sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 27 - Phần 04

Co-researcher: Các nhà hiện tượng học có xu hướng nghiên cứu chung để cách nhìn của họ được gộp lại, tạo thành một sự hiểu biết toàn diện và phong phú hơn về một hiện tượng xảy ra trong thế giới tâm thức con người. Ngoài ra đây còn là khái niệm nhiều nhà nghiên cứu cộng tác với nhau trong một cuộc nghiên cứu.

Correlation: Sự liên hệ giữa hai đại lượng hoặc hai hiện tượng. Trong nghiên cứu, sự liên hệ có thể là liên hệ cùng chiều hay liên hệ ngược chiều. Liên hệ cùng chiều là liên hệ cả hai giá trị cùng tăng hoặc giảm. Liên hệ ngược chiều xảy ra khi một giá trị tăng dẫn đến giá trị kia giảm, hoặc ngược lại.

Countertransference: Liên tưởng. Đây là hiện tượng xảy ra trong trị liệu khi nhà trị liệu nghĩ rằng thân chủ là người thân của nhà trị liệu. Vì thế nhà liệu pháp cần cảnh giác để đi quá xa vào những quan hệ lệch tuyến này.

Cravings: Tham, sân, si. Đây là một khái niệm trong kinh Phật. Chính tham sân si là một trong những nguồn gốc của sự đau khổ mà chúng ta không nhận ra.

Creativity: Sáng tạo. Fromm tin rằng tất cả mỗi chúng ta đều có những khát khao đam mê vượt qua, chế ngự, và chinh phục những giới hạn của mình. Vì thế sáng tạo chính là kênh van xả để khả năng trí tưởng tượng của con người có thể thực hiện.

Creative values: Những giá trị sáng tạo. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến các nhu cầu sinh hoạt của một cá nhân nhưng có những ảnh hưởng gián tiếp quan trọng trong việc giúp cá nhân tìm thấy ý nghĩa sung mãn nhất trong cuộc đời của mình.

Creativity cycle: Chu kỳ sáng tạo cần đến hệ cấu trúc lỏng vì sáng tạo cần đến sự uyển chuyển và linh động. Người nghệ sỹ cần có cảm hứng tự do để sáng tạo. Vì thế khi bị kiểm soát, khả năng sáng tạo cao nhất sẽ bị kìm hãm. Nhất là những lúc tinh thần không được sảng khoái, nhà nghệ thuật không thể nào sáng tạo ở mức cao nhất được.

Creator: Người sáng tạo. Fromm tin rằng mỗi người trong chúng ta đều muốn là người tạo dựng. Chúng ta trồng trọt, sanh con, sáng tạo, giáo dục, hướng dẫn người khác. Đây chính là những ví dụ của mô hình một người sáng tạo.

Crisis: Khủng hoảng. Đây là trạng thái cá nhân rơi vào trạng thái bế tắc, không tìm thấy hướng xử lý và tình trạng bối rối lẩn quẩn tăng tốc khiến họ mất hẳn những định hướng cần thiết.

Cross: Dấu thập tự. Theo Carl Jung thì tâm thức con người có mô hình này. Quan sát dấu thập ta thấy có giao điểm và có những kênh vươn ra, chia tâm thức thành những khu vực khác nhau.

Culture: Văn hóa. Đây là một bộ phận quan trọng của môi trường sống. Các cá nhân luôn chịu ảnh hưởng gián tiếp và trực tiếp bởi nền văn hóa mà họ sống trong đó. Văn hóa chính là một đại lượng đặc biệt có những đặc tính: (a)những giá trị tinh họa được tồn tại qua nhiều thế hệ, (b) luôn luôn thay đổi và, (c) tiếp tục thay đổi.

Curious: Hiếu kỳ. Đây là một bộ phận quan trọng trong việc giúp chúng ta tìm tòi khám phá. Không có hiếu kỳ, chúng ta sẽ không có động cơ học hỏi và những kích thích cần thiết cho cảm hứng sáng tạo.

Cynicism: Chỉ trích sai lầm. Có thể là áp dụng với người khác và có thể là với chính bản thân mình.

Chữ D

Daimons: Những ông thần nhỏ. Theo Rollo May thì các ông thần nhỏ này đại diện cho những tư tưởng trong hệ tâm thức của chúng ta. Đây là một khái niệm được mượn từ thần thoại.

Damned: Kết án. Trong liệu pháp REBT của mình, Albert Ellis nhấn mạnh rằng không ai có thể đáng bị lên án và bị kết tội trong quá trình trị liệu. Vì thế thân thủ phải được các nhà liệu pháp đặc biệt tôn trọng với những giá trị nhân phẩm, dù cho họ có bất cứ hành vi tư tưởng như thế nào.

Damper: Vật cản hoặc tình trạng chi phối. Tất cá những cản trở trong quá trình tập trung sẽ làm giảm khả năng học tập qua cách quan sát. Nếu bạn buồn ngủ, mệt mỏi, phân tâm, say thuốc, lúng túng, đau ốm, sợ hãi, hay trong trạng thái quá khích, bạn sẽ không thể tiếp thu tốt được.

Danger of reductionism: Sự nguy hiểm của phân tích quá sâu và quá xa. Frankl đề nghị chúng ta không nên đào quá sâu về thế giới vi mô nội tại của chính mình cũng như những thế giới vĩ mô bên ngoài khác.

Dark side of ego: Bóng tối của cái tôi. Đây là nơi tập trung những hành vi và tư tưởng tiêu cực, nguồn gốc của những tư duy khúc xạ, thiếu lành mạnh.

Dasein: Liên tục hiện diện, cố gắng đeo đuổi, sinh tồn. Khái niệm này được dịch ra tiếng Anh từ tiếng Đức và có một ý nghĩa mới: Hãy ở đó. Đây là một khái niệm quan trọng của thuyết hiện sinh.

Deactivate the brain: Một số hoạt chất có thể ức chế não. Ngoài ra một số kích thích có thể ức chế quá trình phản ứng của não, nhất là những kích thích có cường độ cực lớn.

Death: Cái chết. Một bộ phận quan trọng luôn luôn chi phối các bộ phận khác của toàn bộ hệ thống tâm thức chúng ta.

Death instinct: Bản năng được chết. Đây là bản năng được giới thiệu bởi Sigmund Freud. Theo ông thì trong sâu thẳm chúng ta có khát khao được tìm đến bình an và thoát khỏi cuộc sống vốn có quá nhiều dao động và căng thẳng.

Debt: Mắc nợ. Đây là một cảm giác nhiều người trong chúng ta tỏ ra ân hận áy náy vì đã không làm tròn bổn phận, thiếu sót với mình và với người khác, chưa tận sức được và đã không nỗ lực phấn đấu đủ, nhất là khi họ nhận ra mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong quá khứ.

Decentering: Mở rộng cái nhìn. Đây là một khái niệm được Piaget giới thiệu. Đây là giai đoạn phát triển khi trẻ em đã vượt qua cột mốc "chỉ tập trung vào thế giới riêng" của các em.

Decision making: Rút ra một quyết định. Đây là một kỹ năng luôn được chúng ta sử dụng. Rút ra một quyết định cần đến khả năng phân tích, đánh giá, và phán đoán dựa trên những kinh nghiệm cá nhân cùng với những tiên liệu trong hoàn cảnh tức thời hiện tại.

Defense: Tự vệ. Đây là một hình thái cân bằng hệ tâm thức nội tại của cá nhân cũng như giữa cá nhân với điều kiện môi trường. Tự vệ xảy ra khi một cá nhân cảm thấy hệ tâm thức của mình bị đe dọa hoặc khi họ đối điện với những điều kiện không chắc chắn có thể có nguy cơ mạo hiểm. Tự vệ còn xảy ra khi chúng ta cảm thấy mình bị dồn vào hoàn cảnh không có lợi cho mình.

Defense mechanism: Cơ chế tự vệ. Đây là khái niệm được Sigmund Freud khởi xướng và được con gái ông là Anna Freud hoàn thiện. Đây là những hành vi được coi là thiếu lành mạnh khi các cá nhân sử dụng chúng để bảo vệ cho cái tôi của mình, thay vì trực tiếp xử lý tận gốc các nan đề có tính đe dọa. Cơ chế tự vệ được coi là nói dối với chính mình.

Degree of cooperation: Mức độ hợp tác. Đây là khái niệm cho thấy một cá nhân có thể cộng tác với mình và với người khác. Đây chính là thước đo khả năng chuyển biến và khả năng điều tiết của một cá nhân. Người có mức độ hợp tác cao sẽ dễ hội nhập và có thể điều tiết được khá linh động trong mọi trường hợp hoàn cảnh.

Delusion: Ảo tưởng. Đây là trạng thái tâm thức đi lạc quá xa và đánh mất khả năng liên hệ giữa bản thân và thực tế cuộc sống. Thường các cá nhân không nhận ra những yêu cầu thực tế và họ luôn đặt tâm thức của mình ở một thế giới khác.

Demands: Những yêu cầu cuộc sống. Chúng ta có nhiều dạng yêu cầu cuộc sống như nhu cầu tinh thần, tình cảm, sức khỏe, vật chất, các mối quan hệ…Và đôi lúc những yêu cầu này đòi hỏi nơi chúng ta những thử thách khá gay cấn. Vì thế nếu không có những kỹ năng đối phó, nhiều căng thẳng sẽ chuyển sang dạng khủng hoảng ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe tâm thần.

Demons: Ma quỷ. Đây là những ám ảnh luôn luôn được coi là hiện thân của những điều trái với hệ thống đạo lý và những nguyên nhân gây ra những hành vi tiêu cực khác. Thường ma quỷ có nghĩa là những cám dỗ và những ham muốn lôi kéo con người gây ra những hành vi có tính ác độc và ích kỷ.

Demonstrate: Thể hiện. Đây là sự củng cố những kỹ năng đã được học trước đó. Khi có cơ hội, những kích thích mà chúng ta học được sẽ có cơ hội được thực nghiệm. Đây chính là cơ hội để quá trình học tập biến thành quá trình thực hành.

Demystifiers: Những giải mã về điều bí hiểm. Đây là khái niệm của các nhà tâm lý nhân cách luôn cố gắng tìm ra những câu trả lời về hệ thống tâm thức của con người.

Denial: Cơ chế tự vệ chối bỏ. Đây là cơ chế gạt tất cả những hiện thực cuộc sống ra ngoài hệ tâm thức của mình. Họ nhắm mắt làm ngơ và hoàn toàn phủ nhận những hiện thực này.

Dependent type: Tuýp người lệ thuộc. Đây là tuýp người lệ thuộc quá nhiều vào người khác. Họ thường không có những quyết định cho cá nhân của mình. Họ rất sợ người khác xa lánh họ. Vì thế họ tỏ ra xúc động rất dễ khi người khác không quan tâm đến họ. Và cũng chính thái độ của họ đã khiến cho nhiều người phải tìm cách xa lánh họ.

Dependent variable: Đại lượng phụ thuộc. Đây là đại lượng chịu ảnh hưởng của một đại lượng độc lập khác. Ví dụ như buồn ngủ nên làm bài điểm kém. Điểm kém là đại lượng phụ thuộc vì điểm bài thi phụ thuộc vào lượng thời gian ngủ đầy đủ hay thiếu hụt.

Depressed: Trạng thái trầm uất do mất cân bằng các hoạt chất dẫn truyền trong não, do căng thẳng lo lắng qua lâu, do mất mát tổn thất, hoặc do mất hết hy vọng vào cuộc sống.

Depression: Bệnh trầm uất. Đây là một rối loạn tâm thần với những triệu chứng lâm sàng cụ thể như chán sống, mất ngủ, lo sợ, có ý định tự tử, và hiện tượng co cụm, không còn hứng thú trong cuộc sống nữa.

Dereflection: Tránh phản tỉnh. Frankl khuyến cáo chúng ta cần cẩn thận khi phản tỉnh và cần tránh những phản tỉnh quá sâu. Vì phản tỉnh quá sâu chúng ta có thể rơi vào tình trạng nhầm lẫn hoặc có thể đánh mất chính nhận định của mình.

Deserved: Xứng đáng. Đây là trạng thái một cơ thể tin rằng họ đáng được khen thưởng vì những cố gắng họ đã phấn đấu. Đây chính là một phần của những động cơ vươn lên.

Desire: Đam mê. Đây là một bộ phận quan trọng kích thích và cổ vũ chúng ta phấn đấu. Đây là một một bộ phận quan trọng trong sáng tạo. Ngoài ra đam mê còn là một nguồn năng lượng lớn giúp các cá nhân có tinh thần vươn lên và vượt khó.

Despair: Chán nản, thất vọng, vô nghĩa. Trạng thái này diễn ra khi các phương hướng kế hoạch xử lý không đem lại những tiên liệu tươi sáng. Đây là một hiện tượng khi cá nhân không nhận ra những giá trị nội tại của bản thân cũng như những giá trị tích cực trong cuộc sống chung quanh.

Despised: Tự chán ghét bản thân. Đây là một thái cực nguy hại vì dẫn đến những tư duy thiếu lành mạnh. Cá nhân cảm thấy bản thân mình đáng ghét vì họ không nhận ra những giá trị tích cực của bản thân. Họ bi quan vì họ luôn nằm trong trạng thái quá khó khăn khắt khe với chính mình. Họ là những cá nhân có nan đề với quá trình tự thưởng cho mình.

Desperate: Ngõ cụt hay bức xúc. Những cá nhân loạn thần kinh có nhu cầu được biết rõ về các sinh hoạt cụ thể của mình và nhu cầu này của họ thật cấp bách và khẩn thiết. Vì thế khi đối diện với những điều không chắc chắn rõ ràng, họ rất dễ rơi vào khủng hoảng. Tình trạng không có hướng xử lý và lối ra đã khiến họ bức xúc.

Destructive emotions: Cảm xúc hủy hoại. Đây là những cảm xúc hằn học, yếm thế, mặc cảm, lo sợ thái quá, những trạng thái cảm xúc không còn mang ý nghĩa tinh thần nhân văn. Những cảm xúc này có thể dẫn đến những hành vi và tư tưởng hủy hoại

Destructiveness: Sự hủy hoại, tàn phá, phá hoại. Điển hình là những hành vi độc hại như tự hủy hoại sức khỏe, cơ thể, nghiện ngập và những kênh phá hoại, gây rối, chà đạp lên quyền lợi của người khác.

Determinism: Chủ nghĩa trạng thái định sẵn. Đây là chủ nghĩa tin rằng thế giới chúng ta đang sống đã được định sẵn và những cố gắng của chúng ta có rất ít ảnh hưởng. Nhìn chung đây là một chủ nghĩa thiếu hẳn tính lạc quan.

Deterministic systems: Hệ thống được định sẵn. Theo Erich Fromm thì đây là một hệ thống đã được ấn định sẵn trong môi trường chúng ta đang sống.

Dethroned: Cảm giác bị truất phế. Đây là khái niệm do Adler giới thiệu khi trẻ em đầu lòng không còn được cha mẹ đặt trong vị trí quan tâm hàng đầu vì có sự ra đời của đứa em thứ hai.

Development stages: Các giai đoạn phát triển. Đây là mô hình được nhiều nhà tâm lý sử dụng. Chẳng hạn như phát triển tư duy trí tuệ, phát triển thể lực, phát triển trí thông minh, phát triển tâm tính dục, phát triển nhân cách xã hội, phát triển các nhu cầu.

Diagnosis: Chẩn đoán. Đây là quá trình xác định nguồn gốc của những rối loạn dựa trên những triệu chứng lâm sàng, để từ đó phương pháp trị liệu phù hợp nhất được xúc tiến.

Dialog: Đối thoại. Quan hệ đối thoại giữa nhà trị liệu và thân chủ. Đây phải được coi như một quan hệ hợp tác và mối quan hệ này có nội dung trao đổi thông tin hướng dẫn, có mục đích giúp thân chủ có thể xử lý các nan đề của họ một cách độc lập và có hiệu quả.

Dichotomy corollary: Cấu trúc lưỡng cực hiển nhiên. Theo Kelly thì nhiều cấu trúc trong hệ tâm thức của chúng ta có cấu trúc lưỡng cực như xấu – tốt, đúng – sai, lương thiện – vô lương, thiện– ác, vui – buồn, xấu – tốt…

Differentiation: Nhu cầu phân biệt. Theo Carl Jung, để khả năng sáng tạo được bồi dưỡng và phát triển, chúng ta vẫn có nhu cầu duy trì phân biệt. Chính khả năng này giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa giá trị của chính mình. Không có khả năng này, chúng ta sẽ không có cơ hội tạo ra những ý tưởng mới.

Difficulties: Khó khăn. Trong cuộc sống hàng ngày, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Chúng ta cần nhận ra điều này và từ đó các cơ hội lên phương án chuẩn bị và các các kế hoạch ứng phó được thiết lập. Đây là một bộ phận quan trọng của những hành vi lành mạnh cần được khuyến khích.

Dignity: Phẩm cách. Đây là một giá trị cốt lõi cần được bảo vệ. Đây là nhân định và cũng là lực cân bằng giúp chúng ta ổn định trong quá trình duy trì liên hệ với xã hội. Vì thế khi phẩm cách bị xem nhẹ hoặc không được tôn trọng, một cá nhân sẽ dễ rơi vào bất bình có thể dẫn đến khủng hoảng.

Dimension: Chiều kích. Theo liệu pháp "ô rep" Geroge Kelly, những cá tính được chúng ta nghĩ về mình và về người khác được chia thành hai nhóm (gồm 20 nhân vật có các cá tính khác nhau), sau đó nhà liệu pháp sẽ giúp thân chủ xác định lại một nhân định lành mạnh khách quan cho mình. Chiều kích chính là những đặc tính của một nhân cách.

Dimorphism: Lưỡng đối hình thái. Đây và khái niệm mượn từ sinh vật khi các thành viên của một chủng loại có giống đực và giống cái. Nơi người, khái niệm lưỡng đối hình thái thể hiện rất rõ nét như cấu trúc cơ thể người nam và người nữ được thiết kế rất khác nhau.

Directive: Hướng dẫn. Đây là một kỹ năng trong liệu pháp khi nhà trị liệu cung cấp lời khuyên và hướng xử lý cho thân chủ. Tuy nhiên theo các nhà liệu pháp thì đây là kỹ năng cần tránh sử dụng. Mục đích cao nhất của liệu pháp là giúp thân chủ tự họ tìm ra hướng xử lý cho riêng mình.

Discomfort: Cảm giác khó chịu. Khi tâm trạng không được ổn định, khi căng thẳng xảy ra, những đe dọa và những thử thách vượt ra ngoài khả năng xử lý của mình, chúng ta thường dễ rơi vào trạng thái cảm giác khó chịu.

Discover the meaning: Tìm ra giá trị ý nghĩa. Đây là khái niệm khi một cá nhân bắt đầu nhận ra ý nghĩa giá trị nội tại của mình cũng như nhận ra chân dung tích cực trong sáng từ môi trường chung quanh. Cá nhân cảm nhận được giá trị của mình hài hòa với các giá trị khác trong cuộc sống.

Displacement: Cơ chế tự vệ thay thế. Đây là cơ chế tự vệ khi cá nhân dồn cảm xúc của mình vào một đối tượng khác. Chẳng hạn như giận vợ mắng con. Giận chó mắng mèo. Bực bội với cấp trên quay ra khó chịu cáu bẳn với cấp dưới.

Displacement outward: Hoán chuyển cảm xúc hướng ngoại. Đây là thói quen trình bày con người bên ngoài của mình khác hẳn với những tư duy nội tại bên trong.

Disolution: Tan rã. Đây là một khái niệm mượn trong tôn giáo nói về khi sự qua đời của một cá nhân sẽ kéo theo những tan biến cả về tâm thức lẫn thể xác. Đây là một thử thách lớn đối với tâm thức muốn được tồn tại vĩnh viễn của mỗi chúng ta.

Disprove: Phản chứng. Một hình thức bác bỏ và tìm ra những điềm yếu không vững vàng của một luận chứng hay một quan điểm.

Distort: Thay đổi. Đây là một hình thức khúc xạ trong tư tưởng và trong cách nhìn. Vì thế giá trị bản thân và thế giới chung quanh của cá nhân đã không còn giữ được những giá trị khách quan của nó.

Distorted: Biến dạng. Đây là hiện tượng xảy ra khi những nhu cầu đã bị biến dạng. Có thể là những kỳ vọng của cá nhân và quá trình tiên liệu bị lệch khớp. Có thể do những biến động lớn đã tác động mạnh đến cách nghĩ và cách nhìn. Trong trường hợp này triết lý sống và lăng kính nhãn quan của cá nhân đã bị ảnh hưởng tác động mạnh.

Distracttion: Bị chi phối chia trí. Có thể đây là do kỳ vọng hoặc suy diễn quá xa. Đôi khi đứng trước quá nhiều những thử thách, chúng ta quên đi đâu là việc cần xử lý trước. Đây là trạng thái mất phương hướng và bức tranh trước mặt không còn được nhìn ra một cách tập trung nữa.

Distress: Đau khổ. Khi những căng thẳng nhỏ không được xử lý kịp thời và kéo dài, năng lượng và khả năng xử lý tiếp tục giảm dần, cá nhân sẽ chuyển từ trạng thái căng thẳng lo lắng sang đau khổ và chán nản.

Do the very best we can: Tính năng tự nhiên thể hiện khả năng tốt nhất của mình. Đây là một khuyến cáo giành cho những ai có nan đề nghi hoặc về khả năng của mình. Khi đã cố gắng tận sức, chúng ta không nên quá lo lắng ưu tư nhiều về kết quả của những cố gắng; vì khả năng của chúng ta có giới hạn. Ngoài ra nhiều tác nhân ngoại cảnh chúng ta không thể điều tiết kiểm soát hết được. Vì thế hãy cố gắng tận sức và chấp nhận mọi kết quả xảy ra trong đời sống chúng ta.

Doing a deed: Làm một điều gì đó. Theo Frankl thì chúng ta có nhu cầu cần làm một điều gì đó mà chúng ta quen gọi là mơ ước của đời mình. Đây là những mơ ước phù hợp với khả năng và điều kiện và rất có ý nghĩa với bản thân chúng ta. Chẳng hạn như một kỷ lục cá nhân chạy marathons, đi tham quan xuyên Việt, hay viết một cuốn hồi ký về cuộc đời của mình.

Dominance hierarchies: Địa vị cai trị. Đây là một hiện tượng được nhìn thấy nơi cộng đồng các loài thú vật. Nơi người, các hiện tượng này thể hiện một cách văn minh hơn nhưng vẫn mang dấu vết của tổ tiên mình là động vật.

Dopamine: Một hoạt chất dẫn truyền quan trọng của não trong việc điều tiết cảm xúc của con người cũng như các vận hành quan trọng giữa các tế bào thần kinh.

Dorminants: Tâm thức hệ chủ quản. Đây là những tâm thức chi phối các điểm nóng trong toàn bộ hệ thống tâm thức của con người. Chúng ta có những khu vực tâm thức quan trọng hơn những khu vực khác trong hệ tâm thức của mình. Nói khác đi trong hệ tâm thức của chúng ta, sẽ có những khu vực kém quan trọng hơn những khu vực khác.

Doubt: Ngờ vực. Đây là trạng thái chưa ổn định, thiếu nhất quán, hướng xử lý chưa định hình vì hệ tâm thức chưa có câu trả lời chuẩn và phù hợp với những yêu cầu của một cá nhân. Ngờ vực chính là một dạng của thiếu tự tin nơi bản thân vào cuộc sống.

Dreams: Giấc mơ. Đây là một bộ phận nghiên cứu trong nhiều liệu pháp. Theo Freud thì giấc mơ chính là những thông điệp được gởi đến từ cõi vô thức, nhằm giúp một cá nhân dung hòa và chấp nhận điều kiện thực tế vốn quá khắc nghiệt với khả năng chấp nhận hiện tại của cá nhân. Vì thế phân tích giấc mơ có thể tìm ra những cội rễ của các nan đề.

Dream analysis: Phân tích giấc mơ. Đây là quá trình sử dụng trong liệu pháp nhằm tìm ra những nội dung và những biểu tượng trong giấc mơ để giúp nhà liệu pháp và thân chủ tìm ra những liên hệ với nan đề.

Drendrites: Tua gai các tế bào thần kinh. Đây là một bộ phận quan trọng trong quá trình nối kết những tổ hợp tế bào thần kinh trong quá trình hình thành trí nhớ, truy cập và phát triển các bộ phận khác nhau của trí nhớ.

Drift: Từ bỏ. Chúng ta từ bỏ những mô hình liệu pháp áp dụng vào thực tế không thành công, để cho cấu trúc tư tưởng không hiệu quá tự động tan rã. Đây là một phương pháp gián tiếp trong liệu pháp cải tổ cấu trúc mà George Kelly đã đề nghị.

Drive: Động cơ. Hay còn gọi là động năng. Đây chính là nền tảng cơ bản cung cấp năng lượng để chúng ta có thể vượt khó vươn lên. Ngoài ra đây cũng chính là những động cơ cho những mưu tính thiếu lành mạnh. Đây là một danh từ chung có thể hiểu theo nghĩa tiêu cực và tích cực, tùy theo kết quả của hành vi.

Dual mode: Mô thức suy nghĩ hai chiều. Đây là mô thức tư duy khi cá nhân đặt mình vào hai vị trí khác nhau. Họ có thể chuyển khung tư duy và cách tiếp cận sẽ rộng hơn. Đây còn là mô thức tư duy song phương trong giao tiếp với não thức tôi và bạn.

Dualistic: Lưỡng thể. Đây là khuynh hướng cho rằng tâm thức được chia đôi thành hai hệ thống gồm não và ý thức.

Dualistic mind: Não thức đối cực. Đây là dạng tâm thức có thể nhìn vào sự việc từ hai phía. Họ có thể có những mâu thuẫn nhưng chung cuộc họ vẫn chấp nhận sự khác biệt. Họ tin rằng tâm thức là tổng hợp giữa não và ý thức tinh thần.

Dualistic systems: Hệ thống cho rằng tâm thức bao gồm ý thức và não. Xin xem Rene Decartes.

Dynamic of the psyche: Động lực của tâm thức. Động lực này có một năng lượng của riêng nó. Khi ta vui, chẳng cần ăn ta vẫn có rất nhiều đam mê hứng thú không mệt mỏi. Khi chán nản thất vọng, dù chẳng làm gì chúng ta vẫn cảm thấy mệt mỏi chán chường.

Dynamic processes: Trạng thái quá trình trình động năng. Đây là một quá trình năng lượng được chuyển hóa và những thao tác có thể được thực hiên.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx