sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 26 - Phần 2

Một trong những người chất vấn ông là nhà nghiên cứu về ý thức học khác đầy hứa hẹn là Susan Greenfield, giáo sư khoa ngành Dược học tại Oxford và là giám đốc của Học viện Hoàng gia Đại Anh ở London. Koch đã cho rằng một đặc tính đạo đức lớn nhất cần được quan tâm của ngành Sinh vật học thế kỷ XX là bộ máy về phân tử. Bà cho rằng Koch đã chối bỏ hẳn những lối nghiên cứu tiếp cận mang tính tổng hợp vốn có nhiều khu vực chưa được sáng tỏ. Koch cho rằng ông tin tưởng phải có những tế bào thần kinh với nhiệm vụ riêng biệt là nhân tố phục vụ xây dựng nên mục đích ý thức. Ông thừa nhận rằng có những cản trở rất thực, đó là việc chúng ta chưa phát triển được một kỹ thuật di truyền có khả năng chọn lọc trong việc kích thích hay ức chế hoạt động của nhóm tế bào thần kinh để tìm xem những tế bào thần kinh này có liên hệ đến những trạng thái ý thức khác nhau nơi con người.

Greenfeild cho rằng bà tìm thấy ở nơi Koch một kế hoạch thực hiện quá hạn hẹp đến độ cứng nhắc. Bà chú ý nhiều đến những nan đề lớn hơn như: chuyện khoảng cách giữa vô thức và ý thức, hay đúng hơn, một sự liên tục giữa hai trạng thái trên. Theo bà, ý thức là một đại lượng liên tục và có những cấp độ hoạt động khác nhau. Greenfield xác nhận bà rất chú ý đến tầm quan trọng của khái niệm tổ hợp liên kết các tế bào thần kinh – những hệ thống mạng lưới vươn xa và bao phủ lên toàn bộ bề rộng và bề sâu của hệ thống bộ não – đặc biệt là những cơ năng có mô hình điều tiết thần kinh hóa học.

Theo bà, các chất hóa học của bộ não đã kích thích hoạt động những hệ thống tổ hợp liên minh các tế bào này nhằm đạt được tình trạng thống nhất tập trung trong vòng thời gian ngắn hơn một giây đồng hồ – nhằm kích thích những hoạt động của những tổ hợp liên minh các tế bào khác (có liên hệ gần gũi về mặt nội dung và chức năng). Những cơ năng có mô hình điều tiết thần kinh là những chất hóa học của cảm xúc, tâm trạng, cảm giác. Trong tác phẩm của mình có tên Đời Sống Riêng Tư Của Bộ não (The Private Life of the Brain) bà đã viết rằng: Cảm xúc là hình thái căn bản nhất của ý thức.

7. Ý kiến trung lập

Đứng giữa hai khu vực chưa hẳn sáng tỏ lắm, nhiều người nhìn nhau và hỏi liệu họ có nhìn thấy cách lý giải của hai người có những luận điểm thuyết phục rằng cả hai đang đi cùng một hướng?

David Galin, một nhà thần kinh tâm thần học và cũng là giáo sư của Đại học California ở San Francisco phát biểu rằng các nhà nghiên cứu thường vội vã trong việc giải thích về lĩnh vực ý thức dựa trên những nền tảng học thuyết của mình mà họ có khuynh hướng cho rằng đấy là học thuyết có cơ sở. Ông cho rằng vì vội vã nên nhiều nhà học thuyết thiếu hẳn những khảo sát cần thiết trước khi đi đến những giải thích kết luận khách quan. Ông nói: Con người thường coi ý thức như một vật thể hay là một hệ thống tạo ra những hiện tượng, hoặc họ coi ý thức là một cơ năng trung tâm điều khiển những vận hành được áp dụng - và đây là những phạm trù khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Hiện tượng kinh nghiệm vốn khó giải thích là điều nhiều nhà triết học hiện đại khi khảo sát những mối liên hệ về ý thức đã nhận ra nan đề khó khăn. Đây là một phạm trù nghiên cứu luôn gặp phải những nan giải từ ngay thời kỳ đầu tiên. David Chalmers, hiện là một giáo sư tại Đại học Quốc gia Úc được nhiều người chú ý đến về bài nói chuyện của ông vào năm 1994 tại hội thảo tổ chức hai năm năm lần ở Tucson, Tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ. Tại đây, hai tạp chí chuyên ngành về ý thức và Trung tâm Nghiên cứu về ý thức thuộc Đại học tiểu bang Arizona mà ông làm giám đốc năm 1997 đã ra đời. Hiện giờ Trung tâm này được điều khiển bởi Stuart Hameroff – một giáo sư dạy môn gây mê học.

Chalmers đã gây ra nhiều tranh cãi tại Tucson khi ông giải thích vấn đề hóc búa của ý thức. Theo ông, nan đề xoay quanh lĩnh vực ý thức xảy ra khi chúng ta nghĩ hoặc nhìn một vật. Khi tiếp cận với tín hiệu dữ kiện, sẽ có một tiếng kêu của sự bật nút xử lý thông tin. Ngay lúc đó sẽ có một đại diện chủ quan – đây là kinh nghiệm của chúng ta. Khi ta nhìn một vật, chúng ta thường liên hệ vật đó với kinh nghiệm qua kênh cảm giác thị giác. Ví dụ, giá trị ta cảm nhận được về màu đỏ, kinh nghiệm về bóng tối và ánh sáng, kinh nghiệm về độ sâu… Đây là những phạm trù kinh nghiệm thuộc hệ thống thị giác.

Ông cho rằng chúng ta có kinh nghiệm cảm giác đau đớn đến từ cơ thể qua những cơ quan đảm trách cảm giác đau đớn là xúc giác. Những hình ảnh trong đầu được hình thành bên trong hệ tâm thức; hoặc là những cảm nhận về một gam xúc cảm liên hệ đến đau đớn. Nếu có một tín hiệu quen thuộc, ta trải qua kinh nghiệm một dòng ý thức về cảm giác đau đớn sẽ đến. Theo ông, tất cả những gì liên quan đến cảm xúc và ý thức đều đến từ kinh nghiệm.

Theo Chalmers, vấn đề sẽ đơn giản hơn khi ý thức có những khả năng có thể phân biệt được kích thích hay những báo cáo thông tin khác nhau đến từ môi trường. Tuy nhiên có nhiều phạm trù lĩnh vực không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong con người và điều này đã khiến cho những điều Chalmers nói trở thành một điều kỳ bí. Khi viết cuốn Tâm Thức Ý Thức: Đi tìm một Học thuyết Căn bản (The Conscious Mind: In Search of a Fundamental Theory), ông đã tranh luận rằng: ý thức phải được đánh giá và cân nhắc như một phạm trù đặc biệt như không gian, thời gian, hay trọng lực – và chỉ có thể được giải thích bằng những quy luật tâm–vật lý.

8. Ảnh hưởng từ Darwin

Vài nhà học thuyết nhận thức trong đó Danuel Dennett, một giáo sư triết học từ Đại học Tufts cho rằng Chalmers đưa ra những giải thích về khái niệm ý thức vốn có thể hiểu được trở thành một vấn đề to tát không thể nào hiểu được. Với cố gắng nhằm giải thích về tất cả những tiểu tiết nho nhỏ, Dennett cho rằng chúng ta có thể giải quyết hoặc chẳng thể giải quyết được. Ông là người không có thiện cảm với ý tưởng hai bộ phận tâm hồn – thể xác cùng tồn tại. Ông viết cuốn Phá Bỏ Lời Nguyền (Breaking the Spell) trong đó ông viết tôn giáo là một hiện tượng tự nhiên đã khiến nhiều tín đồ nổi giận khi ông sử dụng thuyết của Darwin để cắt nghĩa những xung động tôn giáo.

Dennette cho thấy ông rất tự tin trong vị trí của mình. Với ông, ý thức là sự nổi tiếng trong bộ não. Ông tin rằng có rất nhiều trạng thái ý thức có thể xảy ra, có rất nhiều những tổ hợp các tế bào thần kinh đối chọi với nhau, tranh nhau muốn được trở thành vị trí ngôi sao. Nhưng chỉ có một số ít trong số những tổ hợp tế bào thần kinh là thành công. Ông cho rằng chỉ có những tổ hợp thần kinh đi theo mô hình thuyết Tiến hóa của Darwin sẽ thành công. Ông cho rằng một sai lầm lớn khi chúng ta thường có khuynh hướng suy nghĩ rằng sẽ có những khái niệm bản thân đang ngồi chờ sẵn trong hệ tâm thức (não) sẽ quan sát, điều khiển và hướng dẫn chúng ta. Ông nói: Đậy là những suy nghĩ lề thói cũ có hại trong cuốn sách Ý thức được giải thích (Consciousness explained) của ông vào năm 1991.

Khi được hỏi nếu như ý tưởng của ông đã được bảo vệ và chứng minh là đúng bởi nghiên cứu trong vòng mười lăm năm trở lại đây, ông trả lời một cách thật chắc chắn rằng: Ý tưởng muốn được nổi tiếng trong não và những quá trình tranh giành giữa các nhóm tổ hợp tế bào thần kinh là một ý tưởng khá thuyết phục – bây giờ chúng ta có thể thảo luận về những điều kiện thuận lợi cho quá trình cạnh tranh, chúng xảy ra ở đâu, tại sao chúng xảy ra và chúng sẽ xảy ra như thế nào?

Càng nói chuyện với ông, ta càng nhận ra ông hứng thú với những điều kiện thần kinh–sinh lý học cho phép những quá trình cạnh tranh giữa các bộ tổ hợp tế bào thần kinh thắng cuộc chính là ý thức cấp cao. Ông nói: ngôn ngữ thay đổi tất cả – nghe có vẻ rất gần gũi với Edelman. Khi hỏi ông phải chăng điều đó có ý nghĩa được cấu tạo bởi biểu tượng vốn là một dạng ý thức. Ông trả lời không phải như thế. Ông nói thêm: Từ rất nhiều năm nay ông luôn ám chỉ rằng bộ não con người là một cỗ máy có một hệ thống qui luật luôn hoàn thiện để trở thành một cỗ máy có ý nghĩa. Đây là cách Dennett ngụ ý muốn nói rằng ý thức được tạo ra một cách có trật tự, là những cách diễn đạt có cấu trúc qui định về những giá trị chúng ta tiếp cận từ thế giới bên ngoài và biến chúng thành có ý nghĩa. Ý thức tự bản thân nó không có ý nghĩa – và ý thức không cần thiết phải có ý nghĩa.

Và để giải đáp về khái niệm ý nghĩa của mình, Dennett đã giải thích bằng cách diễn tả những bất đồng khác biệt giữa ông và các nhà triết học khác về ý thức như John Searle, tác giả cuốn Ý Thức Được Khám Phá Lại (The Rediscovery of Mind) như sau: một khi chúng ta hiểu ra sẽ có một cái máy biết chọn lọc và có thể hiểu sát nghĩa, một sinh thể biết chọn lọc và tiếp cận ý nghĩa – đến lúc đó chúng ta hãy nói chuyện về ý thức. Đây thật ra là cách nói vòng vo từ ý tưởng của John Searle rằng, nếu không có ý thức sẽ không có ý nghĩa và như thế ý thức có trước tiên và mọi ý nghĩa đều vô nghĩa nếu không có ý thức.

Theo Dennett thì không cần ý thức vẫn có ý nghĩa, chẳng hạn như ở loài động vật nguyên sinh. Vì nơi các loài động vật nguyên sinh này chúng chỉ cần có những phản ứng thích hợp với điều kiện từ môi trường để duy trì được trạng thái cân bằng trong đời sống – đó là sự xuất hiện của ý nghĩa.

9. Điều gì sẽ xảy ra?

Chúng ta sẽ chỉ là những cái máy tồn tại, nếu như đấy là những ý nghĩ căn bản đem đến từ những phản ứng thích hợp với dữ kiện vì nhu cầu sinh tồn. Nhiều người lo lắng rằng chuyện nghiên cứu về ý thức là một đề tài có thể phá hủy đời sống tinh thần. Và nếu như ý thức – nhất là những hệ ý thức cao cấp – tồn tại chỉ nhằm để phản ứng lại vì nhu cầu phải sống. Như thế chúng ta sẽ chẳng khác gì những cỗ máy tồn tại trong tiến trình tiến hóa mà Darwin đã đề cập. Vậy các đại lượng tinh thần khác như giá trị, mục đích, tự do, ý nghĩa cá nhân; vốn là những ý tưởng tinh thần quan trọng với đời sống con người; nhất là đối với những con người có đời sống đức tin sẽ có ý nghĩa gì?

Khám phá về ý thức như một phản ứng sẽ làm suy giảm đi những giá trị tinh thần – và như thế ý thức thật ra chỉ có ý nghĩa giúp chúng ta sống sót trong những tháng ngày tiếp cận với thế giới, thiên về vật chất nhiều hơn về tinh thần. Những tư tưởng về đời sống tinh thần siêu nhiên vốn là những giá trị được tôn giáo nâng niu sẽ trở nên càng ngắn ngủi rời rạc (nhưng có thể hàn gắn lại khi cần). Đó là trong cách nhìn của các nhà khoa học trường phái Phân tích.

Vậy cứ theo đà này; khi chúng ta cố gắng đi tìm ý nghĩa thật sự của ý thức, liệu đời sống đức tin siêu nhiên có bị phá hủy không? Có hai lý do để bảo đảm rằng những lo lắng như thế dường như không có cơ sở. Thứ nhất, khoa học; nhất là khoa học phân tích thường chất vấn một cách hợp lý và thuyết phục vốn có những thu hút đáng kể trong thế kỷ XX. Ngành Vật lý vật chất đề nghị rằng việc đi tìm một căn nguyên tối hậu trong việc chia nhỏ và chia nhỏ hơn vật chất là một điều mạo hiểm không thể nói trước được.

10. Ngành Vật lý lượng tử

Càng phân tích vật chất thành những bộ phận nhỏ hơn, chúng ta sẽ có thêm những dữ kiện để nhận ra vật chất không còn thuộc về thế giới vật chất nữa. Chúng ta sẽ khám phá ra chúng hoàn toàn không còn tuân theo qui luật khởi thủy của vật chất năng lượng. Ví dụ như trong cơ năng lượng tử đã chứng minh được những sóng và chuỗi hạt cực nhỏ; nhỏ hơn cả cấp nguyên tử, đã đề nghị rằng dạng tĩnh của sóng và chuỗi hạt cấp độ nhỏ như thế, qua quan sát, ta sẽ thấy chúng đứng lại ở những giai đoạn khác nhau trong tình trạng hiện diện của chúng.

Ở cấp độ này, người quan sát sẽ đưa ra nhiều câu hỏi thú vị về năng lực của ý thức nơi con người, không phải để định nghĩa mà là để tìm ra ảnh hưởng tác động của ý thức lên thế giới vật chất – trong đó bao gồm có cả khối não vật chất của chúng ta. Khám phá qua công trình nghiên cứu của Henry Satpp, một nhà vật lý lượng tử tại phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley ở Califotnia đã có những đóng góp đáng kể. Ông đã tranh luận, như trong cuốn sách của mình: Ý Thức, Vật Chất Và Cơ Năng Lượng Tử như sau: kinh nghiệm ý thức không chỉ là một sản phẩm của những hoạt động dưới sự điều khiển của não mà là một quá trình tác động giao thoa trong đó trạng thái quan tâm tập trung và cố ý của tâm thức đang quan sát sẽ có những ảnh hưởng lên não. Với một số nhà phân tích sinh học, đây là mô hình tác động từ trên đi xuống hay là mô hình [ý thức – não] vốn là ý tưởng mới mẻ, nhưng sự xuất hiện có vẻ rất thông minh của ý thức đã vượt quá cả giới hạn của các nhà vật lý lượng tử.

Không chỉ có cơ năng lượng tử mà một số nhỏ những ngành học khác như khoa học nghiên cứu các hiện tượng phức tạp đã đặt vấn đề ý thức vào một tình trạng mới hoàn toàn mạo hiểm khi cố gắng giải thích về mô hình nguyên nhân đi từ dưới lên. Galin đã vạch ra: cách giải thích ấy sẽ để quay ngược trở lại với truyền thống khi những hệ giá trị khái niệm của thời kỳ trước khi có khoa học. Các nhà khoa học vốn có mô hình giải thích nguyên nhân đi từ trên xuống. Nếu đào quá sâu và đây sẽ chính là những giải thích quy về nguyên nhân sau cùng của một quyền lực thần thánh hay một lực chuyển dịch duy nhất – một Đấng Sáng tạo mà ta quen gọi là Thượng Đế.

Trong quá trình suy nghĩ giải thích và đi tìm nguồn gốc của hiện tượng ý thức, nhiều người thời nay đã đề nghị chúng ta hãy nên đi xa hơn những mô hình nguyên nhân cấp bậc mà nên cân nhắc xem có phải nguyên nhân vận chuyển theo hai hướng từ trên xuống và từ dưới đi lên, có ảnh hưởng đến nhiều bậc cấp độ của những hệ thống ý thức phức tạp, vẫn được thiết kế bên trong những cấu trúc của một cơ thể.

Có thể sẽ thuận lợi nhiều hơn nếu chúng ta tin rằng ý thức hay tâm thức giống như nhà triết học Philip Clayton, giáo sư ở trường Đại học Cao học Claremont gọi ý thức là một tính năng khẩn cấp, một hệ thống phức tạp – trong đó giá trị liên kết tổng hợp của các bộ phận sẽ có hiệu năng phục vụ cơ thể lớn hơn là tổng số của những hiệu năng nhỏ của các bộ phận riêng rẽ cộng lại. Đây còn gọi là khái niệm liên kết tổng thể.

Theo Clayton (và có sự đồng ý của Stapp) thì yếu tố làm cho ý thức con người được thêm phần sung mãn đó là khả năng đặc biệt của con người trong quá trình thể hiện, hiểu biết, chuyển nghĩa, thông dịch và lý giải các đối tượng của chính những điều mình đang ý thức. Và ở con người, ý thức vốn là một khả năng cho phép họ có quyền quyết định, chọn lựa giữa những giá trị đại lượng, hoặc chủ động bắt đầu những thao tác, rồi chọn lọc, tiếp tục rút kinh nghiệm, tạo nên những chu kỳ kinh nghiệm sinh tồn với những tác nhân liên hệ.

Chó mèo không nghĩ về điều chúng đang nghĩ. Còn con người – chẳng hạn như bạn – bạn đang nghĩ về điều bạn nghĩ – nhiều tư tưởng xếp hàng để đến một lúc nào đó các tư tưởng sẽ nối kết tạo ra một khái niệm có ý nghĩa để bạn có thể tiếp tục ứng xử những điều tiếp theo.

Theo Clayton, tâm thức lớn hơn tổng số hiệu năng của những bộ phận nhỏ hơn cộng lại; hay khái niệm liên kết tổng thể bởi vì khả năng vận hành ý nghĩa ngôn ngữ thường không tuân thủ theo quy luật ngữ pháp hoặc có mô hình như máy điện toán ta đã nghe Dennett mô tả. Tâm thức nơi con người không đơn giản là một bộ máy phản ứng lại những kích thích đến từ môi trường bên ngoài được điều khiển duy nhất bởi những tác nhân vật chất phục vụ cho đời sống. Tâm thức – đặc biệt là ý thức cao cấp – là khả năng phân tích của lý trí, có những liên hệ rất lớn đến quá trình tạo ra ý nghĩa. Phần lớn trong chúng ta, nếu không hoàn toàn do khả năng độc lập của tâm thức thì cũng là do khả năng sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt những gì tồn tại trong môi trường sống.

Ở những cấp độ cơ bản của thực tế đời sống, ta thấy sẽ có nhiều liên hệ thông tin nhiều hơn là vật chất. Và như vật lý lượng tử đã đề nghị, ý thức có thể là khu vực giao thoa chung giữa thế giới lượng tử căn bản của thông tin và thế giới vật chất cổ điển vốn có thể dễ được truy cập từ những cảm giác của chúng ta. Ít nhất, đấy là một học thuyết được được xây dựng bởi hai nhà vật lý học Oxford: Roger Penrose và Hameroff.

Penrose là người có ý tưởng đầu tiên nhưng gặp phải một nan đề gay cấn, chẳng hạn khi chúng ta hiểu toán học không tuân theo một hệ thống luật định (theo mô hình của máy điện toán) mà phải hiểu theo ý nghĩa của khái niệm toán học. Để xử lý nan đề này, Penrose đã giới thiệu một kiến nghị cho rằng ý thức là một quá trình tính toán lượng tử trong đầu chúng ta, một sự tan rã cực nhỏ của thông tin lượng tử chuyển sang một dạng thông tin cổ điển đã diễn ra ở cấp bậc các tế bào thần kinh.

Quá khâm phục bởi ý tưởng của Penrose, Hameroff đã chủ động tiếp cận Penrose với đề nghị rằng địa điểm diễn ra sự tan rã cực nhỏ có thể xảy ra ở một cấp độ vi mô tại các mấu vi mô, một trong những cấu trúc chất đạm giống như mô hình ở máy vi tính cài bên trong những tua của mỗi tế bào thần kinh và bên trong tất cả mọi tế bào khác.

Mặc dù các học thuyết này vẫn còn rất xa cách với những biện pháp đo đạc và có thể chứng minh được, nhiều nhà khoa học thần kinh vẫn lạc quan. Trong đó có cả Koch vẫn cười đùa khi người khác cho rằng học thuyết của mình là không thể kiểm chứng được. Hameroff đã liệt kê ra hai mươi tiên liệu có thể kiểm tra được và ông cho biết một số những tiên liệu ấy đã được chính thức công nhận. Càng rộng hơn, lối khai phá mà Penrose và Hameroff đã mở ra đã được thám hiểm bằng một phương pháp khác bởi các nhà vật lý khác, như Stapp chẳng hạn. Stapp đã đề nghị rằng ý thức rất khác xa với một mô hình máy móc được thiết kế một cách tinh vi nhằm phục vụ nhu cầu sinh tồn hay là một cái máy vi tính cực nhanh được cài đặt bên trong chúng ta.

11. Từ góc nhìn tôn giáo

Thay vào đó, những người chống lại các cố gắng phân tích tâm thức thành những bộ phận nhỏ hơn đã được ủng hộ bởi khái niệm cho rằng có một hệ thống phức tạp sâu sắc với khả năng tạo ra những hành vi có chủ ý và khả năng khám phá sáng tạo liên kết với các trật tự nằm sẵn bên dưới hệ thống tâm thức của mỗi cá nhân. Đấy là quá trình tiến hóa có trật tự. Vì thế tâm thức có thể khác về cấu trúc (qua nhiều thế hệ phát triển) nhưng vẫn giữ lại chức năng nguyên thủy. Theo Hameroff đề nghị, những trật tự này có một thế giới riêng, bao gồm những hình thái và tư tưởng mà Plato tin rằng luôn luôn ẩn phía sau thế giới mà chúng ta nhìn thấy một cách hạn hẹp.

Với bản thân tôn giáo, ta thấy có những ý tưởng mới mẻ ngụ ý ngăn cản những khám phá khoa học về lĩnh vực ý thức nhằm tìm hiểu về những nguyên lý và giáo lý cốt lõi. Malcom Jeeves, một giáo sư danh dự môn tâm lý của Đại học Thánh Andrew cho biết ông là một trong số nhiều người tin rằng các nhà khoa học nên trả khái niệm linh hồn trong Kitô giáo về với Descartes và Plato. Ông nói: Sự bất diệt của linh hồn thường được bàn đến và rất dễ bị hiểu lầm vì người Do Thái không ủng hộ linh hồn. Hơn nữa, Kitô giáo nguyên thủy không coi nặng đến sự bất tử của linh hồn mà tin vào sự sống lại của cơ thể. Nhưng chủ nghĩa Plato đã cài vào Kitô giáo tư tưởng bất diệt của linh hồn và đã có ảnh hưởng đến nhà tư tưởng học lớn của Kitô giáo là Augustine và John Calvin.

Trong cách nhìn của Jevees, khám phá mới mẻ của khoa học về ý thức, bằng cách cho thấy sự liên kết không thể tách rời được giữa hồn và xác đã giúp giữ lại khái niệm độc lập nguyên vẹn của một con người gần với Kitô giáo nguyên khởi. Giống như nhiều nhà thần học Kitô hiện nay đang nói: Con người không có linh hồn – họ là những linh hồn. Riêng Jevees có một cách nhìn thực tế trong tư duy mà phải nhiều thập kỷ sau những tín hữu Kitô mới theo kịp cách nhìn của ông về linh hồn. Và sự chấp nhận ấy không được nhìn thấy rõ bởi những nhà học thuyết trường phái Phân tích như Dennett hay Crick. Theo lời Jevees: họ đã phạm phải một sai lầm cơ bản khi thảo luận lệch hướng đi xa khỏi trung tâm của vấn đề.

Tuy nhiên Dennett và nhiều nhà khoa học nhận thức có cái nhìn của họ về khái niệm bản thân. Theo họ bản thân không phải là một người quan sát trong sân khấu ý thức mà là một bộ phận của nhiều mảng khác nhau, có liên hệ đến quá trình kiến tạo nên tiểu sử của một cá nhân. Nếu đây là một cách nhìn đúng đắn khi khái niệm bản thân và giá trị nhân vị; nhất là khi ý thức được coi là một bộ phận của những liên hệ với nhiều phạm trù – những cá nhân có niềm tin tôn giáo nhưng với cái nhìn mở rộng phóng khoáng sẽ có một khái niệm rất mới mẻ về linh hồn.

Nhiều người tin theo Kitô giáo hay những tôn giáo khác sẽ tìm đến với kho tàng khôn ngoan của đạo Phật, trong đó khái niệm bản thân được hiểu một cách đúng đắn là một chủ thể hay một thể vật chất nhưng là một chủ thể luôn trong trạng thái quá trình động năng. Như Galin đã viết trong một bộ sưu tập về Phật giáo và khoa học: Quá trình động năng này là một mạng lưới tịnh tiến xê dịch những liên hệ giữa nhiều bình diện không tồn tại mãi của một cá nhân, chẳng hạn như não thức, cách nhìn, lăng kính, ý tưởng và đam mê… Nói chung là chúng ta luôn thay đổi – dù rất ít người nhận ra...

Khái niệm bản thân là một chủ thể dễ bị nhìn lầm như một chủ thể cố định vì những nhãn quan khúc xạ của con người. Khái niệm không có linh hồn trong Phật giáo không có ý nói rằng bản thân không tồn tại, nhưng nói rằng đấy là một chủ thể không thể tách đôi hay phân chia thành các điểm chính.

Galin kiến nghị rằng bồi bổ lại ý tưởng về giá trị tinh thần có thể là cách tốt nhất để có một hiểu biết mới mẻ về bản thân trong thời đại hậu linh hồn – thể xác. Những kinh nghiệm giá trị tinh thần; theo ông, chính là một phần của khả năng con người để trải nghiệm mình là một chủ thể. Tuy được hiểu ngầm, nhưng ý thức luôn chứa đựng những trật tự giấu kín, sâu lắng hơn, đầy những liên hệ không thể diễn tả được qua những gì ta nhìn thấy hoặc được đem đến. Dù đó là kiến trúc của Nhà thờ Đức Bà (Notre Dame) hay những kỳ quan thiên nhiên tuyệt diệu của Vịnh Hạ Long. Trải nghiệm được những giá trị tinh thần là tìm thấy sự hợp nhất, hòa mình vào toàn bộ tổng thể những kinh nghiệm mà chúng ta đã tiếp cận. Galin đã đề nghị chúng ta nên nhìn về khái niệm bản thân của mình như giá trị tinh thần: Một cơ quan sống – hay là một bộ phận có chức năng liên hệ với toàn bộ cơ thể – chứ không phải là một bộ phận tách rời.

12. Kết luận

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu khoa học về ý thức đã có những bước khám phá mạnh dạn, bền bỉ và kiên nhẫn, nhắm đến hướng tìm hiểu kinh nghiệm của sự hợp nhất và những giá trị tinh thần nói chung. Một nhà nghiên cứu có triển vọng, Andrew Newberg, là giáo sư y học hạt nhân tại Đại học Pennsylvania, hiện đang điều khiển Trung tâm Tinh thần và Ý thức – một chương trình bao gồm nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau – đã đang mở một hướng phấn đấu đi theo một lĩnh vực mới: Thần học thần kinh học.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Ở một góc nhìn nào đó, đây là cột mốc đánh dấu sự trở về của truyền thống ở William James, người đã để lại những công trình quan trọng về nhiều kinh nghiệm tôn giáo phong phú. Những khám phá của Newberg và các cộng sự của ông, trong đó có Eugene D'Aquili, tuy chưa đạt được đẳng cấp như Williams James nhưng những cố gắng của họ đang chỉ ra một hướng đi đúng. Họ đã đề nghị rằng, nếu tôn giáo có thể học được vài điều có giá trị về sự hợp nhất giữa hồn và xác như nhìn thấy trong giới khoa học, như thế khoa học sẽ học hỏi và chia sẻ với tôn giáo về những mục đích sâu lắng nhất về ý thức của chúng ta.

Mong thay dù ở vị trí nào trên thế giới, dù ta nhìn cuộc sống bằng bất cứ lăng kính nào, chúng ta vẫn tìm thấy một giá trị rất chung trong hành trình kinh nghiệm làm người: Đó là quyền mà mỗi chúng ta luôn luôn có và không ai có thể lấy đi được: đó là quyền được hướng thiện, được sống sung mãn, được khám phá những giá trị tinh thần sâu lắng để tìm thấy sự phong phú của chính bản thân mình. Từ đó ta có thể nhìn thấy nhân vị cao cả của mình và của những người anh em xung quanh khác.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx