sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 27 - Phần 07

Chữ H

Habitual response: Phản ứng thói quen. Đây là một dạng thần kinh đã được điều kiện hóa và trở thành một bản năng thứ hai. Chúng ta phản ứng theo cảm tính quen thuộc trước khi nhận thức kịp thời có những điều tiết thỏa đáng.

Half of our potential: Một nửa tiềm năng. Theo Carl Jung con người đã chỉ sử dụng và phát huy một nửa khả năng tiềm tàng của mình. Vì sao? Vì ông tin rằng chúng ta là những sinh thể lưỡng tính. Nên nếu chỉ chú trọng vào giới tính của mình, chúng ta sẽ đánh mất đi những cơ hội khác vốn luôn tiềm ẩn bên trong nửa giới tính khác còn lại của chúng ta.

Hans Eysenck. (1916–1997): Ông là nhà tâm lý được biết đến nhiều nhất qua học thuyết tâm lý nhân cách cá tính của mình.

Harms: Những tác hại. Các nhà tâm lý và các nhà trị liệu tin rằng những đối xử thời thơ ấu đã có những tác hại đáng ngại ảnh hưởng đến quá trình phát triển của một cá nhân. Vì thế quá trình trị liệu là chữa lành những tác hại này. Đây là thuật ngữ nói về những tác nhân gây hại..

Hate: Căm ghét và thù hận. Đây là một trong những cảm xúc tiêu cực nhất. Thù hận tàn phá con người trên nhiều bình diện khác nhau. Đây là một dạng độc tố có thể hủy hoại đời sống con người, cả cá nhân và người chung quanh.

Having mode: Mô thức sở hữu. Đây là mô thức tư duy nặng về nền tảng vật chất, tập trung vào tiêu thụ, chiếm hữu, và sở hữu. Đấy là những mô thức sở hữu. Với các cá nhân có mô thức này thì họ quan trọng giá trị đồng tiền nhiều hơn những giá trị tinh thần khác.

Hedonistic: Thích hưởng thụ. Đây là một khái niệm cho rằng con người có khuynh hướng chiều theo xác thịt, thích chọn việc nhẹ nhàng, ngại khó và tiêu chí hưởng lạc, thích an nhàn và chỉ muốn được hưởng thụ.

Helplessness: Cảm giác vô dụng. Nhiều cá nhân cảm thấy lo sợ vì nghĩ mình vô dụng. Họ tê liệt về mặt khả năng xử lý và bỏ cuộc rất sớm trước khi chính thức bắt tay vào thực hiện trong quá trình xử lý. Họ thường đầu hàng quá sớm vì không có niềm tin nơi bản thân.

Herd behavior: Hành vi bầy đàn. Đây chính là hành vi quan tâm đến thành viên trong nhóm một cách thật sự. Nơi một số động vật sống theo nhóm, chúng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ các thành viên khác. Đây là những hành vi mang tính bầy đàn, nhằm giúp ổn định duy trì hệ gien của chủng loại.

Hereafter: Kiếp sau. Nhiều người được trang bị niềm tin tôn giáo luôn tin vào một kiếp sau. Đây cũng chính là một nền tảng quan trọng trong việc hướng con người đến những hành vi thiện và tránh những hành vi ác.

Here–and–now: Ngay trong lúc này. Tính chất hiện sinh chủ yếu nhắm vào ngay trong lúc này. Nói chung là thời điểm hiện tại là thời điểm đáng để chúng ta tập trung sử dụng năng lượng của mình vào nhiều nhất.

Hermaphrodite: Nguyên mẫu lưỡng cực. Đây là nguyên mẫu tập trung những mâu thuẫn và những tư tưởng đối lập. Chính nguyên mẫu này giúp chúng ta nhận ra những tư tưởng đối ngược khi một tư tưởng mới được giới thiệu vào hệ tâm thức của chúng ta.

Hero archetype: Nguyên mẫu anh hùng. Theo Carl Jung thì ai trong chúng ta cũng tiềm ẩn một khá năng trở thành những nam anh hùng và những nữ anh hùng. Chúng ta đề cao và tôn trọng nguyên mẫu này vì trong sâu thẳm chúng ta bao giờ cũng liên hệ với những ký ức yếu đuối của mình.

Heterosexual: Tính dục khác phái. Đây là những cá nhân chỉ có hứng thú tình cảm tình dục với người khác phái. Tuy nhiên trạng thái tính dục khác phái thuần tuý thường rất hiếm. Chúng ta luôn có những cảm xúc của cả hai giới tính khác nhau. Tuy nhiên mức độ tỷ lệ này khác nhau ở nơi mỗi cá nhân. Nhìn chung chúng ta luôn có những cung bậc cảm xúc thuộc về cả hai giới tính.

Hierarchical model: Mô hình cấp bậc. Nhiều nhà nghiên cứu hiện đại khuyên rằng chúng ta hãy nên đi xa hơn những mô hình nguyên nhân cấp bậc. Họ đặt câu hỏi xem chúng ta có phải nhất thiết cứ dựa theo mô hình nguyên nhân và hệ quả để giải thích các vận chuyển theo hai hướng từ trên xuống và từ dưới đi lên, có ảnh hưởng đến nhiều bậc cấp độ của những hệ thống ý thức phức tạp (vốn được thiết kế bên trong những cấu trúc của một cơ thể). Nói khác đi mô hình cấp bậc sẽ khó giải thích thế giới tâm thức.

Hierarchy of need: Hệ thống nhu cầu theo cấp bậc. Theo Maslow thì chúng ta có 5 nhu cầu xếp theo hệ thống như nhu cầu vật chất, nhu cầu an toàn, nhu cầu được yêu thương, được tôn trọng, và nhu cầu đạt giới cảnh giác ngộ.

Higher motivations: Những động cơ tinh thần. Đây là những động cơ thuộc phạm trù ý thức và chúng ta thường sử dụng chúng như những phương thế cung cấp những giá trị ý nghĩa về mục đích sống và ý nghĩa con người.

High-order consciousness: Ý thức tinh thần cấp cao. Nhất là trong kinh nghiệm về ý thức bản thân. Những kinh nghiệm này đòi hỏi đến những lý luận ý thức tinh thần cao cấp.

Highly personalized: Cá nhân hóa ở mức cao. Lương tâm là một ví dụ. Lương tâm cần đến trực giác đã được cá nhân hóa ở một mức rất cao. Vì lương tâm của chúng ta tương đối khác nhau nên các khái niệm thiện ác, tốt xấu là một trạng thái mang tính chủ quan của mỗi người trong chúng ta.

Hoarding orientation: Xu hướng nhân cách hàng rào. Đây là tuýp người mong đợi họ sẽ sở hữu những gì họ nhìn thấy. Họ nhìn thế giới như là của cải sẽ thuộc về họ, ngay cả người thân yêu cũng sẽ là những cá nhân họ muốn sở hữu, kể cả việc họ sẽ sử dụng thủ đoạn mua chuộc.

Household: Các sinh hoạt trong gia đình. Khái niệm được đặt ra để phân biệt với các hành vi thao tác xảy ra bên ngoài xã hội.

Holism: Tổng thể toàn diện. Đây là khái niệm khi các đại lượng liên quan sẽ được cân nhắc và sử dụng. Một trạng thái tổng hợp tất cả những bộ phận liên quan để kiện toàn một hệ thống.

Homeostatsis: Cân bằng hằng định nội môi. Đây là một khái niệm quan trọng trong sinh vật. Theo đó đây là một trạng thái lý tưởng, ổn định, thuận lợi cho quá trình phát triển, không có độc tố và cá nhân trong tình trạng hoạt động hữu hiệu nhất.

Homework: Bài tập. Liệu pháp của Kelly thường tập trung vào bài tập, đây là những yêu cầu mà ông sẽ đề nghị thân chủ mạnh dạn thử nghiệm bên ngoài môi trường liệu pháp như ở nhà, ngoài xã hội, hay tại cơ quan làm việc của thân chủ.

Hormone: Nội tiết tố. Chúng ta ứng xử phần nhiều không chỉ dựa vào hệ tâm thức mà còn cả những ánh hưởng của các chất hóa học trong đó có cả các nội tiết tố nữa.

Human kinship: Sự liên đới họ hàng với nhân loại. Chúng ta luôn có những liên hệ với các cá nhân khác dù không quen biết. Khi bão lụt miền trung xảy ra, chúng ta cảm thông và muốn được chia sẻ với các nạn nhân trong khả năng giới hạn của mình.

Human needs: Nhu cầu con người. Đây là những khao khát tinh thần nơi mỗi cá nhân. Đây là những nhu cầu cơ bản của con người, như được đối xử công bằng, tự do tư tưởng, được đối xử tự do và bình đẳng.

Humanistic communitarian socialism: Xã hội tập thể có tính nhân văn. Đây là mô hình xã hội tập thể có tính nhân văn – một mô hình hoàn toàn trái ngược với hệ thống vận hành của chủ nghĩa tư bản. Mọi người trong xã hội tập thể này sẽ quan tâm lẫn nhau về mặt nhu cầu và quyền lợi.

Humanistic: Nhân văn. Đây là khái niệm phục vụ con người, vì con người.

Humanistic psychologist: Nhà tâm lý theo trường phái nhân văn.

Homuncutus: Con người nhỏ của mình. Đây là khái niệm cho thấy có những "Chú người nhỏ" hiện diện trong hệ thống tâm thức và điều khiển tư duy nhận thức của chúng ta.

Humorous attitude: Thái độ hài hước. Nhiều nhà tâm lý tin rằng thái độ hài hước là một thái độ rất nên có vì chúng giúp giảm thiểu những căng thẳng cũng như tăng cường khả năng lạc quan của chúng ta.

Heuristic device: Công cụ khám phá. Chúng ta cần đến những công cụ giúp mình tìm ra những liên hệ với thế giới chung quanh. Trong kỹ nghệ thông minh nhân tạo, những bộ não máy vi tính giúp chúng ta khám phá ra những vận hành cơ bản sơ cấp của não người.

Hydraulic model: Mô hình thủy lực. Theo Konard Lorenz đã giới thiệu một mô hình thủy học mô tả cách vận hành của bản năng trong đó những năng lượng được chuyển tải khi tiếp cận với môi trường qua van xả là cái vòi nước.

Hyperalert: Cảnh giác cao độ. Đây là trạng thái khi cơ thể nằm trong mức cảnh giác cao nhất. Họ chú ý và tập trung liên tục vào những diễn biến sự kiện xảy ra trong thế giới nội tâm cũng như trong môi trường họ đang sống.

Hyperintention: Cố gắng một cách quá đáng. Đây là một trạng thái tập trung ý định của mình một cách thật cao. Cao hơn mức cần thiết rất nhiều.

Hyperreflection: Tự phản tỉnh quá mức cần thiết. Đây là trạng thái đào quá sâu vào thế giới nội tâm của mình. Cá nhân có thể bị lạc trong thế giới nội tâm của chính mình.

Hypochrondiac: Chứng bệnh tưởng. Cá nhân mắc hội chứng này thường tập trung quá nhiều về những tín hiệu của cơ thể dẫn đến lo lắng thái quá về những căn bệnh nguy hiểm khác. Ví dụ chỉ một lần nghe bụng sôi vì thừa khí, họ sẽ bấn lên và nhập tâm, tin rằng mình là người mắc bệnh ung thư bao tử.

Hypothesis: Giả thuyết. Đây là những mệnh đề phát biểu về quan điểm của nhà nghiên cứu. Sau đó họ sẽ nghiên cứu để tìm ra kết quả để ủng hộ hay phản chứng các mệnh đề giả thuyết này.

Hypothetical thinking: Tư duy có tính giả thuyết. Chúng ta sử dụng những khái niệm nhịp cầu trừu tượng dựa vào những phân tích man tính tiên liệu để tìm ra những lối phán đoán mang tính tiên liệu.

Hysteria: Loạn thần kinh cảm xúc. Đây là một trạng thái hỗn mang, cơ thể rơi vào trạng thái hoảng hốt cực độ, dẫn đến những hành vi hoàn toàn vượt khung cảm giác bình thường.

Chữ I

I create myself: Tôi tạo ra chính tôi. Theo Lugwig, chúng ta là người kiến tạo định nghĩa cuộc đời của chính mình trên bình diện tâm thức và nhân cách.

Id: Xung động vô thức. Đây là khái niệm then chốt nổi bật của Freud. Xung động vô thức chính là một lò nung chứa đầy những bản năng dựa trên nguyên tắc hưởng thụ và tránh né trách nhiệm. Đây là những xung động mang tính sinh lý.

Ideal: Trạng thái lý tưởng. Theo Adler, đây là cảnh giới hoàn hảo cao nhất mà chúng ta luôn hướng đến.

Ideal lovers: Người bạn tình lý tưởng. Nhiều người kỳ vọng quá nhiều trong việc tìm được người bạn tình lý tưởng. Trên thực tế đây là một việc làm rất khó tìm thấy. Vì thế họ khó có cơ hội tìm được người như ý. Nhiều người khi bước vào đời sống quan hệ có thể bị vỡ mộng vì tin rằng mình đã chọn nhầm người bạn tình lý tưởng.

Ideal self: Bản thân lý tưởng. Đây là một khái niệm khi cá nhân cố gắng hoàn thiện mình bản thân. Sở dĩ điều này xảy ra vì nhiều lần họ đã phạm các lỗi sơ suất căn bản và cuối cùng khó tránh khỏi những cảm giác mặc cảm. Tuy nhiên đây cũng chính là một động lực giúp họ hoàn thiện nhiều hơn.

Identification: Cơ chế tự vệ nhận định. Đây là dạng cơ chế tự vệ khi chúng ta hòa mình vào một nhóm có những đặc tính phù hợp với nhân cách của chúng ta. Chí ít, chúng ta luôn tìm đến với những nhóm có các đặc tính mà chúng ta cho là lý tưởng nhất. Vì thế cá nhân sẽ chỉ liên hệ với các nhóm này và quên rằng họ cần tiếp xúc với tất cả những nhóm người khác nhau.

Identity: Xác định nhân định. Đây là khái niệm khi chúng ta tìm thấy một định nghĩa cho nhân cách của chính bản thân mình. Nhân định giúp chúng ta duy trì các tính cách nhất quán trong hệ tâm thức của mình.

Identity cris: Khủng hoảng nhân định. Nếu đời sống con người có cấu trúc tư duy, có ý nghĩa, không có những điều băn khoăn lo lắng, không có nan đề khát khao đi tìm mục đích đời sống của mình, chúng ta sẽ không bao giờ vấp phải những khủng hoảng nhân định. Khủng hoảng nhân định là trạng thái định nghĩa nhân cách của chúng ta có những khoảng lệch với thực tế cuộc sống chung quanh.

Ignorant: Người bàng quan hờ hững. Đây là những con người vô tâm với chung quanh, thiếu trách nhiệm với chính mình, buông xuôi và thụ động, chỉ nghĩ đến sự tiện nghi hoặc dễ dàng cam chịu. Hoặc có thể họ chỉ chú tâm đến những quyền lợi của mình mà quên đi quyền lợi của những người khác.

Ignoring the positive: Né tránh hoặc bỏ hẳn những khía cạnh nhân tố tích cực trong đời sống. Đây là những cá nhân không tìm thấy ý nghĩa trong sáng trong môi trường sống cũng như không nhận ra giá trị tích cực của bản thân họ.

Ills: Rối loạn. Cội rễ của tất cả những bất an là những rối loạn.

Illusion: Ảo ảnh. Mặt ngoài cùng của thế giới là maya, có nghĩa là ảo ảnh. Chúng ta thường đánh giá những sự kiện qua hình ảnh bên ngoài của chúng. Và điều này vì thế đã trở nên hoàn toàn phiếm diện và chúng ta chỉ có được những kết quả một chiều.

Imagery: Khái niệm chuỗi ấn tượng. Theo Bandura thì trong quá trình học hỏi, các thông tin dữ kiện được lưu giữ trong hệ tâm thức của chúng ta qua những chuỗi hình ảnh. Đây là một quá trình quan trọng trong tiến trình thu nạp kiến thức mới.

Imago: Biểu tượng. Đây là những biểu tượng hàm chứa bên trong chúng những giá trị triết lý. Chẳng hạn như dấu thập, vòng tròn, đường thẳng, điểm, tâm vòng tròn, ngôi sao…

Imitation: Bắt chước. Đây là khái niệm được Bandura giới thiệu. Theo ông quá trình bắt chước của chúng ta luôn dựa trên nền tảng kết quả giữa thưởng và phạt và chúng bắt chước qua việc học tập do quan sát nơi người khác.

Immaterial: Đặc tính phi vật chất. Hệ tâm thức nơi con người là một thế giới đặc trưng khi các giá trị có đặc tính vật chất và phi vật chất luôn có những ảnh hưởng đáng kể. Vì thế những giá trị tinh thần luôn là một đối tượng quan trọng trong thế giới tâm thức.

Immature: Hành vi thiếu trưởng thành. Nhiều lúc bột phát, chúng ta có những hành vi chưa được xử lý kỹ càng, dẫn đến những thiếu xót. Thiếu trưởng thành là một khái niệm cho thấy một hành vi đã không thể hiện được các chức năng đặc tính hợp lý phù hợp với một hoàn cảnh nhất định.

Immanent self: Bản thân siêu nhiên. Hiện tượng này là kết quả của sự liên hệ qua mô hình mối quan hệ giữa bản thân nội tại và một thực thể siêu nhiên đối diện nào đó. Thảng hoặc chúng ta sẽ nhận ra mình có một liên hệ rất riêng với một thực tế siêu nhiên khác, tuy chưa gặp, nhưng chúng ta có cảm giác mình và người ấy có một liên hệ rất gần gũi.

Immortality: Bất tử. Đây là hiện tượng chúng ta không muốn chính mình bị mai một và rơi vào lãng quên. Vì thế người nghệ sĩ chính là đại diện của các cá nhân luôn muốn mình là người bất tử. Đây chính là một nhu cầu khao khát vượt qua được thời gian, không gian và những ý thức hệ khác nhau để tồn tại.

Imperfect creature: Sinh thể bất toàn. Chúng ta đôi lúc khó chấp nhận bản thân mình với những hạn chế cố hữu. Người lớn đã sửa phạt chúng ta (khi chúng ta còn quá nhỏ) và những ấn tượng sâu sắc nhất ấy đã đi vào thế giới tâm thức và đi theo chúng ta đi vào thế giới người lớn.

Impermanent: Tất cả đều là tạm thời. Theo kinh Phật thì chẳng có gì là bền vững và tồn tại vĩnh cửu. Mọi điều chỉ là tương đối. Vì thế nhiều người trong chúng ta không muốn mình sẽ rơi vào tình trạng như thế, nên chúng ta thường tìm đến những giá trị chúng ta tin rằng là các giá trị bền chặt như của cải và danh vọng. Tiếc thay đây chính là những giá trị phù phiếm nhất.

Impermeable: Không có tính năng thẩm thấu. Nhiều cấu trúc không có khả năng này và tương đối cố định vì thiếu khả năng tương tác lan rộng. Theo George Kelly thì đây là những cấu trúc tư duy hẹp như: đắt–rẻ, trắng–đen, chúng không cho chúng ta khả năng suy rộng như cấu trúc mở: thiện–ác, tốt–xấu…

Impersonal: Xu hướng cuộc sống càng lúc càng khép kín, giảm hẳn khá năng giao tiếp với các cá nhân khác. Đây là một hình thái co cụm và thiếu tính liên đới với người chung quanh.

Implies: Gợi ý. Đây là trạng thái chúng ta sử dụng khả năng suy diễn của mình để nhận định, phán đoán, vá áp dụng vào những hoàn cảnh điều kiện trong tương lai.

Impossible: Hoàn toàn bất khả thi. Đây là khái niệm những phạm trù không thể nào đạt được vì tiêu chuẩn cao trong khi đó những cố gắng không xích lại gần được với những tiêu chuẩn này.

Impossibility: Trạng thái cầu toàn và hoàn thiện tuyệt đối. Đây là trạng thái rất khó thực hiện được. Đây là khái niệm được giới thiệu để chúng ta chấp nhận chính con người của mình.

Imprinting: In dấu. Theo Lorenz thì quá trình in dấu. Nơi trẻ em, bé sẽ học về người mẹ qua đôi mắt, giọng nói, và những cách bồng nựng vuốt ve, mùi mồ hôi của mẹ. Vì thế ngay khi còn bé trẻ em đã có để phân biệt được mẹ mình và các phụ nữ khác qua những dấu ấn này.

Improvement: Quá trình thăng tiến, cải tổ và phát triển thuận lợi. Trong liệu pháp, đây là khả năng tự giải quyết của thân chủ đã được cải thiện và phát triển thuận lợi.

Impulse: Xung động. Đây là những nguồn động lực có thể có những tác động lớn. Nhiều người có khả năng kiềm chế và một số khác không có khả năng kiềm chế các xung động. Nhìn chung xung động có thể là dấu hiệu tích cực báo hiệu để cơ thể có những hướng xử lý khác nhau.

Impulsive: Cá tính nóng nảy. Đây là những cá tính nóng nảy vì họ thiếu khả năng kiểm soát những xung động của mình.

In the eyes of the beholder: Điều chúng ta nhìn thấy rất chủ quan. Đây là khái niệm cho thấy chúng ta có cái nhìn rất khác nhau mặc dù chúng ta cùng đối diện với cùng một hệ thống các diễn biến sự kiện chung.

Inaction: Thụ động đóng cửa lòng. Đây là trạng thái trở về mặc cảm xúc. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nhận ra các cá nhân chẳng còn bất cứ chút hứng thú nào vì tình trạng thu mình vào thế giới vỏ ốc của họ.

Inactive: Trạng thái nghỉ, hay còn gọi là trạng thái tĩnh khi cá nhân tạm thời ngưng các hoạt động tư duy của mình.

Inactivity: Thụ động. Đây là cảm giác xảy ra do nhàm chán, vô cảm, trầm uất, đời sống nhạt nhẽo và vô vị..

Inadequacy: Không có khả năng thao tác bình thường. Đây là trạng thái yếm thế khi cá nhân không thật sự tin rằng mình có những kỹ năng cần thiết để xử lý các nan đề. Đây có thể là do ảnh hưởng tâm lý mà cũng có thể là một thực tế đối với một số cá nhân.

Inauthentic: Có vẻ không có thực, sống không trung thực với chính mình, đây là trạng thái luôn luôn cần đến những tín hiệu giả, những vỏ bọc và những hình thức bề ngoài để đánh lạc hướng người khác và để bảo vệ cho tâm thức bất an của mình.

Inauthenticity: Không dám sống thực. Một khái niệm trong tâm lý học khi cá nhân không có đủ can đảm để sống thật sự với chính mình. Họ là những người rất bình thường nhưng vì những nan đề tâm lý đã khiến cho họ có một đánh giá sai lệch về chính khả năng của bản thân họ.

Incidental constructs: Hệ cấu trúc hẹp. Theo George Kelly thì một hệ cấu trúc hẹp là những hệ cấu trúc đơn cực, tập trung vào nội dung sự kiện nhỏ hẹp nên chúng không phục vụ trong quá trình chuyển khung tư duy và khung trạng thái cảm xúc như những hệ cấu trúc mở rộng.

Permeability: Có tính năng thẩm thấu cao. Đây là những hệ cấu trúc tư duy có tính năng thẩm thấu cao sẽ giúp mở rộng phạm vi áp dụng, ví dụ như hệ cấu trúc lành mạnh–thiếu lành mạnh là hệ cấu trúc có thể áp dụng được với nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, y tế tâm lý, xã hội, giáo dục, tư tưởng…

Inclusive fitness: Mô hình phù hợp đặc biệt. Hay nói khác đi là sự phát triển ngoại lệ của một chủng loại. Một cá nhân thành viên của chủng loại thà hy sinh một chút giảm sút trong khả năng sinh tồn của mình sẽ giúp quân bình lại cơ hội sinh tồn của các thành viên có chung huyết thống với mình. Đây là một tính năng giúp cho giống nòi được duy trì.

Incompetence: Chẳng có những năng lực nào. Đây là trạng thái bất lực khi cá nhân không thể thao tác được những yêu cầu mà những người bình thường khác có thể thao tác được.

Incompleteness: Bỏ dở ngang. Trong nhiều trường hợp chúng ta luôn đối diện với tâm trạng bỏ dở chưa kịp hoàn thành, tương tự như cảm giác khi chúng ta bị chất vấn bởi sự thiếu nhất quán trong hệ tâm thức của bản thân mình. Bỏ dở ngang là hiện tượng chúng ta chưa giải quyết dứt điểm các nan đề tâm lý.

Incongruity: Trạng thái lệch khớp tâm thức. Đây là trạng thái tạo ra những mâu thuẫn trong tư tưởng của chúng ta.

Inconspicious: Không có khao khát muốn thể hiện. Trong đời sống của mình, một số cá nhân thu vào một khung gò bó chật hẹp, không đòi hỏi, không vươn lên, bằng lòng với những điều tủn mủn. Họ chẳng bao giờ muốn thể hiện.

Increment: Những khoảng nối tiếp nhau. Đây là những đơn vị khoảng thời gian trong các mô hình phát triển có giai đoạn như phát triển nhận thức, phát triển tư duy, phát triển sinh lý…

Independence: Độc lập. Trong tâm lý, đây là một trạng thái trưởng thành, không dễ bị dao động. Độc lập không có nghĩa là cứng cỏi trong nếp nghĩ. Độc lập là biết sử dụng các giá trị của mình để tiếp cận với những dữ kiện và sự kiện trong đời sống.

Independent of our mind: Độc lập với tâm trí của chúng ta. Nhiều sự kiện xảy ra trong đời sống có ảnh hưởng đến hệ tâm thức của chúng ta nhưng những sự kiện này hoàn toàn độc lập với hệ tâm thức của chúng ta.

Independent variables: Đại lượng độc lập. Đây là đại lượng kích thích. Ví dụ như thiếu ngủ sẽ dẫn đến làm bài kiểm tra điểm không cao. Trong trường hợp này thiếu ngủ chính là đại lượng độc lập đã kích thích tác động lên khả năng làm bài kiểm tra của cá nhân.

Indication: Biểu hiện. Đây là những xu hướng được định hình qua những hành vi nhất quán chúng ta có thể quan sát được nơi một cá nhân.

Individuality: Khái niệm cá nhân. Đây là khái niệm diễn tả về nét riêng đặc trưng của một con người. Trong bối cảnh tâm lý học, khái niệm này cho thấy chủ nghĩa cá nhân đã chi phối và góp phần tạo nên một nhân cách riêng và nhân cách này hội tụ những đặc tính rất đặc trưng của mỗi người.

Idiosyncratic: Những thói quen đặc trưng mang tính tư chất cá nhân. Độc lập và đặc trưng.

Individual Psychology: Tâm lý cá nhân. Được khỏi xướng bởi Alfred Adler. Theo ông thì tuy liên hệ với xã hội, chúng ta luôn có những hệ thống rất riêng nhằm hoàn thiện cá nhân mình trong quá trình tiếp cận với xã hội..

Individuality corollary: Hệ quả tất yếu trong tính cách cá nhân. Theo George Kelly thì đây là một hệ cấu trúc cá nhân được tổng hợp từ những kinh nghiệm cá nhân.

Indoctrinate: Cổ xúy. Nhiệm vụ của các nhà tâm lý không chỉ nghiên cứu mà họ còn quảng bá những kinh nghiệm khám phá của mình với những người khác nữa.

Industrial psychology: Tâm lý công nghiệp. Đây là ngành tâm lý trực tiếp nghiên cứu các đối tượng liên quan đến các lĩnh vực then chốt trong kỹ nghệ công nghiệp như môi trường cơ quan, khuyến khích công nhân, thiết kế môi trường làm việc có hiệu quả, tiếp thị, và tâm lý nhà sản xuất, tâm lý khách tiêu dùng.

Industrial revolution: Cách mạng công nghiệp. Đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của con người. Cách mạng công nghiệp đã thay đổi những hoạt động truyền thống, vai trò của mỗi cá nhân thay đổi. Khi sản phẩm được sản xuất theo mô hình dây chuyền, nhu cầu, quyền lợi và nghĩa vụ của giai cấp công nhân thay đổi. Những điều này đã kéo theo sự thay đổi của cả hệ thống xã hội.

Industry: Năng động cần cù khéo léo. Theo Erickson thì đây là giai đoạn phát triển các em tập trung vào khả năng thao tác thủ công của mình.

Ineffable connectedness: Hiện tượng liên hệ không diễn tả được. Tuy được hiểu ngầm, nhưng ý thức luôn chứa đựng những trật tự giấu kín, sâu lắng hơn, đầy những liên hệ không thể diễn tả được qua những gì ta nhìn thấy; hoặc từ những kinh nghiệm đến từ cuộc sống.

Infancy: Thời kỳ ấu nhi. Nhiều học giả thường chia ba thời kỳ phát triển của con người gồm thời thơ ấu, tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành.

Infer: Rút ra kết luận. Chúng ra thường rút ra những kết luận từ những điều chúng ta có thể quan sát được. Đây là một quá trình phân tính và tổng hợp, đánh giá với những sự kiện khác nhau nhằm tạo ra một kết luận sau khi quá trình suy diễn đã kết thúc.

Inertia: Co cụm vào thế giới tĩnh lặng của riêng mình sẽ trở thành thụ động. Đây là trạng thái trơ khi các cá nhân không còn thiết tha gì đến những khung cảnh nhộn nhịp sống động của cuộc đời.

Inevitable: Điều tất yếu xảy ra không tránh khỏi được. Chẳng hạn như khi về già cơ thể sẽ hao mòn, cái chết sẽ không tránh khỏi. Đây là khái niệm tự nhiên tất yếu và chúng ta thường không có nhiều kiểm soát với những hiện tượng này.

Infantile: Tuýp người trẻ con. Theo Rollo May thì họ là người 100% có những mơ ước nhưng không có một chút ý chí (will) nào. Họ là người có quá nhiều ước mơ và đam mê nhưng thiếu hẳn kỷ luật bản thân (self–discipline) để bắt tay vào thực hiện những giấc mơ và đam mê của mình.

Inferiority: Thiếu khả năng, không có năng lực. Đây là kết quả của tình trạng yếm thế và kết quả của thiếu tự tin và thiếu những điều kiện khả năng thao tác.

Inferently incompatible: Liên hệ suy luận lệch khớp. Theo George Kelly một cá nhân có thể liên tục sử dung những hệ cấu trúc của những tiểu bộ phận trong một hệ thống vốn không có những liên hệ suy luận với nhau. Và nếu không có những nệm giảm xóc, các cá nhân có thể dẫn đến hiện tượng liên hệ suy luận lệch khớp.

Inferiority complex: Hội chứng thiếu năng lực hội chứng yếm thế, hội chứng thiếu khả năng, mặc cảm khiếm khuyết. Đây là những đối tượng nan đề được các nhà liệu pháp đặc biệt quan tâm đến.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx