới hạn nhất định. Một nhà trị liệu có trách nhiệm sẽ biết đâu là khả năng và giới hạn của mình, để kinh nghiệm của mối quan hệ trị liệu sẽ là một kinh nghiệm hiệu quả, có ý nghĩa và góp phần xây dựng những giá trị tinh thần tích cực nhiều nhất cho thân chủ.

11. Cân bằng

Một quan điểm chung quan trọng khác của thuyết nhân cách là ý tưởng cân bằng. Freud đã tin rằng khủng hoảng của tất cả những giai đoạn phát triển khi còn bé sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống. Freud tin rằng các em bé nên được huấn luyện việc với vệ sinh – đừng quá sớm nhưng đừng quá trễ. Các bậc phụ huynh không nên ép các em quá nhưng cũng không nên quá dễ dãi. Theo ông thì chính sự cân bằng trong quá trình cung cấp cách chăm sóc căn bản ở giai đoạn đầu tiên sẽ dẫn đến kết quả cân bằng nhân cách khi các em lớn lên sau này.

Nhiều người tin rằng những kinh nghiệm tích cực trong việc học tập qua các cách ứng xử mô hình dựa trên trí tưởng tượng là có thực. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận và khai thác những kinh nghiệm tưởng tượng ấy. Có thể đây chính là những lực cân bằng, giúp chúng ta ứng xử uyển chuyển và linh động, tuy cần tránh lạm dụng. Ví dụ nếu không có một chút xấu hổ và một chút hoài nghi vào bản thân, theo như lời Erikson nói, nếu chỉ dựa vào trí tưởng tượng của chúng ta sẽ trở thành hống hách và tự phụ.

Toàn bộ học thuyết của Carl Jung xoay quanh khái niệm cân bằng giữa âm và dương và giữa bản ngã và cõi vô thức. Nhiều nhà lý thuyết tin rằng cân bằng giữa âm và dương sẽ là một cân bằng tốt nhất. Nghiên cứu và thể nghiệm cho thấy người có cân bằng âm dương sẽ hiểu biết và tôn trọng những người khác. Nhận thức được bản chất nữ tính và nam tính sẽ khiến đời sống tinh thần tránh được những thành kiến phân biệt, dẫn đến đời sống lành mạnh hơn.

Otto Rank đề nghị một đời sống lành mạnh là một cuộc sống có quân bình giữa đam mê vào cuộc sống và sẵn sàng đối diện với cái chết, vì đây chính là điểm chung để chúng ta có thững ý thức nghiêm túc về ý nghĩa cuộc đời. Từ đó chúng ta sẽ không lãng phí và cũng không dè sẻn các nguồn năng lượng. Đấy là động lực giúp chúng ta dễ sống từng giây phút cuộc đời của mình một cách có trách nhiệm nhất. Otto Rank còn sử dụng khái niệm cá nhân và cộng đồng. Sự cân bằng giữa hai đời sống này sẽ giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa phục vụ và thăng tiến. Rollo May nói về tình yêu và ý chí, tự chủ và đại đồng, cá thể và cộng đồng, ích kỷ và vị tha. Ông khuyến cáo rằng chúng ta cần phấn đấu để giữ mức trung hòa đứng giữa các hệ cấu trúc tâm thức này.

Dù với bất cứ khái niệm nào đi chăng nữa, cân bằng tâm lý là một trạng thái cần đạt được khi giá trị ý nghĩa của mình không bị lẫn mất vào giữa những giá trị vật chất, nhưng cũng không quá chú trọng đến độ rút lui, thu gọn vào thế giới nhỏ hẹp của mình. Cân bằng là tìm thấy ý nghĩa cái riêng của bản thân trong cái chung hòa nhập với cộng đồng, xã hội, với vũ trụ mênh mông.

Hãy chăm sóc đến mình nhưng đừng lo nghĩ thái quá dẫn đến não thức cô độc. Hãy quan tâm đến người khác nhưng luôn luôn giữ lại ý nghĩa cuộc đời của mình. Nói khác đi, cân bằng là tự giúp mình có thể giúp người khác để họ có được cơ hội giúp lại chúng ta.

12. Kết luận

Ngay cả khi ta có trong tay một danh sách những điều nhất quán không đổi, chúng ta vẫn tìm ra những quan điểm nhất quán nằm phía sau những khái niệm nhất quán khác. Lịch sử, xã hội, văn hóa luôn luôn là những đại lượng có ảnh hưởng nhất định lên mỗi chúng ta. Hơn nữa cách mỗi chúng ta tiếp cận và học tập trong cuộc sống, từ gia đình, bạn bè và phương tiện truyền thông…luôn có những tác động không nhỏ.

Chúng ta không chỉ học tập từ cuộc sống, chúng ta còn là những sinh thể có nguồn gốc từ sinh học, di truyền, tiến hóa, bản năng…Chính những yếu tố này đã tạo ra một hệ thống cấu trúc sinh lý điều khiển không chỉ cơ thể chúng ta mà cả những hành vi ứng xử của chúng ta nữa. Điều này có thể nhận ra qua hệ thống sinh hóa bao gồm tuyến nội tiết và những chất hoá học thần kinh. Đây chính là những tác động lên tư duy và hành vi của chúng ta một cách rất cụ thể.

Từ những điều đã thảo luận, câu hỏi sau cùng là: Có nhất thiết tâm lý nhân cách phải trở thành một ngành khoa học thật sự hay không? Nếu như các ngành khoa học khác đã phục vụ sức khỏe con người một cách đắc lực, chúng ta liệu có nên bắt tâm lý làm những công việc của các ngành khoa học khác? Hay chúng ta chỉ nên bằng lòng với nhiệm vụ và chức năng của ngành Tâm lý nhân cách là cung cấp những giải thích về những hiện tượng phong phú thiêng liêng và kỳ diệu xảy ra nơi mỗi con người.

Tất nhiên đây là một câu hỏi mang tính gợi ý. Mong thay một ngày nào đó khoa học sẽ phát triển nhiều hơn nữa và chúng ta sẽ có một kết luận chính xác hơn. Mong rằng lúc ấy bản thân ngành Tâm lý học nhân cách sẽ có vai trò và vị trí của nó trong lịch sử đời sống con người.

Và như thế, một học thuyết sẽ mãi mãi chỉ là một học thuyết. Mỗi cá nhân chúng ta mới thật sự là người hiểu được ý nghĩa áp dụng của một học thuyết. Vậy tại sao mỗi người trong chúng ta lại không có một học thuyết cho riêng mình? Phải chăng chính việc tự khám phá và hiểu bản thân mình với những đại lượng tương quan khác, chúng ta sẽ có một học thuyết cá nhân chuẩn và riêng nhất cho chính bản thân mình.

Ít nhất, hy vọng rằng những học thuyết nhân cách sẽ cho chúng ta đôi điều về những nhà tư tưởng lớn đã cố gắng đi tìm và giải thích về:

– Tại sao?

– Cái gì?

– Như thế nào?

– Khi nào?

– Ai là đối tượng?

Đây vốn là những đại lượng đã khiến chúng ta – những con người – luôn quan sát, suy nghĩ và hành xử như một chủ thể rất riêng, rất thiêng liêng, kỳ diệu trong một thế giới vũ trụ phong phú đa dạng và sống động.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx