sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần I - Chương 03 - Phần 1

3. Chiếc Lexus và cây ô liu

Jerusalem, 29/12/1998: Shimon Biton áp chiếc điện thoại di động vào bờ tây để một người thân ở Pháp có thể nói lời cầu nguyện ở nơi linh thiêng này.

Nhận thức được toàn cầu hóa là hệ thống thế giới mới thay thế cho Chiến tranh Lạnh liệu đã đủ cho bạn giải thích được thực trạng thế giới ngày nay chưa? Chưa hẳn.

Toàn cầu hóa là điều mới mẻ. Nếu thế giới được tạo ra chỉ từ những vi mạch và các thị trường, thì toàn cầu hóa là phương tiện để có thể giải thích hầu như bất cứ điều gì.

Nhưng, lạy thánh, thế giới này gồm có vi mạch, thị trường, đàn ông, đàn bà với những phong tục kỳ lạ, truyền thống, lòng ham muốn và những ước vọng không đoán được. Vậy thì thực trạng thế giới ngày nay chỉ có thể được giải thích như sự tương tác giữa những cái mới mẻ, như Internet, với những thứ cổ xưa, như một cây Ô liu già cỗi trên bờ sông Jordan. Tôi đã nghĩ đến điều này lần đầu tiên khi đang ăn tối món sushi, đi trên một con tàu điện chạy một trăm tám mươi dặm dặm một giờ, ở Nhật Bản, hồi tháng 5/1992.

Ở Tokyo trong chuyến công tác lúc đó, tôi đã thu xếp để thăm nhà máy sản xuất xe hơi Lexus sang trọng nằm bên ngoài Toyota City, phía nam Tokyo. Đó là một trong những chuyến đi đáng ghi nhớ nhất của tôi. Vào lúc đó, nhà máy này mỗi ngày sản xuất ba trăm xe Lexus, sử dụng sáu mươi sáu công nhân và ba trăm mười người máy. Những gì tôi được xem cho thấy con người ở đó chỉ có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm. Chỉ có vài người nhúng tay vào việc vặn một vài chiếc ốc hoặc hàn một vài bộ phận. Hầu hết mọi việc còn lại do những người máy vận hành. Có cả loại xe vận tải tự động, chuyển nguyên vật liệu trong xưởng, có khả năng cảm nhận được con người, kêu “bíp, bíp” để người ta tránh đường. Tôi thích thú ngắm người máy lắp ráp lớp cao su trong chỗ ráp kính trước của mỗi chiếc xe. Cánh tay của người máy quét phủ chính xác lớp cao su nóng vào ô kính. Điều làm tôi thích thú nhất là khi kết thúc công việc, bao giờ cũng có một giọt cao su nóng ở cánh tay người máy, thò ra như kem đánh răng ở đầu chiếc tuýp sau khi bạn quét kem vào bàn chải. Nhưng cánh tay người máy sẽ quay đi cho tới khi nó gặp một đoạn dây thép nhỏ, khó thấy, gạt sạch chỗ cao su còn thừa đó, không để lại một chút thừa vương vãi. Tôi cứ ngắm mãi cái công đoạn này, nghĩ đến bao nhiêu công lao xây dựng kế hoạch, thiết kế và kỹ thuật để sinh ra loại cánh tay robot làm được những việc như vậy, rồi lại được sợi dây thép nhỏ xíu gột sạch để cánh tay tiếp tục vươn sang những ô cửa kính tiếp theo. Ấn tượng thật sâu sắc.

Sau khi thăm nhà máy, tôi quay trở lại Toyota City, lên tàu siêu tốc hình viên đạn trở về Tokyo. Tên con tàu thật chính xác vì nó có vóc dáng hình viên đạn và đi trên đó người ta có cảm giác đi trong một viên đạn đang bay. Trong khi nhấm nháp món sushi cho bữa tối được bán trên tàu, tôi đọc tờ International Herald Tribune. Một mẩu tin ở đầu góc phải trang ba làm tôi chú ý. Đó là cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Margaret D. Tutwiler đưa ra một lời giải thích gây tranh cãi về một nghị quyết Liên Hiệp Quốc năm 1948. Nghị quyết này liên quan tới việc hồi hương người Palestine vào Israel. Tôi không nhớ hết các chi tiết, nhưng lời giải thích của người phát ngôn rõ ràng đã kích động cả phía Ả Rập lẫn Israel và gây điên tiết ở Trung Đông – đó là nội dung chính của mẩu tin đó.

Thế đấy, tôi đi chuyến tàu nhanh, vận tốc một trăm tám mươi dặm một giờ, đọc một mẩu tin về khu vực cổ kính nhất thế giới. Trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh những người Nhật dùng robot để sản xuất xe hơi Lexus sang trọng, hững con tàu siêu tốc. Trong khi đó, trên đầu trang ba tờ Herald Tribune thì những người tôi từng chung sống nhiều năm ở Beirut và Jerusalem, những người tôi từng quen thuộc, vẫn đang bắn giết nhau chỉ vì tranh chấp xem ai là người chủ của cây Ô liu nào. Điều tôi chợt nghĩ lúc đó là chiếc Lexus và cây Ô liu tượng trưng khá hay cho thời Hậu Chiến tranh Lạnh: một nửa thế giới ra khỏi cuộc chiến, cố gắng sản xuất và cải tiến cho chiếc xe Lexus sang trọng, giành hết sức cho hiện đại hóa, tinh giản và tư nhân hóa nền kinh tế của họ để tiến bộ trong thời toàn cầu hóa. Còn nửa kia của thế giới – nhiều khi là phân nửa của một đất nước, hay là phân nửa của một cá nhân – vẫn tiếp tục tranh giành xem ai là người chủ của một cây Ô liu nào đó.

Ô liu là loại cây quan trọng. Chúng đại diện cho những gì là gốc rễ của chúng ta, che chở chúng ta và đưa chúng ta vào thế giới này – dù cho chúng là tài sản của một gia đình, một cộng đồng, một bộ tộc, một đất nước, một tôn giáo hay một nơi được gọi là quê hương. Cành cây Ô liu cho ta mái ấm gia đình, niềm vui cá nhân, sự gần gũi trong quan hệ giữa con người, sự sâu sắc của quan hệ lứa đôi, cũng như tính tự tin và khả năng vươn tới để đối phó với các quan hệ bên ngoài. Chúng ta tranh đấu triền miên để giành giật những cây Ô liu vì chúng tạo cho ta cảm giác hãnh diện và hòa hợp – cảm giác thiết yếu cho con người tồn tại, cũng tựa như cơm ăn áo mặc. Thực vậy, một trong những lý do khiến cho khái niệm quốc gia sẽ không bao giờ mất đi, ngay cả khi chúng suy yếu, cũng chính là cây Ô liu – cách diễn đạt tối thượng nguồn gốc của chúng ta về ngôn ngữ, địa lý và lịch sử. Đứng một mình, bạn không thể nào là một con người hoàn chỉnh. Một mình, bạn có thể là một người giàu có. Một mình, bạn có thể là một nhà thông thái. Nhưng bạn không bao giờ là người hoàn chỉnh nếu đứng một mình. Bạn phải là người có cội nguồn và là phần không tách khỏi của một vườn Ô liu nào đó.

Chân lý này có lần được Giáo sĩ Harold S. Kushner giảng giải rất hay khi ông ta bình một đoạn trong tiểu thuyết nổi tiếng Trăm Năm Cô Đơn của Gabriel Garcia Marquez:

Marquez kể về một ngôi làng nơi người dân ở đó bị nhiễm một chứng dịch kỳ lạ – bệnh quên lây lan. Căn bệnh này bắt đầu từ những người già, lan sang cộng đồng trong làng, khiến dân làng quên tên gọi thậm chí của những đồ vật hàng ngày. Một chàng trai không bị nhiễm bệnh đã cố gắng cứu vãn tình thế bằng cách gắn nhãn lên mọi đồ vật, “Đây là cái bàn”, “Đây là cửa sổ”. “Đây là con bò, phải vắt sữa mỗi sáng.” Và trước cổng làng anh ta dựng hai biển hiệu, một cái ghi “Làng ta mang tên Macondo,” và tấm biển kia - “Chúa hiện hữu.” Bài học tôi rút ra từ câu chuyện này là: chúng ta có thể và chắc sẽ quên đi hầu hết những gì học được ở đời – toán học, lịch sử, công thức hóa học, địa chỉ và số điện thoại ngôi nhà ta ở đầu tiên sau khi lập gia đình – tất cả những điều đó không phương hại gì. Nhưng nếu chúng ta quên chúng ta là ai và nếu chúng ta không còn nhớ đến Chúa trời, thì chúng ta đã đánh mất bản ngã sâu sắc của mình.

Nhưng dẫu cây Ô liu thiết yếu đối với bản ngã của chúng ta, chúng ta cứ khư khư bám lấy nó thì có thể khiến chúng ta xây dựng bản sắc, các mối quan hệ và cộng đồng dựa trên việc tận diệt các cộng đồng khác. Và một khi sự lạm dụng đó trở nên không kiểm soát được, tựa như phái Quốc xã ở Đức, hay như giáo phái giết người Aum Shinrikyo ở Nhật Bản hay người Serbia ở Nam Tư, thì diệt chủng xảy ra.

Xung đột giữa người Serb và Hồi giáo, giữa người Do Thái và người Palestine, giữa người Armenians và Azeris về sở hữu cây Ô liu, thật khốc liệt, chính vì để trả lời cho câu hỏi ai là người được cắm rễ và sinh sống trên quê hương, và ai là người không được phép làm điều đó. Logic trong các cuộc xung đột nói trên là: tôi phải kiểm soát cây Ô liu này, vì nếu để cho kẻ kia chiếm được nó thì tôi sẽ bị nó thống trị cả về kinh tế lẫn chính trị, và ngay cả cảm giác quê hương sẽ biến mất. Tôi sẽ không bao giờ có thể cởi giày ngồi nghỉ. Không gì có thể làm cho người ta điên khùng bằng việc bị người khác chiếm mất nhà cửa và cướp mất bản sắc. Để giữ gìn bản sắc, con người có thể chết, chém giết, hát hò, làm thơ hay viết tiểu thuyết. Vì nếu không còn quê hương và bản sắc, cuộc đời sẽ bị mất gốc và khô cằn. Và sống đời sống của một cây rong biển thì thà chết còn hơn.

Vậy còn chiếc xe hơi Lexus! Nó nói lên điều gì? Nó đại diện cho động lực không kém phần quyết định của nhân loại – động lực tồn tại, cải tiến, làm giàu và hiện đại hóa – hiện hữu rành rành trong hệ thống toàn cầu hóa ngày nay. Chiếc xe đại diện cho những thị trường công nghệ vi tính, phục vụ cho việc nâng cao điều kiện sống ngày nay.

Tất nhiên, đối với hàng triệu người thuộc các nước đang phát triển, sự khấm khá về vật chất chỉ bó gọn trong việc bước tới giếng nước, sống bằng một đô-la mỗi ngày, với cuộc đời con trâu đi trước cái cày theo sau, hay, đội trên đầu một bó củi đi bộ năm dặm để bán lấy tiền. Những con người này vẫn phải cày để sống, chứ đâu có kỹ thuật gì. Nhưng đối với hàng triệu người thuộc các nước phát triển, mưu cầu đời sống vật chất tốt hơn, hiện đại hơn ngày càng đồng nghĩa với việc lựa chọn giày Nike, đi siêu thị và sử dụng các công nghệ mạng điện toán. Điều muốn nói ở đây là người ta đã tìm đến với các thị trường mới và công nghệ mới bằng những con đường khác nhau, trong khuôn khổ toàn cầu hóa và hưởng những quyền lợi rất không công bằng, điều này cũng không thay đổi thực tế rằng thị trường và công nghệ mới là những công cụ kinh tế quyết định hiện nay và ai ai cũng chịu ảnh hưởng của nó một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Cuộc đấu giữa chiếc xe Lexus và cây Ô liu thực ra là phiên bản hiện đại của một câu chuyện cổ xưa, có thể nói là một trong những câu chuyện xưa nhất – Vì sao Cain giết Abel. Kinh thánh Do Thái có viết trong sách Cựu ước: “Cain nói với em là Abel; Và khi họ ra đồng, Cain bước tới và giết Abel, người em của mình. Khi Chúa hỏi Cain, “Em Abel của con đâu?” Cain đáp, “Con không biết. Con có phải là người canh giữ em con đâu?” Và đức Chúa nói, “Con đã làm điều gì vậy? Tiếng của máu huyết trong người em con trên đất đang vang vọng đến ta.”

Nếu đọc kỹ đoạn Kinh thánh đó, bạn sẽ thấy Kinh thánh Do Thái không bao giờ cho chúng ta biết Cain đã nói gì với Abel. Câu nguyên văn là “Cain nói với em là Abel” - chấm hết. Chúng ta không biết về cuộc nói chuyện bí mật đó. Điều gì đã xảy ra trong cuộc đối thoại, làm cho Cain nổi nóng và giết người em của mình? Giáo sư thần học của tôi, Giáo sĩ Tzvi Marz dạy tôi rằng những giáo sĩ hiền triết giỏi Cựu ước Rabbath, trong những bình giảng căn bản về Kinh thánh, có đưa ra ba lời giải thích cơ bản về nội dung cuộc đối thoại. Một là hai anh em đã cãi nhau về một người đàn bà – đó là Eve. Lúc đó, chỉ có một người đàn bà trên trái đất, đó là mẹ của chúng, và cả hai cãi nhau xem ai là người được quyền cưới bà ta. Họ cãi nhau về vấn đề giải quyết tình dục và sinh sản. Lời giải thích thứ hai ấn định rằng Cain và Abel đã chia đôi thế giới, trong đó Cain sở hữu toàn bộ đất đai – như Kinh thánh nói, “Cain trở thành người thợ cày trên mảnh đất” – và Abel sở hữu toàn bộ động sản cùng gia súc – Kinh thánh nói, “Abel trở thành người chăn cừu.” Và theo lời giải thích này thì Cain nói với Abel hãy mang đàn cừu và biến khỏi đất của anh ta. Điều này dẫn đến xung đột, mà khi lên đến đỉnh điểm, Cain đâm chết người em của mình. Hai anh em tranh chấp quyền lợi phát triển kinh tế và đời sống vật chất. Lời giải thích thứ ba cho rằng hai anh em đã chia đôi đàng hoàng mọi thứ trên thế giới, trừ một điều nan giải: ngôi đền, biểu trưng của tôn giáo và bản sắc văn hóa của hai anh em sẽ được xây cất ở đâu? Mỗi người đều muốn kiểm soát ngôi đền để nó phản ánh bản sắc của mình. Mỗi người đều muốn ngôi đền phải được xây trong vườn Ô liu của mình. Họ tranh chấp về vấn đề bản sắc và ai sẽ là người giữ giềng mối gia đình.

Vị Giáo sĩ của tôi kết luận tất cả các khía cạnh cơ bản của động lực nhân loại sau này đã được bao gồm trong một câu chuyện nhỏ đó: nhu cầu riêng tư tình dục, nhu cầu phát triển vật chất và nhu cầu hình thành và duy trì bản sắc và tính cộng đồng. Tôi xin giành phần nói về tình dục cho một tác giả khác phân tích, trong cuốn sách này, tôi xin nói về hai phần sau của câu chuyện.

Chính vì thế nên tôi thích nói, sự trao đổi thông tin cho chúng ta những lăng kính để quan sát thế giới ngày nay, nhưng chỉ những lăng kính thôi vẫn chưa đủ. Chúng ta cũng cần hiểu chúng ta đang quan sát điều gì và để làm gì. Chúng ta đang quan sát và tìm xem sự mưu cầu vật chất tốt hơn và bản sắc cá nhân và cộng đồng – khởi nguồn từ Cựu ước – đang phát triển ra sao trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Đó chính là tấn kịch giữa xe hơi Lexus và cây Ô liu.

Trong hệ thống Chiến tranh Lạnh, khả năng gây hại cho cây Ô liu của bạn đến từ một cây Ô liu khác. Nói cách khác, người hàng xóm của bạn một hôm chạy sang, giận dữ nhổ bật cây Ô liu của bạn và trồng vào đó một cây Ô liu của anh ta. Hiểm họa kiểu đó ngày nay chưa hẳn đã qua đi, mặc dù nó không còn xảy ra trên nhiều phần trên hành tinh này. Nhưng hiểm họa lớn nhất đối với cây Ô liu của bạn lại đến từ chiếc xe hơi Lexus – từ những thế lực thị trường và công nghệ mang thuộc tính đồng hóa, tiêu chuẩn hóa và vô danh, tất cả hình thành nên hệ thống kinh tế toàn cầu hóa ngày nay. Có những điều trong hệ thống này giúp cho chiếc xe Lexus trở nên hùng mạnh, chà đạp tất cả các hàng cây Ô liu trên con đường nó đi qua – phá vỡ biên giới các cộng đồng, lăn bánh qua các miền môi trường hoang sơ và xô đẩy dập vùi các giá trị truyền thống. Những điều đó làm nảy sinh phản kháng từ các hàng cây Ô liu. Nhưng cũng có những khía cạnh trong hệ thống toàn cầu hóa tăng cường sức mạnh cho những cộng đồng chính trị nhỏ nhoi và kém cỏi nhất, có thể tận dụng kỹ thuật mới và thị trường để bảo tồn những cây Ô liu, những giá trị văn hóa và bản sắc của mình. Đi về nhiều nơi trên thế giới trong những năm gần đây, tôi quan sát thấy nhiều cuộc vật lộn, kéo co và bập bênh giữa cây Ô liu và chiếc Lexus.

Cuộc vật lộn giữa chiếc Lexus và cây Ô liu trong hệ thống toàn cầu hóa được thể hiện trong cuộc trưng cầu dân ý tại Na Uy năm 1994 về vấn đề đất nước này có nên gia nhập Liên hiệp châu Âu hay không. Sự kiện này hẳn là một bước đi quyết định đối với dân Na Uy. Dù sao, Na Uy nằm trong châu Âu. Đó là một nước phát triển, giàu có và có buôn bán nội vùng châu Âu khá lớn. Gia nhập Liên hiệp châu Âu là điều đương nhiên về kinh tế đối với Na Uy trong tình hình toàn cầu hóa. Nhưng cuộc trưng cầu dân ý đó đã thất bại vì có nhiều người dân Na Uy cảm thấy gia nhập EU tức là xóa bỏ quá nhiều bản sắc và lối sống Na Uy, mà nhờ dầu thô trên biển Bắc Na Uy, họ có đủ khả năng duy trì mà không cần vào EU. Nhiều người dân Na Uy nhìn vào EU và nói với nhau: “Để tôi hỏi xem có đúng không. Người ta muốn tôi đem bản sắc Na Uy của tôi bỏ vào trong cái nhà bếp châu Âu nơi quan chức châu Âu sẽ nấu thành món bò kho châu Âu, bán ra bằng tiền euro tại nghị viện châu Âu tại thủ đô châu Âu… nơi có các nhà báo châu Âu đưa tin ư? Xin lỗi, không có đâu. Tôi thà là dân quê ở Na Uy còn hơn. Tôi thà bám giữ lấy cây Ô liu độc đáo của tôi còn hơn, dù về kinh tế có chịu thua thiệt chút đỉnh.”

Một cuộc kháng cự khác của cây ô liu đến từ Pháp, vào năm 1999, qua lời kể của phóng viên Anne Swardson, báo Washington Post. Câu chuyện kể về Philippe Folliot, trưởng làng St. Pierre-de-Trivisy, Tây Nam nước Pháp, có dân số sáu trăm mười người. Folliot và hội đồng dân biểu của thị trấn này áp mức thuế một trăm phần tră, lên mọi chai Coca-Cola bán tại thị trấn để trả đũa việc Hoa Kỳ áp đặt mức thuế đối với loại phô mai Roquefort chỉ sản xuất ở vùng tây nam nước Pháp gần St. Pierre-de-Trivisy. Trong khi quết phô mai Roquefort lên bánh mỳ, trưởng làng Folliot nói với phóng viên Swardson, “Phô mai Roquefort được chế biến từ sữa của một loài cừu đặc biệt, được sản xuất ở một nơi duy nhất trên đất Pháp và bằng một phương pháp không nơi nào có. Đó thể hiện sự tương phản đối với toàn cầu hóa. Bạn có thể mua Coca-Cola ở bất cứ nơi nào trên thế giới và vẫn có hương vị giống nhau. Đó tượng trưng cho việc các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ muốn đồng hóa tất cả các hương vị trên toàn thế giới. Đó chính là điều chúng tôi chống lại.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx