sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 26 - Phần 1

Chương 26. LINH HỒN CÓ TỒN TẠI HAY KHÔNG?

CÁC HỌC THUYẾT TÂM LÝ NHÂN CÁCH

NHỮNG THÁCH ĐỐ MỚI VỀ NIỀM TIN TRUYỀN THỐNG

VỀ KHÁI NIỆM BẢN THÂN VÀ TINH THẦN NƠI CON NGƯỜI

1. Dẫn nhập

Tâm thức là một đại lượng tương đối phức tạp mỗi khi chúng ta nghĩ về nó. Ý thức là một nét đặc trưng nhất tạo ra định nghĩa con người. Nhiều người vẫn trăn trở với câu hỏi không biết ý thức là một sản phẩm được tạo ra có nguồn gốc từ sinh học hay đây là một điều mà con người chẳng cần đến nó mà vẫn tồn tại được. Nhiều người lý luận rằng thú vật không cần ý thức nhưng chúng vẫn sống? Vậy tại sao con người lại cứ phải nghiêm trọng hóa về những điều thật sự không cần thiết đến quá trình hít thở, tiêu hóa, kiếm tiền và sinh con.

Terry Sejnowski, giám đốc phòng thí nghiệm sinh học thần kinh điện toán của trung tâm Salk ở California đề nghị rằng: hệ tâm thức của con người có một vai trò không lớn lắm trong việc đảm nhiệm chức năng quyết định các hành vi và tư tưởng như chúng ta vẫn nghĩ. Theo ông, một chất hóa học trong bộ não có tên dopamine là thành phần chủ yếu chịu trách nhiệm thông báo cho toàn bộ hệ thống não, tạo nên phản ứng trả lời những kích thích đến từ môi trường. Ông tin rằng có một nhóm tế bào não chịu trách nhiệm sản xuất ra nhiều chất hóa học có nhiệm vụ kích thích não, hay ức chế não. Kết quả là trạng thái tâm thần của chúng ta có thể thay đổi. Để giải thích một cách đơn giản hơn, ông nói, những tác nhân trong quá trình tiến hóa – nhu cầu mà mỗi cá nhân sinh thể cần có để sinh tồn như đi tìm thức ăn, tìm bạn tình, cũng như né tránh kẻ thù nguy hiểm của mình – tất cả đều được quyết định bởi cơ năng vô thức. Ông nói: ý thức giải thích những điều đã được quyết định sẵn cho mỗi chúng ta. Vậy điều đó có ý nghĩa gì trong đời sống con người? phải chăng ý thức chỉ có một vai trò rất nhỏ trong những biến động nơi tư tưởng của con người? ông nói tiếp: Thật khó khi tách hẳn suy luận và lý trí ra khỏi quá trình quyết định của con người (ý thức) – nhưng – chúng ta đã đánh giá quá cao vai trò và chức năng của ý thức trong quá trình hình thành một quyết định.

Chẳng biết chúng ta có đánh giá quá cao hay chúng ta đã đánh giá vai trò của ý thức quá thấp, chỉ biết hôm nay chúng ta luôn nói về ý thức, ít nhất trong hơn hai mươi năm trở lại đây. Hiện nay, ý thức đã là một trung tâm thảo luận được kỹ nghệ trí thông minh (intellectual industry) đặc biệt quan tâm nghiên cứu.

Một điều đáng ngạc nhiên là sự tập trung nghiên cứu về ý thức từ nhiều người lại càng dẫn đến những quan điểm mâu thuẫn khác biệt về ý thức. Cố gắng của các nhà thần kinh học, tâm lý học, các nhà tâm lý học nhận thức, các chuyên gia thông minh nhân tạo, các nhà vật lý và cả các nhà triết học xem ra càng làm cho những cuộc thảo luận nảy sinh ra nhiều chiều hướng suy nghĩ rất khác nhau.

Cuối cùng chúng ta đã thu lượm được điều gì từ những cố gắng ấy? Liệu chúng ta có đến gần hơn được với bộ não vật lý trong việc giải thích các mối liên hệ đến tư duy, kinh nghiệm, ý thức về bản thân của mỗi cá nhân chúng ta? Phải chăng khoa học đã nghiên cứu ý thức bằng ngả đi tìm một mô hình chuyển động thuyết nhật tân (Copernican movement), một mô hình giống như các hành tinh xoay quanh trung tâm điểm là mặt trời? Và hiện nay người ta vẫn đang đợi chờ kết quả của những công trình thí nghiệm để có một học thuyết toàn diện và thuyết phục về ý thức?

2. Cuộc chiến giữa các nhà tư tưởng

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Những câu hỏi về ý thức và những câu trả lời luôn là một mảng đề tài lớn mà nhiều người vẫn hướng về La Jolla, một điểm nóng trên hành tinh chúng ta. Đây là nơi tập trung nhiều trung tâm được trang bị những dụng cụ nghiên cứu hiện đại và đầy đủ về ý thức. Nói khác đi La Jolla là nơi đầy hứa hẹn trong nghiên cứu về ý thức nơi con người.

Một điều thú vị có thể dễ nhận ra là với đà phát triển của khoa học kỹ thuật và máy móc, chúng ta vẫn không bằng lòng với những khám phá về cõi ý thức của mình. Chúng ta càng lúc cành hăm hở hơn trong việc đi tìm một câu trả lời từ một bộ phận quan trọng của cơ thể – Bộ Não. Đây là một cơ quan đầu não, đầy những vết nhăn, nặng chừng 1.5 kg (3 pounds) cực kỳ quan trọng với con người. Các nhà học thuyết phân tích đã khiến nhiều nhà thần học, triết học và những người có não thức truyền thống lo lắng rằng khoa học đang tấn công vào thành lũy cuối cùng của linh hồn, hoặc ít nhất những cố gắng của các nhà học thuyết phân tích đang tấn công vào khái niệm ý thức bản thân. Các nhà thần học và triết học vẫn hy vọng rằng ý thức không thể chặt ra thành từng khúc nhỏ được.

Từ chối hẳn sự hiện diện của linh hồn hoặc cố gắng trong việc phản chứng những đặc tính phi vật chất của ý thức là một hướng đi đã có từ lâu nhưng chưa ai có thể cung cấp đầy đủ các dẫn chứng thuyết phục sắc bén. Cứ thế, các cuộc tranh cãi luôn tạo ra những hiệu ứng hấp dẫn mà con người đã mải mê săn đuổi. Phải chăng chúng ta đạt được những thành tựu hôm nay do học hỏi bắt chước từ đời sống văn hóa? Hay chúng ta đơn giản chỉ là một sản phẩm của quá trình tiến hóa. Cứ thế tôn giáo và khoa học đã, đang và có lẽ sẽ tiếp tục giằng co trong cuộc chiến này.

Giả sử có những tiếng nói chung cất lên nhằm chứng tỏ rằng có một điểm đồng ý từ hai lối tiếp cận với khái niệm ý thức nơi người gặp nhau: liệu tôn giáo và khoa học có chịu lắng nghe nhau và ngồi chung xuống một bàn thương nghị, hay cả hai bên đều phản đối thiện chí đi tìm tiếng nói chung ấy?

Tất nhiên cả hai phía đều có những lý do và hy vọng về giấc mộng chiến thắng vinh quang của mình. Cho đến thời điểm hiện tại tất cả những học thuyết đều quá chung chung và có quá nhiều điểm yếu để đối phương có thể tấn công. Trong lúc khoa học thần kinh hiện đại đang ráo riết nghiên cứu về lĩnh vực tự nhiên và vật lý nhiều người càng tỏ ra quan ngại vì họ sợ tiến trình này sẽ làm rối rắm thêm quá trình phân chia các hiện tượng đời sống con người, trong đó bao gồm cả ý thức.

Nhiều người lo lắng rằng nếu ý thức nơi con người trở thành những đại lượng vật lý, thế giới loài người sẽ có những biến động cực kỳ to lớn. Hoặc nếu như có ai đó tìm ra những nguyên nhân có nguồn gốc sinh học và vật chất ảnh hưởng lên ý thức của con người; lúc đó những giá trị tinh thần truyền thống liệu có bị hủy diệt không? Những kiến thức khoa học mới đây nhất đã thách thức phía tôn giáo hãy tìm ra những giải thích mang tính vật chất cơ bản về những hiện tượng trong thế giới huyền bí siêu nhiên. Ngược lại các nhà triết lý và thần học thì thách thức khoa học sẽ xẻ đôi cơ thể và ý thức cụ thể bằng cách nào?

3. Cơ thể và tinh thần

Một điều đáng chú ý là mối quan hệ giữa tinh thần và vật chất là nền tảng căn bản quan trọng nhất mà nhiều tôn giáo vẫn sử dụng để duy trì khái niệm linh hồn. Một điều lợi chung cho nhân loại là khi cả hai phe khoa học và tôn giáo cùng chạy đua, chúng ta đã có cái nhìn mỗi ngày một khác hơn về thực trạng con người. Trong đó những giá trị truyền thống như Kinh Thánh Do Thái hay từ Huấn giảng của Phật giáo đã có tự ngàn xưa bây giờ được truy cập và trích dẫn như một nhắc nhở rằng vật chất và tinh thần phải là hai đại lượng hòa nhập, đan quyện, có âm có dương chứ không phải là hai đại lượng chống đối nhau.

Thám hiểm mối quan hệ giữa bộ não vật lý và ý thức không phải đơn giản chỉ là một lĩnh vực lớn có liên hệ đến câu hỏi về trí thông minh mà khám phá này còn giúp chúng ta vén ra bức màn về các nan đề gay cấn như sống – chết mà chúng ta vẫn chưa tìm ra được một câu trả lời chính xác.

Joseph Dial là giám đốc một trung tâm nghiên cứu khoa học ý thức có trụ sở tại San Antonio, Texas Hoa Kỳ. Ông là người đã có nhiều đóng góp đáng kể trong lĩnh vực này đã nhận xét: Khám phá khoa học có những ứng dụng lâm sàng khi chúng ta nói về tình trạng bất tỉnh dài hạn và ý thức bị ảnh hưởng nặng như trường hợp của những người thực vật. Chúng ta cần tìm hiểu nhiều về ý thức, về khái niệm bản thân, về ý thức nhân định của mình để xác định xem ở trạng thái bất tỉnh dài hạn hoặc trạng thái thực vật liệu con người có còn sở hữu bản thân họ nữa hay không? Và vì không còn tỉnh táo để sử dụng ý thức của mình, như vậy họ có còn ý thức được rằng họ vẫn có một ý thức nhân định cụ thể.

Ý thức được chúng ta gắn cho những chức năng và vai trò quyết định chủ động bên trong bản thân mình hay là những hiện thân đại diện cho đời sống tâm linh của chúng ta. Đây là những giá trị mà nhiều nhà triết lý tiền bối cổ xưa đã nhắc đến như một khái niệm hoàn toàn khác hẳn với các khái niệm thuộc về thế giới tự nhiên vật lý. Plato đã tin rằng tâm hồn và linh hồn là hai bộ phận khác hẳn với cơ thể vật chất của con người. Chỉ có tâm hồn và linh hồn của con người là bộ phận biết lý luận và phân biệt xấu đẹp thiện, ác và là bộ phận tồn tại vĩnh cửu.

Ý tưởng của ông quá mạnh mẽ và hấp dẫn đến nỗi nhiều nhà triết học hiện đại vẫn tin theo và không chỉ có các nhà triết học, thần học mà cả nhiều người trong chúng ta vẫn đang nhìn vào tâm hồn và linh hồn từ những góc độ khác nhau. Nhiều người vẫn cố gắng đi tìm cho mình một câu trả lời về linh hồn – nhất là những người có niềm tin vào các giáo lý tôn giáo; đặc biệt là Kitô giáo. Các tín hữu Kitô tin rằng khi họ chết, xác sẽ hư mất nhưng linh hồn tiếp tục sống, đem theo những cảm giác vẫn thấy tồn tại trong ý thức và một ý thức về bản thân chính mình. Trong nhiều tôn giáo họ còn tin rằng sẽ có ngày tất cả mọi nhân vị con người sẽ sống lại cả hồn lẫn xác và trải qua một cuộc phán xét sau cùng. Sau lần phán xét này, con người sẽ được vào thiên đàng hay hoả ngục cả phần hồn lẫn phần xác.

Khoa học thí nghiệm bắt đầu đến với con người từ thế kỷ XVII đã thay đổi nhiều giả thiết mà Kitô giáo Tây phương đã thống trị trong suốt một thời gian rất dài, trong đó có cả ý tưởng cho rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ. Tuy nhiên những tư tưởng lớn của thời kỳ hiện đại hôm nay đã không coi khám phá phản chứng ấy là kẻ thù của tôn giáo, họ chỉ quan tâm đến vị trí đặc biệt của linh hồn và người bạn thân của nó là ý thức.

Nhà toán học và triết lý vĩ đại Pháp Rene Descartes (1596–1560) đã để lại cho hậu thế nhiều công trình, trong đó ông đã tranh luận rằng thực tế bao gồm hai bộ phận hoàn toàn khác nhau đó là chất liệu vật chất và chất liệu tư duy. Hai đại lượng vật chất và tư duy này có tác động lên nhau như thế nào? Theo ông, các bộ phận cơ quan của cơ thể gửi những tín hiệu và thông tin đến trung khu ý thức (thông qua các tế bào não) đến với tuyến tùng quả, là một tuyến quan trọng nằm bên trong bộ não.

Sau khi xử lý các dữ kiện, ý thức (nằm giữa tuyến tùng quả) sẽ có những quyết định và điều khiển giúp cơ thể có các phản ứng thích hợp; qua việc làm, qua lời nói và ý tưởng. Ý kiến về hai bộ phận ý thức và bộ não vật lý cùng tồn tại song song này của ông về sau được nhiều người bàn cãi, họ gọi hiện tượng này là con ma trong cỗ máy. Nhưng từ đó về sau, các nhà thần học Kitô giáo và nhiều người khác đã tìm thấy nơi Descartes nhưng giải thích thuyết phục, giúp họ duy trì thế đứng vị trí của linh hồn trong thế giới con người.

Một loạt những thí nghiệm về các con chuột và một hệ thống đường hầm chằng chịt, vốn là những thí nghiệm có trước các nhà triết học, đặc biệt là lĩnh vực tâm lý học, đã đánh thức nhiều người trong việc đi tìm chân dung thật sự của cõi ý thức. Những thí nghiệm này đã thúc đẩy việc hoàn thiện các phương pháp thí nghiệm và quá trình thăm dò điều tra. Ngoài ra các thí nghiệm này còn kích thích niềm tin cho rằng tất cả mọi hiện tượng trong đời sống đều có thể được phân tích thành những bộ phận đơn vị cơ bản nhỏ hơn. Người ta bắt đầu tin rằng tương quan tác động giữa các bộ phận này được điều khiển bởi một định luật có thể khám phá bởi các hệ thống luật tự nhiên.

Tiếp theo đó một nhà tâm lý học người Đức của thế kỷ XIX, cũng là một nhà khoa học của Đại học Harvard tên là William James đã gánh vác những nghiên cứu về ý thức trong một thời gian thật dài, đáng chú ý nhất là cuốn sách của ông. Các nguyên lý trong tâm lý học, được viết vào năm 1890.

Nhưng một điều thật khó hiểu xảy ra ngay sau đó; song song với việc xuất bản cuốn sách, ngành Tâm lý học đã bất ngờ bỏ hẳn việc kiểm tra và khám phá về ý thức. Họ rất thất vọng với những điều tìm thấy trong quá trình phản tỉnh từ nội tâm. Làm sao chúng ta có thể viết những báo cáo rất chủ quan của con người về những kinh nghiệm riêng tư trở thành những đối tượng khoa học khách quan? Từ đó các nhà tâm lý bắt đầu đi theo dấu chân của nhà bác học lừng danh Nga Ivan Pavlov và John Watson trong cố gắng khám phá ý thức qua những đại lượng có thể quan sát được là hành vi của chúng ta.

Với những ai không thích thí nghiệm qua chuột, người ta tìm thấy nơi Sigmund Freud những hấp dẫn khi ông giới thiệu khái niệm vô thức của con người. Freud đã đưa ra những khái niệm rất thuyết phục và sau đó hơn nửa thế kỷ, các nhà tâm lý đã chọn lựa giữa đi theo nhánh hành vi hoặc họ sẽ chọn đi theo học thuyết phân tích tâm lý. Thế là các tâm lý gia bỏ hẳn việc nghiên cứu và khám phá về ý thức. Họ giao nhiệm vụ quan trọng này cho các nhà triết học.

4. Sự góp mặt của máy điện toán

Thật chậm rãi nhưng những phát triển của máy điện toán sau đó đã đem đề tài ý thức này trở về với tranh luận. Sự phát minh ra phần mềm lập trình được kiểm soát bằng máy điện toán đã khai sinh ra một lĩnh vực khoa học mới: Ngành trí thông minh nhân tạo. Đấy là một ngành khoa học điện toán chuyên tâm vào việc chế tạo máy móc có khả năng thực hiện những thao tác đòi hỏi trí thông minh. Chính sự ra đời của lĩnh vực khoa học mới mẻ này đã kích thích ngành Tâm lý trong việc đi tìm những nguyên lý chung về các quá trình thao tác tinh thần. Từ đó nhánh tâm lý học tư duy ra đời.

Một điều quan trọng đáng kể là những nghiên cứu khoa học về ý thức không phát triển ở giai đoạn trước vì thiếu hẳn các phương tiện khoa học kỹ thuật cần thiết. Ngày đó, vào thời điểm của Freud và Pavlov, chúng ta chưa có máy móc hiện đại để có thể quan sát những phản ứng hoạt động của não khi một cá nhân nhìn thấy màu đỏ hay màu trắng; hoặc chưa có máy ghi lại phản ứng của điện đồ não khi con người cố gắng tập trung học thuộc lòng một số điện thoại mới. Ngày nay khoa học kỹ thuật đã cho phép các nhà khoa học quan sát phản ứng của não khi một cá nhân vận dụng ý thức để xử lý các thông tin.

Khoa học kỹ thuật cho phép các nhà khoa học vẽ được bản đồ chính xác những vùng phản ứng của não cũng như những dụng cụ máy móc cho phép các nhà khoa học đọc được những phản ứng của não, bao gồm cả kỹ thuật rọi hình từng phần bằng vi tính, đọc được điện tích dương thoát ra từ kỹ thuật rọi hình từng phần, đọc và quan sát hình ảnh qua kỹ thuật nội soi âm từ, quan sát chức năng hình ảnh qua kỹ thuật nội soi âm từ, máy đọc và ghi biểu đồ não…Những dụng cụ này đã cho phép việc khám phá ra toàn bộ cấu trúc, lối làm việc và những vận hành của não. Các trang thiết bị mới này cho phép các nhà khoa học tìm hiểu não mà không cần phải mổ xẻ. Một thiết bị mới là máy kích thích từ trường bên trong não đã cho phép các nhà khoa học can thiệp các hoạt động của bán cầu não có chức năng điều khiển những nhiệm vụ đòi hỏi cần có ý thức.

5. Cấu trúc vận hành của não

Tuy nhiên trước khi có sự xuất hiện của loại máy móc này, vào thập kỷ 40, một nhà khoa học Canada tên Donald Hebb đã giới thiệu một giả thuyết uyển chuyển của mình: Một số tế bào não khi hoạt động với nhau qua mô thức phản ứng dây chuyền tiếp nối bằng cách chuyển đổi các điện tích trên thân tế bào thần kinh tạo thành những liên minh tế bào. Quá trình này xảy ra khi não tiếp nhận những tín hiệu dữ kiện đến từ môi trường xung quanh. Sau đó những tín hiệu này được tổ chức thành những khái niệm có ý nghĩa nội dung nhất định và tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi quá trình liên minh tế bào kết thúc. Đơn giản hơn đây chính là quá trình hình thành trí nhớ. Khi có những dữ kiện tín hiệu tương tự xảy ra, những liên minh tế bào này sẽ được tập hợp và não có thể truy cập các dữ kiện đã được lưu trữ trong tâm thức. Đây là những nền tảng cơ bản của cấu trúc thần kinh–sinh lý của tư tưởng. Hebb đã kết luận: đây là những hoạt động phản ứng chuỗi của những nhóm liên minh tế bào.

Cốt lõi của giả thuyết này là những tế bào thần kinh trong phản ứng dây chuyền liên kết với nhau đã trở thành ý tưởng quan trọng then chốt đối với những nhà khoa học thần kinh hàng đầu trong suốt thời gian hai mươi năm qua. Như thế sẽ không quá quắt lắm khi chúng ta hỏi các nhà khám phá rằng những giải mã về điều bí hiểm như thế liệu có thể đơn giản hóa ý thức thành những bộ phận đơn vị nhỏ bé nhất? Hoặc ít nhất chúng ta có thể hiểu được hệ thống cung cách làm việc của ý thức – thông qua nhiều hệ thống tế bào thần kinh.

Trong số những nhà nghiên cứu về lĩnh vực táo bạo này khi giải thích cấu trúc vận hành của ý thức đã có một vài người đạt giải thưởng Nobel. Và họ cũng là những người đã thay đổi lĩnh vực nghiên cứu từ các ngành khoa học khác chuyển sang nghiên cứu về ý thức, và họ đặc biệt có những đam mê sâu sắc đối với khu vực này.

Gerald Edelman là người đoạt giải thưởng Nobel năm 1972 trong lĩnh vực miễn dịch học và ông sáng lập ra Viện khoa học thần kinh nằm phía tây của Viện Salk tại La Jolla. Edelman mở học viện này năm 1981, đối diện với học viện Rockefeller ở New York nhưng sau đó tọa lạc tại La Jolla vào năm 1993. Tại đây ông còn giữ chức vụ giám đốc ban thần kinh sinh học của Học viện Nghiên cứu Scripps, đối diện với Học viện Khoa học thần kinh. Ông là một người nói năng lưu loát về âm nhạc, nghệ thuật, triết học cũng giống như ông nói chuyện về khoa học. Đam mê đầu tiên của ông là đàn vĩ cầm, nhưng ông lo lắng rằng mình không có đủ tố chất trở thành một người nghệ sĩ biểu diễn có tài – thế là ông quyết định đi theo con đường y học, sau đó ông tập trung vào nghiên cứu. Ông cho rằng Thuyết tiến hóa (Theory of evolution) của Darwin đã cung cấp nền tảng để ông nghiên cứu về cấu trúc của các chất kháng thể và đây cũng là nền tảng trong học thuyết của ông về sự chọn lựa các nhóm tế bào thần kinh có liên hệ đến phạm trù ý thức. Ông kể rằng ông có nguyện vọng đem quá trình chọn lọc áp dụng với các tế bào thần kinh trong tiến trình xây dựng ý thức.

Eldeman viết rất nhiều sách về lĩnh vực ý thức. Ông đã khám phá ra nhiều cách khác nhau minh họa hoạt động của những mạch tế bào thần kinh. Theo Eldeman, trong các giai đoạn phát triển từ khi trẻ em còn nằm trong bụng mẹ, nhiều nhóm tế bào não liên kết lại với nhau một cách có tổ chức; có thể được khoanh vùng lại thành khu vực bản đồ, tuân theo những định luật di truyền học. Sau đó chính kinh nghiệm thu thập được từ môi trường sống đã tiếp tục củng cố những chức năng đặc biệt của các nhóm tế bào não này hoặc làm suy giảm đi những liên kết của chúng. Kể cả việc sẽ có những nhóm liên kết tế bào mới sẽ được sinh ra – dựa trên những nhu cầu bên trong cơ thể hay đến từ thế giới bên ngoài, nhất là khi những tổ hợp tế bào thần kinh mới này cung cấp hiệu quả có lợi cho cơ thể nhằm xử lý phù hợp với điều kiện sinh hoạt trong môi trường.

Edelman nói rằng: Quá trình diễn ra liên tục song song giữa những tín hiệu tại các vùng khác nhau của bản đồ não bộ, đồng thời cùng diễn ra với những mạng liên kết thuộc hệ thống cấu trúc của não là khung cơ bản tạo cơ hội để các nhóm tổ hợp tế bào thần kinh liên kết lại. Hoạt động của các nhóm tế bào thần kinh từ những khu vực bản đồ có mối quan hệ gần gũi với những đối tượng vật thể vốn trực tiếp nối kết với trí nhớ. Khung cơ bản sẽ điều khiển các phản ứng liên kết giao thoa và cũng là những kinh nghiệm đặc trưng rất khác nhau. Chẳng hạn như ký ức về một hoạt cảnh nằm trong hệ ý thức mà các nhà nghiên cứu gọi là một hiện tượng đặc trưng.

Liệu nền tảng cơ bản của quá trình sinh–hóa học được coi là đã điều khiển những hiện tượng đặc trưng có đủ sức thuyết phục và cung cấp cho chúng ta kết luận về tất cả những kinh nghiệm của nhân loại. Vậy, kinh nghiệm tinh thần đòi hỏi đến những lý luận ý thức cao cấp có liên hệ đến khái niệm cảm giác về ý thức bản thân và ngôn ngữ sẽ được giải thích như thế nào đây? Edelman cho rằng con người có hai hệ ý thức. Ông nói chúng ta đã tiến hóa để có những cấu trúc ý thức làm nền tảng cơ sở cho ngôn ngữ phát triển. Ông nói: Nhưng kể từ khi con người phát hiện ra các luật lệ cấu trúc văn phạm trong ngôn ngữ, tất cả mọi điều không rõ ràng nhầm lẫn sẽ biến mất.

Mọi sinh vật – trong cố gắng đi xa nhất của mình chỉ cho phép chúng hiểu được những biểu tượng bằng cách sử dụng ý thức. Đời sống sinh vật không thể nào hoàn toàn được phân tích thành những bộ phận đơn vị quá nhỏ. Hiện tại Edelman có 36 nhà nghiên cứu cùng làm việc tại Viện nghiên cứu của ông trong việc chế tạo ra một bộ máy robot có khả năng nhặt lên những vật thể chúng muốn và tránh không nhặt lên những đồ vật chúng không muốn. Máy robot này hoạt động hoàn toàn không dựa vào một hệ thống hướng dẫn đã được lập trình sẵn mà do các máy này học được từ kinh nghiệm bản thân của chúng qua những khả năng biết thay đổi biết sáng tạo và củng cố những kinh nghiệm này. Đây là thế hệ máy robot mới thỉnh thoảng chúng có thể tự thay thế những vi mạch thần kinh tổng hợp nhân tạo trong phần mềm, thông qua những lần nhặt đúng vật thể chúng muốn hoặc nhặt lầm vật thể chúng không muốn.

Edelman nói tiếp: Những loại máy dựa vào mô hình não người sẽ xuất hiện nếu ý thức là một quá trình vật lý tuân theo luật tự nhiên. Theo như lời của ông, ít nhất chúng ta có thể mong đợi một khả năng khả thi trong tương lai sẽ xảy ra. Chúng ta có thể chứng kiến những thế hệ robot có bộ xử lý thông minh như người.

Một nhà khoa học được giải thưởng Nobel khác là Francis Crick, người đã chuyển quá trình nghiên cứu về ý thức qua ngả khác có thể giải thích một cách dễ hình dung hơn trong việc sử dụng khoa học để khám phá về lĩnh vực ý thức nơi con người. Ông là người đã cùng James Watson khám phá về hai nhánh xoắn cấu trúc của DNA (double helical structure of DNA). Sau hai thập kỷ tìm ra khám phá bước ngoặt vào năm 1953 ấy, ông đã có những đóng góp rất lớn vào sinh học phân tử và sinh học phát triển. Năm 1976, Crick rời Đại học Cambrigde để đến Viện Salk tham gia một đề án đã khiến ông rất hào hứng mê say từ những năm đầu thập kỷ 50: Nền tảng cơ bản sinh học của ý thức.

Không lâu sau đó ông làm việc với Christof Koch, một nhà khoa học trẻ tuổi người Đức đầy hứa hẹn. Koch là người được đào tạo chuyên môn vật lý và có một đam mê đặc biệt với các tế bào thần kinh, các quá trình nhận thức và say mê môn thể thao leo núi. Hai nhà khoa học này đã bắt đầu lao vào một hành trình mà họ gọi là những liên hệ thần kinh của ý thức một tên gọi mà hai ông đã định nghĩa là. Những tập hợp đơn vị nhỏ nhất của các sự liên hệ tế bào thần kinh cho phép những phạm trù đặc trưng nhất định của nhận thức ý thức được xuất hiện.

Tên gọi cuốn sách Một Học Thuyết Bất Ngờ (The Astonishing Hypothesis) năm 1994 của Crick có câu đầu tiên viết rằng: Một Học Thuyết Bất Ngờ là điều viết về bạn, những niềm vui và đau khổ của bạn, những ký ức và cả những khát khao, những cảm giác về nhân vị cá nhân và ý chí tự do của bạn, thật ra chẳng khác gì hơn là những hành vi vốn là kết quả của một tập đoàn mênh mông những tế bào thần kinh và những phân tử hoá học liên kết chúng lại.

6. Hai hướng nhìn khác nhau

Mặc dù Crick qua đời vào năm 2004, Koch vẫn tiếp tục công cuộc nghiên cứu về đề tài này với Học viện Kỹ thuật California tại Pasadena. Trong tác phẩm của mình: Hành Trình Đi Tìm Ý Thức (The Quest for Consciousness), Koch đã phát biểu với một thái độ tự tin hơn cả người thầy của mình khi hai người tập trung vào các tế bào thần kinh. Ông không chỉ khám phá được sự liên hệ mà còn tìm ra nguyên nhân tạo ra ý thức. Trong buổi hội thảo lần thứ mười của Hiệp hội nghiên cứu Khoa học về ý thức tại Oxford, tổ chức ở Anh Quốc, Koch có vẻ rất xuề xòa và khôi hài khi nói với một cử tọa ba trăm nhà nhận thức học và các nhà triết học. Koch cho rằng ông có những khám phá rất thực tế có thể thực hiện được qua thí nghiệm.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx