sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần I - Chương 02 - Phần 2

Sau cùng, càng quan sát hoạt động của hệ thống toàn cầu hóa, tôi càng thấy hệ thống này sản sinh những nguồn lực phát triển mạnh mẽ, cũng như khả năng đồng hóa có tốc độ chóng mặt. Và nếu không bị kiểm soát chặt chẽ, những nguồn lực này có tiềm năng hủy diệt môi trường và nhổ bật các giá trị văn hóa với tốc độ nhanh đến mức nhân loại chưa từng chứng kiến. Dần dà tôi nhận thấy nếu không bổ sung thêm khía cạnh môi trường vào lập luận của mình thì tôi sẽ bỏ qua một trong những sức mạnh chính yếu, có thể hạn chế phát triển và gây sự chống toàn cầu hóa. Thế là tôi bổ sung chiều thứ sáu – tự học về xu hướng bảo vệ môi trường – vào hệ thống trao đổi thông tin. Trong những chuyến đi sau này tôi thường muốn rẽ ngoặt sang tìm hiểu hệ sinh thái bị toàn cầu hóa tác động ra sao, và sự suy thoái của môi sinh, ngược lại, tác động ra sao tới toàn cầu hóa.

Giờ đây tôi đang nói đến không gian sáu chiều. Chiều tiếp theo là gì, tôi chưa biết. Nhưng nếu có manh nha một chiều kích mới thì tôi sẽ chắc chắn sẽ tiếp tục bổ sung thêm – vì giờ đây tôi là nhà toàn cầu học. Có nghĩa là tôi không phải là người theo phái hiện thực – cho rằng mọi thứ trong quan hệ quốc tế đều có thể giải thích bằng ham muốn quyền lực và lợi thế địa – chính trị, rằng thị trường không thật sự quan trọng. Tôi không là người bảo vệ môi trường – chỉ quan sát thế giới qua lăng kính bảo tồn, gìn giữ môi trường bằng mọi cách, chứ phát triển không quan trọng. Tôi cũng không là một nhà kỹ trị – trong hàng ngũ những tay chuyên nghiệp ở Thung lũng Silicon, cho rằng lịch sử khởi thủy từ ngày phát minh ra bộ vi xử lí và Internet sẽ quyết định tương lai của các quan hệ quốc tế – địa chính trị không quan trọng. Tôi không phải là người theo phái bản chất – cứ tin rằng hành vi của con người bắt nguồn từ những đặc tính ADN hoặc văn hóa nào đó – nên nghĩ khoa học và công nghệ không là gì cả. Và tôi cũng không phải là một nhà kinh tế – những kẻ cho rằng biến động thị trường giải thích toàn bộ hoạt động của thế giới, trong khi coi nhẹ ảnh hưởng của quyền lực chính trị lẫn văn hóa.

Tôi tin rằng hệ thống toàn cầu hóa ngày nay – trong đó những rào cản về địa lý, thị trường và luận thuyết ngày càng bị phá bỏ – đang thiết lập một thể trạng mới trên thế giới. Và cách duy nhất giúp người ta nhận biết và giải thích nó là cân đo và phân tích thông qua sáu chiều kích kể trên, nhưng tùy lúc tùy hoàn cảnh mà gán ý nghĩa nặng nhẹ cho mỗi chiều kích. Điều cốt yếu là ta phải thấy được sự kết hợp và tương tác của tất cả sáu chiều kích đang thật sự là những nét định hình quan hệ quốc tế ngày nay. Vì thế trở thành nhà toàn cầu học là cách duy nhất kết nối mọi sự kiện, hiểu được hệ thống toàn cầu hóa và giúp lập lại trật tự ở những nơi hỗn loạn.

Nếu những đánh giá trên của tôi là sai, thì điều đó sẽ sớm lộ ra. Nhưng nếu những đánh giá của tôi là đúng thì sẽ có nhiều người phải quay lại nhà trường. Tôi tin rằng đối với nhà báo, những người nhận nhiệm vụ giải thích thế giới, và những nhà chiến lược, có trách nhiệm nhào nắn thế giới này, điều thiết yếu là họ cần phải suy nghĩ như những nhà toàn cầu học. Ngày nay càng có nhiều những mạng lưới liên lạc, kết nối thế giới và nhiều tổ chức khác nhau; và người làm báo cũng như các nhà chiến lược cần phải tư duy liền lạc như mạng lưới ấy. Nhưng thật không may, trong giới học giả và nhà báo, vẫn hiện hữu xu hướng suy nghĩ riêng rẽ, bị những nghiệp vụ và kỹ năng riêng chi phối, làm cho nhiều người bỏ qua một thực tế: thế giới không còn bị chia cắt thành những mảng riêng rẽ nữa, và những ranh giới giữa các vấn đề nội địa, quốc tế, chính trị và công nghệ đang lu mờ dần đi.

Xin đơn cử một ví dụ. Đã nhiều năm, chính phủ Clinton hăm dọa trừng phạt Nhật Bản nếu nước này không hủy bỏ một số biểu thuế quan, chính thức cũng như không chính thức, đánh vào một loạt các mặt hàng. Nhưng cứ mỗi lần đại diện thương mại đầy hiểu biết của Hoa Kỳ Mickey Kantor lại thúc đẩy chuyện trừng phạt Nhật bản đến mức gần thành công và Tổng thống gần hạ roi phạt Nhật, đến phút cuối, thì Clinton lại rút về. Đây là những gì tôi tưởng tượng đã xảy ra trong phòng Bầu Dục lúc ấy:

Kantor bước vào phòng Bầu Dục, kéo ghế ngồi xuống cạnh Tổng thống và nói: “Thưa Tổng thống, mấy thằng cha người Nhật lại bắt đầu làm khó dễ cho chúng ta. Họ không cho mấy mặt hàng của ta được nhập vào Nhật. Đã đến lúc ta phải cho họ biết thế nào là lễ độ. Trừng phạt. Thưa Tổng thống. Trừng phạt mạnh. Giờ là thời điểm cho họ biết tay. Phải đặt chúng vào đúng chỗ. Và thêm nữa, làm như vậy, cánh nghiệp đoàn sẽ rất khoái chúng ta.”

“Mickey, ông nói đúng quá”, Tổng thống đáp. “Làm đi.” Nhưng ngay lúc Kantor sắp ra đi để thực thi trừng phạtTokyo, thì Bộ trưởng Thương mại Robert Rubin bước vào phòng.

“À, thưa Tổng thống”, Rubin nói, “Ngài có nhận ra rằng nếu chúng ta áp đặt trừng phạt chống lại Nhật Bản thì đồng đô-la sẽ sụt giá, và người Nhật sẽ bắt đầu bán đổ bán tháo trái phiếu ngân khố Mỹ của họ, khiến cho mức lãi suất nội địa Mỹ sẽ tăng.”

Và Kantor, người vừa bước chân khỏi cửa, bị Tổng thống gọi giật lại. “Ê, Mickey, Mickey, Mickey. Quay lại đây một giây. Chúng ta phải nghĩ lại chuyện này một chút.”

Vài ngày sau, Kantor quay lại. Ông ta lại đề nghị trừng phạt. Lần này, Tổng thống tỏ ra thật sự bị thuyết phục. Ông ta nói với Kantor: “Tôi không thể chịu đựng được mấy tay Nhật Bản hơn được, Mickey. Trừng phạt. Xuống tay ngay.”

Nhưng ngay trước khi Kantor bước ra để ra tay với người Nhật, thì Bộ trưởng Quốc phòng William Perry bước vào phòng Bầu Dục qua lối cửa hậu.

“Thưa Tổng thống,” Perry nói, “Ngài có nhận ra là nếu chúng ta áp đặt trừng phạt chống Nhật thì người Nhật sẽ không đàm phán để kéo dài thời hạn chúng ta được đóng tại căn cứ Okinawa, hoặc sẽ không giúp thanh toán đền bù cho mấy cái lò phản ứng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mà chúng ta đang trông đợi.”

Và lúc đó, Tổng thống sẽ lại cuống quít vẫy Kantor lại, khi ông này đang cố chuồn nhanh ra khỏi cửa. “Ê, Mickey, Mickey, Mickey. Quay lại đây một giây thôi. Chúng ta phải nghĩ lại chuyện này một chút.”

Trên đây chỉ là kịch bản tôi tưởng tượng ra. Nhưng tôi sẽ đánh cuộc rất nhiều tiền rằng nó tương tự như những gì đang thực sự diễn ra, và người phóng viên có trách nhiệm kể lại những chuyện như vậy không phải đơn thuần là phóng viên thương mại, phóng viên tài chính hoặc quốc phòng – họ là người đi đi lại lại, trao đổi thông tin của đồng thời ba lĩnh vực này.

Hai sử gia về quan hệ quốc tế Trường Đại học Yale, Paul Kennedy và John Lewis Gaddis quan niệm rằng một trong những chức năng của họ là đào tạo một thế hệ các nhà chiến lược mới. Công lao của họ cho thấy họ quyết định tìm ra một phương hướng mới để mở rộng chương trình giảng dạy để tạo nên một thế hệ các nhà chiến lược, những người có cái nhìn toàn cầu, thay vì những người chỉ bó hẹp cách nhìn trong các khía cạnh chuyên sâu. Trong một tiểu luận mà hai ông là đồng tác giả, Gaddis và Kennedy cho rằng việc có những chuyên gia trong các lĩnh vực nhất định là cần thiết, duy trì một tập thể những người có kiến thức sâu về nhiều mảng khác nhau luôn luôn quan trọng; nhưng cũng quan trọng không kém, các chuyên gia chuyên sâu từng lãnh vực không thể một mình hoạch định và phân tích chính sách đối ngoại.

Hai sử gia viết: “Những người này hoàn toàn có khả năng nhìn từng mảng trong một bức tranh lớn, nhưng họ khó có thể nhìn thấy toàn bộ bức tranh. Họ để riêng các thứ tự ưu tiên, thực thi riêng rẽ từng nhiệm vụ, mà không nghĩ đến khả năng các nhiệm vụ đó chồng chéo ảnh hưởng lẫn nhau. Họ di chuyển từ cây này sang cây khác thật ngon lành, nhưng lại tỏ ra sửng sốt khi nhận thấy mình lạc trong cả một khu rừng. Trong quá khứ, các nhà chiến lược quan sát được cả cây lẫn rừng. Họ là những nhà tổng hợp, hoạt động theo quan điểm sinh thái. Họ hiểu thế giới là một mạng lưới, trong đó những điều chỉnh nơi này tất sẽ hình thành những tác động nơi khác – vì rằng, mọi sự đều quan hệ với nhau. Các nhà tổng hợp đó giờ đây, đi đâu rồi? Trong các trường đại học và viện nghiên cứu giờ đây, xu hướng hiện tại là tập trung nghiên cứu chuyên sâu ngày càng bó hẹp: đầu tư chủ yếu dành cho hoạt động trong từng ngành riêng lẻ hơn là vào nghiên cứu nhiều ngành cùng lúc. Nhưng nếu không có kiến thức tổng hợp, không thấy được toàn cảnh – không hiểu được phương tiện kết hợp để hoàn tất hay phá hủy cứu cánh thì làm sao định ra chiến lược. Và nếu không có chiến lược thì chỉ có việc chịu trôi nổi mà thôi.”

Một số người đã lắng nghe lập luận trên đây. Cuối những năm 1990, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) tối mật, vốn thực hiện việc nghe trộm trên toàn cầu, thu thập hàng núi thông tin tình báo, đã quyết định điều chỉnh phương pháp làm việc của họ – từ chỗ phục vụ cho những ai “cần biết,” quý vị cần thì mới được biết, sang phương pháp “cần trao đổi,” nghĩa là sẽ không bao giờ hiểu nổi bức tranh lớn nếu không trao đổi để tìm hiểu những mảng nhỏ trong bức tranh đó.

Có thể điều đó giải thích cho việc một số (chứ không phải tất cả) nguồn tin mang tính nghiên cứu mà tôi thu thập được đã không đến từ phía các giáo sư quan hệ quốc tế hay viên chức Bộ Ngoại giao – mà từ những người thuộc trường phái toàn cầu hóa hiện đang ngày càng phát triển – giám đốc các quỹ đầu cơ tài chính. Tôi cảm nhận rằng mình ngày càng bị lôi cuốn đến với các nhà quản lý các quỹ đầu cơ tài chính hơn là đến với các nhà ngoại giao hay các vị giáo sư, vì những nhà quản lý tài chính giỏi thường rất hiểu về các vấn đề toàn cầu và có kỹ năng bẩm sinh để trao đổi và bổ sung thông tin từ sáu chiều kích, trước khi vạch quyết định. Một trong những tay giỏi nhất trong số họ là Robert Johnson, vốn là đối tác của George Soros. Johnson và tôi thường kết luận, sau mỗi khi phân tích tình hình thế giới, rằng cả hai chúng tôi làm công việc giống nhau – chỉ khác một chỗ rốt cuộc anh đặt cược vào một cổ phiếu hoặc trái phiếu, còn tôi thì viết bài về một khía cạnh trong quan hệ quốc tế. Nhưng cả hai chúng tôi đều phải trải qua một quá trình trao đổi thông tin mới đến được đích.

Trong khi lăng kính sáu chiều trong trao đổi thông tin là phương pháp tốt nhất để quan sát hệ thống toàn cầu hóa, đây là một hệ thống quá phức tạp không thể chỉ dùng những học thuyết lớn để giải thích. Cách giải thích tốt nhất là dùng những ví dụ đơn giản. Một hôm, tôi nói điểm này với Robert Hormats, Phó chủ tịch (quỹ đầu tư) Goldman Sachs International và ông nhận xét: “Để hiểu và rồi giải thích cho được toàn cầu hóa, điều cần thiết là hãy coi mình là một tay trí thức lãng du. Trong thế giới lãng du, không có lãnh địa nào riêng biệt. Đó là lý do tại sao những người lãng du là những người truyền bá tôn giáo độc thần như Hồi giáo hay phái Juda. Nếu là người định cư một chỗ, bạn có thể tưởng tượng ra bao nhiêu truyền thuyết về tảng đá này, gốc cây nọ. Nhưng những kẻ lãng du thì bao giờ cũng thấy nhiều hơn. Họ biết Thượng đế không nằm trong tảng đá đó. Ngài ở mọi nơi. Và bên những ngọn lửa trại, hay trên những dặm đường từ ốc đảo này sang ốc đảo khác, những kẻ lãng du truyền bá chân lý phức tạp này thông qua những câu chuyện giản đơn.”

Thời trước, một phóng viên, một bình luận viên hay một chính khách có thể chỉ cần chăm chú vào “thị trường của mình”, là tòa thị chính, quốc hội tiểu bang, Nhà Trắng hay Lầu Năm Góc hay Bộ Tài chính hay Bộ Ngoại giao. Nhưng ngày nay, thị trường là toàn bộ hành tinh này và những quan hệ tương tác giữa công nghệ, tài chính, thương mại và thông tin, và chính những mảng đó tác động đến lương tiền, lãi suất, điều kiện sống, văn hóa, cơ hội việc làm, chiến tranh và cả điều kiện thời tiết trên toàn thế giới. Điều đó không hẳn có nghĩa là toàn cầu hóa giải thích cho toàn bộ những gì đang diễn ra trên thế giới ngày nay. Điều đó đơn giản cho thấy có một hệ thống đang ảnh hưởng và tác động hơn bao giờ hết đến con người ta – hệ thống toàn cầu hóa.

Murray Gell-Mann, người đoạt giải Nobel, vốn giảng dạy môn vật lý lý thuyết tại Đại học Caltech và là một trong những sáng lập viên của Viện Santa Fe, có thời biện luận qua một loạt các bài giảng của ông rằng điều tôi gọi là trao đổi thông tin không khác mấy so với phương pháp các nhà khoa học cố gắng hiểu những hệ thống phức hợp. Ông nói đúng. Và không có hệ thống chính trị nào ngày nay phức tạp hơn toàn cầu hóa, và để hiểu nó, cả nhà báo lẫn nhà chiến lược đều phải phức tạp không kém.

“Trái đất này, một khi được hình thành, những hệ thống phức hợp ra đời – chúng là kết quả của sự tiến hóa vật lý của hành tinh, của sự tiến hóa về môi sinh cũng như của văn hóa con người”, Gell-Mann nói. “Quá trình này tiến triển tới mức con người chúng ta đang phải đương đầu với những vấn đề gay cấn về sinh thái, chính trị, kinh tế và xã hội. Khi cố gắng giải quyết những vấn đề khó khăn đó, đương nhiên chúng ta chia chúng thành những phần nhỏ dễ xử lý. Đó là một phương pháp hữu ích, nhưng lại có những hạn chế nghiêm trọng. Khi xử lý những hệ thống phi tuyến tính, đặc biệt một hệ thống phức tạp, quý vị không thể coi chúng là một khối gồm nhiều thành phần ghép lại, rồi cộng cái nọ vào cái kia, nói cái nọ hành xử như thế này, điều kia chuyển động như khác, rồi tất cả tổng hợp trở thành một khối. Với một hệ thống phi tuyến tính phức tạp, quý vị phải mổ xẻ tách bạch, nghiên cứu từng phần, rồi nghiên cứu mối quan hệ khăng khít mà vốn đã và đang gắn bó các phần đó với nhau. Chỉ có cách đó mới miêu tả được toàn bộ hệ thống.”

Đối với tôi, đó chính là cốt lõi của của cái tôi cho là trường phái toàn cầu hóa trong quan hệ quốc tế. Nhưng trước khi có trường phái này, chúng ta cần có thêm sinh viên, giáo sư, nhà ngoại giao, nhà báo, điệp viên và các nhà khoa học xã hội… được huấn luyện để trở thành các nhà toàn cầu học.

“Chúng ta cần một tập hợp những người thấu hiểu về tầm quan trọng của việc quan sát hệ thống toàn cầu một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp”, Gell-Mann nói thêm. “Đó phải là quan sát trực tiếp, vì ta sẽ không bao giờ hiểu hết được mọi phần của mối tương tác. Chắc bạn nghĩ phần lớn nhà báo làm chuyện đó? Không, không có đâu. Tiếc thay, nhiều thành phần xã hội ngày nay, bao gồm giới học giả và hành chính, đặc quyền vẫn chỉ được giành cho những người chuyên chú vào một lĩnh vực hẹp, một vấn đề, một ngành nghề, một công nghệ, hay một thứ văn hóa, trong khi bàn thảo về bức tranh tổng thể vẫn chỉ là chủ đề của những bữa tiệc cocktail phù phiếm. Thật điên rồ. Chúng ta phải hiểu cho được rằng ngoài những nhà chuyên môn, chúng ta cần đến những con người có tài phát hiện những mối tương tác mạnh mẽ và những đan xen nhiều chiều, và có cái nhìn không trực tiếp vào toàn bộ bức tranh. Những gì chúng ta vốn coi là chuyện tầm phào trong bữa tiệc cocktail nay đã trở thành yếu điểm của toàn cục.”

Thế đấy, giờ đây, mời bạn tham dự bữa tiệc cocktail của tôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx