sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chiếc Lexus và cây Ô Liu - Phần I - Chương 04 - Phần 2

Dân chủ hóa tài chính thực ra bắt đầu từ cuối thập niên 1960 với sự ra đời của thị trường “thương phiếu.” Đó là những trái phiếu mà các tập đoàn công ty phát hành ra công chúng để thu hút vốn. Sự ra đời của thị trường trái phiếu làm nảy sinh một số yếu tố đa nguyên trong thế giới tài chính và xóa bỏ sự độc quyền của các nhà băng. Tiếp đó, vào thập niên 1970, xuất hiện khái niệm “thế chấp” để cho phép dân chúng vay tiền mua nhà trả dần. Các ngân hàng đầu tư khi đó bắt đầu đến tiếp xúc với các nhà băng và các công ty tài chính chuyên trách việc cho vay để phục vụ khách hàng mua địa ốc. Họ mua lại toàn bộ các khoản cho vay, chia chúng thành các trái phiếu giá một nghìn đô-la mỗi phiếu và mời những người dân thường như bạn và tôi và bà cô của bạn đóng tiền để mua. Chúng ta có cơ hội để hưởng chút ít lãi suất từ loại trái phiếu khá là an toàn này, khi mà lãi suất và vốn ban đầu cho bạn sẽ được cách khách hàng vay tiền mua nhà trang trải hàng tháng. Chứng khoán hóa trên thực tế đã giúp cho rất nhiều công ty và cá nhân tiếp cận được mức tài chính cho phép họ đầu tư hay làm ăn.

Tuy nhiên thập niên 1980 mới là lúc dân chủ hóa tài chính bùng nổ. Người đạp đổ rào cản cuối cùng chính là ông vua trái phiếu Michael Milken, một con người thông minh, lanh lợi và cũng hư hỏng nặng nề. Milken, tốt nghiệp Trường Thương mại và Tài chính Wharton, Đại học Pennsylvania, lúc đầu làm việc cho hãng môi giới chứng khoán Drexel ở Philadelphia năm 1970. Thời gian đó không thấy các ngân hàng hay định chế tài chính nào đếm xỉa tới việc mua các “trái phiếu rẻ mạt”, do các công ty hết thời làm ăn hoặc các thương vụ thiếu kinh nghiệm bỡ ngỡ bước vào đời phát hành. Milken cho rằng, các ngân hàng lớn như vậy thật là ngu. Anh ta thực hiện một số tính toán riêng; tham khảo một số nghiên cứu không mấy nổi tiếng về chủ đề trái phiếu rẻ mạt và kế luận như sau: Những công ty không được xếp hạng “đáng đầu tư ”, nếu vay được tiền thì thường phải chịu mức lãi từ ba đến mười phần trăm cao hơn mức thông lệ.

Nhưng trên thực tế, nếu so sánh với các công ty làm ăn ổn định (được xếp hạng – blue chip) mà trái phiếu ít sinh lời thì tỷ lệ phá sản của các công ty tầm tầm này chỉ cao hơn chút ít. Chính vì thế, cái gọi là trái phiếu rẻ mạt tạo một khả năng kiếm tiền cao trong khi mức rủi ro lại cũng không mấy cao hơn. Và nếu bạn dồn nhiều loại trái phiếu tầm tầm này vào cùng một quỹ đầu tư, thì dù một vài trong số chúng có đổ bể, không thanh toán được, thì phần còn lại vẫn sẽ sinh lãi cho bạn ở mức ba đến bốn phần trăm cao hơn lãi suất của trái phiếu các công ty được xếp hạng, và hầu như mức rủi ro không tăng. Tạp chí Business Week số tháng 3/1995 cho biết: Milken được trang bị bằng vốn hiểu biết nói trên, “thực hiện một sứ mệnh khó khăn, đó là thuyết phục cho được thế giới toàn những kẻ hoài nghi rằng anh ta tìm ra được một phương pháp đầu tư mới ngon ăn”.

Do việc các nhà băng và các công ty đầu tư truyền thống có thái độ hoài nghi và tiếp tục lảng tránh thương vụ mới này, Milken nhanh chóng chuyển từ việc kinh doanh duy nhất trái phiếu các công ty bị tụt hạng, sang cuộc bao mua trái phiếu của hàng loạt các công ty thuộc loại “có vết” – công ty có độ rủi ro cao, công ty bị khánh tận, công ty mới nhập cuộc, những doanh nhân và cách hãng mới thành lập hiện chưa vay được tiền từ các ngân hàng lớn, và thậm chí các công ty tài chính “cướp biển” muốn sáp nhập công ty khác nhưng lại không có tiềm lực tài chính. Khi mua xong, Milken bán những trái phiếu của các công ty đó cho các quỹ đầu tư, quỹ hưu bổng và cá nhân các nhà đầu tư. Những người này nhận ra rằng Milken đã có quyết định đúng đắn khi làm như vậy – mức thu nhập cao hơn trong khi rủi ro không mấy cao hơn. Điều đó giúp cho bạn, cùng tôi và cùng người cô của bạn mua trái phiếu, đầu tư, và tài trợ được các thương vụ mới mẻ, nhiều bên cùng có lợi.

Rất nhiều những thương vụ kiểu đó đã tạo nên những chấn động đối với các công ty và công nhân của họ. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, linh cảm của Milken được nhân đại trà. Một làn sóng trái phiếu rẻ mạt xuất hiện, trở thành ngành công nghiệp bán trái phiếu có mức lãi cao, động viên được tiền nhàn rỗi trong dân chúng.

Một chu trình dân chủ hóa tài chính quốc tế tương tự cũng xuất hiện trong giai đoạn này. Qua nhiều thập niên các nhà băng lớn chuyển những khoản tiền khổng lồ cho các chính phủ và tập đoàn ngoại quốc vay mà chỉ ghi giá trị các khoản vay trên sổ sách ở mức gốc. Có nghĩa là nếu nhà băng của bạn cho một nước hay một công ty vay mười triệu đô-la, thì trên sổ sách chỉ ghi lại khoản tiền vay phải trả là mười triệu đô-la, chứ không có gì xác nhận là đất nước đó hay công ty đó có tài sản gì trị giá mười triệu đô-la để cho bạn xiết nợ, nếu họ không thanh toán đầy đủ. Trong trường hợp nhà băng cho vay trực tiếp và chỉ ghi lại khoản nợ, thì khi một đất nước-con nợ như Mexico chẳng hạn gặp khó khăn tài chính, như thời năm 1982, do họ vay tiền nước ngoài để tăng tiêu dùng trong nước cho dân chúng thì nhà băng sẽ chịu nhiều bất trắc. Tổng thống Mexico có thể đã bay sang New York, quy tụ hơn hai mươi ngân hàng lớn đã cho đất nước của ông vay tiền và tuyên bố như sau: “Thưa các quý vị, chúng tôi đã bị khánh tận. Và quý vị có biết câu ngạn ngữ này không: nếu một người vay của bạn một nghìn đô-la thì đó là vấn đề của anh ta. Nhưng nếu một người vay bạn mười triệu đô-la, thì đó là vấn nạn của bạn. Vâng, chúng tôi chính là vấn nạn của quý vị. Chúng tôi không thể thanh toán cho quý vị được. Vậy xin quý vị làm ơn đàm phán lại, thay đổi hạn định thanh toán và tiếp tục cấp thêm tín dụng cho chúng tôi”. Và chủ các ngân hàng không còn cách gì hơn là gật đầu chấp nhận, bàn lại một vài phương thức gia hạn tín dụng (thông thường với mức lãi suất cao hơn).

Liệu các chủ nhà băng có lựa chọn nào khác không? Mexico chính là chuyện của họ, và các chủ nhà băng không đời nào lại quay lại giải thích cho các cổ đông của họ là tài sản thế chấp cho khoản vay mười triệu đô-la của Mexico là số không. Tốt nhất là họ hẳn cứ tiếp tục cáng đáng gánh nặng Mexico. Và hai mươi ngân hàng cùng ra tay chung sức để quản trị khoản vay này và tiếp tục ngồi lại với nhau để bàn phương cách giải quyết.

John Page, thời đó là một nhà kinh tế làm việc trong Phòng Mỹ La tinh của Ngân hàng Thế giới, đã giải thích cho tôi chính xác về quy trình giải quyết vấn đề Mexico. Là người nói được tiếng Tây Ban Nha, Page đã vào Mexico năm 1982 và gặp José Angel Gurria, Cục trưởng phụ trách tín dụng công của Bộ Tài chính nước này. Gurria là một con người huyền thoại trong việc thuyết phục các ngân hàng – từ những ngân hàng lớn ở New York cho tới các ngân hàng nhỏ hơn ở bang Texas, miền Tây nước Mỹ – về việc gia hạn tín dụng cho Mexico.

“Một hôm, tôi ngồi trong văn phòng của Gurria, nói chuyện với ông ta bằng tiếng Tây Ban Nha, thì điện thoại reo”, Page nhớ lại. “Đó là Chủ tịch một ngân hàng ở Texas, người bị Gurria thuyết phục trợ giúp tài chính cho Mexico. Ông ta hơi hoang mang khi nghe tin kinh tế Mexico có trục trặc. Đang nói chuyện với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha như thế, mà Gurria chuyển ngay sang nói tiếng Anh thật là sõi. Gurria nói: “Ê, Joe, may mà anh gọi điện… Không, không, đừng lo. Mọi thứ dưới này ngon lành. Tiền của ông rất an toàn. Gia đình độ này thế nào?… Hay lắm. Con gái làm ăn ra sao rồi? Con bé vẫn đi học à?… Rất hay là đã nói chuyện được với bạn. Cứ gọi tôi lúc nào cũng được. Giữ liên lạc nhé!’ Sau đó, rất tự nhiên, Gurria quay lại nói chuyện với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha. Như vậy, trong ba mươi giây đồng hồ, ông ta đã giải quyết cả một vấn đề với một nhà đầu tư quan trọng”.

Nhưng có một điều nực cười đã xảy ra trên con đường toàn cầu hóa. Thị trường các khoản nợ quốc tế được “chứng khoán hóa”, tựa như trường hợp các công ty và mối lái của Milken. Khi châu Mỹ La tinh lâm vào một cuộc khủng hoảng nợ nần nữa hồi cuối thập niên 1980, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó là Nicholas Brady đã ứng dụng công thức Milken. Năm 1989, những khoản nợ của Mỹ La tinh được chuyển đổi thành các trái phiếu được chính phủ Mỹ đảm bảo. Những trái phiếu đó sau đó được các nhà băng giữ lại làm tài sản, hay bán ra cho công chúng, cho các quỹ hỗ tương và các quỹ hưu bổng với mức lãi suất cao hơn thông lệ. Như vậy, bỗng nhiên, tôi, bạn và bà cô được mua một phần nợ của Mexico, Brazil hay của Argentina – hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các quỹ hưu bổng. Những trái phiếu như vậy được mua bán hàng ngày, với giá trị lên hay xuống, tùy thuộc vào mức lên xuống trong kinh tế mỗi nước. Tiền không còn đóng băng trên sổ sách như trước. Joel Korn, người đứng đầu chi nhánh Bank of America tại Brazil nhận xét: “Những gì Brady làm thực sự là một cuộc cách mạng. Thời trước ông ta, Bộ Tài chính Hoa Kỳ chỉ có gây sức ép, buộc các ngân hàng và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đổ tiền tới tấp vào các nước Mỹ La tinh. Điều Brady đã làm là đưa ra một giải pháp dựa vào thị trường. Các ngân hàng được chính phủ Mỹ bảo đảm để tiếp tục gia hạn tín dụng cho các nước Mỹ La tinh, với điều kiện những nước này phải cải tổ kinh tế. Sau khi gia hạn tín dụng, thay vì ôm trọn cách khoản nợ trong sổ sách của họ, các nhà băng phân phối chúng lại thành các khoản trái phiếu được chính phủ bảo đảm và bán ra cho dân chúng. Như vậy sân chơi đã được mở rộng cho hàng ngàn tay chơi non trẻ mới mẻ. Đối với con nợ, thay vì phải đối phó với một ủy ban của nhóm hai mươi ngân hàng lớn nọ, họ phải chịu trách nhiệm trước hàng ngàn các nhà đầu tư tư nhân và các quỹ đầu tư. Điều này đã mở rộng được thị trường, khiến cho nó uyển chuyển hơn và đồng thời tăng thêm vô khối sức ép lên các quốc gia mang công nợ. Dân chúng mua và bán trái phiếu hàng ngày, tùy thuộc vào mức giá trị của chúng lên xuống. Và cũng hàng ngày, người ta xếp hạng các loại chứng khoán đó. Và những người mua, bán và xếp hạng chứng khoán là những người nước ngoài, nằm ngoài vòng ảnh hưởng của Barzil, Mexico và Argentina”. Những người sở hữu trái phiếu không như những nhà băng. Họ không việc gì phải tiếp tục chu cấp cho con nợ để đảm bảo các khoản vay trước đó. Ngược lại, nếu kinh tế của đất nước-con nợ trì trệ, trái phiếu sẽ mất giá, chủ trái phiếu sẽ bán trái phiếu ra, nói lời vĩnh biệt, và mang tiền đầu tư vào trái phiếu của những đất nước làm ăn tốt hơn.

Cho nên khi Mexico lâm vào khủng hoảng do lạm tiêu năm 1995, rất nhiều các chủ trái phiếu của Mexico đã bán tháo các trái phiếu của họ, khiến trái phiếu này sụt giá, và Gurria lúc đó không còn có thể kêu cứu tới hai mươi ngân hàng đảo nợ nữa. Khoản nợ của Mexico đã được dân chủ hóa vào tay nhiều người. Vậy Mexico đã phải kêu cứu Bộ Tài chính Mỹ. Và Chú Sam đã đặt điều kiện khắc nghiệt với Mexico, kết quả là nước này phải dành khoản dự trữ dầu lửa của họ làm vật thế chấp. Điều kiện lúc đó cho việc Hoa Kỳ ứng cứu đó là kinh tế Mexico phải được cải tổ và phát triển như kinh tế bang New Mexico của Hoa Kỳ. Ngay sau đó, hàng loạt các nền kinh tế đang trỗi dậy bắt đầu bán trái phiếu theo công thức Brady, thường tính bằng tiền đôla Mỹ. Ngày nay có mười sáu quốc gia phát hành trái phiếu kiểu Brady với tổng giá trị là một trăm năm mươi tỷ đô-la. Chuyện chính phủ phát hành công trái cho người nước ngoài thì không có gì mới. Chuyện này diễn ra đã nhiều năm. Nhưng điều đáng nói ở đây là việc các món công trái nay được phân phối rộng rãi vào tay các cá nhân, quỹ đầu tư và quỹ hưu bổng. Hồi đầu thế kỷ hai mươi, chỉ có các gia đình giàu có mới tham gia vào thị trường công trái. Giờ đây, quỹ hưu bổng của quận Cam [California], hay người gác trường, thậm chí bạn và tôi và bà cô của bạn cũng có thể tham gia mua bán công trái.

Đó là hiện tượng dân chủ hóa trong việc cho vay tín dụng, và tại Hoa Kỳ, nó trùng hợp với quá trình dân chủ hóa trong quy chế đầu tư. Điều này có xuất xứ từ cuộc cải cách quỹ hưu bổng và sự ra đời của các tài khoản hưu bổng cá nhân 401 (k). Hoa Kỳ đang chuyển mình từ một đất nước trong đó các công ty đảm bảo hưu bổng cho nhân viên thông qua một hệ thống “các lợi tức cố định”, sang một chế độ trong đó, các công ty chỉ đảm bảo “sẽ đóng góp” cho hưu bổng của nhân viên. Trong trường hợp đó, nhân viên có quyền hoán chuyển, mua bán các khoản đầu tư cho hưu bổng, tái đầu tư theo ý muốn để có thể sinh lãi nhiều hơn. Con người ta thời nay sống lâu hơn, họ lo lắng rằng khi về hưu thì an sinh xã hội cho họ còn được bao nhiêu, họ sẽ quay sang sử dụng đồng tiền trong các quỹ hưu bổng và đầu tư một cách năng động hơn. Cha mẹ của quý vị có lẽ chả hiểu quỹ hưu bổng của họ sẽ được đầu tư vào đâu. Trong khi thời nay, công nhân được mời chào một loạt các hình thức đầu tư, giải thích đầy đủ mức lãi suất và rủi ro, và người lao động hoán chuyển đồng tiền của họ chẳng khác việc đặt tiền trong các vòng quay rulô trong sòng bạc, tăng đầu tư vào các loại quỹ làm ăn khấm khá và khiến cho các loại quỹ làm ăn tồi hơn đi đến chỗ khánh kiệt.

Hãng môi giới chứng khoán trên Internet mang tên E*Trade đã tung ra một quảng cáo có thể minh họa cho quan điểm này. Quảng cáo bắt đầu bằng hình ảnh một anh chàng ngồi trong chiếc xe hơi mui trần, chiếc gậy đánh golf lộ ra ở băng ghế sau. Anh ta dừng xe bên vệ đường theo lệnh của cảnh sát. Thầy cớm bước lại và bắt đầu cuộc đối thoại sau đây:

Cớm: “Chào ông”.

Chàng trai: “Tôi hiểu rồi, hiểu rồi. Trình bằng lái và đăng ký xe phải không ạ”.

Cớm: “Ôi, Kirk Brewer. Tôi những mong được nói chuyện với anh.”

Chàng trai: “Nói chuyện với tôi?”

Cớm: “Vâng, anh là quản trị viên của quỹ Large Cap”.

Chàng trai (vênh váo): “Ồ, vâng”.

Cớm: “Tôi thấy anh lọt vào danh sách mười quỹ hỗ tương hàng đầu”.

Chàng trai: “Vâng”.

Cớm: “Nhưng không phải là danh sách năm hãng hàng đầu.”

Cảnh sát quay lại và nhìn vào các cây gậy đánh golf ở băng ghế sau của xe.

Chàng trai có điệu bộ lo lắng: “Dạ… vâ… ng”.

Cớm: “Hãy cất ngay những cây gậy đánh golf và quay lại đi làm việc đi”.

Rồi sau đó có một giọng nói cất lên: “Hãy khiến cho các quản trị viên tài chính của bạn làm việc hăng say hơn. Đây là thời điểm các bạn tham gia Trung tâm Quỹ Hỗ tương E*Trade”.

Sau đó quay lại hình ảnh viên cảnh sát, lúc này đang bốc chiếc túi đựng đồ chơi golf từ trong xe và bước đi. Thông điệp ở đây thật rõ ràng: ngay cả viên cảnh sát cũng thấu hiểu tiền hưu bổng của anh ta hoạt động như thế nào và có toàn quyền quyết định về việc sử dụng nó.

Quá trình dân chủ hóa đầu tư cũng được tăng cường trên phạm vi quốc tế sau sự rạn vỡ hồi đầu thập niên 1970 của hệ thống kiểm soát chặt chẽ hối đoái và dịch chuyển các ngân khoản quốc tế. Hệ thống này còn được gọi là Bretton Wood, được thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Những điều sau đây có thể đã bị lãng quên, nhưng từ sau Thế chiến thứ hai cho tới những năm bảy mươi, giới đầu tư người Nhật, châu Âu hay Mexico rất khó mua cổ phiếu hay trái phiếu ở Hoa Kỳ. Và ngược lại dân Mỹ cũng không dễ gì mua chứng khoán tại những nước này vào thời đó. Nhưng ngay sau khi hệ thống tỷ giá ngoại hối cố định và kiểm soát dòng vốn bị rạn vỡ, các nước phát triển dần dần cho phép dân chủ hóa các thị trường vốn của họ, mở cửa cho các nhà tài chính nước ngoài, dần dần các nước đang phát triển cũng nhảy vào cuộc.

Nhiều sản phẩm mới nhanh chóng xuất hiện trong các thị trường đầu tư: công trái Mexico, Li Băng, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức và Pháp. Bạn tùy thích, muốn chọn loại nào cũng được. Càng có nhiều cá nhân lưu hành vốn của họ trong các thị trường toàn cầu, thì càng có nhiều các nhà quản trị vốn năng động, đòi hỏi mức lợi nhuận càng cao. Các quỹ đầu tư cạnh tranh mạnh mẽ hơn để thu hút khách. Nhờ có quá trình dân chủ hóa tài chính như vậy, chúng ta đã chuyển từ một thế giới trong đó một số ít nhà băng nắm giữ những khoản nợ của các quốc gia, sang một thế giới ngày này trong đó nhiều ngân hàng, cá nhân, quỹ hưu bổng và quỹ đầu tư nắm giữ phần nhiều khoản nợ của các quốc gia.

Điều quan trọng ở đây là tiền bán các trái phiếu rẻ mạt cũng thường được dùng để làm nảy sinh các vụ mua bán sáp nhập công ty tại Hoa Kỳ. Một lần nữa, những kẻ thấp cổ bé họng vốn dĩ không đủ khả năng tham gia vào các thương vụ béo bở như vậy, nay có dịp vào để mua bán thông qua các quỹ đầu tư và hưu bổng. Quá trình sáp nhập các công ty tạo sức ép đối với giám đốc các công ty, buộc họ phải làm việc nhiều hơn. Quá trình đó cũng làm nảy sinh trong những năm tám mươi công cuộc “giảm biên chế” khiến cho kinh tế Mỹ đỡ cồng kềnh và trở nên năng động hơn trước. Nó chuẩn bị cho nước Mỹ tham gia vào kỷ nguyên toàn cầu hóa nhanh hơn và sớm hơn so với các quốc gia khác trên thế giới. Nhiều công ty nhờ đó đã ăn ra làm nên, nhưng cũng có nhiều công ty khác chết nghoẻo cũng chính vì quá trình “giảm biên chế” này.

Một trong những lý do chính khiến Nhật Bản vẫn còn những công ty hoạt động trì trệ chính là do hệ thống tài chính của nước này trong nhiều năm đã chưa được dân chủ hóa. Các ngân hàng lớn của Nhật thống lĩnh nền tài chính, khiến cho các thương vụ non trẻ không ngóc cổ lên được, không vay được tiền và không tham gia được vào cơ chế sáp nhập công ty. Vả lại nhà băng chỉ chu cấp cho các công ty lớn, có quan hệ lâu dài với họ, mà không cần đếm xỉa đến chuyện cạnh tranh hay khả năng rủi ro mới có thể nảy sinh từ những quan hệ như vậy. Bản sắc văn hóa của người Nhật cũng ít cho phép những vụ mua bán sáp nhập thương vụ, thêm nữa các ban quản trị ngân hàng có quan hệ hết sức gần gũi với bộ sậu lãnh đạo của các tập đoàn lớn. Thêm nữa, nhân công người Nhật không có quyền quyết định đối với quyền lợi hưu bổng của họ. Họ không được phép chuyển tiền hưu bổng của họ sang các thị trường khác; kết quả là công ty, quỹ đầu tư hay quỹ hưu bổng ở Nhật không phải chịu sức ép để làm việc năng động hơn. Đó là lý do khiến kinh tế của Nhật mang phong thái vương giả nhưng lại không hiệu quả. Điều đó cũng giải thích lý do đồng vốn bị phân bổ không hợp lý, tạo ra một loại bong bóng kinh tế hồi cuối thập niên tám mươi cũng như hàng ngàn hãng xưởng làm ăn không hiệu quả tiếp tục được phép tồn tại theo lối tầm gửi.

Nhưng tình hình đó bắt đầu thay đổi từ đầu năm 2000, khi Nhật Bản mở rộng cánh cửa tài chính nội địa và các công ty của Hoa Kỳ bắt đầu dồn vốn vào đầu tư, ví dụ hãng GE Capital. Sự cạnh tranh từ nước ngoài đã buộc các ngân hàng Nhật Bản phải nghiêm túc hơn trong việc cho vay vốn, và buộc các công ty và nhà sản xuất của đất nước này phải làm ăn năng động hơn. Điều đó khiến việc sử dụng vốn trở nên hiệu quả hơn tại Nhật Bản, và vốn được chu cấp hợp lý hơn tới được tay các công ty non trẻ mới vào cuộc. Tiền không còn là thứ chỉ dành riêng cho mạng lưới các “tay chơi quen biết”. Tập đoàn tài chính GE Capital, chủ nhân của hãng tài chính Lake, đã cho mở các kiosk cho vay tự động khắp nơi trên đất Nhật Bản từ cuối những năm chín mươi. Bạn chỉ cần dừng xe, chìa bằng lái hoặc một loại chứng minh thư để có thể được kiểm tra mức khả tín, ký một hợp đồng và trong vòng một tiếng đồng hồ, bạn có thể được vay tiền. Dân chủ hóa tài chính là như thế đấy.

Dân chủ hóa thông tin.

John Burns là Trưởng phân xã tờ The New York Times tại New Delhi cuối những năm chín mươi. Tôi tình cờ đến thăm anh vào mùa hè năm 1998, lúc đó là trong thời gian World Cup, và Burns lúc nào cũng dán mắt vào màn hình TV xem đá bóng. Một buổi sáng Burns kể cho tôi câu chuyện này: “Chúng tôi cho lắp bốn ăng ten chảo trên nóc nhà, chi phí tờ Times phải chịu lên đến hàng ngàn đô-la mỗi năm. Cứ như là chúng tôi có trạm viễn thông chuyên dụng vậy. Thế nhưng tôi thật chán vì ngay cả khi có tới bốn “chảo” mà không thể bắt được kênh truyền hình Ấn Độ đang tường thuật World Cup. Hình như có điều gì liên quan tới thời tiết làm nhiễu sóng hay là vị trí ăng ten; người kỹ thuật viên làm chuyện đó thỉnh thoảng mới vác xác đến. Tôi đem chuyện này phàn nàn trong một bữa ăn sáng và Abdul Toheed, đầu bếp bảy mươi mốt tuổi, con người thời trẻ đã làm thợ đánh giày trong quân đội Anh tại Ấn Độ, nói với tôi: “Không hiểu anh phàn nàn về chuyện gì. Tôi dò được tất cả các kênh trên TV của tôi. Anh phí không biết bao nhiêu tiền vào mấy cái ăng ten vệ tinh của các anh. Đến chỗ tôi đi!” Ông ta và bà vợ sống ở nếp nhà nhỏ phía sau ngôi nhà của tôi. Thế là tôi sang, và thấy vợ ông đang nghe đài BBC. Tôi hỏi ông ta: ‘Bà nhà đang làm gì vậy? Bà ấy có nói được tiếng Anh đâu. Ông đáp: “Bà đang học”. Rồi ông ta đưa cho tôi cái điều khiển từ xa. Tôi sửng sốt khi dò từ kênh thứ nhất tới kênh hai mươi bảy. Ông ta có chương trình đến từ Trung Quốc, Pakistan, Australia, Ý, Pháp - toàn bộ như vậy mà ông chỉ phải trả một trăm năm mươi rupee một tháng (3.75 đô-la). Trong khi đó, với bốn ăng ten chảo, tôi chỉ được có mười bốn kênh. Đầu bếp của tôi đã nhờ một người bạn, buôn bán một hệ thống phát lậu truyền hình cáp quang, mắc một đường dây vào đằng sau nhà, một hành động phi pháp. Nhưng nó giúp ông tiếp xúc với hình ảnh của cả thế giới và vợ ông được học tiếng Anh, trong khi tôi vẫn tiếp tục phải vật lộn dò tìm kênh truyền hình Ấn Độ”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx