Tuy nhiên, một sự hòa đồng giữa chiếc xe Lexus và cây Ô liu trong câu chuyện sau đây do Glenn Prickett, một Phó chủ tịch của nhóm môi trường Bảo tồn Quốc tế kể cho tôi. Đó là khi ông ta đến thăm làng người da đỏ bộ tộc Kayapo mang tên Aukre, nằm ở một vùng sâu trong rừng mưa nhiệt đới Amazon của Brazil, nơi người ta chỉ đến được bằng máy bay loại nhỏ. Prickett kể: “Đặt chân xuống khỏi máy bay thì thấy cả làng ra đón, trong trang phục truyền thống và để trần, họ bôi mặt mũi, nhưng lại đội những chiếc mũ bóng chầy có thêu logo khác nhau. Tôi đến cùng nhóm Bảo tồn Quốc tế để thị sát tiến độ xây dựng một trạm nghiên cứu sinh học đặt ở thượng nguồn. Dự án có sự tham gia của người Kayapo. Người Kayapo, bằng vũ lực, đã bảo vệ nhiều phần của vùng Amazon trong nhiều thế kỷ. Giờ đây, họ đang học để bảo vệ nó thông qua liên minh với các nhà khoa học, môi sinh và những doanh nhân có ý thức về xã hội. Làng của họ có con phố chính nhỏ, trên đó có cửa hàng của Bảo tồn Quốc tế và một chi nhánh của hiệu Body Shop, thuộc một hãng làm xà phòng bảo vệ sinh thái. Sau hai ngày làm việc ở trạm nghiên cứu, chúng tôi kéo về làng để hoàn tất một số việc. Chúng tôi đã tổ chức một phiên chợ ngoài trời, bán những vật phẩm văn hóa của người Kayapo, đồ cổ, thúng mủng, đao kiếm, mũi tên, cung nỏ. Nhóm của chúng tôi sẽ mua hết các mặt hàng đó với giá đắt, trả bằng đô-la Mỹ. Rồi chúng tôi đến tụ tập trong ngôi nhà trung tâm, ngôi nhà rất cổ, có lẽ được dựng lên từ thời tiền sử. Khi ở trong nhà cùng với các già làng, tôi để ý thấy họ đang xem TV, nối với một ăng ten chảo. Mấy già làng chuyển kênh liên tiếp giữa một trận bóng đá và một kênh thương mại có chiếu về giá vàng lên xuống trên thế giới. Những người dân da đỏ muốn kiểm tra và cân đối chắc chắn mức lệ phí họ đòi từ một doanh nghiệp khai thác vàng đang hoạt động trên rìa đất của họ, dựa trên mức lên xuống của giá vàng thế giới. Sau đó những người dân làng này dùng tiền thu được để đảm bảo cho lối sống độc đáo của họ trên mảnh đất Amazon nhiệt đới này.”
Một cuộc tranh đấu chật vật của chiếc xe Lexus với cây Ô liu khác tôi đã chứng kiến tại trụ sở khối NATO ở Brussels. Tôi đang ngồi trên chiếc ghế bành ở hành lang chờ một cuộc hẹn. Gần đó là một nhà báo nữ người Nga, trò chuyện bằng tiếng Nga trên điện thoại di động. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là cái cảnh cô này đi đi lại lại gần chiếc máy bán Coca-Cola tự động, phía dưới một chiếc TV, kênh CNN trên TV chiếu cảnh quân Nga đột nhập vào Pristina, Kosovo – trước cả lực lượng NATO. Nhà báo Nga, bước quanh máy bán Coca-Cola, phía dưới màn ảnh CNN, nói tiếng Nga vào điện thoại di động, trong khuôn viên của NATO, trong khi Kosovo đang rực cháy – đầu óc tôi không thể chứa hết mọi mâu thuẫn của khung cảnh này.
Một câu chuyện khác trong đó cây Ô liu bóc lột chiếc xe Lexus được ghi trong tạp chí The Economist ngày 14/8/1999, nhan đề “Những kẻ côn đồ trên mạng”. Bài báo viết, “Cục Tình báo Hình sự Quốc gia cho rằng bản chất côn đồ bóng đá ngày càng trở nên tinh vi là nguyên nhân vụ bạo lực có tổ chức hồi tuần trước giữa hai nhóm cổ động viên từ Millwall và Cardiff City. Các băng đảng vốn kình chống nhau nay có vẻ quay ra phối hợp, thông qua Internet, để tổ chức địa điểm cho các cuộc ẩu đả. Thông tin được chúng trao đổi qua các trang web công khai và hạn chế. Một số trang còn tường thuật trực tiếp vụ ẩu đả ví dụ: Paul Dobb tường thuật: “Cuộc đấu đã bắt đầu khi tôi viết những dòng này”. Bản thân anh ta là một tay côn đồ chơi ma túy khét tiếng mà giới côn đồ trên mạng cũng như cảnh sát đều nhẵn mặt. Cảnh sát hiện đang truy cập những trang mạng tương tự, hy vọng tìm ra được những kế hoạch ẩu đả sắp tới.
Chuyện viễn Tây trên mạng điện toán toàn cầu!
Trường hợp cây Ô liu khai thác xe Lexus được thể hiện vào mùa hè năm 1999. Câu chuyện kể về cương lĩnh phân biệt chủng tộc của Adolf Hitler thể hiện trong hồi ký Cuộc đời tôi. Tập hồi ký bị chính phủ Đức cấm lưu hành ở nước Đức. Bạn không được phép bán cuốn sách ở bất kỳ hiệu sách nào hay in ấn ở bất cứ đâu trên đất Đức. Nhưng người ở Đức lại có thể đặt mua cuốn sách trên Internet qua trang mạng Amazon.com. Cuốn sách được gửi đến trực tiếp cho độc giả mà chính phủ Đức không có cách nào ngăn cản được. Thực tế cho thấy nhiều người ở Đức mua cuốn sách đến nỗi vào mùa hè năm 1999, cuốn Cuộc đời tôi nằm trong danh sách mười ấn phẩm bán chạy nhất của Amazon.com cho thị trường Đức. Lúc đầu Amazon.com từ chối, không chấp nhận lệnh cấm gởi cuốn sách vào Đức, giải thích rằng bản dịch Anh ngữ của cuốn sách không phải là đối tượng cho Đức kiểm duyệt, thêm nữa họ giải thích Amazon.com không phải là người đứng ra phân biệt ai là người đáng đọc cuốn sách, ai không. Tuy vậy, sau khi chuyện này xảy ra, Amazon.com đã phải hứng chịu hàng tấn email từ khắp thế giới chỉ trích họ, khiến họ phải ngưng bán các tác phẩm của Hitler.
Cây Ô liu vu cáo chiếc xe Lexus rồi đến lượt chiếc xe Lexus vu cáo trở lại… đó là câu chuyện về việc thử nghiệm hạt nhân ở Ấn Độ hồi cuối những năm 1990. Mùa xuân năm 1998, đảng dân tộc chủ nghĩa Bharatiya Janata [BJP] vừa đắc cử đã quyết định cưỡng lại ý muốn của toàn thế giới và nối lại công cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Khẳng định quyền của Ấn Độ được thử nghiệm hạt nhân chính là nền tảng của cương lĩnh tranh cử của BJP trước đó. Tôi đến Ấn Độ ngay sau khi những cuộc thử nghiệm diễn ra. Tôi trò chuyện với người giàu, người nghèo, công chức cũng như những thành phần phi chính phủ, dân nghèo ở nông thôn cũng như dân ăn diện thành phố. Tôi cố đợi để gặp được những người Ấn có thể có quan điểm, “Anh biết không? Những cuộc thử nghiệm như thế thật ngu xuẩn. Chúng tôi không tăng cường được an ninh hơn, không những thế chúng tôi lại phải trả giá, bị trừng phạt”. Tôi chắc rằng những cảm giác như vậy là có, nhưng không tìm được ai bộc lộ nó ra. Ngay cả một số chính khách người Ấn, những người lên án việc thử nghiệm là một hành vi hiếu chiến và rẻ tiền của chính phủ Hindu theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, cũng không bộc lộ cảm giác đó. Họ nói thử nghiệm là phương thức duy nhất để Ấn Độ đạt được những gì họ muốn từ phía Hoa Kỳ và Trung Quốc: đó là SỰ KÍNH NỂ. Tôi nhận ra cốt lõi của vấn đề này khi đến gặp Swami Agnivash, một nhà hoạt động cho nhân quyền, người thường quấn cà sa. Ngồi xếp bàn trò chuyện trong căn hộ đơn sơ của ông ta ở thủ đô Delhi tôi nghĩ, “Chắc rồi ông này sẽ chỉ trích chuyện thử nghiệm thôi”. Nhưng vừa vào đầu câu chuyện, Swami đã đưa ra một tuyên bố: “Chúng tôi là Ấn Độ, đất nước lớn thứ nhì trên thế giới! Quý vị không thể xem thường chúng tôi. Ấn Độ không cảm thấy bị Pakistan đe dọa, nhưng trong toàn cục cuộc chơi quốc tế ta thấy Ấn Độ đang bị cái trục Trung Quốc-Hoa Kỳ cho ra rìa”. Ngày hôm sau, tôi đến Dasna, ngôi làng ở phía bắc New Delhi để tìm hiểu thêm. Dasna là ngôi làng nghèo nhất tôi từng thấy ở Ấn Độ. Không thấy ai đi giày. Người nào người nấy da bọc xương. Trên đường phố, lượng trâu bò và xe đạp chiếm đa số, hơn là xe hơi. Không khí nồng nặc mùi phân bò được dùng làm chất đốt. Nhưng người dân ở đây thích thú về màn trình diễn hạt nhân của chính phủ. “Chúng tôi có dân số chín trăm triệu người, và chúng tôi không vì chuyện cấm vận mà chết được”, Pramod Batra, một bác sĩ bốn mươi hai tuổi sống ở làng, tuyên bố. Ông nói tiếp: “Cuộc thử nghiệm liên quan tới lòng tự trọng, mà lòng tự trọng quan trọng hơn đường sá, điện và nước. Nói cho cùng chúng tôi đã làm gì? Nổ một quả bom. Cũng như thể bắn một phát súng lên trời thôi. Chúng tôi có làm hại đến ai đâu”.
Ở khung cảnh toàn cầu hóa ngày nay, tuy tinh thần cây Ô liu của Ấn Độ dường như lan tràn và chế ngự cái ước muốn về xe Lexus, nó cũng khiến nảy sinh một cái giá Ấn Độ phải trả trong một thời gian dài. Khi ở New Delhi, tôi trọ trong khách sạn Oberoi, nơi tôi có thể bơi trong bể bơi của khách sạn sau mỗi ngày đi lại trong cái nóng 37,7 độ. Ngày đầu tiên trong khách sạn, khi tôi sải tay bơi ếch trong bể, có một phụ nữ người Ấn Độ bơi trong làn bên cạnh. Lúc nghỉ ngơi, chúng tôi bắt chuyện làm quen, bà ta nói bà quản lý văn phòng đại diện ở Ấn Độ cho Salomon Brothers-Smith Barney, một ngân hàng đầu tư lớn của Hoa Kỳ. Tôi tự giới thiệu bản thân là một bình luận viên sang Ấn Độ để viết về những ảnh hưởng từ những cuộc thử nghiệm hạt nhân của Ấn Độ.
“Ông có biết ai đang đến thăm thành phố không?” Bà ta hỏi tôi khi cùng bơi. “Không”, tôi lắc đầu, đáp, “Ai vậy?”
“Moody’s”, bà nói. Moody’s Investors Service là một tổ chức quốc tế đánh giá tín dụng và xếp hạng kinh tế của các quốc gia, theo thứ hạng A, B và C, để những nhà đầu tư toàn cầu hiểu kinh tế ở nước nào làm ăn được và ở đâu làm ăn kém cỏi. Nếu nền kinh tế của nước bạn bị xếp hạng thấp thì bạn sẽ phải trả lãi suất cao hơn khi vay quốc tế. “Moody’s đã cử một đoàn sang đây để tái xếp hạng nền kinh tế Ấn Độ,” bà ta nói.
“Ông có nghe thấy đánh giá của họ ra sao chưa?” Bà ta hỏi.
Tôi nói tôi chưa nghe thấy gì.
“Ông nên thử kiểm tra xem sao,” bà ta nói, rồi bơi đi luôn.
Tôi quả có đi kiểm tra. Hóa ra đoàn điều tra của Moody’s đã bí mật đến và bí mật đi thám thính, không khác gì các nhà khoa học Ấn Độ bí mật chuẩn bị cho thử nghiệm quả bom hạt nhân của họ vậy. Tôi không dò được kết luận của họ ra sao, nhưng đêm tôi rời Ấn Độ, mẩu tin thứ tư trong bản tin tối lọt vào tai tôi. Mẩu tin nói do tình hình ngân sách thiếu phương hướng và thổi phồng của chính phủ Ấn Độ, cùng cuộc thử nghiệm hạt nhân và sự trừng phạt của Hoa Kỳ, Moody’s đã hạ thấp thứ hạng kinh tế của nước này từ “Mức đầu tư”, nghĩa là an toàn cho các nhà đầu tư toàn cầu, xuống “Mức phải xem xét thêm”, nghĩa là không an toàn. Hãng xếp hạng kinh tế Standard & Poor’s cũng hạ mức kinh tế Ấn Độ từ “Ổn định” xuống “Tiêu cực”. Điều này có nghĩa là bất cứ công ty nào của Ấn Độ muốn mượn tiền từ các thị trường tài chính nay sẽ phải trả mức lãi suất cao hơn. Và bởi vì Ấn Độ có mức vốn tiết kiệm thấp, nên việc vay mượn từ bên ngoài bao giờ cũng thiết yếu cho đất nước cần khoảng năm trăm tỷ đô-la trong vòng thập niên tới cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở để có thể cạnh tranh quốc tế.
Đành rằng cây Ô liu chiếm thượng phong ở Ấn Độ trong một thời gian, nhưng đã khiến cho nước này trả một giá đáng kể, trong thời toàn cầu hóa. Bạn không thể vượt ra khỏi toàn cầu hóa. Trước hay sau thì chiếc Lexus sẽ đuổi kịp bạn. Một năm rưỡi sau ngày Ấn Độ thử hạt nhân, tôi đọc trong tờ Wall Street Journal (số ra ngày 7/10/1999) có hàng tít sau đây: “(Đảng) BJP của Ấn Độ chuyển ưu tiên sang kinh tế ”. Bài viết cho biết BJP lên cầm quyền trong hai năm trước “kêu gọi Ấn Độ khẳng định tiềm lực hạt nhân – một lời hứa được thực hiện hai tháng sau đó, khi một loạt các vụ thử vũ khí diễn ra và đã làm Ấn Độ phải chịu sự trừng phạt trên toàn cầu và sự ngừng trệ về đầu tư vào nước này”. Khi tái đắc cử, Thủ tướng Ấn Độ, ông Atal Bihari Vajpayee không đợi cho kết thúc kiểm phiếu, đã phát tín hiệu ngay về ưu tiên mới của ông: cải cách kinh tế. “Trọng tâm là xây dựng một sự đồng thuận quốc gia để tiếp nhận vốn toàn cầu, theo thông lệ của thị trường cùng những chi tiết của chúng. Hãy xúc tiến cạnh tranh để giành đầu tư ”, Thủ tướng Vaipayee tuyên bố với tờ báo Indian Express.
Thêm một ví dụ cho thấy sự cân bằng giữa hai thế lực xe Lexus và cây Ô liu, tôi xin được dẫn ra sau đây. Trong chuyến bay hãng hàng không Gulf Air từ Bahrain sang London, một kênh truyền hình trong khoang hạng thương gia chỗ tôi ngồi có hệ thống định vị, chỉ chính xác cho hành khách cự ly và vị trí của chiếc máy bay di chuyển so với thánh địa Mecca. Sử dụng hệ thống định vị qua vệ tinh, màn hình cho thấy chiếc máy bay bay ở vị trí nào và vị trí thánh địa dịch chuyển đến đâu khi máy bay chuyển hướng. Điều đó giúp các hành khách người Hồi giáo, cầu nguyện năm lần mỗi ngày, hướng chính xác về thánh địa Mecca mỗi khi họ trải thảm ra để cầu nguyện. Trong chuyến bay, tôi để ý thấy nhiều hành khách ngồi gần tôi quỳ cầu nguyện, và hệ thống định vị giúp họ quay đầu chính xác về hướng Mecca.
Trường hợp chiếc xe Lexus không đếm xỉa đến cây Ô liu trong thời toàn cầu hóa được thể hiện trong một bộ phận máy vi tính mà bạn tôi gửi cho tôi. Mặt sau của bộ phận máy tính có in: “Bộ phận này được sản xuất ở Malaysia, Singapore, Philippines, Trung Quốc, Mexico, Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan, Canada và Nhật Bản. Nhiều nước cùng sản xuất cùng một linh kiện nên chúng tôi không xác định chính xác nguồn gốc của sản phẩm”.
Trường hợp chiếc xe Lexus chế ngự cây Ô Liu được ghi lại trong một mẩu tin trong tạp chí Sports Illustrated số ngày 11/8/1997. Mẩu tin có nội dung: “Đội bóng đá Câu lạc bộ Llansantffraid, xứ Wales, có lịch sử ba mươi tám năm thi đấu, nay đã đổi tên thành đội “Giải pháp mạng toàn diện” để đổi lấy khoản tài trợ bốn trăm nghìn đô-la từ một công ty điện thoại di động”.
Chiếc xe Lexus hợp tác với cây Ô liu trong toàn cầu hóa được dẫn giải trong một bài viết trên tờ Washington Post, số ra ngày 21/7/ 1997. Bài này viết rằng các sĩ quan phản gián người Nga phàn nàn là họ phải trả gấp đôi để tuyển một điệp viên CIA hợp tác với họ, so với mức giá CIA trả để sử dụng điệp viên người Nga. Một viên chức thuộc Cục An ninh Liên bang Nga (tiền thân là KGB) phát biểu với điều kiện không tiết lộ danh tính, đã nói với hãng thông tấn Itar-Tass rằng cần một triệu đô-la để mua một gián điệp người Nga, trong khi đó, điệp viên CIA rao giá là họ có thể “bán mình” với giá hai triệu đô-la.
Trong khoảng thời gian có bài báo này, tờ báo Yediot Aharonot của Israel đăng một bài mà theo tôi, đó là câu chuyện tình báo đầu tiên săn được trong thời buổi thị trường tự do. Các biên tập viên của Yediot đã sang Moskva và mua một số tấm ảnh chụp từ vệ tinh của người Nga chụp các căn cứ tên lửa Scud tại Syria. Sau đó tờ báo đã thuê một chuyên gia Hoa Kỳ, hoạt động độc lập phân tích các bức ảnh này. Tờ Yediot đã đăng toàn bộ phóng sự này như một phát hiện của riêng họ về đe dọa tiềm tàng từ Syria nhằm vào Israel. Họ không phải sử dụng nguồn tin từ chính phủ để kiểm chứng cho phát hiện này. Ai cần gián điệp khi đã có tiền?
Và sau cùng là dẫn chứng mà tôi thích nhất về “Cuộc gây hấn giữa xe Lexus và cây Ô liu trong kỷ nguyên toàn cầu hóa”, nói về người con của Abu Jihad. Tôi đến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Amman, Jordan, hồi năm 1995. Khi ngồi ăn trưa một mình trong khách sạn Amman Marriott, một chàng trai người Ảrập từ đâu xuất hiện, đến bên bàn và hỏi tôi, “Ông là Tom Friedman phải không?” Tôi trả lời phải.
“Ông Friedman”, chàng trai lịch sự nói tiếp, “ông biết cha tôi”.
“Cha của anh là ai?” Tôi hỏi lại.
“Cha tôi là Abu Jihad”.
Abu Jihad, tên thật là Khalit al-Wazir, một trong những người Palestine đã cùng Yasser Arafat sáng lập phong trào el-Fatah và sau đó nắm giữ Tổ chức Giải phóng Palestine, PLO. Abu Jihad, nghĩa là “Người cha của cuộc tranh đấu”, là biệt hiệu của ông ta, người chỉ huy trưởng các hoạt động quân sự của Palestine ở Li Băng và vùng Bờ Tây sông Jordan, trong thời gian tôi còn là phóng viên tờ The New York Times ở Beirut. Tôi đã gặp ông ta ở Beirut. Người Palestine coi ông ta là một anh hùng; người Israel coi ông là một trong những kẻ khủng bố nguy hiểm nhất của Palestine. Một đội hành quyết người Israel đã giết Abu Jihad trong phòng khách nhà ông ở Tuy-ni-di ngày 16/4/1988. Họ bắn hàng trăm viên đạn vào người Abu Jihad.
“Vâng, tôi biết cha anh rất rõ – có một lần tôi đã đến thăm nhà anh ở Damascus”, tôi nói với chàng trai, “Còn anh, giờ đây đang làm gì?”
Chàng trai trao cho tôi một danh thiếp. Trên đó ghi: “Jihad al-Wazir, Giám đốc điều hành, Trung tâm Thương mại Thế giới, Gaza, Palestine”.
Đọc tấm danh thiếp, tôi tự nhủ, “Thật lạ lùng. Vật đổi sao dời nhanh đến như vậy”.
Thách thức trong thời toàn cầu hóa đến với đất nước và con người là làm sao dung hòa được giữa việc bảo tồn bản sắc, quê hương và cộng đồng… đồng thời nỗ lực hết mức để tồn tại cho được trong hệ thống thế giới. Bất cứ xã hội nào muốn thịnh vượng về kinh tế đều phải cố gắng chế tạo cho được xe Lexus và lái chúng ra thế giới. Nhưng người ta cũng đừng bao giờ ảo tưởng rằng chỉ tham gia tích cực vào kinh tế thế giới không thôi mà có thể tạo được xã hội lành mạnh. Nếu hội nhập đạt được trong điều kiện phải hy sinh bản sắc của một đất nước, nếu các cá nhân cảm thấy họ bị mất gốc trong cơn lốc toàn cầu, thì họ sẽ phản kháng. Họ sẽ vươn dậy và ngăn cản quy trình này. Do đó sự sống còn của toàn cầu hóa phụ thuộc một phần vào nỗ lực của chúng ta xây dựng sự cân bằng giữa phát triển và cội nguồn. Một đất nước không có những rặng cây Ô liu khỏe khoắn sẽ không bao giờ có được cảm giác nguồn gốc được duy trì hay an tâm để có thể đón nhận và hội nhập với thế giới. Nhưng một đất nước mà chỉ có những rặng Ô liu không thôi, chỉ lo giữ cội rễ, mà không có xe Lexus, thì sẽ không bao giờ tiến xa được. Giữ cân bằng giữa hai yếu tố nói trên là một cuộc vật lộn triền miên.
Có lẽ vì thế trong nhiều câu chuyện trong cuốn sách này, có thể bạn sẽ thích câu chuyện do anh bạn học của tôi Victor Friedman, người đang giảng dạy quản trị kinh doanh tại Viện Ruppin, Israel. Một hôm tôi gọi điện chào hỏi Victor, anh ta nói thật mừng vì tôi đã gọi, vì anh đã đánh mất số điện của tôi. Hỏi vì sao, thì Victor trả lời rằng anh đánh mất cuốn sổ tay điện tử, trong đó có lưu giữ chi tiết liên lạc của bè bạn, địa chỉ, số điện và kế hoạch làm việc trong hai năm sau đó. Victor kể lại những gì đã xảy ra.
“Chúng tôi có một máy tính để bàn, nhưng nó bị hỏng. Tôi mang đến tiệm ở Hadera [thị trấn ở trung tâm Israel] để sửa. Hai tuần sau đó, tiệm này gọi điện cho tôi nói máy đã được chữa xong. Tôi bèn cho cuốn sổ điện tử vào trong cặp da và lái xe đến Hadera để mang máy tính về. Tôi rời khỏi tiệm, bê chiếc máy tính cùng cặp da, trong cặp là cuốn sổ điện tử. Khi đến xe, tôi để chiếc cặp da xuống vỉa hè, mở thùng xe và hết sức cẩn thận, đặt chiếc máy tính vào trong xe. Rồi tôi lên xe, mở máy chạy luôn, quên chiếc cặp da ở trên vỉa hè. Ngay khi vào văn phòng, tôi nhận ngay ra là để quên chiếc cặp da. Tôi nhanh chóng gọi điện cho cảnh sát ở Hadera, nói với họ là “đừng có cho nổ chiếc cặp của tôi”. [Cảnh sát Israel được lệnh cho nổ tung những gói, bọc, cặp hay những đồ vật gây ngờ vực để quên trên lối đi và vỉa hè, vì đó là cách mà người Palestine gài bom gây tử thương đối với nhiều dân thường Israel. Dân chúng Israel cũng được huấn luyện kỹ về chuyện này, đến mức nếu bạn để quên thứ gì thì nhiều khi chỉ sau một phút, cảnh sát đã được báo.] Tôi biết sẽ không có ai lấy cắp chiếc cặp đó cả. Ở Israel, bọn trộm sẽ không bao giờ sờ mó tới một thứ đồ để trên lối đi. Nhưng tôi gọi cho cảnh sát muộn quá. Một cảnh sát viên nói với tôi rằng một đội của họ đã đến hiện trường và “đã xử lý nó rồi”. Khi tôi đến đồn cảnh sát thì được nhận lại chiếc cặp da xinh đẹp của tôi với một vết đạn gọn gàng bắn xuyên qua giữa cặp. Điều làm tôi khổ tâm nhất là hỏng mất cuốn sổ tay điện tử. Cuốn sổ Genius OP 9300 bị bắn trúng. Toàn bộ cuộc sống của tôi được lưu trong đó mà tôi không có bản sao lưu. Tôi xin lỗi cảnh sát vì đã gây ra chuyện đó nhưng họ nói: “Đừng buồn, chuyện đó xảy ra với bất cứ ai”. Hàng tuần lễ sau, khi đi lại trong trường, chiếc cặp với vết đạn khiến tôi phải ngưng lại để suy nghĩ thêm. Phần lớn học trò của tôi đang ở trong quân ngũ Israel, mỗi khi nhìn thấy chiếc cặp có lỗ đạn, họ lại phá lên cười, vì họ biết chuyện gì đã xảy ra”.
Sau khi kể xong câu chuyện, Victor nói, “Nhân tiện, nhớ gửi cho tôi địa chỉ email nhé. Tôi cần bắt đầu ghi một cuốn sổ tay mới”.
@by txiuqw4