sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 27 - Phần 05

Chữ E

Earth mother: Mẹ Trái đất. Theo Carl Jung thì đây là một nguyên mẫu được nhìn thấy hầu như nơi rất nhiều nền văn hóa khác nhau.

Eccentrics: Tâm thức kỳ quặc. Đây là những cá nhân có nhiều suy nghĩ khác thường và hệ tư duy của họ có những chiều kích rất riêng. Vì thế hành vi của họ được nhận ra một cách khá rõ và dễ dàng.

Echo: Tiếng vọng. Đôi khi nhiều cá nhân nghe được dư âm và tiếng nói trong chính hệ tâm thức của mình.

Eclectics: Tổng hợp. Càng ngày nhiều nhà tâm lý liệu pháp bắt đầu áp dụng những phương pháp tổng hợp, thay vì trước đây họ thường đi theo một trường phái riêng biệt. Tính năng áp dụng tổng hợp các học thuyết cho phép các nhà liệu pháp xử lý được nhiều nan đề hơn.

Effect: Kết quả. Đây là khái niệm kết quả đạt được trong trị liệu hoặc do ảnh hưởng của những tác nhân nội tại hoặc tác nhân ngoại cảnh lên hệ tâm thức của con người. Kết quả thường được nhận ra khi một hành vi đã thay đổi.

Effective treatment: Kết quả trị liệu.

Effectiveness of psychotherapy: Hiệu quả của tâm lý liệu pháp. Đây là một khái niệm quan trọng trong trị liệu. Mục tiêu là thay đổi cách nhìn và khung tư duy của thân chủ. Để từ đó họ có thể giải quyết các nan đề tương tự trong tương lai.

Effort: Những cố gắng điều chỉnh trong cuộc sống. Đây là khái niệm cố gắng nỗ lực của cá nhân trong việc muốn hoàn thiện bản thân mình. Cố gắng chính là trạng thái chúng ta muốn cải thiện và thăng tiến bản thân mình.

Ego: Cái tôi hay còn gọi là bản ngã. Đây chính là một bộ phận quan trọng của tâm thức. Theo Freud thì đây là trạng thái trung gian giữa xung động bản năng và cái tôi lý tưởng. Cái tôi cá nhân giúp chúng ta quân bình giữa những động lực bản năng và những khái niệm siêu lý tưởng.

Ego development: Phát triển cái tôi. Đây là quá trình các em nhỏ hoặc những cá nhân phát triển chuyển từ những nhu cầu bản năng (sinh học) sang những nhu cầu tinh thần khác.

Egocentric: Tập trung về mình. Đây là não thức nhìn thế giới qua lăng kính của riêng mình. Nói khác đi mọi diễn biến chung quanh đều có nội dung liên hệ trực tiếp đến một cá nhân.

Ego ideal: Cái tôi lý tưởng. Đây là khái niệm chúng ta đặt mình vào một tâm thức tuyệt đối hoàn hảo, cầu toàn, và không có những sai phạm nào. Đây là một trạng thái tiêu chuẩn rất cao và chúng ta luôn có hoài bão vươn lên đến cảnh giới này.

Ego identity: Nhận định cái tôi của mình. Đây là tập hợp những cá tính, đặc điểm riêng, nét khác biệt để tạo nên cái tôi đặc trưng độc đáo trong hệ tâm thức của con người.

Ego integrity: Cái tôi nhất quán. Đây là một đặc điểm đặc trưng của cái tôi. Nếu cái tôi phát triển nhất quán, cá nhân sẽ dễ chấp nhận mình hơn so với các cá nhân có cái tôi phát triển mâu thuẫn hoặc phát triển phiếm diện.

Ego restriction: Các tôi hạn chế. Đây là một dạng tâm thức hẹp hòi hạn chế. Cá nhân luôn gò ép và bó mình trong một khung tư duy cố định. Họ không có những kỹ năng và thiếu điều kiện để mở rộng và phát triển cái tôi của mình.

Egoism: ích kỷ. Đây là khái niệm tập trung quá nhiều về bản thân của mình. Các cá nhân quên đi rằng những liên hệ tích cực với thế giới chung quanh chính là những điều thuận lợi. Nhìn chung họ không nhận ra những giá trị nhân văn khác.

Eigenwelt: Thế giới nội tại. Theo nhà triết học Đức Heidegger trong vũ trụ chúng ta đang sống bao gồm ba thế giới: thế giới vật chất (Umwelt), thế giới xã hội (Mitwelt), và thế giới nội tại (Eigenwelt).

Eighfold paths: Bát đạo. Theo kinh Phật thì đây là tám phương thức giúp con người vươn lên, vượt qua những rào cản trong cuộc sống để trở nên hoàn hảo tốt đẹp hơn.

Ejaculation: Phóng tinh, xuất tinh. Trạng thái khoái cảm cao nhất nơi người đàn ông trong quá trình hoạt động tình dục giao hợp. Phóng tinh cho phép người đàn ông giới thiệu tinh trùng vào âm đạo của người phụ nữ.

Eliminating: Đào thải. Đây là khái niệm áp dụng trong liệu pháp khi thân chủ từ bỏ những điều xấu, kém hiệu quả, thiếu lành mạnh, xích lại gần hơn với khả năng tự chữa lành và phát triển bình thường.

Embedded figures: Hình ẩn. Đây là những bức vẻ có nội dung khó hiểu vì người vẽ cố tình giấu trong đó những đường nét, hình thể, với nội dung khác hẳn. Vì thế người xem thường được cho biết trước, nếu không họ sẽ khó nhìn thấy điều người vẽ muốn giấu.

Emerging voices: Những tiếng nói chung. Các nhà tâm lý nhân cách hiện đại đang có cố gắng chắt lọc từ những trường phái tâm lý nhân cách để tổng hợp biến tâm lý nhân cách thành một ngành khoa học cụ thể thực sự. Xin xem common body of knowledge.

Emergent property: Tính năng khẩn cấp. Theo Philip Clayton, một giáo sư tại Đại học Cao học Claremont, ông gọi ý thức là một tính năng khẩn cấp, một hệ thống phức tạp – trong đó giá trị liên kết tổng hợp của các bộ phận sẽ có hiệu năng phục vụ cơ thể lớn hơn là tổng số của những hiệu năng nhỏ của các bộ phận riêng rẽ cộng lại. Xin xem synergy.

Emotions: Cảm xúc. Đây là những trạng thái tinh thần ở những cung bậc gam cảm xúc khác nhau. Cảm xúc bao gồm những tâm trạng như buồn, vui, giận dữ, hạnh phúc, phấn chấn, khó chịu, trầm uất lo lắng…

Emotional: Người giàu cảm xúc. Đây là những cá nhân có khung tâm trạng rộng và họ thường chuyển từ trạng thái khung tâm trạng này sang khung tâm trạng khác một cách nhanh chóng. Họ thường có ít khả năng kiềm chế nên hành vi của họ đôi lúc có thể rất xốc nổi.

Emotional attachment: Lệ thuộc về mặt cảm xúc. Đây là khái niệm nói về một số cá nhân có nhu cầu cảm xúc cao hơn bình thường. Họ thường quan trọng hóa các quan hệ và không thể sinh hoạt bình thường khi nhu cầu "được người khác quan tâm chú ý" không được bảo đảm. Họ thường gây khó chịu cho người khác vì nhu cầu có tính chất thoái hóa này.

Emotional detachment: Tê liệt cảm xúc. Đây là thái cực ngược lại với lệ thuộc về mặt cảm xúc. Các cá nhân thường tỏ ra hờ hững. Họ co cụm và thu vào thế giới của mình. Nhìn chung họ không nhận ra nhu cầu cảm xúc của người khác. Họ ứng xử một cách bàng quan, đứng ngoài cuộc và không quan tâm đến những diễn biến cuộc sống chung quanh.

Emotional exhaustion: Suy kiệt cảm xúc. Đây là những cá nhân vì thường xuyên có những lý do quá tải khác nhau nên họ đã suy kiệt về mặt cảm xúc, họ rơi vào trạng thái trơ và bất lực trước những khả năng thao tác có nội dung cảm xúc.

Emotional responsiveness: Phản ứng cảm xúc. Đây là khả năng diễn đạt và biểu hiện khả năng cảm xúc của một cá nhân. Đây là một bộ phận quan trọng trong quá trình đối thoại giữa hai cá nhân.

Empathy: Đồng cảm. Nhà liệu pháp cần hiểu nan đề qua lăng kính của thân chủ và đồng cảm được với những khó khăn họ đang trái qua.

Emperical basis: Khám phá dựa trên cơ sở thí nghiệm. Một số nhà tâm lý khoa học nhân cách hành vi và tư duy yêu cầu những khám phá phải dựa trên cơ sở thí nghiệm để các nhà khoa học khác có thể làm lại thí nghiệm của những nhà nghiên cứu khác.

Emptiness – sunyata: Hiện trạng trống rỗng. Khái niệm trong kinh Phật cho thấy khi chúng ta không tìm thấy ý nghĩa của mình, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái trống rỗng và đây là một não thức thiếu hẳn những liên đới với tha nhân và thế giới. Trạng thái trống rống sẽ biến đời sống của chúng ta trở nên bế tắc và tù đọng.

Encounter: Lối tiếp cận. Khái niệm thiên về ý nghĩa tích cực khi một cá nhân có nghị lực và can đảm để tiếp cận xử lý nan đề của mình thay vì né tránh chúng.

Energy: Năng lượng. Khái niệm thiên về năng lượng tinh thần đến từ những động cơ và những đam mê. Đây là dạng năng lượng tinh thần giúp cá nhân phấn đấu và phát triển. Năng lượng sinh học giúp chúng ta duy trì các sinh hoạt vận hành của cơ thể trong các sinh hoạt hàng ngày.

Enhancement: Thăng tiến. Khái niệm áp dụng trong liệu pháp sau khi thân chủ đã ý thức, giác ngộ, rút ra được bài học ý nghĩa từ liệu pháp. Sau đó họ áp dụng vào thực tế và bắt đầu hành trình thăng tiến trong việc sống hiệu quả hơn, lành mạnh hơn, trưởng thành hơn.

Enlightenment: Khai sáng. Đây là giới cảnh ý thức giác ngộ phát triển ở một cấp độ cao khi cá nhân có thể nhìn thấy mình từ bên ngoài và vượt qua được tất cả những khung định kiến cố hữu để trở thành một con người mới, không còn bị chi phối và lệ thuộc nhiều vào cảm xúc và tư duy đóng khung trước đó của mình.

Enlightened beings: Cá nhân đạt cảnh giới khai sáng. Đây là những cá nhân phát triển cao về mặt nhân sinh quan và nhận thức. Họ vượt qua được những rào cản của cảm xúc và đạt được trạng thái bình tĩnh trong mọi điều kiện hoàn cảnh.

Entity: Nhân vị riêng. Đây là khái niệm cho thấy mỗi cá nhân là một chủ thể đặc trưng có nhân vị riêng. Khái niệm này nhấn mạnh đến cõi riêng và những đặc tính riêng độc đáo của mỗi cá nhân.

Environment: Môi trường. Bandura cho rằng môi trường xã hội sẽ dẫn đến việc tạo nên những hành vi của một cá nhân. Nói khác đi chúng ta phần lớn ứng xử dựa theo những tiêu chuẩn của định kiến xã hội và môi trường sống.

Environment planning: Kế hoạch cải tạo môi trường sinh hoạt. Đây là bước kế tiếp sau khi đã có một khái niệm về nguyên nhân cội nguồn của nan đề qua việc khảo sát kỹ biểu đồ hành vi của mình. Đây là một khâu quan trọng trong liệu pháp hành vi chuẩn. Cải tạo môi trường sẽ giúp cải tạo được hành vi.

Epigentic: Nguyên lý phát triển hình thành nhân cách. Đây là khái niệm giải thích nhân cách được hình thành chủ yếu do những kinh nghiệm sống và những điều kiện khả năng nội tại của một cá nhân.

Epiphenomenon: Hệ lụy của não. Nhiều người gọi cõi ý thức là hệ lụy; một sản phẩm phụ của phản ứng hóa học nơi bộ não và những quá trình vận hành của não.

Equivalence: Nguyên lý cân bằng. Theo Carl Jung, nguyên lý cân bằng được áp dụng trong quá trình duy trì năng lượng tinh thần. Chúng ta cần duy trì năng lượng tinh thần ở mức cân bằng là điều tốt nhất. Quá ít năng lượng sẽ dẫn đến thụ động trầm uất, quá nhiều sẽ dẫn đến quá khích sẽ không phải là một điều tốt.

Erich Pinchas Fromm (1900 – 1980): Nhà phân tích tâm lý và cũng là nhà học thuyết xã hội.

Erik Erikson (1902 – 1994): Nhà tâm lý học người Đức có những đóng góp đáng kể vào ngành tâm lý nhân cách, đặc biệt là về tâm lý xã hội học.

Ergogenous zones: Khu vực nhạy cảm. Theo Freud thì trên cơ thể người có những vùng đặc biệt nhạy cảm với các kích thích tạo ra khoái cảm như môi, da, khu vực bộ phận sinh dục, lòng bàn tay, hậu môn, nhũ hoa…Vì thế khi được tiếp xúc tại các khu vực này, cơ thể sẽ nhận được nhiều tín hiệu kích thích nhất.

Escape: Đào thoát. Đây là khái niệm nhấn mạnh về những kênh né tránh thực tế cuộc sống qua các ngả hành vi tiêu cực như thuốc phiện, rượu, TV, tự tử…

Essence: Giá trị trung tâm. Đây là những tinh hoa chắt lọc được kết tinh lại, tạo ra một giá trị sâu đậm và quan trọng đối với một cá nhân. Đây chính là điểm trung tâm của triết lý sống nơi mỗi chúng ta.

Eternal: Vĩnh hằng. Khái niệm thời gian không còn tồn tại và vì thế những khung tư duy có nội dung thời gian trở thành triệt tiêu. Vĩnh hằng là một trạng thái quan trọng của tâm thức vì chúng ta luôn nghĩ đến khao khát bất diệt của mình.

Eternal substance: Vật chất vĩnh cửu. Theo kinh Phật thì chúng ta thường khát khao mình có được một khả năng tồn tại vĩnh viễn. Tất nhiên đây là điều không tưởng. Tuy chúng ta nhận thức được điều này nhưng trong sâu thẳm chúng ta vẫn muốn những gì chúng ta sở hữu sẽ giúp chúng ta tồn tại mãi mãi.

Eternity: Vĩnh cửu. Khái niệm không bao giờ ngưng (hay không bao giờ kết thúc, chấm dứt). Vĩnh cửu là một sản phẩm của suy luận con người ở một mức độ cao.

Ethereal world: Thế giới giải thoát, thế giới của tâm hồn, trong sạch và thuần túy; nơi những khát khao tự do được trao tặng và đáp ứng. Đây là khái niệm được Ludwig giới thiệu. Theo ông thì có một số cá nhân luôn mong đợi được thoát ra khỏi thế giới hiện tại mà họ đang sống. Nhất là khi họ tin rằng thế giới này quá tù túng ngột ngạt. Xin xem tomb world.

Ethologist: Nghiên cứu hành vi thú vật học. Nhiều nhà tâm lý hiện đại cho rằng tâm thức và các vận hành tư duy hành vi của chúng ta có liên hệ với tổ tiên của mình là thú vật. Họ trang bị bằng tư tưởng thuyết tiến hóa trong quá trình họ đi tìm những liên hệ giữa con người và thú vật.

Euthanasia: Cái chết êm ái do trợ giúp của bác sỹ. Đây là khái niệm mô tả về quyết định của các bác sĩ trong việc giúp bệnh nhân sớm từ trần để giải thoát họ khỏi những đau đớn về thể xác và tinh thần trong điều kiện hoàn cảnh bệnh tật của mình.

Exaggerate the negative: Nghiêm trọng hóa những điều tiêu cực. Đây là một thói quen trong số đông chúng ta. Một trạng thái suy diễn cường điệu những hoàn cảnh thực tế cho thấy nan đề trở nên vượt quá khả năng xử lý của họ.

Excitation: Trạng thái phấn khích. Đây là trạng thái khi năng lượng tinh thần dâng lên rất cao. Đôi lúc phấn khích nếu biết dừng lại và được kiểm soát sẽ là một điều thuận lợi. Nhưng không được điều tiết và kiểm soát sẽ là một trở ngại rất lớn.

Exclusion: Thói quen xa lánh co cụm. Đây là hành vi đóng cửa lòng, cô lập mình với thế giới, từ chối các liên hệ hữu cơ với chung quanh. Đây là một hành vi do có não trạng yếm thế, tự chủ quá cao, mặc cảm, hoặc những lo lắng, trầm uất.

Existence: Sự hiện diện. Đây là trạng thái nhận ra sự tồn tại và hiện hữu của chính bản thân mình trong một mối tương quan với thế giới chung quanh.

Existential analysis: Phân tích hiện sinh. Đây là quá trình đánh giá khả năng của cá nhân khi họ hiểu về vị trí nhân định và giá trị bản thể của họ. Đồng thời đây là quá trình tìm hiểu xem "vũ trụ quan" của họ phát triển ở mức độ nào.

Existential anxiety: Lo lắng hiện sinh. Đây là trạng thái băn khoăn bối rối về những phạm trù hiện sinh như ý nghĩa tồn tại của mình, khả năng đóng góp, ý nghĩa cuộc sống, mục đích làm người và những ưu tư về sự chết, khả năng vượt qua những não thức tiêu cực của chính mình.

Existential living: Lối sống hiện sinh. Đây là lối sống luôn nhận ra ý nghĩa tương đối của mình, ý thức được sự hiện diện của mình, trân quý từng giây phút trong cuộc sống, tận sức với bản thân nhưng không kỳ vọng quá nhiều vào mơ ước. Họ thường tập trung và thời khắc hiện tại. Quá khứ là đại lượng đã đi qua và tương lai thì chưa đến. Họ quan trọng nhất đến những khoảnh khắc hiện tại trước mặt.

Existential psychology: Thuyết tâm lý hiện sinh. Một học thuyết tập trung vào hiện tại và ý nghĩa làm người qua mục đích giá trị tồn tại. Theo họ giá trị tồn tại là một giá trị đã sống trọn vẹn trong thời điểm hiện tại.

Existential vacuum: Lực hút hiện sinh. Khái niệm cho thấy chúng ta tiếp cận với hiện thực qua động cơ muốn xử lý và chế ngự các điều kiện hoàn cảnh trước mắt. Điểm chủ yếu ở đây là chúng ta luôn ưu tư về ý nghĩa làm người của mình khi xử lý các nan đề trong đời sống.

Existenlialist: Các nhà tâm lý theo thuyết hiện sinh.

Exogenous factors: Kích thích bên ngoài như các nan đề đối với đời sống tính dục, cảm giác bấp bênh, mặc cảm, lần đầu tiên tiếp cận với giao hợp, lo lắng bất lực… Đây là những tác động điều kiện hoàn cảnh bên ngoài có ảnh hưởng đến tâm trạng não thức của chúng ta.

Experience corollary: Kinh nghiệm hiển nhiên. Theo George Kelly thì đây là một nền tảng cấu trúc tư duy cho phép kinh nghiệm được lưu trữ, tồn tại, và có thể được truy cập khi cần thiết. Nói khác đi trong hệ tâm thức của chúng ta có những khung cấu trúc có chức năng chuyên biệt để lưu giữ kinh nghiệm và ký ức.

Experiences: Kinh nghiệm. Đây là những ký ức thông qua quá trình học hỏi từ những tiếp cận trong quá khứ, được lưu trữ trong bộ nhớ. Khi đối diện với những nan đề mới hoặc nan đề tương tự, chúng ta cần đến kinh nghiệm để xử lý các nan đề này.

Experiences as a species: Kinh nghiệm chung của một chủng loại. Đây là khái niệm mượn từ sinh vật học. Hình thức kinh nghiệm chung của một chủng loại được thể hiện khá rõ nét qua hình thức bản năng. Các thành viên trong chủng loại chẳng được dạy nhưng vẫn thực hiện được các bản năng đặc trưng của chủng loại.

Experiential freedom: Kinh nghiệm tự do. Rogers tin rằng ai cũng có những khát khao tự do. Chúng ta rất thích muốn được làm điều mình thích, tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta được tự do muốn làm gì thì làm, mặc dù thế đây vẫn là những khao khát rất thực.

Experiential psychology: Tâm lý kinh nghiệm. Đây là nhánh nhỏ của tâm lý học cho rằng kinh nghiệm có một vai trò quan trọng trong bức tranh ứng xử và hình thành tư duy nhận thức của con người.

Experiential values: Giá trị kinh nghiệm. Đây là những đại lượng có ý nghĩa giá trị tinh thần rất lớn đối với chúng ta. Không có các giá trị kinh nghiệm này, chúng ta sẽ khó có thể xử lý nhanh những nan đề hàng ngày. Vì phần lớn chúng ta tiếp cận đánh giá các sự kiện đều dựa trên những giá trị kinh nghiệm bản thân.

Experimentalist: Các nhà kinh nghiệm học. Họ đặc biệt chú trọng đến vai trò chức năng và những ứng dụng kinh nghiệm góp phần giúp chúng ta trong những hoạt động thao tác sinh hoạt hàng ngày.

Experimentally–oriented: Căn bản thực nghiệm. Nét chính của thuyết hành vi là căn bản thực nghiệm. Không có thực nghiệm, chúng ta sẽ khó có cơ hội để tái diễn hoặc thao tác các hành vi mới. Trong nghiên cứu, căn bản thực nghiệm là một tiêu chuẩn để phân biệt một nghiên cứu có phải là một nghiên cứu khoa học hay không.

Exploratory skills: Kỹ năng khám phá. Đây là giai đoạn khi cá nhân đã trưởng thành và mạnh dạn áp dụng những kỹ năng khám phá để phát huy các thế mạnh của bản thân cũng như tìm hiểu về thế giới mà họ đang sống.

Explotative orientation: Xu hướng khai thác người khác. Một số cá nhân chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình và họ hoàn toàn thiếu khả năng rung cảm cũng như những giá trị công bằng khác. Đây là cá tính của những người chỉ nghĩ đến tranh thủ và trục lợi người khác.

External behavior: Hành vi bên ngoài. Đây là những thao tác biểu hiện có thể trực tiếp quan sát và đánh giá. Nhìn chung đây là những hành vi nhận thấy được bằng các giác quan nhưng không hẳn những hành vi này là sản phẩm trực tiếp của hệ tâm thức.

External force: Nguồn lực tác động bên ngoài. Theo Frankl thì đây chính là những nguồn năng lượng giúp kích thích nội lực bên trong. Chẳng hạn như nhìn thấy con đói nên ruột người mẹ đau. Trong chị bất chợt có một nguồn sức mạnh đề đi tìm thức ăn cho con. Chính cảnh con đói đã cung cấp cho chị một nguồn năng lượng mới.

External world. Thế giới bên ngoài. Đây là khái niệm được giới thiệu để phân biệt với thế giới nội tâm của con người, vốn là một thế giới đa dạng, phong phú, sống động với nhiều chiều kích riêng chung rất mênh mông. Thế giới bên ngoài có những đặc tính phong phú nhưng rất khác với thế giới nội tâm của chúng ta.

Extinct: Tuyệt chủng. Trong tâm lý học, đây còn là khái niệm triệt tiêu vĩnh viễn một hành vi cũ. Đây là khái niệm cho thấy một hành vi cũ đã được hoàn toàn thay thế bằng một hành vi mới.

Extinction of the operant behavior: Quá trình triệt tiêu (hay còn gọi là quá trình quên): Ví dụ như hành vi đạp nút của chuột đã chấm dứt vì thức ăn đã không còn được thưởng cho chuột nữa.

Extinguish an undesirable behavior: Dẹp bỏ một hành vi cần sửa đổi. Theo Skinner đây là một kỹ năng rất phổ thông trong liệu pháp hành vi. Nói một cách tương đối đơn giản, đây là cách dập tắt một hành vi cần bỏ bằng cách cắt bỏ đi những tác nhân củng cố tiêu cực. Chẳng hạn như không la mắng con mỗi khi con đi chơi khuya sẽ phá vỡ được thói quen tâm thức của con cái, và con sẽ ở nhà thường xuyên hơn. Vì con cái luôn có não thức đi chơi–bị mắng vốn em đã quá quen thuộc.

Extraverts: Những cá nhân hướng ngoại. Carl Jung đã giới thiệu khái niệm này. Người hướng ngoại là người dễ cởi mở và tỏ ra đặc biệt quan tâm đến thế giới bên ngoài.

Extraversion: Khái niệm hướng ngoại.

Extroversion: Nhân cách hướng ngoại.

Evaluate: Đánh giá. Đây là quá trình phân tích và đối chiếu nhằm rút ra những kết luận xem một kế hoạch hoạt động, một khả năng thao tác, các hành vi biểu hiện có đạt được những tiêu chuẩn được tiên liệu trước đó.

Ever–present gap: Khoảng cách chênh lệch không bao giờ biến mất. Đây là một khái niệm cho thấy những gì chúng ta nghĩ và những tiêu chuẩn cuộc sống luôn có một khoảng lệch hiện diện. Nói khác đi đây là tình trạng khi chúng ta nhận ra khả năng của mình luôn không đáp ứng được yêu cầu mọi mặt của cuộc sống. Chúng ta vì thế đại đa số luôn chạy theo sau cuộc sống.

Evidence: Chứng cứ. Đây là một bộ phận quan trọng trong đánh giá trong trị liệu và trong quá trình công bố kết quả nghiên cứu. Chứng cứ chính là đơn vị thông tin có giá trị thuyết phục và cũng là đơn vị thông tin giúp các nhà khoa học trao đổi đối thoại.

Evolution: Tiến hóa. Đây là khái niệm cho thấy tất cả mọi sinh thể đều có chung một nguồn gốc tổ tiên. Những hình thái và các chủng loại khác nhau chính là sản phẩm của quá trình tiến hóa khi các thế hệ con cháu phát triển tiến hóa khác với thế hệ cha mẹ. Đây là một quá trình phát triển qua một thời gian rất chậm và dài, có thể được tính bằng cả hàng triệu năm.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx